Chuyện Dài Bất Tận

Chương 25: Mỏ hình


Đọc truyện Chuyện Dài Bất Tận – Chương 25: Mỏ hình

Yor – người thợ mỏ mù lòa đứng trước cửa lều lắng nghe từng động tĩnh trên cánh đồng tuyết mênh mông bốn phía. Cảnh vật vô cùng im ắng khiến đôi tai rất thính của ông nghe thấy tiếng chân người lạo xạo trên tuyết, dù còn rất xa. Rõ ràng bước chân kia đang đi về hướng căn lều.

Yor là một ông già cao lớn, khuôn mặt nhẵn nhụi không một sợi râu hay một nếp nhăn. Mọi thứ trên con người ông – khuôn mặt, áo, quần, tóc – đều xám như đá. Khi đứng bất động, trông ông như được tạc từ một tảng phún thạch to. Chỉ đôi mắt mù lòa của ông là tối, nhưng đáy mắt lại le nói như một đốm lửa.

Bastian – nó chính là người bộ hành trên tuyết kia – nói, khi đã đến gần:

– Chào ông. Cháu đi lạc đường. Cháu tìm nguồn “Nước trường sinh”. Ông chỉ giúp cho cháu được không?

Người thợ mỏ hướng tai về phía tiếng nói kia.

– Cháu không lạc đường đâu, ông thì thào. Nhưng cháu nói khẽ chứ, kẻo vỡ hết hình của ta.

Rồi ông vẫy Bastian đi theo vào trong lều.

Lều là một căn phòng nhỏ duy nhất, tuềnh toàng, đồ đạc đơn sơ. Một chiếc bàn gỗ, hai cái ghế, một tấm phản để nằm ngủ và một cái kệ chất đủ thứ thực phẩm, chén đĩa. Một cái bếp trống trải đang đỏ lửa, trên đó lủng lẳng một nồi xúp nghi ngút khói.

Yor múc hai đĩa xúp đầy cho mình và Bastian, đặt lên bàn rồi đưa tay ra hiệu mời khách. Cả hai đều im lặng suốt bữa ăn.

Rồi người thợ mỏ ngả lưng trên ghế, nhìn xuyên qua Bastian như là suốt tới tận một nơi xa thẳm, thì thầm hỏi:

– Cháu là ai?

– Cháu tên là Bastian Balthasar Bux.

– A, cháu vẫn còn nhớ được tên à?

– Vâng. Còn ông là ai?

– Ta là Yor, người ta gọi ta là người thợ mỏ mù lòa. Nhưng ta chỉ mù ngoài ánh sáng thôi. Dưới hầm mỏ của ta, nơi quanh năm suốt tháng tối thui thì ta thấy rõ.

– Hầm mỏ gì vậy, thưa ông?

– Tên nó là Minroud, hầm mỏ hình.

– Hầm mỏ hình ư? Bastian ngạc nhiên hỏi lại. Cháu chưa từng nghe.

Yor có vẻ như luôn lắng nghe gì đó.

– Ấy, ông thì thầm, thế nhưng mà nó lại dành cho chính những người như cháu đấy, cho những kẻ không tìm ra đường đến nguồn “Nước trường sinh”.

– Hình gì thế ạ? Bastian hỏi.

Yor nhắm mắt im lặng một lúc. Bastian muốn hỏi lại nhưng không dám. Rồi nó nghe người thợ mỏ thì thầm:

– Trên đời này không có gì mất đi cả. Đã bao giờ cháu mơ, rồi khi tỉnh dậy quên mất đã mơ gì không?

– Có chứ ạ, Bastian đáp, rất thường.

Yor trầm ngâm gật đầu. Rồi ông đứng lên ra hiệu cho Bastian đi theo. Trước khi ra khỏi lều, ông nắm chặt vai nó thì thầm vào tai:

– Nhưng đừng nói gì hết, nghe chưa? Những thứ cháu sẽ thấy là kết quả việc ta làm nhiều năm đấy. Mỗi âm thanh đều có thể hủy hoại chúng. Thành ra hãy im lặng và bước nhẹ thôi!

Bastian gật đầu rồi cả hai ra khỏi lều. Sau căn lều dựng một tháp khai mỏ bằng gỗ với một đường thông thẳng đứng xuống mỏ dưới sâu. Họ đi qua tháp, ra ngoài đồng tuyết mênh mông. Bấy giờ Bastian mới thấy những tấm hình trên tuyết như trên tấm lụa trắng, khác nào bảo vật.


Đó là những phiến thủy tinh mỏng tanh thuộc loại thạch cao tuyết hoa mịn, màu sắc trong suốt, đủ cỡ, đủ kiểu; vuông vức có, tròn có, nguyên vẹn có; cái to bằng cửa sổ nhà thờ, cái nhỏ như những bức họa trên nắp hộp. Đại loại chúng được xếp thành hàng theo khổ lớn và hình dạng, trải dài tới tận chân trời trên nền tuyết trắng phau.

Thật khó đoán những hình này diễn tả gì. Chẳng hạn có hình dạng quấn kín mít trông như đang phiêu du trong một lồng chim to tướng, hay một con lừa khoác áo thụng của quan tòa, hay những chiếc đồng hồ chảy ra như pho-mat, hay những búp bê chân tay co duỗi được trên sân khấu chiếu đèn sáng quắc vắng hoe người. Lại có những khuôn mặt và những cái đầu ghép từ thú vật, hay hình phong cảnh. Nhưng cũng có những tấm hình rất bình thường: những người đàn ông đang gặt trên đồng ruộng, những người đàn bà ngồi trên bao lơn. Có những ngôi làng bên sườn núi, những cảnh vùng biển, những trận mạc, những màn tập trong gánh xiếc, đướng sá và phòng ốc. Thỉnh thoảng lại thấy những khuôn mặt người, già với trẻ, thông tuệ với ngây ngô, thằng hề[1] với vua chúa, buồn thảm với vui tươi. Lại có những tấm hình ghê rợn: cảnh xử tử và múa với người chết, hay những hình vui nhộn như cảnh các thiếu phụ trên lưng hải tượng hay hình một cái mũi đi lang thang, được mọi người chào.

[1] Tại cung đình châu Âu xưa thường có mấy anh hề làm trò để vua chúa tiêu khiển.

Càng đi lòng vòng ngắm nghía những hình ảnh này thì Bastian càng không hiểu chúng có ý nghĩa gì. Duy nhất một điều nó thấy rõ: có đủ thứ để ngắm nhìn trên những tấm hình này, tuy phần lớn hơi kỳ quái.

Bastian đã cùng với Yor đi hết hàng nọ đến hàng kia tới khi hoàng hôn phủ kín đồng tuyết mênh mông. Rồi họ quay về lều. Đóng cửa xong, Yor mới khẽ hỏi:

– Có tấm hình nào cháu nhận ra không?

– Không, Bastian đáp.

Người thợ mỏ trầm ngâm lắc lư đầu.

– Sao thế ạ? Bastian hỏi. Hình gì mới được chứ?

– Hình những giấc mơ cháu đã quên trong thế giới loài người, Yor giải thích. Một khi đã mơ thì giấc mơ không thể nào biến mất tiêu được. Nhưng nếu kẻ mơ giấc mơ ấy không nhớ nữa thì nó biến đi đâu? Nó ở đây trên vương quốc Tưởng Tượng này, dưới lòng đất sâu kia. Dưới đó những giấc mơ bị quên lãng nằm chồng lên nhau, thành từng lớp rất mịn. Càng đào xuống sâu thì mật độ càng dày đặc. Cả vương quốc Tưởng Tượng đặt nền móng trên những giấc mơ bị lãng quên này.

– Có cả những giấc mơ của cháu chứ? Bastian tròn mắt hỏi.

Yor chỉ gật đầu.

– Ông nghĩ rằng cháu phải tìm ra chúng à? Bastian lại hỏi.

– Ít nhất một cái. Một cái là đủ. Yor đáp.

– Để làm gì ạ? Bastian muốn biết.

Người thợ mỏ quay nhìn nó. Khuôn mặt ông giờ đây chỉ còn được chút ánh lửa trên bếp rọi soi. Đôi mắt mù lòa của ông lại nhìn xuyên qua Bastian như nhìn về một cõi xa xăm.

– Bastian Balthasar Bux hãy nghe đây, ông đáp, ta không muốn nhiều lời. Ta thích yên lặng hơn. Nhưng lần này ta nói cho cháu biết. Cháu tìm nguồn “Nước trường sinh”. Cháu muốn có thể thương yêu được, để trở về với thế giới của cháu. Thương yêu – nói thì đơn giản vậy thôi! Nhưng nguồn “Nước trường sinh” sẽ hỏi cháu: thương yêu ai? Bởi vì người ta đâu thể yêu thương dễ dàng và chung chung vậy được. Mà cháu đã quên hết tất cả, trừ tên họ của cháu. Mà nếu không trả lời nổi thì cháu sẽ không được uống. Thành ra chỉ có một tấm hình – đó là một giấc mơ cháu đã quên mà cháu tìm lại được – mới giúp nổi cháu tìm ra nguồn nước đó thôi. Muốn thế thì cháu phải quên nốt điều cuối cùng mà cháu còn giữ: chính cháu. Đây là một công việc khó khăn đòi hỏi kiên trì. Hãy nhớ kỹ lời ta, vì ta sẽ không nhắc lại nữa đâu.

Rồi ông ngả lưng xuống phản ngủ luôn. Bastian không còn lựa chọn nào khác hơn là tạm bằng lòng với nền đất lạnh làm chỗ ngủ. Nhưng nó không phàn nàn gì.

Sáng hôm sau Bastian thức dậy chân tay tê cóng thì Yor đã đi rồi. Chắc là ông đã xuống mỏ Minroud. Bastian múc một đĩa xúp tự hâm nóng, nhưng nó thấy chẳng ngon lành gì. Vị mặn của xúp khiến nó phần nào nhớ tới vị của nước mắt và mồ hôi.

Rồi nó ra ngoài, lững thững lội tuyết ngang qua biết bao tấm hình nằm trên bãi tuyết mênh mông. Bastian chăm chú nhìn hết tấm này tới tấm khác, vì nó biết chuyện này liên hệ thế nào với nó rồi, nhưng chẳng thấy tấm hình nào khiến nó xúc động đặc biệt. Nó thấy chúng thảy đều như nhau.

Chập choạng tối Bastian thấy Yor, trong một cái giỏ, từ đường thông xuống mỏ nhô lên. Ông địu mấy phiến thạch cao tuyết hoa mỏng tanh có khổ lớn khác nhau trong một cái giá đỡ trên lưng. Bastian lẳng lặng đi theo. Ông ra tuốt xa ngoài cánh đồng, hết sức gượng nhẹ đặt những tấm mới khai được vào cuối một hàng trên mặt tuyết mềm. Một tấm có hình một người đàn ông mà ngực là một chuồng chim với hai con bồ câu. Một hình khác diễn tả một người đàn bà bằng đá cưới một con rùa to. Một tấm hình rất nhỏ cho thấy một con bướm với những vệt mang hình các chữ cái trên đôi cánh. Còn mấy tấm nữa, nhưng chẳng cái nào gợi cho Bastian được chút gì.

Khi đã cùng người thợ mỏ ngồi trong lều Bastian mới hỏi:

– Nếu tuyết tan thì những hình kia làm sao?

– Ở đây lúc nào cũng là mùa đông cả, Yor đáp.

Tối hôm đó hai người chỉ nói với nhau có bấy nhiêu thôi.

Những ngày tiếp theo Bastian lại cố tìm trong đống hình kia một tấm nó nhớ được hay ít nhất cũng có một ý nghĩa đặc biệt nào đó với nó – nhưng hoài công. Tối tối nó ngồi với người thợ mỏ trong lều, vì ông im lặng nên nó cũng im lặng luôn. Nó cũng dần dần học được từ ông Yorr ngay cả cách đi đứng gượng nhẹ để không gây chút âm thanh nào, kẻo làm vỡ những tấm hình.


– Cháu đã xem hết mọi tấm hình rồi, một tối nọ Bastian nói, mà chẳng tìm thấy tấm nào cả.

– Thế thì hỏng kiểu, Yor đáp.

– Cháu phải làm sao? Bastian hỏi. Cháu có nên chờ những tấm ông sẽ mang lên không?

Yor ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu.

– Ở hoàn cảnh cháu, ông thì thầm, ta sẽ tự xuống hầm Minroud, đào tìm tại chỗ.

– Nhưng cháu đâu có được đôi mắt như mắt ông, Bastian đáp, tối thui cháu không thấy được.

– Trên chuyến phiêu lưu dài của cháu người ta không cho cháu nguồn sáng à? Yor hỏi rồi lại nhìn xuyên con người Bastian, hoàn toàn không có hòn đá chiếu sáng nào có thể giúp cháu lúc này được à?

– Có đấy, Bastian rầu rĩ đáp, nhưng cháu xài hết viên đá Al’Tsahir vào chuyện khác mất rồi.

– Thế thì hỏng, Yor lặp lại với vẻ mặt như đá.

– Ông khuyên cháu nên làm sao? Bastian hỏi.

Người thợ mỏ lặng thinh một lúc lâu rồi đáp:

– Thế thì cháu sẽ phải làm việc trong bóng tối thôi.

Bastian thấy ớn lạnh cả xương sống. Tuy nó vẫn còn đủ sức lực và lòng gan dạ AURYN đã ban, nhưng hình dung đến việc phải nằm dài dưới sâu trong lòng đất, chung quanh tối thui thì nó sợ đờ cả người[2]. Nhưng nó không nói gì và cả hai đều đi ngủ.

[2] Nguyên văn: “tủy xương cũng đông thành đá”.

Sáng hôm sau người thợ mỏ lắc vai đánh thức nó.

Bastian lồm cồm bò dậy.

– Ăn xúp rồi còn đi! Yor nói như cáu gắt.

Bastian nghe theo.

Nó theo người thợ mỏ tới đường thông xuống mỏ, leo vào giỏ với ông, rồi chiếc giỏ kia tuột sâu xuống dưới hầm Minroud. Tia sáng leo lét cuối cùng hắt qua miệng giếng đã tắt ngúm từ lâu mà chiếc giỏ vẫn còn tiếp tục tuột xuống trong bóng tối dày đặc. Cuối cùng một cái giật mạnh cho biết đã xuống tới đáy. Cả hai leo ra.

Dưới này ấm hơn trên mặt đá tuyết giá nhiều, chỉ lát sau Bastian đã vã mồ hôi khắp người, trong lúc nó cố sức để không lạc mất người thợ mỏ đang rảo bước trong bóng tối. Lối đi thật ngoằn ngoèo qua vô số đường hầm ngang, ngóc ngách, đôi khi cả những hang rộng – nó nhận thấy qua tiếng bước chân dội khe khẽ. Nhiều lần Bastian va phải những mô đá lồi ra hay những gióng đỡ hầm đau điếng người nhưng Yor không thèm để ý tới.

Ngày hôm ấy và cả mấy ngày sau người thợ mỏ chỉ lặng lẽ nắm tay Bastian hướng dẫn nghệ thuật tách và gượng nhẹ nhấc những phiến thạch cao tuyết hoa mịn và mỏng dính. Cho việc này có những công cụ như những cái bay bằng gỗ hay sừng, nhưng nó không hề được thấy tận mắt vì xong ngày làm việc phải để chúng tại chỗ.

Dần dần nó học được cách thích nghi với bóng tối dưới hầm. Nó nhận ra ngóc ngách và đường hầm với một giác quan mới mà không giải thích được. Rồi một ngày kia Yor bảo Bastian, không phải bằng lời mà chỉ sờ tay nó, từ nay trở đi một mình làm việc trong một đường hầm ngang thấp tè, chỉ có thể bò vào thôi. Bastian vâng lời. Trong đó thật chật chội, còn trên đầu nó là cả một núi đá nguyên sinh.

Cuộn tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, Bastian nằm trong đáy sâu tối đen của nền móng vương quốc Tưởng Tượng, kiên nhẫn cào để tìm một giấc mơ đã mất, tìm một tấm hình có thể dẫn nó tới được nguồn “Nước trường sinh”.

Vì không nhìn thấy gì cả trong bóng tối triền miên trong lòng đất, nên nó không thể chọn lựa gì được. Nó chỉ hy vọng do ngẫu nhiên hay số phận động lòng thương xót mà một lúc nào đó tìm được cái cần tìm. Chiều chiều, khi ánh nắng đã tàn, nó mang lên trên những thứ đã tách ra được dưới hầm Minroud. Và chiều nào cũng đều là công cốc cả. Nhưng Bastian không than vãn, không tức giận. Nó cũng đã hết tủi thân tủi phận. Nó trở nên kiên nhẫn và trầm lặng. Tuy nó sức lực vô biên nhưng nhiều khi cũng thấy mệt bã người.

Thật khó nói được công việc cực nhọc này kéo dài bao lâu, vì không thể tính bằng ngày bằng tháng. Chỉ biết một chiều kia Bastian mang lên một tấm hình. Nhìn nó, Bastian liền xúc động tức thì, nhưng phải cố kiềm chế không bật ra tiếng kêu ngạc nhiên kẻo tấm hình tan vỡ.


Trên phiến thạch cao tuyết hoa mỏng manh kia – trông không lớn lắm, chỉ cỡ một trang sách bình thường thôi – hiện rõ hình một người đàn ông mặc áo blu trắng, tay cầm một hàm răng giả bằng thạch cao. Ông ta đứng đó, dáng điệu và nét cười lặng lẽ u sầu khiến Bastian thấy nhói trong tim. Nhưng điều khiến nó choáng váng hơn cả là người đàn ông kia bị đông cứng trong một tảng băng trong như pha lê. Bao quanh ông ta là một lớp băng kín mít, nhưng hoàn toàn trong suốt.

Trong lúc ngắm nhìn tấm hình nằm trên tuyết trước mặt, lòng Bastian dậy lên nỗi nhớ nhung người đàn ông này, người nó không quen biết. Đó là một mối cảm xúc như từ xa kéo đến, như con nước triều lên trên biển cả, mới đầu không nhận thấy, cho tới khi nó lại gần, lại gần, cuối cùng thành những đợt sóng mãnh liệt cao như ngôi nhà, cuốn phăng tất cả. Bastian gần như chết ngộp trong con sóng ấy, phải cố lấy hơi. Trái tim của nó còn quá nhỏ đối với nỗi nhớ lớn nhường ấy khiến nó đau nhói. Những đợt sóng triều kia đã nhấn chìm nốt chút ký ức còn lại của Bastian và nó đã quên luôn điều cuối cùng còn sót: tên nó.

Lát sau khi vào lều với ông Yor nó im lặng. Người thợ mỏ cũng không nói gì, chỉ nhìn nó thật lâu mà đôi mắt ông lại như nhìn vào quãng xa xôi và lần đầu tiên từ đó đến nay một nụ cười thoáng hiện trên gương mặt xám màu đá của ông.

Tối hôm ấy thằng bé – bây giờ không còn tên nữa – không ngủ được dù rất mệt. Nó luôn nhìn thấy bức hình kia ngay trước mắt. Nó cảm thấy như người đàn ông kia muốn nói gì đấy với nó mà không nói được, vì bị bao kín trong tảng băng. Thằng bé không tên muốn giúp ông ta, muốn làm tan tảng băng. Nó mơ – nhưng vẫn tỉnh – thấy mình ôm tảng băng, đem hơi ấm của cơ thể làm băng tan. Nhưng chỉ hoài công.

Nhưng rồi nó chợt nghe thấy điều người đàn ông kia muốn nói với nó, không phải nghe thấy bằng tai mà nghe trong sâu thẳm trái tim nó:

“Cứu bố với! Đừng bỏ rơi bố thế này! Bố không tự ra khỏi tảng băng được. Cứu bố! Chỉ mình con giải thoát bố được thôi… chỉ mình con!”

Tinh mơ hôm sau khi hai người thức dậy, thằng bé không tên nói với ông Yor:

– Hôm nay cháu không xuống mỏ Minroud với ông nữa đâu.

– Cháu muốn bỏ ta đi ư?

Thằng bé gật đầu.

– Cháu muốn đi tìm “Nước trường sinh”.

– Cháu đã tìm thấy bức hình dẫn đường cho cháu rồi à?

– Vâng.

– Cho ta xem được chứ?

Thằng bé lại gật. Hai người đi ra chỗ tấm hình trên tuyết. Thằng bé nhìn tấm hình, còn ông Yor hướng đôi mắt mù lòa vào mặt nó, như nhìn xuyên qua nó vào một chốn xa. Ông có vẻ như đang lắng nghe điều gì đó. Cuối cùng ông gật đầu.

– Cháu hãy mang nó theo, ông thì thầm, đừng để mất. Nếu cháu làm mất hay để nó bị tan vỡ thì coi như đời cháu kết thúc. Vì cháu chẳng còn gì ở vương quốc Tưởng Tượng này nữa. Cháu hiểu thế có nghĩa là gì.

Thằng bé không tên đứng cúi đầu im lặng một lúc, rồi khẽ nói:

– Cám ơn ông Yor đã dạy bảo cháu.

Hai người bắt tay nhau.

– Cháu là một thợ mỏ giỏi đấy, ông Yor thì thào, và làm việc rất chăm chỉ.

Rồi ông quay người đi về hướng đường thông xuống mỏ Minroud, trèo vào trong giỏ cho chạy xuống dưới hầm sâu, không ngó lại lần nào nữa.

Thằng bé đi đã nhiều tiếng đồng hồ liền như thế này. Chiếc lều của ông Yor đã khuất nơi chân trời sau lưng nó từ lâu lắm rồi; bốn bề quanh nó vẫn chỉ là tuyết trắng mênh mông. Nhưng nó cảm thấy được tấm hình nó đang gượng nhẹ cầm trong hai tay kéo đi đúng hướng.

Thằng bé quyết chí đi theo cái lực kéo kia, vì tin rằng cái lực ấy sẽ đưa nó tới đúng nơi đúng chôn, dù đường xa hay gần. Bây giờ chẳng còn có gì giữ chân nó được nữa. Nó muốn tìm nguồn “Nước trường sinh” và nó tin chắc sẽ tìm được.

Chợt nó nghe tuốt trên cao có tiếng ồn ào, như tiếng kêu ríu rít xa xôi từ nhiều cửa miệng. Ngước nhìn lên, nó thấy một đám mây đen to như một đàn chim. Mãi khi đàn chim kia tới gần nó mới nhận ra đó là đám mối mặt hề – đám Schlamuffen[3] – liền khiếp sợ đứng chết trân tại chỗ.

[3] Đây cũng là một từ được tác giả M. Ende đặt ra, nên không dịch được. Từ điển chỉ có động từ “muffen” nghĩa là: có mùi mốc; cằn nhằn, cau có.

“Lạy trời cao nhân từ! Thằng bé không tên thầm nghĩ. Mong rằng chúng không nhìn thấy mình! Tiếng kêu của chúng đến làm vỡ tấm hình mất thôi!”

Nhưng lũ mối đã nhìn thấy nó!

Chúng liền cười om sòm sà xuống, bu quanh kẻ lữ hành đơn độc.

– Hoan hô! Chúng ngoác những cái miệng đủ màu sắc kêu quang quác. Thế là cuối cùng đã tìm thấy đại ân nhân của chúng ta rồi!

Rồi chúng lăn trên tuyết, nhào lộn, trồng chuối, bốc tuyết ném nhau.

– Khẽ chứ! Làm ơn khẽ chứ! Thằng bé không tên tuyệt vọng thì thầm.


Đám mối kia gào lên thích thú:

– Y nói gì?

– Y bảo rằng bọn mình nói khẽ quá!

– Chưa có ai nói thế với bọn mình cả!

– Các bạn muốn gì ở tôi chứ? Thằng bé hỏi. Sao các bạn không để tôi yên?

Lũ mối chạy ào ào quanh nó, liến láu:

– Đại ân nhân ơi! Đại ân nhân ơi! Người còn nhớ đã giải thoát cho chúng tôi như thế nào không, hồi chúng tôi còn là dân Acharai đó. Hồi đó chúng tôi là những sinh linh bất hạnh nhất vương quốc Tưởng Tượng, còn bây giờ chúng tôi ngán tới tận cổ rồi. Lúc mới được ân nhân đổi đời cho thì chúng tôi khoái lắm, nhưng nay chúng tôi chán chết. Vì chúng tôi chỉ biết bay bừa thôi, chứ chẳng có phương hướng gì hết. Ngay cả chơi đùa cũng chẳng ra đâu vào đâu, vì chúng tôi không có luật chơi. Người đã giải thoát chúng tôi thành những tên hề lố lăng! Đại ân nhân ơi, người đã lừa dối chúng tôi rồi!

– Tôi cứ ngỡ đã làm đúng, thằng bé hoảng hốt thì thầm.

– Phải rồi, đúng cho ân nhân thôi! Lũ mối đồng thanh ré lên. Lúc ấy ân nhân thấy mình vĩ đại quá mà. Còn chúng tôi phải gánh chịu hậu quả bởi lòng hảo tâm của đại ân nhân đấy ạ!

– Tôi biết làm sao đây? Thằng bé hỏi. Các bạn đòi hỏi gì ở tôi?

– Chúng tôi tìm kiếm ân nhân, lũ mối nhăn nhó bộ mặt hề rít lên, chúng tôi muốn bắt kịp ân nhân trước khi ân nhân bỏ trốn. Bây giờ bắt kịp rồi thì chúng tôi sẽ không để ân nhân được yên, nếu ân nhân không chịu làm thủ lĩnh của lũ chúng tôi. Ân nhân sẽ phải làm sếp mối, làm mối trưởng, làm tướng mối của chúng tôi! Muốn làm sao thì tùy ân nhân.

– Nhưng tại sao chứ, tại sao? Thằng bé thì thầm năn nỉ.

Lũ mối hề lại lại đồng thanh rít lên đáp:

– Chúng tôi muốn ân nhân ra lệnh cho chúng tôi, chỉ huy chúng tôi, buộc chúng tôi làm gì đó, cấm chúng tôi làm gì đó! Chúng tôi muốn rằng sự hiện hữu của mình phải có mục đích gì đấy!

– Tôi không làm được! Sao các bạn không chọn lấy một người trong các bạn?

– Không được, không được, chúng tôi muốn đại ân nhân cơ! Chính ân nhân đã biến chúng tôi thành ra thế này mà!

– Không, thằng bé hổn hển. Tôi phải rời khỏi đây. Tôi phải về thế giới của tôi!

– Đại ân nhân ơi, đừng vội! Những cái miệng hề the thé. Ân nhân đừng hòng thoát khỏi tay chúng tôi. Ân nhân có khác! Định chuồn êm khỏi vương quốc Tưởng Tượng!

– Nhưng tôi không còn biết phải làm gì nữa! Thằng bé phân bua.

– Thế chúng tôi thì sao? Lũ mối đồng thanh đáp. Chúng tôi biết phải làm gì chắc?

– Đi đi, thằng bé kêu. Tôi không thể lo cho các bạn được nữa!

– Vậy thì ân nhân phải biến chúng tôi trở lại như xưa! Chúng the thé nói. Vậy thì chúng tôi muốn lại được là dân Acharai như cũ. Hồ Nước mắt đã cạn khô rồi, thành phố Amargánth đang kẹt cứng. Không có ai bện những sợi tóc bạc hảo hạng nữa. Chúng tôi muốn thành dân Acharai trở lại.

– Tôi chịu thôi! Thằng bé đáp. Tôi không còn quyền lực gì nữa ở vương quốc Tưởng Tượng.

– Vậy thì, lũ mối gào lên, chạy loạn xạ, chúng tôi phải bắt ân nhân theo!

Cả trăm bàn tay nhỏ xíu túm lấy thằng bé, ra sức nâng bổng nó lên. Thằng bé kháng cự kịch liệt khiến lũ mối văng ra tứ phía. Nhưng chúng không ngớt bướng bỉnh sấn vào như lũ ong bắp cày bị chọc phá.

Đột nhiên từ xa vẳng lại thanh âm nhẹ nhàng mà dũng mãnh, như tiếng chuông đồng ngân vang trong mớ âm thanh hỗn độn này.

Trong nháy mắt lũ mối bỏ chạy thành đàn đen sì trong bầu trời cao.

Thằng bé không tên quỳ trên tuyết. Trước mặt nó là tấm hình đã rã thành bụi. Thế là hết. Không còn gì dẫn đường nó tới nguồn “Nước trường sinh” nữa.

Ngước nhìn lên, nó mờ mờ thấy qua làn nước mắt hai hình bóng xa xa trên tuyết, một lớn một nhỏ. Nó dụi mắt rồi nhìn lần nữa.

Đó là con Phúc long Fuchur và Atréju.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.