Câu lạc bộ Dumas

Chương 15- Phần 2


Đọc truyện Câu lạc bộ Dumas – Chương 15- Phần 2

Fargas sau một hồi lục lọi trong tủ đã quay lại với một cái ly và một chai Rémy Martin. Lão soi nó ra ngoài sáng để xem bên trong.
“Rượu tiên của Chúa,” lão nói với vẻ đắc ý. “Hay là con quỷ.” Chỉ có cái miệng lão cười, bộ ra uốn éo giống như một ngôi sao điện ảnh quá thì. Hai mắt với cái bọng bên dưới – giống như người mất ngủ kinh niên – không hề động đậy, không chút biểu cảm. Corso để ý đôi tay thanh mảnh của lão – dấu hiệu con nhà dòng dõi – khi đưa tay tiếp ly brandy. Cái ly khẽ run khi gã đưa lên môi.
“Ly đẹp,” gã nói để bắt đầu câu chuyện.
Fargas đồng ý rồi làm một cử chỉ nửa tự giễu nửa cam chịu, ngầm chỉ một cách lý giải khác về toàn thể: cái ly, chút rượu brandy trong chai, ngôi nhà trống trơn, sự hiện diện của chính lão. Một bóng ma mệt mỏi, xanh xao và lịch thiệp.
“Tôi chỉ còn một cái ly nữa thôi,” lão thổ lộ bằng một giọng đều đều không sắc thái. “Vì thế mới phải giữ cẩn thận.”
Corso gật đầu. Gã liếc nhìn bức tường trống rồi quay lại với những cuốn sách.
“Hẳn đây từng là một ngôi nhà đẹp.” gã nói.
Fargas nhún vai. “Phải. Nhưng các gia tộc cổ giống như những nền văn minh. Một ngày nào đó chúng sẽ tàn lụi và chết.” Lão thẫn thờ nhìn quanh. Mọi đồ vật thất lạc dường như tái hiện trong đáy mắt lão. “Đầu tiên người ta phải cầu cứu lũ mọi bảo vệ phòng tuyến Danube, nhưng chuyện đó khiến bọn mọi giàu lên rồi cuối cùng trở thành chủ nợ… Rồi tới một ngày chúng nổi loạn và xâm chiếm, cướp sạch mọi thứ…” Đột nhiên lão nghi ngờ nhìn chằm chằm vào mặt khách. “Hy vọng ông hiểu tôi muốn nói gì.”
Corso gật đầu, trình diễn nụ cười đồng lõa dễ coi nhất của gã. “Tuyệt vời,” gã nói. “Giày ống đóng đinh nghiến nát đồ sứ Saxon. Phải thế không? Đầy tớ mặc đồ dạ hội. Lũ nhà quê mới nổi chùi mông trên bản thảo có minh họa.”
Fargas gật đầu thừa nhận. Lão khập khiễng bước lại bên tủ buýp phê tìm cái ly kia. “Tôi còn một chai brandy nữa,” lão nói.
Họ im lặng uống, nhìn nhau như hai thành viên của một hội kín vừa trao đổi xong mật hiệu cùng khẩu lệnh. Rồi nhích lại gần đống sách hơn, Fargas làm điệu bộ bằng bàn tay cầm ly, tựa như Corso chỉ mới thông qua thử thách ban đầu và lão còn muốn gã vượt qua một rào chắn vô hình nữa.
“Chúng đấy. Tám trăm ba mươi tư cuốn. Gần một nửa là vô giá.” Lão nhấp chút rượu rồi lấy đầu ngón tay vạch lên bộ ria ẩm ướt, đoạn đưa mắt ngó quanh. “Đáng tiếc là ông không thấy chúng trong những ngày huy hoàng, khi chúng xếp hàng trên những giá sách bằng gỗ tuyết tùng… Tôi đã cố sưu tầm được năm ngàn cuốn. Đây là số còn sót lại.”
Corso đặt cái túi vải xuống sàn rồi bước lại phía đống sách. Những ngón tay gã run rẩy khát khao theo bản năng. Thật là một cảnh tượng tráng lệ. Gã sửa lại kính và ngay lập tức trông thấy một bản Vasari khổ quarto xuất bản lần đầu năm 1588, cùng cuốn Tractatus của Berengario de Carpi bằng giấy da dê.

“Tôi không bao giờ tưởng tượng được bộ sưu tập Fargas, có tên trong tất cả mọi thư mục, lại được bảo quản như thế này. Chồng đống trên sàn, áp vào tường, trong một ngôi nhà trống…”
“Đời là thế, bạn ạ. Nhưng để thanh minh tôi phải nói rằng tất cả đều trong tình trạng tuyệt hảo. Tôi giữ chúng thật sạch và bảo đảm thông gió. Tôi không để côn trùng hay loài gặm nhấm đụng vào chúng, không để chúng bị tác động bởi ánh sáng, nhiệt độ và hơi ẩm. Thực sự là cả ngày tôi không làm gì khác ngoài những việc như thế.”
“Chuyện gì xảy ra với số còn lại?”
Fargas nhìn ra cửa sổ, tự hỏi mình chính câu hỏi ấy. Lão nhíu mày. “Ông có thể hình dung thế này,” lão trả lời, và khi lão quay lại Corso trông lão thật tội nghiệp. “Ngoài ngôi nhà và vài thứ đồ đạc, cùng với thư viện của cha tôi, tôi chỉ thừa hưởng những món nợ. Bất cứ khi nào có chút tiền, tôi đều mua sách. Khi những khoản tiết kiệm đã tiêu tán hết, tôi tống đi các thứ khác – tranh, đồ gỗ, đồ sứ. Tôi nghĩ ông biết thế nào là một người sưu tầm sách điên cuống. Nhưng tôi bị ám ảnh đến bệnh hoạn. Tôi đau khổ vô cùng khi nghĩ đến bộ sưu tập của mình sẽ tan nát.”
“Tôi biết những người như thế.”
“Thật sao?” Fargas hứng thú nhìn gã. “Tôi vẫn ngờ rằng ông không thể hình dung nó thế nào. Tôi thường trở dậy giữa đêm khuya, lang thang như kẻ mất hồn nhìn những cuốn sách. Tôi nói chuyện với chúng, vuốt ve chúng, thề chăm sóc chúng cả đời… Nhưng tất cả chẳng ích gì. Một hôm tôi quyết định biến hầu hết thành vật hy sinh, chỉ giữ lại những cuốn có giá trị nhất, những cuốn yêu quý nhất. Ông hay bất kỳ ai sẽ chẳng bao giờ hiểu được cái cảm giác khi để bầy kền kền cắn xé bộ sưu tập của mình nó ra sao đâu.”
“Tôi có thể tưởng tượng được,” Corso nói, không hứng thú chút nào với câu chuyện của lão.
“Có thể à? Tôi không nghĩ vậy. Cả triệu năm nữa cũng không thể. Tôi mất hai tháng để từ giã chúng. Sáu mươi mốt ngày đau khổ và một trận ốm gần chết. Cuối cùng họ tới mang chúng đi, tôi tưởng mình phát điên. Tôi nhớ như thể mới ngày hôm qua, mặc dù đã mười hai năm rồi.”
“Còn bây giờ?”
Fargas chìa cái ly như thể nó là một biểu tượng.
“Giờ thì thỉnh thoảng tôi lại đành phải tính chuyện bán sách. Không phải vì cần lắm. Mỗi tuần một lần có người tới làm vệ sinh, đồ ăn thì mua trong làng. Hầu hết tiền là để trả thuế của chính quyền đánh vào ngôi nhà này.”
Lão phát âm chữ chính quyền như thể nói về một đám bại hoại. Corso tỏ vẻ đồng cảm, lại nhìn những bức tường trống. “Ông có thể bán nó đi.”

“Phải,” Fargas đồng ý với vẻ dửng dưng. “Có những điều ông không hiểu.”
Corso cúi xuống nhặt một cuốn khổ folio đóng bằng da dê rồi giở lướt qua đầy hứng thú. De Symmetria của Dũrer, Paris 1557, in lại theo cuốn xuất bản lần đầu bằng tiếng Latinh ở Nuremberg. Còn rất tốt, lề để rộng. Flavio la Ponte sẽ phát rồ nếu nhìn thấy nó. Là ai thì cũng phải phát rồ với nó.
“Thường thì trong bao lâu ông phải bán sách một lần?”
“Hai hoặc ba năm là đủ. Sau khi rà soát kỹ lướng, tôi chọn một cuốn để bán. Đó là nghi lễ tôi nói đến lúc mở cửa cho ông. Tôi có một khách mua, đồng hương của ông. Anh ta đến đây mỗi năm vài lần.”
“Tôi có biết anh ta không?” Corso hỏi.
“Không rõ,” Fargas trả lời, cũng không nói ra tên người đó. “Thực tình tôi đoán đợt này anh ta có thể tới bất cứ ngày nào. Khi ông tới, tôi đang chuẩn bị chọn một nạn nhân…” Lão dùng bàn tay mảnh mai làm động tác như cái máy xén giấy, miệng cười ủ rũ. “Một người chết để những người khác được sống cùng nhau.”
Corso nhìn lên trần, như thường lệ làm một phép so sánh. Abraham, với một vết rách sâu trên mặt, đang cố hết sức giằng lại bàn tay cầm con dao. Thiên thần dùng một bàn tay giữ chặt tay Abraham, bàn tay kia trỏ vào mặt ông quở trách thậm tệ. Bên dưới lưỡi dao, Isaac kê đầu trên một tảng đá chờ đợi, cam chịu số mệnh. Chàng trai tóc vàng hai má hồng hồng này trông như một người Hy Lạp trẻ tuổi không bao giờ biết nói không. Xa xa có một con cừu đang cố thoát khỏi đám bụi gai, và Corso ngầm biểu quyết tự do cho nó.
“Tôi nghĩ ông không còn lựa chọn nào khác,” gã nhìn thẳng vào mặt Fargas nói.
“Nếu có thì tôi đã tìm ra nó.” Fargas cười cay đắng. “Nhưng con sư tử thì đòi chia phần, lũ cá mập cũng ngửi thấy mùi. Đáng tiếc là không còn ai như công tước d’Artois, vua nước Pháp. Ông biết chuyện này không? Vị hầu tước già de Paulmy, người sở hữu sáu mươi ngàn cuốn sách, lâm vào phá sản. Để trả nợ, ông bán bộ sưu tập của mình cho công tước d’Artois. Nhưng ngài công tước ra điều kiện rằng ông già ấy phải giữ gìn chúng đến khi chết. Bằng cách ấy Paulmy có tiền mua sách bổ sung cho bộ sưu tập, mặc dù nó không còn là của ông ta nữa…”
Lão đút tay vào túi, bước thấp bước cao men theo những chồng sách, xem kỹ từng cuốn, giống như ngài thống chế Montgomery đi duyệt đội ngũ của mình ở El Alamein.
“Đôi khi tôi còn không dám đụng vào hay giở chúng ra nữa.” Lão dừng bước cúi xuống sắp lại một cuốn sách cho thẳng hàng trên tấm thảm cũ. “Tất thảy những việc tôi làm là phủi bụi và nhìn chúng trừng trừng hàng giờ. Tôi biết đến từng chi tiết nhỏ bên trong mỗi cuốn. Coi cuốn này đi: De Revolutionis celestium, Nicholas Copernicus, xuất bản lần thứ hai ở Basle, 1566. Một thứ vớ vẩn, ông không nghĩ vậy chứ? Giống như Polyglot của người đồng hương Cisneros với ông, và cuốn Cronicarum in ở Nurmeberg. Hãy xem cuốn folio nom lạ mắt bên kia: Praxis criminis persequendi của Simon de Coline, 1541. Hay cuốn được đóng theo kiểu tu viện với bốn dải băng nổi và những vấu lồi bên đó. Ông biết bên trong là gì không? The Golden Legend của Jacobo de la Voragine, Basle, 1493, do Nicholas Kesler in.”

Corso lật nhanh The Golden Legend. Một ấn bản đẹp tuyệt vời, lề cũng để rất rộng. Thận trọng trả nó lại chỗ cũ, gã đứng lên, lấy khăn tay lau cái ly. Nó có thể khiến một người trầm tĩnh nhất toát mồ hôi.
“Hẳn ông điên rồi. Nếu bán tất cả chỗ này, ông sẽ chẳng còn vấn đề gì về tiền nong nữa.”
“Tôi biết.” Fargas cúi xuống chỉnh lại một cuốn sách hầu như không thấy lệch khỏi vị trí. “Nhưng nếu bán hết chúng đi, tôi đâu còn lý do dể tiếp tục sống. Vì vậy tôi chẳng để ý là có hay không có vấn đề tiền bạc.”
Corso trỏ một cuốn nằm giữa một hàng sách trong tình trạng rất tệ. Có mấy cuốn sách in từ thời kỳ sơ khai và mấy bản viết tay. Từ cách đóng bìa có thể thấy chẳng có cuốn nào chào đời sau thế kỷ mười tám.
“Ông có rất nhiều truyện hiệp sĩ cổ.”
“Phải. Cha tôi để lại. Ám ảnh suốt đời ông là kiếm đủ chín mươi lăm cuốn trong bộ sưu tập Don Quijote, đặc biệt là những cuốn bị nhà thờ loại bỏ. Ông để lại cho tôi cuốn Don Quijote lạ lùng ở bên kia, cạnh bản in đầu tiên cuốn Os Lusiadas. Đó là bộ bốn tập của nhà Ibarra năm 1789. Ngoài những bức minh họa tương ứng, còn có thêm sáu bức tranh màu nước in ở Anh vào nửa đầu thế kỷ mười tám và một bản facsimile giấy khai sinh của Cervantes in trên giấy hảo hạng. Mỗi người có một nỗi ám ảnh riêng. Trong trường hợp cha tôi, một nhà ngoại giao sống nhiều năm ở Tây Ban Nha, mọi nỗi ám ảnh với ông đều xoay quanh Cervantes. Ở một số người đó là một chứng cuồng. Họ không chấp nhận công việc phục chế, ngay cả khi nó không lưu lại dấu vết gì, hoặc họ sẽ không mua một cuốn sách được xếp hạng quá năm mươi… Đam mê của tôi, như ông thấy, là những cuốn sách nguyên gốc. Tôi sục sạo khắp các quầy sách và các phòng đấu giá, thước kẻ trên tay, bàng hoàng rủn gối mỗi khi tìm thấy một cuốn còn nguyên, chưa bị đào bới. Ông đã đọc câu chuyện hài hước của Nodier về người sưu tầm sách chưa? Chuyện xảy ra với tôi đúng như thế. Tôi sẵn lòng bắn chết bất kỳ một tay thợ đóng sách nào nếu hắn dùng máy xén giấy quá vụng. Tôi cực kỳ hạnh phúc nếu phát hiện một bản in để lề rộng hơn hai milimet so với thứ được mô tả trong các thư mục chuẩn.”
“Tôi cũng sẽ làm thế.”
“Vậy thì xin có lời khen. Hoan nghênh người anh em.”
“Chớ vội thế. Thực chất tôi quan tâm nhiều đến kinh tế hơn là mỹ học.”
“Không sao hết. Tôi ưa ông. Tôi tin là khi đến với sách, đạo lý thông thường không tồn tại nữa.” Lão đứng từ phía bên kia căn phòng nghiêng đầu về phía Corso mà nói như đang thổ lộ tâm tình. “Ông biết không? Người Tây Ban Nha các ông có câu chuyện về một người bán sách ở Barcelona phạm tội giết người. Là tôi thì tôi cũng có thể giết người vì một cuốn sách.”
“Tôi không khuyên ông làm chuyện đó. Đó chỉ là khởi đầu. Giết người chẳng có vẻ là chuyện gì ghê gớm, nhưng rồi ông sẽ phải dối trá suốt đời, như đi bỏ phiếu bầu cử chẳng hạn.”
“Ngay cả bán đi những cuốn sách của chính mình.”
“Ngay cả như vậy.”
Fargas buồn bã lắc đầu. Lão nhăn nhó đứng như vậy một hồi. Rồi lại gần soi mói nhìn Corso một lúc.

“Điều gì dắt dẫn chúng ta,” sau cùng lão nói, “tới với những vấn đề khiến tôi lao tâm khổ tứ khi ông rung chuông cửa… Mỗi lần phải đương đầu với chuyện này, tôi thấy mình như một nhà tu hành từ bỏ đức tin. Ông có ngạc nhiên không khi tôi buộc phải nghĩ nó như một điều báng bổ?”
“Không gì hết. Tôi nghĩ nó đúng là như thế.”
Fargas đau khổ vặn vẹo hai tay. Lão nhìn quanh căn phòng trống và đống sách trên sàn, rồi quay lại nhìn Corso. Nụ cười của lão có vẻ đầy gượng gạo.
“Phải. Báng bổ chỉ có thể biện hộ bằng đức tin. Chỉ một tín đồ mới cảm được tầm vóc kinh khủng của hành vi đó. Chúng ta không cảm thấy khiếp sợ khi xúc phạm một tín ngưỡng mình không quan tâm. Giống như một kẻ vô thần buông lời bất kính. Thật ngớ ngẩn.”
Corso đồng ý. “Tôi biết ông muốn nói gì. Như Julian the Apostate[5] gào lên, Ngươi thắng rồi, O Galilean.”
[5] Julian the Apostate: Hoàng đế La Mã ngoại đạo cuối cùng. Đồn rằng đây là lời cuối của hoàng đế trước khi chết. Ngụ ý là sau khi ông chết Cơ Đốc giáo sẽ trở thành đạo giáo chính thống của đế quốc.
“Tôi không quen câu này lắm.”
“Có thể nó được ngụy tạo. Một trong hai anh em Marist thường trích dẫn nó hồi tôi còn đi học. Ông ta muốn cảnh cáo bọn tôi không được nghĩ ngợi vẩn vơ. Julian kết thúc cuộc đời trên chiến trường vì bị trúng tên mất máu, nhổ máu vào một thiên đường không có Chúa.”
Fargas thừa nhận, như thể những chuyện đó hết sức gần gũi với lão. Có gì đó bối rối trong cái nhếch mép là lạ của lão, trong ánh mắt chằm chằm của lão.
“Bây giờ tôi cảm thấy như vậy đó,” lão nói. “Tôi trở dậy vì không ngủ được. Tôi đứng ở chỗ này, quyết định làm một việc bất kính khác.” Trong khi nói lão dịch lại gần Corso, gần đến mức gã chỉ muốn lùi lại một bước. “Làm một điều tội lỗi, chống lại chính mình và chống lại chúng… Tôi chạm vào một quyển sách, rồi đổi ý chọn cuốn khác, rồi lại trả về chỗ cũ… Tôi phải hy sinh một cuốn để những cuốn khác được sống, bẻ gãy một cành để giữ lại cả cây…” Lão giơ cao tay phải. “Tôi thà mất đi một ngón tay.”
Tay lão run run khi làm cử động này. Corso gật đầu. Gã biết cách lắng nghe. Đó là một phần của công việc. Thậm chí gã có thể hiểu. Nhưng không tham gia. Chuyện đó không liên quan tới gã. Như Varo Borja đã nói, gã là lính đánh thuê, và gã phải trả tiền cho các cuộc viếng thăm này. Cái Fargas cần bây giờ là một linh mục để xưng tội, hay là một bác sĩ tâm lý.
“Không ai trả tiền cho ngón tay của người sưu tầm sách cũ,” Corso nhẹ nhàng nói.
Câu đùa chìm nghỉm trong ánh mắt trống rỗng mênh mông của Fargas. Cái nhìn của lão xuyên qua gã. Trong đôi con ngươi giãn ra và ánh mắt thẫn thờ của lão chỉ có những cuốn sách.
“Vậy tôi phải chọn cuốn nào đây?” Fargas tiếp tục. Corso móc một điếu thuốc đưa cho lão, nhưng Fargas không nhận ra. Chìm đắm, miên man, lão chỉ lắng nghe chính lão, không nhận thức bất cứ thứ gì ngoài tâm cảm đầy đớn đau dằn vặt của mình. “Sau khi nghĩ ngợi khá nhiều, tôi đã chọn được hai cuốn thích hợp.” Lão nhặt hai cuốn sách trên sàn đặt lên bàn. “Ông nghĩ sao?”


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.