Bạn đang đọc Chuyện xứ Lang Biang (Tập 2: Biến cố ở trường Đămri): Chương 14
Chương 14
Nạn nhân của ma cà rồng
Kăply chưa bao giờ bị sét đánh ngay đầu. Nhưng nó biết, nếu nó đã từng bị như vậy thì chắc chắn cảm giác đó cũng chẳng nhằm nhò gì so với lúc này.
Khi tiếng nói trầm trầm của thầy N’Trang Long dội vào tai nó, người nó run lên và bỗng chốc như dại đi, rồi nó thấy nó đang từ từ quay lại phía sau, không nhanh không chậm, đều đều như đang đứng trên một cái đế xoay hoặc giả có bàn tay vô hình nào đó đang nắm lấy hai vai nó mà thong thả quay nó lại.
Kăply có cảm giác trước mặt mình là một màn sương và bên kia bức màn thầy N’Trang Long đang nhìn nó và mỉm cười. Tự nhiên, nó không còn thấy sợ hãi nữa, thay vào đó là một nỗi khổ tâm ghê gớm, cảm giác mà nó đã từng trải qua một lần trước đây, lúc người bà thân yêu của nó qua đời. Khi bắt gặp lại cảm giác kinh khủng đó, nó như đang nhìn thấy nó đứng lặng người bên nấm mộ của bà nó ở nghĩa trang làng Ke trong một buổi chiều quạnh quẽ, trời thoi thóp nắng và gió nín thở đến tận sáng hôm sau.
Bất giác nó nói, ngây ngô, lòng quặn thắt:
– Thầy…
Đôi mắt lục lạc của thầy N’Trang Long nheo lại và Kăply nghe tiếng thầy phát ra ấm áp từ dưới hàng ria:
– Ta hiểu tâm trạng của các con. Nhưng lẽ ra các con không nên hành động như vậy trước khi hỏi qua ý kiến của ta.
Kăply không nghĩ một con ma cà rồng của trùm Bastu lại có được giọng nói dịu dàng đến thế. Một cảm giác tức uất vì bị lừa trào lên trong ngực, nó hét lên:
– Thầy… thầy gạt tụi con.
Thầy N’Trang Long vẫn tỉnh queo như không để ý đến vẻ kích động trên mặt đứa học trò nhỏ:
– Ta chưa bao giờ gạt các con, K’Brêt à.
– Hổng lẽ thầy làm việc cho Bastu là vì có nỗi khổ tâm riêng. – Nguyên vọt miệng, và trông nét mặt hồi hộp của nó có thể thấy rõ nó đang nóng lòng chờ một cái gật đầu biết bao.
Thầy N’Trang Long lại lắc đầu:
– Con nói sai rồi, K’Brăk. Bastu là cái quái gì mà ta phải làm việc cho hắn chớ.
Kăply bắt đầu khoác bộ mặt khùng khùng:
– Chắc thầy muốn nói là ngoài Bolobala ra, ở trường Đămri không có một con ma cà rồng nào khác?
Thầy N’Trang Long nhún vai:
– Ta không định nói như vậy. Ta tưởng là ta đang muốn nói ngược lại kia, con trai à.
Để mặc hai đứa học trò đứng trơ cạnh chiếc gương và ù ù cạc cạc giương mắt ra nhìn mình, thầy chậm rãi bước lại chỗ chiếc bàn giấy, ngồi xuống và thản nhiên nói:
– Các con đẩy chiếc tủ về chỗ cũ đi rồi ngồi xuống đây để cặp giò khỏi phản đối. Nếu ta đoán không sai thì có lẽ các con đứng cũng khá lâu rồi.
Sau khi đưa chiếc tủ vào đúng vị trí cũ, Nguyên bước đến cạnh chiếc ghế dài, sè sẹ đặt mông xuống và nơm nớp đưa mắt ngó thầy hiệu trưởng, lo lắng chờ hai chiếc nanh thò ra dưới hàng ria đen rậm. Kăply ngược lại, mở mắt trừng trừng và mím chặt môi như sẵn sàng phun ra một lời nói xẵng.
– Con đừng ngậm miệng chặt qua, K’Brêt. Thở bằng cả mũi lẫn miệng vẫn tốt hơn.
Thầy N’Trang Long làm như thuận miệng góp ý, rồi rất nhanh, thầy chuyển qua đề tài khác, lần này thì giọng thầy đã nghiêm trang trở lại:
– Tấm gương lưu trữ, như ta đã cảnh báo trước đây với các con, là thứ mà khi sử dụng phải hết sức thận trọng. Ta nhớ là ta từng nói ngay cả ta lúc nào kẹt lắm ta mới phải đụng tới nó mà. – Thầy nhìn chăm chăm vào mặt hai đứa học trò, tay vờ gõ gõ nơi trán làm như đang tìm cách đánh thức bộ nhớ già nua. – Ta có nói vậy không hả các con? Hay là ta lẩm cẩm quá rồi nên nhớ lộn?
– Thầy không nhớ lộn đâu. Con nhớ là thầy có nói mà.
Kăply nhanh nhẩu vọt miệng, chiếc mặt nạ quạu quọ rơi đâu mất.
– À, như vậy là ta có nói hả? – Thầy N’Trang Long thở dài, có vẻ rất phiền não. – Ra là ta có nói nhưng các con đâu có để vào tai.
Kăply hăng hái:
– Thầy còn nói là muốn khai thác nó một cách thuận lợi thì phải biết cách.
– Nếu khó khăn như vậy thì tại sao chính con cũng đánh thức được tấm gương hả thầy? – Nguyên không kềm được thắc mắc.
– Ai cũng đánh thức được tấm gương hết con à. Nhưng không phải ai cũng biết cách bắt nó nói ra sự thật. Khó khăn chính là ở chỗ đó.
– Là sao hả thầy? – Kăply ngẩn tò te. – Hổng lẽ tấm gương lưu trữ cũng biết nói dối?
– Không phải là cũng biết. Mà nó nói dối như ranh. Nói dối một cách lão luyện và trôi chảy.
Thầy N’Trang Long mân mê chòm râu cằm, giọng từ tốn:
– Trong một tháng, tấm gương lưu trữ chỉ nói thật có ba ngày. Đó là ba ngày trăng tròn. Các con nhớ lại đi, bữa tấm gương thuật lại câu chuyện của vợ chồng thầy Haifai, hôm đó có phải là ngày rằm không?
– Dạ, phải. – Nguyên nhíu mày một hồi rồi khe khẽ đáp.
Đợi Nguyên xác nhận xong, thầy thủng thẳng tiếp:
– Những ngày còn lại trong tháng, không thể tìm ra chút xíu sự thật nào trong tấm gương láu cá này. – Bàn tay thầy N’Trang Long nhảy từ cằm lên trán, xoa xoa chỗ chân tóc và giọng thầy cất cao hơn một chút. – Dĩ nhiên, ta có thể dùng bùa Chống nói dối dể đối phó với nó. Nhưng ta không ngại xấu hổ để thú thiệt với tụi con là không phải lúc nào ta cũng thành công. Tấm gương khốn kiếp này thừa tinh quái để pha trộn một phần bịa đặt vào hai phần sự thật để luồn lách và vô hiệu hóa sự giám sát của các loại bùa ếm. Ta từng bị nó lừa một vố thê thảm rồi đó chớ.
Kăply ngạc nhiên:
– Trình độ như thầy mà cũng bó tay trước tấm gương lôm côm này sao?
Thầy N’Trang Long giương đôi mắt to cồ cộ nhìn Kăply như thể bây giờ mới trông thấy nó:
– Con có biết chủ nhân của tấm gương này là ai không hở K’Brêt?
Kăply xịu mặt:
– Thầy cũng biết là con không biết mà.
Rồi nó liếm môi, háo hức hỏi:
– Là ai hả thầy?
– Đây là tấm gương của chủ nhân núi Lưng Chừng.
Thầy N’Trang Long buông từng tiếng, rồi mặc Nguyên và Kăply há hốc miệng ra vì kinh ngạc, thầy tỉnh bơ tiếp:
– Chủ nhân núi Lưng Chừng tặng tấm gương này cho Đại phù thủy Mackeno. Và chính Mackeno đã tặng nó lại cho ta.
– Mọi người tặng qua tặng lại tấm gương này chi vậy thầy? – Kăply cắc cớ hỏi.
Trong khi Nguyên nhăn mặt vì thắc mắc ngô nghê của bạn thì thầy N’Trang Long gật gù rất ư là khoái chí:
– Một câu hỏi rất hay, K’Brêt à.
Thầy lim dim mắt:
– Thực ra đây chỉ là một trò chơi trẻ con. Chủ nhân núi Lưng Lừng giở trò nghịch ngợm trên tấm gương chẳng qua muốn thử thách tài nghệ của bọn ta mà thôi.
Đang nói, cặp mắt nửa nhắm nửa mở của thầy N’Trang Long thình lình quắc lên khiến Nguyên và Kăply giật thót:
– Ủa, thế còn cái chuyện đi đến núi Lưng Chừng tới đâu rồi? Ta nhớ ta bảo tụi con tới đó lâu rồi mà, sao tụi con còn ngồi thù lù ở đây?
Nguyên đỏ mặt phân bua:
– Tụi con đã đi tìm ngọn núi đó suốt một ngày nhưng hổng thấy gì hết, thầy ơi.
– Có một ngày thì ăn thua gì! – Thầy N’Trang Long sầm mặt. – Tụi con đi tìm nữa đi. Phải tích cực lên.
– Thế còn vụ Bolobala sao rồi hả thầy? – Kăply vùng kêu. – Thầy nhốt bạn ấy ở đâu?
– Nhốt? – Cặp mắt thầy N’Trang Long trợn ngược. – Hừm, ai bảo là ta nhốt con bé đó?
Thầy đứng bật khỏi ghế, như một con mãnh sư thình lình chồm lên trên hai chân:
– Đi! Tụi con đi với ta!
Thầy bước vòng qua bàn, mỗi tay nắm một đứa học trò, hắng giọng:
– Ta cũng đang muốn cho tụi con nhìn thấy sự thật đây!
Nguyên và Kăply chưa kịp hiểu thầy hiệu trưởng định làm gì, đã nghe vù một tiếng, hai chân như hẫng đi. Không cần thầy N’Trang Long ra lệnh, tụi nó đã tự động nhắm nghiền mắt, hoảng hốt thấy cơ thể xoay mòng mòng trong khoảng không như đang rơi vào một luồng gió xoáy.
Một tích tắc sau, Nguyên và Kăply nghe một tiếng “bịch”, hai chân nện lên mặt sàn đau điếng. Thầy N’Trang Long thình lình buông tay khiến tụi nó lảo đảo một hồi mới đứng vững và hấp tấp mở mắt ra.
Chưa đặt chân vào phòng y tế bao giờ nhưng vừa nhác thấy khung cảnh trước mắt, Nguyên và Kăply biết ngay tụi nó đang ở đâu.
Trên chiếc giường phủ khăn trắng ở chính giữa phòng Bolobala đang nằm thiêm thiếp. Lăng xăng bên cạnh là một lão phù thủy mặt dài như quả dưa leo, vận đồ ngắn, tay cầm roi phép, thắt lưng đeo lủng lẳng các thứ lọ đựng bột, mặt mày cực kỳ nghiêm trọng. Lão đi tới đi lui cạnh giường, điệu bộ khẩn trương, tay huơ huơ con roi khắp người Bolobala, miệng xì xầm niệm chú, chốc chốc lại nhúng đầu ngọn roi vào cái xoong cán dài đang sôi sùng sục và tỏa mùi dược liệu nồng nặc trên chiếc bếp lò kề đó. Kăply đoán lão là pháp sư Lăk, người phụ trách phòng y tế. Nó ngó chăm chăm vẻ mặt trầm trọng của lão, thấy trán lão cứ nhăn tít, như thể không phải bây giờ nó mới nhăn mà từ khi vừa lọt lòng ra trán lão đã nhăn như thế rồi.
Thầy Haifai, thầy Hailixiro, lão Chu và mụ Gian đang ngồi trên chiếc ghế cuối chân giường, im lặng theo dõi pháp sư Lăk làm phép.
Mồ hôi túa ra thành dòng trên trán, pháp sư Lăk cũng không buồn lấy tay chùi. Đầu óc lão tập trung đến mức thầy N’Trang Long và tụi Kăply xuất hiện trong phòng, lão cũng không hề hay biết. Chỉ đến khi thầy N’Trang Long cất tiếng hỏi:
– Thế nào rồi, ông Lăk?
Lão mới giật mình ngó lên:
– À, cũng không đến nỗi tệ lắm, thưa ngài.
Thầy N’Trang Long bước tới một bước, cúi xuống Bolobala, chăm chú nhìn một lúc rồi trầm ngâm hỏi:
– Sao con nhỏ không nhúc nhích gì hết trơn vậy?
Pháp sư Lăk tặc lưỡi đáp, bây giờ lão mới nhớ chùi mồ hôi:
– Tôi chỉ giữ được tính mạng con bé thôi. Muốn phục hồi nguyên vẹn, tôi nghĩ ngài phải kêu gọi pháp sư K’Buđăng bên lớp Hướng nghiệp giúp một tay.
– Vô ích, ngài N’Trang Long à. – Thầy Hailixiro thình lình buột miệng, trông thầy có vẻ thoải mái hơn ngày thường do không phải nhốt mình trong chiếc ghế bành. – Tôi nghĩ ngay từ đầu chúng ta đã đi chệch hướng. Không ai chạy chữa được một con ma cà rồng, và theo tôi cũng không cần phải tốn công chạy chữa, nhất là con ma cà rồng đó do Bastu gửi tới để tàn phá ngôi trường của chúng ta.
Thầy N’Trang Long quay nhìn thầy Hailixiro, mắt nheo lại như chói nắng. Thầy xoắn một lọn râu cằm, chậm rãi nói:
– Anh Hailixiro, ma cà rồng không phải là một định mệnh không thể thay đổi. Cục an ninh Lang Biang hiện nay chỉ theo dõi các ma cà rồng hoang dã. Còn những ma cà rồng thuần hóa vẫn được cộng đồng chấp nhận. Hơn nữa, – thầy N’Trang Long nhớn mày khiến đôi mắt to cộm của thầy trông tròn quay như hai quả nhãn – tôi có thể khẳng định Bolobala không phải là ma cà rồng!
Câu nói sau cùng của thầy N’Trang Long khiến thầy Hailixiro suýt chút nữa té lăn ra khỏi chỗ ngồi. Cùng với thầy, lão Chu, mụ Gian, Nguyên và Kăply cũng đồng loạt nhảy dựng như phải bỏng.
– Ngài hiệu trưởng… – lão Chu lắp bắp – làm sao mà…
– Phi lý! – Thầy Hailixiro thét lên, tay không ngừng quẹt lớp mỡ đang tươm ra quanh cái trán hói. – Tôi đã nghi ngờ, tôi đã theo dõi và cuối cùng chính mắt tôi đã bắt gặp Bolobala tấn công K’Brăk. Nếu lúc đó mọi người không chạy tới kịp, cặp nanh nhọn hoắt của con bé đã cắm vào…
– Anh nói không sai một chút nào hết, anh Hailixiro. – Thầy N’Trang Long gật đầu, ngắt lời. – Dù không muốn tôi cũng phải thừa nhận là tối hôm đó, Bolobala đích thị là một con ma cà rồng.
Thầy N’Trang Long càng nói, Kăply càng cảm thấy mình ngu đi từng phút. Nó liếc lão Chu và mụ Gian, thấy mặt họ lộ vẻ đần đần và nó đoán mặt nó chắc còn đần hơn gấp bội.
– Ngài hiệu trưởng, – thầy Hailixiro lộ vẻ bực bội và giọng đã không còn nể nang – tôi xin phép ngài được nói thẳng là tôi đã bắt đầu nghi ngờ về sự nghiêm túc của ngài…
– Nghi ngờ là quyền của anh, anh Hailixiro. Và tôi, tôi thề là tôi luôn tôn trọng quyền được nghi ngờ của mọi người. Nghi ngờ, đó là chặng đầu tiên trên con đường tiến đến chân lý. – Thái độ bất bình của thầy Hailixiro dường như chẳng tác động đến thầy N’Trang Long mảy may. Thầy khoan thai nói, ung dung như trong một buổi thuyết trình. – Tôi chỉ muốn lưu ý anh một điều quan trọng, điều này có thể anh không biết hoặc anh từng biết nhưng đã quên: Những nạn nhân của ma cà rồng đều biến thành ma cà rồng hết ráo. Trong kho từ vựng vô cùng phong phú của chúng ta, từ aslang chính là để chỉ những trường hợp này.
– Ngài nói vậy là sao, ngài hiệu trưởng? – Mụ Gian vùng kêu, giọng xúc động. – Có phải ngài muốn nói Bolobala bị ma cà rồng tấn công không? Có phải ngài muốn nói con bé đó chỉ là nạn nhân?
Thầy N’Trang Long nhìn mụ chủ quán bánh Nhớ dai bằng con mắt tán thưởng:
– Tôi nghĩ là tôi muốn nói như vậy đó, bà Gian à.
Như một chiếc lò xo, mụ Gian bật ngay lên khỏi ghế và phóng lại chiếc giường của Bolobala.
– Không đúng, không đúng rồi, ngài hiệu trưởng. – Sau khi cẩn thận xem xét Bolobala, mụ Gian ngước lên nhìn thầy N’Trang Long và lắc đầu quầy quậy.
– Cái gì không đúng hả bà Gian? – Thầy N’Trang Long điềm tĩnh hỏi lại.
Mụ Gian chỉ tay ngay cổ Bolobala, ngập ngừng nói:
– Nếu Bolobala là nạn nhân của ma cà rồng thì ở cổ phải có lỗ thủng hoặc ít ra phải có vết răng chứ, thưa ngài?
– Bà tuyệt thật đấy, bà Gian! – Thầy N’Trang Long gần như reo lên. – Bà đã hỏi đúng chóc chỗ. Và tôi cũng đang muốn làm rõ chuyện đó đây.
Thầy đưa mắt nhìn lướt qua những gương mặt đang nghệt ra chung quanh, cao giọng nói:
– Các vị nhìn cho kỹ nhé.
Nói xong, thầy quay lại nhìn Bolobala, phẩy tay một cái, miệng khẽ mấp máy, cái phẩy tay của thầy N’Trang Long nhẹ hều nhưng mọi người có cảm giác không khí trong phòng như bị nén chặt lại. Không ai bảo ai, tất cả đều chồm tới sát cạnh giường, cùng nín thở và cùng dán chặt mắt vào Bolobala.
Kăply thấy rõ lớp da cổ của Bolobala từ từ trở lên nhăn nheo, liền sau đó nứt ra từng mảng như vệt bùn khô và rơi lả tả xuống khăn trải giường. Khi lớp da bên ngoài tróc đi, cả đống miệng cùng “ồ” lên thảng thốt: Ở lớp da cổ bên trong, hai vết răng hiện lên rõ mồn một như ai vừa lấy đinh nhọn xoi vào.
– Thế này là thế nào hở ngài hiệu trưởng? – Lão Chu há hốc miệng nhìn thầy N’Trang Long, chiếc muỗng trên tay như sắp rớt.
– Cũng đơn giản thôi, ông Chu à. – Thầy N’Trang Long nhẹ nhàng đáp. – Thủ phạm vụ này chắc chắn là một con ma cà rồng, và dĩ nhiên hắn cũng là người của trùm Bastu. Mục tiêu tấn công của hắn không ai khác ngoài K’Brăk, tiểu chủ nhân lâu đài K’Rahlan.
– Nhưng ở đây hắn không tấn công K’Brăk mà nhắm vào Bolobala. – Thầy Hailixiro nhíu mày, tay giật giật cổ áo chùng như để cho dễ thở.
Thầy N’Trang Long lại túm lấy chòm râu, làm như nó có thể gợi ý cho thầy:
– Hắn không trực tiếp ra tay có thể vì sợ lộ mặt, cũng có thể vì không có cơ hội, anh Hailixiro à. Hắn liền nghĩ ra cách mượn tay Bolobala. Hắn đã tính một nước cờ rất khéo: K’Brăk sẽ không bao giờ đề phòng Bolobala, do đó khả năng K’Brăk bị sát hại là rất lớn.
Thầy Hailixiro phác một cử chỉ vô nghĩa vào không khí, Kăply trông thầy cựa quậy một trăm ký thịt thật khó khăn:
– Tôi hiểu rồi, ngài N’Trang Long. Và sau khi tấn công Bolobala, hắn cố tình tạo ra một lớp da giả trên cổ cô bé để không ai khám phá ra âm mưu của hắn và để phòng khi cuộc mưu sát K’Brăk không thành, Bolobala sẽ trở thành đích nhắm của dư luận, còn bản thân hắn thì thoát êm khỏi mọi cuộc điều tra để tiếp tục sắp đặt một âm mưu mới.
Thầy N’Trang Long tươi cười nhìn thầy Hailixiro:
– Anh đã hiểu đúng vấn đề rồi đó, anh Hailixiro. Theo tôi thủ phạm là một tay cực kỳ thông minh. Thậm chí tờ Tin nhanh N, S & D cũng bị cho vào tròng trong vụ này. Tổng biên tập Ama Đliê là một tay làm báo siêu hạng nhưng nhược điểm lớn nhất của hắn là bụng dạ quá hẹp hòi, nhỏ nhen. Mối ác cảm với trường Đămri đã làm Ama Đliê mờ mắt và chi phối mọi hoạt động nghiệp vụ của hắn. Rõ ràng là Ama Đliê mừng rơn khi vớ được vụ Bolobala. Và trong khi khoái trá khai thác vụ này theo hướng bất lợi cho tôi, Ama Đliê không biết rằng hắn đang bị xỏ mũi bởi một con ma cà rồng.
Mụ Gian hỏi giọng kích động:
– Ngài hiệu trưởng! Ngài nói vậy có nghĩa là khi bảo Bolobala được nhà trường cử đi công tác, ngài đã biết con bé bị ma cà rồng tấn công?
– Tôi biết bà Gian à. Tôi biết, cho dù những vết răng trên cổ cô bé được che đậy rất khéo. – Thầy N’Trang Long cúi đầu nhìn Bolobala vẫn đang mê man trên giường. – Và vì biết rõ điều đó nên tôi không muốn làm to chuyện. Tôi không muốn mọi người hoang mang không cần thiết.
– Cách đó cũng mạo hiểm quá, thưa ngài. – Lão Chu nuốt nước bọt, tay chà chà chiếc mũi nhọn. – Nếu dấu tiệt mọi người, nhỡ con ma cà rồng kia hoặc Bolobala nổi hứng tấn công bọn học trò thì hậu quả thiệt là khủng khiếp.
– Cảm ơn ông vì sự lo lắng đó, ông Chu. – Bắt chước lão Chu, thầy N’Trang Long đưa tay sờ lên chóp mũi nhưng rồi có lẽ thấy mũi mình không nhọn bằng lão, tay thầy lại quay lại loanh quanh chỗ chòm râu cằm quen thuộc. – Tất nhiên là tôi có nghĩ đến điều đó. Nhưng tôi cũng có đủ lý do để tin rằng thủ phạm và nạn nhân của thủ phạm, tức Bolobala, không có ý định tấn công bừa bãi. Mục tiêu chính trong vụ này là K’Brăk. Do đó tôi cho rằng chỉ cần tập trung bảo vệ K’Brăk là đủ.
Thầy nhìn sang thầy Haifai nãy giờ vẫn đứng im như tượng, giọng vui vẻ:
– Sau khi phát giác ra tình trạng của Bolobala, tôi đã yêu cầu giáo sư Haifai dạy thần chú Khăn quàng cổ cho lớp Cao cấp 2, dĩ nhiên lý do thực sự là nhằm trang bị cho K’Brăk khả năng tự vệ trước đòn tấn công của ma cà rồng…
– Nhưng rốt cuộc con đã chẳng làm được trò trống gì. Con thiệt là ngu như heo. – Nguyên thốt lên bằng giọng thiểu não. Từ khi đặt chân vào phòng y tế đến giờ, nó vẫn làm thinh theo dõi mọi diễn biến, nhưng lúc này thì nó không thể không lên tiếng tự nguyền rủa mình.
Trong khi thầy Haifai khịt mũi một cái thiệt lớn như đồng tình với so sánh của Nguyên thì thầy N’Trang Long nhúc nhích hàng ria với vẻ thông cảm:
– Không sao! Không sao, con à. Thiệt tình thì thần chú Khăn quàng cổ đâu có phải là thứ dễ nuốt. Điều quan trọng là đến phút cuối, bọn ta đã kịp có mặt trong cái đêm kinh hoàng đó.
– Thưa thầy, – thái độ của thầy N’Trang Long giúp Nguyên cảm thấy mạnh dạn hơn. Nó nhíu mày, cẩn thận chọn từng từ để có thể trình bày chính xác điều nó đang thắc mắc, – vậy thì thầy có thể cắt nghĩa tại sao những ngày trước đó bạn Bolobala đột nhiên thân thiết với con không ạ? Hổng lẽ Bolobala đồng lõa trong vụ này nhằm hãm hại con?
– Làm gì có chuyện đó! – Thầy N’Trang Long chưa kịp trả lời, thầy Haifai đã nhe nanh gầm gừ. – Trước khi bị ma cà rồng tấn công, Bolobala chắc chắn không có ý định hãm hại trò đâu, K’Brăk. Theo ta, lúc đó Bolobala vẫn là một học sinh bình thường như mọi học sinh khác.
– Con nghĩ điều đó chỉ đơn giản xuất phát từ lòng hâm mộ Bolobala giành cho bạn K’Brăk thôi. – Kăply tức tối vọt miệng, cảm thấy thằng bạn mình phải ngu ngang ngửa với mình hoặc hơn mình mới thắc mắc một cái chuyện quá sức rõ ràng như vậy.
– Nhưng… nhưng…
Như không nghe thấy Kăply, Nguyên ngước nhìn thầy N’Trang Long bằng ánh mắt băn khoăn, miệng ấp úng.
– Ta hiểu con đang nghĩ gì, K’Brăk. – Thầy N’Trang Long khẽ gật gù. – Ờ, chuyện đó ta cũng thấy hơi lạ. Nhưng dù sao thì cũng chỉ có duy nhất một người trên đời này có thể giải thích rõ ràng chuyện đó thôi.
– Ai vậy, thầy? – Kăply bộp chộp hỏi.
– Người đó chính là Bolobala. – Thầy N’Trang Long chỉ tay vô chiếc giường. – Ráng chờ đến khi Bolobala trở lại bình thường, tụi con sẽ tha hồ mà dò hỏi.
Rồi thầy nheo nheo mắt nhìn Nguyên và Kăply, nói tiếp bằng giọng hóm hỉnh:
– Còn bây giờ thì theo ý ta, tụi con ra về lúc này cũng có thể coi là quá muộn rồi đó.
oOo
– Tóm lại thì ai là tay chân của… của phe bên kia hả mày? – Vừa ra khỏi cổng, Kăply đã níu tay Nguyên, thấp thỏm hỏi. Nó nhìn Nguyên bằng ánh mắt tha thiết của một bệnh nhân đang chờ thầy thuốc cho toa.
Nhưng thầy thuốc Nguyên hôm nay ột cái toa hết sức chung chung:
– Bất cứ thầy cô nào trong trường cũng có thể là tay chân của Bastu hết. – Nguyên nhún vai, nói không kiêng rè. – Kể cả đám bảo vệ của lão Chu. Thậm chí kể cả thầy N’Trang Long.
– Thầy N’Trang Long ư? – Kăply ngơ ngác. – Hổng lẽ đến lúc này mày vẫn chưa tin thầy?
– Tin là một chuyện, còn sự thật là một chuyện khác. Trước khi sự thật phơi bày, không có chỗ cho niềm tin ngây thơ.
Nguyên làm một tràng triết lý khiến Kăply tròn xoe mắt, thán phục:
– Câu này mày học ở đâu vậy?
– Học cái đầu mày! – Nguyên sầm mặt. – Tao hỏi mày nè: Làm sao tụi mình biết được tấm gương nói dối hay là chính thầy nói dối?
– Ờ, chẳng làm sao biết được hết.
– Thấy chưa! – Nguyên hào hứng. – Vậy bây giờ tụi mình phải làm gì, mày biết không?
– Biết.
– Làm gì?
– Mày về trước, tao đi chơi với Mua lát về sau.
Nguyên như người bị sụp hố. Nó quắc mắt nhìn bạn:
– Sao mày cứ lên cơn điên với bọn con gái thế? Tao về nhà một mình biết nói sao với bà Êmô?
Kăply nhăn nhó:
– Tụi mình đã dặn thằng K’Tub về báo trước rồi mà. Là trưa nay, tao với mày phải ở lại trường làm vệ sinh.
Mặt Nguyên hầm hầm:
– Rồi tao bỏ mặc mày, tao về trước?
– Không phải là bỏ mặc, mà là tự nhiên mày bị… đau bụng. Hổng lẽ từ bé tới giờ mày không bao giờ bị đau bụng sao?
Vừa nói, Kăply vừa co cẳng chạy. Khi nó nói xong tiếng cuối cùng, người nó đã ở cách Nguyên một quãng xa.
Với khoảng cách đó, Nguyên biết rằng tốt nhất là mặc kệ cho thằng bạn mình đi theo xách dép cho tụi con gái, còn nó đành chấp nhận đội nắng lủi thủi về nhà một mình.
Về nhà một mình trong khi chưa biết ai là chân tay của trùm Bastu và liệu con ma cà rồng đó có âm thầm rượt theo mình hay không thì đúng là đại liều mạng! Ý nghĩ đó chợt xuất hiện trong đầu Nguyên khi nó đã đi được nửa chặng đường và ngay khi nỗi lo vừa chớm, nó hoảng hốt cắm đầu chạy bán sống bán chết, dĩ nhiên trong khi chạy vẫn không quên ngoác miệng chửi Kăply tơi bời hoa lá.