Đọc truyện Chúng Tôi Đã Thay Đổi Như Thế Đấy – Chương 14: Hôn
Chủ nhật – Tháng 5: Buổi sáng giải nhiệt bằng một cơn mưa đêm.
Thay vì thức để ăn, Diệp Anh đành lên giường ngủ một giấc để quên đi cảm giác đói. Cô lơ mơ rồi từ từ chìm sâu vào vô thức.
Cơn ác mộng đó lại xuất hiện.
Một cánh tay đẩy cô ra. Cô sợ hãi quay đầu nhìn lại. Từ phía sau, một chiếc xe tải lao đến. Người phụ nữ trong thoáng chốc đã nằm đó. Một vệt máu dài kéo lê trên mặt đường. Bà nhìn về phía cô. Cô lập cập chạy lại, ngồi xuống. Vẻ mặt tái xám, hơi thở khó khăn, bà đặt tay cô lên bụng mình. Bàn tay nhỏ không đủ bịt kín vết thương, máu vẫn ộc ra.
Lúc đó cô 7 tuổi.
Diệp Anh bật dậy. Mồ hôi đầm đìa lưng áo. Cô hớt hải quay đầu, nhìn khắp lượt căn phòng tối. Khóe miệng khẽ nhếch lên, thở dài. Cứ mỗi khi cô coi những hình ảnh đó là giấc mơ, chúng lại xuất hiện và chứng minh điều ngược lại.
Cô xuống khỏi giường, mở cửa, bước ra ngoài ban công. Mưa, ào ạt. Tầm nhìn bị dòng nước trút xuống che kín. Ánh sáng duy nhất phát ra từ bóng điện nhà Khải Hưng, yếu ớt. Cô nâng tay ngang tầm mắt, chà xát. Những vệt xước dài ửng đỏ. Vết bẩn đó rút cục bám dính tới cỡ nào mà cô phải cố sức như vậy, Khải Hưng lùi về sau, chau mày tò mò.
Mưa ngớt. Diệp Anh thả lỏng, nằm dài trên nền đất ướt. Gió lạnh khiến cô sảng khoái. Cô ngẩng đầu, chăm chú nhìn lên trên. Khải Hưng nhìn theo. Một bầu trời trống rỗng, tối đen.
Anh lặng lẽ tháo găng tay, quay vào nhà, trong lòng nghĩ không chỉ có diễn viên mà nhà biên kịch cũng thật khó khăn khi phải nhập tâm vào nhân vật.
Mưa tạnh. Tia sáng đầu tiên cũng bắt đầu xuất hiện.
Sáng hôm sau, Khải Hưng quay lại với công việc dang dở đêm qua. Anh giật mình nhìn thấy Diệp Anh đang thảnh thơi tưới cây. Cô cũng nhìn thấy anh, nhướn mày.
– Lần đầu anh nhìn thấy tôi tưới cây à, sao phải giật mình?
Nhớ đến cảnh tượng tối qua, anh bất giác nhìn Diệp Anh, chằm chằm.
– Sao? Anh lại có gì muốn nhờ tôi à?
Khải Hưng không trả lời. Ánh nhìn vô tình lướt trên người Diệp Anh, từ đầu tới chân.
– Này! Tôi đang hỏi anh đấy, Diệp Anh lớn giọng.
Khải Hưng giật mình.
– Gì?
– Tôi đang hỏi sao anh nhìn tôi? Anh lại có gì muốn nhờ tôi à?
– Hả? À! Đúng! Có việc tôi cần cô giúp đấy.
– Việc kia hả?
Diệp Anh tiến lại gần khung sắt ngăn cách giữa ban công hai nhà, chỉ vào những miếng gỗ để ngổn ngang dưới nền đất.
– Anh định làm gì với đống gỗ này?
– Biến ban công nhà tôi thành vườn.
– Nghe hay đấy. Nhưng tôi thì giúp được gì?
– Cô sang đây đi. Tôi sẽ chỉ cho cô.
Diệp Anh suy xét trong giây lát rồi bê sang một chậu cẩm tú cầu.
Diệp Anh bước ra ban công nhà Khải Hưng, vội vã tiến lại gần một chiếc ghế dài đặt ở góc. Cô sờ lên lượt gỗ vừa được quét sơn trắng rồi từ từ ngồi lên.
– Anh đóng cái này sao?
– Tất nhiên. Làm mấy đồ này là sở thích của tôi.
– Hóa ra anh cũng có thú vui khác ngoài phụ nữ.
– Đồ gỗ có thể đóng theo ý mình. Cũng như cô thích trồng cây, thích uốn thích tỉa thậm chí ép nở hoa theo ý cô. Còn phụ nữ đâu có được như thế.
Diệp Anh gật gù ra điều đồng ý. Cô bỏ cả hai chân lên ghế, vẻ mặt rất khoan khoái.
– Cây cẩm tú cầu này cho anh. Miễn là khi nào thích, anh có thể cho tôi qua đây chơi.
– Xem cô làm việc thế nào đã. Lại đây, giữ giúp tôi cái này.
Khải Hưng đeo găng tay vào và đưa cho Diệp Anh một đôi khác.Khải Hưng cầm búa, khom lưng, chỉ cho Diệp Anh giữ lấy tấm gỗ đang đặt thăng bằng trên một chiếc bàn lớn.
– Dừng lại! Anh để tay nhích qua bên kia! Như thế này búa sẽ đóng vào tay chứ không phải vào đinh đâu.
– Tôi đã làm việc này hàng trăm lần rồi và chưa khi nào bị thương cả!
Chưa nói dứt câu, chiếc búa đã thực sự giáng xuống đầu ngón tay Khải Hưng, đau điếng. Diệp Anh nhướn mày nhìn anh. Khải Hưng ngồi thụp xuống, hai tay siết chặt vào nhau, liếc nhìn cô.
Họ cứ như vậy ăn qua quít và làm việc trong tiếng cãi vã cho tới khi mặt trời tắt dần. Khu vườn trong thoáng chốc đã hoàn thành. Khải Hưng và Diệp Anh thở phào, buông tay ngồi xuống chiếc ghế dài. Khải Hưng tháo găng đưa cho Diệp Anh một lon bia. Hai người mở ra, khoan khoái uống.
Diệp Anh đưa mắt một lượt. Một chiếc giàn gỗ bao quanh được dựng lên, chỉ chờ được phủ kín bằng một loại cây leo nào đó. Diệp Anh đứng lên, di chuyển chậu cẩm tú cầu qua phải rồi qua trái, ngẫm nghĩ.
– Tôi nghĩ chỗ này nên trồng hoa hồng leo.
Diệp Anh hào hứng chỉ chỗ này chỗ kia như thể đang tưởng tượng ra đầy đủ toàn cảnh khu vườn sau này. Khải Hưng yên lặng nhìn cô. Dấu tích của đêm qua vẫn không thể che giấu trên mui bàn tay. Nhưng mọi thứ dường như, bằng cách nào đó, đã biến mất, chỉ sau một đêm.
Khải Hưng từ lúc nào đã tiến đến phía sau Diệp Anh. Ở khoảng cách này, anh mới nhận ra xung quanh mình chưa từng có người thấp bé tới vậy. Bố mẹ Diệp Anh luôn đổ lỗi cho việc cô ngại uống sữa và lười vận động nhưng không ai chấp nhận rằng chính cấu trúc gen cô thừa hưởng đã bác bỏ mọi nỗ lực, mặc định từ đầu dáng dấp này ở cô.
Con ngươi màu nâu nhạt lộ rõ dưới ánh sáng chói, linh hoạt đưa đi đưa lại. Diệp Anh hào hứng với cuộc đối thoại của riêng mình. Vành tai ửng đỏ, giật nhẹ. Biểu hiện này, cô thường giấu kín sau lượt tóc dày, lúc trước vô tình vén qua bên.
Khải Hưng đột nhiên đưa tay quàng qua cổ Diệp Anh, ghì sát, thu hẹp dần khoảng cách giữa hai người. Bờ môi anh mở ra, hôn nhẹ lên vành tai cô. Hơi thở lạ phả vào da mặt khiến cô giật mình. Sau phút bối rối, trong lòng cô thoáng có ý cười. Cuối cùng cô đã biết được Khải Hưng dùng chiêu thức gì để có được tình cảm anh từng thiếu hụt.
Chủ nhật – Tháng 5: Mưa tạnh. Đường phố trở nên khô ráo.
Đan Nguyên gọi cửa nhưng không có ai trả lời. Cửa để mở. Trong nhà tối om. Đột nhiên Đan Nguyên nghe thấy tiếng la hét phát ra từ phía sân sau. Cô thận trọng tiến lại gần. Khoảng 10 đứa trẻ đang lăn lộn trên nền đất ẩm ướt để giành nhau một quả bóng. Trong số đó cô có thể nhận ngay ra cu Bin, đứa trẻ hăng hái nhất.
– Bin! Con không định lên học hay sao mà còn làm gì ở đây.
Thằng bé nhìn thấy Đan Nguyên thì lập tức giật áo cậu bé bên cạnh.
– Cậu về đi! Lúc nãy mẹ cậu gọi điện nói nếu 5 phút nữa cậu không về mẹ cậu sẽ cho cậu ăn đòn đấy!
Cậu bé kia bật dậy, mặt mày tái mét, dáng điệu luống cuống.
– Sao cậu không nói với tớ từ nãy?
– Tớ nói thì ai làm thủ môn cho tớ.
Thằng bé hớt hải chạy ra phía cửa. Lúc này, cu Bin mới quay về phía Đan Nguyên nói:
– Hôm nay mất điện, mình nghỉ cô ơi!
– Sao con không gọi điện cho cô?
– Con gọi điện cho cô thì ai làm thủ môn cho con.
– Gì hả?
Nói rồi, thằng bé kéo tay Đan Nguyên tới đứng giữa 2 chiếc giầy được dùng để đánh dấu vị trí cầu môn.
– Cô cứ đứng đây. Nếu có đứa nào dẫn bóng lại gần cô cứ ủn ngã nó hoặc dùng tay giằng lấy bóng là được.
– Cô từng xem đá bóng. Người ta đâu có chơi theo luật này.
– Ở nhà con nên phải chơi theo luật của con.
Cu Bin vừa dứt lời, bọn trẻ lại lao vào nhau, nằm nhoài ra đất và dùng tay để giằng lấy quả bóng đang kẹp giữa hai chân của đối thủ. Bùn ướt nhớp nháp khắp nơi, dính cả lên quần áo và mặt mày bọn trẻ. Chúng dường như chẳng quan tâm đến. Chúng la hét, giằng co, cười khanh khách.
Khi còn nhỏ, Đan Nguyên từng sống trong một xóm trọ. Mỗi ngày mưa lầy lội, người lớn đều cau mày đi lại khó khăn với đôi ủng cao, nặng nề. Nhưng lũ trẻ trong xóm thì khác, chúng coi đây là dịp để chơi trận giả, chơi trò đuổi bắt. Chúng lăn dưới bùn, lấy bùn ném vào nhau. Khi các bạn hàng xóm chơi đùa vui vẻ như vậy, Đan Nguyên chỉ biết yên lặng đứng nhìn. Mẹ cô chưa từng cho cô tham gia vào những trò chơi đó. Mẹ cô thường nói là do chúng không có việc gì làm nên mới chơi mấy trò vô bổ đó, còn cô thay vì thèm muốn được vũng vẫy trong lớp bùn bẩn và hôi tanh, hãy chú tâm vào học.
Giờ Đan Nguyên như trở lại khi ấy và có được những kí ức tuổi thơ mà cô từng bỏ lỡ. Một thằng bé đột nhiên dùng tay ném quả bóng về phía Đan Nguyên, chảy một vệt bùn dài trên chiếc áo trắng cô mới mặc lần đầu. Nó nhìn cô e dè, lùi lại phía sau. Đan Nguyên trừng mắt, hét lên rồi chạy nhanh về phía trước, ném lại quả bóng vào cầu môn đối thủ. Vậy là trận hỗn chiến bắt đầu.
Đan Nguyên 25 tuổi chơi với 9 đứa trẻ mới học tới lớp 3. Trận đấu kết thúc. 10 người nằm dài trên bậc thềm, thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa lưng áo.
Đột nhiên, Đan Nguyên nhìn thấy phía trên mình một đôi mắt to với cặp lông mày dài được uốn cong vút. Nước son đỏ, láng bóng khiến môi cô ta căng mọng. Đan Nguyên từ từ đứng dậy, đối diện với cô ta.
– Cô là…
Cô ta chỉ liếc qua Đan Nguyên rồi chuyển ánh nhìn sang cu Bin. Chiếc áo vải phin bó sát cùng chiếc quần ngắn. Cô ta đi lại uyển chuyển như một con rắn.
– Bin à! Mẹ vừa đi mua mấy thứ. Con mặc để mẹ xem nào!
Cu Bin còn chưa kịp trả lời cô ta đã khoác lên người thằng bé một bộ complet màu hồng tím và một chiếc nơ trắng chấm bi đen. Chỉ vài giây, thằng bé đã biến thành một chú hề. Cô ta cúi xuống, nói như phả hơi thở vào khuôn mặt buồn bã của thằng bé.
– Đẹp quả! Con thích chứ?
Thằng bé không trả lời, chỉ khẽ gật đầu.
Lúc này, Quốc Dũng bước vào với đủ túi đồ trên tay. Cô ta nhìn thấy anh thì chạy lại khoe tác phẩm vừa tạo ra với thân thể thằng bé. Quốc Dũng khẽ cười, ánh mắt liếc vội về phía Đan Nguyên. Đột nhiên cô ta vòng tay qua eo Quốc Dũng. Bờ môi mở ra, từ từ chạm tới và chiếm lấy khuôn miệng của anh. Một nụ hôn nồng nhiệt. Lũ trẻ ồ lên, thích thú. Cu Bin khẽ nắm lấy tay Đan Nguyên. Cô cảm nhận thấy sự run rẩy của bàn tay nhỏ bé ấy.
Quốc Dũng đẩy cô ta ra rồi nhanh nhẹn đặt vào tay cô ta tất cả các túi đồ.
– Ở đây không tiện. Em lên phòng trước đi.
Cô ta phụng phịu bước lên cầu thang.
Khi Quốc Dũng tiễn Đan Nguyên ra cửa, cô cảm thấy anh như đang muốn nói điều gì đó với cô nhưng lại im lặng. Cu Bin kéo tay cô, hỏi khẽ.
– Mẹ cô là người như thế nào ạ?
– Mẹ cô? Bà có bề ngoài giống cô nhưng suy nghĩ lại khác cô.
– Vậy một người có bề ngoài khác con, suy nghĩ cũng không giống con thì có thể làm mẹ con không ạ?
Đan Nguyên và Quốc Dũng nhìn nhau, e ngại.
– Cái này cô không rõ. Nhưng mọi thứ đều phải thử mới biết được con ạ.
Thằng bé cúi xuống, di chân trên nền đất.
– Dù sao con cũng không nghĩ bộ quần áo đó hợp với con. Nó làm con trông như thằng ngốc.
Đan Nguyên phóng xe đi rồi, thằng bé còn nhìn theo. Ánh mắt nó như đang lo lắng điều gì đó.
Thứ bảy – Tháng 5: Trời mưa lớn.
Nhà hàng hôm nay đột nhiên đông khách. Linh An phải ở lại làm thêm giờ. Sau khi hết giờ làm, cô vội vã chạy tới bến xe buýt cho kịp chuyến xe cuối cùng.
Chiếc xe máy của cô cứ vài tháng lại giở chứng một lần. Trong khi nó thảnh thơi nằm ở cửa hàng sửa xe cho đội thở bảo dưỡng và tra dầu thì cô phải cuốc bộ trong cơn mưa tầm tã và ướt sũng vì một cơn gió thổi bật chiếc ô chưa kịp giữ chắc.
Cô nghiêng đầu, tựa vào cửa kính. Đường phố hôm nay đột nhiên vắng vẻ và trông thật buồn tẻ. Những người đi cùng cô trên chuyến xe cuối ngày cũng mang vẻ mặt mệt mỏi, im lặng chờ đợi tới bến.
Nhà của cô nằm trên một con phố nhỏ. Buổi sáng, nhiều gánh hàng rong được bày ra, rất nhộn nhịp và ồn ào. Nhưng vừa mới xẩm tối, các sạp hàng đã được thu gọn, chở về nhà. Cô đi trên con đường tối, ẩm ướt, dưới những bóng cây nghiêng ngả bởi gió, luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, tay cô lạnh đi vì sợ.
Rảo bước thật nhanh từ bến xe về nhà, tai cô căng hết cỡ để nghe xem có tiếng bước chân đi sau mình hay không. Thỉnh thoảng, cô lại quay lại. Nhưng chẳng có gì ngoài con phố vắng tanh, im lìm. Hai tay cô vẫn đút trong túi quần, siết chặt.
Đột nhiên, có ai đó đập mạnh vào vai cô. Cô giật mình quay lại. Một bóng đen xô tới, kéo 2 bóng đen khác vào một góc. Họ vật lộn.
– Thằng khốn!
Cô nghe thấy một giọng nói rất quen. Cô khựng lại khi đang định quay đầu bỏ chạy. Đúng là anh ta.
Nhật Minh đang giữ đầu một gã, ghì sắt vào một cánh cửa sắt gần đó. Một tên khác nằm rạp dưới đất đang đứng lên, tiến về phía anh rồi đột nhiên nhảy lên, dùng hai bắt tay siết lấy cổ anh. Không suy nghĩ nhiều, Linh An cởi giầy, nhắm chặt mặt, ra sức đập túi bụi vào người hắn. Lúc này, một bàn tay khác giữ lấy cô.
– Thôi đi! Cô sẽ giết chết hắn mất!
Cô liền mở mắt. 2 bóng đen chạy thục mạng, mất hút về cuối phố. Nhật Minh đứng đó, khoanh tay trước mặt cô, khóe miệng nhếch lên như thể đang kìm chế để không bật cười thành tiếng. Linh An nhìn xuống tay mình, chiếc giầy rơi xuống đất. Cô đứng thẳng người, chỉnh chang lại quần áo.
– Chuyện gì vừa xảy ra vậy?
Nhật Minh lau khuôn mặt sũng nước.
– Cô nhớ tên béo mặc quần đùi màu cam ở bên bơi hôm trước chứ.. Hắn theo cô về nhà đấy!
– Làm sao hắn biết tôi?
– Cũng như hàng trăm người có đọc báo và xem truyền hình từng biết cô thôi. Tìm một người với hắn không khó.
– Tên khốn!
– Nếu chuyện hắn muốn làm hôm nay mà làm được thì cô không chỉ gọi hắn như thế đâu.
Nhật Minh đưa tay cột cao mái tóc bờm xờm. Linh An bất giác quay sang nhìn anh. Một vết thương dài trên má anh đang chảy máu. Cô rút từ trong túi một chiếc khăn và đưa mặt sát lại gần để nhìn rõ vết thương. Đúng lúc này, Nhật Minh quay lại như định nói điều gì đó. Môi họ chạm vào nhau. Linh An cảm nhận rõ làn môi dày, ẩm ướt của Nhật Minh. Cô bị thu hút bởi mùi hương trên người anh. Mùi của đất ẩm. Và hình như anh đang tiến tới, níu giữ. Tất cả xảy ra rất nhanh và kết thúc khi anh lùi về sau.
– Đi thôi. Tôi đưa cô về.
Nhật Minh để tay Linh An trên vai anh. Cô khập khiễng trên đôi giầy cao, gót chân cô từ lúc nào đã rách toác. Nước mưa chảy vào khiến vết thương thêm sót.
– Sao cô cứ phải đi những đôi giầy như thế?
– Giầy cao gót là niềm kiêu hãnh của phụ nữ. Anh không biết sao?
– Niềm kiêu hãnh của cô cũng cao đấy. Nếu vừa nãy tôi không ngăn cô lại thì gã đó đã bị đập vỡ đầu vì niềm kiêu hãnh đấy.
– Nhưng sao anh lại ở đây? Chẳng lẽ anh cũng theo dõi tôi?
– Tất nhiên. Không thì ai cứu cô? Thật ra chúng tìm thấy cô vì tìm thấy tôi. Tôi nghĩ chắc chắn chuyện này sẽ xảy ra.
– Chúng biết anh sao?
– Nhà cô đâu?
Lúc này, Linh An giật mình nhận ra đã ở trước cửa nhà, bèn bấm chuông. Khi quay lại định nói một tiếng cám ơn thì Nhật Minh đã đi khuất.