Đọc truyện Cô Đơn Vào Đời – Chương 30: Kết quả thi đại học
Mùa hè năm 2001 là mùa hè
rực rỡ nhất từ trước đến nay của tôi. Ngày ngày chúng tôi quấn quít bên nhau
không rời, cứ như thể chúng tôi đang sống mùa hè cuối cùng của cuộc đời vậy.
Ngày nào chúng tôi cũng ở
bên cạnh nhau. Chi tiết về từng cuộc hẹn tôi đã quên rồi, chỉ nhớ là vì nhà Hứa
Lật Dương thường không có ai ở nhà nên tôi hay sang bên đó. Mọi người đừng quá
căng thẳng, khi đó chúng tôi thực sự là những đứa trẻ vô cùng trong trắng. Tôi
cũng không hiểu bọn trẻ con bây giờ như thế nào nữa, đứa nào cũng như ăn phải
thuốc kích thích, đều cao to khác hẳn chúng tôi ngày xưa. Bây giờ học sinh cấp
II, nếu ở bên nhau lúc không có ai ở nhà, thì đúng là như lửa gặp rơm, bén ngay
lập tức.
Tôi tự nhận mình cũng là
một đứa trưởng thành sớm nhưng so với lũ trẻ bây giờ thì đúng là không thể nào
so sánh được.
Chúng tôi ở nhà Hứa Lật
Dương chẳng qua chỉ cùng nhau xem phim hoạt hình, ăn vặt mà thôi. Lúc xem phim
hoạt hình, hai đứa ngồi trên ghế sofa, nắm tay nhau, lòng bàn tay dính mồ hôi.
Có lúc, tôi ngồi một mình
trong phòng khách xem tivi còn Hứa Lật Dương thì vào tủ lạnh lấy ra một chiếc
kem sữa nói với tôi: “Anh thích ăn loại này nhất chỉ có điều nhà hết mất rồi.”
Nói xong, đứa chiếc kem đó cho tôi còn tự nhìn đi lấy một loại kem khác ăn.
Tôi nói: “Anh ăn đi, em
ăn loại nào cũng thế.” Hứa Lật Dương cười nhẹ nhàng cốc nhẹ vào đầu tôi.
Một chi tiết như thế đến
tận bây giờ, sau bao nhiêu năm tôi vẫn còn nhớ. Nhưng chỉ vẻn vẹn có thế thôi.
Tôi tự lấy làm xấu hổ vì trí nhớ tồi tàn của mình.
Khi tôi cầm giấy gọi của
trường Đại học X Vũ Hán còn Hứa Lật Dương thì nhận được của trường Đại học Công
nghiệp X, chúng tôi mới nhận ra mùa hè tươi đẹp của chúng tôi đã chấm dứt rồi.
Chúng tôi ngồi bên vườn
hoa cạnh trường cũ, mặt mày ủ rũ.
“Làm thế nào bây giờ?”
Tôi cất tiếng hỏi Hứa Lật Dương.
“Anh cũng không biết.”
Hứa Lật Dương buồn rầu trả lời tôi.
Nếu như không đỗ vào
trường Đại học X Vũ Hán, tôi sẽ thi lại. Sự lựa chọn đó không hẳn vì tình yêu
mà cái chính là do tôi không muốn đối diện với sự thất bại sau mười hai năm
miệt mài đèn sách. Tôi nhất quyết không chấp nhận sự bất công của ông trời.
Nhưng bây giờ người không
đỗ lại là Hứa Lật Dương. Khuyên anh ấy thi lại thì sao? Tôi hiểu rất rõ cái
việc học ôn thi lại. Học xong một năm lớp Mười hai đã làm tôi có cảm giác giảm
thọ mất ba năm, học hai năm lớp Muời hai, ít nhất cũng phải tổn thọ mất 30 năm.
Muốn học và muốn vào đại
học là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Tôi không thể mở miệng
khuyên Hứa Lật Dương thi lại. Nói thế chẳng khác nào nói với Hứa Lật Dương
rằng: “Anh vì em xuống địa ngục một lần này đi, anh hãy vì em mà giảm tuổi thọ
xuống ba mươi năm đi.”
Chỉ cần nghĩ đến việc ôn
thi lại đã cảm thấy vô cùng kinh hãi giống như một người bị rơi xuống vực sâu
vậy, sau mười hai năm vất vả trèo lên núi cao, gần đến đích rồi thì tuột tay
rơi xuống vực. Cái cảm giác đó thật đáng sợ.
Chúng tôi cứ thế ngồi một
đêm. Lúc trời sáng, cuối cùng Hứa Lật Dương đã quyết định vào học ở trường Đại
học Công nghiệp X ở phía Bắc.
Tôi ích kỉ bao nhiêu thì
tôi thấy buồn chán bấy nhiêu. Nhưng tôi không muốn nói gì.
Tình yêu vốn là sự cam
tâm tình nguyện. Hứa Lật Dương đã cam tâm tình nguyện yêu bản thân mình hơn,
không muốn tiếp tục ôn thi vất vả.
Sự buồn chán lúc này làm
tôi cảm thấy tình cảm ba năm qua cứ như một câu chuyện cười.
Chúng tôi đã từng nghĩ là
đối phương rất yêu mình, tình yêu đó vô cùng sâu đậm.
Nhưng thực ra chúng ta
yêu bản thân chúng ta nhiều hơn.
Và thế là Hứa Lật Dương
đi về phía thành phố X nhập học. Còn tôi ở lại Vũ Hán học trường Đại học X Vũ
Hán.
Tình yêu tuổi học trò của
chúng tôi cứ thế hạ màn. Đêm trước khi Hứa Lật Dương đí, chúng tôi ngồi trên
khán đài sân vận động ở trường cũ ôm nhau.
Tôi hỏi: “Anh sẽ nhớ em
chứ?”
Hứa Lật Dương trả lời:
“Có.”
Tôi lại hỏi: “Anh sẽ mãi
yêu em chứ?”
Hứa Lật Dương lại trả
lời: “Có.”
Các bạn, xin hãy tha thứ
cho những câu hỏi ngờ nghệch này của tôi. Chúng ta ai cũng có những lúc ngờ
nghệch, ai cũng từng có thời ôm chặt lấy người mình yêu mà nói “Em mãi mãi yêu
anh.” Nhưng sẽ có một ngày, chúng ta nhận ra rằng chẳng có gì là “mãi mãi” và
sẽ không bao giờ dùng nó nữa.