Bạn đang đọc Cuộc Du Hành Vào Lòng Đất: Chương 10 : Lạc lối
Sáng thứ hai, chung tôi lại tiếp tục cuộc hành trình.
Phải thú thật cho đến nay, mọi việc đều suông sẻ. Nếu những khó khăn gặp phải trên đường không tăng lên có lẽ chúng tôi cũng đã tới đích rồi! Không hiểu sao bông nhiên tôi đâm ra lý sự như vậy? Phải chăng do cái môi trường kỳ lạ tôi đang sống khiến tôi tư duy theo kiểu của chú tôi?
Mấy ngày liền đường đi dốc nhiều, ở vài đoạn dốc đứng một cách đáng sợ đưa chúng tôi đi sâu vào đến hai dặm. Gặp những đoạn dốc cheo leo nguy hiểm Hans luôn tỏ ra tháo vát, bình tĩnh đến tuyệt vời và đã giúp chúng tôi rất nhiều. Chính nhờ có anh chàng tận tụy này, đoàn thám hiểm đã qua khỏi nhiều bước hiểm nghèo.
Hans vốn trầm lặng nay càng trầm lặng hơn, tôi nghĩ tính khí ấy đã lây sang cả hai chúng tôi. Ngoại cảnh có một tác động thật sự lên trí não, ai bị giam hãm lâu giữa bốn bức tường có thể sẽ đi tới chỗ mất khả năng tập hợp những ý nghĩ và lời nói.
Suốt hai tuần, sau buổi trò chuyện giữa hai chú cháu hôm ấy, không xảy ra chuyện gì đáng kể. Sau đó một sự cố cực kỳ nghiêm trọng khiến tôi không bao giờ quên được.
Ngày 7 tháng 8, đoàn thám hiểm xuống sâu ba mươi dặm. Lúc này chúng tôi đã ở cách Iceland hai trăm dặm.
Ngày hôm ấy đường hầm theo mặt phẳng không dốc lắm. Tôi dẫn đầu đoàn thám hiểm, vừa soi đèn vừa quan sát những lớp đá hoa cương. Bất chợt quay đầu lại, tôi bỗng thấy đang đi một mình.
Tôi thầm nghĩ, tại mình đi nhanh quá hay do giáo sư và Hans đã dừng lại trên đường? Đành phải quay lại tìm họ. Cũng may đường đi không đến nỗi dốc lắm!
Tôi liền quay trở lại, đi đến khoảng mười lăm phút mà vẫn không thấy ai. Tôi gọi thật to nhưng cũng không nghe ai đáp lại. Tiếng gọi của tôi bỗng vang lên để rồi chìm nghỉm giữa những tiếng vọng của đường hầm.
Tôi bắt đầu thấy lo lắng. Toàn thân tôi bỗng run lên vì sợ hãi!
– Phải bình tĩnh! – tôi hét thật to – Nhất định mình sẽ tìm lại được mọi người. Nơi đây chỉ có một con đường duy nhất, làm gì mà phải lo! Lúc nãy mình tiến bước, thì bây giờ quay lui, chứ có gì đâu?
Tôi leo ngược trở lại nửa giờ, rồi dừng lại lắng tai nghe xem có ai gọi không, trong khí quyển đậm đặc này âm thanh sẽ vang rất xa! Nhưng trong đường hầm sâu hun hút vẫn hoàn toàn yên lặng, một sự yên lặng đến lạ lùng! Tôi tin là mình không bị bỏ rơi, chỉ bị lạc mà thôi! Mà bị lạc thì thế nào cũng tìm lại được mọi người.
– Đường hầm này là độc đạo, giáo sư và Hans đi theo con đường này, chỉ cần đi sâu thêm một đoạn nữa mình sẽ gặp lại họ. – tôi tự nhủ thầm – Có khi họ lại quên là mình đang dẫn đầu đoàn thám hiểm, nên quay trở lại tìm mình! Nếu thật như vậy chỉ cần rảo bước là mình cũng sẽ đuổi kịp họ.
Bất chợt tôi lại thấy nghi ngờ, không hiểu có đúng là mình đi đầu không? Dĩ nhiên là đúng vì Hans đi ngay sau tôi, tiếp sau là giáo sư. Tôi nhớ anh có dừng lại mấy giây để buộc lại hành lý mang trên vai trong khi tôi vẫn tiến tới trước!
Vả lại, – tôi thầm nghĩ – mình có một người dẫn đường chắc chắn nhất đó là dòng suối Hans. Chỉ việc đi ngược dòng, nhất định mình sẽ tìm được lại dấu vết của họ.
Lập luận ấy khiến tôi tỉnh táo ra và quyết định tiếp tục bước không để mất một giây phút nào.
Tôi hết sức khâm phục chú tôi đã nhìn xa khi ngăn không để Hans nút cái lỗ ở vách đá hoa cương! Dòng suối trong lành đã giúp tôi giải khát trên đường và giờ đây sẽ dẫn tôi đi xuyên qua những ngóc ngách của vỏ trái đất.
Trước khi đi ngược lại, tôi định tắm một chút át. Tôi cúi xuống định vục đầu vào suối Hans. Nhưng vô cùng kinh ngạc vì chân tôi đang giẫm trên một nền đá hoa cương ráp và khô. Dòng suối không còn chảy dưới chân tôi nữa!
Tôi không tài nào tả nổi lỗi thất vọng đang tràn ngập trong lòng. Thế là tôi đã bị chôn sống với viễn cảnh chết dần chết mòn vì đói và khát!
Đôi bàn tay nóng bỏng của tôi sờ soạng trên nền hang. Ôi, sao khối đá này lại khô đến như vậy? Làm thế nào mình lại có thể rời xa dòng suối ấy được? Tôi bỗng chợt hiểu ra nguyên do của sự yên ắng lạ lùng lúc nãy! Như vậy, ngay từ lúc đặt bước chân đầu tiên vào con đường hầm này tôi đã không nhận ra sự vắng mặt của dòng nước chảy dưới chân. Rõ ràng ở chỗ rẽ hai của đường hầm, dòng suối Hans đã xuôi theo con dốc của nhánh kia cùng với các bạn đường của tôi vào nơi sâu thẳm xa lạ rồi!
Làm sao quay trở lại bây giờ? Lần theo dấu vết ư? Chân tôi không để lại một dấu vết nào trên đá hoa cương. Tôi suy nghĩ nát óc cố tìm một giải pháp cho vấn đề nan giải ấy. Tôi đang ở trong hoàn cảnh bị bỏ rơi ở một độ sâu vô tận. Ba mươi dặm dưới đất đá của vỏ trái đất như nén lên vai tôi, như đè nát cơ thể tôi.
Tôi gắng nhớ lại những gì thân thuộc ở trên mặt đất. Cố lắm tôi mới hình dung ra thành phố Hambourg, ngôi nhà ở đường Konigstrasse, cô bé Grauben đáng thương… Tất cả những kí ức ấy lướt nhanh qua ký ức hoảng hốt của tôi. Trong một ảo giác dữ dội, tôi bỗng gặp lại những việc xảy ra trên đường, chuyến vượt biển, đảo Iceland, ông Fridrikson, núi Sneffels… Tôi nhủ thầm, trong tình trạng này mà cứ ôm lấy mối hy vọng hão huyền thì thật điên rồ. Tốt hơn hết cứ buông mình trong thất vọng!
Ai có thể đưa tôi về gặp lại các bạn đường? Sức mạnh nào của con người có thể tách những vòm đá khổng lồ trên đầu tôi, để lôi tôi lên mặt đất?
Khi thấy không còn ai có thể cứu vớt được mình, tối cố dồn hết trí tuệ để suy xét hoàn cảnh hiện giờ.
Bình nước còn đầy, túi lương thực đủ ăn trong ba ngày, tuy vậy không thể ở lâu hơn nữa trong tình trạng đơn độc như thế này, ngay lập tức tôi phải quyết định nên đi lên hay đi xuống! Rõ ràng phải đi lên rồi! Phải quay trở lại điểm rẽ hai của đường hầm, nơi tôi đã bỏ rơi dòng suối. Khi có dòng suối chảy dưới chân, tôi có thể quay lên quay trở lên đỉnh Sneffels. Tại sao mình lại không sớm nghĩ tới điều ấy nhỉ? Rõ ràng đó là một lối thoát. Phải nhanh chóng tìm lại dòng suối Hans! Tôi đứng bật dậy, chống gậy sắt và leo ngược lên. Tuy đường lên cũng khá dốc, nhưng tôi bước đi không chút bối rối, lòng chứa chan hi vọng.
Suốt nửa giờ, không một vật nào ngăn bước tôi đi. Tôi cố nhớ lại con đường đã qua, căn cứ vào hình dạng của đường hầm của những bờ đá, vào cách bố trí của những hốc ngoằn ngoèo, nhưng không nhận ra một dấu vết đặc biệt nào cả! Cuối cùng, tôi bỗng đâm sầm vào một bức tường đá và ngã vật xuống. Tôi chợt hiểu rằng hành lang này không dẫn tới lỗi rẽ hai mà chỉ là một đường hầm không lối thoát.
Thật là kinh khủng và thất vọng! Niềm hy vọng cuối cùng vừa mới va vào bức tường đá hoa cương này vỡ tan tành rồi! Làm thế nào có thế thoát khỏi đường hầm này? Mình sẽ chết một cái chết khủng khiếp nhất! Bỗng một ý nghĩ kỳ quặc chợt đến với tôi là cơ thể tôi sẽ hóa đá. Một ngày nào đó, nó sẽ được tìm thấy dưới sâu ba mươi dặm trong lòng đất này, lúc ấy chắc sẽ dấy lên một làn sóng thắc mắc nghiêm trọng về khoa học!
Tôi muốn hét thật lớn, nhưng chỉ có vài ba tiếng khàn khàn lọt qua đôi môi khô nứt. Giữa những nỗi kinh hoàng ấy, một nỗi khiếp sợ mới bỗng ập đến: đèn bị hỏng vì rơi xuống nền đá, mà tôi thì chẳng có cách nào sửa được! Ánh sáng đang lụi dần và sắp tắt hẳn!
Tôi nhìn dòng ánh sáng yếu dần đi trong ruột gà của máy phát điện. Bóng tối bắt đầu trùm lên hang đá. Cuối cùng, ánh sáng tàn của ngọn đèn bỗng chập chờn. Tôi cố hết sức nhìn chăm chăm vào điểm sáng leo lét ấy như cố vớt vát một cảm giác cuối cùng về ánh sáng.
Tôi cuống cuồng đứng bật dậy, đưa hai tay về phía trước sờ soạng, rồi chạy như điên như dại không biết bao lâu và không biết sẽ đến đâu? Có lẽ do kiệt sức tôi ngã vật xuống ngất đi dọc vách hầm.
Khi hồi tỉnh lại, mặt tôi đầm đìa nước mắt. Tôi không còn một phương tiện nào để xem thời gian nên không hiểu mình ở trong tình trạng mất cảm giác đã bao lâu? Tôi chưa từng bị đơn độc như thế này bao giờ?
Bỗng một tiếng động dữ dội đập vào vai tôi. Tiếng động ấy rền vang như tiếng sấm và mất hút dần ở nơi sâu thẳm xa xôi của đường hầm.
Tiếng động này từ đâu vẳng đến? Phải chăng do một hiện tượng nào đó xảy ra trong lòng trái đất: do một vụ nổ khí đốt hay do một tầng đất đá sụt lở?
Tôi lắng nghe xem tiếng động ấy có vẳng lại lần nữa không, nhưng mười lăm phút trôi qua, ngoài tiếng đập của trái tim, hành lang tối om này vẫn im lặng. Bỗng vô tình áp má sát vách đá, tôi bắt gặp những lời nói loáng thoáng rất xa. Tôi giật thót mình. Đầu tiên tôi cho rằng chỉ là ảo giác nhưng đến khi nín thở, lắng nghe, tôi xác định đúng có tiếng người đang nói. Nhưng do đuối sức quá tôi không phân biệt được!
Dấn thêm mấy bước nữa men theo vách, tôi nhận thấy âm thanh vẳng đến có vẻ to và rõ hơn. Trong những lời như thầm thì ấy, từ ngữ “Jorlorad” được nhắc đi nhắc lại bằng giọng rất đau thương. Đúng là giáo sư va Hans đang nói chuyện với nhau! Còn ai ở độ sâu ba mươi dặm dưới lòng đất này nữa nếu không phải là họ! Tôi bèn hét lên:
– Cứu tôi với! Cứu tôi với!
Tôi tin rằng thế nào họ cũng nghe thấy tiếng tôi gọi và đáp lại.
Bỗng tôi nghe thấy giáo sư gọi tôi, đúng tiếng của giáo sư. Tôi chợt hiểu là giáo sư cùng Hans đang tìm tôi, đang nói chuyện với nhau về tôi, và bức tường đá hoa cương này có tác dụng truyền âm đi rất xa. Phải nhanh chóng kéo họ lại, rời xa bức vách này thì nguy to! Tôi bèn áp sát vách đá và gọi thật to:
– Chú Lidenbrock!
Gọi xong tôi hồi hộp ngóng chờ tiếng giáo sư trả lời.
Sao âm thanh lại có thể truyền đi chậm chạp như vậy nhỉ? Độ đậm đặc của những lớp khí chỉ làm tăng cường độ chứ không làm tăng vận tốc của âm thanh! Cuối cùng những lời nói sau đây vẳng đến tai tôi:
– Axel! Phải cháu đấy không?
………………………………………..
– Cháu đây! Cháu đây! – tôi hớn hở.
………………………………………..
– Cháu đang ở đâu vậy?
………………………………………..
– Ở giữa bóng đêm dày đặc!
………………………………………..
– Đèn của cháu đâu rồi?
………………………………………..
– Bị hư mất rồi!
………………………………………..
– Thế còn dòng suối Hans?
………………………………………..
– Không còn nữa!
………………………………………..
– Axel! Hãy can đảm lên!
………………………………………..
– Chú Lidenbrock! Đợi cháu một lát. Cháu mệt quá rồi, không còn hơi để trả lời nữa nhưng chú cứ nói đi nhé!
………………………………………..
– Dũng cảm lên! – giáo sư nói – Cháu hãy nghe chú đây. Chú và Hans đã đi tìm cháu nhưng không sao gặp được. Cuối cùng cho rằng cháu vẫn xuôi dòng suối Hans, chú vừa lăn xuống theo dòng nước vừa nổ súng. Hiện giờ chúng ta nói chuyện được với nhau, hoàn toàn nhờ tác dụng của sự truyền âm. Chúng ta chưa nắm được tay nhau song đừng chán nản cháu ạ. Nghe được lời nói của nhau là mừng rồi!
………………………………………..
Trong khi ấy, tôi suy nghĩ và lờ mờ thấy hé ra một chút hy vọng. Nhưng có một điều quan trọng tôi muốn biết ngay, tôi bèn kề môi sát vách và nói:
– Chú ơi!
………………………………………..
– Gì vậy hả?
………………………………………..
– Trước hết phải xem chúng ta ở cách nhau bao xa?
………………………………………..
– Dễ thôi, Axel ạ.
………………………………………..
– Chú vận còn giữ cái đồng hồ chứ?
………………………………………..
– Còn.
………………………………………..
– Thế này nhé, chú gọi tên cháu và ghi ngay lúc ấy. Cháu sẽ trả lời. Đúng lúc lời cháu đáp đến tai chú, chú sẽ nhìn đồng hồ và ghi lại thật chính xác.
………………………………………..
– Hiểu rồi. Một nửa thời gian tức là thời gian mà âm thanh cần thiết để đi từ chỗ chú đang đứng tới chỗ cháu phải không?
………………………………………..
– Đúng vậy!
………………………………………..
– Cháu đã sẵn sàng chưa?
………………………………………..
– Dạ rồi ạ.
………………………………………..
Tôi áp sát tai vào vách đường hầm. Vừa lúc nghe tiếng giáo sư kêu tên tôi, tôi liền đáp lại ngay hai tiếng “Axel” rồi chờ đợi.
………………………………………..
– Một dặm rưỡi à?
………………………………………..
– Quãng đường ấy dễ vượt thôi!
………………………………………..
– Nhưng phải đi lên hay đi xuống?
………………………………………..
– Đi xuống! Cháu nhất định phải tới được một khoảng rộng nơi có rất nhiều hành lang đổ vào. Đường hầm cháu theo nhất định cũng phải đến đây vì hình như tất cả những khe nứt, những nếp gẫy của trái đất đều tỏa ra từ cái hang rộng mênh mông này. Cháu hãy đứng dậy và lên đường ngay! Nhất định cuối cùng cháu sẽ tìm thấy chú, chú đang chờ cháu. Đi ngay đi Axel!
………………………………………..
Những lời nói ấy khiến tôi tỉnh táo ra.
– Chú ơi, vĩnh biệt chú nhé. – tôi kêu lên – Cháu đi đây. Khi đã rời xa chỗ này chúng ta sẽ không liên lạc được với nhau nữa đâu! Vĩnh biệt chú Lidenbrock!
………………………………………..
– Axel, tạm biệt nhé!
………………………………………..
Đó là những lời cuối cùng mà tôi nghe thấy. Những lời nói chứa chan hy vọng ấy chấm dứt cuộc trò chuyện kỳ dị giữa tôi và giáo sư Lidenbrock.
Hiện tượng truyền âm kỳ lạ này, theo những định luật vật lý, là do hình dạng của hành lang và do tính dẫn âm của đá. Tiếng nói của giáo sư đã vẳng đến tận chỗ tôi có nghĩa trên quãng đường hơn một dặm rưỡi âm thanh không gặp một vật cản nào và nếu tôi còn đủ sức lần theo con đường ấy tất nhiên sẽ gặp được chú tôi.
Tôi đứng dậy, lết đi rồi thả mình trượt trên con đường khá dốc không tài nào ghìm lại được. Bất ngờ, tôi bị hẫng chân lộn nhào xuống một đường hầm dốc đứng, và va đầu vào đá ngất đi.
Khi tỉnh lại, tôi thấy mình đang nằm trên một đống chăn dày. Xung quanh bóng tối lờ mờ. Giáo sư Lidenbrock đang từng bước theo dõi sự sống hiện dần trên gương mặt tái nhợt của tôi. Khi tôi thở dài, ông liền nắm lấy tay tôi, thấy tôi hé mắt ông reo lên xung sướng:
– A! Sống rồi! Cháu tôi sống rồi!
– Chú ơi! – tôi đáp lại yếu ớt.
Giáo sư ôm tôi vào lòng, xúc động nói:
– Sống rồi! Axel của chú sống lại rồi1
Trước những lời nói và cử chỉ ấy của chú tôi, tôi cảm động quá. Phải trải ua những thử thách như thế nào mới khiến ông ấy bộc lộ những tình cảm như vậy. Hans bước vào, thấy thế anh tỏ vẻ rất hài lòng:
– God dag! – anh chào.
– God dag! – tôi khẽ nói – Chào Hans!
Tôi quay sang hỏi giáo sư đoàn thám hiểm hiện đang ở đâu? Hôm nay là ngày thứ mấy? Đã mấy giờ rồi?
Giáo sư cho biết hôm nay là chủ nhật ngày 9 tháng 8 và bây giờ là chín giờ tối! Như vậy tôi đã bị bỏ rơi gần bốn ngày trong mê cung! Ông không nói rõ địa điểm mà chỉ khuyên tôi nên nghỉ ngơi cho lại sức. Mắt tôi bỗng dưng híp lại. Tôi ngủ thiếp đi không còn biết trời đất gì nữa.