Cậu Của Quá Khứ

Chương 32: Phần Ba Hướng Hòa


Bạn đang đọc Cậu Của Quá Khứ FULL – Chương 32: Phần Ba Hướng Hòa


– Đọc nhiều truyện hơn tại website ngontinhplus.com –
Chương 31.

Quá khứ.
Có những người sợ hãi quá khứ.

Quá khứ của chính mình, quá khứ của một người nào đó.

Mặc cho biết quá khứ chỉ còn là hồi ức, mặc cho biết tất cả những gì từng khiến mình đau khổ đều đã trôi qua, mặc cho những vết sẹo chẳng mấy chốc sẽ trở thành minh chứng cho vết thương đã lành, họ vẫn giật thót giữa những cơn ác mộng đeo bám, vì day dứt, vì hối hận. 
Đó hẳn là lời nguyền rủa tàn độc nhất mà trớ trêu thay, ai cũng phải trả giá cho sai lầm của mình.
*
Khắp căn phòng vang lên tiếng đàn du dương, ánh đèn vàng khiến mọi thứ trở nên nhu hòa, dễ chịu và thoải mái.

Trên sofa, Hướng Hòa lim dim nằm, cảm giác mí mắt nặng trĩu nhưng vẫn chưa tài nào đi vào giấc ngủ.
Hướng Hòa.

Nếu chỉ cần hy sinh bản thân đã có thể đem lại lợi ích lớn lao cho nhiều người, thế chẳng phải cuộc sống rất đáng quý hay sao?
Đừng nói như vậy
Đừng bao giờ nói như vậy
Hướng Hòa, cậu không hiểu.
Chúng ta không giống nhau chút nào đâu, Hướng Hòa.
Hướng Hòa bừng tỉnh.

Hai mắt mở lớn, trán đẫm mồ hôi.
Bên tai không chỉ có mỗi âm thanh phát ra từ loa mà còn có tiếng chuông điện thoại.

Bác sĩ đã tư vấn rằng tiếng suối chảy có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa tâm trạng.
Vừa nhìn đến cái tên xuất hiện trên màn hình, Hướng Hòa đã nhướng mày thắc mắc.
“A lô, Thanh Hoa à?”
[Bố của Linh vừa gặp tai nạn.

]
Giọng nói trầm ấm vang lên bên tai, dù đã cách một lớp điện tử, Hướng Hòa vẫn có thể cảm nhận được tâm trạng của người gọi.

Dường như đây không phải lần đầu tiên hai người nói về vấn đề này, hay tương tự như thế này.

Vụ án hai vợ chồng thiệt mạng do sự cố giao thông hay đám cháy lớn tại một tòa chung cư nào đó cũng đã từng xuất hiện ở trung gian bọn họ.

Kể cả việc mới gần đây Thanh Hoa đã bị thương.

[Chị đã hứa sẽ bảo vệ chú ấy.]
“Chú sao rồi?” Hướng Hòa lấy tay day mi tâm, cảm thấy cực kỳ mệt mỏi.

Tiếng nhạc bên tai vừa ồn ào, vừa khiến bản thân phiền nhiễu, cho nên cô dứt khoát tắt loa đi.
[Đã qua cơn nguy kịch.

Đều nhờ vào vận may] Thanh Hoa ngừng một chút mới bổ sung, [Cũng không trách chị, đó là sự lựa chọn của chú ấy.

Nhưng chị là người đã đặt ra lời hứa, bây giờ chị lại không thể hoàn thành]
Thanh Hoa à, lời hứa mà chị không giữ được đâu phải chỉ có chừng ấy.

Hướng Hòa ngửa mặt lên nhìn trần nhà, đột nhiên ngộ ra sự đời thật trớ trêu.

Có những lúc, cô thật hận không thể dốc hết toàn bộ sức lực bình sinh của mình vì một lời hứa lỡ miệng với một ai đấy; lại có những lúc, cô dùng lời hứa của mình như một lớp bình phong cho qua chuyện.

Song dù có thể nào đi chăng nữa, tựa hồ cô chẳng thể thực hiện được lời hứa nào hết. 
Một kẻ bội ước đáng khinh, là mày đó – Hướng Hòa.
[Vậy, liệu bây giờ chị đã đạt được mục đích của mình hay chưa?]
—————————
“Hôm nay, đại diện cho toàn thể ba mươi tư thành viên của lớp 5A, em – Mai Hướng Hòa – xin được trình bày bài văn giấc mơ của con đoạt giải nhất cuộc thi văn hay mái trường.”
Trên bục giảng, sau lưng là tấm bảng đầy những nét phấn trang trí lộn xộn, trước mặt lại là từng hàng từng hàng phụ huynh và học sinh, Hướng Hòa mười tuổi ưỡn ngực nhìn thẳng phía trước, tự tin phát âm từng từ từng chữ trên tập giấy em cầm trên tay.

Giọng đọc của Hướng Hòa không quá truyền cảm, nhưng rất vang, rất được người lớn ưa thích.

Ai cũng khen cô bé vừa dễ thương lại vừa cá tính thế kia, học còn giỏi, không biết nhà ai đẻ mà khéo thế. 
Mẹ Hướng Hòa ngồi hàng cuối vừa dõi theo con mình, vừa dỏng tai lên thu hết những lời khen ngợi, thỏa lòng mát dạ.
“Vậy nên ước mơ của con là được làm phi công, phóng những chiếc máy bay vút lên bầu trời, uốn lượn qua những đám mây kẹo bông, trở thành chú chim tự do nhất thế gian!”
Mẹ Hướng Hòa che miệng cười, không biết nhóc con nhà mình học câu này ở đâu ra.

Đến người lớn như cô còn khó có thể nghĩ được câu văn nào thuận mồm xuôi miệng như thế!
“Hay lắm, mọi người cùng nổ một tràng pháo tay cho bạn Hướng Hòa nào.” Cô giáo chủ nhiệm cười tươi như hoa, tiên phong đứng lên khen thưởng.

Bé Hướng Hòa chính là học sinh được yêu quý nhất, điều đó tuyệt đối không thể bàn cãi!
Lúc xuống ngồi với mẹ, Hướng Hòa lại bĩu môi không vui, ôm lấy eo mẹ phàn nàn, “Anh lớn không tới, giận anh! Tối nay mẹ đừng cho anh ăn cơm nữa!”
Mẹ Hướng Hòa bật cười, xoa đầu con gái nhỏ, dỗ dành, “Anh còn mải làm mải học, em nhỏ phải thông cảm cho anh lớn, yêu mến anh lớn chứ.

Anh con rất thương con, nếu không phải do quá bận rộn thì nhất định sẽ đến xem con mà.”
Tựa hồ suốt tuổi thơ, Hướng Hòa luôn được mẹ mình dựng xây nên một hình ảnh người anh trìu mến như vậy trong trí óc.


Thế nên những lúc phải đối diện gương mặt lạnh lùng của người anh hơn mình nhiều tuổi, Hướng Hòa luôn nghĩ, không phải do anh lớn không thương mình, yêu mình, mà là hiện tại anh lớn quá bận, mình không được làm phiền.
Hướng Hòa không có bố, ngay từ khi sinh ra đã không có.

Nhà cô bé trong một con ngõ hẻm sâu hun hút, so với những ngôi nhà xung quanh thì vừa nhỏ vừa chật, nếu không bật điện thì không lọt được chút ánh sáng nào hết.

Nhà chỉ có một phòng riêng nhường cho anh trai, còn Hướng Hòa với mẹ ra phòng khách kiêm chỗ bếp núc ngủ.

Nhiều lần Hướng Hòa nghe thấy tiếng mẹ và anh lớn cãi vã trong căn phòng ấy, song cô bé chưa từng mở cánh cửa đó ra.
Hướng Hòa là một cô bé không quá hòa đồng.

Dù được nhiều người yêu mến, nhưng cô bé lại không phải người dễ thân.

Nói rụt rè cũng được, dẫu sao cũng chỉ là trẻ con, gia cảnh lại tầm thường, trong nhà không có bố, mấy ai dám nghĩ đó là một cô bé cao ngạo?
Hướng Hòa thân nhất với hai người đồng trang lứa, một là cậu bạn chung xóm, hai là cô bạn cùng lớp.

Dù đều thân với Hướng Hòa, song hai đứa trẻ kia lại không thích nhau, cho nên chỉ khi đi với Hướng Hòa thì mới chơi chung, còn không thì mặc kệ. 
Tóm lại dù nhà nghèo, không có bố, mẹ bận anh mải, song Hướng Hòa cảm thấy không có gì không ổn.

Tuy thi thoảng thèm thứ nọ thích thứ kia, nhưng cô bé không phải kiểu trẻ con hay vòi vĩnh.

Bình sinh đã không nhõng nhẽo, cách thức nuôi dạy cùng hoàn cảnh sống càng khiến cô bé không đòi hỏi nhiều.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là một cô bé chưa hiểu chuyện đời.

Làm người, ai lại chấp nhận mình mãi mãi túng thiếu? Ai lại cam chịu sống trong một căn nhà nhỏ bé tới mức có thể phát điên vì bốn bức tường trong một con ngõ chật hẹp?
Hướng Hòa mười tuổi có nhà, có mẹ, có anh, có bạn bè, cái gì cũng có, chỉ không có đồ chơi, không có tiền tiêu vặt.
Mà một năm sau, nháy mắt một cái, cô bé lại cảm giác như trong tay mình chẳng còn gì nữa.
Hường Hòa mười một tuổi, có nhà mới rộng rãi, có nhiều đồ chơi, nhiều tiền tiêu vặt, nhưng lại chẳng còn bạn bè, cũng chẳng còn gia đình nữa.
Cô bé mười một tuổi này đột nhiên lại trở thành kẻ đáng lẽ ra không tồn tại.
Hồi chưa hiểu chuyện, nghe mẹ giải thích câu được câu không.

Lớn lên ngẫm lại, mới thấy cuộc đời chẳng chịu cho không ai thứ gì.

Bố đẻ của anh lớn rốt cuộc đã hội ngộ người phụ nữ và đứa con trai mình bỏ lỡ suốt mười mấy năm ròng, cũng không rõ ai tìm được ai nữa, chỉ biết trong vài ngày ông ta đã quyết định đón hai người đến với mái ấm giàu sang của mình.

Cơ mà đó là bố của anh lớn, không phải bố Hướng Hòa.

Ngay cả họ Hướng Hòa cũng khác với anh trai, Hướng Hòa theo họ mẹ – là họ Mai.

Hình như đó là một người đàn ông không mấy rộng lượng, hay tựa hồ là vì một lí do nào đó mà chẳng ai chịu tiết lộ cho Hướng Hòa.

Cô bé bị bỏ lại tại thành phố này, một mình.

Đương nhiên, mẹ là mẹ đẻ của cô, mẹ sẽ không để cô thua thiệt.

Ban đầu là tìm nhà trọ, rồi mỗi tháng đều đặn gửi tiền về, tuần gặp một lần, thuê người giúp việc, đợi đến khi tích góp đủ thì mua một căn hộ tập thể ở Ngã Tư Hoa, thoạt trông là một người tính toán sắp đặt vô cùng thỏa đáng.

Có thể lừa được người chồng phú quý của mình, giấu diếm đứa con gái ruột tại một thành phố cách đấy trăm dặm, mấy ai có khả năng?
Hướng Hòa nào biết mẹ mình năm ấy rất cừ, để vừa nuôi mình khôn lớn lại vừa tranh đấu với nội bộ sóng ngầm gia tộc bên kia có thủ đoạn nào mà không từ? Hướng Hòa chỉ biết, ở tại thành phố lớn này cô đơn, lạnh lẽo biết chừng nào; nhiều lúc nâng hai tay lên bầu trời cao, vẫn cảm thấy mình không đủ sức để một mình chống đỡ tất cả.
Rõ ràng mình không cô độc, mình vẫn còn mẹ, vẫn còn anh, vậy mà lại cảm thấy dường như đã có rất nhiều thứ tiêu thất.
Nhưng trước khi đi, mẹ đã hứa, rằng sẽ có một ngày mẹ đón mình theo cùng, và rồi ngày ấy sẽ không còn xa đâu.
Một năm, 
hai năm, 
thậm chí ba năm vẫn không đáng kể.

Hướng Hòa mơ mộng hằng tưởng tượng về ngày gia đình đoàn viên, ngoan ngoãn chờ đợi.
Vậy mà thời gian lại phụ lòng người, thấm thoắt qua đi.

Cảm tưởng như điều mình tin chắc chắn sẽ xảy ra cứ từ từ phai nhạt, để rồi biến kết quả hiển nhiên trở thành kỳ tích.

Hướng Hòa năm mười bốn, mười lăm tuổi không ước mơ, không thích cười, càng không thích phải nói chuyện với một ai.

Lúc nào cũng lầm lầm lì lì đi đến lớp rồi trở về, đối diện với căn nhà thiếu vắng bóng người.

Hướng Hòa sợ lạnh, lại rất ghét cảm giác nhà cửa trống trải, vậy nên có tiền cô bé sẽ mua liền vật dụng trang trí về trưng bày, thậm chí có rất nhiều thứ vô nghĩa cũng xuất hiện nơi đây. 
Mỗi lần mẹ đến đều vội vã đi ngay, sau này khi đã đủ tuổi lập tài khoản ngân hàng, thậm chí mấy tháng trời mới được gặp mặt bà.

Mẹ ngày càng già đi, nhưng khí chất phu nhân thì ngày càng hiện rõ.

Nhiều lúc Hướng Hòa ngơ ngác ngồi trên băng ghế, nhìn gương mặt người phụ nữ ngồi đối diện, mơ hồ không biết rốt cuộc mình là ai, còn mẹ đã từng là một người như thế nào.
Con người có được càng nhiều thì càng sợ mất đi.

Mẹ Hướng Hòa cũng thế, thời gian sống bên kia tôi luyện bà trở thành một người cẩn thận, kĩ tính đến mức xét nét; có điều trước mặt con gái, bà luôn cố gắng mài mòn đi những góc cạnh sắc bén của mình, để bản thân nhu hòa dịu hiền hết mức có thể.
Sống cuộc sống như vậy liệu có mệt mỏi? Nếu không có mình, có lẽ mẹ sẽ thư thái hơn nhiều. 
Hướng Hòa đã nghĩ như vậy đấy.
Lên cấp ba, cô gặp lại hai người bạn thời thơ ấu.

Như trông thấy ánh sáng phía cuối con đường, bắt được một phần cái tôi ngay khi tưởng chừng nó sắp sửa vuột đi mất – Hướng Hòa năm mười sáu tuổi, tìm lại được bạn bè.
Đồng thời cũng nhận ra, dường như mẹ đã không còn ý định sớm ngày đón mình trở lại nữa rồi.
————————-
Diệp An gập máy tính lại, thở phào nhẹ nhõm.

Chuyên mục đã hoàn thành, sếp đã hài lòng chốt, coi như nhiệm vụ thành công xuất sắc, đáng để xả hơi sau chuỗi giờ căng thẳng nhức óc.

Bé Chi đang ngồi trên giường, trông thấy mẹ mình vươn vai thư giãn thì nhanh tay hoàn thành nốt bím tóc hai bên của mình, sau đó bò xuống, tiến lại gần ôm chân, “Mẹ xong việc rồi à?”

Bố mẹ Diệp An hôm nay đã đi họp lớp, Bình lại học thêm, nhà có hai mẹ con với một chú chó, cô thì bận rộn thú cưng thì ngủ say, nhóc con nãy giờ một mình tự chơi tự vui, ngoan ngoãn đến mức khiến người ta chạnh lòng.

Diệp An bế bé Chi lên, cho ngồi trên đùi mình, ôm ôm hỏi, “Giờ mẹ rảnh lắm, con có muốn đi đâu chơi không?”
Bé Chi vòng lấy cổ mẹ, vẻ mặt nghĩ ngợi một lát mới đáp, “Con muốn sang nhà cô Thanh Hoa chơi.”
“Sang nhà Thanh Hoa chơi? Con thích cô Thanh Hoa lắm à?” Diệp An ngạc nhiên.

Có đứa trẻ con nào khi được mẹ cho đi chơi lại chọn nhà bạn mẹ mình không? Diệp An không hay tiếp xúc với trẻ con, cho nên cô thực sự nghi hoặc.
“Cô Thanh Hoa từng bảo khi nào có dịp sẽ rủ con qua chơi, nhà cô có mèo, nhiều đồ ăn vặt, có truyện tranh, cũng có rất nhiều phim.” Bé Chi thật thà trả lời.
Cái con người này, cũng thật biết cách dụ trẻ con…
Diệp An hết cách, không nói hai lời lấy điện thoại gọi cho Thanh Hoa.

Lúc đợi đối phương bắt máy, thế mà cô lại thấy hơi hồi hộp.

Việc gì phải thế chứ? Diệp An tự động viên bản thân.
[A lô, Diệp An đấy à?]
Diệp An hít một hơi thật sâu, sau đó mới chậm rãi lên tiếng, “Thanh Hoa, bé Chi đang muốn rủ tớ đến nhà cậu chơi này, liệu có có chấp nhận hai mẹ con chúng tớ ghé thăm chứ?” Bé Chi ngồi trong lòng xấu hổ dúi mặt vào hõm vai mẹ mình, ngại ngùng cấu cô một cái khiến Diệp An phì cười, tâm trạng nhất thời thả lỏng hơn nhiều.
[Bây giờ? Được chứ, có điều giờ tớ phải ra ngoài có chút chuyện, sợ là đến lúc cậu đến vẫn chưa về ngay được.

Hay là tớ gửi chìa khóa cho nhà bên, cái nhà màu vàng ấy, rồi có gì cậu qua hỏi xong cứ vào trước nhé, lúc về tớ sẽ tranh thủ mua đồ ăn thức uống luôn]
“Được, không thành vấn đề!” Diệp An vui vẻ cúp máy, sau đó ôm lấy con gái mình, “Sao dám véo mẹ một cái đau thể hở, nói có gì sai đâu, không phải con đòi sang sao?”
“Nhưng mẹ cũng đừng nói thẳng thừng thế chứ.” Bé Chi ủ rũ buông thõng vai, rồi như nhớ đến cái gì đấy, bé mới hỏi, “Phải rồi, thế Beo thì sao mẹ?”
“Tí cậu Bình về cậu Bình lo cho Beo.” Diệp An hồi tưởng lại vẻ mặt phòng ngừa chó con lao đến của Bình thì lại muốn bật cười, em cô thế mà lại là một thằng nhóc gan không lớn chút nào.
Ban đầu Diệp An định đặt taxi để qua nhà Thanh Hoa, tối có gì về cũng tiện, song nhớ lại tai nạn của bố mẹ đẻ con gái lại thấy hơi đắn đo.

Liệu cô bé có bị ám ảnh hay gì không? Dù sao cũng đã có người thông báo nguyên nhân cái chết của hai người với Chi rồi.

Lưỡng lự một hồi, Diệp An quyết định xuống hầm lấy xe chở con gái.

Bé Chi ngồi sau lưng ôm lấy eo cô, vô cùng nghiêm túc, dọc quãng đường chỉ hàn huyên khi dừng đèn đỏ hay đường tắc, còn không thì an tĩnh cực độ.
Bé Chi như vậy gợi nhắc Diệp An nhớ về Thanh Hoa.

Ngày còn bé khi phụ huynh kẹp ba chở hai đứa trẻ về nhà, Thanh Hoa ngồi sau lúc nào cũng không nhốn nháo, không kể lể, không chỉ đông chỉ tây như những đứa trẻ khác mà vô cùng ngoan ngoãn.
Sau khi lấy chìa khóa từ nhà hàng xóm cũng đã xế chiều.

Lần đầu tiên bước chân vào nhà người khác, bé Chi có chút e dè bám theo sau Diệp An.

Đợi đến khi trông thấy con mèo đang nằm lười biếng dài trên ghế sofa, bé Chi mới cười, kéo vạt áo của cô bảo, “Mèo May của cô Thanh Hoa đúng như lời mẹ tả!” 
Ú tròn xám ngoét.
Diệp An nghĩ bụng định gọi điện cho Thanh Hoa, song cô vừa mới nghĩ đến thôi thì Thanh Hoa đã nhanh hơn một bước báo đang chuẩn bị về, tầm nửa tiếng nữa sẽ đến nhà, hỏi hai mẹ con muốn ăn gì để còn mua.

Diệp An hỏi bé Chi, bé Chi lắc đầu, Diệp An cũng không đặc biệt thèm món gì hết, vậy nên bảo Thanh Hoa tùy ý chọn. 
Đột nhiên lại cảm thấy có chút thinh thích tình huống hiện tại.

Có thể trở lại làm bạn với Thanh Hoa, thực sự rất tốt!.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.