Cuộc Chiến Giữa Nhíp Và Quần Đùi Hoa

Chương 25


Đọc truyện Cuộc Chiến Giữa Nhíp Và Quần Đùi Hoa – Chương 25


“Thằng Học nó bị đánh xoắn hết mẹ đít luôn!” – Lời thằng Đạo khiến cho gió đồng thổi thêm lạnh. Hoàng xoay xoay lọ dầu trong tay, cùng cả lũ ngồi chờ đợi. Tôi không hiểu, tại sao thằng Học lại bị đánh? Nó đâu làm sai điều gì? Rồi tôi tự trả lời mình, khoảng cách giữa lũ trẻ con chúng tôi và người lớn quá xa, chúng tôi có hệ giá trị riêng, còn người lớn có hệ ý thức riêng, hai thế giới ấy lúc nào cũng khác nhau một trời một vực. Trong khi chúng tôi nghĩ hành động này là rất bình thường như việc ăn xong rồi sẽ đi ị, thì người lớn lại nghĩ toáng lên giống như chúng tôi vừa đốt dinh tổng thống không bằng.

– Vi Hoàng, chúng mày thích ăn gì?

Lũ trẻ hỏi, tôi chỉ ra bãi ngô xa xa, rồi cả lũ đi gom củi, bẻ ngô nướng ăn đợi thằng Học ra.

– Thằng này thế nào mai đi học cũng phải đứng. Ông Oanh mà đã đánh thì không cả mặc được quần.

– Nhưng làm đếch gì mà đánh nhỉ. Nó đọc thơ hay thế cơ mà?

Tôi dựa vào lưng Hoàng và nghe, nhìn từ phía đường bê tông xa xa, dáng thằng Học thất thểu ngày một gần. Vừa đi nó vừa xoa xoa mông, cái đầu nghiêng ngiêng, nửa thân trên ngoặt hẳn sang một bên khiến dáng hình nó liêu xiêu như cái cây đổ giữa cánh đồng.

Nó khóc!

Tôi há hốc mồm khi thấy thằng Học đổ cái huỵch vào lòng Hoàng rồi rưng rức. Ngay sau đó thằng Đạo, thằng Giới, thằng Biên, thằng Lực cũng sán lại gần vỗ vỗ vai. Tôi cười không nổi, khóc cũng không xong. Cái chun quần thằng Học bị tụt hở nửa mông, còn hằn đỏ vết đánh của đòn quấy cám.

– Dm con Huyền cóc, tổ cha con mách lẻo.

– Làm sao? Kể đi.

– Hôm qua văn nghệ nó đánh phấn son trông ghê chết bà, tao chỉ bảo “nhìn mày như con ma điên”, sáng nay họp phụ huynh học sinh cá biệt, nó dám chạy đến bảo bố tao là tao chửi nó “mắt ốc nhồi lồi mười mét, mặt đầy mụn nhọt, đúng là con nhà ông cóc bà nghóe”, xong nó còn bảo tuần trước tao “cầm côn đập nó tóe máu”. Trong khi tao chỉ cầm thước đánh vào vai nó một cái. Con chó láo toét. Vụ này không xử khối thằng khinh. Dm nó nghĩ tao hiền được thể làm càn. Chúng mày chờ đấy mà xem.

Thằng Sỹ đang gặm bắp cười phì bắn cả hạt ngô ra khỏi mũi. Tôi mở lọ dầu cho Hoàng rồi đi chỗ khác để mấy thằng con trai xoa mông cho nhau. Bãi cỏ tôi chơi gần đường cái to, bọn con gái chơi phía mãi trong, ngăn với lũ con trai một con mương rộng khoảng 80 phân. Thằng Giới bảo tôi từ lúc chúng nó bé tí thì đã tách ra làm hai phe như vậy, chẳng bên nào chơi với bên nào, chỉ thi thoảng ăn mãi một thứ cũng chán, con trai đào khoai bẻ ngô đổi cho con gái lấy hoa quả hoặc bỏng gạo đường để ăn. Có một vài lần vụ mùa được dư dả thêm nhiều tiền, đứa nào sinh đúng vụ thì may mắn được bố mẹ tổ chức sinh nhật cho. Đó là những lần hiếm có lũ trẻ ngồi quây quần nhau trên mấy mảnh chiếu ghép vào, ở giữa là la liệt kẹo bánh bưởi bòng, chúng nó cùng hát, cùng vỗ tay, thổi nến, ăn bánh gato và khoác vai nhau cười tươi để chụp ảnh. Những bức ảnh ấy mãi sau này khi lớn thêm vài tuổi, mỗi lần Hoàng đưa tôi về thăm nội, bọn trẻ lại cùng nhau lôi ra xem và cười phớ lớ khen chê đứa này đứa kia đen và xấu hơn xưa.

Tôi đánh liều bước sang lãnh địa của những “nữ ma sát” [=))], tay vẫn cầm bắp ngô nướng. Cảm giác bị bôi nhựa móc vào người rồi bị dìm xuống nước lạnh vẫn khiến tôi gai gai sợ sợ mấy đứa con gái. Con Huyền cóc nhìn thấy tôi đứng phắt dậy luôn làm tôi dựng tóc gáy lùi lại. Nhưng em gái tên Ốc Ngọ Ốc Mùi gì đó của thằng Giới chạy ra hỏi tôi: “Định làm gì thế?”. Tôi đưa luôn cái bắp nướng cho nó bảo: “Giới gửi cho này” rồi quay lưng đi. Con bé chạy theo dí cho tôi dóng mía dài rồi bảo: “Gửi cho Giới”. Chả nhẽ tôi lại vứt mẹ đi chứ. Trẻ con ở đây sao nói trống không cục cằn quá thể.

Tôi quay về bãi cỏ của lũ “nam cướp mương” [thực ra thì chúng nó tự xưng là cướp biển, nhưng ở chỗ khỉ ho cò gáy này thì lấy đâu ra biển mà làm màu]. Tôi quẳng dóng mía cho thằng Giới như quẳng mớ rau muống cho lợn rồi ngồi hỏi thăm thằng Học. Hoàng lo lắng quát tôi:

– Không chú ý một cái là nhỏ đã đi gây sự rồi. Nhỏ cướp mía của chúng nó hả?

– Đâu, mía này của đứa tóc tết gửi cho Giới.

Cả lũ ồ lên rồi lao vào …bóp chim thằng Giới. Dóng mía cũng bị cướp mất. Thằng Giới nhìn tôi cầu cứu, mặt lộ rõ vẻ đau đớn. Tôi đẩy mấy thằng quỷ ra rồi kéo Giới đứng dậy, gân mặt nạt bọn trẻ:

– Sao làm trò đó hoài vậy? Lỡ một cái vỡ bi là không có đẻ được con đâu!


– Hả, sao Vi biết?

Hoảng trố mắt nhìn tôi. Tôi quay lại thản nhiên:

– Thì học Sinh học cô giáo cũng dặn con trai phải giữ gìn cơ mà. Có phải quả bóng cao su hay đồ chơi đâu mà cứ đem ra bóp nhau thế? Muốn bóp thì tự bóp mình đi.

Tôi nắm tay thằng Giới, nhặt dóng mía rồi hai chị em ra mương gấp thuyền lá chơi. Chỉ có thằng Giới là khiến tôi cảm thấy cuộc đời này rất phưởn và đáng yêu. Tôi thích sự chân thành của thằng bé. Từ lúc biết dóng mía là của bạn Ốc, nó sung sướng và ăn ngon hơn hẳn.


017

Hoàng giận tôi lắm. Tối về Hoàng để mặc tôi hì hụi nhóm củi, hắn ra vườn bón rau. Bà đi thăm họ hàng phải tối khuya mới về. Tôi muốn ăn cơm nấu bếp củi có cháy thơm thơm chứ không thích ăn cơm nồi điện. Nhóm mãi không được, tôi chạy ra hiên bếp quẳng nhành củi về phía Hoàng:

– Ê, nhóm giúp Vi cái bếp coi.

– Không, tự đi mà nhóm.

– Vi không có nhóm được.

– Bảo thằng Giới sang mà nhóm cho.

Xì, đàn ông lớn rồi mà nhỏ nhen tính toán với trẻ con. Tôi chạy ra kéo tay áo hắn nằn nì:

– Đi mà! Nỡ lòng nào để tôi đói?

– Hừm

Hoàng quẳng cái gáo nước rồi phi vào bếp, từng nhát từng nhát giật cục tỏ rõ rằng ổng chẳng thiện chí gì, làm cho xong. Tôi ngồi thu lu nhìn đốm lửa nhỏ đỏ rực lan ra các nhành củi.

– Hoàng giỏi thiệt đó!

– Thôi đi!

– Vi chỉ quý thằng Giới như em trai thôi. Hoàng làm sao thế?


– Thằng đó nó hay ị đùn lắm đó nhỏ biết không?

– Ủa liên quan???

– Nói chung là từ mai nhỏ ở nhà không được ra đồng chơi nữa.

– Được thôi!

– Mà không được, nhỏ ở nhà tôi cũng chẳng yên tâm, tính nhỏ hậu đậu xui xẻo đi đến đâu chết trâu đến đó. Nhỏ được ra đồng chơi nhưng phải đi cạnh tôi không được gần gũi thằng nào. Nghe chưa?

Trời đất, tên độc tài ích kỷ. Tôi ngồi nấu cơm cùng Hoàng, Hoàng làm thịt rang tôm và rau muống luộc cho tôi ăn. Cậu ấy cẩn thận để phần thức ăn của bà lên chạn bát đậy kín lại rồi đơm cho tôi và cậu ấy mỗi đứa một cái bát ô tô đầy cơm lẫn thịt bê ra hiên ngồi. Tôi vừa ăn vừa ngửa mặt lên trời ngóng máy bay đi qua, ngắm những chấm nhỏ xanh đỏ lấp lánh li ti trên nền trời tối ù làm lòng tôi thoải mái. Tôi và Hoàng kể cho nhau nghe về tuổi thơ của hai đứa, về những kho báu hồi dăm bảy tuổi chúng tôi cất giấu cho riêng mình. Mọi thứ đó đã vô tình trôi về một phương trời nào xa lắc. Những khi nhớ lại lại khiến giật mình vì thấy mình đã lớn, đã đi quá xa tuổi thơ mà chẳng thể quay đầu một lần nữa.

Ở thành phố, cố một nỗi đau đang chờ tôi trở về. Nhưng tôi mặc kệ. Nó thích chờ thì cứ ngồi đó mà chờ, tôi chưa muốn về đâu.

***

1395772_557914654273832_2072597470_n

Thằng Học ráo riết lên kế hoạch trả thù Huyền cóc. Tôi e ngại thay cho nó, cứ đánh nhau qua đánh nhau lại, bất phân thắng bại, kết cục vẫn là bị người lớn đè ra quật toét đít. Như vậy vẫn chưa đủ à? Tôi nói nhưng nó chẳng thèm nghe. Thằng cà chớn cứng đầu.

Mới về quê được ba ngày mà chân tôi chồng chéo vết xước, của đá nhọn dưới mương, của gai, của hậu quả những cú vấp ngã bầm tím. Hoàng quát tôi riết, đụng tí gì tổn hại đến tôi là hắn quát như tát nước vào mặt. Cục cằn thô lỗ không khác gì bọn “nữ ma sát” cả. Hôm nay là ngày đốt rạ ngoài đồng để chuẩn bị cho vụ lúa mới. Bọn trẻ cả trai cả gái đều phải tụ họp vào một bãi với nhau để làm cho xong việc. Thằng Học lộ rõ vẻ nguy hiểm, nó liếc mắt theo dõi con Huyền cóc luôn luôn. Tôi vừa ngồi thu rạ vứt vào đống lửa đang cháy rừng rực, vừa để ý xem thằng Học nó làm gì, thậm chí tôi lo đến mức phải nháy Hoàng luôn theo sát nó đề phòng trường hợp nó lỡ làm gì trót dại. Nhưng không được, thằng này rõ ràng đã có chủ ý từ trước, không màng đến kết cục thê thảm sau đó. Tôi chỉ kịp thấy nó cầm que củi đưa lên chân tóc con Huyền cóc lúc hai đứa nó chạm trán nhau gần đống lửa. Tóc con Huyền rãi nắng nhiều nên khô cháy và xù như một bụi san hô dù đã được buộc cẩn thận. Lửa bén vào tóc khô làm XÒE một phát bén lên tận đỉnh đầu. Con Huyền vừa ôm đầu chạy vừa la hét làm người lớn cũng hốt hoảng chạy ra. Một mảng tóc cháy khét lẹt, thằng Học thấy khói vẫn bốc từ đầu bạn ra thì hoảng hốt vứt củi lao đến bê con Huyền chạy về phía mương, cả cánh tay khỏe khoắn của nó chổng ngược người con Huyền lên dí đầu con bé xuống nước. Khổ thân con bé, nó hoảng đến mức không thể khóc, vừa bị cháy tóc, vừa bị sặc nước, nhưng nhìn thấy thằng Học bị bác Oanh và một người đàn ông nữa lôi ra giữa đồng lấy đòn gánh đánh thì nó lại lẵng nhẵng chạy theo xin lỗi hộ, bảo do nó sơ ý chứ không phải tại thằng Học. Tôi không hiểu đầu con nhỏ nghĩ gì.

Hoàng bắt tôi đứng ra xa đống lửa nghỉ ngơi vì sợ tôi bị cháy tóc. [=))))] Tôi cũng lẳng lặng làm theo. Thằng Học đã trốn đi đâu đó mất dạng, chẳng thấy nó nữa. Tôi hộ các cô bác thu gọm lại quang gánh và làm nốt mấy việc linh tinh rồi về ăn trưa.

Cả buổi chiều cũng không thấy thằng Học ló mặt ra, ở nhà không có, ở đồng cũng không. Con trâu nhà nó vẫn cột cạnh đống rơm, bụng đói meo vì không ai dắt đi chăn. Thằng Học đi đâu được nhỉ? Tôi và Hoàng vòng ra bờ sông chỗ bọn con gái thường hay chơi ở đó buổi chiều, gửi con Ốc vài cái kẹp ghim của tôi cho Huyền để nó ghim phần tóc lành lặn che đi phần tóc đã bị cháy. Vừa mới đi lên đường thì đã bị Huyền cóc chạy theo chặn lại.


– Ê! Đưa đồ cho tao thì gặp tao mà đưa, sao cứ gửi gắm đứa lọ đứa chai vậy?

– Tao thích thế! Sao không? – Tôi vênh mặt lên trả lời, chỉ muốn đập vào mặt con nhỏ đang húng hắng trước mặt.

– Cảm ơn! – Nhỏ Huyền nhỏ giọng lại. Hừm, ít ra cũng biết điều hơn tôi tưởng.


– Thằng Học nó trốn đâu mất tiêu luôn. Đằng ấy biết không?

– Không!

– Thế thôi, chào! Tránh ra tôi về.

– Ra Nghè mà tìm!

Tôi và Hoàng nheo mắt nhìn lại, con nhỏ đã đi nhanh về phía lũ bạn dưới bãi cát. Buồn cười thật. Bọn này rõ ràng chẳng có thù oán thì sất, cũng chẳng ghét nhau, sao cứ hằm hè đánh sau riết vậy? Hoàng nhéo nhéo cái tai trái của tôi rồi cười:

– Giống y nhỏ!

– Gì?

– Nhỏ cũng bướng và ngạnh lắm!

Tôi ngạnh lắm à?

Tôi và lũ trẻ nhìn thấy thằng Học nằm thu lu ở gốc đa trong Nghè. Lúc tìm thấy nó vẫn đang ngáy ro ro như cái bễ thổi lửa. Thằng điên, để mọi người tìm thấy con mắt luôn. Nó ngồi dậy ủ ê hỏi chúng tôi có ai chửi nó không, tôi bảo không, nói điêu nó là chỉ tội con Huyền phải đi viện vì bỏng da đầu và tro tàn làm mù mắt. Thằng Học tin, đứng phắt dậy đánh CỘP đầu vào gốc tre. Nó sợ!

– Mày không tính trước được hậu quả sao mà dám đốt tóc nó?

– Ai biết? Nghĩ là chỉ bị cháy một tí không ngờ nó làm phát cả đầu.

– Đồ điên, con nhỏ cũng chẳng ghét gì mày đâu. Mày cứ gây sự với nó làm gì?

– Nó suốt ngày nói xấu tao.

– Thế? Chỉ có thế?

– … Thực ra tao cũng đéo biết nữa. Cũng chẳng biết có phải là ghét không.

– Thế sao chúng mày gây chuyện với nhau mãi thế?

– Thằng Lực nhớ không? Hồi lớp 5 con Huyền Cóc cầm đòn gánh chọc thẳng vào chim mày lúc mày đứng đái ở dưới ngòi Máng ý?

– Ờ phải, vì tao đái vào bụi hoa đọt hoa đẹt gì của nó, báo hại bố mẹ tao hớt hải khiên tao đi viện khám.

– Nó còn ụp bao tải lên đầu tao đêm trung thu sau đó khiêng quẳng tao vào nhà kho hợp tác xã nữa. – thằng Giới cũng đóng góp ý kiến.

– Nói chung con này xã hội không cải tạo được nữa rồi. Con điên nguy hiểm. Cả lũ con gái có ai ưa nó đâu, chơi vì sợ thôi.


– Thì bây giờ nó thành đứa đầu trọc mắt mù rồi, mày hài lòng chưa?

Thằng Học lại bưng mặt khóc tu tu. Cả lũ nín cười.

– Tao biết làm thế nào bây giờ? Không khéo cả làng bắt vạ ép tao sau này phải lấy nó làm vợ trả nợ. Tao không thể! Tao không thích nó, tao thích Thu rồi.

– Hả? – Thằng Đạo trợn ngược mắt.

– Thu là đứa nào? – Hoàng ngơ mặt hỏi.

– Con bé làng bên ấy mà, học cùng!

Bọn trẻ giải thích rồi lại xông vào bóp chim thằng Học. Cái lũ này, nói đến thế rồi mà vẫn cố lồi tiếp tục cái trò nghịch dại ấy. Thằng ra sức bóp với trạng thái ngấu nghiến nhất là thằng Đạo, chả hiểu vì sao. Thằng Học vẫn lăn lóc khóc, nỗi đau của nó bây giờ không phải là bị bóp chim, mà là sau này phải lấy con Huyền cóc về làm vợ. Làm gì khủng khiếp đến mức man ri mọi rợ vậy? Tôi lắc đầu đứng dậy, rủ Hoàng đi chỗ khác chơi. Hoàng và tôi cùng nhau gạt những cây dại, tìm những quả mâm xôi nhỏ li ti đỏ mọng để ăn. Tôi chạy nhảy chán cho đến khi chân mỏi nhừ và mồ hôi ướt lưng áo thì lại ngồi thụp xuống bãi cỏ, nằm bẹp xuống ngửa mặt lên bầu trời chiều xanh ngắt. Những ồn ào vội vã của cuộc sống, những chen lấn sặc mùi xăng xe của những đại lộ vào thành phố đã tồn tại ở một nơi rất xa trong tâm trí tôi.

Trong đầu tôi lúc này chỉ toàn làng quê, trâu bò, hố phân, và bọn trẻ. Những câu chuyện của chúng nó sinh động hơn bất cứ chương trình giải trí nào trên Tivi. Hoàng vặt được một đống mâm xôi, đi lại chỗ tôi và cũng ngả người nằm xuống. Những quả mâm xôi đỏ lăn từ tay cậu ấy sang bàn tay trái của tôi làm tôi giật mình quay sang.

– A! Nhiều quá!

– Ở phía đằng kia có một bụi to, chắc bọn trẻ không để ý.

Tôi thả vào miệng mình một quả, rồi với tay trước miệng Hoàng. Cậu ấy hơi rụt rè rồi cũng mở môi đón những quả mâm xôi trên ngón tay tôi. Môi cậu ấy chạm nhẹ vào tôi, nóng mềm và ươn ướt. Hình như gáy tôi đang nóng ran. Tôi vội vàng nhìn lên bầu trời để xua đi tất cả những cảm giác đó.


Hồi bé tôi đã từng mơ được bay lên bầu trời kia để xem trên đó có những gì, liệu có phải là thiên đường, có phải là nàng tiên giống những câu chuyện cổ đã kể. Lớn lên rồi mới biết cổ tích chỉ có trong sách vở. Những thực tế tôi phải đón nhận và trải qua tồi tệ hơn nhiều, phép màu chẳng bao giờ thay đổi nó được. Tôi bắt đầu có những ước mơ thực tế hơn, con người ta luôn có nhiều ước vọng, nhưng trở thành thực cũng không nhiều. Sau bao lần thất bại, tôi cứ tưởng mình đã tuyệt vọng và bế tắc tới mức không còn cảm giác quan tâm đến cuộc sống nữa, cứ tồn tại một cách vô định không ý nghĩa. Cuối cùng thì cũng không phải. 17 tuổi, tôi đang kiếm tìm điều gì? Tôi cũng không rõ. Mãi cho đến sau này khi lớn thêm nhiều tuổi, mỗi khi nhìn thấy hoàng hôn nhạt nhòa trước mặt, tôi lại mỉm cười, nhớ về những buổi chiều bình yên nằm giữa thảm cỏ ngắm bầu trời xanh ngắt, bên một chàng trai, mà không biết lúc này tôi đã yêu cậu ấy chưa.

Tôi đã yêu chưa nhỉ?

Có, hay không?

Hoàng hôn, vị thơm của những cánh đồng khiến tôi muốn ngủ một giấc thật dài.

– Vi này! Máy bay kìa!

Tôi nhìn theo hướng chỉ tay của Hoàng, một chấm nhỏ xíu xuất hiện giữa bầu trời trong trẻo.

– Hoàng kìa! Vi này!

– Hả?

Hoàng xoay hẳn đầu sang phía tôi, một tay tôi chỉ vào Hoàng, một tay tôi chỉ vào tôi. Tôi cười. Cậu ấy cũng cười. Cậu ấy đưa tay xoa xoa mái tóc tôi. Gió thổi nhẹ, trả lời cho tôi câu hỏi, tôi đã yêu, hay là chưa…


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.