Bạn đang đọc Cặp Đôi Băng Tuyết: Chương 2
Buổi sáng, tiếng chim hót líu lo, thánh thót. Nắng vàng ươm, ấm áp khẽ khàng vuốt ve khuôn mặt trái xoan của An. Mày của cô khẽ nhíu lại, mi mắt hơi động. Đôi mắt nai xinh xắn dần mở ra, con ngươi màu bạc đảo quanh căn phòng. Với tay lấy cái đồng hồ màu trắng được đặt trên bàn kính đầu giường – hơn 8 giờ. An nằm trên giường nghĩ xem để bắt đầu một ngày nhàm chán cô sẽ làm gì và câu trả lời là kiếm việc làm. Vì sao An lại kiếm việc trong khi tài sản nhà cô có thể nuôi cả nước ư? Đơn giản vì cô muốn giết thời gian.
An ra khỏi giường vào phòng tắm. Cô mở tủ chọn quần áo mà không thèm xét xem nó có hợp với nhau hay không. Hôm nay, An mặc áo pull trắng dài tay có dòng chữ ngoằn nghèo gì đó, quần jean ôm, mái tóc đen óng được buộc đuôi ngựa, mái bằng che nửa khuôn mặt nhưng lại làm nổi bật màu mắt bạc sắc lạnh của cô.
Xuống nhà, cộ định không ăn sáng thì cô Vân gọi lại:
– Tiểu thư! Mời cô ăn sáng!
– Thôi! Tôi ăn ngoài cũng được.
– Không được đâu! Chủ tịch đã dặn phải bắt cô ăn sáng ở nhà cho bằng được vì cô rất hay bỏ bữa, không tốt cho sức khỏe. Hôm nay chủ tịch có việc nên đi sớm. Nếu cô không ăn sáng thì tôi sẽ bị cắt lương còn đầu bếp sẽ bị đuổi việc. – Tất nhiên trong lời nói của cô Vân mười phần thì sáu phần là nói quá nhưng nó thật sự rất hiệu quả. An ngoan ngoãn vào bàn, ăn bữa sáng đầy dinh dưỡng.
An ra ngoài, cô rất thoải mái vì không có ai theo sau mình. Hòa trong dòng người đông đúc, được bao trùm bởi những tia nắng vàng ươm. An lang thang khắp các phố chỉ hy vọng tìm được công việc thích hợp nhưng kết quả vẫn là số không. Đến trung tâm thành phố, thu vào mắt An là dòng chữ “Tìm người dịch văn bản Anh – Việt”. An nhếch môi hài lòng, mang tâm trạng thoải mái bước vào công ty “VinaSmile”
Bước vào, An nhìn thấy nhiều người đi ra với bộ mặt không thể dài hơn. Cô đến đăng ký và lên tầng ba đợi đến lượt mình.
Bước vào phòng phỏng vấn, ngồi đối mặt với ban giám khảo, có ba người thì hai người mở to mắt kinh ngạc chỉ có chàng trai ngồi giữa khoảng chừng 30 tuổi, mặc bộ âu phục sang trọng, điềm đạm hỏi:
– Em tên gì?
– Hoàng Linh An.
– Em bao nhiêu tuổi rồi? – Người phụ nữ ngồi bên trái, tóc nâu búi cao có chiếc trâm cái chéo, đẩy gọng kính hỏi.
– 16!
– Và mắt cô màu bạc? – Chàng thanh niên ngồi bên phải trông trẻ hơn, áo mặc cố ý bung ba cúc trên lộ ra phần ngực rắn chắc, hỏi bằng giọng hiếu kỳ.
– Có vấn đề gì sao? – An nhíu mày, chiếu lên khuôn mặt đẹp không tì vết đó ánh nhìn lạnh đến sởn gai ốc.
– Không…Không có gì! – Anh ta cười trừ.
Chàng trai ngồi giữa lườm anh kia rồi quay ra hỏi An:
– Với tuổi nhỏ như vậy, em nghĩ mình đủ khả năng? – Anh khẽ nhướn mày.
– Anh thử sẽ biết!
Rồi anh đưa An một đoạn văn. An đọc thử, khóe môi nhếch lên. Rồi dịch một lượt cho họ nghe. Trôi chảy như đọc văn bản tiếng mẹ đẻ. Thật sự hai chữ “sửng sốt” mới đủ diễn tả tâm trạng của ban giám khảo. Đoạn văn đó có thể nói là đoạn văn khó, đến dân chuyên cũng chưa chắc đọc một lần mà không bị vấp. Vậy mà một cô bé 16 tuổi lại ăn đứt mấy người vừa đến phỏng vấn.
– Em được nhận! – Mặt cả ba người rất hài lòng – Em đến đây vào thứ 5 tuần sau nhé!
Xem giờ thấy còn sớm, An lại tiếp tục “sự nghiệp” lang thang khắp các con phố để tìm một võ đường. Đi hết bốn võ đường, An không thấy gì ngoài hai chữ “thất vọng”. Có khi họ chỉ là dân nghiệp dư, chưa nổi đai đen đẳng bốn.
Dừng chân tại võ đường thứ năm, An lập tức bị thu hút bởi tên võ đường. Trên tấm biển gỗ treo trên cửa mang chút phong cách Trung Hoa có in chìm nổi dòng chữ “võ đường Hàn Thủy”. Quả là cái tên kỳ cục. Thường người ta cho võ đường cái tên nghe thật kêu, thật oai nhưng đây lại đặt tên nghe có vẻ êm đềm, lạnh buốt.
Như những lần trước, An vào xin võ sư cho quan sát mọi người tập. Anh chàng võ sư trông khá trẻ, vận võ phục trắng muốt, đai đen đẳng năm rất nổi bật, ngẩn mặt ra một lúc rồi cũng đồng ý. An quan sát rất kĩ. Từ các bài thể lực, hướng dẫn ra chân, các bài luyện quyền đến những câu chuyện bên lề và nét mặt học viên. An hài lòng. Cô chắc chắn đây là nơi thích hợp nhất với mình. An đến gặp võ sư và xin nhập học:
– Được thôi! Em tên gì? Nhìn em quen quen. Chúng ta gặp nhau chưa nhỉ?
– Hoàng Linh An. Tôi chưa bao giờ gặp anh cả. – An nhíu mày vì nghĩ tên này là tay sát gái
– Hoàng Linh An? – Phong (tên võ sư) đưa tay lên cằm suy nghĩ – A! Nhớ rồi! Em chẳng phải cô bé quán quân hai năm liền trong Taewondo trẻ toàn quốc hay sao? Không ngờ lại được gặp em đã thế sau này còn tập cùng em nữa chứ! – Phong nói giọng cực kỳ hào hứng.
– Rồi! Vui nhỉ? Anh cười tiếp đi! – An cười đầy vẻ chán nản rồi quay bước đi.
– Giờ tập là 3 – 5 giờ thứ 3 và 5 nhé! – Phong gọi với theo. An không quay lại chỉ khẽ gật đầu.
*****
Ngày nối tiếp ngày lặng lẽ trôi qua, kỳ thi nhập học cũng đến. A.Q là trường danh tiếng. Không phải là trường dành cho nhà giàu nhưng lại rất nhiều tiểu thư, công tử từ các tập đoàn lớn nhỏ đua nhau vào trường. Nhưng A.Q nổi tiếng là tiêu chuẩn cao, đánh giá cao tài năng.
Muốn vào A.Q, tiền và quyền hoàn toàn không có phần, cốt là ở thực lực. Tất nhiên A.Q không thể tránh khỏi cái gọi là “chướng tai gai mắt” của những kẻ quyền thế nhưng ngôi trường vẫn “thái bình thịnh vượng”. Đến một vụ scandal cũng không có. Vì sao ư? Vì A.Q do hai tập đoàn cực kì hùng mạnh góp vốn xây dựng, trong đó có J.A.M.
Quy định thi cử ngàn đời của A.Q đó là ba môn chính thi cùng một ngày. Kỳ thi vào trường cũng không ngoại lệ.
Bước chân vào ngôi trường , điều đầu tiên An nghĩ đó là “Đây không phải là học viện người giàu thì đúng là phét lác”.
Ngôi trường rộng cũng phải bằng một ngôi làng. Cổng trường đen bằng sắt đứng sừng sững cao như cổng thành. Trên cổng trường là bức tường hình vòm, dập nổi hàng chữ “Trường Trung Học Phổ Thông A.Q”. Sân trường rộng đến mức đi bộ ở đây cũng phải bằng bốn dãy phố ngoài kia. Khu lớp học được sơn toàn bộ màu trắng, cửa sổ bằng kính phản chiều ánh nắng yếu ớt của buổi sáng đầu thu, cửa ra vào lớp học là cửa kéo cũng màu trắng và có kính. Đối diện với cổng trường là một ngôi nhà với phòng hội đồng chiếm toàn bộ tầng một, tầng hai là phòng hiệu trưởng và hiệu phó. Điều An để ý nhất là đến cái canteen cũng phân biệt giai cấp. Nằm ở góc phải ngôi trường, canteen chật ních người như muốn nổ tung. Thành tường khá thấp, chắc cũng khoảng bụng An, bên trên là kính, cách vài ô lại có một cửa sổ. Mái hơi vòng cung một chút. Nhìn nó tựa như ca-bin tròn vậy.
Có lẽ điểm không giống “học viện nhà giàu” duy nhất ở đây chính là học phí.
An bước đến nơi thưa người nhất – bảng tin. Cô tìm phòng thi vì giờ còn sớm thưa người chứ chần chừ thêm chút, đến “giờ cao điểm” thì chân mình cô cũng không nhìn thấy.
*****
Trong phòng thi, An ngồi bàn đầu ngay trước mặt giám thị. Những tia nắng vàng ươm xuyên qua lớp kính cửa sổ, tinh nghịch chơi đùa cùng bàn tay đang lia bút như máy của cô. Thầy giám thị nhìn xuống bài làm của An là không khỏi có cảm giác cằm rơi xuống đất. Mới hơn 40 phút mà An đã làm gần xong 4/6 đề văn. Thi thoảng cô dùng lại một chút để nghĩ rồi lại lia bút trên mặt giấy trắng tinh một nửa nhuốm màu nắng.
Cứ thế ngày thi trôi qua trong căng thẳng của bao nhiêu người nhưng lại trong vẻ bình thản, thờ ơ của An.