Bạn đang đọc Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm – Chương 36: Bánh Hấp Canh Cá
Bữa cơm này ăn quá no, Hà Điền và Dịch Huyền gần như cả đêm không ngủ được, cũng không biết ai là người đề nghị trước, hai người trèo lên trên gác, quyết định ngủ trưa.
Sau khi tỉnh dậy, Hà Điền vội vàng kiểm tra thời gian, đã hơn ba giờ chiều.
Lúc này, đầu óc cô cuối cùng cũng tỉnh táo lại.
Dịch Huyền vẫn còn đang quấn trong chăn bông ngủ ngon lành.
Có lẽ là do cả đêm không ngủ, vừa lạnh vừa mệt, sáng ra còn tranh thủ làm cả buổi sáng, sợ là đến khi mặt trời lặn Dịch Huyền mới có thể dậy nổi.
Hà Điền nhẹ nhàng trèo xuống gác, Lúa Mì ngay lập tức chạy đến vòng quanh quanh chân cô mừng rỡ.
Cô mang theo Lúa Mì ra ngoài.
Đầu tiên, cô mở hầm, lấy ra hai con cá vừa câu được hôm trước, sau đó đến hầm khoai lang chọn ra một rổ khoai căng mọng nhất.
Với nhiệt độ hiện tại của hầm, cá tươi có thể bảo quản được khoảng ba đến năm ngày.
Nếu nhiệt độ nóng hơn, hiệu quả bảo quản có thể sẽ không còn được như bây giờ nữa.
Nhưng Hà Điền đã sớm bỏ vào hầm mấy vại băng đá, dù giữa mùa hè, hầm vẫn có thể dùng làm tủ lạnh, thịt cá vừa bắt về sẽ không bị hư ngay.
Cá sẽ được dùng cho bữa tối, còn khoai lang thì để chuẩn bị cho vụ gieo trồng tiếp theo.
Hà Điền đi đến một nhà kho, lấy ra một số thứ.
Có hơn ba mươi chiếc cốc gốm, mỗi chiếc đều có một sợi dây rơm để làm xách tay.
Ngoài ra còn có rất nhiều que tre.
Hà Điền đem khoai lang đến bên bờ suối, ngâm cả rổ trong dòng nước chảy, nước suối trong vắt lạnh lẽo nhanh chóng rửa sạch củ khoai.
Hà Điền lại lựa chọn ra những củ khoai lang chất lượng nhất trong số đó, cắt thành những miếng dày 3 hoặc 4 cm, sau đó cắm vài que tre bên ngoài củ.
Tiếp đó, cô dựa theo que tre mà cắt từng miếng khoai lang ra, cho vào cốc gốm, đặt que tre sao cho củ treo trên miệng cốc, nửa lộ ra ngoài và nửa ở trong cốc.
Tất cả cốc đều được Hà Điền đặt trên bàn dưới bệ cửa sổ, bây giờ, chiếc bàn chỉ còn dư lại một nửa.
Tiếp theo, Hà Điền đổ đầy nước vào tất cả các cốc, sao cho ít nhất một nửa số khoai lang treo trong cốc được nhúng vào nước.
Với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ ấm áp, nội trong vài ngày hoặc hai ba tuần sau củ sẽ nảy mầm.
Khoai lang là loại cây ưa ấm nên trồng muộn hơn các loại cây trồng như khoai tây.
Khi củ nảy mầm, mọc cao vài cm thì tách mầm này ra, đây là khoai lang giống.
Lúc này khoai lang chưa mọc rễ, nhưng ngâm trong cốc hai ba ngày thì nó sẽ bén rễ, sau đó chọn ngày nắng ráo đem ra cấy ở ngoài trời.
Từ khi cắt thành khúc, ngâm ủ đến khi trồng vào đất, tính từ hôm nay thì thời gian cũng phải đến một tháng.
Sau khi Hà Điền làm xong, cô nhẹ nhàng leo lên gác xem thử, Dịch Huyền vẫn còn chưa tỉnh.
Cô ngâm một chén kê và một ít táo đỏ, cắt thịt hai bên con cá thành từng miếng dày 1 cm, ướp với nước tương và đường, nghĩ một chút, rồi lại cho thêm vài quả ớt.
Lúa Mì ngửi được mùi tanh của cá, nó đã thèm thuồng hồi lâu, nhưng Hà Điền không lên tiếng, nó cũng không dám phát ra tiếng động, chỉ có thể dùng đôi mắt đen nhỏ nhìn cô chằm chằm, cái đuôi nhỏ gõ gõ xuống sàn.
Hà Điền cho đầu và xương cá còn lại vào nồi đất, đun sôi với nước, để nguội một chút rồi cho vào tô sành lớn, cạo sạch thịt cá rồi đặt vào chén của Lúa Mì.
“Ăn đi.” Cô nhẹ nhàng nói.
Lúa Mì ngay lập tức chạy đến, vùi đầu vào chén gừ gừ ăn, chỉ mấy miếng là nó đã ăn xong, rồi lại không ngừng liếm mạnh vào chén, đáy chén bị nó làm cho nghiêng qua nghiêng lại, chạm vào sàn nhà kêu lạch cạch.
Hà Điền sợ Lúa Mì quá nhỏ sẽ bị mắc xương cá, nhưng bây giờ nó không thể chỉ ăn mỗi thịt được, cô cẩn thận nhớ lại những năm đó bà mình đã nuôi Lúa như thế nào, rồi nhớ ra bà từng mài một số ngũ cốc làm thành bột.
Những loại ngũ cốc này sau khi được mài ra và rang lên sẽ được ăn như lương khô.
Hà Điền bèn chắt phần canh cá còn lại trong nồi đất đổ vào một cái chậu nhỏ, khuấy đều với bột ngũ cốc rồi thêm một chút men, nhào thành bột.
Cá tuyết sông không có mùi tanh, còn là cá tươi, nước canh nấu rất thơm, Lúa Mì lâu lâu ngửi thấy mùi thơm, thấy Hà Điền nhào bột nó lại tưởng là cho mình, nên ngồi dưới chân cô đợi.
Không ngờ, đợi một lúc lâu, cô chủ đặt chậu lên bệ bếp, đứng dậy bảo nó cùng ra ngoài.
Đi ra ngoài! Đi ra ngoài cũng vui lắm! Cái kẻ to xác mà nó gặp hồi sáng cũng rất vui!
Lúa Mì đi theo sau Hà Điền, vừa ngoắc đuôi vừa chạy vào rừng.
Trong rừng còn thú vị hơn!
Đối với một con chó con, đây chính là một sân chơi!
A, cái kẻ to xác kia cũng ở đây nè.
Thấy Gạo, Lúa Mì lại sủa trêu chọc nó, nó sủa một hồi dưới chân Gạo rồi chạy lên trước mặt nhảy lung tung, nhưng Gạo cũng chẳng thèm đoái hoài đến người bạn mới này, nó làm ngơ, cúi đầu không ngừng gặm cỏ non, lá mới.
Khu rừng mùa xuân này chính là sân chơi của Lúa Mì và là nhà hàng buffet sang trọng phục vụ cho Gạo.
Hà Điền xách một cái giỏ tre nhỏ, tìm nấm thông dưới tán thông.
Mấy ngày hôm trước có một trận mưa.
Khi thời tiết ấm áp, những lá thông tích tụ quanh năm dưới tán thông sẽ trở thành luống ấm cho các loại nấm sinh sôi.
Chất mùn của lá thông chứa đầy chất dinh dưỡng, sau khi tuyết mùa xuân tan, nhiều cây nấm nhỏ sẽ mọc lên dưới ánh nắng mặt trời.
Có hai loại phổ biến, một loại màu đen xám, giống như một chiếc ô gập lại và có cán dài, loại còn lại là loại ô nhỏ màu trắng, nhưng bề mặt ô dường như bị gió mạnh lật ngược, có tâm trũng xuống, tay cầm mũm mĩm.
Cả hai loại nấm này đều ngon, dù là đem xào hay nấu canh.
Hà Điền thích hương vị của nấm màu xám, còn Dịch Huyền thì thích ăn nấm trắng, anh nói hương vị của nó giống như vị của con bào ngư mập mạp.
Hà Điền mang theo Lúa Mì, không chỉ để tránh nó đánh thức Dịch Huyền ở nhà, mà còn để cho nó làm quen với khu rừng càng sớm càng tốt, hơn nữa nó còn phải học cách làm việc.
Những cây nấm mà Hà Điền hái được đặt dưới mũi của Lúa Mì để nó đánh hơi.
Vỗ nhẹ lên cái đầu nho nhỏ của nó, cô nói: “Đi tìm những thứ này đi.”
Lúc đầu, Lúa Mì không hiểu cô chủ đang muốn nó làm gì, đem những cây nấm này cắn nát bấy, nhưng Hà Điền đã dắt nó từ cây thông này sang cây thông khác, khi nhìn thấy những chiếc ô nhỏ đó thì ngồi xổm xuống, vui vẻ hái chúng rồi đưa cho nó xem, sau đó bỏ vào trong giỏ.
Lặp lại điều này hai ba lần, rốt cuộc thì Lúa Mì cũng đã hiểu.
Nó chạy trong rừng thông, cái đuôi vàng nhỏ vung vẩy sau lưng, khi tìm thấy cây nấm dưới gốc thông, nó ngẩng đầu lên sủa vài tiếng.
Lúc đầu, nó cố gắng giúp cô chủ moi những chiếc ô nhỏ này lên, nhưng cô chủ đã nhanh chóng ngăn nó lại, sau đó nó hiểu rằng chỉ cần giúp cô chủ tìm thôi, nó không cần phải moi lên.
Hà Điền dùng một chiếc kéo tre để cắt nấm.
Hai đầu của một khúc tre dai được vuốt thành một lưỡi cắt mỏng và sắc, sau đó hơ trên lửa và uốn thành hình chữ U, chỉ cần nhấp ở giữa là có thể cắt được phần thân mềm của nấm.
Làm vậy sẽ không làm thương tổn đến rễ của nấm, nó sẽ sớm mọc trở lại.
Nếu gặp những cây nấm có phần cuống to thì phải dùng dao tre, còn nếu không được nữa thì nhổ luôn cây nấm lên, sau khi cắt gốc thì vùi lại vào đất để nấm mới mọc trở lại.
Với sự trợ giúp của Lúa Mì, Hà Điền nhanh chóng hái được rất nhiều nấm thông.
Mỗi khi Lúa Mì tìm thấy nấm thông, cô sẽ xoa cổ và đầu của nó để thể hiện sự động viên và khen ngợi.
Những cây nấm thông này được đặt trong một cái rọ, một nửa ngâm vào trong suối núi, rửa sạch cát bụi, sau đó được Hà Điền đặt vào một chiếc phên tre để phơi khô.
Nấm thông phơi khô có thể bảo quản được lâu và là một trong những loại ngũ cốc dự trữ chuẩn bị cho mùa đông.
Hái nấm thông là công việc tốn nhiều thời gian, năm ngoái cô hái không được nhiều, chỉ được vỏn vẹn mấy cây nấm.
Lúc này đã gần sáu giờ, trời sắp tối, bột nhào với canh cá trên bếp cũng đã nở to gấp đôi so với lúc trước.
Cô cho một ít dầu ngỗng vào bột rồi nhào thật kỹ, trong bột ngũ cốc trộn lẫn rất nhiều loại hạt như kê, đậu nành, đậu đỏ, yến mạch, lúa dại và một ít bột mì nên bột làm ra có màu đỏ nâu.
Hà Điền ngắt một viên bột nhỏ, đặt trong lòng bàn tay vo nặn rồi đặt vào lồng hấp.
Chẳng mấy chốc, lồng hấp đã xếp đầy những chiếc “nón nhỏ” có đầu tròn.
Hà Điền cho hạt kê và táo đỏ đã ngâm lúc chiều vào nồi đất để nấu cháo, đặt lồng hấp lên nồi, đậy kín nắp rồi nhét một nắm cỏ khô và hai khúc củi vào trong bếp.
Một lúc sau, cháo sôi lên, mùi bột bốc lên từ lồng hấp.
Hà Điền tính toán thời gian, cùng Lúa Mì đi dắt Gạo về nhà, dọn dẹp chuồng cho Gạo.
Khi cô quay lại, Dịch Huyền đã tỉnh, đang đứng trước bếp khuấy cháo, lồng hấp cũng được nhắt xuống, nhưng…
“Sao cô lại ăn nó?” Hà Điền nhìn Dịch Huyền một tay đang khuấy cháo một tay cầm bánh hấp, rồi lại nhìn xuống Lúa Mì đang ngẩng đầu lên liếm miệng.
Dịch Huyền ngay lập tức hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh bật cười, ngồi xổm xuống xoa đầu Lúa Mì: “Xin lỗi nhé!” Sau đó nói với Hà Điền: ”Nó ngon lắm! Cô cũng thử một cái đi?”
Bữa tối của họ là cháo kê, cá phi lê xào với nấm, và bánh khô phủ thịt muối thái nhỏ mà Hà Điền đã làm cho Dịch Huyền trước đó.
Không có gì lạ khi Dịch Huyền nhầm tưởng rằng bánh trong chiếc lồng hấp này là dành cho họ.
Sau khi hấp chín, bánh hấp có màu tím đậm, có lẽ là do màu của lúa dại cuối cùng cũng chiếm ưu thế hơn, và do bột mì được trộn với canh cá và thêm mỡ ngỗng nên không chỉ có mùi thơm mà nó còn trông rất ngon, da bánh bóng lưỡng, dùng tay nhấn một cái thì khẽ rung lên, từng chiếc một, nhỏ nhắn và tinh xảo.
Có ai mà nghĩ đến nó được nấu là để dành cho chó ăn đâu kia chứ!
Trên bàn bây giờ đều là những chiếc cốc gốm đựng đầy những khối khoai lang, Hà Điền và Dịch Huyền chỉ có thể ngồi ở một bên bàn trước cửa sổ, vừa ăn vừa mong chờ những khối khoai lang trơ trụi này nhanh chóng nảy mầm.
“…!Sau khi lá khoai lang mọc ra chúng ta có thể ăn nó như một loại rau! Lặt đọt khoai xào với thịt vịt rừng, hoặc luộc rồi trộn với dầu óc chó và muối…” Hà Điền uống cháo: “Mùa xuân chính là mùa được ăn rau tươi!”
Bên bếp lò, Lúa Mì cũng đang thưởng thức đồ ăn thơm phức, Hà Điền ngâm bánh với một chút nước nóng cho mềm, lại thêm một ít cá sống cho nó.
Hà Điền nói đúng, mùa xuân là mùa ăn rau tươi.
Dương xỉ đã mọc nhiều lắm rồi.
Chúng mọc ở bãi cỏ, trên vách núi, có khi mọc thành tán lớn ở kẽ nứt của đá.
Chồi của cây dương xỉ vừa mới mọc có màu xanh non mềm, xoắn thành hình đuôi phượng, trên ngọn có một ít quầng màu vàng nhạt, bẻ nhẹ một cái thì sẽ gãy ngay.
Hà Điền rất thích độ giòn của thân cây, khi hái còn cố tình ngắt lâu hơn một chút.
Cô nói với Dịch Huyền, lúc nhỏ xem trong sách cổ trang thấy những cô gái đeo đầy trang sức ở trên đầu rất xinh đẹp, cô rất hâm mộ, vì vậy đã lấy những cành dương xỉ cấm lên tóc của mình, nói là “trâm ngọc bích”.
“Có cả xơ mướp nữa! Không phải sợi sơ của nó rất xoăn sao? Nếu kéo nó ra là thành “tơ phượng hoàng” rồi!” Hà Điền kể về câu chuyện thời thơ ấu thú vị của mình, lại hỏi Dịch Huyền: “Còn cô? Lúc nhỏ cô có vậy không?”
Dịch Huyền cười nhạt, lắc đầu một cách dứt khoát: “Không có.”
Hà Điền thở dài: “Chung quanh đây không có cô gái nào bằng tuổi tôi cả, cô cũng vậy sao?”.
Bạ???? có biết t????a????g t????????yệ???? # ???? R????????????R????YỆN﹒v???? #
“…” Dịch Huyền bậm môi: “Không có.”
Dương xỉ sau khi hái được cho vào một cái rọ tre, nhúng trực tiếp cái rọ vào dòng suối trên núi rồi để nước suối rửa sạch.
Dương xỉ tươi chần qua nước sôi sẽ hết vị chát, không trộn với dầu hay muối vẫn giòn, thơm, xào với thịt khô thì có hương vị khác hẳn, sau khi cho vào trong dĩa thì màu sắc trông cũng rất đẹp, rau dương xỉ có màu xanh như ngọc bích, kết hợp với màu đỏ tươi của thịt khô.
Có thể hái nhiều dương xỉ một chút, cho vào vại sành, rắc muối tinh rồi đem đi chôn, có thể bảo quản đến mùa đông.
Vào những ngày tuyết bay, mở vại rau muối ra, món ăn tuy mất đi độ giòn và trở nên mềm nhũn nhưng vẫn giữ được ba phần màu sắc và bảy phần hương vị.
Lúc này trong vại có rất nhiều nước, tất cả đều là phần nước từ trong rau dương xỉ muối chảy ra.
Vớt rau dương xỉ đã mềm như sợi mì ra, ngâm vào trong chậu nước sạch, để đến ngày hôm sau, sau đó vắt ráo, xào với món gì cũng ngon.
Đó chính là hương vị của mùa xuân đã được lưu giữ suốt cả một năm!
Năm ngoái Hà Điền không thu hoạch đủ lông chồn nên đổi ít muối hơn bình thường, mùa xuân cũng không có nhiều thời gian để đi hái rau dương xỉ, vì vậy không có rau dương xỉ muối để dành.
Không có muối thì không thể làm được nhiều món ngon.
Chẳng hạn như trứng vịt muối.
Có nhiều cách để ngâm trứng vịt muối, có người thích ướp trực tiếp trứng vịt vào nước muối nồng độ cao, có người lại phủ bùn lên vỏ trứng.
Phương pháp mà Hà Điền dùng là phương pháp sau.
Bùn là bùn đen trộn với bã than, trộn với nhiều muối, mùn cưa và một lượng nước đun sôi thích hợp – về khâu này, bà cô bảo nhất định phải dùng nước sôi.
Trứng nếu không được ngâm kỷ sẽ bốc mùi hôi.
Đáng sợ hơn là, ăn chúng vào sẽ còn bị tiêu chảy.
Sau khi trét bùn lên trứng vịt, trứng ngỗng xong, đợi khô được một nửa thì lăn chúng trong lá thông.
Trứng bọc lại to gấp hai lần ban đầu, cho lần lượt vào hũ, cuối cùng đậy kín hũ bằng bùn và đặt ở nơi thoáng gió.
Sau khi ngâm vài tuần, phải mở ra xem.
Nếu nhìn thấy những con giòi nhỏ li ti trên đất của trứng vịt muối thì chắc chắn đã thất bại, còn nếu ngược lại, khả năng thành công là rất cao.
Tiếc nuối lớn nhất đối với Hà Điền là mùa đông năm ngoái không ăn được trứng muối, nên sau khi muối rau dương xỉ xong, cô còn muối luôn hai hũ trứng vịt.
Mùa xuân chỉ mới bắt đầu, còn có thể nhặt được nhiều trứng hơn nữa, đến lúc đó có thể làm nhiều thêm vài hũ..