Đọc truyện Chuyện xứ Lang Biang (Tập 3: Chủ Nhân Núi Lưng Chừng) – Chương 7- Phần 1
Chương 5
Con trai của các ngón
Chưa bao giờ trong đời Nguyên và Kăply cảm thấy nhột nhạt như trong bữa ăn trưa hôm đó. Nhất là Kăply, nó một tay đũa một tay muỗng, liên tục quơ quào các món ăn trên bàn để tìm cách trám miệng mình lại bằng đủ thứ hầm-bà-lằng, càng nhiều càng tốt.
Câu chuyện của gã tài xế Mustafa kỳ lạ và thú vị đến mức bây giờ Kăply mới nghĩ ra tụi nó hứa giữ bí mật giùm gã là chuyện đại ngu.
– Bữa nay ngó bộ con đói dữ há, KBrêt? – Bà Êmô âu yếm nhìn thằng nhóc.
– Ạ… ạ… – Kăply lúng búng đáp trong khi miệng vẫn lèn chặt một khoanh sinh vật nguyên thủy to tổ chảng.
– Hay lắm, KBrêt. – Từ đầu bàn quen thuộc, ông KTul hào hứng nói theo, bữa nay mặt ông nom rạng rỡ một cách bất thường khiến bọn trẻ quay hết về phía ông để xem thử cái gì đột ngột đốt nóng ông như vậy. – Cả tụi con nữa, cũng nên ăn uống tưng bừng đi chớ! – Ánh mắt long lanh của ông quét ngang mặt những đứa còn lại. – Vì theo ta thì sự kiện này thiệt đáng ăn mừng rôm rả lắm.
Trước vẻ mặt ngơ ngác của bọn trẻ, ông nhanh nhẩu chộp lấy tờ báo trước mặt, vung lên theo cái cách người ta vung chiến lợi phẩm:
– Thấy gì chưa?
Trang bìa lòe loẹt của tờ Tin nhanh N, S & D đập vào mắt bọn Kăply một cách kiêu hãnh.
– Rốt cuộc Ama Đliê cũng chứng tỏ hắn vẫn là một tay làm báo bản lĩnh. – Hàng ria con kiến trên môi ông KTul cựa quậy một cách kích động. Ông đập đập tay lên tờ báo, khoái chí nói tiếp. – Không những tờ Tin nhanh N, S & D đã ra lại mà ngay từ số đầu tiên đã tuyên chiến ngay.
Ông rung rung tờ báo như người chào hàng đang rung miếng keo dán lưng:
– Tuyệt lắm! Rất tuyệt! Hừm, lần này thì lão NTrang Long lại gặp khó khăn nữa rồi!
Như không thể kéo dài niềm hứng khởi hơn nữa, ông lia tờ báo bay dọc bàn ăn, khéo léo như phóng một chiếc tàu lượn:
– Tụi con đọc đi! Đọc để thấy cuộc sống luôn chờ đón chúng ta bằng những bất ngờ thích thú.
Ông cao hứng triết lý:
– Và chính vì thế đời mới đáng sống!
Kăply và KTub nhanh tay đè tờ báo xuống trước mặt và cả bốn cái đầu hối hả cụng vào nhau, thô lố mắt đọc:
VỤ ÁN BOLOBALA CÓ THỰC SỰ ĐÃ KẾT THÚC?
Có vẻ như hồ sơ về vụ ám hại nữ sinh Bolobala đã được xếp lại khi sứ giả Buriam bị Cục an ninh bắt giữ cách đây ba hôm. Theo những gì đã được chính thức công bố thì Buriam, vốn hoạt động trong trường Đămri dưới cái lốt giáo sư Hailixiro, là kẻ chủ mưu và là thủ phạm duy nhất trong vụ này. Nhưng hôm nay, theo nguồn tin tuyệt mật bản báo thu lượm được thì dường như Hội đồng tối cao Lang Biang lẫn Cục an ninh vẫn chưa muốn rời mắt khỏi trường Đămri. Những chuyến thăm dò bí mật của thám tử Eakar tại ngôi trường lắm chuyện này chứng minh nơi đây vẫn chưa thực sự an toàn và hiệu trưởng NTrang Long vẫn chưa tạo được sự tin cậy với cộng đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến hứa hẹn nhiều bất ngờ trong thời gian tới và sẽ nhanh chóng cung cấp đến quý độc giả. Ngay từ bây giờ, quý độc giả đã có thể đặt mua báo dài hạn để không phải ân hận vì bỏ sót bất cứ một tin tức nóng, sốt và dẻo nào của chúng tôi.
– Thiệt không biết xấu hổ! – KTub nhăn mặt đẩy tờ báo ra xa như thể xua một con gián. – Dù nghẹt mũi kinh niên cũng nghe được hơi hướm quảng cáo toát ra nồng nặc từ cái tin vớ vẩn này. Đây chỉ là một chiêu dụ khị khách hàng của Ama Đliê thôi, ba à.
– Im đi, KTub! – Ông KTul quát lên. – Đây không phải là tin tức vớ vẩn. Ta có thể cam đoan như thế. Nếu đây là tin bịa đặt, Hội đồng Lang Biang và Cục an ninh không bao giờ để yên cho Ama Đliê khi tờ Tin nhanh N, S & D lôi họ vào chuyện này.
Êmê cố lái câu chuyện vào chỗ mà nó chắc là ông KTul ưa thích:
– Thế cậu nghĩ là có kẻ đứng đằng sau Buriam hả cậu?
– Ta không nghĩ gì hết. – Ông KTul dịu giọng. – Và ngay cả tờ Tin nhanh N, S & D cũng không khẳng định điều này. Nhưng với những dấu hiệu bất thường mà Ama Đliê vừa phát hiện thì cũng không loại trừ khả năng đó.
Tuy ông cố làm ra vẻ khách quan nhưng bọn trẻ vẫn đọc thấy sự hả hê trong câu nói của ông. KTub cong môi “xì” một tiếng dài:
– Tờ Tin nhanh N, S & D không khẳng định nhưng cái cách tung tin độc ác như thế xét ra còn hơn cả khẳng định ngàn lần.
Bà Êmô gõ chiếc muỗng vào tô canh làm phát ra những tiếng leng keng thay cho hồi chuông nghỉ giải lao:
– Thôi, ăn đi. Những chuyện như thế này thật ra chưa có gì sáng tỏ hết. Chẳng việc gì nhà ta phải ầm ĩ vì những chuyện không đâu.
– Không thể bảo là không đâu, dì Êmô. – Ông KTul vẫn chưa hết cáu. – Nếu mà trường Đămri còn có một tổ-sư-ma-cà-rồng nào nấp trong đó nữa thì bọn nhóc nhà này cũng chưa chắc đã được yên đâu.
KTub hầm hầm nhìn ba nó, tức điên vì không nghĩ ra được một câu gì có sức nặng để cãi lại ông.
Trong bọn, chỉ có Nguyên và Kăply là làm thinh. Mẩu tin của tờ Tin nhanh N, S & D khiến tụi nó nhớ tới hình ảnh của thám tử Eakar trên mái trường hồi sáng. Và tụi nó tin là Ama Đliê đã đánh hơi được hành vi của Eakar. Vì vậy mà mặc cho KTub và ba nó cãi nhau ỏm tỏi, hai đứa ngồi chúi đầu vào đĩa thức ăn để tìm cách che giấu bộ mặt mà tụi nó tin chắc là rất xúc động của mình.
Chỉ đến khi chui vào phòng, với KTub và Êmê bực dọc sau lưng, Nguyên mới mở miệng phun ào ào những gì kềm chế nãy giờ:
– Ama Đliê không nói vu vơ đâu, KTub. Hồi sáng chính mắt tụi anh nhìn thấy lão Eakar nấp trong trường Đămri.
– Tụi anh thấy? – KTub chưng hửng. – Thiệt không đó? Lão nấp ở đâu?
– Ở trên mái nhà. – Kăply vọt miệng.
– Eakar nấp trên mái nhà mà tụi anh thấy được thì đúng là siêu thiệt!
Thấy thằng oắt tỏ ý nghi ngờ, Nguyên hắng giọng:
– Đầu đuôi là như thế này nè…
Sau khi nghe Nguyên từ tốn thuật lại tất cả những gì xảy ra với nó và Kăply trong buổi sáng, Êmê và KTub bất giác trừng mắt nhìn nhau, thấy đầu mình kêu vo vo như có một bầy ong đang bay ở trỏng.
Êmê há miệng định hỏi nhưng rồi nó đứng trơ ra đó vì không biết phải hỏi câu gì trước. Có quá nhiều bất ngờ trong câu chuyện của Nguyên.
– Đầu anh cũng đang rối lên đây, Êmê. – Như đọc được tâm trạng của cô bạn gái, Nguyên đưa tay lên vỗ vỗ đỉnh đầu. – Nhưng theo anh, có lẽ điều đáng lo nhất lúc này là chứng ngốc của thằng Mom.
Êmê thở dài:
– Ờ, nếu thằng nhóc cứ tưng tửng suốt đời, chắc chú Mustafa và cô Kemli Trinh đau khổ lắm.
– Nhất là họ đã chịu đau khổ quá nhiều rồi. – KTub khụt khịt mũi phụ họa, bằng cái giọng bùi ngùi xưa nay hổng thấy nó đem ra dùng bao giờ nên nghe lạ hoắc lạ huơ.
Êmê ngước cái mũi hếch vô mặt Nguyên, thấp thỏm:
– Theo anh, bọn họ có sẽ chữa trị được không?
– Anh cũng không biết nữa. – Giọng Nguyên rầu rầu. – Như anh vừa kể thì em cũng thấy tình thế có vẻ đang lâm vào bế tắc mà.
Kăply cau mày cố góp vào một ý kiến nhưng nó chẳng nghĩ ra được điều gì đặc biệt. Cuối cùng, nó cũng nảy được một ý dở ẹc:
– Trưa mai học xong, tụi anh sẽ chạy đi kiếm thầy NTrang Long hỏi xem sao.
* * *
Nguyên và Kăply vừa đút đầu vô lớp đã nghe thằng Y Đê oang oang:
– Tao cá với tụi bay thầy Akô Nô là một thằng cha bịp bợm. Nếu không sợ ổng méc thầy hiệu trưởng, hôm qua tao đã nện ổng te tua rồi.
Y Đê nhỏ thó nhưng giọng rất to, càng ngày nó càng ăn nói hỗn láo y chang thằng Amara sư phụ nó.
– Mày nghĩ là mày đánh thắng thầy Akô Nô sao? – Hailibato chìa bộ mặt nần nẫn về phía Y Đê, nheo mắt hỏi, đã quên mất nỗi buồn không được thầy NTrang Long cho phép đổi tên thành Haitobali.
– Thì tụi mày cũng biết chuyện ổng vật nhau với thằng Đêra ở lớp Trung cấp 2 rồi đó. – Y Đê nhếch mép. – Cỡ Đêra mà ổng chơi không lại, làm sao ổng ăn nổi tao.
Thái độ xấc xược của Y Đê khiến Kăply như bị cù vào nách. Nó nheo mắt:
– Nhưng hôm qua tại sao mày nện nhau với thầy Akô Nô vậy hả Y Đê? Bộ ổng giật đồ của mày hả?
Mặt mày Y Đê lập tức đỏ rựng lên như vừa vớt ra từ nồi nước sôi. Nó nhìn Kăply bằng ánh mắt căm tức, nhưng chưa kịp nghĩ ra lời lẽ nào để độp lại thì Amara đã vọt miệng, môi dài cả thước:
– Tao chẳng thấy thầy Akô Nô có tài cán gì hết. Ổng là thầy giáo mà mỗi ngày đánh nhau với học trò cả chục bận là không xong rồi. Đưa một thằng nhóc lôm côm như vậy lên bục giảng, kỳ này thầy NTrang Long tiêu rồi.
Nó quay đầu nhìn quanh, cố mở to cặp mắt ti hí, giọng đe dọa:
– Hôm qua tụi bay đều đã đọc tờ Tin nhanh N, S & D rồi chứ gì? Tụi bay cũng biết đó…
– Tao chả biết gì hết. – Kăply khó chịu cắt ngang. – Chỉ thấy Ama Đliê quảng cáo tờ báo của lão y như người ta quảng cáo thuốc xức ghẻ thôi, thiệt trơ trẽn quá sức!
– Mày mới là đồ trơ trẽn, KBrêt. – Amara gầm gừ, mái tóc xoăn tít của nó xù lên. – Hôm qua bọn mày hùa vào với thầy Akô Nô để bắt nạt thằng Y Đê mà không thấy xấu hổ hả?
– Vô chỗ ngồi hết đi! Giờ này mà lũ ngốc tụi bay còn đứng xớ rớ ở đó hả?
Tiếng quát thình lình của thầy Haifai lập tức cắt đứt cuộc cãi vã giữa hai bên. Thầy lừ lừ vào lớp, cái trán dồ của thầy quay tứ phía, gục lên gục xuống như không biết nên nhắm mổ vào đứa nào.
Bọn học trò im thít trong chỗ ngồi, đưa cặp mắt thăm dò từng bước đi của thầy, sẵn sàng né qua một bên nếu thầy cao hứng biểu diễn màn quát tháo kèm theo nước bọt.
– Amara! – Thầy bất thần dừng lại, chiếu cặp mắt tối om om vào thằng này, khinh khỉnh nói. – Ta biết ba của trò là chủ nhà máy TỜ RỜI, xưa nay là nguồn cung cấp giấy chủ yếu cho tờ báo của Ama Đliê. Nhưng như vậy không có nghĩa là trò cứ bô bô quảng cáo cho tờ Tin nhanh N, S & D mọi lúc mọi nơi…
– Thầy không được đụng chạm đến chuyện làm ăn của ba con. – Amara rống lên, mặt đỏ phừng phừng. – Con không quảng cáo cho ai hết, mà chỉ cung cấp thông tin cho các bạn.
– Thế sao trò không phổ biến tin tức in trên tờ Lang Biang hằng ngày? – Thầy Haifai tỉnh queo. – Hay là vì tờ báo này chỉ mua giấy của nhà máy TRẮNG TINH?
Cả lớp đều thấy bộ mặt của Amara từ đỏ chuyển qua tím, mỗi lúc một phù ra. Chiếc áo trên người nó cũng từ từ phồng lên khiến tụi bạn lo lắng không biết chừng nào thì nó phát nổ.
– Ông cứ sa đà vào những chuyện ngoài lề đó làm gì. – Từ trong đôi môi đỏ như son của thầy Haifai, tiếng vợ thầy bực bội vọng ra. – Theo tôi ông nên tập trung vào việc dạy môn Thần chú chiến đấu cho tụi nó là hơn…
– Cô nói đúng quá, cô ơi. – Amara nhảy cẫng, Kăply có cảm tưởng nếu có một cây sào trong tay chắc nó đã bắn lên tận xà nhà. – Thầy suốt ngày chỉ để ý và bắt bẻ những chuyện vặt vãnh, thiệt nhỏ nhen hết chỗ nói.
Nó đưa mắt nhìn Y Đê, cười với thằng đệ tử ruột một cái rồi quay lại tố cáo tiếp, mặt nhơn nhơn:
– Còn chuyện quan trọng là dạy học thì thầy chẳng quan tâm gì hết trọi. Nói thiệt là vừa rồi tụi con chẳng biết học câu thần chú số 8 để làm cái quái gì. – Amara phê phán hăng đến mức tay nó bắt đầu vung tá lả. – Đánh nhau chí chết mà dùng thần chú Trẹo quai hàm thì chỉ có nước cạp đất, đúng không cô? Cái đó là trò chơi của con nít chứ thần chú chiến đấu con khỉ gì. Lẽ ra thầy phải biết chọn lọc…
Lần này thì thầy Haifai không để cho vợ kịp cướp lời. Thầy cười gằn, nanh gần như chìa hết ra ngoài:
– Ta muốn lấy tên trò đặt tên cho một giống lợn quá, Amara à. Trò học hành ngu như heo mà lúc nào cũng đòi làm thầy thiên hạ. Hổng lẽ trò không biết là nếu trò khiến cho đối thủ trẹo quai hàm thì hắn hết đường niệm chú sao?
Kăply cố nín cười khi thấy Amara đực mặt ra trước câu phản bác của thầy Haifai. Thằng Y Đê nhấp nhổm phía sau, tính a dua theo sư phụ, nghe vậy cũng lập tức đứng trơ như cột nhà. Trông hai đứa lúc này giống như những nhân vật trong một cuốn phim bị kẹt băng, chẳng thấy nhúc nhích gì hết.
– Chỗ này thì ổng nói đúng đó, Amara. – Cô Haifai lên tiếng an ủi đứa học trò cưng. – Theo ta thì trò chê ổng chuyện gì cũng được, mà xét ra ổng cũng có nhiều cái rất đáng chê, nhưng chuyện dạy dỗ thì ta tưởng là trò chớ có nên xía vô.
Cô ngừng lời một chút, rồi nói tiếp, giọng nghiêm nghị:
– Ta cũng cho rằng các trò không nên bàn tán lung tung về giáo sư Akô Nô. Tất cả giáo sư trong trường này đều do Bộ giáo dục chính thức bổ nhiệm, chừng nào thấy ai đó không thích hợp thì Bộ sẽ có ý kiến. Còn nhiệm vụ hàng đầu của các trò là học, học và học.
Lời nhắc nhở của cô Haifai kết thúc luôn ba thứ chuyện linh tinh mà ngày nào thằng Amara cũng quậy ra cho bằng được. Nhưng bữa nay thì nó hoàn toàn xuôi xị khi không những thất bại thảm hại trong việc công kích thầy Haifai mà còn bị thầy nói huỵch toẹt ra mối quan hệ làm ăn giữa ba nó và tờ Tin nhanh N, S & D.