Đọc truyện Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy – Chương 24: Giúp đỡ
Thứ hai – Tháng 4: Chuyển mùa. Mưa lạnh xen kẽ những đợt nắng nóng.
Vị đạo diễn dẫn dắt Diệp Anh vào nghề từng nói với cô: “Công việc viết lách chính là kết hôn với cảm xúc của bản thân. Thuận vợ thuận chồng, mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái. Nhưng đôi khi không tránh khỏi mâu thuẫn. Cố mặt đối mặt trong lúc tức giận chỉ càng làm tổn thương nhau. Tốt nhất hãy ra ngoài, tụ tập bạn bè, làm một chén. Bình tĩnh rồi, mọi bế tắc đều có thể giải quyết.”
Nghĩ tới đây, ánh mắt Diệp Anh dần dịu lại. Cô rời khỏi chiếc ghế dài ngoài ban công, quyết định ra ngoài hít thở không khí trong lành thay vì cố nài ép bản thân nảy sinh cảm hứng cho phần tiếp theo của kịch bản.
Nhờ chạy bộ hằng ngày, đôi chân Diệp Anh trở nên dẻo dai. Cô có thể đi bộ hàng giờ trên những con phố dài nối tiếp nhau. Suy nghĩ miên man trôi theo dòng xe cộ. Đường phố chính là kho báu của cảm xúc. Một âm thanh, một giọng nói, một hình ảnh, đôi khi vô nghĩa với tất cả mọi người, nhưng lại giúp cô có được những ý tưởng tuyệt vời.
Bụng cô đột nhiên sôi lên. Khứu giác bị đánh thức bởi mùi thịt nướng phảng phất trong không khí. Cô nhìn quanh, phát hiện mình đã đứng trước cửa quán ăn của bố Khải Hưng từ bao giờ. Lưỡng lự, cô không biết nên chiều chuộng bản thân mình hay lánh qua quán ăn bên đường để gọi bữa trưa. Đang chần chừ, một giọng nói bất ngờ cất lên khiến cô giật bắn người, quay đầu lại.
– Cô không có tiền à?
– Dạ?
– Chỉ có những người không có tiền mới đứng trước quán ăn thất thần như vậy thôi.
– Dạ không…
Diệp Anh lùi lại sau. Người đàn ông đó tiến lại gần, vỗ mạnh vào vai Diệp Anh.
– Vậy thì vào đi! Quán của tôi không chê khách.
– Cháu…
– Cô ngửi thấy chứ. Mùi vịt nướng mật ong đấy. Tôi không cần nói nhiều chắc cô cũng đoán được nó tuyệt thế nào.
Diệp Anh mím môi lại, im lặng. Dịch vị tiết ra ngày càng nhiều. Cuối cùng, lí trí không thắng nổi cảm xúc, cô theo ông ta, bước vào quán.
Sâu trong quán có một nơi kín đáo nhìn ra vườn sau, duy chỉ có một thân cây lớn làm bàn và bốn tảng đá mài nhẵn làm ghế. Vịt được bày ra, Diệp Anh lưỡng lự nhìn người đàn ông đó ý như muốn hỏi tại sao ông ta còn chưa ngồi xuống.
– Tôi từng nhìn thấy tốc độ ăn của cô. Tôi vào bếp một lát, quay ra, chắc chúng ta có thể nói chuyện rồi.
– Dạ…vâng…
Mới gặp 3 lần nhưng lần nào Diệp Anh cũng cảm thấy người đàn ông này có rất nhiều chuyện muốn nói với cô. Nhưng những lời ông ta nói thường đi đường vòng, cuối cùng kết thúc ở ngõ cụt. Là không muốn nói hết hay còn nhiêu ẩn ý mà Diệp Anh chưa hiểu. Cô vừa ăn vừa suy nghĩ.
Trà vừa mang ra, ông ta đã xuất hiện, ra hiệu cho Diệp Anh cầm lấy tách, tiến về phía sân sau.
– Nếu tôi nói không đồng ý chuyện giữa cô và con trai tôi, cô nghĩ thế nào?
Lông mày Diệp Anh nhướn lên. Trà trong tách khẽ sánh.
– Cháu thấy ngạc nhiên và chạnh lòng.
– Ngắn gọn thế thôi sao? Nghe nói cô viết kịch bản phim. Tôi thấy trên phim mỗi khi bị phản đối, phụ nữ nào cũng cố gắng thuyết phục nhà chồng. Xem ra vì tôi không thể khiến con trai tôn trọng nên cũng không thể yêu cầu điều đó ở người khác.
– Vì cháu không có gì để thuyết phục bác. Cháu không phải người có gia thế, địa vị. Những nét hấp dẫn ở phụ nữ như dịu dàng, nữ tính, tề gia nội trợ cháu cũng không thể đáp ứng.
– Thay đổi thì sao?
– 27 năm, cháu chỉ mới thay đổi chút ít. Cháu nghĩ một lời nói không thể biến cháu thành con người hoàn toàn khác.
Người đàn ông đó thở dài.
– Quá cố chấp. Mỗi lần gặp cô lại làm tôi nhớ lại quãng thời gian trước đây.
Ông ta nhấp một ngụm trà.
– Khi đó nơi này chỉ là một quán ăn nhỏ nhưng rất đông khách. Tôi là nhà văn, ngày cũng như đêm, không xuống khỏi gác xép. Cô ấy là một trong những người mẹ tôi thuê về phụ việc. Sau khi phát hiện, tôi và cô ấy có tình cảm với nhau, mẹ tôi lập tức đuổi cô ấy đi.
Ánh mắt ông ta đột nhiên trùng xuống.
– Tôi lúc đó, nhất quyết bỏ nhà đi. Nhưng ra ngoài mới biết, ngoài viết văn làm thơ, tôi chẳng có cách gì nuôi sống bản thân mình. Cô ấy cũng không thể tìm ra. Tôi quay về nhà với bộ dạng nhếch nhác và bị ép kết hôn với một phụ nữ khác, chính là mẹ của Khải Hưng.
Giọng ông ta có chút thay đổi.
– Tôi học nghề đầu bếp và nhận lấy quán ăn từ bố mẹ. Bề ngoài, tôi thay đổi nhưng bên trong vẫn rất cố chấp. Tôi muốn dùng cuộc hôn nhân của mình để chứng minh cho bố mẹ tôi thấy, họ đã sai. Tôi là một người chồng nhưng không bao giờ là bạn tâm giao của vợ tôi. Giữa hai chúng tôi luôn có khoảng cách. Trong khi đó, tôi lặng lẽ tiếp tục tìm kiếm cô ấy. Chúng tôi gặp nhau và sinh ra một đứa con. Không may, nó mắc chứng tự kỉ. Cô ấy can ngăn nhưng tôi vẫn nhất quyết li dị để đường hoàng đón mẹ con cô ấy về. Không ngờ, vợ tôi tìm đến nhà cô ấy. Hai người lời qua tiếng lại. Vợ tôi xảy thai sau đó gặp tai nạn rồi qua đời. Tôi day dứt nhưng tôi nghĩ người chết đã chết, người sống vẫn phải sống, không thể để cô ấy cả đời chịu tiếng vợ hờ. Tôi nhanh chóng tái hôn rồi đón cô ấy và đứa con về nhà. Tôi vốn định chờ khi Khải Hưng lớn, hiểu chuyện, sẽ nói rõ tất cả. Nhưng khi nó lớn, nó thậm chí không nghe tôi nói một lời. Cho tới khi, tôi cũng không còn muốn nói. Vì xét cho cùng, mọi ý nghĩ của nó đều là sự thật. Ngoại tình, có con riêng, chỉ chờ hết giỗ đầu của vợ để lập tức tái hôn.
Ông ta nhìn Diệp Anh, dáng vẻ tò mò.
– Cô ngạc nhiên đúng không? Chuyện không tự hào gì mà tôi lại kể rất rành mạch, rõ ràng.
– Bác kể như vậy, xem ra lời bác nói phản đối cháu và Khải Hưng là đùa.
Ông ta tiến lại gần, vỗ mạnh vào vai Diệp Anh.
– Tôi kể như vậy là để nhắc nhở cô. Kìm chân đàn ông, sớm muộn gì họ cũng chạy tới nơi sai trái. Thả cho họ chạy, họ nhất định tìm được đường về.
Ông ta nhanh chóng bỏ đi. Diệp Anh còn đứng lại, uống hết tách trà. Một câu chuyện nhiều mắt xích, không biết đã sai từ đâu, chỉ biết đến cuối cùng, tất cả đều phải chịu tổn thương.
Sau khi rời khỏi quán ăn, Diệp Anh bắt taxi đến bệnh viện nơi Khải Hưng làm việc. Khải Hưng nhìn thấy cô ngồi ở dãy ghế chờ, sửng sốt, tiến lại gần.
– Em làm gì ở đây?
– Em chờ anh.
– Hôm nay em lại có hứng hẹn hò sao?
– Hẹn hò thì không. Em đến để khám bệnh. Lúc trước chẳng phải anh nói nếu em không thể tự giúp mình thì phải để người khác giúp sao?
– Nhưng phòng anh chuyển qua bên kia rồi. Em ngồi đây, tức là sẽ khám bác sĩ khác.
– Vậy sao? Không vấn đề. Bác sĩ là được rồi. Nhưng anh chuyển qua phòng bên kia rồi sao lại đi ra từ phòng này?
Đúng lúc này, vang lên tiếng phụ nữ cười nói. Diệp Anh liếc nhìn Khải Hưng, nhướn mày.
– Bệnh nhân xếp hàng chờ. Bác sĩ và hộ lí lại túm tụm cười đùa. Xem ra, em chọn sai bệnh viện rồi.
– Viện trưởng vừa đi nước ngoài về gọi mấy bọn anh đến cho quà.
– À. Hóa ra vì mấy món quà đấy, vợ viện trưởng cách nào cũng không nắm được chuyện ông ấy làm bên ngoài.
– Anh không nói lại được với em. Anh về phòng đây. Gần chỗ để xe có quán cà phê, em khám xong thì ra đó chờ anh. Lát mình cùng ăn tối.
– Ăn tối thì được. Nhưng đừng cố xem bệnh án của em.
– Anh không giúp những chuyện người khác không nhờ.
Khải Hưng gạt một sợi tóc đang vướng vào miệng Diệp Anh, rồi quay lưng, trở về phòng làm việc.
Khi nói với bác sĩ bạn bị mất ngủ vì làm việc căng thẳng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi phải thú thật, bạn đôi khi bị những hình ảnh trong quá khứ ám ảnh, bạn không dám ngủ vì thiếp đi rồi tỉnh dậy, bạn cảm thấy như vừa bị ai đó đẩy bạn xuống tầng sâu của kí ức, ngột ngạt vô cùng.
Xế chiều, Diệp Anh và Khải Hưng ngồi đối diện nhau trong căng tin bệnh viện.
– Anh nấu ăn ngon như vậy, em nghĩ anh ăn uống phải kĩ tính hơn cơ.
– Lúc trước đúng là thế. Nhưng khi thực tập ở đây, anh thậm chí không đủ thời gian để cảm nhận món mình đang ăn có ngon hay không. Lâu dần thành quen.
Diệp Anh nhìn Khải Hưng, mỉm cười.
– Còn em thì ngược lại. Lúc trước, khẩu vị của em rất tùy tiện nhưng sau nhiều lần anh nấu cho em ăn, giờ nó kiêu kì hơn nhiều.
Khải Hưng rót thêm nước vào cốc của Diệp Anh.
– Suy nghĩ thay đổi, cảm nhận thay đổi.
– Đúng. Lúc trước em nghĩ nói hết với bác sĩ không khác gì tự khẳng định bản thân có vấn đề. Nhưng hôm nay, em phát hiện mọi chuyện không tệ như thế.
– Lúc trước anh thuyết phục em, em cố chấp đến cùng. Sao hôm nay đột nhiên lại thay đổi?
Diệp Anh liếc nhìn Khải Hưng, thận trọng.
– Vì…em cố chấp như vậy mà còn thay đổi… Anh không phải cũng nên thử một lần sao?
– Tay bác sĩ đấy đã làm gì em? Sao hôm nay em lại kiêng dè anh vậy? Nói xem, em muốn anh làm gì?
– Anh cũng giống anh ta, chẳng nhẽ anh không biết? Nhưng…nếu em nói chuyện đó ra…anh sẽ làm theo ý em chứ?
– Trước nay, có chuyện gì anh không làm theo ý em?
– Nhưng trong số đó, chưa có chuyện nào quá đáng cả.
– Tức là chuyện em sắp bảo anh làm là quá đáng. Em đột nhiên tới đây khám, còn nói chuyện đón đầu anh như vậy. Hôm qua anh thấy em vẫn bình thường, xem ra sáng nay đã có chuyện gì rồi.
– Sáng nay em tình cờ gặp bố anh nói chuyện.
– Không phải ông ấy lại tìm đến như lần trước đấy chứ?
– Không. Là em đến. Ông nói với em rất nhiều chuyện. Nhưng mấy chuyện đó, em nghe rồi cũng không làm được gì… Nhưng anh thì khác…
Khải Hưng thở dài, ngả người ra sau ghế, xoay xoay chiếc nhẫn trên ngón trỏ.
– Lúc trước, em không bắt đầu mối quan hệ với anh vì em nghĩ anh chỉ là một kẻ trăng hoa. Trong chốc lát, thấy hiếu kì với em sau đó sẽ biến em thành trò cười. Nhưng bây giờ, em phát hiện anh vẫn là một kẻ trăng hoa nhưng nhất định không làm em tổn thương. Có những chuyện, không thể dùng suy nghĩ của bản thân để cố chấp đến cùng, cũng nên cho người khác cơ hội để chứng minh điều ngược lại.
Diệp Anh nhướn mày nhìn Khải Hưng. Anh tránh ánh mắt của cô, nhanh chóng đứng dậy, rời đi.
Từ bệnh viện về nhà, Diệp Anh tập trung vào công việc. Màn hình máy tính dày đặc chữ. Chẳng bao lâu, phần mở đầu đã hoàn thành. Nhưng cô phát hiện trong nhà chẳng còn giấy trắng để in, bèn mở cửa chạy ra ngoài mua. Cô giật mình khi thấy Khải Hưng đang đứng đó, nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại.
– Anh về lúc nào vậy?
– Lúc nãy thôi.
– Về rồi, anh không vào nhà còn đứng đây làm gì?
– Anh muốn cho em xem thứ này.
Diệp Anh nhướn mày nhìn Khải Hưng. Anh giơ về phía cô chiếc điện thoại, màn hình hiện lên một bức ảnh. Đó là khi Khải Hưng bị gãy chân xin ngủ nhờ nhà cô. Trong tấm hình, cô mê man ngủ, gục đầu vào ngực anh. Chiếc chăn đắp chung chùm kín đến tận cổ. Anh quàng tay qua, đỡ lấy đầu cô.
– Hôm đấy đáng lẽ em phải trói anh lại.
– Đăng cái này lên facebook.
– Gì? Cái này đăng lên không khác gì nói “em là của anh”.
– Anh nghĩ rồi. Lần này, anh đồng ý đến nói chuyện với ông ấy. Nhưng mặt đối mặt, mọi bực tực có thể sẽ xả ra hết. Mối quan hệ giữa hai người là nối lại hay cắt đứt hẳn còn chưa biết. Nói thế nào, ông ấy cũng là người thân duy nhất của anh. Mất ông ấy rồi, anh cũng phải có phương án B chứ.
Diệp Anh nhìn Khải Hưng, kéo tay anh về phía mình rồi bất ngờ cắn mạnh. Vết răng hằn sâu, rớm máu.
– Nếu sau này em trở thành người thân của anh, anh nên biết, em ghét nhất là bị người khác ra điều kiện.
Cánh cửa đóng sầm.
Khải Hưng chuyển bức ảnh đó thành màn hình nền điện thoại.
Chủ nhật – Tháng 4: Nắng ấm. Trời trong xanh.
Chiếc ôtô du lịch 24 chỗ chạy chậm dần rồi dừng lại trước cổng trường học. Mọi người chăm chú nhìn một cô bé trong bộ váy màu hồng xếp nếp nhiều tầng kéo theo một chiếc vali lớn. Đan Nguyên bật cười, tò mò không biết cô bé đã cho vào đó bao nhiêu bộ quần áo dành để mặc trong chuyến dã ngoại chỉ kéo dài 3 ngày 2 đêm. Quốc Dũng quay sang, khẽ thì thầm vào tai Đan Nguyên:
– Anh nghĩ thằng bé không có mắt nhìn phụ nữ.
– Không sao. Nếu có một người phụ nữ tốt nhìn ra thằng bé.
Đan Nguyên nghiêng đầu, chăm chú nhìn một cô bé mặc chiếc quần yếm màu vàng chanh đứng yên lặng một góc không may bị cu Bin chạy qua va phải. Bình nước trên tay hai đứa trẻ đều rơi xuống đất, đáy nứt một vệt dài, nước bắt đầu rỉ ra. Cô bé lúng túng nhìn cu Bin trong khi Cu Bin quay đầu, chạy một mạch tới chỗ Đan Nguyên.
Đan Nguyên đặt vào tay cu Bin hai lon nước mát.
– Đây, cô mua thêm 2 chai, một cam một cà rốt.
– Con chỉ lấy một chai thôi. Con không thích mang nặng.
– Chai cà rốt là của con. Còn chai cam con đưa cho bạn mặc quần yếm vàng. Con va phải bạn làm vỡ chai nước của bạn ấy rồi.
Thằng bé gấp gáp gật đầu, luống cuống lục tìm trong balo thứ gì đó.
– Nhưng bây giờ con ăn gà rán được chưa ạ?
– Lát lên xe, con lấy bánh mì ra ăn thôi, còn gà để đến trưa. Cô và bác Lài chuẩn bị không thiếu, con chia cho các bạn cùng ăn.
Thằng bé chạy vội lên xe. Dây giầy còn chưa cài chặt. Đan Nguyên thở dài. Chú tâm tới một đứa trẻ, quả là việc không dễ dàng.
Quốc Dũng nắm tay Đan Nguyên rời khỏi.
Chiếc xe phóng với vận tốc trung bình. Quốc Dũng ra hiệu cho Đan Nguyên nhìn về phía ghế sau.
– Tuần trước anh đi công tác tiện đường mua về. Túi nhỏ là của em. Còn túi lớn anh mua biếu mẹ em.
Đan Nguyên lúng túng, ngón tay bất giác xoắn chiếc dây túi thành hình vỏ ốc.
– Em vẫn chưa sẵn sàng à?
Đan Nguyên khẽ gật đầu.
– Khi mang trả lại anh Tiệp chiếc nhẫn, em đã nhờ anh ấy giữ kín chuyện 2 chúng ta. Nhưng em nghĩ không sớm thì muộn mẹ em cũng biết. Chi bằng em nói tốt hơn để mẹ em nghe từ người khác. Nhưng mỗi lần đối diện với bà, em lại thấy sợ.
Quốc Dũng nắm tay Đan Nguyên.
– Chuyện với vợ anh trước đây, em cũng biết. Thế nên lần này anh muốn em đường hoàng ở bên anh mà không phải từ bỏ bất cứ thứ gì.
Đan Nguyên mỉm cười nhưng trong lòng cô lại gợn lên một nỗi lo lắng.
Quốc Dũng liếc nhìn Đan Nguyên. Cửa kính từ từ kéo xuống. Gió từ ngoài thốc vào khiến Đan Nguyên cảm thấy dễ chịu. Bài I hope you’ve never happy (Dolly Parton) khiến cô hưng phấn, đung đưa theo điệu nhạc.
Đan Nguyên nheo mắt nhìn đám đông đang tụ tập trước cửa một siêu thị điện máy. Hai chiếc loa hướng về phía đường đang chạy hết công suất, cố át đi tiếng xe cộ xung quanh, để tận đầu phố, mọi người đều phải lưu tâm đến đợt khuyến mại “có một không hai” đang diễn ra bên trong. Đột nhiên, Đan Nguyên nhìn thấy một người phụ nữ nhang nhác giống mẹ cô. Bà đang cố lạch qua đám đông, kiễng chân, nhìn theo xe của Quốc Dũng. Cô giật mình, cúi gập người, từ từ quay kính lên.
– Gì thế?
Quốc Dũng lo lắng khi Đan Nguyên ra hiệu cho anh tăng tốc.
Diệp Anh đặt cốc sữa nóng xuống bàn. Cửa vừa mở ra, Đan Nguyên đã gấp gáp chạy thẳng vào trong, nhớn nhác tìm chiếc váy ngủ bữa trước còn để lại. Diệp Anh đứng tựa vào tường, nhướn mắt nhìn cô.
– Sao đấy?
– Mình nghĩ mẹ mình sắp đến rồi.
Nghe tới đây, Diệp Anh lập tức giúp Đan Nguyên bới xù mái tóc đã chải mượt.
– Thế mới nói. Cậu ở nhà anh ta đến tối là được rồi. Còn ngủ lại làm gì.
– Nhưng thằng bé nhất quyết muốn tớ ở lại rồi buổi sáng đưa nó đến chỗ tập trung.
– Đi dã ngoại chứ đi quân sự đâu mà phải tiễn. Anh ta cũng buồn cười. Người khác sẽ nghĩ thế nào nếu biết cậu cả đêm ở nhà sếp?
– Là mình muốn. Thân thiết với một đứa trẻ không phải chuyện một sớm một chiều mà làm được.
– Nói vậy tức là cậu đã quyết định sẽ kết hôn với anh ta hả?
Diệp Anh đang định nói thêm điều gì đó nhưng khi nghe thấy tiếng chuông cửa bèn lập tức yên lặng, tiến về phía phòng khách.
Mẹ Đan Nguyên xuất hiện ở ngưỡng cửa. Bà nhíu mày nhìn Diệp Anh trong bộ dạng ngái ngủ và Đan Nguyên thảnh thơi với cốc sữa nóng trên tay.
– Mẹ?
– Nhân tiện đang ở gần đây mẹ qua xem Diệp Anh thế nào. Từ ngày con chuyển qua đây bác chưa tới được lần nào.
Bà vỗ vai Diệp Anh, đẩy cửa bước vào trong.
Trong khi bà đi quanh xem xét còn Diệp Anh thì hào hứng kể cho bà nghe về cuộc sống tự lập của mình, Đan Nguyên lặng lẽ ngồi một góc, nhớ lại ánh mắt Quốc Dũng khi cô vội vã xuống khỏi xe. Cô cảm thấy cách cư xử thái quá của mình dường như đang biến tình cảm giữa hai người thành một mối tình vụng trộm cần che giấu. Điều đó vô tình làm tổn thương lòng tự trọng của Quốc Dũng. Anh muốn giúp cô vượt qua sự e dè bằng cách tới gặp để ra mắt chính thức với mẹ cô nhưng năm lần bảy lượt đều bị cô cản lại.
Đan Nguyên thực sự không biết là chưa đến lúc hay không bao giờ đến lúc. Cô thở dài. Những ngón tay miết nhẹ quanh miệng cốc.
Chủ nhật – Tháng 4: Dịu nhẹ, đó là tất cả những gì bạn cần cho một ngày cuối tuần thoải mái.
Nhóm thợ sau khi mắc xong đường điện cuối cùng bèn nhanh chóng rời khỏi, để lại mọi thứ ngổn ngang cần dọn dẹp. Linh An cẩn trọng miết nhẹ cây chổi trên tay. Chỉ khi nền nhà không còn chút bụi, cô mới thở phào, ngồi dựa vào góc tường, chăm chú nhìn mẹ cô đang tưới những chậu cây bên bệ cửa sổ.
– Mẹ, tuần này anh ta đã ăn tối ở nhà mình 3 lần rồi đấy.
– Mẹ mời chứ có phải cậu ta tự đến đâu?
– Thế mới nói. Mẹ đang dự tính gì vậy?
– Cậu ấy chở con đi đi về về suốt 1 tháng, mẹ không mời cậu ấy được mấy bữa cơm à?
– Trước đây anh Khang và con yêu nhau, anh ấy ngày nào cũng tới chở con, mẹ đến tách trà cũng chưa bao giờ mời anh ấy.
– Con biết trà nhà mình đắt thế nào không? Vì bố con thích nên mẹ ngần ngại mãi mới dám mua. Bố mẹ uống còn phải dè xẻn, sao phải để cho tên ti tiện đó.
– Sao mẹ biết anh ta ti tiện?
– Lúc còn bán hàng ở chợ, loại người như gã đó mẹ gặp không ít. Hèn nhát, bất tài. Lần đầu nhìn đã đoán được.
– Sao mẹ không khuyên con?
– Khuyên? Cô nghe tôi không? Hơn nữa, cô suốt ngày chỉ biết trưng diện rồi mơ mộng, đàn hát. Cũng phải gặp một tên như vậy mới có thể tỉnh ra được. Sớm gặp sớm chia tay, còn nhiều thời gian để tìm hiểu những đối tượng tốt hơn.
– Nói thế là mẹ đang nhắm anh Minh?
– Chưa nhắm, chỉ là xem xét thôi. Nghe quá khứ của cậu ta tất nhiên chẳng có ai ưng được. Nói cậu ta đã thay đổi, mẹ cũng không tin hoàn toàn. Nhưng nhìn cách cậu ta cư xử, ánh mắt chăm chú nhìn gia đình mình, mẹ nghĩ con người này có thể dùng tình cảm để uốn nắn.
– Tức là mẹ mời anh ấy đến ăn cơm là để bồi dưỡng tình cảm?
Mẹ Linh An vuốt nhẹ những chiếc lá nhỏ xíu, mềm mại.
– Bồi dưỡng tình cảm là chuyện của hai người. Tốt nhất đừng để như chị cô. Lúc yêu thì đưa đưa đón đón. Đến lúc kết hôn rồi, cãi nhau bỏ về nhà mẹ đẻ, cả tháng trời đến một cuộc điện thoại cũng không nhận được.
– Vậy mẹ tính xây thêm phòng là để cho chị Nhi ở?
– Chờ nó sinh rồi mẹ đuổi nó về nhà chứ giữ làm gì? Bác con mổ xong cũng không thể yên tâm được. Dưới quê có họ hàng nhưng làm sao bằng người thân. Tốt nhất để bác ở đây, mẹ với bố con thay nhau chăm sóc. Cũng để chị con biết sợ mà không dám hễ phật ý là xách vali đến đập cửa nhà mình.
Mẹ Linh An sau khi lau sạch những chậu hoa bám bụi quay lại nhìn cô.
– Dọn dẹp nhanh đi, bác con từ viện về còn có chỗ để nghỉ.
– Nhưng bố con bị đau khớp, chị Nhi thì mang bầu, để bố và chị đi đón bác có được không ạ?
– Có gì mà không được. Họ chỉ ở đấy cho đông đội hình thôi.
Nói rồi, mẹ Linh An điềm tĩnh mở cửa, bước ra khỏi phòng.
Hơn một tiếng sau, Linh An nghe thấy tiếng cười nói bèn chạy xuống nhà. Đúng như lời mẹ cô nói, bố và chị họ cô chỉ đi cùng để đội hình thêm đông đủ, còn người phải khom lưng cõng bác cô trên vai lại là Nhật Minh.
Căn buồng nhỏ được sơn màu kem đã được quét dọn sạch sẽ và kê đủ đồ đạc. Bác Linh An nằm trên giường, cầm tay mẹ cô cười nói nhưng nhìn nét mặt bác, cô biết, bác rất mệt. Thân hình sồ sề nay đã gầy hơn phân nửa, xanh xao. Chỉ một lúc sau, bác đã thiếp đi. Mọi người cũng lặng lẽ ra khỏi phòng. Cánh cửa vừa đóng lại, mẹ Linh An bèn thở dài. Linh An níu vai Linh Nhi, xoa nhẹ. Hai người thường ngày gặp nhau là chuyện trò đủ thứ nhưng hôm nay có lẽ, chỉ cần vậy là đủ.
Mẹ Linh An chuyển đi sườn xào chua ngọt đến trước mặt Nhật Minh.
– Lần trước cậu đến đều là ông nhà tôi nấu. Hôm nay cậu ăn nếm thử tay nghề của tôi xem sao.
– Bác cứ để cháu tự nhiên.
Bà quay sang nhìn Linh Nhi, nheo mắt.
– Còn cháu, ngoài thời gian ăn và ngủ cũng nên nghĩ xem làm thế nào để giải thích với mẹ cháu chuyện cháu ở lì đây còn chồng cháu thì suốt từ lúc mẹ vợ nhập viện đến lúc xuất viện, không hỏi thăm được một tiếng.
– Cháu sẽ nói là cháu mang bầu nên muốn về đây ở ít hôm, còn chồng cháu phải đi công tác xa, có gọi về nhưng đúng lúc mẹ cháu ngủ nên không biết.
Mẹ Linh An thở dài, lấy lại đĩa thịt gà rim trước mặt Linh Nhi.
– Dì nói trước mẹ cháu không đủ sức để thay đến quả tim thứ 2 đâu. Thế nên liệu liệu mà cư xử.
Nhật Minh nhớ lại trước đây anh đến nhà một người bạn, cả nhà một đĩa thịt cũng chuyển qua chuyển lại như vậy. Khác với gia đình anh, mỗi món đều làm ra bốn phần, một người từ chỗ của mình có thể ăn hết bữa mà không cần phiền tới người khác. Âm thanh duy nhất tất cả cùng nghe được là tiếng tivi. Anh chăm chú nhìn. Thức ăn đều đặn đưa vào miệng. Sau này khi bỏ nhà đi, anh thường xuyên tiệc tùng nhậu nhẹt. Nói nhiều hơn ăn, chỉ có điều hết hơi men, ai cũng không nhớ bản thân đã nói gì, đã nghe được gì. Đôi khi tỉnh dậy, thấy toàn thân ê ẩm mới phát hiện vì vài lời qua lại mà cuộc vui đã biến thành ẩu đả. Vì thế, Nhật Minh có một sở thích kì lạ vẫn duy trì đến giờ. Thỉnh thoảng, anh bắt taxi. Xe chạy thẳng, ra khỏi thành phố rồi quay lại. Anh vốn chẳng có nơi nào để đi, chỉ là muốn nói chuyện với tài xế, những người hay chuyện và cũng chẳng mấy kiệm lời.
Linh An đập vào vai Nhật Minh khiến anh giật mình, mọi suy nghĩ trong đầu lập tức biến mất.
– Anh bê đồ thì mau bê đi, cứ đứng một chỗ thế này ai còn dọn dẹp được nữa.
Nhật Minh đặt thùng các tông trên tay xuống đất, định nói gì đó với Linh An nhưng cô đã bị mẹ cô gọi giật vào phòng.
– Linh An, vào đây!
Nhật Minh nhìn dáng vẻ tất bật của cô bèn nhớ đến nhiệm vụ của mình, bê thùng các tông trên tay đặt qua bên rồi chạy đi tìm chổi lau nhà.
Sau bữa trưa, cả nhà Linh An đều xắn tay áo bắt đầu công việc quen thuộc 6 tháng một lần: tổng vệ sinh, Nhật Minh cũng được giữ lại để giúp một tay. Trong khi anh còn đang lẩm nhẩm đọc chỉ dẫn được ghi trên lọ nước lau nhà, băn khoăn xem đong bao nhiêu là vừa đủ thì nghe có tiếng Linh An hét, gọi với theo. Mẹ cô quay lại, trừng mắt.
– Nhỏ tiếng thôi để bác còn ngủ!
– Mẹ vứt ngần này quần áo của con đi thì con nhỏ tiếng sao được.
– Đã nói là không vứt. Tiện thể về quê thu dọn đồ đạc của bác thì bảo bố cô đem về cho mấy đứa trẻ con.
– Mẹ nói như thế thì cũng có khác gì.
– Khác với không khác thì để làm gì? Bốn góc nhà cả gầm giường, gầm tủ toàn là quần áo của cô. Cô định cháu cô sinh ra thì cất đồ vào đâu đây?
Mẹ Linh An đánh mạnh vài vai cô. Cô quay sang nhìn chằm chằm vào Linh Nhi đang thích thú xếp những chiếc áo bé xíu vào một chiếc giỏ mây.
– Chị chắc chắn không về nhà à?
– Sao lại trở mặt rồi. Không phải hôm qua em nói nhất định chị phải ở đây để anh rể em chừa thói vênh vang vì kiếm được nhiều tiền à.
Mẹ Linh An quay phắt lại, trừng mắt, gằn giọng.
– À. Tôi nói với cô bao nhiêu thứ, bảo cô đi khuyên chị cô thì cô nói thành ra thế đấy!
Nhật Minh sau khi lau xong phòng khách, lẳng lặng vào nhà kho giúp bố Linh An sửa lại mấy thứ đồ lặt vặt. Ba người phụ nữ nói qua nói lại, một túi quần áo vẫn chưa sắp xếp xong bèn để vào góc nhà chờ ngày mai tính tiếp. Hai người đàn ông yên lặng, sau một tiếng đồng hồ, quạt chạy, tivi cũng lên hình. Mọi việc đều hoàn thành.
Bác của Linh An đã thức dậy từ lúc nào bởi tiếng ồn ào dưới nhà. Bà tiến lại gần cửa sổ, đưa mắt nhìn những chậu hoa em gái đã chuẩn bị sẵn cho mình. Những chùm quả nhỏ đỏ mọng không biết nên gọi là gì khiến bà thích thú. Ngôi nhà này, chưa bao giờ yên tĩnh, nhưng chắc chắn sẽ giúp bà sớm hồi phục. Bệnh nào cũng có cách chữa trị, chỉ có sự cô đơn mới âm thầm giết chết người ta.