Chuyện xứ Lang Biang (Tập 1: Pho tượng của Baltalon)

Chương 03 phần 1


Bạn đang đọc Chuyện xứ Lang Biang (Tập 1: Pho tượng của Baltalon): Chương 03 phần 1

Chương 3: Những kẻ lạ mặt
Cũng như bên ngoài, đồ vật trong nhà sau một đêm bỗng trở nên mới tinh. Chiếc giường, chiếc bàn và ba chiếc ghế dòm láng coóng, y như thể sáng nay chúng còn nằm ngoài cửa hàng. Vách phía trong hôm qua còn dơ hầy, bụi đóng cả lớp, bữa nay sạch bong như vừa tắm dưới mưa rào.
Kăply thò đầu vào cạnh cái đầu của bạn, nhấp nhổm ngọ nguậy, tưởng mình đang ngủ mơ:
– Thật không thể tin đuợc.
– Mày nhìn kìa! – Nguyên nhắc. – Hôm nay dư ra một chiếc ghế.
– Ờ, chi vậy há? Thầy Râu Bạc đâu có vợ con!
– Mày ngu quá. Đó là thầy Râu Bạc chuẩn bị đón tiếp bọn mình! – Nguyên nói giọng hãnh diện. – Kể từ lúc thầy mở miệng tuyên bố “đây là bí mật giữa ba thầy trò ta”, thầy đã coi bọn mình như thượng khách của thầy rồi. Thầy muốn lấy lòng bọn mình mà.
Kăply chẳng hiểu thầy Râu Bạc lấy lòng tụi nó làm cái quái gì, nhưng ba cái ghế đang nằm chình ình trước mắt không cho phép nó cãi lại thằng-bạn-lúc-nào-cũng- ình-là-đúng của nó.
– Vô bên trong không?
Nguyên hỏi, và cũng chỉ hỏi cho có hỏi. Không đợi Kăply đáp, nó cầm cuốc lơn tơn bước qua ngạch cửa. Nắm cứng cán xẻng trên tay, cố tưởng tượng đang nắm một thanh bảo kiếm, Kăply lập bập bước theo.
Kăply cứ thấy sờ sợ dù không biết chính xác là mình sợ điều gì, vì xét cho cùng nó thấy cũng đâu có gì đáng sợ. Những sự thay đổi này rõ ràng là do bàn tay thầy Râu Bạc. Mà thầy Râu Bạc thì đâu có ở đây. Hơn nữa thầy cũng biết thừa là chiều nay tụi nó sẽ mò lên đồi và không hề tỏ ý ngăn cản.
– Ê, coi nè!
Tiếng Nguyên bất thần vang lên làm Kăply giật bắn. Nó quay phắt lại, thấy bạn đang chỉ tay vào hai chiếc ghế cao nằm khuất sau bức vách bên trái. Bức vách chỗ đó tự nhiên thụt vô một quãng vừa đủ kê lọt hai chiếc ghế mà Nguyên vừa phát hiện.
– Ở đâu ra hai chiếc ghế này há! – Kăply dụi mắt ngạc nhiên. – Hôm qua bọn mình đâu có thấy.
Hai chiếc ghế đó có hình thù rất kỳ dị, chẳng giống chút xíu nào với ba chiếc ghế để ở giữa nhà, cũng có nghĩa là không giống bất cứ chiếc ghế nào mà Nguyên và Kăply từng thấy trên đời. Ghế đóng bằng thứ gỗ có mùi như đàn hương, được sơn thành từng vạch đen trắng như da ngựa vằn và chỉ có một chân. Cái chân ghế độc nhất đó nằm ở ngay chính giữa, giữ thăng bằng nhờ vào cái đế có hình thù một cái móng ngựa to bè. Ghế không có tay dựa nhưng hai bên nhô lên hai cái vòng bằng kim loại hình tai lừa, chẳng biết để làm gì. Nếu hai cái vòng đó buông xuống từ xà nhà thì các vận động viên thể dục dụng cụ còn có thể xỏ tay vào để nhào lộn, chứ còn nhô lên từ một chiếc ghế thì thiệt là quái đản.
Nguyên gí sát mắt vào hai chiếc ghế, săm soi xem có cơ quan máy móc gì gắn trên đó không, hay ít ra cũng hy vọng vớ được một hàng chữ chỉ cách sử dụng hoặc cho biết nơi sản xuất nhưng chẳng thấy chút manh mối gì.
– Kỳ quái thiệt! – Nguyên vỗ vỗ tay lên chiếc vòng kim loại, tặc lưỡi nói.

– Thầy Râu Bạc rinh hai chiếc ghế này ở đâu về vậy kìa! – Kăply chép miệng hỏi trổng trổng.
Nguyên thò tay dứt mạnh một sợi tóc, làu bàu:
– Không hiểu thầy mắc chứng gì mà cứ khoái bày ra toàn những chuyện bí hiểm!
Kăply nổi hứng đề nghị:
– Bọn mình ngồi lên ghế thử xem! Chắc là êm lắm!
Nguyên nheo mắt nhìn hai chiếc ghế lạ với vẻ cảnh giác.
– Không hiểu khi bọn mình ngồi lên, chúng có nổ tung ra không há.
Câu nói của Nguyên làm Kăply thụt mất. Nó co vòi:
– Vậy thì thôi!
Nguyên vỗ vai bạn, cười khì:
– Tao nói đùa đấy. Tao đã xem kỹ rồi, hai chiếc ghế này chẳng có máy móc gì đâu.
Nói xong như để chứng minh, Nguyên dựng chiếc cuốc vào vách rồi nhanh nhẹn nhảy tót lên một chiếc ghế. Nó nhún lên nhún xuống, ngạc nhiên thấy chiếc ghế nhún theo y như có lò xo.
– Cái chân ghế co dãn được mày ơi! – Kăply nhìn chằm chằm vào phía dưới chiếc ghế Nguyên đang ngồi, hí hửng reo lên.
Kăply lập tức bỏ cái xẻng xuống, hăm hở leo lên chiếc ghế bên cạnh, ì ạch hơn một chút vì nó thấp hơn thằng bạn nó một khúc. Rồi nó cũng hào hứng nhún lấy nhún để, miệng cười toe toét:
– Giống cưỡi ngựa quá mày! Hèn gì những chiếc ghế này có hình dáng y như mấy con ngựa.
Nhưng lặp đi lặp lại mỗi trò nhún nhảy hoài cũng chán, hai đứa liền tụt xuống đi loanh quanh trong nhà, rướn cổ nghiêng ngó, cố tìm xem ngoài hai chiếc ghế kỳ quái đó, còn thứ gì đáng lưu ý nữa không.
Lảo rảo một hồi, Nguyên thò tay cầm lên cây cuốc, hắng giọng:

– Bọn mình về đi. Chắc chẳng còn gì lạ nữa đâu!
– Về! – Kăply trố mắt nhìn chiếc cuốc trên tay bạn. – Bọn mình chưa đào nền nhà lên mà.
– Thôi, không đào lên nữa! – Nguyên phẩy tay, nó nói mà không hề nêu lý do.
Kăply vác xẻng lên vai, làm thinh đi theo bạn. Trong bụng thắc mắc quá sức nhưng Kăply không thèm hỏi. Nó biết sớm muộn gì Nguyên cũng sẽ tự động nói ra, đó là cách ưa thích của thằng bạn nó để chứng tỏ ta đây thông minh đặc biệt.
Quả như Kăply nghĩ, lên tới đỉnh đồi, Nguyên đột ngột dừng lại và đưa cặp mắt đại ca ra nhìn nó:
– Mày có biết tại sao tao hủy bỏ kế hoạch đào bới của bọn mình không?
– Không biết! – Kăply đáp, rồi nó nói thêm bằng giọng càu nhàu. – Đào hay không đào cũng đều là kế hoạch của mày mà!
– Hôm qua tao quyết định đào vì đó là cái nền nhà bỏ hoang! – Phớt lờ sự châm chọc của bạn, Nguyên khệnh khạng giải thích. – Còn hôm nay thầy Râu Bạc có vẻ sắp sửa dọn về đó ở, nghĩa là căn nhà đã có chủ. Mà nhà có chủ thì mình không thể tự tiện cày xới như cày xới một mảnh ruộng hoang…
Kăply hỏi chen ngang:
– Thế còn kho báu thì sao?
– Mày yên tâm đi. Tao đã tính rồi. Bọn mình sẽ thăm dò bằng cách khác.
Khi nói câu này, cặp mắt Nguyên lóe lên và Kăply công nhận là những lúc như vậy, cặp mắt thằng bạn mình trông cương quyết không thua gì cặp mắt của thầy Râu Bạc.
Kăply đang định hỏi lại cách khác là cách gì thì ngay trong khoảnh khắc đó, một tiếng cười khe khẽ vọng tới tai nó khiến nó cảm thấy tiếng nói của mình rơi đi đâu mất và bụng nó đột nhiên nặng chịch như có ai đang đổ đầy chì.
Kăply nhìn sang Nguyên, thấy bạn mình tự nhiên biến sắc và nơm nớp ngoái cổ nhìn quanh, nó biết dứt khoát là nó không nghe nhầm. Ai cười vậy kìa? Thoạt tiên Kăply nghĩ tới thầy Râu Bạc nhưng rồi nó biết là không phải. Thầy Râu Bạc không biết cười, ít ra là vì không ai thấy thầy cười bao giờ. Mọi đứa học trò làng Ke đều biết rõ sự bộc lộ tình cảm của thầy tóm tắt chỉ có hai kiểu và chúng có thể đọc vanh vách điều đó qua chòm râu rất khoái cựa quậy của thầy: Khi chòm râu nhúc nhích tức là thầy đang nghiến răng, còn khi nó lay động dữ dội như đang trải qua một trận bão thì đứa nào cũng biết là thầy đang quát mắng hoặc sắp sửa quát mắng. Nhưng nếu không phải thầy Râu Bạc thì là ai?
Như thể đọc được thắc mắc trong đầu bạn, Nguyên thình lình lên tiếng:
– Một đứa nào đó.

– Đứa nào vậy! – Kăply hỏi lại một cách máy móc, như đang trong cơn mộng du.
– Một đứa nào đó trong làng.
Lần này câu nói của Nguyên dài thêm vỏn vẹn có hai tiếng, nhưng ý nghĩa đã khá rõ ràng.
Và Kăply như được tọng vô họng một liều thuốc bổ siêu hạng, tỉnh ra ngay lập tức.
– Ờ há! – Nó lúc lắc đầu như để làm văng ra những ý nghĩ u ám. – Thế mà tao không nghĩ ra.
Nguyên làu bàu, ánh mắt vẫn xẹt ngang xẹt dọc trong các bụi cây:
– Chả biết đứa nào liều mạng như thế.
Kăply đầu óc bây giờ đã hoàn toàn trở lại bình thường. Nó nghĩ một khi nó và thằng bạn nó đã dám mò lên đồi Phù Thủy thì những đứa khác cũng có thể làm như thế lắm, chẳng có gì đáng gọi là liều mạng. Nhưng Kăply cố tự ngăn mình biến thành lời những suy nghĩ nhạo báng đó, chỉ phụ họa theo bạn bằng cách làm thinh bắt cái đầu xoay tròn bốn phương tám hướng.
Trong khi Nguyên và Kăply đảo mắt kiếm tìm một cách vô vọng thì tiếng cười khi nãy lại bất thần vang lên, lần này bọn nhóc nghe rất rõ tiếng cười vẳng tới từ phía bên tay phải, ở một khoảng cách không xa lắm.
– Đi!
Nguyên kêu lên và nôn nóng băng mình đi trước.
Nguyên đang đi xăm xăm bỗng dừng phắt lại, hệt một chiếc F1 đạp thắng đột ngột, khiến trán Kăpy đập vô ót nó một cái “cạch”.
Kăply đưa tay xoa trán, nhăn nhó:
– Ui da! Mày đi đứng cái kiểu gì…
Chắc Kăply tính phun một câu bá láp gì đó nhưng bàn tay Nguyên đã kịp dán cứng đôi môi nó lại.
– Im nào! – Nguyên gí sát miệng vào tai bạn, thì thầm bằng giọng căng thẳng. – Có người…
Thoạt tiên, Kăply không hiểu tại sao thằng bạn nó mặt mày nghiêm trọng đến thế. Có người thì đã sao. Một đứa nhóc nào đó ở làng Ke xét cho cùng đâu có đến nỗi đáng sợ như thầy Râu Bạc. Trong khi ngay cả thầy Râu Bạc nếu thình lình xuất hiện trước mặt tụi nó lúc này, thằng bạn nó cũng đâu đến nỗi quýnh như vậy.
Nhưng khi Kăply nhón gót nhìn qua vai bạn để thấy được cái mà bạn nó thấy, nó chợt hiểu rằng thằng bạn nó còn mở miệng nói được là giỏi hết chỗ chê rồi.
Tại vì lúc này, trên bãi cỏ rộng chạy dọc sườn đồi thoai thoải đang ngồi không chỉ một mà hai thằng nhóc lạ hoắc lạ huơ. Kăply ngọ nguậy đầu sau kẽ lá, mắt giương muốn rách cả khóe cố nhìn cho rõ hơn. Và càng nhìn nó càng tin chắc là mình chưa hề gặp qua hai thằng nhóc này bao giờ. Cách ăn mặc của hai thằng nhóc lạ mặt không khác gì tụi con nít làng Ke, một đứa mặc áo màu vàng hoa cải đứa kia mặc áo màu xanh da trời, nhưng mặt mày bọn này trắng trẻo một cách khác thường (một đứa nhóc làng Ke có nước gia trăng trắng thôi có bói cũng không ra), nhưng kì dị nhất là mái tóc của tụi nó. Tóc của tụi nó không phải màu đen mà có màu xanh lá cây. Thoạt đầu, Kăply tưởng tụi nó bẻ lá chụp lên đầu che nắng nhưng trông kỹ một hồi nó biết là không phải. Cái mớ xanh xanh phủ trên đầu tụi nó đích thị là tóc. Tóc dày, rậm, phủ xuống tận vai và uốn thành từng lọn.
– Hai thằng này ở nơi khác đến!

Tiếng Nguyên thì thầm bên tai như để xác nhận những suy đoán trong đầu Kăply.
– Nhưng mái tóc… – Kăply ngập ngừng buột miệng.
– Tụi nó nhuộm. Cái vụ này bây giờ đang là mốt mà.
Nguyên đáp bằng cái giọng y như thể nó đã từng nhuộm tóc cả chục lần rồi.
Thực tình thì Kăply cũng chẳng quan tâm đến vụ tóc tai cho lắm. Có cả đống thứ quan trọng hơn để nó thắc mắc:
– Nhưng tụi nó đến đây bằng cách nào? Đến làm gì? Chẳng lẽ tụi nó không biết đây là khu vực cấm?
Nguyên đáp trả tràng hỏi dồn của bạn bằng ba tiếng gọn lỏn:
– Mày ngu quá!
Rồi sợ nói vắn tắt quá, thằng bạn của nó sẽ không biết cái ngu nằm ở đâu, nó chép miệng nói thêm:
– Tụi này là tụi đi du lịch dã ngoại. Tụi nó đến chỗ này hoàn toàn là tình cờ thôi. Tao cá với mày là tụi nó cóc biết đồi này là đồi Phù Thủy hay khu vực cấm kỵ gì ráo.
Kăply lại lia mắt qua kẽ lá, cố kiếm tìm một câu giải thích khác nơi hai thằng nhóc trước mặt. Nhưng những gì nó trông thấy có vẻ muốn phụ họa vào nhận xét của bạn nó.
Phía xa, thằng nhóc áo vàng ngồi bệt trên cỏ, chân duỗi thẳng ra đằng trước, nãy giờ đang cúi đầu mải mê chơi với thứ gì đó đặt trên đùi. Gần hơn, thằng nhóc áo xanh chúi sát đầu vào xem, thỉnh thoảng bật cười khúc khích, thân hình của nó án ngữ mất tầm nhìn của Nguyên và Kăply nên tụi nó không biết thằng nhóc kia đang chơi cái trò quỷ quái gì. Chỉ đến khi thằng nhóc áo xanh cười gập người xuống, để lộ khoảng trống trên lưng, Nguyên và Kăply mới thấy được thằng nhóc kia đang làm gì: nó vẽ.
Kăply ngạc nhiên quá sức. Nó không hiểu thằng nhóc áo vàng vẽ thứ gì mà thằng bạn nó cứ chốc chốc lại phì cười như thế. Nó nhướng cổ và cố mở căng mắt, nhưng chẳng thấy thêm được gì ngoài cái chuôi cọ đang ngúc ngoắc lung tung.
– Nó vẽ tranh phong cảnh! – Nguyên huých cùi chỏ vào hông Kăply. – Tao đã nói rồi. Đây là tụi nhóc đi dã ngoại mà.
Mặc dù Nguyên đã nói như thể đó là điều quá hiển nhiên, Kăply vẫn cứ muốn nhìn tận mắt bức tranh trong tay thằng nhóc áo vàng.
Nó bám tay leo lên cành cây trên đầu, cố đu mình lên cao để nhìn cho rõ. Hành động bất ngờ của Kăply làm Nguyên tái mặt. Nó tóm lấy chân Kăply kéo lại, giọng cố nén, nghe rin rít như xát muối:
– Đừng có giở trò ngu ngốc!
Bất thần bị bạn giật ngược, Kăply tuột tay khỏi cành cây, rơi đánh “bịch” một cú như trời giáng. Tiếng động do cú ngã phát ra lớn đến mức họa may chỉ có ai điếc đặc mới không nghe thấy.
Đã vậy, sau khi chạm đất, người Kăply lại nảy lên và lăn thêm mấy vòng, cả người văng tuốt ra khỏi chỗ nấp, rồi như có ai thổi, cả người nó lăn tròn theo sườn dốc như một bánh xe cao su.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.