Bạn đang đọc Có Phải Là Anh: Chương 3 : Thực ra anh là ai?
Sau cơn nôn thốc nôn đến xanh cả mặt, tôi mới nằm yên trên giường, cảm thấy cổ họng như nghẹn lại. May là cô y tá chẳng hỏi gì, vì có hỏi tôi cũng chẳng muốn trả lời.
Tôi tỉnh dậy khi trường học khá im ắng. Chỉ còn một số lớp khối 10 ở lại tự học, còn hầu như tất cả đều đã về. Cô y tá xoay cái nắp bình thủy, rót nước sôi vào cái cốc nhôm đựng trà đã thả sẵn mấy lát gừng. Tôi nằm ngửa để cho sống mũi thẳng, hít một hơi đầy căng mùi thuốc sát trùng, mùi thuốc tây lẩn khuất vị thanh ngọt của trà gừng.
– Cô cho em một li được không?
Cô y tá tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi, cứ ngỡ tôi vẫn còn đang ngủ. Một tay cầm li trà, cô tiến lại gõ lên đầu tôi.
– Cái con nhỏ này, dậy từ lúc nào mà im thin thít vậy hả? Trốn học cả buổi rồi vẫn chưa chịu đi sao?
– Ai da – tôi ngồi dậy, xoa trán – em mới tỉnh. Thấy mùi trà thơm quá, hì hì…
Chẳng cần tôi phải nịch bợ thêm, cô ấy với tay lấy hai cái li giấy chồng lên nhau, đổ trà pha sẵn vào rồi đưa cho tôi.
– Đây! Cầm lấy rồi về đi. Nhớ lấy cặp treo ở móc kia kìa.
Tôi dạ ran rồi ngoan ngoãn dọn đồ như trẻ nít sau khi bị má la. Trước khi đóng cửa, vẫn thấy cô y tá ngồi trầm tư bên cửa sổ. Nắng nhuộm bạc mái tóc dài được tết thành bím to phía sau lưng của cô.
– Nhiên này…
Cô khẽ khàng, khác hẳn cái giọng ra lệnh cho tôi mới đây. Trong âm vực có chút đượm buồn.
– Lúc nãy, Thanh Trúc xuống gửi cặp cho em, nó có hỏi cô tại sao em hay trốn học xuống phòng y tế ngủ như vậy…
Hóa ra Hột Mít cũng lo lắng cho tôi, có điều khi hai đứa ở cạnh nhau chỉ toàn nói mấy chuyện bên lề. Nó không dám hỏi tôi thẳng, vì mỗi lần nó tỏ ra có chuện để nói, tôi lại trừng mắt. Thực tình tôi không muốn tỏ ra dữ dằn thái quá như thế, nhưng tôi chẳng biết cách nào khác để tránh né một câu hỏi.
– Nó nói biết tính em sống thất thường, nhưng nó lại tò mò không biết em có chuyện gì. Con bé lo lắng cho em. Còn cô, cô thấy lo cho cuộc sống sau này của em.
Cô nói mà vẫn quay lưng về phía tôi. Thấy tôi không nói gì, cô quay lại, tìm ánh mắt tôi.
– Em định cứ giấu kín mãi chuyện này sao?
Cô là một trong số hiếm hoi đếm được trên bàn tay biết những chuyện mà tôi không muốn ai biết, ngay cả ba má và Quân. Tất nhiên, việc tiết lộ cho cô cũng bất đắc dĩ, nhưng cái áp lực tôi dành cho cô lại quá lớn.
Không ai muốn giữ cái bí mật ấy cả.
Tôi nhìn sang bên, tránh cái nhìn chất vẫn của cô. Sân trường vẫn còn hơi ẩm. Những chiếc lá phượng li ti còn ẩm bị gió cuốn đi cũng chỉ tung lên được một chút, rồi lại rơi xuống như có lực vô hình kéo lại. Tâm trạng của tôi lúc này cũng thế. Tôi chưa tìm đủ can đảm, cũng như chiếc lá không thể thoát khỏi hơi sương.
– Em có bao giờ nghĩ rằng cô luôn cảm thấy mình giúp em che giấu như thế là không đúng? Thực ra, cô cũng khổ tâm lắm…
Tôi lùi lại về phía sau, để cho cánh cửa tự đóng lại. Hai chữ “xin lỗi” vẫn còn mấp máy trên môi, chẳng biết cô có thấy.
Tôi trở về lớp, rút chìa khóa dự bị ra mở rồi đóng lại như cũ. Còn khối thời gian mới đến giờ cơm, nhưng tôi lại chẳng muốn về nhà. Ngáp ngắn ngáp dài, cuối cùng tôi quyết định viết nốt mấy bản kiểm điểm cho xong nợ.
Quy định thì cũng chỉ có mấy phần đó, nhưng viết đến phần lí do thì “cái tài” văn chương trong người tôi lại trỗi dậy. Ba má mà đọc được chắc cũng chỉ lắc đầu ngán ngẩm “Sao con gái nhà mình toàn bị oan”. Có điều, những bản kiểm điểm này mà đã đến tay chú tôi rồi thì chẳng bao giờ phụ huynh có cơ hội được đọc.
Lúc chuông reo tiết cuối thì tôi cũng xong nhiệm vụ. Tôi gõ cửa phòng giáo vụ khi ông chú giám thị đang xếp giấy tờ vào cặp.
– Nhóc con. Giờ này chưa về còn mò mặt xuống đây làm gì?
– Cháu nộp bản kiểm điểm.
Tôi trải mấy tờ giấy kín chữ lên bàn trước con mắt kinh ngạc của ông chú, chỉ rõ cái nào, tội trạng nào, thời gian nào. Con người có xu hướng chỉ ghi nhớ những lời khen, cố quen những lời chê. Thật kính nể khi tôi có thể nhớ tội của mình đến vậy.
– Chậc. Mặt trời mọc nửa đêm.
Mặc kệ lời châm biếm của ông chú, tôi thản nhiên ngồi xuống ghế, bắt chân chữ ngũ.
– Àh, sáng nay cháu đi đâu vậy hả?
– Có chút việc – tôi trả lời khá cộc, bóc chai nước khoáng còn mới nguyên rồi tu hết một hơi. Tại sao người lớn cứ phải chất vấn việc tôi đi đâu, với ai, làm những gì, tại sao… nhức cả đầu.
– Chú biết cháu chẳng kiêng nể ai, nhưng làm ơn đừng gây phiền phức có cái cậu Bình Nguyên đó.
Phụt!
Ông chú sững lại nhìn tôi, còn tôi nhìn trăn trối mấy bản kiểm điểm nhòe nhoẹt vì nước từ trong chính miệng mình phun ra. Nhưng tôi thậm chí còn chẳng thèm lấy khăn giấy ra thấm.
Có vẻ như vì tôi mà ông chú đã phải lao tâm khổ tứ để ý đến tất cả những học sinh mà tôi có ý định làm quen. Thực ra tôi cũng có gây rối gì mấy đâu. Chỉ là chỉ nhầm thời khóa biểu ột em lớp 10, hướng dẫn sai đồng phục một tí ấy em nữ, khiến ột thằng nhóc cùng khối trượt chân rớt xuống bể bơi trong giờ giải lao… Thôi, không kể nữa.
– Chú quản lí tất cả học sinh mới đến à? – tôi gườm gườm – cháu có phải là đứa đáng lo ngại thế đâu! Thật tổn thương quá.
– Không phải, chỉ là chú nhắc trước, chứ mắc công sau này cháu lại trách nữa. Cái cậu tên Nguyên đó là học sinh đặc biệt của trường mình, do đích thân Hiệu trưởng nhận vào.
Thấy tôi tròn mắt, chăm chú lắng nghe, ông chú thở dài, nhấp ngụm nước.
– Thực ra cậu ta có đi học hay không cũng chẳng ảnh hưởng, vì lúc ở bên Anh, cậu ta đã học nhảy cóc xong chương trình trung học phổ lâu rồi, giờ đang chờ cấp bằng khác. Lần về này chẳng biết là ghé chơi hay ở lâu dài, nhưng tất cả các giáo viên trong nhà trường đều được thông báo trước.
Quoái vật xuất hiện sao? Chẳng lẽ có một chuyện phi lí như thế? Nếu những lời vừa rồi không phải bịa đặt, thì tôi vừa mới chạm đến ổ kiến lửa rồi. Dù có nổi tiếng chuyên đầu têu những trò lạ lùng trong trường, tôi luôn chọn đối tượng “phù hợp” với mình. Nhưng xem như lần này tính nhầm một bước.
Hèn chi khi tôi khăng khăng đòi trả đồ, hắn ta chỉ thản nhiên ra điều kiện. Thế mà tôi không biết, còn gân cổ đến cùng, nhỡ ngày mai bị nghỉ học thì sao nhỉ.
Lo thì cũng có lo, nhưng chỉ cần nghĩ đến chuyện hắn ta đã đọc tất cả những được viết trong cuốn sổ đó, tôi cũng muốn nghỉ học, tự nhốt mình trong phòng cho rồi.
– Cái mặt làm sao mà khó coi vậy hả?
– Chú có thấy hắn ta bị điên không? – tôi đập tay lên bàn trong vô thức – đã ăn học xong xuôi tử tế vậy rồi mà còn muốn cắp sách đến trường, không phải là chập mạch thì cũng thừa tiền.
Ông chú nghe xong cũng chỉ biết nhún vai.
– Người ta là thứ dữ, biết thế rồi đừng động vào.
Tôi nghe xong bỗng chột dạ. Chuyện này chú bây giờ mới nói có phải là quá muộn không? Tôi đã gây sự xong xuôi rồi mới cảnh báo.
Thấy tôi im lặng lạ thường, ông chú nheo mắt:
– Có phải “cô” lại gây ra chuyện gì không?
– Không, tất nhiên là không.
– Thế sáng nay gặp cậu ta có chuyện gì? – ông chú vẫn không tha cho tôi.
– Chỉ là gặp nhau làm quen..
Anh mắt lườm nguýt vẫn chưa dịu lại.
– Cháu lấy danh nghĩa “Trợ lí phòng giáo vụ”, dẫn anh ta đi vài vòng thôi.
– Hả? Mày định hại chú hay sao? Làm gì có cái chức đó?
– Thì bây giờ chú tự đặt ta cũng chưa muộn mà!
Thấy người đối diện đang cầm chai nước rỗng, tôi vội vàng xách cặp đứng dậy, chạy lùi về phía cửa.
Quãng đường về nhà, tôi vừa đi vừa thẫn thờ. Một người qua đường quay lại mắng tôi cái tội đi không chú ý. Nhưng nhìn thấy tôi họ lại im bặt.
Chẳng ai bắt nạt, vậy mà nước mắt cứ chảy dài.
Họ cứ ngỡ rằng câu nói lúc bực tức của họ đã làm cho tôi khóc. Nhưng tôi đâu phải là đứa mau nước mắt đến thế.
Nhưng sống trong tình cảnh này, dù tôi có là tượng đá cũng phải chảy nước.
Tôi ước những gì đang xảy đến với mình là mơ. Chỉ cần ngủ một giấc, tỉnh dậy là lại thấy đời thật nhẹ nhàng.
Vậy mà sự thật cứ đánh cho con người phàm trần sự thật phũ phàng. Ngày nào tôi cũng ngủ, nhưng ngủ dậy, choàng tỉnh khỏi ảo tưởng tự mình vẽ ra trong mơ, lại thấy mọi thứ đáng sợ hơn.
Giá mà tôi có thể nhắm mắt một lần ãi mãi cho thanh thản. Không biết, không thấy, không phải chịu đựng, và không cần phải sống nữa…
Cả ngày hôm ấy, trong đầu tôi chỉ có hai chữ duy nhất “điều kiện”. Một người như Nguyên chắc sẽ không để cho tôi một lối thoát dễ như vậy được. Tôi từng biết những con người bên ngoài xinh đẹp, tốt bụng, nhưng trong họ lại là những ý nghĩ quoái gở. Họ không tiết lộ thân phận thật sự của mình, nếu chưa gặp đúng người.
Có lẽ tôi là người duy nhất có đặc ân được thấy cái xấu xa của Bình Nguyên.
Chỉ cần nghĩ đến đây, tôi lại tức chịu không được.
Cạch.
Cây đũa trên tay tôi gẫy làm đôi. Ba ngừng nói, còn má trợn mắt nhìn. Chỉ có Quân vẫn thản nhiên gắp đồ ăn, như thể quá quen với việc tôi nổi loạn trong bữa cơm.
– Hơ, con lỡ tay.
– Tay người hay tay thú vậy hả? – Quân thản nhiên hỏi tôi, thậm chí anh còn không thèm rời mắt khỏi dĩa cá kho – tự nhiên lại giộng đũa lên bàn.
– Chỉ là đang mải suy nghĩ.
Tôi làu bàu nhận cái đũa má mới đưa rồi cắm cúi ăn, hi vọng Quân không “làm phiền” mình nữa. Cùng lúc ấy, ba tôi đứng lên.
– Cả nhà cứ ăn cơm tiếp đi.
Nói rồi ông xếp lại ghế, rót li nước trước khi rời khỏi phòng. Giờ tôi mới để ý từ khi đi làm về, ba chưa thay bộ đồ tây đi làm. Trông ông có vẻ mệt mỏi với cái dáng đi khom khom, chốc chốc lại đập đập phía sau gáy.
Từ khi nào, con gái và con trai không còn đấm lưng cho ba má nữa rồi.
Tại sao hồi nhỏ quấn quýt ba má là thế, vậy mà khi lớn lên, con người ta trở nên ích kỉ, chỉ chăm chăm lo cho bản thân mà quên mất những người xung quanh. Tôi cần một câu nói động viên hằng ngày, nhưng lại không nghĩ rằng những người đã sống nửa đời như ba má cũng cần một câu hỏi thăm, dù chỉ là thỉnh thoảng.
Nhưng hiểu ra thì cũng đã muộn.
Muộn đối với mình tôi.
– Ơ hay – Quân hạ bát xuống, nhìn tôi – anh có mắng đâu mà em lại khóc.
– Em không khóc – tôi nói lí rí, chẳng rõ đang làu bàu hay xấu hổ, nhưng rồi lại cao giọng ca thán – má, sao má nấu món canh chua này cay thế. Dễ đến cả mấy quả ớt chứ không vừa.
– Ờ, má quên mất con không ăn được cay. Nhưng canh chua phải cay mới ngon…
Không phải tôi không ăn được cay, mà là cố không ăn cay. Món canh này nói ra, chẳng cay đến mức tôi có thể cảm nhận được. Nghĩ thế nào, tôi lại gắp nguyên nửa quả ớt trong bát, nhai ngấu nghiến.
Hôm nay có vẻ là một ngày dài. Đêm xuống từ lâu nhưng công việc của con người vẫn còn vô khối. Lúc đánh răng trở về phòng, tôi vẫn thấy ba đang ngồi bên bàn làm việc. Đôi kính chói lên dưới ánh đèn bàn.
Đêm đó, nhớ đến cái dáng làm việc đến mệt nhoài của ba, tôi lại nghĩ những ngày còn lại bên người thân, dù nhiều hay ít cũng rất đáng quý, chỉ cần tôi không làm cho họ buồn phiền.
Nghĩ đến cái điều kiện để Nguyên trả lại cuốn sổ cho tôi trong im lặng, tôi nghiến răng tự đồng ý.
Ông trời không làm hài lòng con người, bắt họ phải luôn hy vọng.
Cái gì không mong chờ thì đến bất chợt, còn cái cần thì đột nhiên lại lặn mất tăm đúng là tình huống của tôi lúc này.
Những ngày còn lại của tuần và cả tuần sau, Nguyên đều không đến lớp. Có hỏi lí do cũng vô ích, vì anh ta đi học không bắt buộc, không bị quản lí, cứ “thoắt ẩn thoắt hiện” làm giáo viên bực bội trong cái bất lực không được can thiệp. Tôi nghĩ đến trường chỉ là một hình thức làm đẹp của anh ta, cũng như là nơi để ngủ thoải mái của tôi.
Có điều khi mất chỗ ở phòng y tế tôi cũng chẳng ngủ được nhiều, toàn là thẫn thờ nhìn bảng, tự hỏi đây là phần nào trong sách giáo khoa.
Những dòng chữ nhòe nhoẹt như đang nhảy múa trên bảng, tôi dụi mắt, nhưng rồi lại tự cười một mình. Có dụi cả trăm lần cũng chẳng gột sạch bụi. Hơn nữa, dụi mắt là chống chỉ định.
Tự dưng Hột Mít quay sang tôi, nhìn với vẻ rất lạ rồi hỏi.
– Tao cứ thắc mắc trông mày thiếu cái gì, giờ mới nhớ ra, sao lâu rồi không thấy mày đeo kính nữa?
– Hôm nay tao quên.
– Ý tao là kính áp tròng.
– Không thích.
– Có phải mày bỏ bơi lội vì chuyện này.
– Chỉ cận nhẹ thôi, dù bỏ kính ra tao vẫn thấy như thường.
tôi gắt gỏng với con nhỏ tự dưng lắm điều, nhưng hai chữ cuối hơi cao giọng không chỉ khiến Hột Mít nhăn mặt mà cả người trên bảng cũng đang nhướn mày.
– An Nhiên, vừa nói tôi giải bài “thường” thôi à?
– Tất nhiên là không rồi ạ – tôi cười nhăn nhở với “cao thủ” dạy toán, cố vớt vát.
– Thế tức là đang nói chuyện riêng?
Biết làm sao nhỉ, trong lớp chỉ có 2 việc học sinh được phép nói với nhau, đó là bài tập và giờ dạy của giáo viên. Những cái còn lại đều được quy vào tội cả. Tôi đành tặc lưỡi:
– Em đang chỉ bài cho Hột… à không, cho bạn Trúc. Em nói bài này làm cách thường không ra mà bạn ý không tin.
– Thế à – nụ cười bỗng dưng niềm nở làm tôi cảm thấy ớn lạnh trước dự cảm điều chẳng lành – thế em lên giải bài này theo cách không thông thường cho cả lớp cùng học hỏi nào.
Mang bộ mặt không-thể-khốn-khổ hơn, tôi lê bước lên bảng mà cứ cảm giác như mình đang đeo đá ngay chân. Ông thầy chủ nhiệm cười rất chi là hứng chí, đưa cho tôi mẩu phấn.
Tôi ước chỉ còn 5ph nữa hết giờ, nhưng sự thật thì tiết học mới chỉ bắt đầu được 5ph.
Ừm. Đến đâu thì hay. Cứ đọc đề trước cái đã.
Mắt tôi nhìn muốn thủng cái bảng. Đề trước mặt đọc không sót một chữ, nhưng vào đầu được chữ nào thì đó lại là chuyện khác. Bất chợt tôi nhớ đến tựa đề vụ án “Những hình nhân nhảy múa” của Sherlock Holmes, cảm thấy cái đề toán trước mặt khó tựa “những con chữ nhảy múa”.
– Em định bao giờ thì bắt đầu.
Dù giáo viên nổi tiếng khó tính, nhưng những câu đùa của thầy thì học sinh được phép cười. Tôi không đỏ mặt vì xấu hổ, nhưng ước mình có thể khiến cho cái lũ ma quỷ sau lưng mình im lặng.
Chẳng để cho “cao thủ” kịp buông câu châm biếm thứ hai, tôi bắt đầu viết. Cơ bản là nghĩ gì viết vậy, mà lại viết lia lại mới ghê chứ.
Đúng lúc ấy, có tiếng hít vào sửng sốt. Khẽ liếc, tôi nhận ra con nhỏ Phương ngồi dãy sát cửa lớp đang nhìn không chớp mắt về phía ngoài hành lang. Tôi cũng tò mò đưa mắt nhìn ra cửa.
Cái dáng cao cao sải những bước dài lướt qua nhưng tôi vẫn kịp nhận ra phong thái đĩnh đạc, tự tin đến đáng ghét. Nguyên nhìn thẳng, bước nhanh về phía trước mà không để ý trong lớp có bao nhiêu ánh mắt dõi theo. Tất nhiên, những ánh mắt kia là ngưỡng mộ, còn ánh mắt tôi mang hình phi tiêu!
Tôi mải nhìn đến nỗi cục phấn trên tay rơi xuống. Liếc mắt ra sau thấy “cao thủ” đang nhướn mày, tôi vội vàng ôm bụng ngồi thụp xuống.
– Ai da ~ Đau bụng quá đi.
Nhiều đứa tỏ vẻ lo ngại cho tôi, vậy mà con nhỏ Hột Mít lại thở dài đầy biểu cảm thế kia mới đáng ghét chứ.
Mặt nhăn nhó, giọng đầy xúyt xoa, tôi nhìn về phía ông thầy:
– Chắc hôm nay em ăn trúng đồ không lành rồi. Xin phép thầy, có lẽ em phải…
Chẳng chờ “cao thủ” có đồng ý hay không, tôi giữ nguyên tư thế ôm bụng mà phóng ra khỏi lớp.
Nguyên đã khuất sau dãy phòng học lớp 10, nhưng tôi vẫn đuổi theo sát gót. Đang trong giờ học yên ắng mà gào tên người ta giữa trường thể nào cũng gây chú ý, thế nên tôi chỉ im lặng đi theo. Nhưng đến gần cổng trường tôi mới nhận ra anh ta đang có ý định về.
Định gọi Nguyên, nhưng rồi tôi lại tò mò muốn biết anh ta đi đâu, có khi lại khám phá ra được chuyện hay.
Nghĩ là làm, Nguyên vừa qua khỏi cổng thì tôi cũng cúi thấp xuống để tránh bị mấy đứa trực cổng hỏi han.
Nhưng xui cho tôi, vừa ra khỏi cổng trường được đoạn ngắn, một chiếc SUV màu đen từ con hẻm cạnh đó tiến về phía Nguyên và dừng lại. Tài xế trên xe nhảy xuống, đưa chìa khóa cho anh ta. Dĩ nhiên là sau đó, anh ta thản nhiên vào xe, lái đi trước sự kinh ngạc của tôi.
Không để chậm trễ giây phút nào, tôi phóng ngay tới chỗ bác xe ôm già đang vắt chân đọc báo khiến bác ấy giật mình suýt té.
Đường đông, xe nhỏ sẽ dễ luồn lách hơn xe lớn. Bác xe ôm chỉ đi với tốc độ vừa phải mà lúc nào cũng sát đuôi chiếc xe trước mặt. Tôi lẩm nhẩm biển số xe, cô ghi nhớ.
– Cháu này, đang theo dõi ai à?
– Phải… à, mà không phải.
Tôi mím môi, tự hỏi sao mình lại phải giải thích với ông chú này.
– Ừm, chú biết thừa cháu đang đi rình mò để bắt quả tang chứ gì. Chú cũng làm mấy vụ thế này rồi, mà vụ nào cũng thất bại.
– Thất bại là sao à? – Tôi tò mò.
– Thì, đối phương mạnh hơn nên thể nào mình cũng cãi không lại hoặc bị ăn tát. Cuối cùng thì anh chàng kia cũng chẳng chịu quay về đâu.
– Ha ha, chú nói cứ như đi đánh ghen ấy nhỉ.
Tôi vô tư, ai ngờ chú ấy cũng hồn nhiên không kém:
– Chứ không phải cháu cũng đang đi theo dõi người yêu à?
Chiếc SUV vừa dừng lại, tôi vội vàng nhảy xuống xe, đưa tiền xe rồi ba chân bốn cẳng chạy. Ở lâu thêm tí nữa, không khéo tôi từ đánh ghen mà trở thành… ám sát người ta mất. Đâu ra trí tưởng tượng phong phú cho ông chú đã gần 50 như thế nhỉ.
Xe đậu vào khu riêng, có lẽ dành cho người làm việc trong tòa nhà chứ không phải cho khách. Nguyên bước ra khỏi xe. Gió thổi khiến cho tóc mái của anh ta lòa xòa. Tôi núp ngay vào chiếc ô tô gần mình nhất khi thấy Nguyên lướt mắt một lượt xung quanh khu để xe. Là anh ta đã phát hiện ra tôi bám theo, hay đấy chỉ là một thói quen xem xét thông thường?
– Cháu… đang làm gì thế?
Tôi ngẩn người quay ra sau. Người đàn ông có lẽ hơn tuổi ba tôi trong bộ vest lịch lãm, cặp da màu đen bên tay đang nhìn tôi chằm chằm với vẻ lạ lẫm. Nhận ra mình đang cản trở việc lấy xe, tôi vội vàng nhảy sang một bên như phải bỏng, tay phủi phủi chỗ mình vừa bám vào.
– Ha ha, xe chú đẹp quá, cháu sờ thử ấy mà… Không làm phiền nữa.
Không để ông ấy kịp lên tiếng thêm câu nào, tôi bước vội ra ngoài khu để xe.
Một học sinh mà ngang nhiên lái xe khi chưa đủ tuổi, cúp học để đến đây chẳng phải là chỉ có một sao? Nhưng dù rất tò mò về Nguyên, tôi đành phải về vì cúp học khá lâu như thế không hay. Vả lại, tôi nghĩ mình nên tỉm hiểu kĩ về anh ta trước đã.
….
Cái bóng áo trắng đồng phục nhỏ xinh đã khuất sau dãy xe, nhưng người đàn ông trung niên vẫn cứ đứng đấy đăm chiêu.
Giống quá, nhưng ông không tin mình lại gặp người quen cũ một cách tình cờ như vậy. Rồi ông lại tự hỏi, cô bé ngày xưa thân thiết với gia đình ông đã lớn bằng chừng nào rồi.
Ông rút điện thoại trong túi, gọi cho thư kí riêng.
– Có thể giúp tôi tìm lại địa chỉ một người quen cũ được không?
Lúc tôi trở về trường đã là tiết cuối. Chẳng nói chẳng rằng, ông chú giám thị túm cổ tôi vào phòng giáo vụ. Mặc cho tôi la ó, phản đối, đe dọa, ông chú chỉ khẽ hừ một tiếng:
– Viết bản kiểm điểm xong rồi hãy nói chuyện.
Đưa cho tôi tờ giấy đôi và một cây bút, ông chú dặn dò tôi ở lại viết xong rồi mới được về. Cánh cửa vừa đóng lại, tôi tung chân đá vào sọt rác trước mặt. Bảo tôi viết xong rồi mới về, mà lại còn khóa cửa bên ngoài là sao? Chẳng lẽ tôi mất niềm tin đến thế à?
Mà ngẫm lại, có lẽ đúng thế thật.
Tôi đứng dậy, lấy chai nước khoáng còn mới uống một hơi, mắt đảo khắp căn phòng buồn tẻ. Làm sao con người ta có thể nhốt mình 1 ngày 8 tiếng trong căn phòng tẻ nhạt chỉ toàn giấy tờ, hồ sơ học sinh, bản kiểm điểm, báo cáo hàng tuần…
Khoan đã, hồ sơ học sinh…
Tôi liếc mắt về cái tủ sắt cuối phòng đang khóa. Tiếc là chìa khóa lại sơ ý bị cắm ngay trên ổ.
Khóe miệng lộ nụ cười gian xảo, tôi đặt chai nước trên bàn, tiến lại mở tủ. Từng tập hồ sơ xếp sát nhau được phân theo từng năm, từng khối, từng lớp cụ thể. Tôi rê tay đến chỗ “Lớp 12A3 – năm học…” và chọn ra tập hồ sơ mới nhất.
Đúng như tôi dự đoán, trên bìa trắng là ba chữ nổi bật “Trần Bình Nguyên”
Không hiểu sao tôi lại hồi hộp thế này. Đúng là đang làm việc gian thật, nhưng xem trộm giấy tờ thì có phải lần một lầ hai đâu. Ít ra tôi cũng có bao năm kinh nghiệm xem-trộm-nhật-kí của Quân rồi mà.
Bỏ qua trang đầu kẹp bản sao giấy khai sinh, tôi tìm phần tiểu sử hồi nhỏ của Nguyên. Nhưng đáng tiếc, nó lại… trống trơn.