Bạn đang đọc Chân Long Kiếm – Chương 3: Tỷ thí tại chùa Vân Tiêu
Từ Phong vọt người tới rồi bổ mạnh thanh đao xuống. Y muốn kiểm tra trình độ võ công của Vô Tướng nên dùng chiêu đơn giản.
Vô Tướng bỗng nhớ tới thế cờ ban nãy, thấy cũng giống thế này, bèn lướt bàn chân lướt sang bên phải, thân mình thuận thế nghiêng về bên trái, kế tiếp tung quyền đấm vào eo đối phương, đồng thời dựng côn đứng thẳng trước ngực để bảo vệ.
Từ Phong trúng phải một quyền vào eo, biết được nội lực đối phương thâm hậu, hơn xa tên thuộc hạ khi nãy. Y dù tức giận nhưng thấy cách thức Vô Tướng sử dụng chiêu thức, kình lực hùng hồn, thân pháp trầm ổn không có chỗ sơ hở để phản công, bất giác y buột miệng khen: “hảo”
“Côn quyền phối hợp rất nhuyễn, đáng khen cho tiểu sư phụ.” Phùng lão cũng gật gù đầu tỏ vẻ hài lòng.
Từ Phong đánh thêm bốn chiêu nữa đều bị Vô Tướng hóa giải. Y thấy không chiếm được lợi thế, nên nhảy lùi về chỗ cũ, lúc lắc cổ, bẻ khớp tay khớp chân rôm rốp, giả bộ nói:
– Tiểu sư phụ giỏi lắm, nhưng ban nãy ta chỉ khởi động mà thôi, giờ mới chính thức bắt đầu đây, tiếp chiêu.
Y vung đao tiếp tục tấn công như bão táp mưa sa, trong từng chiêu thức ẩn chứa uy lực mạnh mẽ. Côn pháp Vô Tướng sử dụng thì nhanh nhẹn, uyển chuyển, liên tục xuất hiện những động tác tránh né linh hoạt và đặc biệt là các chiêu thức đánh ở tầm thấp tấn công hạ bàn đối phương, mỗi lần đều khiến tên tướng quân vất vả.
Đây chính là những điểm khác biệt nhất giữa vô công Đại Việt và võ Trung Hoa.
Võ công Trung Hoa rất ít các thế tránh né, phần lớn là ra đòn liên tiếp, công kích đối phương không ngừng. Ngoài ra, các chiêu đánh tầm thấp thì không phải không có nhưng thấp đến áp sát mặt đất thì cực kỳ hiếm thấy, hầu hết là sử dụng trong cước pháp hay thương pháp.
Võ Việt thì ngược lại, bất kể môn võ nào, chưởng, quyền hay đao kiếm,… tay có hay không có binh khí, các thế tránh né và đòn đánh tầm thấp sát đất luôn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này có thể do thể trạng, thân hình người Việt thấp bé, lại luôn luôn phải đối đầu với kẻ thù cao to hơn mình rất nhiều nên phải tìm cách biến sở đoản thành sở trường, sáng tạo ra những chiêu thức lợi hại, hạ gục kẻ thù một cách nhanh chóng.
Cuộc tỷ võ càng lúc càng gay cấn, các nhà sư đứng bên ngoài ngạc nhiên quay sang bàn tán với nhau:
– Chà, Bạch Viên Côn Pháp sư đệ thi triển tuyệt quá, ta là sư huynh mà tự thẹn không bằng!
– Đúng vậy, sư đệ giỏi quá!
– Đúng! Sư đệ cố lên!
Các sư tăng trong chùa không ngừng cổ vũ cho Vô Tướng.
Bạch Viên Côn Pháp tương truyền do sư tổ Trúc Lâm Yên Tử là Điều Ngự Giác Hoàng sáng tạo ra mấy mươi năm về trước. Trong một lần quay lên Yên Sơn sau khi vân du tứ hải, ngài bắt gặp một con vượn trắng, tay cầm cành cây nhảy nhót khắp nơi, lúc dùng nó để hái quả trên cao, lúc thì vung vẩy múa may, lúc lại lấy cành đập vào thân cây, không thì lại đâp xuống đất, nhảy nhót rất linh động. Ngài thấy là lạ nên quan sát kỹ con vượn. Sau đó ngài về thiền viên, suy ngẫm một ngày một đêm, bỗng có sở ngộ nên đã sáng tạo nên bộ côn pháp đó.
Bộ côn pháp là môn võ căn bản của Trúc Lâm Yên Tử, nhà sư nào cũng luyện, cũng biết nhưng ngoại trừ các bậc cao tăng võ công siêu phàm thì chẳng mấy ai luyện nó đến cảnh giới cao như Vô Tướng. Đáng tiếc, chàng ta đang dần bị Từ Phong dồn ép. Chợt Vô Ngã chỉ tay hô:
– Ô kìa! Sao sư đệ bỗng dưng lại thu chiêu vậy?
Có người nhìn kỹ cũng gật đầu tán đồng:
– Ừ, lạ quá, sư đệ chiêu nào cũng đánh ra nửa vời là thu lại, chả hiểu sư đệ đang nghĩ gì nữa.
“Tiểu sư phụ này vốn có thiện tâm, không ra sát chiêu nên bỏ lỡ nhiều cơ hội giành chiến thắng, xem ra lão phải giúp một tay.” Phùng lão quan sát trận đấu mà trong lòng bực bội. Lão bèn kẹp một viên đá vào giữa ngón tay cái và ngón tay giữa, vận kình, búng vút đi, thế nhưng viên đá đang bay nửa đường bỗng nhiên vỡ vụn.
Ông liếc sang đại sư Viên Ngộ. “Đại sư, sao đại sư lại làm thế?” Lão biết đại sư đã ngăn cản vì ở đây, chẳng ai đủ khá năng phá tuyệt kỹ Càn Khôn Chỉ của lão.
“Ai di đà phật! Đây là chuyện riêng của chùa, lão nạp xin Phùng huynh đứng ngoài cuộc xem là được rồi.”
“Nhưng mà…”
“Xin Phùng huynh chấp nhận cho.”
Đại sư Viên Ngộ và Phùng lão võ công thần diệu, dùng phép Truyền Âm Nhập Mật nói với nhau mà không hề mở miệng, trong khi mắt vẫn theo dõi Vô Tướng như các nhà sư khác. Phép này đương thời hiếm người nắm rõ, huống chi muốn luyện thành phải khổ công tu tập nhiều năm.
Trong sân chùa, Vô Tướng và Từ Phong đã giao đấu ngoài trăm chiêu. Đấu mãi vẫn không thắng được, tên tướng quân bắt đầu sốt ruột. Y không nghĩ chỉ với một thiếu niên mà đã khiến y tốn sức đến vậy.
– Tiểu sư phụ hãy tiếp Hoành Đao Thất Thức của bản tướng!
Y gầm lớn một câu, vung đao chém ngang bổ dọc. Chiêu thức đơn giản, không hoa mĩ nhưng đao pháp nhanh như ánh chớp mà uy lực thì cực kỳ mãnh liệt. Vô Tướng chống đỡ vất vả, dần dần lâm vào thế nguy hiểm, mỗi lần chàng nhảy ra thì y lại áp tới như hình với bóng. Khuôn mặt của tất cả sư tăng trong chùa hiện rõ sự lo lắng, sợ hãi.
“Hoành Đao Thất Thức ư? Tiểu sư phụ lần này gặp hạn rồi.” Lão nhân cau mày, hình như ông lão biết môn võ công đó.
Xét về chiêu thức và nội công, Vô Tướng vốn không kém Từ Phong là bao, nhưng kinh nghiệm giao đấu thì rõ ràng thua xa. Vô Tướng chưa một lần rời khỏi chùa, há sao bì kịp được với Từ Phong chinh chiến nhiều năm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Vô Tướng giậm chân phải lại đề khí nhảy vọt về sau một trượng, Từ Phong lại ập tới. Đao chém từ trên bên phải chéo xuống dưới bên trái, gió từ đao phả ra lạnh toát. Vô Tướng thầm nghĩ: “nếu còn tránh nữa sẽ mất mạng, dù võ công có kém hơn vị tướng quân nọ vẫn phải đánh trả.” Chàng đánh côn ngược từ dưới cản lại, ai nấy hồi hộp theo dõi chăm chú không chớp mắt. Thời gian như ngừng lại.
Từ Phong cười nhạt, y đã thi triển võ công mạnh nhất nhì của mình, há có thể dễ dàng ngăn cản.
Thanh đao đập vào côn bật ra âm thanh chát chúa. Bất quá côn không những không gãy đôi mà thanh đao còn bị dội ngược trở lại, thì ra đao đập trúng ngay đầu bịt sắt của thanh côn. Các nhà sư vui mừng hò reo đầy vui sướng, ngược lại, Vô Tướng cảm giác hổ khẩu nhức nhối, toác cả da thịt nhưng chàng vẫn cố sức giữ chặt thanh côn.
Chiêu đầu thất bại, sắc mặt Từ Phong khó coi, y thốt lên:
– Ái chà, đánh chuẩn lắm, nhưng ta vẫn chưa hết chiêu đâu.
Y lộn một vòng giữa không trung, chân vừa chạm đất, y đâm mạnh thanh đao tới trước, gió từ thanh đao tỏa ra lạnh toát, theo ngay sau là một chưởng nữa. Đao chưởng liền nhau, kín kẽ chẳng hề có sơ hở. Nếu Vô Tướng tránh đao, tất sẽ trúng chưởng.
Chàng hết cách, bèn vung côn gạt đao, đồng thời tay trái vung tay trái nửa vòng tròn phát chưởng nghênh tiếp. Thoạt tưởng côn là chính, nhưng chưởng cũng lợi hại chả kém, chưởng lực bao trùm cả một trượng, Chiêu thức này đầy mạnh mẽ mà cũng khéo léo cực kỳ.
Song chưởng đụng nhau, Vô Tướng chấn động toàn thân, loạng choạng lùi về năm bước, đồng thời tay phải trúng đại đao, hổ khẩu nhức nhối nên đánh rơi côn.
“Khá lắm! Tiểu sư phụ luyện Hoàng Giác Thần Công đã có hỏa hầu.” Lão nhân thầm gật gù tán thưởng.
Tên tướng quân bị thương nhẹ hơn Vô Tướng, y chỉ rùng mình, có điều tay cầm đao ngâm ngẩm đau, không thể nâng nổi nó nên tay còn lại đưa sang cầm phụ sức. Y xoay hông, hai tay cùng cầm thanh đao dùng sống đao chém vào chiếc lư đồng lớn ở gần sát mình. Chiếc lư đồng bay vù tới Vô Tướng. Chưởng này có phương pháp vận kình, phát lực cực kỳ độc đáo, y may mắn luyện được, hôm nay bất đắc dĩ phải đem ra sử dụng.
Vô Tướng chưa kịp hoàn hồn, thấy chiếc lư ngay trước mắt tinh thần hoảng hốt, vội vàng giơ song thủ ra đỡ. Đáng tiếc lư đồng xoáy rất mạnh nên chỉ trúng mặt bên của nó, thành ra chỉ cộng thêm lực vào làm nó đổi hướng bay thẳng về đại sư Viên Ngộ. Đây mới là mục đích chính của Từ Phong.
Đại sư bình tĩnh, một chưởng đặt sau lưng chiếc lư, tay kia chụp lấy vành nhẹ nhàng nâng lên rồi để xuống lại không một tiếng động.
– A di đà phật! Xin thí chủ đừng xúc động như vậy? Võ công tập luyện chủ yếu để tăng cường sức khỏe, tránh sát thương người. Thí chủ là khách phương xa tới chơi bản tự, có lòng hướng đạo học võ, cũng đã đấu với Vô Tướng một hồi rồi… Hiện tại xem ra là không phân thắng bại, cũng nên ngừng thôi, tránh để cho đao kiếm vô tình làm tổn thương tới hòa khí.
Vô Tướng Đại sư Viên Ngộ đã nói vậy, Từ Phong cũng không tiếp tục tỷ thí nữa. Vô Tướng chống được hai chiêu Hoành Đao của y thì võ công chẳng hề tầm thường, huống chi đại sư chỉ vung tay nhẹ nhàng mà dễ dàng hóa giải độc chiêu của y, có đấu thêm cũng chỉ mất mặt, tự chuốc lấy nhục mà thôi. Y hai tay ôm quyền nói:
– Đại sư đã mở lời, bản tướng sẽ nghe theo. Hôm nay bản tướng được lĩnh giáo võ công Đại Việt, bản tướng đã được mở rộng tầm mắt. bản tướng xin được cáo biệt ở đây, ngày sau sẽ còn gặp lại.
Nói đến đây Từ Phong ra lệnh cho đám binh lính rút lui, không một tiếng kèn, tiếng trống. Đám quan quân lính Ngô xuống núi một cách khẩn trương trong lặng lẽ, khác hẳn vẻ hung hăng, ầm ĩ lúc mới đến. Trong đầu Từ Phong cứ nghĩ luẩn quẩn về trận đấu với Vô Tướng, về võ công siêu phàm của đại sư Viên Ngộ. Có lẽ đã quá xem thường mảnh đất Đại Việt nhỏ bé này.
Đáng tiếc y không biết người dân Đại Việt có câu “Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!”, nếu không y cũng sẽ không quay về trong hoàn cảnh mất mặt như vậy.
Mọi sư tăng của chùa vui mừng, tất cả ùa đến tung hô Vô Tướng vang như sấm dậy, duy chỉ có đại sư Viên Ngộ không vui. Vô Ngã thấy vậy bèn hỏi đại sư:
– Sư phụ, lính Ngô thất bại bỏ đi, đáng lẽ nên vui, tại sao người có vẻ lo lắng vậy ạ?
Đại sư thở dài đáp:
– A di đà phật! Hôm nay quân Ngô thất bại, bọn chúng nhất định ghi hận, rồi một ngày nào đó sẽ quay lại báo thù, đến lúc đấy, phong ba nổi lên, người vô tội khổ cực, thử hỏi sao ta không thể không lo lắng đây.
– Đại sư nói đúng lắm, đây cũng là điều lão đang lo lắng.
Phùng lão nhân đồng ý với suy nghĩ của đại sư.
– A di đà phật! Được rồi, mọi người giải tán thôi, không nên làm ồn nữa.
– Dạ vâng.
Thế là các nhà sư kéo nhau rời khỏi trả lại sự yên tĩnh cho chùa Vân Yên. Đại sư Viên Ngộ nói với Phùng lão:
– Trời đã sắp tối rồi, lão nạp nghĩ Phùng huynh đừng vội xuống núi mà ở lại cùng lão nạp dùng bữa cơm chay, nghỉ một đêm, mai hãy khởi hành.
Phùng lão cũng có ý muốn ở lại, nhưng không tiện lộ ra, nay đại sư chủ động mở lời nên Phùng lão gật đầu đáp:
– Nếu đại sư đã mời, lão từ chối thì thật thất lễ, đêm nay đành phiền đại sư vậy.
– Có gì đâu, có gì đâu, xin mời Phùng huynh.
Hai người trở về chùa Tĩnh Tâm, ván cờ còn dang dở, hai người chơi tiếp tới khi Vô Tướng bắt đầu dọn đồ ra thì mới dừng lại.
*Chú thích:
– Lời đối thoại giữa hai người trở lên mình để sau dấu “-“
– Lời độc thoại (nội tâm) trong dấu nháy kép (“”)
Đợn vị trong truyện:
– Một trượng xưa = khoảng 3,3 – 4m