Công Tử Có Bệnh

Chương 3: Yên vũ Dương Châu


Đọc truyện Công Tử Có Bệnh – Chương 3: Yên vũ Dương Châu

Công tử thường gọi ta là Y Y.

Ta không cảm thấy tên của mình đẹp. Nhưng mỗi khi nghe hai chữ ấy phát ra từ miệng của công tử, lại thấy như đó là âm điệu đẹp đẽ nhất trên đời. Công tử là nam tử Giang Nam điển hình, thanh âm ôn nhu như rót mật vào tai. Khi chàng gọi tên ta, luôn nhẹ giọng xuống một chút, dịu dàng thêm một chút, lại pha thêm ba phần ý cười, khiến lòng ta ngọt lịm, người mềm nhũn, ảo tưởng rằng bản thân là bảo bối trân quý nhất của chàng.

Cứ thế, công tử gọi ta là Y Y suốt mười năm, ta lại chưa từng hay biết, tên của ta và công tử lại cùng xuất hiện trong một câu thuộc “Lễ ký”.

Tuy ta không hiểu cổ văn, nhưng cũng biết, mặc áo xanh, đeo ngọc biếc, chẳng phải là áo xanh cùng ngọc biếc luôn kề cận nhau hay sao?

Tại sao kiếp trước công tử không nói với ta điều này? Tại sao kiếp này lại nói ra?

Ta rơi vào suy nghĩ rối rắm một lúc lâu, mới chợt nhớ ra, cho dù đáp án là thế nào thì cũng can hệ gì đến ta? Ta đã quyết tâm đời này chỉ xem công tử như người qua đường, hà tất phải khổ sở suy đoán tâm ý của chàng?

Nghĩ vậy, ta thở ra một hơi, mỉm cười nói:

“Đa tạ công tử đã ban tên. Nếu sức khỏe của công tử đã không còn gì đáng lo ngại, Thanh Y cũng xin cáo biệt về quê cũ.”

Nụ cười trên môi công tử dần tắt. Chàng cúi xuống nhấp một ngụm trà, đoạn mới chậm rãi cất tiếng khuyên:

“Huy Châu hiện giờ còn đang loạn. Y Y chỉ là một tiểu cô nương, một mình quay về trăm ngàn nguy hiểm. Chi bằng Y Y hãy ở lại đây, đợi Huy Châu yên bình rồi, Y Y cũng đã khôn lớn, gia tất sẽ phái người đưa muội quay về cố hương.”

Lời này của công tử vừa nói ra, ta đã chấn kinh.

Ta nhớ rõ, kiếp trước, công tử không muốn giữ ta lại, là tự ta nài nỉ muốn ở bên hầu hạ chàng để báo đáp ân tình, công tử thấy ta nước mắt nước mũi tuôn như suối, mới mềm lòng chấp nhận. Kiếp này, ta muốn rời đi, công tử lại nhất quyết muốn giữ ta lại.

Ta cảm thấy, công tử nhất định là bệnh nặng chưa khỏi, thần trí không rõ.

Nghĩ vậy, ta bèn cúi đầu, nói:

“Thanh Y đã quen ở nơi hương dã, không quen quy củ nơi đại trạch hào môn. Xin công tử cho nô tỳ trở về quê cũ.”

Công tử chẳng rõ vì sao thoáng nhíu mày, lại khẽ thở dài. Đoạn, chàng đưa tay nhẹ kéo ta vào lòng, đặt ta ngồi lên đùi chàng, kề bên tai ta thì thầm:

“Không cần xưng “nô tỳ” trước mặt ta.”

“…”

Công tử sao lại xưng “ta” với ta?

Công tử sao lại thân mật với ta như vậy?

Ta cảm thấy như trời đất đảo lộn, mọi thứ đều kỳ ảo đến khó tin. Ta nhớ rõ, kiếp trước công tử tưởng như gần gũi mà luôn xa cách vạn dặm. Chàng đối với ai cũng ôn hòa nhưng không thân thiết, lại là quân tử khiêm cung hữu lễ, rất chú ý nam nữ đại phòng. Trước khi ta trở thành thông phòng của chàng, công tử luôn giữ lễ với ta, còn nhiều lần răn dạy ta “nam nữ thụ thụ bất tương thân”. Tuy rằng hiện tại ta cũng chỉ là đứa bé gần tám tuổi, nhưng lễ giáo quy định, nam nữ tám tuổi đã không ngồi cùng nhau, công tử sao có thể… sao có thể để ta ngồi lên… ngồi lên…

Ta nghe mặt mình nóng ran, đưa mắt nhìn công tử gần kề trước mắt, thầm nghĩ vẩn vơ: Hay là công tử thật đã chết vì bạo bệnh, còn đây là ma quỷ nào đó đoạt xá chiếm lấy thân thể của công tử?

Công tử mà ta biết, không phải như thế này mà!

Bấy giờ, công tử lại nhìn ta, đưa tay nhè nhẹ vuốt tóc ta, tỏ vẻ thâm tình nói:

“Y Y cũng biết, mẫu thân không phải sinh mẫu của ta, đối với ta có điều kiêng kỵ, muốn ta cưới cháu gái của bà làm thê tử. Y Y ở bên cạnh ta, chỉ có thân phận nha hoàn mới là an toàn nhất, đành phải để muội chịu thiệt một thời gian. Trước mặt người ngoài, ta là chủ tử của muội. Khi chỉ có hai chúng ta, Y Y có thể xem ta như là… huynh trưởng, được không?”

Ta nghĩ rằng, công tử có bệnh rồi.

Công tử mà ta biết, không nói nhiều như vậy, chàng sẽ chỉ mỉm cười bảo ta ở lại, không lải nhải giải thích, không lằng nhằng dây dưa.


Công tử mà ta biết…

Khoan đã.

Ta nhất định là nghe nhầm rồi. Không phải công tử vẫn luôn rất yêu thích biểu tiểu thư hay sao? Không phải lúc biểu tiểu thư mất vì bạo bệnh, công tử còn đau lòng đến mức cơm không ăn, nước không uống, hại ta phải dỗ dành mấy ngày trời hay sao? Tại sao lại biến thành bị mẫu thân bắt ép gán ghép với biểu tiểu thư?

Ta chẳng thể hiểu nổi.

Dường như trí nhớ của ta về công tử đều sai hết cả.

Nhưng mà, có một điều không sai. Kiếp trước, tuy nói là nha hoàn, nhưng ta quả thực sống rất an nhàn. Cả phủ trên dưới, không có ai sai bảo ta cái gì, ta chỉ phải hầu hạ một mình công tử, bình thường cũng chỉ giúp chàng mài mực, may áo may giày cho chàng, ăn mặc chi tiêu lại có thể sánh ngang thiên kim tiểu thư ở phủ nhà người ta.

Nghĩ đi nghĩ lại, công tử cũng không sai sử ta như một nha hoàn bao giờ.

Những gì ta làm cho chàng, đều là tự nguyện. Đó cũng là lý do ta không thể oán hận chàng.

Ta chưa kịp hỏi han gì, công tử bỗng nhìn chằm chằm vào cánh tay của ta, khẽ hỏi:

“Sao lại bị thương?”

Ta cúi xuống nhìn vết xước ở cổ tay, ngơ ngác đáp:

“Hôm trước đi hái thuốc bị cỏ gai quẹt phải, chỉ là vết xước nhỏ…”

Ta chưa nói xong, đã bị công tử ôm dậy. Chàng đặt ta ngồi lên giường, sau đó đứng dậy đến bên giá sách, lấy ra một lọ sứ trắng, rồi lại ngồi xuống, nhẹ nhàng chăm chú thoa lên vết thương của ta.

Ta cảm thấy cực kỳ lúng túng, ánh mắt lại vô tình liếc tới cái giường mình đang ngồi, mặt nháy mắt đỏ bừng. Trước kia, ta không có gian nhà của riêng mình, phải ở lại chủ viện cùng công tử. Cái giường này…

Trong đầu thoáng qua những ký ức ân ái mặn nồng trước đây, ta chỉ muốn chui xuống đất, rồi lại sực nhớ ra, chẳng phải đã nói là từ đây công tử chỉ là khách qua đường hay sao?

Thanh Y à Thanh Y, ngươi quả thật là u mê không chừa.

Tỉnh lại đi, tỉnh lại đi!

……..

Ta không có cách nào cự tuyệt công tử, chỉ đành nhận lời ở lại Tô phủ.

Đêm đó, lúc ta đang nằm trên giường mơ màng sắp ngủ, chợt nghe thấy tiếng bước chân khe khẽ. Có một người ngồi xuống bên cạnh ta, thay ta đắp lại chăn bông. Sau đó, ta chỉ thấy trên trán thoáng nóng hôi hổi.

Người ấy hôn nhẹ lên trán ta.

Tuy rằng rất nhẹ, nhưng ta vẫn cảm nhận được.

Mùi đàn hương thoang thoảng trên người công tử.

….

Hóa ra ngoài thể nhược nhiều bệnh, công tử còn bị mộng du?

Quả thật là đáng thương.

Ta ngẫm nghĩ hồi lâu, cảm thấy oán giận với công tử cũng tiêu tan đi. Công tử đã nhiều bệnh như thế, sống nay chết mai, ta còn tính toán với chàng làm gì? Cứ xem công tử như huynh trưởng, kính trọng chàng, chăm sóc chàng, cũng không tệ lắm.


……..

Ngày tháng dần trôi, mấy mùa sen nở sen tàn, ta cũng đã ở Tô phủ được ba năm.

Mọi thứ đều diễn ra y như kiếp trước. Chỉ khác là, Lưu bà bà không còn ở Tô phủ nữa. Kiếp trước, từ đầu đến cuối vẫn là Lưu bà bà chăm sóc ta. Ta nhớ tình nghĩa của bà ấy, nghe tin công tử đột nhiên cho Lưu bà bà về quê, ta còn kinh ngạc vô cùng, tìm công tử hỏi lý do.

Lúc ấy, công tử nhìn ta, hỏi:

“Y Y cảm thấy Lưu bà bà là người thế nào?”

Ta đáp:

“Lưu bà bà rất tốt với muội.”

Công tử khẽ cười, nói:

“Có đôi khi, người tốt với muội, chưa chắc đã thật lòng muốn tốt cho muội, người không tốt với muội, chưa chắc đã là thật sự không muốn muội sống tốt.”

Ta ngẩn người, cảm thấy lời này thật mông lung.

Ngoài chuyện ấy ra, còn có một việc khiến ta kinh ngạc. Đó là, công tử hiện tại giống như bị ai đó đánh tráo. Trước kia, chàng thường an an tĩnh tĩnh ngồi đọc sách. Bây giờ, công tử có một thú vui văn nhã mới. Chàng không đọc sách một mình nữa, lại kéo ta đến ngồi cạnh chàng, nghe chàng đọc sách.

Phải, chính là nghe chàng đọc sách!

Tuy rằng giọng của công tử rất êm tai, đọc sách cũng du dương như ngâm xướng. Nhưng mà, ta tuyệt đối không có hứng thú với mấy cái trị quốc an bang tế thế gì đó của chàng. Công tử thấy ta ngáp ngắn ngáp dài, lại đổi thành mấy cuốn Đường thi Tống từ gì đó, sau đấy giảng sang “Đường Tống bát đại gia” [1]. Cái gì mà Tô Thức, cái gì mà Âu Dương Tu, qua tai ta đều như là nước đổ lá khoai, đàn gảy tai trâu.

Ta cảm thấy, công tử nhất định là đang hành hạ ta.

Một buổi sáng mùa thu se se lạnh, ngoài trời mưa rả rích, công tử ôm ta vào lòng, bắt đầu giảng tới Tô Thức – Tô đại nam thần. Công tử khẽ giọng ngâm một bài điệu vong của Tô Thức cho ta nghe.

“Thập niên sinh tử lưỡng mang mang

Bất tư lượng

Tự nan vong

Thiên lý cô phần

Vô xứ thoại thê lương

Túng sử tương phùng ưng bất thức

Trần mãn diện

Mấn như sương.” [2]

Tại sao không phải là thơ, mà lại là điệu vong?

Tuy rằng ta không uyên bác thơ văn kim cổ, nhưng trải qua quá trình trường kỳ hun đúc của công tử, cũng biết rằng, đây là bài điệu vong Tô Thức làm cho thê tử của mình.


Ta thực không rõ công tử tại sao lại đọc bài này, lại còn đọc bằng giọng thê lương bi ai như vậy, cứ như người nhớ vong thê là chàng.

Người ta thường nói, sở thích vận vào người. Công tử như vậy, chẳng trách sau này biểu tiểu thư cũng cưỡi hạc về trời sớm, để chàng đau khổ khôn nguôi. Quả thực là tự chuốc lấy khổ.

Nhưng không sao, rồi công tử sẽ gặp công chúa. Một người là bạch nguyệt quang, một người là chu sa chí. Còn ta chỉ là hạt bụi vương lên vạt áo chàng mà thôi, lo nghĩ nhiều như vậy mà làm gì?

Ta nghĩ nghĩ, lại cảm thấy đều là lỗi của Dương Châu. Cái đất Giang Nam này, đặc sản chính là mưa, mưa bụi rả rích không ngừng gõ nhịp bên mái hiên, khiến lòng người bất giác vương một nỗi sầu vạn cổ, rồi lại vẩn vơ suy nghĩ những chuyện không đâu.

Ta nhàm chán đưa tay lướt nhẹ lên hàng bút lông được công tử yêu quý cất lên giá bút. Công tử thấy vậy, cười khẽ hỏi:

“Buồn chán sao?”

Ta gật gật đầu, nghĩ rằng công tử rốt cuộc buông tha cho mình.

Nào ngờ, công tử lại chuyển từ văn khóa sang nhạc khoá, chẳng biết từ đâu lôi ra một cây đàn, tiếp tục dạy ta gảy đàn.

Không sai, công tử bấy giờ vô cùng nhàn rỗi, một ngày mười hai canh giờ đều tràn đầy nhiệt huyết muốn bổ túc văn hóa cầm kỳ thi họa cho ta.

Cũng may là, ta không có thiên phú với thơ ca, nhưng lại rất thạo âm luật. Công tử vừa dạy qua, ta liền hiểu ngay. Nhưng mà, công tử dường như vẫn chưa hài lòng, còn đích thân cầm tay chỉ ta đàn từng phách một. Lúc này, công tử choàng tay qua người ta, tay cầm lấy tay ta, lại kề sát bên tai ta nhỏ giọng chỉ dạy. Hành vi này, người khác làm ra liền có cảm giác là đăng đồ tử sỗ sàng, nhưng công tử lại làm đến đoan đoan chính chính.

Ta nghĩ, sở dĩ Đăng Đồ Tử bị nói là háo sắc, chẳng qua chỉ vì ông ta không đẹp bằng Tống Ngọc mà thôi.

Mỹ nam như ngọc, có làm gì cũng tự nhiên mà thành chân lý.

Ta phân tâm nghĩ vẩn vơ, đàn sai một nhịp. Công tử khẽ cốc nhẹ lên trán ta, cười nói:

“Y Y đàn sai rồi, phải như thế này mới đúng.”

Ta chợt nhớ, kiếp trước, ta rõ ràng có thể đàn đúng, nhưng lại luôn cố tình sai mất một nhịp, chỉ vì một câu: khúc hữu ngộ, Chu lang cố. [3]

Bây giờ nghĩ lại, kiếp trước của ta, chẳng phải cả đời đều chỉ như một khúc đàn sai hay sao?

Ngoài trời mưa vẫn tí tách rơi, tí tách rơi.

“Vũ miên miên, tình y y

Đa thiểu cố sự tại tâm lý?

Ngũ nguyệt yên vũ mông mông xướng Dương Châu

Bách niên xảo hợp thoại kinh kỳ.” [5]

Có tiếng hát văng vẳng từ xa vọng lại trong tiếng mưa, tan ra, tan ra, hóa thành khói sóng Giang Nam.

………

Đêm ấy, đến nửa đêm, trong giấc ngủ mơ mơ màng màng, ta vẫn như còn nghe thấy tiếng ai thê lương ngâm bài điếu vong xưa cũ, hòa trong tiếng mưa rả rích như khóc như than.

“Dạ lai u mộng hốt hoàn hương

Tiểu hiên song

Chính sơ trang

Tương cố vô ngôn

Duy hữu lệ thiên hàng

Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ

Mịnh nguyệt dạ


Đoản tùng cương.” [2]

Tiếng ngâm tan ra, tan ra, hóa thành nước mắt.

…….

*Chú thích:

[1] Đường Tống bát đại gia, là danh xưng chung chỉ tám vị văn sĩ chuyên cổ văn nổi danh, gồm hai vị Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường và sáu vị đời Tống gồm Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng, Vương An Thạch.

[2] Trích “Giang thành tử” của Tô Thức, nghĩa là:

Mười năm sinh tử quá mênh mang

Dầu không nghĩ

Nhưng chẳng quên

Ngàn dặm mồ đơn

Nơi ấy thật thê lương

Dẫu có tương phùng chẳng nhận ra

Mặt đầy bụi

Tóc như sương.

Đêm qua giấc mộng về cố hương

Bên hiên nhỏ

Nàng điểm trang

Nhìn nhau không nói

Chỉ rơi lệ ngàn hàng

Sao biết tháng năm nơi trường đoạn

Đêm trăng sáng

Khắp đồi thông.

Năm 1165, vợ của Tô Thức là Vương Phất từ trần mới 27 tuổi. Mười năm sau (Ất Mão 1775), Tô Thức đang làm “Tri Châu” ở Mật Châu (Sơn Đông), xa cách quê hương (Tứ Xuyên) mấy ngàn dặm. Đêm mơ thấy người vợ đã khuất, ông làm bài từ điệu vong này. Tô Thức là người đầu tiên làm từ điệu vong.

[3] Nghĩa là: khúc nhạc đàn sai, Chu lang quay đầu nhìn lại. Tương truyền Chu Du rất tuấn tú, được xưng là Mỹ Chu Lang, lại yêu thích âm luật. Nhiều thiếu nữ cố tình đàn sai chỉ vì được ông chú ý, quay lại chỉ giáo.

[4] Trích bài “Yên vũ xướng Dương Châu”, nghĩa là:

Mưa rả rích, tình lưu luyến

Bao nhiêu chuyện xưa giấu trong lòng?

Tháng năm mưa phùn xướng Dương Châu

Trăm năm xảo hợp chuyện lạ kỳ.”

………

*Tác giả: “… PHẢI ở lại chủ viện cùng công tử.” => Góc nhìn của Y Y luôn khác người như vậy.:v Đặc ân trong mắt nàng luôn là bi kịch. =)))


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.