Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa

Chương 13: Sinh Vào Mùa Hè


Bạn đang đọc Cho Em Gần Anh Thêm Chút Nữa: Chương 13: Sinh Vào Mùa Hè


Một mùa hè lại đến, sinh nhật lại đến và tháng năm lại qua đi, tôi nhìn những gì còn vương sót lại của một đứa trẻ hay khóc nhè trên khuôn mặt đổi thay vì năm tháng… vuốt ve gương dài thườn thượt những ánh hào quang bằng bàn tay với những ngón nhỏ yếu mềm… Tôi cười… ngón tay trỏ di theo viền môi của nụ cười trong gương tươi rói…
Ôi tháng năm… em sẽ sống và sẽ chết? Có thể em sẽ kết thúc hết vào… ngày mai…
Có người đã độc ác nói với mẹ tôi rằng… tôi sẽ chết khi tôi tròn hai mươi tuổi…
Gã thầy bói nham hiểm với nụ cười triết lí của cõi u mê… làm mẹ tôi lo lắng đến bần thần… Lúc đó, tôi mới có lên hai…
Mười tám năm trôi qua, tôi đã sắp hai mươi tuổi rồi… Nụ cười của tôi vẫn vậy thôi… ngơ ngác như ngày lên hai ấy… Còn mẹ… mẹ đã ở nơi xa xôi rồi… Mẹ mệt mỏi bởi cuộc sống… và mẹ đã đi tới miền đắng đầy nắng hè… để tôi lại… tôi biết mẹ bồn chồn lắm… Nhưng như gã thầy bói ấy nói… tôi sẽ đi cùng mẹ… Khi tôi hai mươi…
“Con hãy yêu thật nhiều, yêu thật nhiều để khi con ra đi, sẽ chẳng phải hối hận về điều gì, vì tình yêu làm nên thế giới này, dù con sống hay con chết, con cũng không thể, để mình hết yêu!”
Tôi là hoang sơ… là đứa con gái của vùng thảo nguyên dịu dàng… nhưng ba đã mang tôi đi xa nơi ấy…
Bà và tôi ở đây, Hà Nội, không có mộ mẹ tôi…
Một sự chia cắt hình hài quái thai đến lạ…

Gió, nắng và cánh đồng… người ta thường nói như vậy… như một bộ ba… hoàn hảo…
Gió, nắng và bụi đường… Cuộc sống thành phố ồn ào là vậy… Người ta không nhận thấy… người ta đang lao đi…
Một ngôi nhà chông chênh ở mép Hà Nội phồn hoa, Hà Nội già nua trong mắt dài phố cổ, đẫm mi và ứa lệ buồn… Hà Nội trong tôi chẳng bao giờ vui được, chỉ có một tình yêu mở, chớm nở theo mùa phố… Tôi chực trào nước mắt khi ngắm nhìn bụi phố bay qua mắt tôi cay xè… Dù Hà Nội đẹp đẽ đến nhường nào, cao xa và sinh động, đông đúc đến ra sao… Tôi cũng chớm yêu Hà Nội theo cái chiều quy luật: Người ta ở đâu, người ta yêu người ở đó, người ta yêu đất ở đó… Nhưng… tôi vẫn yêu nơi tôi sinh ra hơn cả… Một nơi xa nơi này… rất xa… thành phố là bản trường ca tráng lệ của những cánh đồng và của gió thảo nguyên… và nắng cháy… Rất xa rất xa gió Hồ Tây, nắng Hồ Gươm và bụi đường phố cổ…
Tất cả chỉ là hoài niệm và nằm im nỗi nhớ… bởi bây giờ… tôi chẳng còn cớ gì để trở về nơi đó…

– Con phải làm gì hả ba?
– Hãy để cuộc sống tự trôi đi như nó vốn có…
Cha tôi, thầm lặng và lầm lũi, ông không có cái nhiệt thành sống của mẹ để thế mà… cả hai vẫn là sự kết hợp hài hòa của tạo hóa trêu ngươi… Yêu nhau và cưới nhau trên vùng đồng cỏ có tôi ra đời… Tôi tự hào về tình yêu ấy, mẹ đã yêu đủ nhiều để mang theo cả tình yêu của ba đi xa dương thế…
Tôi thì sao, tôi không yêu được nhiều như mẹ, tôi chẳng có một chàng trai nào, vì tôi nghĩ, họ không dũng cảm để yêu nhiều một người sắp chết… và tôi cũng không can đảm để vừa yêu vừa đếm ngày chết của mình…
Tất cả mọi người đã cố gắng, cố gắng mười tám năm nay để đến một ngày chấm dứt đời tôi…
Khi tôi mười tuổi, máu bắt đầu chảy từ mũi… Bệnh này, là bệnh gì… Người ta nói không biết nữa… Rời xa nơi tôi sinh ra, tôi đã đi nhiều nơi cùng mẹ… Họ cho tôi những thứ… kéo dài sự sống, nhưng không ai chắc chắn, tôi sẽ sống thật lâu…
Năm mười hai tuổi, mẹ đưa tôi đến ông thầy bói hồi hai tuổi… lần thứ hai trong đời, ông ta chắc nịch tôi sẽ chết khi tôi hai mươi… Ông ta cười nói… hãy chấp nhận… vì quyền năng tâm linh nói vậy… Khi tất cả những thầy tu áo trắng, những tín đồ áo nâu… bác sĩ và thầy lang đều nói… sẽ cố gắng… họ không biết khi nào tôi chết, thì gã thầy bói ấy, chắc nịch một luật trời… hai mươi tuổi… tôi sẽ rời thế giới…
Mẹ tôi khóc… rồi cái sức sống mạnh mẽ lại vực bà dậy… dù là một người đàn bà theo tín ngưỡng phật giáo và luôn tin ở ngoại cảm, cũng như hoàn toàn tin tưởng vào bói toán… nhưng bà vẫn cố hết sức để vực bản thân mình dậy và lo lắng cho tôi… Ba tôi thì không được vậy, ông đau khổ hiện ra từng nếp nhăn… vì tôi biết, ông yêu thương tôi nhất…
Những thời kì đổ máu kéo dài suốt năm năm… tôi phải thường xuyên dùng thuốc tây… hại người nên tôi gầy lắm… thỉnh thoảng mẹ dắt tôi về những vùng khác, tìm một vài ông lang mà người ta nói sẽ giúp tôi khoẻ hơn nhờ thuốc bổ…
Năm tôi mười bảy, mẹ bị đau nhức ngực… Ba đưa mẹ lên Hà Nội, kéo theo tôi… một đứa con gái mười bảy yếu đuối chưa từng tự lo được ình… Mẹ vẫn cười trong cơn đau thắt ngực… Nói rằng, tôi hãy cố gắng lên vì mẹ đang đau, để san sẻ nỗi đau mà tôi đang có đó…
Người ta khám, chuẩn đoán và người ta đưa mẹ vào phòng mổ… Một tháng sau khi mổ, mẹ tôi qua đời…
Cả gia đình tôi, chỉ còn hai người, là ba và tôi, chúng tôi, hai chúng tôi không khóc…
Mẹ đã chiến đấu với nỗi đau dày xéo mẹ mà không hề rên khóc, nên chúng tôi dù có đau lòng vẫn phải mỉm cười tiễn mẹ ra đi… Mẹ nói vậy… và tôi đã làm vậy…
Đưa mẹ về với miền thảo nguyên nắng gió, để mẹ nằm trong mùi thơm của cỏ và ngủ giấc dịu dàng…
Một năm sau… ba đưa tôi lên Hà Nội sống… Ba trở về nghề là một kĩ sư, cái nghề ba đã từ bỏ khi có mẹ, để yên bình nơi miền gió… Ba nói… hãy ở đây… sẽ có người… chăm sóc cho con…

Toi hiểu ba, nhưng tôi không muốn xa mẹ… cuối cùng thì mẹ cũng hiện về trong đôi mắt nhỏ bé của tôi… mẹ cười và nói… hãy đi đi… hãy cố gắng cho đến khi con không thể…
Tôi ở Hà Nội, cũng chẳng học hành…
Ngày xưa, mẹ dạy tôi học, từ ngày mẹ mất đi… chẳng còn ai làm điều đó… tôi khó có thể đến trường…
Năm mười chín tuổi, ở Hà Nội, cũng chẳng mấy vui… Chiều Hồ Gươm, bố đẩy xe cho tôi đi dạo… Phải rất cố gắng để mở mắt mỗi ngày… tôi ngắm hồ gươm quay theo vòng xe đẩy… Sau này, chị y tá riêng của tôi, vẫn đẩy xe cho tôi đi quanh Hồ Gươm ấy, nhưng có y tá không nghĩa là ba quên “nhiệm vụ” ấy… dù bận rộn, ông vẫn đưa tôi đi… mỗi tuần một lần vào thứ bảy.
Tôi đã nói chưa, tôi sinh vào mùa hè… Mùa hè thảo nguyên thì gay gắt và gió lắm… Đến khi ra Hà Nội, tôi khám phá ra mùa đông… Mùa đông là một bản trường ca bất tử đáng yêu… nó làm tôi co ro trong lớp vỏ xế chiều đầy sương lạnh…
Tôi thích thú với mùa đông… Khi máu chảy ở mũi không xối xả ra nổi vì hơi lạnh… nó chảy chầm chậm và nó có màu đục đen… khác mùa hè… nó xối ra như nước dãi trẻ con… Những ngón tay măng non, nghịch ngợm chạm nhẹ vào máu… thích thú… thích thú…
Gần hai năm sống ở Hà Nội, trải qua hai mùa đông… đón chờ mùa đông với sự hồ hởi đầy sức sống… tôi yêu nó biết nhường nào…
Thế mà… mùa hè lại đến, gọi tuổi tôi về, tôi sắp hai mươi, và dù có cố gắng thì tình trạng sức khoẻ vẫn ngày một tồi tệ… tôi có thể… sống đến mùa đông?
Tóc tôi dài và thưa lắm… Nó không rụng giống người ung thư… nhưng nó yếu đuối như lá cuối mùa chờ rụng…
Đang suy nghĩ thì ba về, người chăm sóc tôi cũng đến… Là một người đàn ông, điều đó thật không phải phép… Chị y tá hay chăm sóc tôi hôm nay không đến, còn ông chú này thì quả thật đã già như bố… làm sao giúp tôi những việc của phụ nữ được đây?
Ba nói, ông ta là bác sĩ điều trị, sẽ ở đây chăm sóc tôi trong tháng này…
Quả là ba bị ám ảnh bởi tuổi hai mươi, hẳn ba lo lắm vì chỉ một tháng nữa thôi rất có thể tôi sẽ lìa đời… nên ba phải mời bác sĩ đến tận nhà… hẳn là chi phí rất cao… Chị y tá, vẫn sẽ đến mỗi ngày như ba nói… nhưng hôm nay, chị ấy xin nghỉ…
Bác sĩ, tôi hồ nghi ông ta là một bác sĩ tâm lí… hoặc một kẻ lõi đời… ông ta không chữa trị gì cho tôi, hàng ngày chỉ ngồi và nói chuyện…
Chị y tá thì ngày một lạ lùng, chị thường mua hoa về cắm khắp nhà và cười khi tôi hỏi chị…

Mọi thứ xung quanh quá ân cần, làm tôi cảm giác ngày tôi chết gần thật gần.
Một tuần nữa thôi, đến sinh nhật tôi rồi… người vẫn yếu là điều mà tôi cảm thấy… Cái lần cuối cùng tôi được chị y tá đẩy xe quanh Hồ Gươm, là một sự sắp đặt đầy ngẫu hứng… như nhạc jazz vậy… Chị đẩy xe đi… và im lặng… tôi ngắm đường và cũng lặng im… Có một ai đó từ phía sau… đặt lên tay tôi một bó hoa hồng trắng… tôi ngoái lại nhìn… chẳng phải chị y tá của tôi… là một ngưòi con trai xa lạ tức cười…
Tôi im lặng… không nói gì… hai mươi bông hồng trắng ám ảnh sự chia cắt thế giới… Tôi biết, điều này không tình cờ… Nó là một sự sắp đặt cho tôi… Hẳn rất kì công, dù mười chín năm qua tôi chưa từng đi học, chỉ đọc sách và ngắm thế giới bằng con mắt hờ hững như muốn đóng khép này… nhưng tôi hiểu… điều tình cờ không có nhiều như vậy… Ba muốn tôi có tình yêu và đây là một chàng trai đến theo điều phối trong những ngày cuối của đời tôi… Mẹ cũng muốn tôi yêu nhiều, thiết tha sống như thế thôi… vậy là… tôi quay lại mỉm cười, sau khi im lặng hồi lâu:
– Cám ơn anh, hoa đẹp lắm…
Anh ta gật đầu không nói gì…
Bác sĩ cười, nói với tôi, anh ta là một người câm… Y tá xin lỗi, nói anh ta là em trai chị, vì đã nghe chị kể quá nhiều về tôi, trong gần hai năm qua, nên anh ấy muốn có một món quà… cho tôi… khi sinh nhật sắp diễn ra tuần tới…
Tôi ngạc nhiên, bất giác mỉm cười… sự tình cờ của người đàn ông đầu tiên xuất hiện trong đời tôi lại buồn cười như vậy sao?
Tôi không kể cho ba nghe chuyện này, ba đang đi công trình xa, và ba sẽ về trước sinh nhật tôi một ngày… ba hứa vậy. Tôi không than phiền, vì tôi biết ba làm việc như điên, vất vả để kiếm thật nhiều tiền… mong mỏi lo đủ tốt cho tôi…
Tôi nói với chị y tá, tôi muốn gặp em trai chị nhiều hơn…
Còn năm ngày nữa tôi hai mươi.
Vậy là mỗi ngày anh ấy đến, vào buổi chiều, mang theo mỗi lần là một màu hoa khác nhau… là người đẩy xe đưa tôi đi quanh hồ…
Tôi nói anh ấy hiểu, nhưng anh ấy nói… hay đúng hơn là diễn đạt bằng tay, tôi không hiểu gì…
Đến ngày thứ ba quen anh ấy… tôi thấy không thích thú với việc múa máy của tay chút nào… tôi phải dồn hết sức để nhìn vào bàn tay ấy… nên tôi quyết định… chúng tôi sẽ ở nhà và… “trò chuyện” bằng giấy… Tôi muốn hiểu và nhìn thấy người lạ mặt này…
Tôi yếu đến mức không thể cầm bút viết… vậy là tôi nói, còn anh ấy viết và giơ lên…
Anh ấy nói, đáng ra phải đọc truyện, cho tôi nằm nghe, giống như khi, người ta vẫn chăm người ốm vậy… nhưng nếu viết thì chẳng thể rồi…
– Anh đẹp trai đấy chứ… Anh rất dễ mến nữa!
Anh ấy cười… đưa tay bắt chéo hai ngón, rồi làm một vài động tác… tôi hiểu… anh ấy nói gì…

– Dạy em nói bằng tay đi.
Anh ấy ghi ra giấy: “Có những cách nói hay hơn cả bằng tay. Em hãy nói bằng mắt!”
Tôi kể cho anh ấy nghe, về khát khao được nhìn thấy những mùa đông, anh ấy nói, nhìn thấy điều ấy trong mắt tôi mỗi ngày…
– Liệu em có sống được đến mùa đông không?
Anh ấy cười, chỉ vào mắt anh ấy… Trong đấy, tôi thấy một câu trả lời: “Chắc chắn rồi!”
– Liệu anh có phải người đàn ông cuối cùng của em không nhỉ?
Anh ấy giơ hai ngón tay trỏ, ghép vào nhau… và cười… rồi lắc đầu.
– Anh không biết hả?
Lại chỉ vào mắt, mắt anh ấy nói với tôi rằng: “Anh biết chứ!”
Tôi cười và ngủ lúc nào không hay biết…
Chị y tá, và bác sĩ, ít khi tham gia những câu chuyện của chúng tôi, họ có những vấn đề chuyên môn để điều trị cho tôi, và luôn xuất hiện với một nụ cười, kiêm tiêm và thuốc…
Ba trở về khi ngày hôm sau tôi hai mươi… Khát khao mùa đông năm sau bỗng chốc trở nên xa vời…
Tôi chợt nhận ra rằng, cả tuần nay dù đau đớn tôi cũng không hề nghĩ đến cái chết nữa… tôi vẫn sống như là tôi sẽ sống và sẽ khỏi bệnh vậy… Cái việc miệt mài học cách nói bằng mắt… đã khiến tôi quên bệnh tật của mình…
Tôi sinh vào mùa hè… tôi sẽ tìm đến mùa đông… và sống trong cái giá buốt cùng cực ấy… để được hạnh phúc… có phải không? Những cô gái mùa hè, khát khao mùa đông về… Những cô gái mùa hè… mang nắng vào đông nhé…
Mười hai giờ đêm… đêm tôi hai mươi tuổi… Mọi người ngồi xung quanh xe đẩy của tôi… Có bác sĩ… có chị y tá… có ba rất hiền hoà… và có anh rất đẹp… nhưng… mẹ… người đàn bà đến muộn… Mẹ cười và… ôm tôi rất chặt…
Có tiếng nói nào đó: “Đừng nhắm mắt, hãy mở mắt để nói chuyện đi nào. Ngôn ngữ tuyệt với nhất, là ngôn ngữ của tâm hồn, và mắt là nơi… tâm hồn nói! Đừng nhắm mắt… Hãy mở mắt ra… nói rằng… em sẽ sống đến tận mùa đông…”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.