Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy

Chương 22: Ghen


Đọc truyện Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy – Chương 22: Ghen

Thứ bảy – Tháng 2: Xuân, mưa nhẹ thấm đẫm đám cỏ non.

Diệp Anh vui vẻ bước những bước dài lên cầu thang, tay phe phẩy chiếc phong bì. Tiền nhuận bút nhiều hơn cô nghĩ, bộ phim mới phát sóng cũng nhận được phản hồi khá tốt. Mưa lâm thâm, tiết trời cô ghét nhất, vì thế mà đột nhiên trở nên dịu nhẹ, tươi mát trong sắc xanh của chồi non mới nhú.

Gần tới nhà, Diệp Anh sững lại vì nhìn thấy một người đàn ông, theo sau là một người phụ nữ. Cả hai người cô đều đã gặp qua nhưng cô không nghĩ sẽ gặp lại họ, ngay tại đây.

Người đàn ông chỉnh lại cho thẳng chiếc áo sơ mi đang mặc, ôn tồn hỏi:

– Cô với con trai tôi đang sống chung à?

– Dạ?

– Tôi hỏi cô với con trai tôi đang sống chung à mà cô thấy tôi lại lặng người đi như thế.

Diệp Anh bình tĩnh hơn, gấp gáp tiến lại gần.

– À. Cháu xin lỗi. Vì cháu bất ngờ quá. Cháu không nghĩ lại nhìn thấy bác ở đây. Anh Hưng đi làm chắc phải 6h mới về.

– Tôi không đến gặp nó. Thế còn làm gì đấy, cô không mở cửa mà cứ để khách đứng ngoài thế này à?

– Dạ? À vâng…

Diệp Anh lật đật mở cửa rồi tránh qua một bên để khách vào nhà. Người phụ nữ lặng lẽ ngồi xuống ghế. Bà ngẩng đầu nhìn Diệp Anh, mỉm cười. Một vẻ dịu dàng hiếm thấy. Mái tóc đã ngả màu được vấn gọn ghẽ, để lộ chiếc cổ cao. Khuôn mặt không sắc nét nhưng hài hòa. Cử chỉ hết sức nhã nhặn.

Trái lại, người đàn ông khoanh tay trước ngực, đi lại xung quanh, tỉ mỉ xem xét. Dáng điệu này khiến Diệp Anh nhớ lại lần Khải Hưng tới nhà cô, tò mò chạm vào mọi thứ. Ông ta dừng lại khá lâu trước những chậu thủy tiên vàng. Ngón tay miết nhẹ lên cánh hoa. Con ngươi dịch chuyển liên hồi. Giật mình phát hiện Diệp Anh từ lúc nào đã tới bên cạnh, ông quay sang, nhìn cô, nghiêm túc nói:

– Xem ra cô cũng có mặt tốt.

– Nói như thế…là bác từng nghĩ cháu chỉ có điểm xấu thôi ạ?

– Trong bữa ăn cũng không chịu thua một lời. Nói qua nói lại tới độ người đối diện phải đứng dậy bỏ đi. Nhưng bản thân còn điềm tĩnh ngồi lại, ăn đến miếng đậu phụ cuối cùng. Xem ra, nếu nó gặp cô sớm hơn, có lẽ tôi đã không mất đứa con trai này.

– Cháu không biết bác đang chê hay đang khen cháu nữa. Nhưng cháu đoán bác đến đây không chỉ để nói với cháu mấy lời này. Bác ngồi đi ạ. Cháu đi sẽ đi pha trà.

– Thôi khỏi. Tôi định hỏi nhiều chuyện nhưng nhìn cách cô sống tôi có thể đoán ra. Sách, hoa, cô thích sự cổ điển. Đồ đạc từ thứ nhỏ nhất cũng được sắp xếp theo một trật tự nhất định, cô là người nghiêm túc, thậm chí cứng nhắc. Tóm lại, cô gần như là bản sao của tôi khi còn trẻ.

– Nói vậy là bác có cảm tình với cháu.

– Hồi đó, vì sự bướng bỉnh và suy nghĩ chủ quan của mình, ta đã mắc không ít sai lầm, làm tổn thương không ít người.

– Ý bác là cháu sẽ làm tổn thương anh Hưng?

– Ý tôi là sau này cô đừng nên làm tổn thương chính mình. Biết yêu bản thân mình mới có thể yêu thương người khác.

Diệp Anh cảm thấy trong câu nói của ông hình như có ý tứ sâu xa khác nhưng cô không muốn gặng hỏi. Mưa bên ngoài vẫn rơi. Từng hạt, từng hạt nhỏ li ti qua một đêm cũng đủ thấm ướt vạn vật. Thời gian trôi qua, hồi ức chồng chất dần ngấm sâu vào tiềm thức, trở thành nỗi ám ảnh.

Đột nhiên Diệp Anh nghe thấy tiếng ai đó ngoài phòng khách mới giật mình nhớ ra vừa rồi chưa khóa cửa. Cô chạy ra ngoài. Khải Hưng đứng đó, đối diện với người phụ nữ, hai tay siết chặt.

– Tôi nói bà đứng lên và ra khỏi đây! Bà không nghe thấy à?

– Ai phải nghe ai? Đây là nhà của mày à mà to tiếng như thế?

– Cũng đâu phải nhà của mấy người mà có thể tự ý ra vào như thế.

– Hóa ra tự lập được rồi thì bố mẹ lại trở thành “mấy người”. Tao và mẹ mày là khách được chủ mở cửa mời vào. Còn ai vừa tự tiện xông vào, quát tháo chắc mày rõ.

Khải Hưng nhìn Diệp Anh. Ánh mắt này cô từng nhìn qua khi lần đầu tiên người phụ nữ đó tới đây. Các tia đỏ hằn lên, bao lấy con ngươi. Phía đuôi mắt liên tục giật từng hồi.

– Là khách của em. Anh về nhà trước đi. Lát chúng ta nói chuyện.

Ngay lập tức Khải Hưng tiến nhanh về phía người phụ nữ đó. Anh nắm lấy vai bà ta, kéo bà ta đứng dậy. Chiếc áo trên vai khẽ trễ xuống, để lộ một vết sẹo lồi. Người đàn ông đi như chạy, giằng lấy tay Khải Hưng, ủn anh về phía sau. Tay anh sượt qua góc kính sắc nhọn trên mặt bàn. Vết cắt rất sâu.

– Mày muốn làm gì?, người đàn ông gằn giọng.

Diệp Anh muốn lại gần nhưng đã bị ánh mắt Khải Hưng chặn lại. Anh từ từ đứng dậy, cuộn tay trong lượt áo phông, nhìn người phụ nữ, cười nhếch mép.

– Tôi có nên làm ra một vết sẹo nữa ở vai kia của bà cho cân không?

Nói rồi, Khải Hưng bỏ đi. Cánh cửa đóng sầm. Gian phòng rơi vào im lặng.

Mọi người đã ra về. Diệp Anh chăm chú nhìn vệt máu còn dính lại trên tấm kính. Điện thoại đã ấn gọi lại tới chục cuộc nhưng không ai bắt máy. Cô thở dài.

Hai người phụ nữ, tranh giành một người đàn ông, đến cuối cùng, một người đã qua đời, cơn thịnh nộ vẫn kéo dài cho tới thế hệ sau. Người ta thường nói vì yêu nên mới hận nhưng liệu hận thù có thể níu kéo tình yêu hay chỉ khiến những tình cảm còn sót lại vỡ tan thành từng mảnh nhỏ, cứa vào tâm can từng người, để lại vết sẹo, không bao giờ biến mất.

Diệp Anh ấn nút, bài Alone của Kenny G vang lên. Cô nghĩ có lẽ tâm trạng lúc này của Khải Hưng rất giống với giai điệu này.

Thứ bảy – Tháng 2: Mưa dầm dề. Lòng người không khỏi não nề.

Đan Nguyên bước từng bước chậm chạp rồi dừng lại trước cửa khách sạn. Khi cô còn đang lưỡng lự không biết liệu có nên quay về thì trưởng phòng chăm sóc khách hàng, người luôn đóng vai trò chủ trì các bữa tiệc, từ lúc nào đã xuất hiện, hào hứng trước dáng vẻ ngơ ngẩn của Đan Nguyên. Anh vỗ vai cô, cười khoái chí.


– Đẹp phải không? Anh chọn đấy. Bên trong còn tuyệt hơn nhiều. Mau vào đi!

Tiệc kỉ niệm 15 năm thành lập công ty, vì công việc nhiều năm nay thuận lợi, mọi người có chút khoa trương. Không những tổ chức ở khách sạn trung tâm mà đặt món cũng không dè sẻn. Những người tham dự chủ yếu là nhân viên công ty, từ cũ tới mới. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng, hồi tưởng lại những ngày đầu khó khăn khi phải làm việc trong những căn phòng chật hẹp, kém sáng.

Tổng giám đốc mới tới đã say sưa, lảo đảo bước lên trước, nâng li, đọc lại vài câu đã được thư kí ghi sẵn ra một tờ giấy nhỏ. Cuối cùng, ông ta xoa nhẹ vào chiếc bụng bự, nói:

– Nói nhiều rồi, tóm lại, tôi mong chúng ta đủ sức khỏe và còn giữ lại thân tình để lại tiếp tục gặp nhau trong những bữa tiệc khác. Kỉ niệm 20, 30…năm của công ty.

Tiếng vỗ tay tan dần. Mọi người tách thành từng nhóm nhỏ, rôm rả trò chuyện. Đan Nguyên lánh vào một góc, đưa mắt tìm kiếm. Quốc Dũng và Tổng giám đốc từ lúc nào đã rời khỏi bữa tiệc. Đan Nguyên thở dài, tu cạn li rượu champagne trên tay. Khi cô định rót thêm, một giọng nói cất lên khiến cô giật mình.

– Đúng là cô uống rất được.

Quốc Dũng tiến một bước dài từ phía sau để tới đứng đối diện với Đan Nguyên.

– Nếu để Tổng giám đốc nhìn thấy cảnh này, nhất định sẽ để cô bên cạnh, tiệc nào cũng dẫn cô theo.

Đan Nguyên đặt lại chai rượu về vị trí cũ, mỉm cười.

– Giám đốc đã đưa ông ấy đi đâu rồi?

– Về với vợ ông ấy. Tổng giám đốc không biết đã uống bao nhiêu mà say đến độ khi vợ gọi điện lại gọi tên hàng loạt các cô gái khác.

– Uống tốt bao nhiêu cũng không thắng được tuổi tác.

– Thực ra ông ấy rất biết chừng mực. Nhưng vì cuộc sống lúc tỉnh táo đôi khi quá sức nên ông ấy mới muốn say tới độ mất hết tâm trí như vậy.

Đan Nguyên dùng ánh mắt ngạc nhiên nhìn Quốc Dũng.

– Suốt đời vất vả làm việc, ông ấy tích góp cho con đi du học. Không ngờ đi rồi, anh ta không học được nhiều, chỉ biết nghiện ngập. Trở về được vài năm thì sốc thuốc qua đời. Gia sản giờ chủ yếu được tiêu vào việc mua sắm của bà vợ và rượu của ông ấy.

Quốc dũng thở dài, đặt li rượu xuống bàn.

– Tóc chuyển màu rồi mà tôi chưa từng thấy ông ấy cười một lần khi tỉnh rượu.

Đan Nguyên liếc nhìn Quốc Dũng, từng bước lặng lẽ tiến lại gần. Hai bàn tay chỉ cách nhau một khoảng hẹp nhưng không cách gì nắm lấy. Đan Nguyên cúi xuống, gót giầy khẽ di trên nền gạch.

Đột nhiên, anh chàng gà rán xuất hiện. Vài bước chân, anh ta nhanh nhẹn tiến tới đứng trước mặt Đan Nguyên.

– Sao anh lại ở đây?

– Anh đến gặp khách hàng.

Anh ta quay sang Quốc Dũng, mỉm cười.

– Bữa tiệc thế nào? Với mức giá hữu nghị đó mà được thế này, anh cũng nên cám ơn em một tiếng chứ?

– Anh giới thiệu khách tới khách sạn chú đặt tiệc không ít. Mấy tiếng cám ơn ấy anh chưa nghe chú nói bao giờ.

– Đúng là, không chịu thiệt một lời.

Nhìn thấy gương mặt Đan Nguyên lộ vẻ ngạc nhiên, Quốc Dũng giải thích.

– Đây là Tiệp. Trước đây từng hợp tác làm ăn nên thân thiết. Đây là…

– Đan Nguyên. Nếu tính thời gian, chắc chắn em biết cô ấy rõ hơn anh.

Giờ tới lượt Quốc Dũng sửng sốt.

– Hai người biết nhau?

– Vâng. Hồi nhỏ em và anh ấy sống gần nhau.

– Ra vậy, giọng Quốc Dũng trầm xuống.

Đan Nguyên nhanh chóng rời khỏi, tham gia vào một nhóm phụ nữ túm tụm ở cuối phòng. Anh chàng gà rán đưa mắt nhìn xung quanh, chú tâm vào những người đàn ông trẻ tuổi có hình thức ưa nhìn.

– Nhân viên của anh đều ở cả đây chứ?

– Đúng. Cậu muốn tìm ai?

– Em cũng không chắc. Một người đàn ông hấp dẫn.

Quốc Dũng nhìn anh ta, lông mày khẽ nhếch lên.

– Lâu lắm không gặp, cậu có chuyện gì sao?

Anh ta phẩy tay, cười trừ.

– Em chẳng sao cả. Rất bình thường. Chính vì bình thường nên em đang tìm một người đàn ông trẻ trung, hấp dẫn, vui vẻ và thân thiện. Tóm lại, một người trong công ty anh nhưng có sức hút hơn em.


– Cậu muốn làm gì?

– Người em đang theo đuổi đang thích một người trong số nhân viên của anh. Em đoán vậy.

– Vậy cậu phải hỏi thẳng cô ấy sao lại ở đây soi xét nhân viên của tôi. Không thể biết được tâm ý của phụ nữ chỉ bằng cách nhìn đâu.

Anh ta nghe được câu này bèn quay sang nhìn Quốc Dũng, vỗ mạnh vào vai anh.

– Phải rồi. Anh là sếp, lại rất tinh tường. Em hỏi anh là nhanh nhất.

– Cậu đâu biết cô ấy, làm sao biết người cô ấy thích?

– Anh biết. Chắc chắn biết. Người em đang theo đuổi chính là Đan Nguyên. Anh nói xem, ở công ty, cô ấy có biểu hiện khác lạ với ai không.

Quốc Dũng đưa tay về sau để giấu đi vẻ hồi hộp. Các ngón tay anh khẽ rung lên. Anh đưa mắt nhìn về phía Đan Nguyên.

– Cô ấy là người biết suy nghĩ, chắc chắn sẽ có sự cân nhắc. Ai đi nữa, chú cứ chờ đi.

Đan Nguyên thấy Quốc Dũng nhìn mình bèn quay lại. Cô nhanh chóng chìm sâu vào đôi mắt đó. Khóe môi rung động. Gò má ửng đỏ. Tất cả như thước phim được anh chàng gà rán quay lại.

– Anh nói đúng, anh ta từ tốn trả lời.

Tàn tiệc, anh chàng gà rán còn rủ Đan Nguyên và Quốc Dũng tới một quán nhậu nhỏ để tiếp tục cuộc vui. Vừa tới nơi, chưa cười được bao nhiêu, anh ta và Quốc Dũng đã thay nhau rót rượu. Vơi lại đầy, họ yên lặng uống cạn chén mà không nói một lời. Đan Nguyên ngồi đối diện, nhấm nháp miếng dưa chuột, càng lúc càng cảm thấy kì lạ. Nhưng cô chưa kịp hiểu ra có chuyện gì, hai người đã cùng lúc đổ gục xuống mặt bàn, cơ thể dần mềm nhũn.

Lát sau, Diệp Anh xuất hiện ở ngưỡng cửa, nhướn mày nhìn Đan Nguyên.

– Mình đang chờ điện thoại. Chạy đến vấp ngã, đập đầu vào tường. Thế mà hóa ra là của cậu.

– Ở đây gần nhà cậu. Mình một mình giữa đêm hôm thế này. Làm thế nào được.

– Gã này ở đầu thành phố. Gã này ở cuối thành phố. Nhà mình ở giữa. Vậy đưa về nhà mình là tốt nhất. Giờ mà dìu ra tới chỗ bắt được taxi thì mình cũng lịm đi rồi chứ chẳng nói gì bọn họ.

– Nhưng đưa hai người đàn ông say xỉn về nhà cậu. Lại chỉ có hai chúng ta. Có tiện không?

– Có gì không tiện? Sớm muộn gì cậu cũng phải quyết định kết hôn với một trong hai người này. Tiện thể đêm nay nhìn cho kĩ, tưởng tượng cho nhiều, suy nghĩ cho chín chắn xem ai mới xứng đáng.

– Lúc này rồi cậu còn đùa.

– Thôi. Về thôi. Mình nói hôm nay cậu ngủ lại nhà mình. Chắc mẹ cậu sắp gọi lại xem cậu đã đi vệ sinh xong chưa đấy.

Diệp Anh và Đan Nguyên xiêu vẹo đỡ lấy hai cơ thể không còn tỉnh táo. Mùi rượu nồng nặc. Diệp Anh thực sự chỉ muốn dừng lại, trói bọn họ vào đâu đó rồi về nhà, ngủ một giấc. Nhưng nghĩ đến cô bạn thân gần qua tuổi kết hôn, bèn gắng sức đưa họ về nhà, cả đêm co ro trên chiếc ghế sofa chật hẹp.

Vừa sáng đã nghe tiếng la hét. Hai người đàn ông thức dậy trong một căn nhà lạ hoắc, nhìn nhau sửng sốt. Sau khi nghe Đan Nguyên ngần ngại giải thích, họ vuốt mặt, thở dài, không dám nhìn thẳng vào mặt cô, cám ơn Diệp Anh rồi ào ra khỏi cửa.

Diệp Anh bước ra ngoài, hai người theo sau, sững lại trước ánh mắt của Khải Hưng.

– Diệp Anh!

– Đừng nói to! Hôm qua em mệt mỏi cả đêm, không có sức cãi nhau với anh đâu.

Diệp Anh ra hiệu cho hai người đàn ông đó rời đi.

– Anh hỏi em mấy người đấy là ai?

– Từ từ hẵng hỏi em. Trả lời em trước đã. Hồng Trang là ai?

– Ai…là…hộ lí ở khoa anh.

– Đêm qua anh cũng phải làm việc sao?

– Ý em là gì?

– Em gọi đến lần thứ 15 thì có một phụ nữ nghe máy và hỏi em là ai. Em xưng tên và nói em là bạn gái anh. Cô ta liền gào lên trong điện thoại…

– Chuyện đó…Hôm qua, mấy đồng nghiệp ở khoa anh tổ chức ăn nhậu trước đám cưới của một người. Cô ấy cũng tham gia. Không có gì cả…chỉ là…

– Cô ấy nói anh say rồi hỏi mấy người ở đó có biết bộ phim truyền hình chết tiệt đang chiếu trên tivi không. Họ bảo có xem thì anh bảo chính cái bộ phim chết tiệt đấy đã khiến em bỏ bê anh. Lúc anh đến nhà rủ em đi chơi thì em lại tiếp những kẻ chết tiệt khác. Anh gào lên cuộc đời là một thứ chết tiệt, rồi gục xuống.

– Còn gì nữa…

– Cô ấy hỏi em có đúng là người viết kịch bản bộ phim đó không. Em bảo đúng. Cô ấy cười phá lên thích thú. Bảo em thật có tài. Cô ấy rất thích em. Hôm nào rủ em cùng đi ăn với mấy cô hô lí khác cũng thích xem phim của em.

– À…

– Em cũng muốn gặp cô ấy. Xem cô ấy như thế nào mà anh có vẻ thân thiết như vậy. Khi cô ấy nói: “Anh bỏ ra!” thì anh trả lời: “Anh không bỏ!”


– Chuyện đó…Còn em thì sao? Hai gã vừa rồi là ai?

– 2 lần cãi nhau, mỗi lần anh ở bên cạnh một cô gái khác.

– Thế nên em một lần mới ở cạnh 2 người đàn ông.

– Nam nữ bình quyền. Hay anh muốn em ở với nhiều hơn để phòng trường hợp chúng ta lại cãi nhau những lần khác.

Diệp Anh quay lưng định bỏ vào nhà.

– Chúng ta nói chuyện đã. Em không thể cứ thế mà bỏ vào nhà được.

– Mỗi lần cãi nhau, người bỏ đi lúc nào cũng là anh. Anh vui vẻ rồi lại quay lại. Nhưng em nói để anh biết, không phải em lúc nào cũng ở đây đâu.

Khải Hưng ngồi xuống bậc thang, thở dài.

– Chúng ta không cãi nhau được không? Tâm trạng anh không được tốt.

Diệp Anh tiến lại gần, đặt tay lên vai Khải Hưng.

– Chính vì không muốn cãi nhau nên em mới vào nhà. Anh về ngủ một giấc đi. Chuyện gì đều có thể nói sau.

– Rút cục 2 gã đó là ai?

Diệp Anh nhướn mày nhìn Khải Hưng, mỉm cười.

– Một người là Giám đốc, một người là chủ khách sạn. 2 người đều đang theo đuổi bạn em. Em có muốn cũng không được. Anh không tin thì cô ấy đang ở trong nhà kìa. Đâu phải mình em ở cạnh họ đêm qua. Nếu anh ở nhà em đã có thể đưa họ qua nhà anh rồi.

– Nói cũng phải.

– Vậy mới nói. Đừng để chuyện xảy ra rồi mới tức giận, phải ở cạnh rồi bảo vệ thứ là của mình mới được.

Hai người nhìn nhau, phá lên cười. Bộ dạng lúc này của họ thật luộm thuộm và nhếch nhác. Nhưng có lẽ đó lần đối thoại thoải mái và vui vẻ nhất giữa họ trong vài tháng nay.

Trong nhà, Đan Nguyên khép lại cánh cửa sau khi nghe thấy tiếng cười. Vốn định chạy ra giải thích khi nghe thấy tiếng cãi cọ, nhưng xem ra rắc rối lúc này lại chính là cô. Cô còn nhớ rất rõ từng tiếng gọi của Quốc Dũng đêm qua. Chất giọng khản đặc, thều thào. Cô đứng bên cạnh, nhìn hai người đàn ông trong ánh đèn bàn, tâm trạng càng thêm rối bời.

Thứ ba – Tháng 2: Mưa dai dẳng.

Lạnh. Đường phố vắng vẻ. Mưa dai dẳng. Linh An đột nhiên cảm thấy trong lòng trống trải. Cô để chiếc ô đẫm nước vào góc tường rồi tiến lại chỗ ngồi của Nhật Minh. Hình xăm trên cánh tay đã được chiếc áo sơ mi là lượt che mất. Những ngón tay to bản từng siết chặt nắm đấm để dạy cho gã bếu bệu háo sắc một bài học giờ đang cố thắt những chiếc nơ nhỏ xíu lên tai vài con thỏ bông trước mặt.

Linh An đặt lên bàn một hộp nhựa nhiều ngăn màu đỏ nhạt.

– Gì đấy?

– Quà cho trò chơi chiều nay.

Nhật Minh chỉ vào chiếc hộp nhựa trước mặt.

– Thế còn cái gì đây?

– Có một phụ nữ nhờ tôi đem vào cho anh.

Nhật Minh nhìn chiếc hộp, im lặng.

– Anh đặt cơm hộp à?

– Bà ấy là mẹ tôi.

– Mẹ anh? Sao đột nhiên bà lại đem cơm trưa tới tận đây?

– Vì hôm nay là sinh nhật tôi.

Linh An liếc nhìn Nhật Minh. Cô thu hết những dải dây màu về phía mình rồi nói:

– Tôi ăn rồi. Chỗ này tôi làm hộ anh. Anh ăn đi.

Nhật Minh nhìn hộp cơm hồi lâu mới mở ra. Bên trong là cơm và cà ri, còn có thêm salad và hoa quả được cắt thành từng miếng nhỏ. Nhật Minh vốn là người ít nói nhưng khi vừa nếm thử thìa đầu tiên, anh đột nhiên mở lời.

– Khi còn nhỏ, mỗi lần sinh nhật, tôi luôn muốn được ở nhà ăn món cà ri do mẹ tôi nấu. Nhưng nội tôi nhất định phải mời khách tới nhà hàng. Những người ôm tôi, tặng quà cho tôi và nói chúc tôi sinh nhật vui vẻ, tôi đều chưa từng gặp mặt.

Linh An dừng lại trong giây lát, liếc nhìn Nhật Minh. Cô chưa từng nghĩ người đàn ông phóng bạt mạng trên con đường đông nghẹt xe lại có lúc trở nên nhạy cảm như vậy.

Sinh nhật 4 năm mới có một lần, có lẽ lần này là vui vẻ nhất đối với Nhật Minh.

Nhật Minh vì thế mà có tâm trạng thoải mái tới tận cuối cùng, dù bên ngoài, mưa dai dẳng bắt đầu khiến người ta thấy nhớ những ngày nắng ấm.

Biết Linh An được nghỉ một buổi ở nhà hàng, Nhật Minh sẵn lòng đưa cô về trên chiếc xe đen sẫm không thôi gầm gừ. Tới ngã tư, chiếc xe giảm tốc độ rồi dừng hẳn. Suốt quãng đường còn lại, Nhật Minh phải dắt bộ. Anh nheo mắt, nhìn Linh An.

– Thậm chí đi ở tốc độ bình thường cũng khiến tôi chóng mặt. Thế mà cô lại bắt tôi dắt bộ thế này.

– Phố nhà tôi rất yên tĩnh, anh không thể phóng ầm ầm, thu hút sự chú ý được.

Khi hai người gần về tới nhà Linh An, đột nhiên nghe thấy tiếng cãi vã, âm ỹ cả một góc đường.

– Sao cô bảo phố nhà cô rất yên tĩnh?

– Bình thường là thế…

Linh An giật mình nhận ra bố mẹ và chị họ mình trong đám đông. Cô hớt hải chạy lại. Nhật Minh gấp gáp theo sau.

– Cô đã làm gì mà mẹ tôi lại để căn nhà đấy cho cô?


– Tôi làm những việc mà các chị không làm.

Hai người phụ nữ lạ mặt lao vào chị họ của Linh An, vừa la hét, vừa giằng co. Bố mẹ Linh An cố gắng kéo họ về hai phía, can ngăn.

– Có gì mọi người vào nhà uống nước nói chuyện, ai lại đánh nhau giữa đường giữa phố thế này.

– Tôi không có gì phải uống nước nói chuyện với con ranh này!

Hai người đàn ông khác, từ phía sau tiến lại gần, ánh mắt gườm gườm. Lúc này, Linh An và Nhật Minh đã tới nơi. Linh An níu tay mẹ và chị, thì thầm.

– Có chuyện gì vậy mẹ?

Mẹ cô gạt về sau vài sợi tóc lòa xòa rồi quay sang, nói:

– Không có gì. Linh An, Linh Nhi, hai đứa vào nhà trước đi.

Hai người đàn ông nhanh chóng tiến lên trước giữ tay Linh An và chị họ của cô lại. Hai người phụ nữ kia gằn giọng.

– Chưa nói xong thì chưa đi đâu hết!

Cứ thế, lời qua tiếng lại cuối cùng biến thành ẩu đả. Hai người đàn ông ủn bố Linh An ngã xuống đất. Nhật Minh nhanh chóng chạy lại, bẻ tay họ ra sau. Hai người phụ nữ trung niên nhìn thấy vậy, vẫn chưa thôi ghê gớm, lao vào Linh An và chị họ cô. Giầy đã cởi ra, nấm đấm cũng giơ lên, trên nền đất còn ướt nhẹp bởi mưa, họ lăn qua lăn lại.

Đột nhiên, mẹ Linh An xuất hiện ở ngưỡng cửa. Một phụ nữ nhỏ bé, đậm nét truyền thống, đang cầm trên tay một con dao to bản. Bà hét lên rồi chặt những nhát dao dứt khoát vào cánh cửa sắt.

– Trong mấy người, ai muốn thử!

Lông mày bà nhướn lên. Mạch máu trên cổ và mặt đều nổi rõ.

Là một nghệ sĩ piano nổi tiếng và một giảng viên được nhiều người nể trọng, ít ai biết rằng trong đời bà cũng có những lúc gập ghềnh. Để mưu sinh, một thời gian trước, bà phải buôn bán vải ở chợ. Bươn trải giữa cuộc sống xô bồ giúp bà hiểu nếu không tự bảo vệ bản thân thì không có cách nào sống sót.

Con phố nhỏ trong chốc lát đã trở lại yên tĩnh. Bên ngoài tối đen. Bên trong hai bóng điện sáng trưng chiếu thẳng vào cô gái đang e dè nhìn chăm chăm xuống sàn nhà.

– Linh Nhi.

Chị họ của Linh An vừa nghe gọi đến tên, hai tay đã siết chặt lấy nhau.

– Dì, để từ từ cháu nói. Bọn họ là 2 chị chồng của cháu. Mẹ chồng cháu khi mất để lại cho cháu căn nhà lúc trước bà ở. Họ ghen tức nên gây chuyện với cháu. Chồng cháu đi công tác hai tuần nữa mới về, cháu lánh qua đây ở tạm, không ngờ, họ theo tới tận đây.

– Trả lại cho họ.

– Dạ?

– Nếu không phải cháu giả bộ chăm sóc mẹ chồng trước lúc bà ấy qua đời thì bà ấy có cho cháu căn nhà đó không? Tấm lòng là giả, vì thế trả lại đi. Dì biết, chồng cháu không phóng khoáng trong chuyện chi tiêu nhưng là do anh ta phải đi lên từ hai bàn tay trắng. Đồ hiệu cháu mặc, mĩ phẩm cháu xài, nhà hàng cháu đến, cháu đâu có tiêu xài ít tiền. Căn nhà đó chẳng qua chỉ thêm vài số lẻ vào tài khoản ngân hàng của cháu. Còn họ, nhìn cách ăn mặc dì đoán, họ chẳng dư dật gì. Nhân dịp này, làm chút gì tích đức đi. Cháu đi chưa hết nửa cuộc đời, chuyện gì phía trước không tính được đâu.

– Dì!

– Dì nói đến đấy thôi. Nếu cháu còn biết đến bố mẹ, họ hàng thì phải biết cư xử thế nào cho hợp lí.

Bà quay sang nhìn Nhật Minh đang đứng ở lối vào, từ tốn.

– Linh An nói hai đứa làm cùng chỗ. Hôm nay cám ơn cậu. Muộn rồi, bên ngoài lại mưa to, tôi nghĩ tốt nhất cậu nên ngủ ở đây đêm nay.

Nhật Minh nhún nhường trước người phụ nữ nhỏ bé. Trong mắt bà, luôn có thần thái, rất uy nghiêm.

– Linh Nhi, cháu với Linh An ngủ với dì ở phòng của chú dì.

Bà quay sang nói với chồng.

– Còn ông với cậu ấy ngủ trong phòng Linh An.

Bà vửa dứt lời, tất cả lập tức ai về phòng nấy.

Đèn còn chưa tắt, bố Linh An vừa đặt lưng xuống giường đã nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Ông thỉnh thoảng cựa mình, làm xô lệch chiếc chăn mỏng, để lộ chiếc bụng béo tròn. Nhật Minh không thể chợp mắt. Anh cảm thấy chóng mặt vì căn phòng lạ. Một không gian nhỏ chứa đủ những thứ đồ linh tinh. Cặp tóc, bờm, thậm chí khuy áo cũng được gom lại, chất kín bốn góc. Chưa tính đến giầy dép, quần áo và túi xách. Nhật Minh lắc đầu, cố gắng chợp mắt. Trước khi ngủ thiếp đi, thứ cuối cùng anh nhìn thấy là một bộ váy lấp lánh, xung quanh đính các hạt nhỏ như vảy cá. Anh thở hắt ra.

Sáng sớm, Nhật Minh cựa mình thức giấc vì những âm thanh ồn ào không biết từ đâu phát ra. Anh bật dậy, nhìn quanh, chợt nhớ ra mình đang ở đâu. Anh gấp gọn chăn, xuống khỏi giường, mở cửa, tiến về phía cầu thang. Anh nheo mắt nhìn Linh An đang chơi đùa với một con mèo trắng lông xù. Cô cố giữ nó nằm ngửa rồi vuốt lên lớp lông trên bụng nó. Con vật đáng thương tỏ vẻ khó chịu, rên lên gừ gừ. Mẹ Linh An tiến lại, vỗ nhẹ vào vai cô, ra hiệu Nhật Minh đã thức dậy. Cô lập tức buông tay. Con mèo nhanh chóng lỉnh ra sau, cuộn tròn trên một chiếc gối rách ở gầm cầu thang.

Nhà Linh An thường xuyên có người từ quê lên chơi, vì thế vật dụng cá nhân dành cho khách luôn chuẩn bị chu đáo. Sau khi dẫn Nhật Minh vào phòng tắm và hướng dẫn cụ thể, Linh An ngồi vào một trong hai chỗ trống còn lại bên bàn ăn, yên lặng chờ.

Bản đủ chỗ, bố Linh An bày lên bánh mì nướng, patê, mứt và sinh tố. Tất cả đều do ông tự làm.

– Linh Nhi, lát cháu làm gì?

Chị họ của Linh An trả lời một cách dè chừng.

– Cháu có hẹn đi sửa móng và làm tóc.

– Tốt. Vậy bảo họ cắt móng và nhuộm lại tóc thành màu đen đi.

– Dạ?

– Mai dì dẫn cháu qua chỗ người quen xin việc. Chồng cháu đi lên từ hai bàn tay trắng nhưng xã hội bây giờ, không biết lúc nào lại trở về trắng tay. Tới lúc ấy, cháu muốn bỏ anh ta, dì không cản được nhưng ít nhất cháu cũng phải tự nuôi sống được bản thân mình.

Bà quay sang nhìn Linh An khiến cô chột dạ.

– Còn con, nhìn thấy người nhà bị đánh bênh vực là đúng. Nhưng không thể rút giầy nện vào đầu người khác như đóng đinh thế được.

Nhật Minh bật cười nghĩ tới hình ảnh mẹ Linh An lăm lăm con dao trong tay. Mọi người quay lại, ngạc nhiên nhìn anh. Anh lặng lẽ cúi xuống, phết mứt vào bánh mì.

Bữa sáng xong xuôi, bố Linh An kéo Nhật Minh vào một góc, đưa cho anh một bịch nhỏ, là ruốc nấm ông tự làm rất thơm ngon. Trong lúc đó, mẹ Linh An nhìn chằm chằm vào xe của Nhật Minh, dặn Linh An phải bám cho chắc. Linh Nhi bên cạnh thì thầm, nhắc Linh An nhớ về sớm vì tâm trạng cô không tốt, muốn đi mua sắm.

Ba người đứng ở cửa. Chiếc xe đen ngòm phóng vèo đi trong chốc lát. Nhật Minh chưa từng thiếu thứ gì, nhưng hôm nay, anh thực sự cảm thấy ghen tị với Linh An. Có thể sống trong một gia đình bình thường, bị mắng mỏ, cãi vã, là may mắn không phải ai cũng có được.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.