Chân Long Kiếm

Chương 22: Những người bạn mới


Bạn đang đọc Chân Long Kiếm – Chương 22: Những người bạn mới

Thấy trượng phu im lặng không trả lời, bà tiếp tục hỏi:
– Chàng đã làm gì thì chàng mau nói đi chứ.
Bà Ngọc Thương hỏi dồn khiên Lê Khoáng lúng túng. Ông ấp úng mãi mới trả lời thê tử:
– Sau đó ta… ta không đuổi theo gã ác nhân mà đứng lại trị thương cho người đàn ông nọ trước rồi mới truy đuổi hắn ta.
Bà nghe thế thì biến hẳn sắc mặt. Việc trượng phu không đuổi theo để cứu con khiến bá rất tức giận. Bà nói lớn tiếng:
– Cái gì chứ? Tại sao chàng không cứu con má lại cứu người đàn ông không quen biết kia chứ. Chàng… chàng… thật…
Nói đến đây thì bà nghẹn ngào, lệ tuôn ra từ đôi mắt phượng. Lòng mẹ thương con, người mẹ nào chả phản ứng gay gắt như vậy chứ. Lê Khoáng hiểu điều này nên ông chỉ thở dài buồn rầu:
– Ta mâu thuẫn lắm chưa, ta cũng biết nếu lám thế sẽ có lỗi với nàng và con rất nhiều, nhưng ông ta bị thương rất nặng, chỉ cần cầm máu chậm trễ tích tắc thôi thì ông ta sẽ mất mạng ngay.
Ông dừng một chút rồi nói tiếp:
– Hơn nữa ta thấy gã cướp có ý đồ khác, không muốn giết hại bé gái hay Lợi ngay nên ta… hừmm… ta mối quyết định cứu ông ta trước. Sau khi giúp ông ta thoát khỏi nguy hiểm thì tức tốc đuổi theo.
– Chàng… chàng… chàng còn nói.
Bà nấc lên, giọng nghẹn ngào. Lê Lợi thấy cha mẹ bất hoà vội vàng lên tiếng:
– Mẹ đừng trách cha nữa, cha cứu người cũng là việc nên làm mà.
– Lợi, con…
Bà kinh ngạc nhìn con trai, bà chẳng thể ngờ cậu bé lại nói như vậy. Lê Lợi lại nói tiếp:
– Hơn nữa con cũng đã tự thoát khỏi tay tên xấu xa đó được.
– Con đừng nói dối mẹ để bảo vệ cha con. Con bị tên cướp đó nắm như vậy thì sao tự thoát ra được chứ.
Cậu bé lắc đầu:
– Con nói thật mà, con đã dùng Tru Hồn Kiếm để thoát ra. Con ném kiếm sang tay trái rồi đâm ra sau lưng thế này… thế này nữa.

Cậu diễn lại y như lúc cậu tìm cách thoát khỏi tên cướp như thế nào. Nhưng dĩ nhiên là mẹ cậu không tin. Bà mắng:
– Hừ, càng nói thì càng lộ ra con đang nói dối. Con đã thoát rồi thì tại sao trên lưng lại có dấu chưởng thế này chứ.
Cậu bé không hề lúng túng, trả lời một cách dứt khoát:
– Thì con rơi xuống đất rồi con sử dụng khinh công mẹ dạy con để chạy. Hắn ta chộp hụt con bốn lần mới tức quá mà phóng chưởng đánh vào lưng con.
Sự thật thì quả đúng như lời Lê Lợi kể, chỉ là cậu đã rút gọn đi rất nhiều chứ thực ra hoàn cảnh lúc đấy vô cùng hung hiểm. Cậu vừa ngã xuống đất lập tức chồm dậy chạy đi. Vì quá chủ quan nên để mất con mồi, tên cướp nổi giận. Gã quát lớn rồi đuổi theo. Lê Lợi cắm đầu cắm cổ chạy vào khoảng rừng trước mặt. Bỗng nghe “roạt” một tiếng. Phần áo sau lưng cậu bị một trảo của gã xé rách toạc, hở cả da thịt. Bốn đường xước bật máu đỏ hiện rõ trên lưng. Cậu sợ bở vía, bèn đem môn khinh công thượng thừa theo mẹ học bao năm ra dùng. Trước giờ cậu ít khi coi trọng nó, tới hôm nay mới thấy tác dụng của nó. Lúc thì cậu chạy sang phía Đông, lúc lại lạng sang mé Tây, lúc lại vòng vèo, luồn lách qua lùm cây kẽ lá. Mấy lần gã ác nhân sắp sửa đến gần thì cậu lại chạy theo phương vị quái dị khiến y chộp hụt. Hai người đuổi bắt hơn một dặm, Lê Lợi nội lực không thâm hậu như gã nên dần đuối sức. Khi hai bên chỉ còn cách nhau hai thước, gã e sợ lại bắt hụt, bèn vung tay đánh một chưởng. Chưởng lực hùng hồn xô tới ào ạt, trúng ngay lưng Lê Lợi. Cậu bé cảm thấy đầu óc quay cuồng, hai mắt bỗng tối sầm rồi mất đi tri giác.
Chuyện này quả có thực, có điều mẹ cậu mới nghe lần đầu, chắc chắn khó mà tin được, bà hỏi vặn lại:
– Thế càng vô lý hơn, con ngất xỉu thì sao có thể về nhà được.
– Thật mà mẹ, trước đó con nghe thấy tiếng quát rằng không được hại người rồi con ngất luôn. Khi con tỉnh lại thì con gặp lại cha và cha bảo có một ông lão đã cứu con.
Mẹ cậu nhìn chằm chằm vào mắt cậu rồi nhìn sang trượng phu, ông ấy gật đầu. Bà nghĩ từ trước tới này con mình không bao giờ nói dối. Bây giờ nó kể mạch lạc câu chuyện, lại không hề có biểu hiện lạ thường, chắc hẳn nó không nói dối. Bà lại quay sang hỏi trượng phu:
– Có thật không đấy?
Ông gật đầu, đáp:
– Con mình nói thật đấy, nó bị gã ác nhân đuổi đến gần làng Dựng Tú thì bị hắn ta đánh chưởng vào lưng. May sao có một ông lão đi trong rừng chạy lại cứu giúp. Khi ta đuổi đến tới thì thấy con mình nằm ngất cạnh gốc cây gần đó, còn ông lão thì đang ác chiến với hắn. Hắn thấy ta đến thì hoảng sợ bỏ chạy. Ta lo cho con nên không đuổi theo nữa.
– Đến lúc đấy chàng mới biết lo cho con sao.
Bà hừ một tiếng tức giận, thấy vậy ông lại thở dài, im lặng không nói gì nữa. Căn bản thì bà đã tin chuyện này, dù đang rất tức giận. Bà ngoảnh đầu sang nơi khác, lấy khăn lau nước mắt. Bà thấy trời đã chuyển về hoàng hôn, không tiện làm khó trượng phu nữa nên lảng sang cái khác:
– Được rồi, được rồi, em cũng không muốn làm lớn việc này nữa, chàng và con đi thu dọn đồ đạc, còn em đi nấu bữa cơm chiều.
– Ừ, để ta giúp nàng.
– Không cần đâu, em làm một mình được, còn có thêm mấy đứa trong nhà giúp nữa.
– Hừm… thôi được rồi.

Bà đi vào bếp để chuẩn bị bữa ăn. Lê Lợi nghe theo lời mẹ đi tắm rửa trước đó. Lê Trừ đang định đứng dậy rời đi thì cha chàng gọi lại bảo:
– Trừ, con vào phòng đọc sách với cha nhé.
– Dạ vâng ạ.
Lê Trừ ngạc nhiên, theo cha đi vào phòng. Ông ấy đưa cho chàng một quyển sách bìa xanh. Khi nhìn thấy ba chữ Thiên Cang Khí, chàng vô cùng kinh ngạc.
– Thưa cha, đây là Thiên Cang Khí Công, sao cha lại đưa con ạ?
Cha chàng ngồi xuống ghế và trả lời:
– Việc bé gái nọ và sau đó là em con bị bắt cóc khiến cha suy nghĩ rất nhiều. Thời buổi ngày càng trở nên loạn lạc, nhiều kẻ ác bắt đầu lộng hành khắp nơi. Cha lo một ngày nào đấy sẽ ảnh hướng tới gia đình mình. Vì vậy giờ cha đưa nó cho con mong sao con luyện thành, trước hết để bảo vệ mình, sau đó là những người xung quanh. Con hiểu lời ta nói chứ?
Chàng gật đầu đáp:
– Dạ con đã hiểu rồi ạ.
– Ừ, con cầm lấy mà luyện tập, có gì không hiểu thì cứ hỏi cha, nếu không gặp được cha thì hỏi anh con, nó luyện cũng lâu rồi.
– Dạ, con xin nghe lời cha. Con xin phép cha con ra ngoài ạ.
– Ừ, con đi đi.
Trong bữa ăn, ngoại trừ người con cả của Lê Khoáng là Lê Học vắng mặt vì thăm bạn thì thành viên trong gia đình ông không vì việc buổi chiều mà thiếu ai cả. Dẫu vậy, không khí bữa ăn khó tránh khỏi có chút nặng nề. Lê Trừ thấy vậy, bèn đem câu chuyện quái lạ mà mình đã gặp kể ọi người nghe. Câu chuyện ngay lập tức thu hút sự chú ý của tất cả. Lê Lợi vẫn còn là một đứa trẻ, lần đầu nghe chuyện ly kỳ như vậy, hào hứng hỏi anh trai đủ mọi thứ, ít ra cũng đã xuất hiện tiếng cười đùa. Lê Khoáng thầm thở phào nhẹ nhõm, ông tự nhủ đến tối phải tìm cách làm hoà với thê tử.
Trời chuyển dần sang khuya, gia đình Lê Khoáng bắt đầu nghỉ ngơi. Trong phòng ngủ của hai vợ chồng ông, như dự tính trước đó, hai tiến lại gần vợ, đặt tay lên bờ vai bà nắn bóp nhẹ nhàng. Ông nói nhỏ nhẹ:
– Thương, nàng vẫn còn giận ta sao?
Bà đẩy tay ông ra rồi lẳng lặng đi tới giường ngồi xuống, quay mặt sang nơi khác, tỏ vẻ không chú ý đến ông. Ông thở dài, lại đến ngồi cạnh bà, tiếp tục cố giảng hòa:
– Nàng nói gì đi chứ, đừng im lặng như thế.

Bà vẫn ngồi yên lặng. Ông không chịu thua, bèn vòng tay ôm lấy bà. Bà trừng mắt nhìn ông và giãy dụa muốn thoát ra. Ông càng ôm chặt hơn, đồng thời thì thầm vào tai bà:
– Ta biết ta đã gây ra lỗi lầm rất lớn nên bây giờ ta xin lỗi nàng đây. Nàng cho ta một cơ hội nhé.
Bà biết không thoát được vòng tay của ông, đành ngưng giãy dụa và mở miệng nói:
– Không thể nào, giờ em đang rất giận, đừng mong em tha thứ cho chàng.
– Ta biết, ta biết chứ. Chỉ là lúc đấy ta nghĩ gã cướp chưa có ý hại con mình nên đã ở lại giúp người đàn ông kia cầm máu. Ta đã không nghĩ tới cảm giác của nàng khi biết chuyện này, là lỗi của ta, ta xin lỗi nàng.
Lúc này thì bà không kìm nổi nữa, thế là bao nhiêu uất ức đè nén cả buổi tới giờ tuôn ra ào ạt. Bà vung tay đấm lên ngực ông liên hồi, nức nở:
– Tại sao chàng làm vậy? Tại sao chàng không đuổi theo hắn ngay? Lợi là con của chàng kia mà. Tại sao? Tại sao?…
Ông biết giờ có nói gì cũng vô ích. Ông ôm chặt lấy bà, cứ để cho bà trút hết tức giận, uất ức lên người ông. Sau hồi lâu, khi mọi bực tức, muộn phiền đã được trút ra hết, bà cũng nguôi giận phần nào. Ông mới bắt đầu nói lại:
– Nàng đỡ hơn chút nào chưa?
Bà lại lẳng lặng không đáp. Ông bật cười, lau khô nước mắt cho bà rồi thủ thỉ:
– Được rồi, được rồi, nàng tha thứ cho ta nhé?
Bà hừ một tiếng đáp:
– Chưa, em vẫn rất giận chàng.
Thực ra bà chỉ tỏ vẻ ngoài mặt vậy thôi chứ thực ra cũng đã tha thứ cho ông, bởi dẫu sao chuyện đã qua rồi, bà không muốn vì thế mà hai phu thê bất hòa. Ông cười cười:
– Ừ, ừ, không tha thứ thì không tha thứ.
Bà bĩu môi bất mãn rồi dựa vào người ông. Kể cũng thú vị, đây rõ ràng là cảnh đang giận nhau của đôi phu thế mới cưới, nào phải là cặp phu thê đã gần ngũ tuần như hai người. Ông bà ôm nhau trong yên lặng như thế một chốc rồi ông đỡ bà từ từ nằm xuống. Bá ngạc nhiên hỏi:
– Chàng muốn làm gì?
– Thì ngủ chứ làm gì.
Bà trừng to mắt nhìn ông:
– Ngủ nghỉ gì chứ, em chưa muốn ngủ.
Ông bật cười:

– Thì nên đi ngủ thôi chứ có gì đâu.
Ông thổi tắt đèn, sau đó lên giường nằm xuống cạnh bà. Thấy ông hình như đang suy nghĩ gì đó đến ngẩn người ra, bà lấy làm lạ, bèn hỏi:
– Chàng đang nghĩ gì thế?
– À không, ta không nghĩ gì cả.
– Chàng đừng giấu em, em biết rõ chàng đang nghĩ đến chuyện vừa qua.
– Hừm, đúng lá không có gì giấu được nàng. Ta đang nghĩ đến những người mới làm quen mấy ngày qua. Ta không ngờ đều là những người có vai vế lớn.
– Ồ, những ai vậy ạ?
– Đầu tiên là cha cô bé bị bắt cóc, tên của ông ấy là Trịnh Quốc Đạt, theo như uy tín của ông ấy thì có thể xem ông ấy là hào trưởng ở Thuỷ Chú đấy.
Bà kinh ngạc, nghiêng người hỏi:
– Sao cơ? Là hào trưởng ở Thuỷ Chú ư? Sao em chưa nghe bao giờ nhà ngoại nhắc đến người này.
– Cũng tại chúng ta chưa quan tâm nhiều đến những vùng xung quanh thôi.
– Ừ, có lẽ chàng nói đúng, em nghĩ chúng ta nên tìm hiểu một chút.
– Ừ. À rồi cả hào trưởng của làng Dựng Tú là Lê Kiều nữa, ông ta rất giỏi đấy. Những người đó đáng để chúng ta kết giao.
– Vâng.
Bỗng bà xoay người gối đầu lên tay ông, rồi thủ thỉ nhẹ nhàng:
– À mà chàng này, lúc nào đấy phu thê chúng ta phải đến gặp ông cụ nọ để trả ân ông ấy đã cứu con chúng ta.
– À, ông cụ…
Nhắc tới ông cụ đã cứu Lê Lợi, vẻ mặt ông đột nhiên thay đổi hẳn, trở nên buồn bã hơn rất nhiều. Bà nhận ra sự thay đổi này rất dễ, bà hỏi:
– Chàng sao thế? Sao tự dưng lại buồn vậy?
Ông thở dài, im lặng giây lát rồi trả lời:
– Ta cũng muốn như nàng lắm chứ nhưng… tiếc là ông ấy đã… tạ thế rồi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.