Bạn đang đọc Công Nương và Hoa Cẩm Chướng: Chương 14
Chương 14
Gần ba giờ trưa ngày hôm sau, Katharine tới văn phòng vì cuộc hẹn gặp với ngài Brandt. Bầu không khí ẩm ướt vì hơi nước mưa, như rỉ rả từ một tấm chăn thô chứa đầy hơi ẩm mắc ngang trên đầu. Ngược với thường tình, Katharine đón tắc-xi để đi, khi nàng ngồi êm ái trong xe thì chất cấu tạo của ý thức nàng dường như đổi màu sang xám xịt và nàng mơ hồ không hiểu thấu được, chúng cứ như là những dải băng sương mù bên ngoài. Ký ức của đêm trước – tại hộp đêm, và Daisy Jervis, rồi tiệc tùng tại quán Longchamps, sự vui sướng điên rồ của Nancy, và khuôn mặt mang sắc thái của phái khắc kỷ của Madden – tất cả trộn lẫn vào nhau làm choáng váng cả đầu óc của nàng.
Rồi nàng suy nghĩ, tỉnh táo hơn, về chuyến đi của Madden trở lại Cleveland, bằng cách nào đó, như lột tả những cái bất thường khi chàng có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi vài tuần trước đó, chàng sẵn sàng thay đổi bản chất nguyên thuỷ của mình thành một người khác, trần tục và quá thực tế, cho phù hợp với vị trí xã hội của mình. Nàng mường tượng như thấy chàng bước từ xe lửa xuống, tay nắm chặt, cổ áo khoác bẻ cao lên, và mũ kéo sụp xuống, khuôn mặt thâm thâm nghiêm nghị chỉ đăm chiêu cho việc kinh doanh, một cơ xưởng chỉ cần có một ống khói, nơi mà nhân viên của chàng, viên quản lý, viên chủ thầu, người viết tốc ký, và có lẽ một nửa trong hàng trăm người sẽ nhiệt liệt hoan hô chàng. Làm cách nào mà trí tưởng tượng của nàng bay bổng như thế, nàng cũng không biết, mặc dù nàng cảm thấy nó có sức thuyết phục vô cùng, như thể những cảnh vật đó xảy ra ở trước mặt nàng vậy.
Nàng thở dài, rồi thu lượm tất cả những cảm xúc trên thành một khối, đối diện với sự thật là cuộc phỏng vấn sắp tới với ngài Brandt, cùng với tất cả sự hăng hái mà nàng có được trong tay. Một khi nàng bán được bức tiểu hoạ, nàng sẽ có dự tính trở lại Anh Quốc. Đêm mở màn khai diễn của Nancy – rồi sau đó không có gì còn có thể giữ chân nàng được nữa. Madden và Nancy sẽ không cần nàng nữa. Nàng sẽ trở nên nhỏ nhoi hơn khi không giúp họ được nhiều việc một khi tuần trăng mật của họ sẽ qua, nàng cay đắng tự nhủ như vậy.
Nàng chợt rùng mình khi bước ra khỏi tắc-xi, hoà mình vào cơn gió lạnh giá. Bác Breuget đang đợi chờ nàng ở văn phòng phía sau, nơi chỉ là một khoảng trống nhỏ bé không đủ chỗ kê một cái bàn giấy, ngoài một cái lò vỉ nướng chả bằng điện, và vài cái ghế. Bác đang bồn chồn quá thể làm nàng thấy ngay rõ ràng, mặc dù dáng người gầy gò và cái mũi khoằm chưng ra đấy để giả dạng dáng điệu không lý tới chút xíu nào sự việc khác. Với một khí sắc hơi vô lý nhưng lâm ly thống thiết vui vẻ, bác pha tí cà-phê với cái bếp lò nhỏ xíu và mang ra cùng với một đĩa bánh quy tây ngọt, bác mời nàng như là một cách ăn mừng cũng như tráng miệng.
Katharine nhận lấy chúng. Cà-phê thật ngon, nóng và đậm đà, đúng theo kiểu Pháp. Vừa uống nàng vừa quan sát ông bạn già – gương mặt có những nét nhăn nhưng nhạy cảm của ông, bộ đồ tây ông đang mặc, bóng lưỡng lên vì được ủi đi ủi lại, cổ tay áo hơi sờn, bộ áo sơ-mi thẳng thớm có vẻ mòn xơ cả chỉ, với chỗ mạng cẩn thận chỉ dưới cái cổ áo cứng hồ một chút, giày của bác, được đánh bóng tỉ mỉ thành ra những vết nứt gãy li ti ở đầu mũi giày không lộ ra – tất cả những chi tiết đó ngay lập tức tạo cho nàng một lòng trắc ẩn vô biên cho bác. Nàng chưa bao giờ để ý kỹ lưỡng đến bác Breuget, trừ khi phải cần đến sự chăm sóc của một người đàn ông lớn tuổi như bác đây, bây giờ nàng ngắm nhìn bác với nét cảm thông mới, nàng thấy bác cứ cố vươn ra khỏi tình trạng khánh tận này, thể hiện nguyên vẹn với cách vật lộn có tính chất cầu xin ột chỗ tồn tại đúng nghĩa.
“Nhân tiện,” nàng chợt cất lời, “nếu chúng ta xong phi vụ này, bác sẽ được tăng tiền lương.”
Bác Breuget đỏ mặt đến tận chân tóc bạc phơ rải rác trên đầu. “Ồ, không, Cô Lorimer.”
“Ồ, được, bác Breuget,” nàng đáp lại chắc nịch.
Bác liếc nhìn nàng, giống như chú chó hiền lành, rồi lại lảng ra xa. “Cám ơn cô, Cô Lorimer,” bác lắp bắp. “Cám ơn cô nhiều lắm.”
Không gian lại lắng đọng. Bác ngó đồng hồ, một chiếc đồng hồ mạ vàng mỏng hiệu Louis Philippe, là một di vật nhắc nhở địa vị trước kia. “Ước gì Ngài Brandt đến cho rồi.”
“Chưa tới ba giờ hay sao hả bác?”
“Gần rồi, Cô Lorimer.”
“Thế thì đừng có sốt ruột nữa bác Breuget.” Đôi mắt nàng như mỉm cười với ông dịu dàng, tự tin, làm cho nỗi bồn chồn của bác tăng lên. “Số tiền tăng lương đó đã nằm sẵn trong túi bác rồi.”
Bác đáp nhanh: “Đó không phải là điều tôi đang nghĩ đến. Mà là tôi nghĩ đến cô, Cô Lorimer. Nói cho cùng, nó rất quan trọng …” Bác ngưng ngang với cái nhún vai uể oải.
“Brandt nhất định sẽ mua nó.” Nàng kết luận. “Như là ông ta đã nói trước. Chúng ta biết ông ấy quá mà, phải không? Ông ta giữ lời hứa mà.”
Một lần nữa, không gian lại lắng đọng vì cả hai cùng trầm ngâm nghĩ ngợi về người khách hàng đặc biệt đó. Ngài Brandt là một người, như Katharine đã nói, người đàn ông biết mình muốn cái gì và lúc nào cũng gắng có cho bằng được, một con người thấp thấp, ngăm đen, dáng người to lớn với cặp kính lúc nào cũng soi mói, người mà suốt đời tranh đấu để trở nên giàu có quá đỗi qua những mối làm ăn song song như giao thông vận chuyển và đốn gỗ rừng. Tên tuổi của ông ta trở thành khẩu hiệu của thành công. Câu chuyện xung quanh về những sáng kiến của ông – từ những khu liên hoàn đốn gỗ ông lập ra ở khu Tây Bắc tới viện nghiên cứu sinh hoá học ông sáng lập ra cho nhân loại ở thành phố San Francisco – đã trở thành gần như huyền thoại, và sự ước tính tài sản của ông lên đến gần như là đầy ắp toà lâu đài của ông ở Tây Ban Nha, gian biệt thự ở Venice, và căn nhà hoa mỹ kiểu baroque gần khu Key West, cũng như mối lợi đang sinh lời đến hàng triệu.
Chỉ đơn giản mà nghĩ tới ông ta như thể ông ta ở ngay trong gian phòng này, thật có hơi sinh động như tính cách của ông, và đó mới chỉ là sự bắt đầu mà Katharine chợt thức tỉnh để rồi nhận ra chỉ có một mình nàng với bác Breuget, chiếc đồng hồ của bác vẫn tíc tắc không ngừng, và kim chỉ quá ba giờ mười lăm.
“Kỳ lạ quá, Cô Lorimer, phải không cô?” người đàn ông già nua nói, hắng giọng. “Tôi có nên … có nên gọi điện thoại cho ông ta không?”
Katharine làm cử chỉ không đồng ý. “Chúng ta không nên quá lo lắng cho ông ta. Ông ta thế nào cũng tới mà, trừ khi ông ấy có công chuyện đột xuất. Trong trường hợp đó, họ sẽ gọi điện cho chúng ta.”
“Vâng, Cô Lorimer.”
Nhưng nỗi nghi ngờ, như đã ám chỉ trước, làm cho bác Breuget chịu không nổi nữa. Rời khỏi ghế, bác len lén đi ra không để nàng biết, vào văn phòng ở đằng trước và với thái độ mong đợi, bác cứ lấp la lấp ló đằng sau tấm cửa kính hẹp, nơi bác có thể dõi mắt nhìn ra lề đường đi ở phía trước.
Katharine, dựa hẳn cằm lên lòng bàn tay, tiếp tục đợi chờ, tai nàng như dỏng lên để nghe tiếng kêu kẹt cửa mở ra, nhưng lại chỉ nghe thấy tiếng xe cộ ồn ào và tiếng rao báo lanh lảnh của đứa bé bên ngoài. Cuối cũng thì nàng cũng nhận thấy rằng tiếng rao hàng nhức óc quá làm nàng phát sốt. Đồng thời bác Breuget quay lại với tờ báo trong tay, vẻ mặt của bác quá thảm não làm nàng nghĩ rằng bác sắp lên cơn tai biến mạch máu não. Thoạt đầu bác không thể nói lên lời. Bác cứ đứng ngây ra như tượng gỗ ngay tại ngưỡng cửa, đôi mắt như hoang dại, gương mặt bác trắng bệt như phấn ngoại trừ ở đôi gò má cao. Cuối cùng thì bác cũng lắp bắp nên lời:
“Xem đây này, Cô Lorimer! Xem nè!”
Nàng nhảy dựng đứng lên, như có nỗi sợ đột ngột xé nát. “Cái gì thế bác?”
“Ngài Brandt – ông ấy – ông ấy không thể nào mua bức tiểu hoạ nữa rồi.” Cuối cùng thì bác cũng nặn ra chừng ấy chữ, khuôn mặt bác méo mó khó coi rồi bác ngã ập xuống ghế, bác bắt đầu khóc lóc như không còn biết hổ thẹn là gì nữa.
Katharine giở tờ báo mà như xé khi bác đưa cho nàng, ngay trang nhất, cái dòng tít nằm chường ra khắp cả trang báo, là cái tin tai nạn máy bay khủng khiếp làm cho ngài Brandt và mười người hành khách khác tử nạn ngay tức thì.