Có Phải Là Anh

Chương 29: "Tiền kem năm đó em còn nhớ không?"


Đọc truyện Có Phải Là Anh – Chương 29: “Tiền kem năm đó em còn nhớ không?”

– Nhớ gì?
Mẹ hỏi tôi, còn tôi nhìn bà chăm chú, cố tìm chút vui vẻ trên khuôn mặt kia. Sao mẹ không tỏ ra vui mừng giống như những gì tôi tưởng tượng, sao không giống trong những bộ phim mà tôi thường xem?
Khuôn mặt tôi lúc này hoàn toàn có thể dùng một câu để miêu tả: Đơ như trái bơ, mà còn là trái bơ xanh hẳn hơi. Chẳng hiểu những người mất một phần kí ức đã lâu, bỗng dưng tìm được lại được một ít mà còn bị dội cho gáo nước đá thì cái mặt có giống tôi không nhỉ?
– Nhớ gì? – mẹ hỏi lại tôi. Trông bà nghiêm trọng như thể nếu tôi không trả lời ngay thì bà sẽ lắc tôi mãi cho đến khi rớt chữ ra thì thôi.
– Chuyện.. quá khứ… – tôi phải chỉ vào tay để mẹ nhớ rằng tôi đang truyền nước – con nhớ được một chút.
Mẹ nhìn tôi, khuôn mặt đầy nghi hoặc.
– Con chẳng biết nữa… Chuyện ngày xưa đi mua kem, bị mẹ cấm.
Tôi nói, mắt nhìn lấm lét như thể mình cũng đang mua kem mà bị cấm. Mẹ nhìn tôi một hồi, nhất thời không biết nói sao. Bà mong chờ một câu trả lời hơn thế, nhưng lại không biết rằng chính cái vẻ mong chờ của bà đã khiến tôi không dám nói hết ra.
– Thế thôi à?
– Thế thôi ạ.
Tôi trả lời và ngó lơ chỗ khác, nhận ra việc tôi nói chỉ nhớ được có chút ít mà khuôn mặt mẹ giãn hẳn ra, tôi cũng chẳng biết nên vui hay buồn. Nghĩ thế nào tôi lại hỏi.
– À, hình như hồi nhỏ con có quen một người tên là Bình Nguyên phải không mẹ?
Tôi nhìn biểu hiện khuôn mặt mẹ, cảm tưởng như gần đây vừa có tiếng nổ lớn khiến cho bà phải bàng hoàng thế kia.
Mẹ mở to mắt nhìn tôi. Có vẻ bà đã bị câu nói của tôi làm cho không thể cười được nữa.
– Con nhớ được người đó à? Trong hoàn cảnh nào?
– Không rõ nữa, chỉ biết hồi nhỏ anh ta mua kem cho con.
Trong hiện tại có thể tôi và Nguyên đã thân hơn thế, nhưng trong quá khứ thì chỉ đến thế mà thôi.
– Thế rồi gì nữa?
Tất nhiên là còn cái cảm giác rất thân thuộc mà tôi không cắt nghĩa nổi khi nhìn thấy Nguyên trong kí ức và Nguyên của bây giờ. Thế nhưng tôi không thể nào nói ra được.
Tôi lắc đầu. Biết mẹ tra khảo kĩ như thế này tôi đã không nói, chỉ vì muốn biết chút chuyện quá khứ nên mới nói với mẹ, ai ngờ biểu cảm của bà làm tôi chẳng thể hỏi gì thêm.
– Mẹ, sao chẳng có ai nhắc cho con nhớ về chuyện quá khứ?
– Bác sĩ nói điều đó không cần thiết. Mà con cũng có bao giờ thắc mắc đâu.
Đúng là tôi chẳng bao giờ thắc mắc, nhưng điều đó đâu có nghĩa là tôi không muốn biết đâu chứ. Nếu tôi không biết quá khứ của mình có những chuyện hay ho gì thì làm sao mà thắc mắc. Xem phim, đọc truyện nhiều, tôi nghĩ chuyện ngày xưa của mình chắc cũng chỉ li kì như trong đấy là cùng, ai ngờ bây giờ phải hổi hận.
– Nguyên ấy…
Chẳng hiểu tại sao khi tôi vừa nhắc đến Nguyên, mẹ đã quay đi hướng khác như thể không muốn nghe. Bà chỉnh lại gối, đỡ tôi nằm xuống.
– Con còn yếu, nằm nghỉ đi, đừng hỏi han nhiều.

Tôi biết mẹ lo cho tôi một phần mà không muốn trả lời câu hỏi của tôi thì chín phần. Nhưng biết làm sao được, bà là người đã quyết cái gì thì sẽ không thay đổi. Thế nên chỉ cần tôi vừa nhắm mắt, mẹ đã bỏ ra ngoài.
….
Trời bỗng đổ mưa nhìn thật buồn. Nguyên đứng tựa vào cột bê tông, ngẵm những hạt mưa văng tung toé trên mấy chiếc lá hồng môn cạnh đó. Bà Tuyết đến đứng ngay bên cạnh. Anh biết, nhưng không nói gì.
– Lại phải cảm ơn cậu rồi.
– Cháu ước gì bác đừng khách sáo với cháu như thế này.
Bà Tuyết thở dài, vỗ vỗ lên sau gáy để làm dịu bớt cơn nhức mỏi.
– Cậu có biết mình đang làm ọi chuyện trở nên phức tạp hơn không?
– …
– Để nó nhớ được cậu, chuyện sẽ không còn dễ dàng nữa.
– Bác nghĩ cháu ích kỉ cũng được, nhưng thực sự cháu rất vui vì An Nhiên nhớ lại được.
Bà Tuyết quay sang nhìn Nguyên. Bao nhiêu năm mà cái tính thẳng thắn của cậu vẫn không thay đổi. Bà nghĩ trẻ con thì đứa nào cũng thật thà, nhưng không ngờ Nguyên lại không ngại ngần nói ra những câu làm phật lòng người lớn, chỉ vì sự thật nó là như vậy.
Không thể phủ nhận rằng bà luôn có cảm tình với Nguyên. Ngay từ khi gặp cậu, bà đã nghĩ đó là một đứa trẻ đáng yêu và đáng tin. Nhưng những hình ảnh tốt đẹp, dù có được gây dựng lâu năm đi chăng nữa, cũng sẽ bị vùi dập bởi một sự việc không tốt đẹp.
Và sự thật là chưa khi nào bà Tuyết quên được giọng nói vô tình trong điện thoại ngày hôm ấy.
– Tuỳ cậu. Cậu cũng biết tôi rồi đấy, không phải là người dễ đổi ý.
Bà Tuyết kết thúc câu nói của mình, định quay lưng bỏ đi thì Nguyên lại lên tiếng.
– Thế nên cháu cũng hy vọng bác không đổi ý nếu cháu thực sự là người không xứng đáng với An Nhiên.
Thoáng ngập ngừng, bà Tuyết lấy lại dáng vẻ đạo mạo của mình, bỏ đi.
** ** **
Tôi ở bệnh viện đã ngót nghét được một ngày. Thật đáng tiếc là mới sáng sớm mà Quân đã đến báo tin rằng anh sẽ nghỉ học để đến đây trông nom tôi. Nghe xong tôi chẳng nói gì, chỉ nhìn ra ngoài cửa sổ cười một cách ngờ nghệch. Bình thường muốn Quân giúp tôi một tí cũng khó, sao lúc tôi không cần thì anh lại tỏ ra tốt bụng thế!
Thực ra thì tôi cũng biết tỏng ý định của Quân khi đến đây là để mặt chạm mặt với Nguyên, thế nhưng tôi lại không thể mở miệng ra hỏi giữa hai người có xích mích gì, có liên quan đến tôi không. Cái cảm giác muốn hỏi mà không thể mở miệng được khiến tôi bức bối đến nỗi chỉ muốn giật cái dây truyền nước kia ra (thật là vướng víu quá đi mà)
Đúng lúc tôi định nói Quân xuống căn tin mua cho tôi ly nước chanh dây ép thì cửa mở, chị gái y tá hôm qua băng bó cánh tay cho tôi bước vào với một bó hoa to trên tay. Trong khi tôi á ố, vui vẻ không nói nên lời thì mặt Quân lại khó chịu thấy rõ. Rất dễ để đoán ra người tặng bó hoa này nên chúng tôi mỗi người một vẻ là đúng thôi.
Tôi đón lấy bó hoa, hít một hơi thật sâu. Quân nhanh tay giật lấy tấm thiệp được kẹp trong đó khiến tôi sửng sốt trợn tròn mắt.
– Trả cho em nào.
– Để anh đọc cái đã.
– Anh không có quyền!
– Em sợ cái gì mà không cho anh đọc?

Thực ra cũng chẳng biết tôi sợ cái gì nữa. Nguyên là người rất khó đoán, liệu không phải anh lại ghi mấy câu châm chọc vào tấm thiệp đó đấy chứ?
Quân đọc xong thì mặt không thể hài hơn, ném trả tấm thiệp lại cho tôi. Có lẽ tôi lo lắng anh nổi giận là quá thừa rồi.
Tôi mở tấm thiệp, trong đó có vỏn vẹn sáu chữ được ghi bằng bút mực màu đen: Chúc con gái mau khỏi bệnh.
Tôi đọc đi đọc lại như đọc sáu chữ vàng, đến nỗi muốn thủng cả tờ giấy mà không hiểu tại sao người tặng lại là ba. Hèn chi cái mặt của Quân hài thế kia. Anh cứ cười cợt mãi khiến tôi chỉ muốn đá cho anh một cái. Nhưng vừa giơ chân lên thì cửa lại mở. Lần này là một bó toàn hoa cúc dại màu vàng chanh. Tôi và Quân ngơ ngác nhìn nhau.
– Ở đây có ai là Trịnh An Nhiên?
Tôi bất giác giơ tay, hồi hộp như khi sắp bị gọi lên bảng. Nhận bó hoa người ta đưa à tôi vẫn còn ngơ ngác.
– Đây là…?
Quân vừa lên tiếng, tôi đã ôm bó hoa quay ngoắt sang bên, không cho anh sơ múi được gì.
Đọc xong nội dung tấm thiệp thứ hai này, mặt tôi đã nhăn quoéo như quả dưa chuột héo. Tôi quay sang Quân vẫn còn đang làm mặt ngơ ngác.
– Anh tặng hoa cho em sao? Có ý gì đây? Không phải muốn làm em tò mò mà chết chứ?
– Ai thèm tặng hoa cho em? Anh á? Em có nhầm không?
– Thế cái này là sao?
Tôi chỉ dòng chữ “Chúc “em gái” chóng khoẻ” trên thiệp cho Quân xem. Hoặc là anh không biết thiệt, hoặc là anh giả vờ rất giỏi.
– Hai chữ em gái sao lại được để trong nháy nháy thế kia?
– Tự đi mà hỏi anh ấy chứ – tôi quoặu.
Dù sao cũng là hoa đẹp tặng “người đẹp”, thế nên tôi cũng chẳng thắc mắc người tặng làm chi ệt. Một bó một giỏ để bên cạnh nhau cứ gọi là “chen” nhau đua sắc, thế nên tôi đặt lẵng hoa của ba xuống cái bàn đựng thuốc kê ở đuôi giường, còn bó hoa thì để ngay gần bên, chỉ cần quay sang là có thể nhìn thấy.
Tôi thấy người ta rất hiếm khi tặng nhau hoa cúc, còn bản thân được nhận thứ hoa này thì là lần đầu tiên. Trong con mắt tôi hoa cúc dại mạnh mẽ ngời ngời, thế nên phải để nó tự do sống ngoài cánh đồng chứ không phải là cắt ngang sự sống mà cố nhét vào giấy bóng để tạo vẻ hào nhoáng mà đi tặng nhau. Thế nhưng nhìn bó hoa được bó lộn xộn kia, tôi cảm thấy thế này mới giống cúc dại. Dù có bị ngăn cản thì vẫn bừng lên cái sức sống hoang dại của nó.
Tôi hướng bó hoa ra phía có ánh nắng chiếu vào. Cúc dại nên đi kèm với ánh nắng, không phải vì sắc trắng của nó sẽ lấp lánh khi hoà quyện cùng sắc vàng của nắng mà vì cúc dại là loài hoa nở cùng ánh ban mai và khép lại khi chiều xuống.
Nguyên sải những bước dài trên hành lang, tay anh cầm một giỏ trái cây toàn những loại quả mà An Nhiên hồi bé rất thích ăn, chỉ hy vọng sở thích ăn uống của em khi lớn lên không thay đổi là mấy. Đúng lúc vừa nắm tay cầm chuẩn bị kéo xuống thì một người tiến lại áp sát anh, tiện tay lấy luôn giỏ trái cây trên tay, đẩy vào phía trong phòng rồi đóng cửa lại trong chớp mắt. Nguyên đứng yên nhìn người ấy hành động, cũng chẳng thắc mắc gì.
– Nói chuyện với tôi một lát.
Quân nói rồi bỏ đi trước. Dù rất muốn ngó vào trong phòng một lát, Nguyên đành phải miễn cưỡng quay người đi theo. Anh đứng đằng sau lưng Quân, ngập ngừng một lát rồi quyết định bước thêm một bước để đứng ngang bằng. Quân đưa cho Nguyên lon nước trên tay mình.
Gió hiu hiu thổi. Những cành liễu đung đưa trước gió làm màu đỏ hoa liễu thêm heo hắt.
– Cậu định thế nào đây?
Nguyên không trả lời ngay mà mở lon nước, sau đó uống một hơi dài, để cho chất gas kia len lỏi khắp cổ họng.
– Tôi chẳng có dự định gì đặc biệt cả. Mỗi ngày bên An Nhiên thế này đều đáng quý, giữ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.

Ngoài ý nghĩa bình thường, Nguyên còn âm thầm nhắc đến quãng thời gian mà An Nhiên chẳng sống được bao lâu nữa, nhưng ngoài anh ra thì liệu còn ai hiểu được nỗi khổ ấy của em. Thế nên nói ra câu này, lòng Nguyên đau biết bao nhiêu. Anh chống tay vào tường, móng tay cào cấu lớp sơn đã dần tróc trên ấy, cảm thấy nỗi đau trong lòng không khá lên mà còn như bị cào xước thêm.
** *** **
Ngồi một chỗ bực bội muốn chết! Nếu không phải đang bị truyền nước, tôi đã tìm đường lẻn ra ngoài để mà bay nhảy rồi. Y tá nói rằng tay tôi rất khó tìm ven, thế nên lần nào truyền nước là y như lần đó cánh tay tôi lại sưng vù lên, nhìn rất thảm thương. Tôi ghét nhất là bị chọc kim vào người, thấy tay mình như vậy vừa oán vừa hận, cuối cùng không nói được câu nào, nước mắt ầng ậng quay lưng đi tìm cách ngủ quoách cho nó lành. Lúc tỉnh dậy thì thấy chỉ có một mình mình với bình nước truyền được hai phần ba, thấy thời gian trôi qua như vậy cũng đỡ ấm ức. Nhưng ngồi được một lúc lại thấy bực bội muôn phần.
Đang định lên tiếng ai oán thì cửa phòng bị đẩy thô lỗ. Tôi cứ tưởng người từ bên ngoài ào vào đến nơi, ai ngờ Thiên Phú chỉ lò mỗi cái đầu vào, vừa ngại ngùng vừa e lệ. Tôi định nói nó ngại ngùng như thế thì lúc đẩy cửa nhẹ nhàng tí thôi, ai ngờ con nhỏ lại lên tiếng:
– Hoá ra chị ở một mình.
Nói xong Phú mở cửa chui tọt vào, không quên chốt cửa rất ư là “cẩn thận”, như thể sợ ai xông vào đột ngột như nó.
Tôi uể oải vươn vai tỏ vẻ nhàm chán nhưng trên mặt lại xuất hiện nụ cười. Gì chứ có bạn để chơi cũng đỡ.
Thiên Phú cầm giỏ trái cây ở cửa đặt lên bàn, sau đó chống cằm nhìn đầy vẻ tò mò.
– Giỏ trái cây này ai tặng chị?
– Không biết, tự dưng có người ném vào. Cái gì trên đất ta là của ta, cứ mang ra mà chén đi.
Thiên Phú trầm ngâm một hồi, nói câu gì đó tôi nghe không rõ, đại loại là “..chính tay vừa gói lúc nãy…” Nhưng rồi thấy ánh mắt tò mò của tôi, nó lại cười tươi, bóc giỏ trái cây ra.
– Để em gọt cho chị ăn.
Tôi nhìn tay nó cầm dao không rời một khắc để chắc chắn con nhỏ này không thừa cơ bôi thuốc lạ lên hạ thủ tôi. Thiên Phú thấy tôi cứ ngó nó lom lom vật thì giãy đành đạch.
– Sao chị cứ cảnh giác với em vậy?? Làm như em xấu xa lắm ý.
– Ừ, không xấu xa – tôi đưa mắt ra chỗ khác – Nhưng vẫn cần cảnh giác. Dù sao em cũng là họ hàng với Nguyên.
Nó nhìn tôi không can tâm nhưng vẫn chuyên chú chọn trái cây. Tôi nhìn vào giỏ trái cây, chỉ chỏ.
– Cái này nè.
Tôi chỉ vào trái táo xanh vỏ bóng nhẫy chỉ cần lướt qua thôi cũng đã thấy nước miếng tuôn ào ạt.
– Thật là, đến cả sở thích ăn trái cây cũng giống nhau nữa.
Tôi nhìn nó, cau mày.
– Giống ai?
– Em nói giống, chẳng lẽ lại giống em?
– Giống ai cũng được – tôi phẩy tay – miễn là không giống nhóc.
– Sao chị cứ dị ứng với em vậy? Con người em cũng tốt tính lắm cơ mà.
Chúng tôi cứ nói chuyện chí choé nhát gừng như thế, hoàn toàn chẳng bao giờ có được không gian của hai chị em gái rủ rỉ trò chuyện, nhưng tôi lại thấy rất thoải mái, đến nỗi cái kim trên tay cũng không thấy vướng. Chỉ có lúc lỡ tay ném lõi táo vào sọt rác dụng lực hơi nhiều làm cánh tay vung quá mức cần thiết, kim tiêm cũng thế mà tuột luôn khỏi tay. Cả lõi táo, cả kim tiêm văng đi một đoạn khá xa. Kim tiêm rơi xuống đất tôi không thèm quan tâm, nhưng lõi táo kia lại văng lên đôi giày của người vừa mở cửa bước vào. Tôi “A” lên một tiếng đầy cảm thán, quay sang thấy Thiên Phú đang vội vàng đặt dao xuống.
– Em… – Quân hằm hằm giơ tay, cơ hồ sắp ăn tươi nuốt sống tôi đến nơi. Thiên Phú thấy thế vội vàng tiến lại, không ngại ngùng quàng tay kéo anh ra khỏi cửa. Tôi ngạc nhiên đã đành, Quân mặt đơ như khúc gỗ, để cho Thiên Phú kéo đi mà không thốt ra được một lời.
Phòng chỉ còn lại hai người.
Tôi thở đều đều, cảm giác yên ắng đến nỗi nghe được tiếng thở của chính mình.
Áo sơ mi xanh, quần màu kem, dép đan chéo. Nguyên cúi xuống nhặt lõi táo trên giày ném vào thùng rác rồi tiến lại phía tôi.
– Trái cây ngon không?

– Tạm được – tôi đáp, mắt liếc nhìn giỏ trái cây đã bị tàn phá mất một nửa.
Miệng anh nhếch lên thành nụ cười quen thuộc.
– Muốn ăn nữa không?
– Muốn – tôi nghe mình đáp thế, lời vừa bay ra khỏi miệng thì tự động giật mình.
– Để anh gọt cho em ăn.
Đoạn hội thoại này sao mà quen quen, như thể đã từng xảy ra trong kí ức mờ nhạt kia mà tôi không sao gọi về nổi. Nhưng tôi cũng chẳng thèm nghĩ nhiều, chỉ chăm chú ăn từng miếng táo một. Vì Nguyên gọt vỏ xong phần nào là tách miếng ra đưa cho tôi liền nên tôi phải cố ăn thật nhanh, để anh ta vừa đưa là bỏ luôn vào miệng. Chẳng mấy chốc mà hai má của tôi đã phình tướng ra, nhìn rất là mắc cười. Tôi cũng muốn cười nhưng cười không nổi. Bất giác, Nguyên đưa tay ra như thể muốn xoa đầu tôi rồi khựng lại giữa không trung, sau đó rút tay về. Tôi chẳng biết tại sao anh ta lại hành động nửa chừng nửa vời như thế, chỉ ngây người nhìn.
Nguyên nhìn sang hướng khác, chạm mắt phải kim tiêm trên sàn nhà. Anh nhìn sang cánh tay sưng tím của tôi, nét xót thương lướt qua đôi mắt, Nguyên cúi xuống nhặt kim tiêm lên khiến tôi khẽ rùng mình, cho đến khi anh quấn sợi dây lại thì cảm giác bất an mới qua đi. Hóa ra anh không bắt tôi tiếp tục truyền nước như vẫn tưởng, thật là cảm ơn trời đất quá đi.
Lúc thu dọn đồ vô tình chạm tay vào bó hoa cúc để gần giường, Nguyên lặng người ngắm nó trong giây lát. Tôi lặng người ngắm biểu cảm trên khuôn mặt anh.
– Ai tặng em hoa này?
– Cái gì? – giọng tôi sửng sốt.
– Sao em lại ngạc nhiên như thế?
– Không phải anh tặng?
– Những thứ không thiết thực như thế đâu cần. Anh chỉ tặng em cái mà em vẫn thích thôi.
Đồ ăn thì thích thật đấy, trái cây cũng toàn loại mà tôi ưa, nhưng là con gái thì ai chẳng muốn được tặng hoa, dù có là từ ba hay từ ông “anh trai” nào đó. Tôi định giải thích với Nguyên như thế nhưng lại thôi. Người như anh ta cũng đâu cần hiểu mấy chuyện đó làm gì.
Nguyên cứ nhìn bó hoa kia mãi, cơ hồ còn muốn biết ai là người tặng hơn cả tôi. Tự dưng thấy chướng mắt, tôi cầm bó hoa để sang chỗ khác, khuất tầm mắt của anh. Nguyên thấy thế thì không nói gì, chỉ cười nhẹ. Nụ cười của anh như gió thoảng khiến tôi ngây ngất trong giây lát. Hồi lâu như thế, cơ hồ mặt đã dày thêm mấy phân, tôi đành quay đi hướng khác, miệng ấp úng.
– Bao giờ.. ừm… mới có thể xuất hiện?
Tôi vẫn không quen xưng “em” với Nguyên nên cứ nói chuyện không có nhân xưng, chẳng biết sẽ kéo dài tình trạng này đến bao giờ. Thật ra tôi vẫn thích là “tôi” hơn, vừa tự chủ mà lại không bị khuất phục. Nhưng Nguyên có lẽ không mấy để ý đến chuyện đó.
– Chắc sẽ nhanh thôi. Em không thích ở đây nên về nhà dưỡng bệnh có khi sẽ tốt hơn.
– Đâu cũng thế cả thôi.
Tôi nói, giọng nghe buồn buồn. Thì chẳng phải đúng quá sao. Bệnh không chữa nổi thì có ở sao Hoả hay Trái đất thì cũng xuôi về một hướng, nhưng chẳng biết là hướng đi lên hay đi xuống (thiên đàng – địa ngục).
Nguyên nghe tôi nói xong thì mạnh tay kéo bung tấm rèm sang bên. Ánh nắng chói loà chiếu vào phòng nhất thời làm tôi nhức mắt. Nắng chiều nhưng vẫn có sức công phá không gian ẩm tối này ghê gớm đến như vậy. Bóng Nguyên đứng ngược sáng nổi rõ từng đường nét, vừa phong nhã lại thoáng buồn, khiến người nhìn không mấy cảm xúc văn chương như tôi cũng muốn động lòng tức khẩu thành thơ.
Trên trời có đám mây xanh.
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng.
Buồn buồn anh nghĩ đến nàng
“Tiền kem năm đó em còn nhớ không?”
Hừ, thơ tự chế nghe xong giật cả mình, nhưng nhìn bộ dạng của Nguyên thấy giống người đang tiếc tiền mang mác lắm chứ bộ.
Tôi giơ tay dụi mắt, cảm thấy buồn ngủ.
Mắt nhắm hờ mà chẳng biết tôi chìm vào giấc ngủ khi nào, chỉ cảm nhận trên trán có hơi ấm còn sót lại của một nụ hôn.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.