Cô Đơn Vào Đời

Chương 29: Thi Đại học


Đọc truyện Cô Đơn Vào Đời – Chương 29: Thi Đại học

Những năm tháng cấp III
đã qua đi nhanh chóng. Ngoảnh đi ngoảnh lại chúng tôi đã bước vào những tháng
cuối cùng. Trước mắt chúng tôi bây giờ chỉ có ba mối quan tâm: thi Đại học, Hứa
Lật Dương và mẹ.

Những kí ức hình như đã
đứt đoạn, những câu chuyện lúc đó đã mờ nhạt trong tôi.

Tôi chỉ mong ngay lập tức
có thể cầm bút đi thi Đại học. Tôi sợ chờ đợi sẽ làm tôi quên hết.

Hoang mang, mơ hồ, phấn
khích và pha chút lo lắng với định hướng cho một tương lai mới. Mọi thứ bắt đầu
trở nên rối rắm. Trong thời gian này, chỉ có Hứa Lật Dương là niềm an ủi duy
nhất của tôi. Mối tình này lên đến lớp Mười hai đã trở thành niềm vui duy nhất
của tôi, là nguồn an ủi lớn nhất của tôi.

Và cho dù lo sợ hay mong
đợi thì kì thi Đại học cũng vẫn đến đúng lúc.

Ngày mùng 7, mùng 8 và
mùng 9, trời nắng và nóng. Ba ngày thi Đại học như ngày tận thế của thế giới,
véo một cái đã trôi qua.

Lúc ra khỏi phòng thi,
tôi thấy Hứa Lật Dương đang đứng bên đường đợi khuôn mặt rạng rỡ đang đưa ta ra
vẫy vẫy.

Cảnh tượng đó in đậm
trong kí ức tôi, cài then cho thời cắp sách tới trường. Một dấu chấm đánh dấu
bước ngoặt mới.

Ba ngày sau, chúng tôi
đến trường đoán điểm chuẩn và chọn nguyện vọng.

Điểm thi của tôi rất
không tốt. Kì thi lần này của tôi lại thấp nhất trong số các đợt thi ở cấp III.
Tôi cũng không biết tại sao lại xảy ra hiện tượng này. Thực sự tôi đã rất cố
gắng và chăm chỉ học tập.

Thế là di tong giấc mộng
vào trường Đại học Bắc Kinh. Tôi quyết định điền lần lượt các trường khác ở Bắc
Kinh, Quảng Châu v.v … Dù có ở trời Nam biển Bắc, nhưng nhất định tôi sẽ không
tiếp tục sống ở vùng đất này nữa. Hứa Lật Dương cứ nhìn vào đơn của tôi mà điền
y hệt.

Tối hôm đó lúc mang tờ
đơn chọn nguyện vọng về nhà, tôi và mẹ lại như thường lệ, cãi nhau một trận to.

Mẹ bắt đầu chê tôi từ đầu
đến chân, nào là không đáng một xu, nào là bình thường thi cử không đến nỗi nào

đến lúc thi cuộc thi quan trọng nhất lại đạt điểm số chẳng ra gì.

Tôi không tranh luận lại
với mẹ, chỉ đợi lúc mẹ nói xong thì bảo: “Đơn chọn nguyện vọng con đã điền hết
rồi, tất cả các nguyện vọng đều không có ở các trường ở Vũ Hán.”

Mẹ tôi càng tức điên lên,
bắt tôi phải vào trường Đại học Vũ Hán.

Còn tôi thì thà phải đi
học ở các trường loại hai, loại ba ở các tỉnh khác chứ không muốn tiếp tục học
ở Vũ Hán nữa.

Vất vả từng đó năm học
tập, tôi chỉ muốn bay thật xa, muốn chạy trốn, muốn làm lại từ đầu. Tôi hận nơi
này, căm thù ngôi nhà này, trong mơ tôi cũng muốn rời xa ngôi nhà này, rời xa
mẹ của tôi. Như thế tôi mới không phải nghe mẹ tôi cằn nhằn, mắng chửi, không
phải luôn sợ hãi, chán đời, tự ti. Tôi có thể làm lại từ đầu, không ai biết quá
khứ của tôi, tôi cũng không phải nhìn thấy cảnh mà đau lòng. Cuộc sống có thể
bước sang một trang mới. Hơn nữa, cho dù tôi đến nhập học ở trường nào, Hứa Lật
Dương nói cậu ấy cũng sẽ điền vào đơn giống hệt tôi.

“Với cái điểm đó, một
không vào nổi đại học Bắc Kinh thì không được đi đâu hết, ở lại Vũ Hán này.” Mẹ
tôi vừa nói vừa cầm giấy đăng kí nguyện vọng phần phật trong tay.

“Con đã điền hết cả rồi.”
Tôi mỉm cười, nụ cười của kẻ chiến thắng.

“Mày có tin kể cả mày
điền hết rồi, tao vẫn có thể xé nát tờ đơn này không? Ngày mai tao sẽ đi cùng
mày đến trường để xem mày sửa lại nó. Mày mà không nghe lời tao, đi học ở tỉnh
khác, thì đừng có xin tao đồng nào!” Mẹ lại bắt đầu giương oai doạ nạt.

“Mẹ cứ yên tâm đi, mẹ mà
không cho tiền thì con thà đứng đường, cởi quần áo cho người ta coi lấy tiền
chứ cũng không về cúi đầu xin tiền mẹ đâu!” Tôi giật tờ đơn lại, lạnh lùng uy
hiếp mẹ.

Câu nói đó đã làm cho cơn
tức giận của mẹ tôi lên tới đỉnh điểm. Bà cầm mấy chiếc cốc trên tràng kỉ đập
vỡ tan tành.

May thay tôi nhanh nhẹn
tránh được nhưng những chiếc cốc đó cũng đã phá tan sự im lặng và chịu đựng
trong suốt mười tám năm qua của tôi. Tôi quyết định nói hết những gì tôi đã
viết trong nhật kí cho mẹ tôi nghe. Những câu nói đó tôi chưa bao giờ nói với
ai, bởi vì tôi thấy nói những sự phiền não của mình cho bất kì ai cũng chẳng
tác dụng gì. Nỗi buồn chẳng vì thế mà bớt đi. Kêu khổ với bất kì ai cũng đều là
một việc ấu trĩ và nực cười vì nỗi khổ của bạn chẳng liên quan gì đến ai.


Trước mắt tôi lúc này là
người phụ nữ đã làm tôi khổ sở suốt mười tám năm qua. Bà cần phải biết rõ về
những tổn thương mà bà mang lại cho tôi.

“Mẹ cứ đập đi. Đập không
trúng người con, không chết được con thì sau này mẹ không còn cơ hội đâu. Bao
nhiêu năm qua con cố gắng chăm chỉ học tập cũng chỉ vì mong chờ có một ngày sẽ
hoàn toàn rời khỏi mẹ. Mẹ tưởng là chỉ có mẹ ghét con, chỉ có mẹ hận con thôi
à? Con nói cho mẹ biết, không phải thế đâu. Con cũng ghét mẹ! Con cũng hận mẹ!
Con hận mẹ từ trước đến giờ chưa bao giờ mẹ nói được với con một lời tử tế,
ngọt ngào. Con hận mẹ vì cứ hai, ba bữa lại đánh mắng con một trận. Con hận mẹ
vì suốt ngày lật tung đồ của con lên. Con hận mẹ nói con đen, con xấu. Con hận
mẹ luôn bắt con phải cố gắng học hành chỉ để thoả mãn tính sĩ diện của mẹ trước
đồng nghiệp và hàng xóm. Cuối cùng thì con đã hiểu tại sao lúc trước bố lại ly
hôn với mẹ. Nếu như con được quyền lựa chọn, con nhất định sẽ không sống chung
với mẹ!” Tôi trút một mạch những câu đang chất chứa ở trong lòng, nhìn mẹ với
ánh mắt khiêu khích, chờ đợi một cơn bão giông ác liệt chuẩn bị giáng xuống.

Mẹ tôi đứng ngẩn người ra
đó.

Bà không giống như những
gì tôi tưởng tượng, bà không điên dại xông vào, cũng không xa xả mắng tôi.

Mẹ chỉ đứng đó. Chúng tôi
đứng cách nhau đúng một cái tràng kỉ, rất gần, gần đến nỗi tôi có thể nhìn thấy
đôi mắt mẹ tôi đỏ ngầu, nhìn thấy những vết nhăn sâu nơi khoé mắt, những sợi
tóc trắng trước trán mẹ. Mẹ nhìn tôi bằng một ánh mắt lạ lẫm mà tôi chưa bao
giờ nhìn thấy, mắt ngân ngấn nước.

Nhưng mẹ không khóc mà từ
từ quay người đi vào trong phòng.

Tôi giấu kĩ giấy đăng kí
nguyện vọng, sau đó đi vào nhà vệ sinh tắm rửa, chuẩn bị đi ngủ.

Lúc tôi từ trong đó đi
ra, mẹ tôi đã ngồi ở phòng khách. Mẹ nhìn thấy tôi đi ra liền cất tiếng nói:
“Thôi mẹ cũng không ép buộc con nữa. Con muốn đăng kí trường nào thì cứ đăng kí
đi. Một mình đi học ở ngoài vất vả lắm, đến lúc đó con sẽ biết. Với lại cái
điều hoà trong phòng mẹ bị hỏng rồi. Tối nay mẹ có thể ngủ ở phòng của con được
không?”

Trong trí nhớ của tôi,
tôi luôn ngủ một mình, đêm nào cũng ngủ một mình. Hôm nay mẹ nói mẹ muốn ngủ
cùng với tôi. Lí do là máy điều hoà của phòng bà bị hỏng. Tôi cảm thấy vô cùng
bối rối.


Điều hoà của mẹ bị hỏng bao
lâu rồi? Những ngày hè ở Vũ Hán oi bức thế này, mẹ vẫn nằm ngủ trong phòng
không có máy điều hoà sao? Liệu có phải mẹ luộn bị nóng làm cho mất ngủ? Lúc
tôi nằm trong căn phòng có điều hoà mát lạnh oán hận bà đến nỗi không ngủ được,
có phải mẹ cũng vì nóng quá mà trằn trọc khó ngủ không?

Chúng tôi nằm cách nhau
một bức tường, nóng – lạnh ai đấy tự biết.

Nghĩ đến đó, tôi đáp:
“Được ạ.” Tôi hiểu rõ rằng bà đang sợ sau này sẽ không còn có cơ hội để ngủ
chung với tôi nữa.

“Ừ, con sấy khô tóc đi
rồi hẵng ngủ nếu không là dễ đau đầu lắm. Máy sấy mẹ đã mang sang phòng con rồi
đấy.” Giọng mẹ rất nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng đến nỗi làm tôi phải ngạc nhiên, thậm
chí còn khiến tôi hoài nghi không biết có phải mẹ quyết định tối nay sẽ thực
thi kế hoạch mà mẹ đã từng nói không: bà sẽ giết chết tôi, sau đó nói với mọi
người là tôi tự sát, lí do thì có thể nói do tôi thi đại học thành tích không
được tốt, đau khổ quá mà tự tử.

Tôi sấy khô đầu rồi lên
giường nằm. Mẹ cũng nhanh chóng tắm xong và vào phòng tôi. Tôi nghe thấy tiếng
mẹ bật máy sấy tóc rồi lại thấy tắt, sau đó mang máy sấy ra ngoài sấy tóc, chắc
là sợ làm tôi tỉnh giấc.

Một lúc sau, tôi nghe
thấy tiếng mẹ khe khẽ đi vào, lật chiếc chăn đơn ra, nằm vào trong nhưng không
hề đụng vào người tôi.

Cái cảm giác kì lạ và khó
hiểu làm tôi không tài nào ngủ được nhưng lại không dám xoay chuyển người sợ
làm mẹ khó ngủ. Từ bé đến giờ mẹ chưa bao giờ nằm ngủ cùng tôi. Trừ những lúc
mẹ giữ người tôi mà đánh, chưa bao giờ tôi và mẹ lại ở gần nhau như lúc này.
Chúng tôi cứ thế nằm giữ một khoảng cách nhất định, nghe tiếng thở của nhau. Từ
từ, tôi cũng dần thiếp đi.

Nửa đêm, tôi bỗng bị một
bàn tay lạnh chạm vào người làm cho tỉnh giấc.

Đó là mẹ, mẹ lấy tay phải
nắm chặt lấy tay trái của tôi. Lòng bàn tay mẹ rất lạnh. Tôi nghe nói lòng bàn
tay của người con gái nào mà lạnh, thì đường tình duyên của người đó lận đận.
Tay mẹ nắm chặt tay tôi, rồi xiết chặt tay tôi hơn nữa.

Tôi mở mắt nhìn lên trần
nhà, rồi đưa mắt nhìn sang mẹ đang nằm bên cạnh. Ánh trăng soi sáng khuôn mặt
mẹ, nhưng ánh trăng không thể che đi được những nếp nhăn trên đuôi mắt mẹ. Mẹ
ngủ mà vẫn nhíu mày lại. Có lẽ mẹ có rất nhiều chuyện phải suy nghĩ. Cuộc đời
lận đận, hôn nhân thất bại, đứa con gái không ngoan ngoãn, vì cuộc sống mẹ phải
bôn ba vất vả thế nhưng đến cuối cùng mẹ chẳng nhận được gì. Mẹ già rồi, già
thật rồi.

Tôi ngẩng đầu lên nhưng
nước mắt vẫn từ từ chảy xuống mặt.

Không biết đã bao nhiêu
lần tôi mớ mẹ dịu dàng ôm tôi vào lòng ngủ, cho tôi một đêm an lành. Đến lúc

cái đêm an lành đó đến, muộn màng như lúc này, mọi cảm xúc lẫn lộn làm tôi vừa
cảm thấy hạnh phúc, vừa ân hận, lại vừa cảm thấy có lỗi và đau lòng vô cùng.

Ngày hôm sau, lúc nộp
giấy đăng kí nguyện vọng, Hứa Lật Dương đã đứng chờ tôi ở ngay ngoài cửa lớp.
Chúng tôi làm mọi việc như thể việc vào vào Đại học chẳng có gì làm cho chúng
tôi chùn bước cả. Những lời trách móc của thầy cô, những tiếng xì xào, bàn tán
của bạn bè đã chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Tôi nói với Hứa Lật
Dương: “Em đã đổi trường rồi. Nguyện vọng thứ nhất em chọn trường Đại học X Vũ
Hán.”

(Chúng tôi dã thay đổi
cách xưng hô từ sau lần hẹn hò đầu tiên ở công viên hôm đó.)

Tôi cứ nghĩ rằng Hứa Lật
Dương sẽ trách móc tôi, nhưng không, cậu ấy chẳng nói lời nào, cầm cục tẩy và
chiếc bút chì, xoá rồi điền lại giống hệt tôi. Nguyện vọng thứ nhất của chúng
tôi là trường Đại học X Vũ Hán.

“Còn những nguyện vọng
khác thì sao?” Tôi hỏi Hứa Lật Dương.

“Em chọn trường nào thì
anh sẽ chọn trường đó.” Hứa Lật Dương trả lời không do dự.

“Nếu như ngay cả trường X
em cũng không đỗ, năm sau em sẽ thi lại. Nên những nguyện vọng khác em cứ chọn
bừa theo như danh sách thôi, mở trang nào lấy trường trang đó. Dù sao thì kể cả
có đỗ những trường đó em cũng không học.” Có lúc, những quyết định quan trọng
của cuộc đời lại rất mơ hồ cứ như là ông trời đang trêu đùa chúng ta vậy.

“Anh cũng chọn giống em!”
Hứa Lật Dương không hề phản ứng lại.

Tôi mở một trang ra, nhắm
mắt lấy tay chỉ bừa một trường, sau đó mở mắt ra, đọc tên những trường mình vừa
chỉ và cứ thế điền vào những nguyện vọng còn lại.

Nguyện vọng thứ hai tôi chỉ
vào một trường ở tít tận phía Bắc: Đại học Công nghiệp X.

Nguyện vọng thứ ba …

Tôi đã chẳng còn nhớ lắm
rốt cuộc tôi điền những trường nào, tôi chỉ nhớ có hai người với đơn nguyện
vọng giống hệt nhau, ghi dấu quyết tâm của một mối tình khăng khít, bền chặt.
Ngoài tình yêu ra, điều gì cũng không quan trọng. Cho dù ngày mai, tương lai sẽ
đi về đâu, số phận sẽ an bài như thế nào, chúng tôi cũng không xa rời nhau.

Trong một cuốn nhật kí,
chúng tôi đã từng viết, chúng tôi sẽ không bao giờ xa rời nhau, mãi mãi ở bên
nhau, thế nhưng ai có thể nói cho tôi biết “mãi mãi” sẽ kéo dài trong bao lâu?

Sau khi về nhà tôi nói
lại với mẹ, tôi đã chọn trường Đại học X Vũ Hán. Lần đầu tiên mẹ đã ôm tôi vào
lòng.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.