Cuộc Gọi Từ Thiên Thần

Chương 33: Các nhân chứng


Đọc truyện Cuộc Gọi Từ Thiên Thần – Chương 33: Các nhân chứng

“Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ có thể đề nghị áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với một nhân chứng trong một vụ kiện liên quan đến hoạt động tội phạm các tổ chức, nếu cho rằng nhân chứng có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực và hăm dọa.”

ĐIỀU 3521 KHOẢN 18

LUẬT LIÊN BANG HOA KỲ

Lạnh buốt vì ngồi quá lâu trên băng ghế, Madeline và Danny tiếp tục dạo bước dọc bờ kè. Bất chấp cái lạnh, hai bờ sông East không hề vắng vẻ. Một nhóm các ông lão mang theo nào vợt cá, nào xô nhựa và cần câu đang lấy làm mừng rỡ vì đã tìm ra một góc nhiều cá ngay đối diện đường chân trời Manhattan rồi liên tục trút ra nào cá sói vằn, nào cá bơn lá mít và cá bơn lưỡi bò. Họ nói đủ thứ tiếng: Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha… Một thứ ngôn ngữ lẩu thập cẩm tiện gì nói nấy.

– Ban đầu, Danny giải thích, anh trả lời Alice rằng ý tưởng của con bé về “Chương trình bảo vệ nhân chứng” thật là ngây thơ và không thể thực hiện. Anh không có gì để đổi chác, không có một nước cờ nào khả thi trong trò chơi này cả. Nhưng con bé vẫn nài nỉ: “Con chắc chắn là bố có thể sử dụng những kẻ đã khiến bố mắc kẹt trong cuộc đời này.” Nhận xét ấy có cái lý riêng của nó. Dạo đó ở Mỹ chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống và cuộc chiến chống ma túy và là một trong những chủ đề của chiến dịch tranh cử. Tất cả các ứng viên đều nhắc tới Mexico nơi cuộc chiến giữa các cartel ma túy đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Dân Mỹ lo ngại về tình trạng mất an toàn leo thang gần biên giới. Sư kiện Obama trúng cử đã tạo nên một bước ngoặt khi tân tổng thống thừa nhận trách nhiệm của nước mình trong việc buôn lậu chất gây nghiện với tư cách là quốc gia tiêu thụ chính. Thậm chí trước khi nhậm chức, ông đã gặp người đồng nhiệm Mexico và hai nước đã tái khẳng định mục tiêu theo đuổi một cuộc chiến không khoan nhượng với nạn buôn lậu ma túy. Đó là một vấn đề mang tính thời sự cao trong nhiệm kỳ tổng thống của ông: Washington không hề muốn ở ngay sát bên một nước buôn lậu ma túy.

– Chuyện đó thì có gì liên quan tới anh? Madeline hỏi. Rửa tiền chăng?

– Cách đây mười lăm năm, hồi còn học ở California, anh đã gặp Jezebel Cortes cũng là sinh viên của trường.

– Con gái của người đứng đầu cartel phải không? Tên cô ta nhan nhản trên các báo cùng với phiên tòa xét xử.

– Bọn anh vẫn giữ liên lạc từ ngày đó. Hai đứa có chung một quá khứ gia đình khá nặng nề. Bọn anh hiểu nhau vì cùng thân phận con tội phạm.

– Càng hiểu nhau hơn khi mỗi người lại thừa kế sản nghiệp từ bố mình chứ gì…

– Jezebel không để tay mình nhúng máu trực tiếp đâu. Cô ta là kế toán của tổ chức. Một người đàn bà quyền lực kín đáo và thông minh suốt nhiều năm liền đã rửa hàng triệu đô la thu về từ ma túy bằng cách kê khai vào những hoạt động hợp pháp.

– Anh có cách trình bày sự việc khá kỳ lạ đấy…

– Năm này qua năm khác, khi cuộc chiến chống tiền bẩn trở nên quyết liệt hơn, các băng nhóm buôn bán ma túy càng gặp nhiều khó khăn trong việc rửa tiền thông qua các ngân hàng và các quốc gia được coi là thiên đường thuế khóa. Jezebel đã buộc phải quay ra tìm kiếm những hoạt động khác và những kẻ môi giới khác.

– Chính vì thế mà cô ta nhờ vả anh…

– Đúng vậy, suốt năm năm liền, anh đã đứng tên thay cô ta đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn. Anh biết các nhân viên sở thuế Mỹ luôn cố bắt giữ cô ta, nhưng bọn anh tiến hành mọi việc hết sức thận trọng. Khi Alice nhắc đến Chương trình bảo vệ nhân chứng, anh đã yêu cầu luật sư liên hệ với phòng điều tra của Cơ quan Thuế vụ Mỹ.


– Anh đã đề xuất với họ một giao kèo?

– Phán quyết trắng án dành cho anh cùng một nhân thân mới cho hai bố con anh đổi lấy lời khai làm chứng cho phép tóm gọn Jezebel Cortes. Họ đang cố hết sức bắt giữ cô ta trên đất Mỹ để có thể tiến hành tịch biên tài sản: các tài khoản ngân hàng, khoảng một trăm căn hộ, các tổ hợp khách sạn, các phòng thu đổi ngoại tệ cùng các hãng bất động sản trên khắp California.

– Họ đã dễ dàng chấp thuận?

– Không, nhưng Quốc hội sắp sửa thông qua một gói cứu trợ khổng lồ trị giá một tỷ đô la cho Mexico. FBI cần một vụ bắt bớ tượng trưng để gạt bỏ thái độ dè dặt trong dư luận. Vụ việc được trình lên đến Bộ trưởng Tư pháp, ông này rốt cuộc đã tiến tới một thỏa thuận với MI6.

– Là Mật vụ Anh sao?

– Chính họ đã đưa Alice đi bằng cách dàn dựng từ đầu chí cuối như một vụ bắt cóc. Tất nhiên là để sau đó anh được gặp lại con bé.

Madeline bỗng cảm thấy rã rời: suốt nhiều tháng trời, cô đã cố gắng điều tra một vụ án mà sở Mật vụ cố tình dập tắt. Mọi chuyện đã trở nên sáng tỏ: những chiếc camera chất lượng tồi, thiếu hụt các dấu hiệu, nhưng lời chứng giả và mâu thuẫn nhau. Giá kể cô có điều tra thêm mười năm nữa thì cũng không thể tiến triển thêm chút nào. Hoặc giả cô cũng sẽ nhận lấy kết cuộc như Jim, “tự tử” tại phòng làm việc…

Một cơn điên giận xâm chiếm Madeline. Cô cố kiềm chế cảm xúc nhưng vô ích:

– Tại sao anh lại đối xử với tôi như vậy hả Danny? Tại sao anh lại khiến tôi tin rằng anh vẫn đang tìm kiếm cô bé, tại sao lại gửi cho tôi quả tim của nó?

– Vừa đến Manhattan thì Alice đã không còn phản ứng với thuốc. Chứng suy tim của con bé trở nên trầm trọng hơn. Anh rất lo: con bé chỉ có một thân một mình, mệt mỏi thì mỗi lúc một thường xuyên hơn, hết cúm lại đến viêm phế quản. Chỉ có phẫu thuật ghép tim mới cứu được con bé. Anh đã gây sức ép với FBI: không có chuyện ra làm chứng nếu con gái anh chết. Họ đã xoay xở để đưa con bé vào danh sách ưu tiên nhận tim cấy ghép và cuộc phẫu thuật diễn ra rất nhanh chóng trong một bệnh viện tại New York. Đó là quãng thời gian chẳng dễ dàng gì cho con bé…

– Nhưng tại sao anh lại gửi cho tôi quả tim của nó? Madeline gặng hỏi.

– Không phải anh, mà là những người bảo vệ hai bố con anh. Bởi vì em đã trở nên phiền phức, Madeline ạ, hắn thú nhận bằng cái giọng khản đặc vì thuốc lá. Em chọc trời khuấy nước để tìm kiếm Alice. Cuối cùng em lại liên hệ tới anh. MI6 hoảng lên. Chính họ đã nảy ra ý tưởng gửi quả tim. Để đóng hồ sơ này.

– Vậy Bishop đóng vai trò gì?

– Bishop chỉ tình cờ xuất hiện đúng lúc thôi. Sở Mật vụ thừa biết rằng một ngày nào đó sẽ xuất hiện một gã biến thái tự nhận tội ám sát Alice. Chỉ là chuyện đó xảy ra sớm hơn so với dự kiến. Sau đó, như đã thỏa thuận, vài tháng sau khi Alice “mất tích”, anh dàn dựng cái chết cho riêng mình rồi tới New York gặp con bé.


– Anh đã giết em trai mình ư!

– Không, Jonny đã tự giết mình đấy chứ. Em thừa biết nó mà: một kẻ ý chí cùn mòn bị ma túy hủy hoại dần, một con bệnh tâm thần và một kẻ sát nhân. Anh đã lựa chọn và Alice là lựa chọn ưu tiên của anh. Những ai muốn can thiệp vào chuyện đó đều phải trả giá.

– Miễn cho tôi bài diễn văn của anh đi, tôi thuộc lòng rồi! Còn Jonathan? Làm thế nào mà anh ấy lại gặp đúng bố con anh?

– Trong kỳ nghỉ Giáng sinh tiếp đó, Alice và anh đã tới Côte d’Azur nghỉ vài ngày. Sau khi được phẫu thuật, Alice không khỏi gõ tên chính mình trên các công cụ tìm kiếm để xem cuộc điều tra về “vụ bắt cóc” con bé đã xoay chuyển thế nào. Nó đã tìm thấy những bài báo viết về em, về vụ tự sát không thành của em, Con bé muốn biết họ tiết lộ sự thật cho em biết, nhưng Blythe Blake, nữ mật vụ phụ trách bảo vệ bố con anh, đã từ chối. Alice không bằng lòng với chuyện đó. Khi bọn anh đến Pháp, con bé định trốn tới Paris để gặp em, nhưng đặt chân tới Paris rồi, con bé lại không muốn đẩy bọn anh vào chỗ nguy hiểm, và chính vào thời điểm đó con bé đã gặp Jonathan Lempereur.

Tim Madeline thắt lại. Alice không chỉ biết đến sự tồn tại của cô mà còn tìm cách liên lạc với cô.

– Kể từ quãng thời gian đó, FBI và hải quan đã lưu tên hai người trong hồ sơ của họ và tín hiệu báo động sẽ tự động được phát đi nếu một trong hai người đặt chân tới Mỹ. Tối qua, người ta báo với Blythe Blake rằng cả hai người đều đang có mặt tại New York. Chuyện này không thể là một sự tình cờ. Anh đã đề nghị cô ta lập mưu dụ em đến đây.

– Để bắt tôi câm miệng chứ gì?

– Không đâu Madeline, để em giúp anh.

– Giúp anh chuyện gì?

– Tìm ra Alice.

Được bố trí như một văn phòng cải dụng, căn hộ nhô cao trên cả ga ra lẫn kè sông. Tì trán vào khung cửa kính, mật vụ Blythe Blake không rời mắt khỏi Danny và Madeline. Cô ta chỉ trả lời qua loa những câu hỏi của Jonathan và vẫn hoàn toàn tập trung và nhiệm vụ được giao: canh chừng và bảo vệ nhân chứng. Anh chàng người Pháp chăm chú quan sát người phụ nữ kỳ lạ mang vẻ đẹp kiêu sa quý phái. Cô có mái tóc màu vàng hoe và vẻ thanh lịch lạnh lùng thường thấy ở các nhân vật nữ chính trong phim của Alfred Hitchcock. Vóc dáng thắt đáy lưng ong, quần bó màu đen, bốt dài buộc dây và áo da ngắn khoác ngoài cổ lọ. Những chiếc cặp tăm gom tóc lại thành búi tròn vo. Khi nhìn nghiêng, người ta chỉ có thể bị các đường nét thanh tú và cái nhìn tinh tế của cô quyến rũ.

Ngay đến vết sẹo kia cũng có vẻ gì đó quyến rũ. Không những chẳng hề khiến mặt cô xấu xí đi, vết sẹo dài trên mặt còn mang lại một vẻ “mê hoặc” hẳn sẽ khiến nhiều đàn ông cảm thấy hứng thú.

– Hẳn là người ta phải thường xuyên đặt cho cô câu hỏi này…, anh mở lời.


Vẫn chĩa ống nhòm về phía Danny, cô ta trả lời Jonathan với giọng đều đều:

– Một mảnh đạn súng cối tại “tam giác tử thần” ở Irak. Chỉ cần chệch thêm ba milimet nữa thôi là tôi mất một con mắt rồi…

– Chuyện đó xảy ra khi nào vậy?

– Cách đây tám năm. Tôi đã tình nguyện nhận nhiệm vụ. Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ làm như thế.

– Cô đã phục vụ trong quân đội một thời gian dài?

– Tôi là một nhân viên của chính phủ: hồ sơ của tôi phải được giữ bí mật.

Vì anh gặng hỏi nên rốt cuộc cô ta cũng buột miệng:

– Sau khi bị thương tôi đã rời lực lượng hải quân. Tôi ở lại Quantico[1] hai năm rồi thực hiện các nhiệm vụ mật trong hàng ngũ Lực lượng chống ma túy DEA trước khi chuyển sang làm mật vụ.

[1]. Căn cứ quân sự, trụ sở học viện đào tạo và huấn luyện của FBI.

– Cô phải thực hiện những nhiệm vụ đó ở đâu?

– Nghe này, anh bạn, tôi mới là người đặt câu hỏi, OK?

– Nếu một gã nào đó gặp tại tiệc tối quan tâm tới cô thì cô cũng trả lời như vậy sao?

Cô ta bèn nổi cáu:

– Giờ không phải là tiệc tối và xin báo để anh biết, anh không phải mẫu người tôi quan tâm.

– Vậy mẫu người nào mới khiến cô quan tâm? Những gã như Danny chăng?

– Sao anh lại nói vậy? Anh đang lo cho cô bạn gái của anh chứ gì?

– Còn cô? Những kẻ sát nhân mới khiến cô phê à?


– Vẫn còn hơn những ông bố trong gia đình, đúng vậy, cô ta khiêu khích anh. Nhưng nếu anh muốn biết mọi chuyện thì công việc của tôi là trông chừng Danny chứ không phải ngủ với anh ta.

Tai nghe gắn chặt trên tai, cô ta thét bảo ra lệnh cho hai đặc vụ canh gác phía dưới tập trung cảnh giác hơn nữa.

– Cô nghĩ Danny có thể bị băng nhóm Mexico thủ tiêu không?

– Chuyện đó đâu phải là không thể xảy ra, nhưng tôi không tin lấy một giây.

– Tại sao?

– Bởi lẽ, xét theo cách nào đó thì anh ta đã làm chứng rồi.

Lần này thì Jonathan không còn biết phải hiểu thế nào:

– Cách đây năm phút, cô bảo tôi rằng buổi lấy cung dự kiến vào tuần sau kia mà!

Blythe giải thích rõ hơn:

– Đúng như luật cho phép trong những trường hợp như thế này, Danny đã thu âm sẵn lời khai trước cả khi phiên tòa khai mạc. Một buổi làm chứng được ghi hình với sự chứng kiến của một thẩm phán và một luật sư vẫn có thể dùng để kết án Jezebel Cortes.

Jonathan bắt đầu hiểu ra:

– Vậy là, ngay cả khi Danny có bị hạ sát ngày hôm nay…

– … thì cuộn băng kia cũng đủ để kết án trùm buôn lậu ma túy, Blythe xác nhận. Hy vọng duy nhất của cartel ma túy đó là Danny thay đổi lời khai vào đúng ngày diễn ra phiên xét xử.

– Nhưng tại sao anh ta lại phải làm vậy?

– Vì cái này, Blythe đáp.

Nữ mật vụ dùng điều khiển từ xa bật một màn hình phẳng lớn treo trên tường và cho phát một đoạn băng video.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.