Đọc truyện Câu lạc bộ Dumas – Chương 14- Phần 1
VII. CUỐN SÁCH SỐ MỘT VÀ CUỐN SÁCH SỐ HAI
Thực ra quỷ luôn luôn ranh mãnh.
Thực ra không phải lúc nào nó cũng xấu xí như người ta nói.
J. Cazotte, CON QUỶ ĐANG YÊU.
Chỉ còn vài phút là tới giờ xuất phát của chuyến tàu tốc hành đi Lisbon, gã nhìn thấy cô gái. Corso đứng trên sân ga, chuẩn bị leo lên toa – PANHIA INTERNACIONAL DE CARRUAGEMS-CAMAS – thì chợt va phải cô trong đám hành khách xô đẩy nhau về phía mấy toa hạng nhất. Cô đeo một cái túi nhỏ và vẫn mặc cái áo len thô màu xanh, nhưng lúc đầu gã không nhận ra. Gã chỉ có cảm giác đôi mắt xanh nhạt gần như trong suốt và mái tóc rất ngắn hình như quen quen. Gã nhìn theo tới khi cô biến mất ở đằng sau cách gã hai toa. Tiếng còi tàu nổi lên. Khi đã leo lên tàu và người gác sập cửa sau lưng gã, Corso mới nhớ ra: người con gái ngồi đầu bên kia bàn trong buổi tụ tập của Boris Balkan với nhóm của ông ta trong quán cà phê.
Gã đi dọc theo hành lang tới khoang của mình. Những ngọn đèn nhà ga trôi qua mỗi lúc một mau ngoài cửa sổ, còn con tàu cứ kêu lách cách nhịp nhàng. Khó nhọc lách qua những khoang tàu chật hẹp, gã treo cái áo choàng và áo khoác trước khi ngồi lên giường, đặt cái túi vải bên cạnh. Bên trong túi, ngoài Chín cánh cửa và tệp bản thảo Dumas còn có cuốn sách của Les Cases, Hồi ký đảo Sainte Hélène:
Thứ sáu, mười bốn tháng Bảy năm 1816. Suốt đêm hoàng đế khó chịu trong người…
Gã châm một điếu thuốc. Thỉnh thoảng, khi ánh sáng ngoài cửa sổ quét qua lại trên mặt, gã liếc nhìn ra ngoài rồi quay lại với chuyện kể về cơn hấp hối kéo dài của Napoléon và sự quỷ quyệt của viên giám ngục người Anh, Sir Hudson Lowe. Gã cau mày đọc, chỉnh lại cặp kính trên sống mũi. Đôi lần gã ngừng đọc nhìn chằm chằm bóng mình trên kính cửa sổ mà nhăn mặt làm trò với chính mình. Tới tận bây giờ gã vẫn thấy phẫn nộ với những kẻ chiến thắng đã áp đặt kết cục bi thảm cho con người vĩ đại thất thế kia, giam cầm ông trên hòn đảo nhỏ giữa Đại Tây Dương. Thật lạ, khi rà soát những sự kiện lịch sử và những cảm giác trước đây của gã về chúng từ góc nhìn toàn diện và sáng sủa của gã hiện giờ. Cái gã Lucas Corso từng kính cẩn chiêm ngưỡng thanh kiếm của người cựu chiến binh Waterloo trở nên xa xăm làm sao; cái gã trai hấp thụ những chuyện hoang đường của dòng họ với lòng nhiệt thành đến hung hăng, tín đồ từ bé của Bonaparte, độc giả cuồng nhiệt của những cuốn sách có tranh khắc minh họa những chiến dịch vinh quang, những cái tên vang rền như trống trận: Wagram, Jena, Smolensk, Marengo… Gã trai nhẹ dạ ấy đã thôi tồn tại lâu rồi; linh hồn mờ mịt của hắn thỉnh thoảng lại hiện ra trong ký ức của Corso, giữa những trang sách, trong một thứ mùi hay một âm thanh, hoặc xuyên qua cửa sổ tối đen trong cơn mưa đêm từ một miền xa ập tới.
Người soát vé rung chuông cửa, cho gã biết nửa giờ nữa toa ăn sẽ đóng cửa. Corso gập sách lại. Gã mặc áo khoác, quàng túi lên vai, đi ra ngoài. Đến cuối hành lang, một ngọn gió lùa dọc suốt lối đi dẫn tới toa giường nằm bên cạnh. Gã cảm thấy tiếng động ầm ầm dưới chân khi xuyên qua toa hạng nhất. Né mình nhường mấy hành khách đi qua, gã nhìn vào khoang bên cạnh, khách chỉ có chừng một nửa. Cô gái ở đó, bên cạnh cửa, áo len, quần jean, bàn chân không giày gác lên chỗ ngồi đối diện. Cô rời mắt khỏi cuốn sách, ngước lên khi gã qua, mắt họ gặp nhau. Gần như gã đã gật đầu với cô, nhưng thấy đối phương không tỏ vẻ nhận ra mình, gã lại thôi. Hẳn cô cảm thấy gì đấy, vì cô nhìn gã với vẻ dò hỏi. Nhưng lúc này gã đã tiếp tục đi về cuối hành lang.
Gã ngồi ăn bữa tối, người đu đưa theo nhịp lắc của con tàu, trước khi toa ăn đóng cửa gã còn kịp uống một cốc cà phê và một cốc gin. Bên ngoài, vầng trăng mang theo cái quầng như làm bằng tơ sống lơ lửng giữa trời. Những cột điện thoại lướt nhanh trên cánh đồng đen sẫm, loang loáng lên khung cho một chuỗi hình ảnh tĩnh phát ra từ một cái máy chiếu chỉnh tồi.
Trên đường trở lại chỗ nằm, gã gặp cô gái ngoài hành lang toa hạng nhất. Cô mở cửa sổ, mặc cho làn gió đêm lạnh lẽo tạt vào mặt. Khi gã tới gần lách người qua, cô chợt xoay lại đối diện với gã.
“Em biết ông,” cô nói.
Ở gần đôi mắt xanh còn nhạt hơn, giống như bằng tinh thể lỏng tỏa sáng trên làn da rám nắng. Bây giờ mới là tháng Ba, thế nhưng, với mái tóc ngắn rẽ ngôi như một gã trai, làn da nâu khiến cô trông khác thường, dáng khỏe mạnh thể thao, khó dò một cách đáng yêu. Dáng cao, mảnh khảnh, mềm mại. Và rất trẻ.
“Phải,” Corso đáp rồi ngừng lại một chút. “Mấy bữa trước, ở quán cà phê.”
Cô mỉm cười. lại một tương phản khác, lần này là giữa hàm răng trắng và nước da nâu. Miệng cô rộng, đường nét rõ ràng. Một cô nàng xinh đẹp. Flavio La Ponte hẳn sẽ quệt bộ ria xoắn mà nói vậy.
“Ông là người đã hỏi về d’Artagnan.”
Làn gió mát từ ngoài cửa sổ thổi bay tóc cô. Đôi chân vẫn không mang giày. Cái túi đeo màu trắng nằm trên sàn bên cạnh chỗ ngồi trống của cô. Gã liếc nhìn theo bản năng cuốn sách nằm đó: Những chuyện phiêu lưu của Sherlock Holmes. Một cuốn rẻ tiền bìa mềm, gã nhận xét. Sách in ở Mexico, nhà Porrua phát hành.
“Rồi cô sẽ bị lạnh đấy,” gã nói.
Miệng vẫn mỉm cười, cô gái lắc đầu, nhưng vẫn xoay tay nắm đóng cửa sổ lại. Corso đã chuẩn bị đi tiếp lại dừng tìm một điếu thuốc. Theo thói quen, gã moi điếu thuốc từ trong túi đặt lên miệng, song chợt nhận ra cô đang nhìn mình.
“Cô hút thuốc không?” gã ngập ngừng hỏi, tay dừng lại nửa chừng.
“Thỉnh thoảng.”
Gã cắm điếu thuốc vào miệng rồi móc ra một điếu khác. Một điếu thuốc đen, không đầu lọc, nhàu nát như mọi thứ trên mình gã. Cô cầm lấy, lật tìm nhãn hiệu. Rồi cúi người về phía Corso châm thuốc sau khi gã châm điếu của mình bằng que diêm cuối cùng trong bao.
“Nặng thật,” cô nói và nhả ngụm khói đầu tiên trong miệng ra, nhưng không có biểu hiện gì thái quá như Corso nghĩ. Cô có kiểu cầm thuốc khá lạ bằng ngón cái và ngón trỏ, để điếu thuốc cháy chìa ra ngoài. “Ông ở toa này à?”
“Không, toa bên cạnh.”
“Ông thật may vì có giường nằm.” Cô vỗ vào túi quần jean, ý chỉ một ví tiền rỗng. “Ước gì em cũng có. May mà trong toa ít người.”
“Cô là sinh viên à?”
“Gần như thế.”
Tàu kêu ầm ầm khi vào đường hầm. Cô gái quay lại, như thể bóng đêm ngoài đó khiến cô chú ý. Bồn chồn và nhạy bén, cô tựa đầu lên cái bóng của chính mình trên cửa sổ. Có vẻ như đang mong đợi gì đó từ luồng gió reo ù ù bên ngoài. Rồi, khi con tàu ló ra ngoài và những ngọn đèn nhỏ lại tiếp tục phết lên màn đêm như những vệt bút lông mỗi khi tàu đi qua, cô mỉm cười, xa vắng.
“Em yêu những con tàu,” cô nói.
“Tôi cũng thế.”
Cô gái vẫn quay ra, mấy ngón tay khẽ chạm vào cửa sổ. “Hãy tưởng tượng,” cô nói và mỉm cười lưu luyến, rõ ràng đang nhớ lại thứ gì đó. “Ra đi từ Paris buổi tối để rồi thức dậy trên eo Venice, đường đi Istanbul…”
Corso nhíu mày. Cô ấy bao tuổi rồi? Mười tám, nhiều nhất là hai mươi.
“Chơi bài xì,” gã đề xuất, “giữa Calais và Brindisi.”
Cô nhìn gã chăm chú hơn.
“Không tệ.” Cô nghĩ một chút. “Sâm banh cho bữa sáng giữa Vience và Nice?”
“Hấp dẫn đấy. Giống như đi rình coi Basil Zaharoff.”
“Hay làm một chầu túy lúy với Nijinsky.”
“Cuỗm ngọc trai của Coco Chanel.”
“Tán tỉnh Paul Morand… hay ngài Barnabooth.”
Họ bật cười, Corso với nụ cười thì thào, còn cô cười cởi mở, trán vẫn áp lên lớp kính cửa lạnh lẽo. Tiếng cười của cô to, giòn giã, thẳng thắn, nghe như con trai, rất hợp với mái tóc và đôi mắt xanh sáng rực.
“Tàu không còn được thế nữa,” gã nói.
“Em biết.”
Ánh đèn từ một trạm tín hiệu vụt qua như một tia chớp. Tiếp đến là một sân ga vắng vẻ sáng lờ mờ với một biển tên không đọc được vì tàu đi nhanh. Mặt trăng trên cao đôi lúc soi tỏ đường nét lộn xộn của cây cối và các mái nhà. Tựa như chúng đang cùng con tàu lao vào một cuộc đua điên rồ không có đích.
“Ông tên gì?”
“Corso. Còn cô?”
“Irene Adler.”
Gã nhìn cô chăm chú, cô lặng yên tiếp nhận ánh mắt soi mói.
“Không giống một cái tên riêng cho lắm.”
“Corso cũng vậy thôi.”
“Cô nhầm. Tôi là Corso[1]. Kẻ lang bạt.”
[1] Corso là tên một loài chó săn gốc Ý.
“Ông không giống một người lang thang khắp đó đây. Ông có vẻ trầm lặng.”
Gã hơi nghiêng đầu nhìn đôi bàn chân trần của cô gái trên sàn. Gã chắc cô cũng đang nhìn gã chăm chú, dò xét. Khiến gã cảm thấy không thoải mái. Điều đó không bình thường. Cô quá trẻ, gã tự nhủ. Và quá quyến rũ. Bất giác gã sửa lại cặp kính cong rồi nhích người rời đi.
“Chúc chuyến đi vui vẻ.”
“Cảm ơn.”
Gã đi mấy bước, biết rằng cô vẫn đang nhìn mình.
“Có lẽ ta sẽ gặp nhau đâu đó,” cô nói với theo.
“Có thể.”
Không thể. Đó là gã Corso khác kia, kẻ đang trên đường về, lòng đầy lo âu, quân đoàn Thần thánh sắp vùi tan trong tuyết. Ngọn lửa cháy thành Mạc Tư Khoa nổ lách tách theo bước chân gã. Gã không thể để thế, vì vậy gã dừng bước rồi quay lại. Và khi gã quay lại, gã mỉm cười như con sói đói.
“Irene Adler,” gã nhắc lại, cố gắng nhớ lại. “Study in Scarlet?”
“Không,” cô đáp. “Một vụ bê bối ở Bohemia.”[2] Bây giờ cả cô cũng cười, cặp mắt xanh như những viên ngọc lục bảo sáng rực trong ánh sáng nhợt nhạt ở hành lang. “The Woman, ông bạn Watson thân mến của em ạ.”
[2] A study in Scarlet, A scandal in Bohemia: hai truyện trinh thám của Conan Doyle.
Corso vỗ trán như chợt nhớ ra.
“Lớp một,” gã nói. Và gã chắc họ sẽ gặp lại nhau.
***
Gã chỉ ở lại Lisbon không tới năm mươi phút. Vừa đủ để di chuyển từ ga Santa Apolónia tới ga Rossio. Một giờ rưỡi sau gã bước xuống sân ga Sintra, dưới bầu trời đầy những tảng mây thấp làm nhòa đi những ngọn tháp xám u buồn của lâu đài Da Pena trên ngọn đồi xa. Không thấy chiếc taxi nào, gã đành đi bộ tới khách sạn nhỏ có hai ống khói lớn đối diện với Điện National. Lúc này là mười giờ sáng ngày thứ Tư, quanh khu dạo mát không thấy bóng khách du lịch và xe ngựa chở khách. Gã dễ dàng thuê được một buồng trông ra một vùng đất thấp cao lổn nhổn, nơi có những ngọn tháp và mái nhà cổ kính nhô lên trên những tàng cây dày đặc, những khu vườn tàn lụi ngạt thở dưới những búi cây thường xuân.
Sau khi tắm vòi sen và uống ly cà phê, gã hỏi thăm Quinta da Soledade, người tiếp tân liền chỉ cho gã, đi ngược con đường lên là tới. Vẫn không có chiếc taxi nào, nhưng có mấy chiếc xe ngựa. Corso mặc cả giá và mấy phút sau gã đã lướt qua bên dưới những đường diềm hoa mỹ của tòa tháp đá Regaleira. Tiếng vó ngựa dội lại từ những bức tường đá tối tăm, những mương máng và vòi phun nước chảy ào ào, những bức tường phủ kín dây thường xuân, những rào chắn và thân cây, những bậc đá rêu phong và những viên ngói lợp cổ kính trên mái trang viện bỏ hoang.
Quinta da Soledade là một tòa nhà vuông vức từ thế kỷ mười tám có bốn ống khói và mặt tiền trát thạch cao màu vàng đất đầy vết ố và vệt nước. Corso ra khỏi xe ngựa, đứng nhìn một lát trong sân trước khi mở cánh cổng sắt. Hai pho tượng đá xanh xám ám rêu dựng trên cột đá granit hai bên đầu tường. Một bên là tượng bán thân của một phụ nữ. Bên kia có lẽ cũng thế, nhưng các nét khắc của khuôn mặt đã bị dây thường xuân phủ kín cả trong lẫn ngoài.
Đám lá khô lạo xạo dưới chân Corso khi gã tiến về phía ngôi nhà. Những pho tượng đá sắp hàng dọc theo lối đi, hầu hết đều nứt vỡ nằm lăn lóc bên những bệ đá trơ trụi. Vườn trống quạnh hiu. Cây cối tràn khắp cả, chờm lên ghế băng và lấn vào trong các xó tường. Một hàng rào sắt uốn để lại những vệt gỉ nâu trên phiến đá xanh rêu. Phía bên trái gã, trong một hồ nước nhỏ mọc đầy cây thủy sinh là một vòi phun đá lát đã rạn vỡ vươn trên đầu một thiên thần mũm mĩm cụt tay, đôi mắt trống rỗng, ngả đầu lơ mơ trên một quyển sách. Từ trong miệng thiên thần một tia nước rỏ giọt. Không gian tràn ngập một nỗi buồn vô tận khiến Corso không khỏi cảm khái. Quinta de Soledade, gã nhắc lại. Ngôi nhà cô đơn. Cái tên thật hợp.
Gã bước lên những bậc thềm đá đưa tới cánh cửa và ngước nhìn. Dưới nền trời u ám, chiếc đồng hồ mặt trời với những chữ số La Mã trên tường chẳng chỉ giờ nào. Bên trên nó khắc một dòng chữ: OMNES VULNERANT, POSTUMA NECAT.
Mọi giờ thương nhân, giờ cuối sát nhân[3].
[3] “They all wound. The last one kills”: một câu ngạn ngữ thường ghi trên đồng hồ, đại ý nhắc nhở người ta nhớ tới sự vô thường của đời người.
***
“Ông tới vừa đúng lúc,” Fargas nói. “Để tiến hành nghi lễ.”
Corso hơi lúng túng chìa tay ra. Victor Fargas cao và gầy như một nhân vật trong tranh El Greco. Lão tuồng như cử động bên trong cái áo len dày và cái quần rộng thùng thình chẳng khác gì con rùa trong cái mai của nó. Bộ ria xén tỉa cầu kỳ, đôi giày lỗi mốt mòn vẹt ánh lên lấp loáng. Bằng cú liếc mắt đầu tiên, Corso thâu tóm toàn bộ những chi tiết ấy, trước khi sự chú ý của gã bị lôi cuốn vào ngôi nhà to lớn trống rỗng với những bức tường trơ trụi, những bức tranh trần rách nát bị nấm mốc xâm thực.
Fargas quan sát kỹ vị khách ở ngay bên cạnh. “Tôi nghĩ ông sẽ vui lòng tiếp nhận một ly brandy,” sau cùng lão nói. Lão khập khiễng đi về cuối hành lang, chẳng cần biết Corso có theo sau hay không. Hai người đi qua mấy căn phòng bỏ không hoặc chỉ chứa đồ đạc hỏng trong một xó. Từ trên trần thò xuống những bóng đèn trơn đầy bụi.
Chỉ có hai phòng tiếp khách thông nhau có vẻ đang được sử dụng. Một cánh cửa trượt ngăn giữa chúng, trên kính cửa khắc chìm những gia huy quý tộc. Cửa mở, để lộ những bức tường trống trải, lớp giấy dán tường cũ in những bức tranh xưa, rồi đồ đạc, những cái đinh gỉ, những giá đèn trống không. Bên trên cảnh trí u buồn này là trần nhà có tranh trang trí kiểu mái vòm với những đám mây, cùng với cảnh hiến tế Isaac[4]ở phần chính giữa. Bóng hình rạn nứt của vị tộc trưởng già tay cầm con dao găm sắp sửa đâm một người trẻ tuổi tóc vàng. Bàn tay ông ta bị một vị thần với đôi cánh lớn giữ chặt. Bên dưới bầu trời được vẽ như thật, những cửa sổ đầy bụi có vài miếng kính được thay bằng bìa trông ra ban công dẫn tới một cái sân, xa nữa là khu vườn.
[4] Isaac: con trai tộc trưởng Do Thái Abraham sinh ra khi ông này một trăm tuổi, Chúa Trời thử thách Abraham bằng cách lệnh cho ông hiến tế con trai, Abraham tuân lệnh. Đến phút cuối cùng một thiên thần hiện ra ngăn cản. Thay cho Isaac, Abraham dùng một con cừu đực mắc bẫy ở bụi cây gần đó.
“Chỉ nhà mình là nhất,” Fargas nói.
Câu nói đượm ý mỉa mai của lão không mấy thuyết phục. Tựa như lão đã quá thường dùng và không còn tin vào hiệu quả của nó nữa. Fargas nói tiếng Tây Ban Nha với giọng Bồ nặng, rất rõ. Lão đi rất chậm, có lẽ vì chân đau, giống như một người có nhiều thời gian nhất trên đời.
“Brandy,” lão nhắc lại, như thể không nhớ họ tới đó làm cái gì.
Corso lơ đãng gật đầu, nhưng Fargas không để ý. Ở đầu bên kia căn phòng rộng có một cái lò sưởi lớn trong đó xếp đầy những súc gỗ. Một đôi ghế tựa so le, một cái bàn và một tủ buýp phê, một ngọn đèn dầu, hai chân nến lớn, một cây vĩ cầm nằm trong hộp và một ít thứ khác. Nhưng trên sàn, trên những tấm thảm trải sàn dày cũ mòn, cách xa các cửa sổ và luồng sáng nặng nề xuyên qua các khung cửa, rất nhiều sách xếp thành chồng ngăn nắp; năm trăm cuốn hoặc hơn, Corso ước lượng, thậm chí cả ngàn cuốn. Trong đó rất nhiều sách chép tay và sách in thời kỳ đầu tiên. Cả những cuốn sách cổ tuyệt diệu đóng bìa da hay dùng giấy da dê. Những tập sách cổ với từng hàng đinh tán lồi trên bìa, những cuốn khổ folio, sách của nhà Elzevir, bìa trang trí những nếp gấp, những vấu lồi, những phù hiệu hoa hồng, khóa hãm, những chữ viết tay điệu nghệ của các tu sĩ thời Trung cổ. Gã cũng để ý thấy cả tá bẫy chuột han gỉ đặt trong các góc nhà.