Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất

Chương 11 : Một trăm dặm dưới mặt đất


Bạn đang đọc Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất: Chương 11 : Một trăm dặm dưới mặt đất


Sáng hôm sau thức dậy, tôi đảo mắt nhìn quanh. Chỗ nằm của tôi được lót bằng tất cả chăn của đoàn thám hiểm. Tôi đang ở trong một cái hang tuyệt đẹp với nền cát mịn, nhũ đá tráng lệ. Trong hang tuy không có đèn nhưng được chiếu sáng bằng những ánh sáng kỳ lạ bên ngoài rọi vào qua khe hẹp ở cửa hang. Ngoài kia hình như có tiếng rì rào của gió hay của sóng vỗ lên bãi cát?
Tôi không hiểu mình đang tỉnh hay mơ? Dù sao sự thật quá rõ ràng, tai tôi không thể nghe lầm, mắt tôi không thể nhìn lộn. Ánh sáng lọt qua khe đá, chiếu vào đây là ánh sáng ban ngày. Tiếng vi vu kia là tiếng gió thổi nhẹ. Tiếng rì rào ấy là tiếng sóng vỗ bờ. Phải chăng cuộc thám hiểm đã kết thúc tốt đẹp và chúng tôi đã quay trở lại mặt đất?
Tôi đang loay hoay với những câu hỏi không giải đáp được thì giáo sư bước vào.
– Chào Axel! – giáo sư vui vẻ nói – Chú đoán chắc là cháu đã bình phục!
– Thưa chú, cháu khỏe rồi ạ! – nhỏm người dậy, tôi nói.
– Ừ, cháu ngủ ngon quá! Chú và Hans đã thay phiên nhau thức trông nom cháu. Sức khỏe của cháu hồi phục lại trông thấy!
– Phải, cháu thấy trong người đã hoàn toàn khỏe mạnh. Thưa chú, cháu sẵn sàng ăn sáng ngay bây giờ!
– À, thế là cháu đã hết sốt rồi đấy. Cháu muốn ăn hả? Hans đã dùng một thứ thuốc mỡ bí truyền của người Iceland bôi vào vết thương cho cháu. Vết thương lành ngay! Được một người như anh chàng thợ săn này cũng rất đáng tự hào!
Vừa nói giáo sư vừa chuẩn bị bữa ăn cho tôi. Tôi ăn ngấu nghiến. Trong khi ăn, tôi cứ hỏi tới tấp khiến ông không kịp trả lời.
Tôi được biết cái ngã “may mắn” đã hất tôi xuống một đường hầm gần như thẳng đứng. Cuộc di chuyển kinh khủng ấy đã ném tôi vào tay giáo sư, bất tỉnh và máu me đầy người.
– Axel này, – giáo sư nói – bị một tại nạn như vậy mà không ảnh hưởng gì đến tính mạng, chú cũng thấy lạ! Nhưng từ nay chúng ta không nên rời nhau kẻo có ngày không còn nhìn thấy nhau nữa đâu!
“Chúng ta không nên rời nhau!”. Như vậy cuộc hành trình chưa kết thúc? Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, chú tôi hỏi:
– Sao vậy, Axel?
– Chúng ta không phải đang ở trên mặt đất sao?
– Không!
– Ồ! Không lẽ cháu bị điên vì cháu thấy ánh sáng mặt trời, cháu nghe tiếng gió thổi và cả tiếng sóng vỗ nữa.
– Chú sẽ không giải thích gì hết vì đó là điều không thể giải thích nổi. Nhưng cháu sẽ được nhìn thấy tận mắt và tự hiểu là có những điều mà khoa học địa chất chưa khám phá hết!
– Chúng ta ra ngoài kia đi! – tôi bỗng đứng bật dậy và nói.
– Khoan đã, Axel! Không khí ngoài trời có thể làm cháu bệnh đấy!
– Không khí ngoài trời?

– Phải. Gió thổi khá mạnh mà cháu vẫn còn yếu nên chú không muốn…
– Nhưng cháu khỏe hẳn rồi mà!
– Axel, đừng nóng ruột! Nếu cháu bệnh lại bây giờ thì rắc rối lắm. Không nên để mất thời gian vì chuyến vượt biển sắp tới có thể dài ngày đấy.
– Chúng ta sẽ vượt biển?
– Phải. Cháu hãy nghỉ ngơi hết ngày hôm nay. Ngày mai chúng ta sẽ xuống tàu!
– Xuống tàu? – tôi kinh ngạc kêu lên.
Vậy là sao? Sẽ xuống tàu! Sẽ vượt biển! Tính tò mò của tôi bị kích thích đến cao độ! Giáo sư Lidenbrock thấy không thể ngăn giữ tôi được nữa đành chiều theo ý tôi. Tôi vội vàng mặc quần áo và cẩn thận khoác thêm một cái chăn, rồi bước ra khỏi hang.
Thoạt đầu tôi chẳng trông thấy gì cả. Mắt tôi đã quen với bóng tối nên bỗng nhắm tít lại. Khi mở được mắt ra, tôi không khỏi kêu lên vì quá đỗi sửng sốt:
– Biển!
– Phải! – giáo sư đáp – Biển Lidenbrock đấy! Chắc chắn không một nhà hàng hải nào tranh chấp với chú về niềm vinh dự đã khám phá ra cái biển ngầm này và về quyền lấy tên mình đặt cho biển!
Một làn nước rộng trải ra mênh mông quá tầm mắt. Từng đợt sóng theo nhau sô lên bãi cát vàng mịn rải rác những vỏ ốc vỏ sò. Tiếng sóng vỗ bờ rì rào âm vang. Bọt sóng nhẹ tung bay theo gió phả vào mặt tôi. Trên bãi thoai thoải này, ở cách mép sóng một khoảng là chân những rặng núi sừng sững, cao vút, với những cạnh đá như xé toạc bờ biển, đâm ra khơi thành những mũi đất. Xa xa, khối núi đá kéo dài in hình trên nề chân trời mù sương.
Đây quả thật là một đại dương với đường nét bờ biển thất thường hệt như ở những biển trên mặt đất, nhưng vắng vẻ và hoang dã một cách kinh khủng.
Sở dĩ tôi có thể phóng tầm mắt ra tít ngoài khơi vì mọi chi tiết trên biển đều được soi tỏ bằng thứ ánh sáng đặc biệt, không phải ánh sáng mặt trời với những tia nắng huy hoàng rực rỡ, cũng chẳng phải là ánh sáng lạnh lẽo, nhợt nhạt và mờ ảo của mặt trăng. Khả năng chiếu sáng, sự khuyếch tán, sắc sáng trắng và khô, sự tăng nhiệt độ… tất cả chứng tỏ ánh sáng này thuần túy do điện mà ra.
Vòm đá hoa cương treo trên đầu tôi giống hệt một bầu trời với những đám mây óng ánh đổi màu chuyển động. Tôi cứ ngỡ dưới một áp suất lớn như vậy của khí quyển, nước không thể bay hơi được, nhưng do một lý do nào đó trên cao lại dày đặc những đám mây lớn. Tuy vậy, đây vẫn không phải là mặt trời nên ánh sáng không nóng, hơn nữa còn gây một ấn tượng hết sức u sầu và ảm đạm! Ở trên những đám mây đáng lẽ phải là một bầu trời sao lấp lánh lại thấy một vòm đá hoa cương đang dồn hết sức nặng lên người tôi và cả khoảng không gian dù bao la thế nào chăng nữa ấy, cũng không thể đủ chỗ ột vệ tinh khiêm tốn nhất du hành!
Như vậy chúng tôi bị giam trong một cái hang rộng đến nỗi không thể ước lượng được diện tích. Từ “hang” và cả những từ khác trong tiếng nói của loài người cũng không đủ ý để miêu tả cái nơi rộng mênh mông này. Tôi cũng không biết nên dùng hiện tượng địa chất nào để giải thích sự tồn tại của một chỗ như vậy. Phải chăng do trái đất khi nguội lạnh đã tạo thành? Tôi đã từng được nghe các nhà du lịch kể về những cái hang nổi tiếng song không có một nơi nào có kích thước như vậy. Trí tưởng tượng của tôi hoàn toàn bất lực trước khoảng rộng bao la ấy!
Tôi đứng lặng ngắm tất cả những kỳ quan này mà tưởng như đang ở một hành tinh nào đó rất xa lạ với con người. Không tài nào tưởng tượng nổi, tôi ngắm nhìn, ngẫm nghĩ chiêm ngưỡng mà trong lòng thấy sửng sốt và kinh hãi!
Điều này cũng dễ hiểu, vì sau bốn mươi bảy ngày bị cầm tù trong một đường hầm chật hẹp, nay được hít thở cái không khí ẩm và mặn của biển, còn gì vui sướng hơn!
– Thế nào Axel, – giáo sư hỏi tôi – liệu cháu có đủ sức đi dạo một chút không?
– Cháu đi được, – tôi đáp – mình đi một vòng cho thoải mái, chú ạ!
– Cháu hãy vịn vào tay chú, chúng ta sẽ đi dọc theo bờ biển.
Chúng tôi bắt đầu đi dọc theo bờ đại dương mới này. Ở bên trái, những núi đá dốc đứng chồng chất lên nhau tạo thành một khối khổng lồ. Từ trên triền núi có vô số những thác nước ào ào đổ xuống. Ở một vài nơi, những làn hơi nước nhẹ tỏa lên từ những suối nước nóng. Trong những dòng suối ấy, tôi nhận ra cả dòng suối Hans đang bình thản xuôi ra biển.

Tôi chợt chú ý tới một cảnh bất ngờ. Chúng tôi đi được khoảng năm trăm bước thì trước mắt bỗng hiện ra một rừng cây cao rậm rạp. Cây rừng không lớn lắm. Tàn cây được xén ngọn, cân đối và tròn trĩnh trông giống những chiếc dù. Nhưng kỳ lạ là gió thổi mạnh như vậy mà tán cây vẫn im phăng phắc như đã hóa đá!
Tôi không hề biết tên loại cây này. Có thể đây là một loại cây mà trên mặt đất không có chăng? Khi đi lại đến gần, tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú.
Giáo sư Lidenbrock gọi ngay tên chúng:
– À, đây chỉ là một rừng nấm!
Nhưng thực vật ở đây không phải chỉ có những loài nấm ấy mà xa xa, chúng tôi thấy rất nhiều loại cây cao lớn khác thường mọc thành từng nhóm.
– Thật kỳ dị, nhưng huy hoàng và tráng lệ! – chú tôi kêu lên – Đây chính là toàn bộ hệ thực vật của thời kỳ chuyển tiếp của thế giới. Cháu hãy chiêm ngưỡng đi. Không một nhà thực vật học nào gặp một dịp may hiếm có như vậy đâu!
– Hình như thượng đế muốn giữ trong cái nhà kính bao la này những loài cây trước thời hồng thủy.
– Nhà kính à? Nói đúng hơn thì đây cũng là một vườn thú!
– Sao chú lại nói vậy?
– À, cháu hãy nhìn kĩ đám cát bụi và những mảnh xương rải rác trên mặt đất kia xem!
– Trời! Xương của những động vật trước thời hồng thủy!
Tôi vôi lao tới những tàn tích cổ đại, những cái xương khổng lồ đã hóa thạch trông giống những thân cây khô và kêu lên:
– Đây đúng là một vườn thú bởi những hài cốt này không phải do một tai biến vận chuyển đến đây mà thuộc những động vật đã từng sinh sống dưới bóng cây kì dị trên bờ biển ngầm này. Nhưng cháu không hiểu tại sao trong một cái hang đá hoa cương này lại có những động vật bốn chân ấy? Bởi vì đời sống động vật chỉ có trên trái đất ở thời kì thứ hai, khi đất trầm tích đã được hình thành do phù sa và đã thay thế các loại đá nóng sáng của thời kỳ nguyên thủy.
– Thắc mắc của cháu dễ giải đáp thôi. Sở dĩ có như vậy là vì mảnh đất này là đất trầm tích. Sự việc này có thể giải thích bằng địa chất học. Ở một thời kì nào đó, trái đất được bọc bởi một lớp đàn hồi, chịu tác dụng của những sự vận động lên xuống liên tục theo định luật hấp dẫn. Có thể xảy ra những sự lún sụt đất đai và một phần đất trầm tích đã bị cuốn xuống đáy những vực thẳm bỗng nứt ra ấy.
– Có thể như thế lắm. Nhưng nếu những quái vật trước thời hồng thủy đã từng sinh sống ở những vùng đất ngầm này biết đâu chẳng có một vài con đang lang thang trong những khu rừng âm u kia?
Tôi bỗng kinh hãi nhìn quanh khắp chân trời, nhưng không bắt gặp một quái vật nào trên bờ biển hoang vắng.
Cảm thấy mệt mỏi, tôi liền ngồi xuống một mỏm đá nhô ra biển và phóng mắt nhìn rộng ra khắp vịnh. Nơi đây, lọt thỏm giữa hai gò đá lớn, có một cảng nhỏ khuất gió, mặt nước phẳng lặng. Tôi mong nhìn thấy một con tàu nào đó đang xuôi theo gió, giong buồm ra khơi.
Nhưng ở cái thế giới ngầm dưới lòng đất này, chỉ có chúng tôi là những sinh vật duy nhất. Đôi lúc lặng gió, một sự im lặng sâu lắng hơn ở những nơi hoang mạc trùm lên những mô đá cằn cỗi, nén xuống mặt đại dương. Tôi ra sức nhìn xuyên qua làn sương mù xa xa đang che kín chân trời bí hiểm. Trong đầu tôi bỗng ngổn ngang bao thắc mắc! Tận cùng của biển này là nơi nào? Sóng nước mênh mông kia dẫn tới đâu? Liệu ta có biết được không?
Sau một giờ ngắm nhìn cảnh huy hoàng ấy, chúng tôi quay gót trở về hang. Tôi thiếp đi trong một giấc ngủ say, chìm trong những ý nghĩ lạ thường nhất.
Ngày hôm sau, tôi thức dậy, hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi tắm trong nước biển, tôi trở về ăn sáng hết sức ngon miệng.

– Axel này, – giáo sư nói – hiện đang là giờ thủy triều lên, ta không nên bỏ lỡ dịp nghiên cứu hiện tượng này.
– Sao ạ? Ở biển ngầm cũng có thủy triều? Chẳng lẽ mặt trăng, mặt trời ảnh hưởng tới tận nơi đây?
– Đúng vậy! Tất cả các vật đều phải chịu chung lực hấp dẫn của thế giới! Do vậy, khối nước này không thể thoát khỏi cái quy luật chung ấy.
Chúng tôi đi trên bờ biển nhìn sóng nước đang lấn dần bãi cát.
– Sau những đợt sóng này, cháu sẽ thấy biển dâng lên đến hàng chục bộ.
– Cháu thật không tưởng tượng ra được trong vỏ trái đất lại có một đại dương với gió, bão và nước thủy triều!
– Đến bây giờ thì lý thuyết của ông Davy là chính đáng! Không thể phủ nhận được sự tồn tại của biển cả và những vùng đất ở bên trong trái đất.
– Thưa chú, biết đâu ở dưới biển này chẳng có những loài cá lạ! Ta có thể làm cần câu. Rồi xem ở dưới này cá có cắn câu như ở biển trên mặt đất không?
– Cứ thử xem, Axel ạ! Ta cần phải tìm hiểu thật cặn cẽ mọi bí mật của những vùng đất mới này.
– Nhưng hiện giờ chúng ta đang ở đâu?
– Ở cách Iceland ba trăm năm mươi dặm theo đường chim bay.
– Thế chúng ta đã xuống được bao sâu?
– Ba mươi lăm dặm.
– Vậy bây giờ chú định thế nào? Liệu chúng ta có quay trở lại mặt đất không?
– Tại sao phải quay trở lại hả? Cho tới giờ phút này mọi việc vẫn trôi chảy cả, chúng ta không có lý do gì mà không tiếp tục lên đường!
– Theo chú thì đại dương này rộng khoảng bao nhiêu dặm?
– Khoảng ba, bốn mươi dặm. Vì vậy không nên để mất thời gian, ngay ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu ra khơi.
– Chúng ta sẽ xuống tàu à? – nhìn quanh không thấy một cánh buồm nào, tôi bèn hỏi – Thưa chú, nhưng cháu có thấy chiếc tàu nào đâu?
– Có tàu thuyền gì đâu! Ta chỉ có một chiếc bè vững chắc và khá tốt.
– Một chiếc bè! – tôi kêu lên – Cháu chẳng trông thấy cái nào cả! Mà ở đây làm sao đóng được bè chứ?
– Cháu hãy lắng tai nghe thử xem.
– Hans đang đóng bè à ?
– Phải.
– Anh ta đang đốn cây phải không?

– Không, cây được đốn sẵn rồi, cháu sẽ thấy anh chàng thợ săn làm việc thế nào.
Đi chừng mười lăm phút, tôi nhìn thấy Hans đang làm việc sau một tảng đá lớn. Tôi sửng sốt trước một chiếc bè sắp hoàn thành đang nằm trên bãi cát. Gỗ đóng bè là một loại gỗ đặc biệt, nằm ngổn ngang đầy trên mặt đất đủ để đóng hàng trăm con tàu vượt đại dương.
– Thế nào cháu đã tin chưa?
– Đúng là không thể tưởng tượng nổi!
Đến chiều hôm sau, với đôi tay khéo léo, Hans đã đóng xong chiếc bè dài mười bộ, rộng năm bộ. Những cây xà bằng gỗ hóa thạch được kết chặt vào nhau bởi những sợi thừng to bền, tạo thành một mặt phẳng vững chắc. Tôi thấy nó sẽ trôi bình yên trên biển Lidenbrock.
Ngày 13 tháng 8, chúng tôi dậy rất sớm. Vì phải khánh thành phương tiện di chuyển mới này.
Toàn bộ trang bị của chiếc bè rất vững chắc gồm các cột buồm ghép bằng hai cây gỗ, một trục căng buồm, một cánh buồm bằng chăn và rất nhiều thừng chão. Hành lý, dụng cụ, đồ dùng, súng ống và một lượng lớn nước ngọt được chất lên bè. Đúng sáu giờ, giáo sư Lidenbrock ra lệnh khởi hành.
Hans đã làm một bánh lái để có thể điều khiển chiếc bè trên biển. Được lệnh, anh liền ngồi ngay vào bánh lái, tôi kéo neo lên, thế rồi buồm căng theo hướng gió đưa chúng tôi nhanh chóng ra khơi. Lúc rời bến, giáo sư Lidenbrock muốn đặt tên cho cái cảng nhỏ ấy, tôi liền đề nghị lấy tên Grauben, đó cũng là dịp nhớ đến cô gái xinh đẹp xứ Virland của tôi.
– Được! – giáo sư nói – Cảng Grauben, nghe cũng kêu!
Gió thổi từ hướng đông bắc đẩy chiếc bè của chúng tôi lướt đi khá nhanh. Những lớp không khí đậm đặc có một lực đẩy đáng kể, tác động lên buồm như một quạt máy mạnh. Sau một giờ, giáo sư đã nắm được vận tốc chuyển động.
– Nếu cứ tiếp tục với vận tốc như thế này, chúng sẽ đi được ít nhất ba mươi dặm một ngày, và chẳng mấy chốc sẽ thấy bờ bên kia.
Tôi lẳng lặng ngồi xuống một chỗ trước mũi bè. Trước mắt tôi, biển trải ra mênh mông. Từng đám mây lớn bay, hắt bóng xám xịt xuống mặt nước buồn tẻ. Đó đây, những giọt nước đọng trên bè phản chiếu ánh điện, sáng long lanh như bạc. Chẳng mấy chốc không còn trông thấy đất liền đâu cả, chỉ có són biển nhấp nhô!
Hans vẫn ngồi im giữ bánh lái, để mặc cho gió đẩy mạng trôi trên biển.
Ngay từ khi rời cảng Grauben, giáo sư Lidenbrock đã giao cho tôi nhiệm vụ ghi nhật ký hành trình trên biển. Những ghi chép hằng ngày này đã kể lại một cách chính xác chuyến vượt biển kỳ lạ ấy.
Thứ sáu, 14 tháng 8. Gió tây bắc thổi đều. Bè trôi nhanh theo một đường thẳng. Không thấy gì ở chân trời. Cường độ ánh sáng không thay đổi. Trời đẹp, những đám mây bay ở trên cao. Hàn thử biểu chỉ 32 độ.
Buổi trưa Hans buộc lưỡi câu vào đầu một sợi dây, móc một miếng thịt nhỏ làm mồi, rồi ném xuống biển. Trong hai giờ liền không câu được con cá nào cả. Chúng tôi nghĩ rằng nơi đây không có cá. Bỗng thấy dây câu động đậy, Hans vôi kéo lên và thấy một con cá đang giãy dụa ở đầu dây!
Giáo sư chăm chú nghiên cứu con cá một lúc rồi nói:
– Con cá này thuộc một giống cá sinh sống ở những biển nguyên thủy.
Hans lại móc mồi câu rồi thả xuống biển. Chỉ trong vòng hai giờ sau, chúng tôi câu được một đống cá to. Những con cá này đã bổ sung rất nhiều cho lượng thức ăn dự phòng của chúng tôi.
Toàn bộ thế giới hóa thạch như sống lại trong óc tưởng tượng của tôi. Tôi nhớ lại những thời kỳ đầu của thế giới trước khi có loài người. Giấc mơ của tôi bay bổng vượt lên trước sự xuất hiện những sinh vật. Không hiểu cơn ác mộng này sẽ cuốn tôi đến đâu? Một ảo giác đang choán lấy tôi…
– Axel, cháu bị bệnh hả? – chú tôi hỏi – Coi chừng té xuống biển bây giờ!
– Không ạ. Cháu vừa bị ảo giác. – tôi trả lời khi chợt tỉnh – Giờ thì hết rồi! Mọi việc đều bình thường chứ hả chú?
– Ừ! Được cái biển đẹp, lại thuận buồm xuôi gió, mảng đi nhanh lắm! Cứ đà này, chẳng mấy chốc ta sẽ tới bờ bên kia.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.