Chuyện xứ Lang Biang (Tập 1: Pho tượng của Baltalon)

Chương 02


Bạn đang đọc Chuyện xứ Lang Biang (Tập 1: Pho tượng của Baltalon): Chương 02

Chương 2: Đồi Phù Thủy
Nguyên có mặt ở chân đồi phía Bắc lúc hai giờ trưa. Leo lên đồi Phù Thủy từ hướng Nam như mọi lần, tức men theo Đường Lên Núi, chắc chắn gần hơn và dễ hơn, nhưng nguy cơ bị thầy Râu Bạc phát hiện lại cao hơn. Đến giờ này mỗi khi nhớ tới bộ mặt đỏ bừng như hơ lửa của thầy hôm qua, Nguyên vẫn còn hãi. Nó không hiểu được làm sao mà thầy Râu Bạc lại khó chịu với cái chuyện tụi nó mò lên đồi như thế. Thầy lo cho tính mạng của tụi nó thật hay quả tình thầy đang cất giấu bí mật gì trên đó.
Nguyên vừa nghĩ ngợi vừa dọ dẫm bằng cặp mắt không ngừng dáo dác đong đưa. Những lần trước, Nguyên nảy ra ý định lên đồi chỉ vì nghịch ngợm, vì khoái chơi ngông. Nó đã chán cái cảnh cả bọn chen chúc nhau thò đầu qua cửa sổ lớp học mỗi ngày để chỉ trỏ và bàn tán suông như một lũ chết nhát lắm rồi. Ý nghĩ trở thành người đầu tiên của làng Ke trong vòng một trăm năm nay đặt chân lên đồi Phù Thủy đối với nó thật hấp dẫn. Bữa nay, ý nghĩ đó còn sôi sục hơn do được đốt nóng bởi ngọn lửa háo hức khám phá bí mật của thầy Râu Bạc, cái bí mật mà nó tin là rất có thể thầy chôn dưới một gốc cây nào đó trên đồi.
Chốc chốc Nguyên lại dừng bước, đưa tay quẹt mồ hôi trên trán, trên cằm và trên cổ. Mặt trời ban trưa trút xuống đầu nó từng bựng hơi nóng mặc dù nó cố tình lê bước dưới những tàng cây rậm.
Nguyên vừa đi vừa dừng, tới lần thứ mười thì đã đến lưng chừng đồi. Những lần trước Nguyên cũng chỉ leo lên tới khoảng này rồi lại quay xuống. Dường như có một nỗi sợ không tên đã níu lấy chân nó, bất chấp việc nó là đứa trẻ gan dạ nhất làng.
Nguyên đứng tại chỗ một hồi lâu, nghiêng tai nghe ngóng. Những ngọn gió vừa quăng mình rào rào trên ngọn cây vừa hú lồng lộn khiến Nguyên thầy rờn rợn. Ở dưới thấp, gió hiền hòa hơn, lên cao bỗng như mọc thêm chân thêm cánh để dọa người. Rất nhiều lần Nguyên thấy mình bị bao bọc giữa vô số những tiếng sột soạt khả nghi chung quanh. Nguyên biết đó là tiếng những con thú nhỏ đang lén lút đi luồn trong bụi rậm nhưng có lúc nó lại không quả quyết được điều đó.
Nguyên lại đưa tay chùi mồ hôi trán, ước chi lúc này mọc ra thêm chừng mười hai con mắt để khỏi phải lo lắng ngoảnh tới ngoảnh lui nhặng xị.
Đang căng thẳng, một tiếng động lớn vang lên ngay sau lưng làm Nguyên giựt bắn cả người, tóc gáy đồng loạt dưng đứng lên còn trái tim rõ ràng là văng đi đâu cả thước. Nó quay phắt lại, mắt trừng trừng nhìn vô lùm cây đang lung lay dữ tợn.
Cho tới khi kịp quét mắt xuống đất và nhác thấy một bàn chân thò ra dưới bụi cây thì Nguyên cảm thấy không chỉ trái tim mà ruột gan phèo phổi nó cũng trôi tuột đi đâu mất. Miệng nó há to như miệng cống, từ đó một tràng hãi hùng lồng lộn tuôn ra:
– A a a a a a a a a aaaaaaaaa…
Chắc chắn trong khoảnh khắc kinh hoàng đó, bộ não của Nguyên đang bị hình ảnh mụ phù thủy trong câu chuyện của thầy Râu Bạc đè cho bẹp rúm.
Bàn chân dưới bụi cây bị tiếng thét của Nguyên lôi ra thêm một khúc, rồi lại lòi ra thêm một bàn chân nữa, và khi có đủ hai chân rồi thì cái hình thù trong bụi cây lồm cồm đứng dậy.
Nguyên như đứng tròng khi khuôn mặt đang toe toét cười của Kăply hiện ra sau đám lá xanh.
Không biết mất bao nhiêu lâu, lục phủ ngũ tạng mới trở về đúng vị trí trong cơ thể Nguyên. Nó hớp một hơi không khí, và giận giữ phun ra phèo phèo:
– Bộ mày không nghĩ ra được trò nào tử tế hơn hả Kăply?
Kăply cười hì hì:
– Cùng đi với mày lên đồi là cái trò tử tế nhất trong đời tao đó.
Nguyên nhăn nhó ôm ngực có cảm tưởng như nó vừa nuốt nguyên một quả táo to đùng:
– Tốt quá há? Suýt chút nữa tao đã chết ngắc trước khi chết vì rơi xuống vực rồi.
Hai đứa nhóc dọ dẫm đi tiếp. Lần đầu tiên có bạn đi cùng, Nguyên cảm thấy nắng như dịu đi trên đầu và gió bớt gầm thét hơn.
– Mày bám theo tao từ lúc nào thế! – Nguyên hỏi, tay vẫn còn xoa xoa nơi ngực.
– Từ lúc mày vừa ra khỏi nhà.
– Thế hôm qua mày bỏ đi là cố tình trêu tao đấy?
– Tao muốn coi thử mày gan cỡ nào… – Kăply cười khoái chí. – Hóa ra mày hét cũng to quá đó chớ!
Nguyên thò tay dứt mạnh một sợi tóc, gầm gừ:
– May mà tao còn sống để mà hét!
Vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc hai đứa trẻ đã lên tới đỉnh đồi. Lúc này, Nguyên và Kăply đứng giữa đám cây cối um tùm, ở trên đầu chim từng bầy nháo nhác, những con chim lạ với những sải cánh dài không ngừng kêu quang quác.
Nguyên vẹt lá nơm nớp nhìn xuống chân đồi:
– Lũ chim làm náo động kiểu này chẳng biết thầy Râu Bạc có nghe thấy không há?
Nguyên cứ sợ thầy Râu Bạc biết tụi nó mò lên đồi Phù Thủy. Cứ theo thái độ của thầy hôm qua, có vẻ như thầy sẵn sàng nuốt sống tụi nó nếu biết tụi nó lại tự tiện lùng sục ngọn đồi.
Kăply đảo mắt nhìn quanh, nói giọng tỉnh khô:
– Thầy biết thì đã sao. Cùng lắm thầy chỉ hò hét như hôm qua thôi. Thầy đâu có nỡ làm hại bọn mình… Thực tình tao chỉ sợ mụ… mụ…

Đang nói, Kăply bỗng tắc tị như có ai nhét giẻ vô miệng nó. Nguyên ngạc nhiên ngoảnh lại, thấy Kăply đang há họng nhìn chằm chằm về bên tay trái, mắt mở to đầy hãi hùng.
Nguyên nhìn theo ánh mắt bạn, và ngay tức khắc bụng nó quặn lại như bị ai xoắn lấy.
Ngay dốc phía Tây của ngọn đồi, về hướng vực thẳm nếu đúng là ở đó có một cái khe vực như thầy Râu Bạc nói, thấp thoáng một căn nhà gỗ nấp dưới những tán lá rậm rạp và không ngừng lắc lư như có bàn tay nào đó đang lay lấy lay để.
– Căn… nhà… của…
Nguyên lắp bắp một cách khó khăn, còn tệ hơn một đứa trẻ mới học nói. Nhưng Nguyên cũng chỉ nói được ba tiếng thôi rồi đứng trơ ra đó. Ngay lúc này nó thực tình hối hận vì đã không tin lời thầy Râu Bạc.
Hai đứa chôn chân có đến một lúc lâu, với cảm giác rõ rệt là cành lá chung quanh rên rỉ mỗi lúc một lớn dần.
Trước mắt tụi nó những tán lá cứ lắc lư, lắc lư và lắc lư. Và hai đứa trẻ thấp thỏm chờ bàn chân mình bị trôi tuột đi, chờ một sức mạnh vô hình nào đó bất thần lôi tụi nó nhào xuống vực.
Nhưng lâu thật lâu vẫn chẳng có động tĩnh gì xảy ra. Nguyên là đứa đầu tiên phát giác ra cái điều đáng lẽ ra tụi nó phải phát giác ngay từ đầu:
– Gió… phải rồi chính gió đã làm lay động những tán lá…
– Ờ, phải rồi, gió…
Kăply mấp máy hùa theo, câu nói của Nguyên vừa rồi đã kéo nó ra ngoài rìa của nỗi sợ điếng người. Nhưng Kăply không phải là đứa trẻ dạn dĩ lắm. Cho nên mặt nó nhanh chóng trắng bệch trở lại:
– Nhưng rõ ràng thầy Râu Bạc đã không bịa chuyện… Căn nhà đó…
Nguyên nói cố giữ cho hai hàm răng đừng va vào nhau, không rõ để trấn an bạn hay trấn an chính mình:
– Dù sao thì câu chuyện thầy kể cũng đã xảy ra cách đây hơn một trăm năm rồi. Chắc chắn mụ phù thủy nọ đã không còn ở trên đồi.
Nguyên vừa nói vừa lấm lét liếc về phía căn nhà như sợ mụ phù thủy bất thần chui ra để cải chính lời nhận xét bừa bãi của nó.
Ánh mắt Kăply cũng bám cứng căn nhà nhưng gương mặt co rúm của nó lúc này đã dãn ra, chứng tỏ nó tin những gì Nguyên nói nếu không hoàn toàn là sự thật thì chắc cũng không đến nỗi hoàn toàn sai bét. Ừ, nếu mụ ta đang ở trong căn nhà kia không đời nào mụ để cho hai đứa nhỏ như nó yên thân mà bàn tán lung tung như thế!
– Bây giờ bọn mình quay về chứ! – Kăply nhìn Nguyên, thì thào với vẻ van lơn lộ liễu.
– Lại đằng đó xem sao đã!
Nguyên đáp bằng cái giọng không để cho ai phản đối, và nó nhấn mạnh quyết tâm của mình bằng cách bỏ đi trước, kéo theo cái đuôi lếch thếch xanh lè xanh lét là Kăply phía sau.
Căn nhà gỗ dần dần hiện rõ trước mắt bọn trẻ và trông giông giống căn nhà của thầy Râu Bạc, có điều nom nó hoang tàn xập xệ hơn. Vách trước căn nhà gần như mục nát, xiêu vẹo và thủng lỗ chỗ, có cảm giác chỉ cần gí một ngón tay vào là cả bức vách sẽ ngồi thụp xuống và tan ngay thành bột. Xuyên qua bức vách trống hoác, bọn trẻ nhìn thấy một cái bàn bốn chân lỏng khỏng và khá hơn căn nhà của thầy Râu Bạc là có tới hai chiếc ghế và thêm một cái giường, tất cả đều bằng gỗ và cũng như bức vách mọi thứ đều có vẻ như sắp sụm bà chè tới nơi.
Nguyên lôi Kăply vào trong nhà như lôi một bao gạo khiến thằng này phải kêu lên vì chân va vào bục cửa.
Nguyên cúi nhìn cái bục bị văng mất một khúc vì cú chạm vừa rồi, tặc lưỡi với vẻ khoái trá:
– Căn nhà này đúng là lâu đời lắm rồi. Và cũng rõ ràng là lâu lắm rồi không có ai ở đây.
Kăply giằng khỏi tay bạn. Nó ngồi xẹp xuống, vừa bóp bóp cổ chân vừa nói:
– Có chắc không đó?
Nguyên đi lòng vòng trong nhà, dòm dỏ mỗi nơi một tí rồi buông người xuống chiếc ghế bên cạnh, giọng quả quyết:
– Nếu có người ở, căn nhà dứt khoát phải được sửa sang, phải…
Chiếc ghế cắt ngang lời khẳng định của Nguyên bằng cách bất thần gẫy sụm bốn chân hất nó lăn tròn xuống đất.
– Đồ đạc ở đây cũ quá rồi, tốt nhất là ngồi chồm hỗm như tao vậy nè! – Kăply góp ý, vất vả lắm nó mới không phá ra cười trước gương mặt như bị ai kéo lệch đi của bạn.
Suốt gần hai tiếng đồng hồ sau đó, Nguyên và Kăply thi nhau dọ dẫm và bới tung căn nhà, sục sạo cả những khu vực lân cận, nhưng không tìm thấy một bí mật gì đáng giá, chỉ trừ cái vực sâu ở khu “lưng ngựa” ngăn cách ngọn đồi với vách núi phía Tây. Tụi nó không dám mon men đến bên miệng vực nhưng phát hiện đó chứng minh là thầy Râu Bạc không gạt tụi nó, ít ra là ở những chuyện mà thầy thấy không cần thiết phải gạt.
– Tao nghĩ thầy Râu Bạc chẳng giấu kho báu nào trên ngọn đồi này đâu! – Cuối cùng, Kăply quệt mồ hôi trán, thở phù phù, kết luận.

– Nếu thế tại sao thầy ngăn cản bọn mình lên đồi? Mày cũng thấy rồi đó, bọn mình chạy lăng quăng cả buổi mà đâu có sao!
– Nhưng bọn mình đã tìm kĩ rồi mà có thấy cái quái gì đâu!
Nguyên có vẻ như không nghe bạn mình nói gì. Nó đập hai tay vào nhau đánh “bộp”:
– Chiều mai bọn mình phải đem theo cuốc xẻng.
– Chi vậy?
– Tao nghi thầy Râu Bạc chôn cái gì đó dưới nền nhà.
Kăply thực tình không muốn trở lại ngọn đồi bí hiểm này thêm lần nào nữa nhưng nó biết mình không thể cãi lại bạn cho đến chừng nào chưa đào tung cái nền nhà đó lên.
Hai đứa đi trở xuống và khi rời khỏi chân đồi chưa quá hai trăm thước tụi nó bỗng đụng phải một người mà tụi nó không hề muốn gặp chút xíu nào trong lúc này: thầy Râu Bạc.
Thầy Râu Bạc như hiện ra từ trong không khí. Rõ ràng Nguyên và Kăply vừa đi vừa thận trọng nhìn trước ngó sau vẫn không phát hiện ra bóng dáng thầy, tụi nó chỉ đột ngột nhìn thấy thầy khi thầy đã đứng lù lù một đống trước mặt.
Thầy Râu Bạc đứng chắn ngang đường nhìn hai đứa học trò đang co rúm bằng ánh mắt xẹt lửa:
– Các trò đi đâu về đấy?
Kăply ấp úng:
– Dạ tụi con đi chơi về ạ.
– Các trò đi chơi ở đâu?
Thầy Râu Bạc gằn giọng, mắt xoáy vào mặt bọn trẻ, và chòm râu dày của thầy chính xác là đang rung rinh.
Nhìn chòm râu đó, Kăply có cảm tưởng mình để lạc tiếng nói ở chỗ nào đó trên đỉnh đồi. Nó cứ giương mắt lên nhìn chòm râu, không thốt được lời nào, tệ hơn nữa là không làm sao dời đôi mắt chắc là trông rất ngu của nó đi chỗ khác.
Nguyên cố hít vào một hơi đầy:
– Tụi con chỉ đi chơi loanh quanh đây thôi ạ.
– Hừm, loanh quanh! Ta biết các trò loanh quanh ở đâu rồi!
Thầy Râu Bạc gầm lên, tay giơ cao khỏi đầu, và như hôm qua, đã bắt đầu trông giống sư tử. Nhưng rồi thầy chẳng làm gì hết, có thể là vì lúc này ba thầy trò đang đứng giữa đường, nhưng có thể là thầy thực sự không định làm gì trừ cái chuyện huơ tay huơ chân tá lả theo thói quen. Chỉ có tiếng nghiến răng ken két truyền ra từ sau chòm râu rậm:
– Trưa mai sau giờ học, các trò ở lại gặp ta!
Nói xong, thầy giận dữ bỏ đi. Lần này ngoái cổ nhìn theo, bọn trẻ trông thấy rõ mồn một thầy đi về phía ngọn đồi.
– Thầy lên đồi Phù Thủy! – Nguyên lẩm bẩm.
– Chết rồi! – Kăply kêu lên lo lắng. – Nhất định thầy sẽ nhìn thấy hàng đống dấu vết bọn mình để lại.
– Sợ quái gì! – Nguyên nhún vai. – Đằng nào thầy cũng biết tỏng bọn mình vừa từ trên đó về, có dấu vết hay không có dấu vết cũng thế thôi!
Trước mặt Kăply, Nguyên cố làm mặt tỉnh. Chứ tối đó thực sự là nó không sao chợp mắt được. Nó làm đủ mọi cách để dán mình vào giấc ngủ nhưng tất cả cố gắng của nó trở nên vô ích khi sự sợ hãi độn thành một cục to tổ chảng ở giữa. Nó biết thừa việc lên đồi để chạy nhảy chơi đùa với việc lên đồi để đào bới sục sạo là hai chuyện khác nhau thê thảm, dĩ nhiên sự trừng phạt cũng hoàn toàn khác nhau. Giả như thầy Râu Bạc có chôn kho báu bí mật trên đồi thật và khi phát hiện hai tên học trò bướng bỉnh tọc mạch đang tìm cách bươi bươi móc móc khều khều chọc chọc cái kho báu của mình, không biết thầy sẽ xử trí như thế nào? Nguyên tự hỏi và nó tự trả lời bằng một cái rùng mình.
Sáng hôm sau Nguyên và Kăply chào nhau bằng hai cặp mắt đỏ kè vì mất ngủ. Cũng như Nguyên, Kăply rõ ràng đã trằn trọc suốt đêm.
Hôm đó, lần đầu tiên Kăply ngồi học mà không gây ra một tiếng động nào. Nó thu mình lại, cố lọt ra khỏi tầm nhìn của thầy Râu Bạc, lật tập rón rén và khi chép bài, ngòi bút của nó chạy trên giấy với một sự rụt rè trông thiệt là kỳ cục.
Nguyên trông khá hơn Kăply một chút, vẫn liều mạng nhìn lên bảng, tất nhiên với tư thế sẵn sàng lẩn tránh ánh mắt của thầy Râu Bạc nếu phát hiện thầy sắp sửa quét tia nhìn về phía nó.
Nhưng buổi sáng hôm đó trôi qua trong một bầu không khí thanh bình đáng kinh ngạc. Cặp mắt thầy Râu Bạc không hề trợn lên lấy một lần, cũng không một cú dộng thước điếc tai như thường thấy và đặc biệt là thầy không nói một câu nào có hai chữ “hồi đó”.

Có thể nói từ khi cha sinh mẹ đẻ tới nay, chưa bao giờ đám học trò làng Ke có một buổi học hạnh phúc như thế.
Nguyên nghiêng đầu về phía Kăply sung sướng thì thầm:
– Không biết sáng nay thầy Râu Bạc ăn phải món gì mà trông thầy nguội ngắt.
– Chẳng qua thầy khoái quá nên không thèm nổi cáu đó thôi! – Kăply đáp trả vẻ tươi hơn hớn của bạn bằng giọng rầu rầu. – Thầy biết rõ lát nữa thầy sẽ nhai xương bọn mình mà.
Giọng lưỡi bi quan của Kăply như một mũi tên ghim chặt Nguyên vào nỗi sợ mà nó đang cố cựa quậy để thoát ra. Nụ cười trên môi nó như bị ai lấy giẻ chùi mất. Nó lại quay nhìn lên bảng, vô cùng căng thẳng khi lần này có cảm tưởng rõ rệt là bộ mặt thầy Râu Bạc trông ang ác. Trong một thoáng, Nguyên như nhìn thấy sự hí hửng ngấm ngầm nấp đằng sau vẻ hòa nhã vờ vịt của thầy.
Hồi chuông hết giờ đập vào tai Nguyên và Kăply nghe rùng rợn như hồi chuông báo tử. Cả hai lo lắng nhìn nhau, đứa này chìa bộ mặt trắng bệch vào mặt đứa kia, càng làm tăng thêm sự căng thẳng trong lòng nhau.
– Hai trò lên đây!
Giọng thầy Râu Bạc như một cái vỗ vai thô bạo, đánh thức Nguyên và Kăply khỏi sự bần thần mê muội. Hai đứa choàng tỉnh ngước mặt lên, giật mình thấy lớp học vắng hoe. Tụi học trò đã ra về hết ráo từ hồi nào, chỉ còn hai đứa nó đang rúm ró giúi mình vào một chỗ và từ trên bảng thầy Râu Bạc đang trừng mắt ngó xuống.
Nguyên và Kăply líu ríu bước ra khỏi chỗ ngồi, xiêu vẹo tiến lên bảng. Cho đến khi đứng trước mặt thầy Râu Bạc, đầu hai đứa vẫn cúi gằm như thể mỗi đứa đang cõng một bao gạo to tổ bố trên lưng.
Trong tư thế chẳng nhìn thấy gì hết đó, tụi nó nghe tiếng thầy Râu Bạc trút xuống rào rào trên đầu:
– Hôm qua các trò đi lên đồi Phù Thủy phải không?
– Dạ… phải… ờ, ờ… mà không phải…
Nguyên ấp úng, khổ sở nhận ra rằng mình càng chối càng giống y như khảng khái thừa nhận.
Tiếng thầy Râu Bạc lại tỉnh queo dội xuống, như không thèm nghe bọn nhãi nói gì:
– Hừm, thực sự thì ta đã thấy hàng đống chứng cớ trên đồi.
Lần này thì Nguyên nghẹn họng. Nó nhìn chằm chằm xuống chân, tất cả những gì nó mong muốn trong lúc này là làm sao ặt đất nứt toác ra để nó chui xuống trước khi thầy Râu Bạc kịp gạ hỏi lung tung rồi sau đó treo cổ tụi nó lên. Nhưng Nguyên chẳng thấy mặt đất dưới chân nó nhúc nhích gì cả. Nó chỉ nghe thấy ở bên cạnh, Kăply vừa phát ra một tiếng khịt mũi không cần thiết. Chắc Kăply đang sợ đến són ra quần! Nguyên nhủ bụng và len lén đưa mắt nhìn lên.
Sừng sững ngay trước mặt, thầy Râu Bạc vẫn đang dán mắt vào tụi nó, nhưng đáng ngạc nhiên là vẻ mặt thầy lại không có vẻ gì giận dữ. Phát hiện đó khiến Nguyên không tin vào bất cứ con mắt nào trong hai con mắt của mình. Lúc này thực sự là nó rất muốn đưa tay lên véo đùi một cái để xem mình tỉnh hay mơ.
– Hổm rày ta không muốn các trò léng phéng lên đồi chẳng qua là vì lo cho tính mạng của các trò! – Thầy Râu Bạc nói bằng cái giọng Nguyên và Kăply chưa từng nghe bao giờ, nó ngọt ngào như thể vừa được vớt ra từ thùng mật ong. – Ta vẫn nghĩ đồi Phù Thủy là nơi chất chứa những cạm bẫy chết người như ta từng biết.
Tới lúc này thì Kăply đã đủ can đảm để ngửng mặt nhìn lên và nó thở phào khi thấy chòm râu thầy bữa nay bất động như một con mèo đang nằm ngủ, nom hiền lành và vô hại.
Những tiếng nói du dương tiếp tục đưa ra từ sau chòm râu khả ái đó:
– Nhưng có lẽ là ta đã quá lo lắng. Hừm, chuyện xảy ra đã lâu quá rồi, rất có thể mụ phù thủy hắc ám đó đã bỏ đi.
– Như vậy là chiều nay tụi con được tiếp tục lên đồi chơi hả thầy?
Rõ ràng là Nguyên rất hào hứng, đến mức mặc dù nó không đủ liều, câu hỏi vẫn tự động bật ra.
Nhưng thầy Râu Bạc hôm nay như đã chán làm sư tử. Thầy nói bằng giọng mèo dễ dãi:
– Ta nghĩ như vậy. Chỉ có điều, – mắt thầy thoạt lóe lên, – đây là bí mật giữa ba thầy trò ta thôi. Ta nhớ các trò đã hứa với ta rồi mà, phải không?
Có lẽ Nguyên và Kăply không ngờ thầy Râu Bạc đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm đối với tụi nó nhanh chóng như thế. Đối với tụi nó câu chuyện ngày hôm nay phải nói là đã diễn ra một cách quá sức êm đẹp và kết thúc hoàn toàn bất ngờ, còn hơn cả trong mơ. Cho nên cả hai cái miệng cùng ngoác ra đến tận mang tai và cùng phấn khởi ré lên:
– Thưa thầy, tụi con nhớ rồi ạ.
– Thật tình là tao không thể hiểu nổi!
Kăply vừa nói vừa xoay xoay cán xẻng trên vai, nó và Nguyên đang trên đường đến đồi Phù Thủy.
– Về thầy Râu Bạc á?
– Về thầy Râu Bạc và cả về mày?
– Về tao á?
– Ừ! – Kăply lỏ mắt nhìn bạn. – Thầy Râu Bạc đã nói rõ ràng như thế rồi, bọn mình còn tha cuốc xẻng theo làm chi?
Nguyên đong đưa cây cuốc trên tay, giở giọng đại ca:
– Mày thiệt là đại ngu! Thầy Râu Bạc nói mà mày tin được à?
Kăply nghe như có một hạt bụi bay vô mắt mình. Nó chớp lia chớp lịa:

– Chẳng lẽ…
– Nghe đây nè! – Nguyên nhếch mép cắt ngang lời bạn. – Thầy nói như vận cốt để đánh lạc hướng bọn mình thôi, hiểu chưa?
Liếc bộ mặt đang nghệt ra của bạn, Nguyên giải thích với vẻ độ lượng:
– Thầy biết là không thể nào ngăn cản được bọn mình lên đồi, do đó thầy làm ra vẻ chẳng thèm cấm đoán nữa. Thầy muốn cho bọn mình tin là thầy chẳng chôn giấu kho báu nào trên đó.
Nguyên dộng cây cuốc xuống đất đánh “bịch” một cái, nói giọng khoe khoang:
– Nhưng tao không dễ bị mắc lừa như mày đâu. Tao phải nghĩ ngợi suốt cả đêm qua mới khám phá ra âm mưu của thầy đấy!
Kăply lại xoay xoay cán xẻng nhưng lần này nó làm thinh. Thực bụng thì Kăply không tin vào lập luận của bạn lắm. Nhưng nó cũng hiểu khó mà lay chuyển được ý nghĩ trong một cái đầu ương bướng như cái đầu của thằng bạn nó.
Kăply lầm lũi đi bên cạnh Nguyên. So với hôm qua, tụi nó đi đứng mạnh bạo hơn nên tiến lên đồi khá nhanh. Tiếng gió gào rú, tiếng cành lá va đập và rên rỉ tỉ tê, tiếng sột soạt triền miên trong bụi rậm không còn khiến tụi nó cảnh giác cao độ nữa.
Nhưng đấy là nói lúc chưa lên đến đỉnh đồi. Còn khi đã đứng trên đỉnh đồi và đưa mắt nhìn về phía căn nhà gỗ, Nguyên và Kăply bỗng cảm thấy chờn chợn.
Không ai bảo ai nhưng cả hai đều có cảm giác là căn nhà bữa nay hình như hơi khang khác. Chỉ là cảm giác thôi, chứ hỏi tụi nó cái khang khác cụ thể đó là cái gì thì tụi nó ngọng là cái chắc.
– Lạ quá mày! – Kăply lào thào.
Nguyên lưỡng lự một thoáng rồi thò tay kéo tay bạn:
– Bọn mình lại đó coi!
Đi chừng chục bước thì Nguyên hiểu ra tại sao tụi nó thấy căn nhà không giống hôm qua. Nó đứng lại, mắt không rời khỏi căn nhà lúc này đã trông rõ hơn, khẽ lầm bầm:
– Hình như mái nhà mới được lợp lại.
Kăply cũng đã nhận ra những phiến lá mới lấp lánh dưới ánh mặt trời. Bụng nhoi nhói, nó muốn thốt ra một câu gì đó nhưng quai hàm nó không chịu tuân lời nó.
Ở bên cạnh, tiếng của Nguyên lại vang lên rì rầm:
– Thầy Râu Bạc?
Kăply giật bắn, quay đầu nhớn nhác nhìn quanh. Chẳng thấy chòm râu nào thấp thoáng quanh đó, nó ngoảnh lại nhìn Nguyên ra ý hỏi.
– Tao muốn nói cái mái nhà mới toanh này là thành tích của thầy Râu Bạc! – Nguyên tặc lưỡi giải thích, trước sau nó không hề nhìn Kăply lấy một cái nhưng vẫn rõ hết mọi nhất cử nhất động của thằng này.
Ờ, sao mình không nghĩ ra chuyện đó kìa! Hôm qua chính mắt mình nhìn thấy thầy Râu Bạc đi lên đồi kia mà! Ý nghĩ đó giúp Kăply dễ thở hơn một chút, và quai hàm nó bắt đầu hoạt động trở lại:
– Ờ há!
Nó nói tiếp bằng giọng băn khoăn:
– Nhưng thầy làm thế để làm gì há? Không lẽ thầy tính dọn lên ở trên này?
– Chứ còn gì nữa! – Nguyên nói như thể chính thầy Râu Bạc đã bàn bạc trước với nó về kế hoạch của thầy. – Từ ngày bọn mình nổi hứng xông lên đây, đồi Phù Thủy đã không còn là khu vực bất khả xâm phạm. Thầy buộc phải dọn lên ở ngay trên đỉnh đồi để bảo vệ kho báu bí mật của thầy.
Lý lẽ Nguyên đưa ra nghe xuôi tai đến mức mặc dù bán tín bán nghi, Kăply chẳng biết nói gì ngoài hai tiếng “ờ há” rồi tiếp tục lẽo đẽo đi theo bạn về phía trước.
Căn nhà gỗ không chỉ có mái lá mới. Bức vách mục nát, ngả nghiêng và thủng từng mảng hôm qua đã biến mất, thay vào đó là những tấm gỗ trơn láng, trắng tươi và đều tăm tắp như vừa được chở từ xưởng mộc tới.
Trên bức vách ngon lành đó, trổ lịch sự một cái cửa chính và hai cái cửa sổ nằm hai bên và tất cả được viền một cách bay bướm bằng những nẹp gỗ màu nâu sẫm.
Kăply tò mò ngó căn nhà, miệng trầm trồ:
– Thầy Râu Bạc coi vậy mà khéo tay quá mày.
– Ờ, có óc thẩm mỹ nữa.
Nguyên nói rồi nó không kềm được thắc mắc:
– Tao chỉ không hiểu là làm sao chỉ trong một buổi chiều thầy có thể làm được cả khối chuyện như vậy. Xẻ những thớt gỗ này ra rồi ủi cho chúng láng o đâu có dễ.
Câu nói của Nguyên quét lên mặt Kăply một lớp bột mì. Môi run run, nó cố nghĩa ra một cách cắt nghĩa đỡ hại thần kinh nhất:
– Chắc thầy đã chuẩn bị sẵn những thứ này từ lâu rồi và cất ở đâu đó.
Không rõ Nguyên có đồng ý với những nhận định của bạn không mà nó chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ bước tới vài bước, đến sát vách nhà và thò đầu dòm vô bên trong qua những cánh cửa mở toang.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.