Cô Nhóc Gia Sư

Chương 48


Đọc truyện Cô Nhóc Gia Sư – Chương 48

Ba ngày sau đó trôi qua rất nhanh rất nhanh. Ít ra mọi chuyện vẫn ổn. Chỉ là…lòng tôi vẫn luôn cảm thấy có thứ gì đó thiếu vắng trong niềm hạnh phúc bao ngày qua.
Từ buổi chiều ngày hôm đó trở đi, Trần Du Nam không đến đây nữa.
Mẹ nói với tôi rằng hắn đi công tác ở New York, một tháng sau mới về.
Nghe xong…bỗng dưng, trái tim có chút đau đáu.
“Đáng lẽ lúc ấy không nên gián tiếp đuổi anh ta đi như vậy! Giá như thời gian có thể quay lại ngày hôm đó, mình sẽ…” – Những suy nghĩ điên rồ liên tục hiện lên trong đầu tôi. Ngay sau đó, nó ngay lập tức bị tôi cho ra khỏi đầu. Rồi lại vô tình hiện lên, hiện lên một cách rõ ràng, mạnh liệt hơn lần trước. Vậy…tôi có nên gọi cho anh ta một cuộc điện thoại để xin lỗi không? Rốt cuộc phải làm thế nào mới có thể tránh được cái cảm giác hối hận, tiếc nuối vì lúc ấy đã chấp nhận buông bỏ.
Chuyện trở nên như ngày hôm nay là do tôi đã lựa chọn, do tôi tự làm khổ mình thêm. Nhưng…thà là như vậy. Còn hơn cứ mãi sống trong sự lo sợ khi có được hạnh phúc ngang trái ấy.
– Trúc Ly! Trúc Ly! – Mẹ tôi gọi, vừa lấy tay lay lay người tôi.
Phải mất vài giây sau, tôi mới nghe thấy giọng nói của mẹ:
– Mẹ!
Mẹ tôi ngồi xuống cạnh tôi:
– Con sao vậy? Từ hôm ra ngoài bờ sông đến giờ, thần trí cứ để đi đâu. Có chuyện gì sao? Kể mẹ nghe xem.
Tôi lắc đầu nhẹ, bất chợt hỏi bà những câu ngớ ngẩn:
– Mẹ! Hồi ba nói yêu mẹ, mẹ có từng nghĩ khi mẹ nhận lời yêu ba sẽ đau khổ không?

Mẹ tôi ngạc nhiên, mở to hai con mắt, nét mặt khó đoán, nửa vui nửa buồn:
– Sao con lại hỏi vậy? Có phải…con đang…
Mẹ tôi chưa kịp dứt lời, dì Sáu đã vội vàng chạy vào, xen ngang cuộc nói chuyện:
– Bà chủ! Có cái ông tên Minh đến tìm bà!
Là ba sao? Ba biết tôi ở đây rồi sao?
Tôi nhìn vẻ mặt có chút thất thần, lại hơi nhăn lại của mẹ tôi.
Phải rồi! Hai người họ vẫn giữ liên lạc với nhau. Chắc hẳn mẹ đã nói chuyện này cho ba tôi biết để ông khỏi lo.
Ra vậy! Coi bộ cũng sắp đến lúc phải trở về với nơi mà tôi cần về rồi. Biết ngay mà! Ngày ấy đang đến rất gần, rất gần. Không ngờ lại nhanh đến vậy. Năm ngày ngắn ngủi trôi qua quá nhanh chóng.
Chúng tôi ngồi quây quần trong phòng khách.
Dì Sáu nhanh nhẹn rót trà cho từng người rồi lui vào nhà trong ngay lập tức. Ngay cả dì ấy cũng không muốn dính vào chuyện gia đình rắc rối của chúng tôi.
Ban đầu, mọi người đều im lặng, giữa mẹ con tôi và ba như thể có một khoảng cách nào đó rất xa. Không phải là không muốn nói chuyện mà không biết nên nói gì để bắt đầu.
Sợ ba mẹ sẽ giữ mãi thứ khoảng cách đáng nguyền rủa ấy, tôi cất lời, mau chóng dẹp ngay cái khuôn mặt nhuộm màu đen tối của mình, cười tươi nhìn ba mẹ tôi:
– Ba mẹ thiệt là…! Lâu lắm mới gặp lại nhau thì phải vui vẻ lên chứ! Như con đây này, con đang rất hạnh phúc đây, hôm nay được ngồi cùng bàn uống trà với ba mẹ, lại thấy hai người ở gần nhau, con vui lắm!

Nói là vui, là hạnh phúc, còn thật ra lại đang cố gượng cười, lại đang kìm nén mâu thuẫn trong lòng, kìm nén thứ khao khát vô vọng rằng một ngày nào đó, ba mẹ sẽ làm lành và ở bên nhau mãi mãi. Nhưng, nghĩ thế nào thì làm vậy có quá ích kỷ với mẹ con bà Quỳnh hay không? Mẹ con tôi cần ba như thế nào? Mẹ con bà Quỳnh cũng cần ba như thế. Sao tôi có thể chỉ nghĩ cho hạnh phúc của riêng mình được chứ? Tôi thật buồn cười phải không? Đúng là nực cười thật!
Xem ra tất cả nỗ lực của tôi chỉ khiến cho hai người trưởng thành cạnh tôi thêm buồn rầu, mệt mỏi, canh cánh trong lòng. Có lẽ tôi không nên nói thì hay hơn. Trong lòng họ chắc đang suy nghĩ về việc mãi vẫn không thể cho tôi một gia đình hoàn hảo.
– Lâu rồi không gặp! Bà vẫn khỏe chứ? – Ba tôi cất giọng, vừa nhâm nhi tách trà nóng trong tay.
Mẹ tôi lạnh nhạt:
– Ông không thấy hay sao còn hỏi?
Phải thế chứ! Họ phải nói chuyện thì mới thấu hiểu nhau được chứ. Từ giờ phút này, tốt nhất tôi nên khâu cái miệng của mình lại, lắng nghe nhiều hơn, kẻo lại phát ra câu gì không phải làm cho không khí căng thẳng thêm. Chưa bao giờ trong đời, tôi lại cảm thấy mình giống như một gánh nặng lớn đè nặng lên ba mẹ tôi như vậy? Nhận ra vào lúc này có quá muộn màng không?
– Ông đến đây có chuyện gì sao? – Mẹ tôi hỏi.
Ba tôi đặt ly trà xuống bàn:
– Tôi đến đây để hỏi ý Trúc Ly thôi!
– Không cần hỏi con bé làm gì nữa? Chuyện chúng ta đã quyết định rồi! Dù nó không muốn cũng phải làm.
– Sao lúc nào bà cũng như vậy? Bà luôn ép con bé làm theo mình mà không quan tâm đến nó! – Ba tôi tức giận, đập tay vào thành ghế sô – pha.

Mẹ tôi cười chua chát, ánh mắt hoen đỏ, như sắp khóc:
– Còn ông thì sao? Nói là ba con bé. Nhưng ngay cả việc bảo vệ con bé cũng không làm được, ông lấy tư cách gì xen vào chuyện tôi dạy con.
Ba tôi cứng họng, hoàn toàn đi vào ngõ cụt, không thể nào thốt ra thêm lời nào nữa trước thái độ lạnh nhạt của mẹ tôi.
Hóa ra bà hận ông đến vậy.
Chuyện tình ngày trước của họ đã tan vỡ trở về với cát bụi từ lâu. Thật không thể tin được! Họ đã từng yêu nhau đến mức cãi lời cha mẹ đến với nhau. Bỏ qua sự chê cười của người đời, lại còn sinh ra tôi. Thế mà…chỉ một thoáng, tình yêu bỗng chốc vụn vỡ thành những mảnh thủy tinh mãi không thể ghép lại được.
Phải! Nếu đã không tự tin với tình yêu ấy. Càng cố vươn tay ra ôm lấy lại càng cảm thấy muốn buông tay. Đâu ai ngốc đến nỗi cố cầm một ly nước nóng trên tay chứ. Chi bằng tự gắng lòng mình buông ra sớm hơn để bớt đau khổ, để sau này khi nhìn thấy nhau còn có thể mỉm cười, thay vì…như họ. Người hối hận, thương tiếc. Người đau lòng tới hận thù.
Nếu họ đã không thể trở lại như trước kia, chí ít ra tôi cũng sẽ cố gắng để họ mỉm cười với nhau như bạn bè. Dù biết việc này thật khó khăn, tôi cũng sẽ làm tới cùng.
– Ba mẹ đang nói thỏa thuận gì vậy? – Tôi cười cười tự nhiên đến giả tạo.
Dứt lời, mẹ nắm lấy bàn tay tôi, nghẹn ngào:
– Con có biết tại sao hôm nay ba con tới đột ngột vậy không?
Tôi lắc đầu lia lịa.
– Mẹ nói ba con đến đây đưa con về!
Tôi hoảng hốt, rối rít nói:
– Mẹ! Có phải con làm mẹ buồn không? Mẹ đừng đuổi con đi! Con muốn ở đây với mẹ!
Ba tôi đứng dậy:

– Đấy! Bà thấy chưa? Con bé chỉ muốn ở đây cùng bà!
Nhưng mẹ tôi vẫn kiên quyết, giảng giải:
– Trúc Ly của mẹ! Không phải mẹ ghét con mà bởi vì, mẹ không muốn con cứ mãi ở gần mẹ, rồi suy nghĩ lung tung. Mấy ngày nay, mẹ đã suy nghĩ rất nhiều, mẹ rất muốn ở bên con. Nhưng từng ngày từng ngày, mẹ càng thấy con không vui. – Bà ấy đưa bàn tay vuốt ve lên khuôn mặt nhỏ nhắn của tôi – Trúc Ly! Ngoan! Về thành phố và giải quyết tất cả đi con! Không thể cứ mãi ngồi ở đây, chờ đợi, chần chừ chỉ khiến lòng con thêm rối bời. Dù mẹ không biết con đang gặp phải chuyện gì? Mẹ vẫn mong con hiểu.
Nghe xong, tôi rơi nước mắt, khóc nức nở trong vòng tay mẹ.
Bà ấy là mẹ tôi ư? Bà ấy thật quá mạnh mẽ! Có thể vì do ấy bà ấy vẫn cố gắng sống tốt đến giờ. Tất cả là vì tôi. Bà ấy hiểu tôi hơn ai hết. Nhiều năm vậy rồi, tôi thậm chí còn không biết trên đời này còn tồn tại một người mà tôi có thể gọi bằng “mẹ”. Còn bà ấy vẫn nhớ, vẫn lo lắng cho tôi từng đêm, từng ngày, gửi nỗi nhớ theo cơn gió, gửi nỗi lo qua những cuộc điện thoại với ba tôi. Ôi! Mẹ tôi! Tôi yêu bà! Thực sự rất yêu bà. Yêu nhiều hơn bất cứ thứ gì trên thế giới này. Cảm ơn ông trời đã để tôi làm con của người mẹ quật cường như thế. Bây giờ, tôi thật sự đang rất rất rất hạnh phúc.
– Ngoan! Trúc Ly! Về nhà ở với ba! Nếu có bị bắt nạt, gọi điện cho mẹ, mẹ giúp con hả giận. Nếu ăn uống không được, gọi điện cho mẹ, mẹ nhờ người đem đồ ăn lên cho con…- Bà ấy ôm tôi thật chặt, giọng đã không còn được mạch lạc, rành rọt như trước.
Tôi mếu máo khóc như một đứa trẻ, phát ra từng từ, từng từ một cách khó khăn:
– Mẹ…mẹ…ơi!
Sợ rằng sau này không còn được cất lên từ “mẹ” thiêng liêng ấy, tôi cố gắng hét thật to.
Chuẩn bị tâm lí kỹ đến thế nào vẫn không thoát được sự đau đớn và choáng váng!
Tôi vẫn nhớ ngày tôi đến nơi này một cách đột ngột, còn chưa kịp chuẩn bị hay mang theo thứ gì cả. Không ngờ khi rời đi cũng bằng cái cách đột ngột như thế này, cũng không đem theo đồ gì cả. Chỉ lững thững đi theo bước chân của ba mà trong lòng vẫn lưu luyến nhìn về phía mẹ đang vẫy tay tạm biệt.
Không! Không đúng! Tôi có mang theo một thứ quan trọng. Đó là niềm hạnh phúc những ngày qua, đó là mùi thơm từ bát canh chua cá lóc mẹ nấu, nét bình dị của con sông quê, và cả nỗi nhớ của mẹ.
Tạm biệt! Nông thôn! Tạm biệt mẹ! Con hứa một ngày nào đó con sẽ về. NHẤT ĐỊNH SẼ TRỞ VỀ!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.