Đọc truyện Cái Chết Của Ba Người Lính Ngự Lâm – Chương 26: Viện trưởng dòng tu
Giữa hai người diễn ra một lúc im lặng trong khi Aramis không bỏ qua cử chỉ nào của viên chủ ngục. Còn ông này hình như chỉ chịu quyết định có một nửa để làm rộn bữa ăn giữa chừng thôi và rõ ràng là ông ta quyết tìm một cớ, phải trái gì cũng được, để lùi lại việc xử lý ít ra đến sau lúc tráng miệng.
Hình như ông tìm ra rồi. Ông la lên:
– A! Mà không thể được.
– Sao lại không thể được – Aramis nói – ông bạn thân mến ơi nói xem cái gì không thể được?
– Không thể thả người tù vào lúc này được. Hắn không biết gì về Paris, thì hắn biết đi đâu?
– Nó đi đâu kệ nó.
Ngài thấy không, thả như thế này thì cũng như thả một thằng mù.
– Chuyện gì ngài cũng giải quyết được hết. Francois, nói với ngài trưởng giám thị đến mở cửa phòng ông Seldon, số ba khu Bertaudière.
Aramis làm bộ ngạc nhiên và hỏi:
– Seldon à? Ông vừa nói Seldon đấy ư?
– Vâng, Seldon. Tên người phóng thích ấy.
– Chắc là ông muốn nói đến Marchiali.
– Marchiali à? Không, không, Seldon chứ?
– E rằng ông lầm đấy, ông Baisemeaux ạ.
– Tôi đọc lệnh rồi.
– Tôi cũng vậy.
– Và tôi thấy tên Seldon viết to bằng thế này.
Ngài De Baisemeaux đưa ngón tay ra. Aramis cũng đưa hai ngón tay ra:
– Tôi thì tôi thấy tên Marchiali to thế này.
Baisemeaux nói một cách tin chắc:
– Thôi làm cho ra lẽ đi. Tờ giấy còn kia.
Aamis cầm tờ giấy lên.
– Tôi đọc ra: Marchiali, xem đây!
Baisemeaux nhìn thấy, buông tay xuống, hoảng hốt:
– Ờ! ờ! Marchiali, đúng là chữ Marchiali. Đúng lắm.
– Hà!
– Thưa ngài, thú thật là tôi chẳng hiểu ra làm sao cả.
– Người ta cũng có lúc hoa mắt nhìn lầm.
– Kì quái thật. Tôi tới bây giờ vẫn thấy tờ lệnh đó và đọc tên là Seldon, người Ireland. Rõ ràng mà. Rõ ràng dưới tên Seldon đó còn có một dấu mực.
– Nhưng dù sao đi nữa thì lệnh bảo thả tên Marchiali, có dấu mực lem hay không cũng vậy thôi.
Baisemeaux lập lại trong lúc cố lấy lại trí nhớ.
– Lệnh bảo thả Marchiali.
– Và ông thả tên tù ấy ra… nếu ông có thả thêm Seldon thì tôi cũng không phản đối đâu.
Aramis chấm dứt câu nói bằng một nụ cười nhạo báng khiến Baisemeaux tỉnh hẳn và lấy lại can đảm nói:
– Thưa ngài, tên Marchiali này có một hôm được một linh mục, thuộc dòng chúng ta đến nghe xưng tội, đến một cách trang trọng và thật kín đáo.
– Tôi không biết được điều này, – vị giám mục trả lời.
– Cách đây không lâu lắm, thưa ngài De Herblay thân mến.
– Đúng vậy, nhưng theo chúng tôi quen nghĩ thì con người ngày hôm nay không biết con người ngày hôm qua làm gì là tốt nhất.
Baisemeaux nói:
– Dù sao thì ông cha dòng Jesuite đó đến thăm chắc chắn đã mang lại nhiều may mắn cho người này rồi.
Aramis không nói gì và tiếp tục ăn uống.
Về phần Baisemeaux không dùng gì đến trên bàn cả mà lại cầm tờ lệnh lên xoay xoay tứ phía ngắm nghía đủ chiều.
Phải như vào khi khác thấy miếng giấy bị hành hạ như thế thì con người thiếu kiên nhẫn như Aramis chắc là máu lên tận mang tai, nhưng giám mục Vannes không nổi cơn tức lên vì cứ lầm bầm tự nhủ:
– Ông sẽ thả Marchiali chứ gì? Ồ! Rượu ceres đã chảy ra và bốc hơi kìa, ông chủ ngục thân mến ạ.
Baisemeaux trả lời:
– Tôi sẽ thả hắn ra sau khi tôi gọi người lính trạm mang lệnh đến hỏi cho chắc.
– Lệnh có dấu khẩn, người lính có biết gì đâu. Còn ông muốn chắc cái gì nữa?
– Tôi đồng ý với ngài, nhưng tôi sẽ gửi về bộ để ở đấy ngài De Lyonne sẽ rút lại hay xác nhận lệnh này.
Aramis lạnh lùng nói:
– Để làm gì.
– Để nhất định khỏi lầm. Thưa ngài, để khỏi thiếu sự tôn kính của một người dưới đối với người trên, để khỏi sai lầm với nhiệm vụ được giao.
– Khá lắm, ông nói thật hay, tôi xin có lời thán phục. Đúng vậy, một người dưới phải tôn trọng người trên, phải không bao giờ làm sai với bổn phận đã được giao.
Baisemeaux ngạc nhiên nhìn vị giám mục. Aramis tiếp tục nói:
– Cho nên bây giờ ông đi hỏi để yên lòng chứ gì?
– Thưa ngài, vâng ạ. và nếu có người trên ra lệnh, ông phải tuân chứ gì?
– Ngài chẳng phải nghi ngờ gì về điều ấy cả.
– Ông biết rõ chữ ký của Hoàng thượng phải không?
– Thưa ngài, vâng.
– Chữ ký đó nằm trên lệnh tha chứ gì?
– Đúng vậy, nhưng có thể là…
– Giả phải không?
– Thưa ngài, điều ấy rõ rồi.
– Ông có lý đấy! Còn chữ ký của ngài De Lyonne?
– Trên lệnh thì có, nhưng người ta có thể giả được chữ ký của Hoàng thượng thì nhất định là có thể giả của ngài De Lyonne được mà.
Aramis nói:
– Ông De Baisemeaux ạ, ông lý luận thật không chê vào đâu được Nhưng muốn tin vào việc giả chữ ký thì ông đặt căn cứ vào đâu?
– Trên cái này: người ký không có mặt. Chẳng có ai kiểm tra chữ ký của Hoàng thượng cả và còn ngài De Lyonne thì lại chẳng có ở đây để nói rằng ngài ký trên tờ lệnh này.
Aramis quắc mắt nhìn thẳng vào ông chủ ngục:
– Này ông De Baisemeaux, thành thật tán thành những nghi ngờ hữu lý của ông, cho nên xin ông lấy cho một chiếc bút để dùng bây giờ.
Baisemeaux đưa cây bút. Aramis nói thêm:
– Xin một tờ giấy.
Baisemeaux đưa tờ giấy ra.
– Bây giờ tôi đây, tôi có hiện diện nơi này đây, đúng chẳng chạy vào đâu được, tôi viết một tờ lệnh này thì chắc dù ông đa nghi đến đâu đi nữa ông cũng tin được phải không?
Baisemeaux xanh mặt trước dáng tự tin lạnh lùng đó.
Hình như lời nói của Aramis lúc nãy vui vẻ đùa cợt bao nhiêu thì giờ trở nên thâm trầm ghê rợn bấy nhiêu.
Aramis cầm bút lên viết. Baisemeaux kinh hoàng đọc từ sau lưng Aramis:
“A.M.D.G:
Rất bằng lòng khi thấy ông De Baisemeaux De Moutlezun, giám đốc phòng coi lâu đài Bastille, đã nhận lệnh ban, thấy đúng và đã thi hành ngay”.
Ký tên De Herblay.
Trưởng dòng, nhờ ơn Chúa ban phước lành.
Baisemeaux như bị đánh một cú nặng khiến mặt ông ta co rúm lại, miệng há ra, mắt mở trừng trừng, không nhúc nhích, không nói được tiếng nào.
Aramis chẳng thèm nhìn con người bị đưa vào tình cảnh khốn khó đó, chỉ rút trong túi ra một cái hộp nhỏ đựng sáp đen, ông lấy con dấu riêng đeo trước ngực, đóng vào bức thư rồi lẳng lặng đưa cho ông Baisemeaux.
Ông này đưa đôi tay run rẩy trông đến tội nghiệp, mắt thẫn thờ đến dại khờ nhìn vào dấu đóng. Một thoáng xúc động cuối cùng hiện trên khuôn mặt rồi ông vật ngã xuống ghế. Sau một lúc im lặng để cho viên chủ ngục Bastille tỉnh táo lại, Aramis nói:
– Này, này đừng để cho tôi tưởng rằng ông Trưởng dòng tu xuất hiện cũng giống như thấy Chúa vậy chứ. Can đảm lên, đứng dậy đi, nào đưa tay tôi kéo lên và vâng lời đi.
Baisemeaux chưa thoả mãn nhưng đã vững tâm hơn đưa tay cho Aramis và đứng dậy.
Ông thì thào:
– Thưa ngay bây giờ?
– Ồ, đừng thái quá như vậy, ông chủ nhà ạ. Về chỗ đi và chúng ta tráng miệng cái đã.
– Thưa ngài, tôi chẳng bao giờ phục hồi được sau chuyện này đâu. Tôi đã cười cợt, đùa bỡn với ngài, đã coi như bằng vai.
– Thôi! Im đi ông bạn, – vị giám mục trả lời khi thấy sợi dây căng ra quá và nếu có đứt thì thật là nguy hiểm, – Im đi. Mỗi người có một cuộc sống riêng. Ông có sự che trở và cảm tình của ta, còn ta thì ông có vâng lời. Nợ bổn phận làm xong, thì cứ thanh thản mà sống.
Baisemeaux suy nghĩ kỹ; ông thoáng nhận ra hậu quả của việc thả một tên tù theo một lệnh giả và nếu có đãt lên cân tờ giấy bảo đảm của viên Trưởng dòng thì cũng chẳng thấy có quân bình chút nào.
Aramis đoán ra và nói:
– Ông bạn Baisemeaux thân mến ơi, ông thật ngốc. Hãy bỏ thói quen suy nghĩ đi khi mà tôi phải lo giùm cho cả ông rồi.
Baisemeaux lại khom lưng xuống khi Aramis ra hiệu một lần nữa, ông nói:
– Bây giờ tôi phải làm sao đây?
– Tôi có luật lệ đã định – Thì cứ theo đi.
– Tôi theo viên trưởng giám thị đến tận phòng giam và đưa đi nếu là một tù nhân quan trọng.
Aramis nói giọng tỉnh bơ.
– Nhưng tên Marchiali có phải quan trọng đâu?
Viên giám đốc trả lời:
– Tôi chẳng biết nữa.
– Nếu chẳng phải tôi có lý rồi. Ông cứ thả Marchiali như thả mấy thằng cắc ké đi.
– Tốt, luật lệ là người coi phòng giam hay một giám thị cấp thấp đem tù đến cho giám đốc ở phòng lục sự.
– Chà, hay đấy. Rồi sao nữa?
– Rồi người ta thả tù, cho tù nhân các vật quý hắn mang lúc vào phòng giam, các quần áo, giấy tờ, nếu lệnh trên không bảo khác di.
– Về phần Marchiali, lệnh thả nói gì?
– Chẳng có gì hết, vì con người khổ đó đến đây chẳng có gì, chẳng có vật trang sức, giấy tờ, cả quần áo cũng không nốt.
– Thật là quá dễ dàng. Baisemeaux ạ, ông coi chuyện gì cũng to tát quá. Cứ ở đây và bảo dẫn tù tới là được rồi.
Nửa giờ sau, người ta nghe tiếng một cánh cửa đóng lại, cánh cửa phòng kín vừa nhả con mồi ra.
Aramis thổi tất cả các cây nến soi sáng căn phòng chỉ chừa một cây phía sau cánh cửa.
Những bước chân đến gần. Aramis nói với Baisemeaux:
– Ông đến đón nhân viên đi.
Viên chủ ngục vâng lời. Viên đội và những người coi phòng giam quay gót.
Baisemeaux trở vào, người tù theo sau.
Aramis ngồi trong bóng tối, để thấy người mà người không thấy.
Baisemeaux nói với giọng xúc động cho người trẻ tuổi biết lệnh thả anh.
Người tù lắng nghe, không thốt lên một lời. Viên chủ ngục tiếp:
– Theo luật lệ nhà giam thì anh phải thề không được tiết lộ những gì anh đã nghe và thấy ở Bastille.
Người tù thấy một tượng Chúa đưa ra, hắn giơ tay và lầm thầm thề.
– Thưa ông, bây giờ ông đã được tự do ông định đi đâu?
Đến lúc ấy Aramis mới từ bóng tối đi ra, nói:
– Tôi đây sẽ giúp ông theo ý muốn.
Người tù hơi đỏ mặt và khoác tay Aramis không chút ngần ngại.
– Chúa sẽ để ông làm người cận nhất của thánh ngài.
Baisemeaux giật mình vì giọng nói cương quyết của người tù mà lại ngạc nhiên về câu chúc nữa.
Aramis bắt tay Baisemeaux nói:
– Tờ lệnh của tôi có làm ông ngại không? Nếu người ta tới lục lọi thấy nó nơi đây thì đó là dấu hiệu đến lúc tôi tiêu rồi. Lúc đó ngài sẽ là người giúp đỡ quan trọng và cuối cùng.
Aramis nhún vai trả lời:
– Ông muốn nói là người đồng loã? Tạm biệt Baisemeaux.
Aramis đưa người tù ra xe và bước lên sau, chỉ buông lệnh ngắn gọn cho người đánh xe.
– Đi đi!
Chiếc xe lăn ồn ào trên nền đá sân ngục. Một viên chức mang đuốc đi trước ngựa ra lệnh cho các lính canh tránh đường cho xe.
Trong thời gian đi qua tất cả các rào cản, Aramis nín thở, trống ngực đập thình thịch.
Người tù nép mình vào một góc xe, như không có trên đời nữa.
Cuối cùng, xe nẩy lên một cái mạnh hơn những cái khác chứng tỏ là đã đi qua con hào ngoài hết. Phía sau xe, cổng khép lại, không còn tường thành hai bên, chỉ có trời dất, chỉ có tự do.
Mấy con ngựa siết cương mạnh, đi từ từ cho đến giữa phố. Xong chúng bước nhanh.
Dần dần vì có đà hăng, một phần bị thúc hồi, chúng đi nhanh hơn, rồi khi đến Berey chiếc xe như là bay lên.
Chúng chạy như thế đến Villeneuve – St. George thì có ngựa thay. Bây giờ không phải là hai mà là bốn ngựa lôi chiếc xe về hướng Melun rồi dừng một lúc giữa rừng Senart. Có lẽ người đánh xe được lệnh từ trước vì Aramis không phải ra một dấu hiệu nào hết. Người tù như trải qua một cơn mộng dài, lên tiếng hỏi:
– Cái gì thế?
Aramis nói:
– Có chuyện, thưa ngài. Trước khi đi xa hơn, chúng ta phải nói với nhau câu chuyện. Giữa Điện hạ và tôi, bây giờ đang ở rừng, chúng ta không sợ ai nghe trộm hết.
– Còn người đánh xe?
Người đánh xe đoạn đường này câm điếc, thưa ngài.
– Tôi sẵn sàng nghe, thưa ngài De Herblay.
– Khoan đã. Còn phải đề phòng chuyện nữa. Chúng ta đang ở giữa đường lớn, có thể một kỵ mã hay một chiếc xe nào đi như chúng ta đây và thấy xe dừng, tưởng chúng ta gặp khó khăn liền dừng lại hỏi để giúp đỡ, lại rắc rối cho chúng ta.
Aramis chạm vào người đánh xe câm, ra hiệu. Người này bước xuống đất nắm cương hai con ngựa đầu và lôi chúng vào một lối nhỏ quanh quất giữa bụi rậm, cỏ rêu, cùng với mây mù làm thành một thứ màu đen đặc hơn mực trong đêm trời không trăng này. Xong xuôi hắn nằm trên lề đường, cạnh bầy ngựa.
Vị hoàng tử trẻ nói với Aramis:
– Tôi xin nghe ngài; nhưng ngài đang làm gì thế?
– Thưa ngài, tôi tháo đạn trong khẩu súng bây giờ không cần nữa.