Cái Chết Ảo

Chương 9: Bỏ mặc nhau giữa đơn côi


Đọc truyện Cái Chết Ảo – Chương 9: Bỏ mặc nhau giữa đơn côi

Suốt dọc đường về, Anh Thư gần như không thể tập trung vào câu chuyện vui vẻ giữa bé Bông và Lê Nam. Con bé thậm chí đứng dậy, chồm lên trước, vin ghế để nhìn đường, nghe Lê Nam nói về những địa điểm mà cả ba cùng đi qua. Anh Thư chỉ thi thoảng gượng gạo cười lúc con gái hỏi chuyện, còn lại, đầu óc cứ vẩn vơ về chuyện bác sĩ tâm lý của con – Anh Quân – và Quốc Đạt chồng mình có mối quan hệ. Dĩ nhiên, Quốc Đạt không hề biết về sự chọn lựa vô tình này, nhưng rõ ràng, anh cũng chẳng từng quan tâm đến việc bé Bông thế nào, để nhớ ra mình cũng có mối quan hệ với một bác sĩ tâm lý mà gợi ý cô đưa con đến khám. Mọi sự chỉ là vô tình dẫn đến vô tình, khi lòng cô chất chứa quá nhiều hoài nghi khiến mọi thứ càng lúc càng trở nên rối rắm, tiêu cực, hay thực chất là Quốc Đạt đã hoàn toàn không còn chút tình cảm nào với gia đình riêng của anh?

– Alô! – Lê Nam trả lời điện thoại khiến Anh Thư giật mình, tập trung vào mọi thứ đang diễn ra xung quanh. – Đang bận, có gì không?

Bé Bông tiu nghỉu khi Lê Nam không nói chuyện với mình nữa; con bé ngồi xuống cạnh mẹ, phụng phịu và tỏ rõ vẻ không hài lòng.

– Nếu anh bận… – Anh Thư lên tiếng ngay khi Lê Nam cúp máy -… thì để em bắt taxi về được rồi!

– Không sao! – Lê Nam cười. – Anh đưa em với con về rồi anh đi, hẹn cũng tiện trên đường đó.

Đến tận lúc này, Anh Thư mới nhận ra, mình rất vô ý. Nếu người vừa gọi là vợ Lê Nam thì mọi thứ càng tệ hại. Dĩ nhiên, những hỗn độn trong lòng cô từ lúc gặp lại anh vẫn chưa thành hình, chưa thể gọi tên và càng chưa có bất kỳ dấu hiệu nào là hai người rồi sẽ đi quá giới hạn cả. Nhưng, nếu cô là vợ của Lê Nam, vô tình thấy anh đưa đón người phụ nữ khác, tự hỏi lòng có thể hoàn toàn bình thản không thì ngay lập tức Anh Thư có thể trả lời rằng không. Cô dĩ nhiên cũng đủ lịch sự để luôn hỏi có phiền anh không, nhưng thực tâm, Anh Thư vẫn quen với việc mọi người xung quanh rồi sẽ phải thu xếp để phục vụ cho nhu cầu của cô; với Lê Nam, có vẻ cô cũng đã hành xử như thế. Nên lúc này, tự sâu trong lòng Anh Thư có một nỗi ân hận, một sự khó xử và cả một chút hờn ghen khi đoán mò người vừa gọi cho Lê Nam là vợ anh ấy. Nhưng chắc không phải, vì Lê Nam luôn thừa tinh tế, đủ tử tế để không nhát gừng với phụ nữ quanh mình.

*

Tấp xe vào lề, vội vàng tiến vào trong quán, nhìn quanh và đi về góc Khánh Hoàng đang đợi sẵn, Lê Nam nói luôn ngay khi vừa ngồi xuống.

– Chuyện gì mà gọi gấp vậy?

– Tao tính nghỉ phép vài ngày! – Khánh Hoàng cũng nói rất nhanh, có vẻ vội.

– Sao? Nhà có chuyện gì hả?

– Không! À… mấy thứ lặt vặt thôi!

– Vậy thôi hả? – Lê Nam cau mày. – Vậy nói qua điện thoại…

Lê Nam dừng câu nói lại khi nhân viên phục vụ tiến lại gần. Qua loa gọi ly cà phê, đợi nhân viên phục vụ rời đi, anh quay sang Khánh Hoàng, nhưng Khánh Hoàng đã lên tiếng trước.

– Tình hình có vẻ không ổn lắm…

– Cái gì không ổn? – Lê Nam nhát gừng.

Ổn là một khái niệm rất mơ hồ, vì chẳng ai có chuẩn giống ai cả. Với một vài người, ổn nghĩa là mọi thứ cứ đều bằng, diễn ra đúng cùng một nhịp độ trong suốt một khoảng thời gian dài. Với một số người khác, ổn nghĩa là bấu víu vào một sự nương tựa có vẻ chắc chắn để tịnh tiến về phía họ tưởng là thành công. Còn với Lê Nam, ổn nghĩa là tự tay anh làm được những điều anh muốn; và có trải qua khó khăn hay biến động thì cũng chẳng có gì phải quá quan tâm, vì vốn cuộc sống có khi nào cứ trơn tru, bằng phẳng mãi?! Thế nên, trong chuyện làm ăn, cẩn trọng dĩ nhiên là điều không thể thiếu, nhưng phải nghe cụm từ phủ định ổn, anh không cảm thấy hài lòng. Cẩn trọng vốn khác rất xa với hèn nhát. Gặp chút khó khăn là rối lên, là đưa ra khái niệm bất ổn, rồi tìm cách thoát ra để yên thân là điều khó chấp nhận ở một thằng đàn ông.

– Khách hàng tăng đột biến… – Khánh Hoàng ấp úng.

– Mày hay thiệt! – Lê Nam cười khẩy. – Khách hàng giảm cũng không được, tăng cũng thành bất ổn. Riết chẳng biết mày muốn cái gì?

– Không phải! – Khánh Hoàng tỏ vẻ bực dọc khi bị ngắt ngang. – Phía đối tác phân phối thẻ muốn tăng phần trăm.

– Cũng bình thường mà? – Lê Nam thật sự thấy khó hiểu. – Hết hạn hợp đồng thì thương lượng lại?

– Mày có nghĩ, chuyện vậy sẽ đánh động…

Lê Nam giơ ơ hờ một bàn tay, phẩy khẽ hai ngón tay, cùng với cặp mày chau lại nhưng miệng thì nhếch lên, tỏ rõ sự khinh bỉ dành cho bạn mình.


– Chuyện này, mày nói nhiều lần rồi. Hình như chưa lần nào đúng?

– Nhưng lần này…

– Tao không thích nghe từ “nhưng”! – Lê Nam gằn. – Nếu mày sợ, cứ rút! Đừng nói với tao chuyện lui.

Khánh Hoàng lặng im nhìn thái độ của Lê Nam. Có lẽ không nên nói! Có lẽ không bao giờ nên nói! Khi một người là bạn, là cộng sự, là người cùng tính toán để chia chác lợi nhuận dùng quyền lực kiểm soát của một ông chủ để đáp lại những lời góp ý, tốt nhất nên dừng việc bàn bạc lại thì hơn. Lê Nam là ông chủ mà, Khánh Hoàng chua chát nghĩ, và công ty rõ ràng là của Lê Nam, thế nên, cứ tùy anh ta quyết định.

Lê Nam cũng để mọi thứ rơi vào lặng im như vậy, quan sát bạn mình thêm một chút nữa, vẻ chán nản không thể giấu được khi nghĩ về cuộc đối thoại từng diễn ra cách đây một năm giữa hai người.

*

Gần nửa đêm rồi, cả công ty vẫn đầy người, nhưng tất cả âm thanh chỉ có tiếng kích chuột, thi thoảng là tiếng gõ bàn phím. Không khí căng như dây đàn khi chứa đủ sự tập trung của vài trăm con người được đánh giá là có đầu óc siêu việt. Khánh Hoàng đứng tựa vào bàn làm việc của mình, khoanh tay quan sát khắp phòng rồi khẽ quay qua cười khi Lê Nam từ phòng làm việc bước ra.

– Mọi người chưa nghỉ hả? – Lê Nam lên tiếng, phá vỡ bầu không khí yên lặng đến ngộp thở trong gian phòng.

Tất cả đều ngẩng lên, vài cái cười mỉm đáp lại, vài cái gật đầu mang nghĩa biết ơn dành cho ông chủ; rồi tất cả lại cắm cúi vào việc của mình.

– Nghỉ tay đi ăn đi! Hôm nay anh đãi! – Lê Nam vui vẻ.

Thêm một lần nữa, tất cả lại ngẩng lên nhìn, lần này là kèm theo vài tiếng cười, vài câu bông đùa vui vẻ, thậm chí có cả tiếng vỗ tay. Lê Nam vui vẻ gật đầu rồi quay trở lại phòng làm việc, thòng lại một câu.

– Mười lăm phút nữa nha!

Khánh Hoàng rời vị trí, tiến về phía phòng làm việc của Lê Nam, bước vào trong và đưa tay hạ tấm rèm xuống. Lê Nam vừa ngồi vào ghế thì hơi chếch mắt lên nhìn hành vi lạ lùng của bạn, rồi bình thản cúi xuống nhìn màn hình máy tính.

– Bán lại con này đi! – Khánh Hoàng nói khi vừa ngồi xuống đối diện Lê Nam. – Tao thấy không ổn!

– Mày khùng hả? – Lê Nam ngẩng lên, cau rịt mày. – Đang chạy ngon, doanh thu đang tốt, mắc gì bán?

– Chuyện quản lý thẻ…

– Sao mày cứ nói chuyện này hoài vậy? – Lê Nam tỏ rõ sự không hài lòng. – Bên viễn thông lo hết rồi còn gì?

– Nhưng…

– Nếu không yên tâm thì đồng ý với bên ví điện tử đi! Chuyện đó càng đơn giản mà? Chỉ có điều, người dùng ví điện tử không phổ biến, nên làm sao đơn giản nhất cho người dùng thì làm.

– Nhưng…

– Nếu mày còn một lần nữa nói từ “nhưng” với tao… – Lê Nam trừng mắt đe dọa -… thì mày nghỉ mẹ nó đi!

Khánh Hoàng sững sờ nhìn Lê Nam. Không phải vì tiếng chửi thề nọ. Dân IT, nói có người không chửi thề, chắc người ấy bị câm; chuyện đối đáp nhau bằng mấy từ mà thiên hạ cho là tục tĩu gần như thành văn hóa với đám người nghiện máy tính, nghiện mã, nghiện lập trình. Chỉ là, chừng đó năm gắn bó, chưa từng bao giờ Lê Nam thẳng thừng khạc vào mặt Khánh Hoàng một câu đe dọa lạnh lùng đến mức ấy. Không vừa lòng Lê Nam thì nghỉ việc, thì ra đi? Chẳng biết từ khi nào mà Lê Nam lại có thể nói với bạn thân của mình như thế? Khi nói ra những từ ấy, không biết Lê Nam có nhớ đến những ngày đầu tiên, chính anh là người cậy nhờ Khánh Hoàng về làm việc cùng, để hỗ trợ mảng kinh doanh, vì tự anh nhận mình là kẻ mù về thị trường? Giờ, những góp ý của Khánh Hoàng bỗng trở thành lời nói của một kẻ hèn, không xứng đáng và sẵn sàng bị loại bỏ?!

– Mày hẹn với bên ví điện tử đi! – Lê Nam nói nhẹ nhàng, cố để mọi thứ không quá căng thẳng. – Tao đi với mày! Hoặc mày nói Như đi chung cho yên tâm!


– Được rồi! – Khánh Hoàng gật đầu, cũng cố gắng để mọi thứ êm xuôi. – Để tao hẹn rồi báo Như.

Lê Nam giãn ra, mỉm cười, gật đầu. Đây có lẽ là thái độ duy nhất khiến Khánh Hoàng luôn cảm thấy nhẹ nhàng và hài lòng. Với Lê Nam, đầu óc kinh doanh, góc nhìn thị trường và đối tác của Hân Như luôn đúng tuyệt đối. Thế nên, trước những quyết định kiểu này, nếu Khánh Hoàng chọn người để bàn bạc và cộng tác trực tiếp là Hân Như, Lê Nam không những không tự ái, mà ngược lại, luôn tỏ ra hài lòng. Ít nhất, với Hân Như, Khánh Hoàng tin tiếng nói của mình còn giá trị, hoặc ít nhất là còn được nghe và được đối phương suy ngẫm.

– Ê, Hoàng! – Lê Nam gọi, khi Khánh Hoàng đã ra tới cửa phòng. – Làm ăn mà, liều một chút cũng có sao đâu?

*

– Liều lĩnh quá… – Khánh Hoàng cố gắng giữ giọng nhẹ nhàng -… đôi khi sẽ khiến mày mất đi sự sáng suốt!

– Mày nghỉ ngơi đi! – Lê Nam nói nhanh. – Chuyện lần này cứ để tao!

Nói rồi Lê Nam đứng dậy, rời đi nhanh như khi xuất hiện, để lại Khánh Hoàng với cái nhìn thật sự khó hiểu, cùng điệu cười nửa miệng chẳng biết là khinh khỉnh hay chua chát nữa?!

***

Bé Bông vẫn cương quyết ngủ cùng vú Thơm, mặc kệ những lời năn nỉ của mẹ. Anh Thư đành đồng ý để con gái sang căn phòng vốn dành cho người giúp việc, nằm cạnh một người đàn bà chẳng máu mủ gì với con bé.

Cô ngả người ra chiếc ghế mây kê sát cửa sổ lớn, nhìn thẳng về khoảng trời giờ đã đen kịt một màu cô liêu, vất vưởng nghĩ về những hỗn độn xảy ra với mình, với con gái suốt thời gian rồi. Anh Thư cố nhớ chính xác từng từ mà bác sĩ Anh Quân đã nói trong buổi khám hôm nay; cô thậm chí nhắc nhở mình ghi nhớ đến cả ánh mắt, những cái cau mày rất khẽ của vị bác sĩ trẻ… Có phải, con bé thật sự không ổn? Nghĩ vậy, Anh Thư nghe ngực mình đau nhói lên và cảm giác khó thở ập mạnh đến. Con đừng có chuyện gì nhé, con gái!

Tiếng khóa cửa khe khẽ xoay vẫn đủ để Anh Thư nghe thấy, rất rõ giữa không gian tịch mịch này. Tiếng bước chân cũng khẽ khàng nhưng đủ để Anh Thư biết, người đang đi vào là Quốc Đạt. Cô thật cũng có chút ít bất ngờ, vì lâu lắm rồi, Quốc Đạt gần như không còn ngủ trong phòng này cùng cô nữa. Thậm chí, hai người gần như không giáp mặt nhau trong gian phòng dành riêng cho vợ chồng họ; bất kỳ lúc nào cô về phòng, thì anh cũng đã tắm rửa, thay quần áo xong và đã yên vị trong phòng làm việc. Đến mức, cô đã bảo người giúp việc dọn dẹp phòng dành cho khách – sát cạnh phòng làm việc của Quốc Đạt – để anh có thể ngủ một giấc tử tế, ngon lành, dẫu giấc ngủ ấy rồi cũng chỉ để nuôi dưỡng những cơn mộng mị tội lỗi đi chăng nữa. Nếu anh đã muốn có khoảng riêng, cô sẽ dành cho anh thứ ấy! Thế nên, hôm nay, giờ này, Quốc Đạt trở về phòng, Anh Thư thật sự có chút tò mò, nhưng cũng thật là lòng cô không còn hy vọng nữa.

– Em chưa ngủ à? – Quốc Đạt hỏi, khi dò dẫm đến bên giường và nhận ra Anh Thư còn ngồi đó.

– Chưa, anh!

– Sao vậy? Em mệt à?

– Anh! – Anh Thư ngồi thẳng dậy, quay hẳn người lại. – Anh biết bác sĩ Anh Quân không?

– Anh Quân hả? – Quốc Đạt có vẻ suy nghĩ.

– Bác sĩ tâm lý…

– À!

Anh Thư rời khỏi ghế, tiến về phía tường, giơ tay bật đèn. Cô chắc chắn, Quốc Đạt thừa hiểu hành vi này nghĩa là cô đang muốn nói chuyện, cô cần nói chuyện; và, anh ta tốt nhất thì nên nói rõ ràng một lần.

Quốc Đạt nhìn Anh Thư một lúc rồi tiến về phía giường, ngồi xuống, chờ đợi. Anh Thư khe khẽ thở ra, lòng thật sự thấy nhẹ nhõm khi Quốc Đạt đã hiểu và đã có vẻ sẵn sàng cho lần nói chuyện thẳng thắn lẽ ra nên có giữa họ từ rất lâu. Cô chậm rãi tiến về phía chiếc bàn trang điểm cạnh giường, ngồi xuống, xoay ngang người để đối diện với Quốc Đạt.

– Em thấy con không ổn…


– Em đừng có nghĩ vậy! – Quốc Đạt khó chịu, nhưng cố dằn lại. – Con nít, đứa nào chẳng vậy?

– Đừng nói những câu thể hiện anh vô trách nhiệm! – Anh Thư nghiêm nghị. – Và hãy nghe em nói, được không?

Quốc Đạt ngồi im hoàn toàn, không có cái gật đầu nào, cũng chẳng câu đáp lại; nhưng có vẻ anh đã thật sự muốn lắng nghe, hoặc giả thái độ của Anh Thư khiến anh hiểu, đối kháng lúc này là điều nên tránh. Anh Thư nói rõ về những gì đã xảy ra với bé Bông mà cô quan sát được, về những gì cô có thể ghi nhớ trong buổi gặp bác sĩ Anh Quân hôm nay, trong sự lặng im tuyệt đối của Quốc Đạt – đến mức, đôi lúc, anh như bất động hoàn toàn.

– Em biết gì không? – Quốc Đạt lên tiếng, sau khi Anh Thư kết thúc khá lâu. – Là em đang tự ám thị mình!

– Ý anh là sao?

– Là em mặc định con không ổn và em nhìn cái gì cũng thành ra không ổn.

– Vậy nếu lỡ…

– Anh là bác sĩ mà?

Đã từng có lần Quốc Đạt nói với Anh Thư câu này, cũng là về bé Bông. Hồi ấy, khi cô mang thai được gần bốn tháng và bất thình lình ra máu, cả gia đình nháo nhào lên, lo lắng, đưa ra những phương án khám chữa nghe rất nghiêm trọng; duy nhất chỉ Quốc Đạt bình tĩnh, bảo Anh Thư nghỉ ngơi vài ngày, thả lỏng và tẩm bổ. Anh Thư cũng phản đối dữ dội lắm, nhất là khi cha mẹ cô không đồng ý để cô ở nhà, nhất nhất bắt cô phải nhập viện; và lúc ấy, Quốc Đạt bảo với cô, anh là bác sĩ mà, câu nói đơn giản nhưng đủ để trấn an cô.

Sao hôm nay, nghe lại câu nói này, Anh Thư không hề cảm thấy yên tâm chút nào? Thậm chí, cảm xúc duy nhất lúc này cô có, là sự khinh bỉ rất rõ ràng dành cho người đàn ông đối diện, vì sự vô tâm, vô trách nhiệm anh ta dành cho chính con gái mình. Bác sĩ thì sao chứ? Thì anh biết rõ hết mọi loại bệnh trên đời này à, kể cả không thuộc chuyên khoa của anh? Mà cho dù có thật là thế, cho dù anh siêu việt đến độ biết tất, thì cẩn trọng cũng có thừa không, nhất là trong trường hợp này?

Báo chí, truyền hình, mạng xã hội thời gian qua đã chẳng nháo nhào lên, đánh động đến những người làm cha mẹ, vì sự vô tâm, thờ ơ của họ mà những đứa trẻ sa vào tự kỷ đấy sao? Nếu may mắn bé Bông chưa bị, thì đây cũng là cơ sở để cả anh và cô phải nhìn lại về thái độ sống của mình, về thời gian dành cho con, để con bé đừng bao giờ bị chứ nhỉ? Sao anh lại có thể lạnh lùng đến thế? Anh có thể hết yêu cô – hoặc anh nhận ra chưa bao giờ yêu cô và yêu người đàn bà khác – nhưng không thể hết thương con được. Mà thái độ này, bảo cô cố chấp nhận rằng anh có thương, có quan tâm con bé, thật khó quá!

– Em vẫn muốn đưa con đi kiểm tra! – Anh Thư quả quyết.

– Tùy em! – Quốc Đạt chán nản trả lời.

– Em muốn anh đưa em và con đi! Dù sao thì anh và bác sĩ Quân cũng…

– Mối quan hệ không có giá trị trong trường hợp này! – Quốc Đạt thẳng thừng. – Vả lại, anh với bác sĩ Quân cũng chẳng quen nhau đâu, biết qua qua thôi! Nên em muốn thì em cứ chủ động. Anh bận!

***

Khi Lê Nam về đến nhà thì Hân Như đã không còn ở đó nữa. Đến một cuộc gọi, một tin nhắn báo với anh rằng cô đi cũng không có. Lê Nam nghe rõ ràng trong mình một mối hồ nghi, nhưng cũng chẳng biết là mình đang nghi ngờ gì. Anh cố gắng gạt đi, rằng tất cả chỉ vì bản thân khó chịu với việc Hân Như giận dỗi vô cớ suốt những ngày qua; thêm phần những gì Khánh Hoàng trao đổi khiến anh không thoải mái, cộng dồn hết rồi thành ra thế này. Nhưng cảm giác nghi ngờ cứ luẩn quẩn trong đầu, thôi thúc anh kiểm chứng, chẳng cần biết rằng, khi có sự thật rồi thì mọi thứ sẽ thành ra gì và giải quyết thế nào. Lê Nam bấm máy gọi.

Cuộc gọi kết thúc khá nhanh chóng, khi chắc chắn cha mẹ vợ đang ở nhà và chuẩn bị ngủ, Lê Nam càng suy nghĩ hơn, rồi lại bấm máy gọi – không liên lạc được, lại bấm máy gọi số khác – cũng không liên lạc được. Lê Nam đưa bàn tay lên, ôm trọn lấy cằm, vẻ đăm chiêu… Rồi, theo một phản xạ rất bản năng, của một gã đàn ông kiêu hãnh không bao giờ cho mình một giây để chấp nhận là người bị đặt ra ngoài cuộc, anh lại bấm máy gọi. Ngay khi bên kia có tín hiệu trả lời, Lê Nam nhẹ nhàng.

– Em ngủ chưa?

– Chưa, anh!

– Em lo cho con hả? – Lê Nam thật sự ân cần, quên hẳn cảm xúc vừa trôi qua mình chỉ vài giây trước. – Anh cũng sợ em buồn không ngủ được nên gọi hỏi thăm…

– Anh… qua em được không?

Giờ này á? Gần mười một giờ đêm? Anh đang có vợ và em đang có chồng, liệu em có thật sự nhớ điều ấy không nhỉ? Hay em đã quá quen với chuyện bản thân muốn làm gì, quyết định gì rồi sẽ phải trở thành đúng với người khác? Lê Nam bình thản lặng im, để rất nhiều câu hỏi trôi qua đầu mình, và sự thật là để Anh Thư phải chờ đợi câu trả lời.

– Được! Để anh chạy qua!

*

Lê Nam dĩ nhiên không cần phải hỏi tại sao Anh Thư có thể thoải mái ra ngoài vào giờ này. Một phụ nữ có chồng, nếu giữa đêm có thể ra ngoài – với một người đàn ông khác – thì dĩ nhiên giữa cô ta và chồng rõ ràng đang có vấn đề. Họ cãi nhau, họ tránh mặt nhau, hoặc tệ hơn, họ chẳng buồn quan tâm chuyện người kia đang làm gì và sẽ làm gì. Một phụ nữ trong gia đình giàu có và quyền thế, hẳn không cần quá lo lắng việc ai rồi sẽ chăm con mình, cho con mình ngủ, đứa trẻ thức giấc giữa khuya sẽ thế nào… Người giúp việc hẳn sẽ lo mọi thứ ấy rất chu toàn; và nếu trí nhớ của Lê Nam vẫn tốt, thì người ấy được bé Bông gọi một cách trìu mến là “vú Thơm” thì phải?!


Anh cũng chẳng cần phải hỏi, liệu cô có sợ điều tiếng không, khi mà bỏ qua tất cả mọi quy tắc của cuộc đời, về hai con người đã có gia đình mà gặp gỡ nhau vào thời điểm không thể có lời giải thích nào là hợp tình hợp lý như thế này cả! Nếu sợ, hẳn Anh Thư đã không làm! Mà thực chất thì có lẽ cô chẳng hề có khái niệm sợ trong cuộc đời mình thì phải. Chẳng phải, cô đã từng bước qua dư luận, đến và yêu anh khi hai người thậm chí không có đến một điểm tương đồng, dù là nhỏ nhất, trước đây mười năm đấy sao? Chẳng phải, cô đã từng là người chủ động vin cổ, kéo anh sát gần và hôn anh giữa sân trường trước sự chứng kiến của hàng chục người hoàn toàn xa lạ đấy sao? Anh Thư của anh không biết sợ! Lê Nam chắc chắn thế!

Nếu có, có lẽ anh chỉ nên hỏi cô rằng, ngay lúc này đây, anh có thể làm gì cho cô?! Nhưng Lê Nam cũng không hỏi. Khi người khác cần nói, tự họ sẽ nói; những câu hỏi không đúng thời điểm rất có thể sẽ trở thành một lời buộc tội vô lý. Thế nên, đợi cô đã ngồi vào xe, cho xe chạy chầm chậm quanh những con phố giờ đã vắng tanh, Lê Nam hoàn toàn im lặng. Nếu không bất kỳ ai cho Anh Thư cảm giác yên ổn, nhẹ nhàng, thanh bình khi có họ bên cạnh, sẵn sàng sẻ chia – cho dẫu là theo cách im lặng – thì anh sẽ cho cô!

Có lúc, Lê Nam đã nghĩ – thậm chí là hy vọng – Anh Thư khóc. Vì rõ ràng cô không ổn, hoàn toàn không; và những lúc như thế này, với phụ nữ, nước mắt là lựa chọn giải tỏa dễ chịu nhất. Nhưng Anh Thư không khóc – dĩ nhiên rồi – thậm chí còn chẳng hề tỏ ra mình đang buồn. Cô trơ lì, không cảm xúc! Cặp mắt nhìn thẳng về phía trước, cơ mặt bất động, dáng ngồi bình thản kiêu sa, hai bàn tay đan hờ nhau khẽ khàng đặt trên đùi… trông thì có vẻ ổn!

Mãi đến tận khi Lê Nam dừng hẳn trước cổng trường đại học ngày xưa của Anh Thư, cô mới thoáng động đậy, quay sang nhìn anh rồi bật cười.

– Sao lại tới đây?

– Không biết nữa! – Lê Nam nhún vai. – Tự nhiên anh nghĩ, tới đây em sẽ thấy dễ chịu hơn.

– Sao anh không nghĩ… – Anh Thư nheo mắt -… tới đây sẽ làm em khó chịu?

– Vậy mình đi chỗ khác…

Vừa nói, Lê Nam vừa đưa tay mở khóa xe, nổ máy. Nhưng Anh Thư đã ngay lập tức chạm khẽ vào tay anh.

– Đậu đây chút đi, anh! Em không khó chịu đâu!

– Em… – Lê Nam chần chừ -… em buồn hả?

– Em cô đơn!

Anh Thư nói, nhanh, gọn ghẽ và hoàn toàn không hề bị dao động hay chần chừ. Một người đàn bà ngồi cạnh một người đàn ông, nói rằng họ cô đơn, theo lý thuyết cuộc đời, đấy là một sự mời gọi rất khiêu khích! Nhưng Lê Nam đón nhận câu nói ấy đơn giản lắm, bởi, anh hiểu rất rõ cảm giác này. Con người đôi khi sợ cô độc, thế nên, họ thường ra ngoài, lao vào những đám đông bát nháo và tìm cho mình những sự ầm ĩ rẻ tiền, để rồi trở về một mình và tự hỏi, sao bản thân lại bất hạnh thế này? Nhưng thực chất, sự cô độc ấy hoàn toàn không đáng sợ, nhất là khi so sánh với cảm xúc của một con người nhận ra mình cô đơn ngay khi ở cạnh một người nào đó khác với danh xưng nghe như quen thuộc nhất cuộc đời mình.

– Em muốn đi đâu vài ngày không? – Lê Nam bình thản đề nghị. – Anh đưa em và con đi!

– Ông chủ to mà rảnh vậy à? – Anh Thư đùa, nhưng sao nghe buồn man mác.

***

Hân Như tháo giày, co hẳn hai chân lên, bật ngửa chiếc ghế rộng ra rồi chậm rãi nằm xuống. Nữ tiếp viên ân cần đến hỏi han, nhưng Hân Như từ chối mọi dịch vụ; cô muốn được yên tĩnh! Cô không biết, quyết định này của mình là đúng hay sai; đúng hơn thì cô không biết cảm xúc thật, suy nghĩ thật của mình là gì?! Đạp đổ mọi thứ ư? Có đơn giản đến thế? Thật ra, với Hân Như, không có gì là không thể, cũng không có gì là quá khó khăn; nhưng dẫu sao, cô cũng là một con người – cho dù có bị đánh giá là lạnh lùng, thiếu tình cảm đi chăng nữa – nên chuyện một mối quan hệ do chính mình lựa chọn, bỏ bao nhiêu công sức ra để gầy dựng, rồi lại vì chính những cảm xúc rất ích kỷ của bản thân mà rũ bỏ mọi thứ, thật cũng có phần thấy mình rất sai.

Một lúc khá lâu sau, Hân Như mới từ từ quay về phía bên phải của mình, chần chừ rồi bấm nút hạ tấm chắn xuống. Hình ảnh Khánh Hoàng đợi sẵn hiện lên rõ ràng khi tấm chắn giữa chỗ hai người ngồi biến mất hoàn toàn.

– Em mệt à? – Khánh Hoàng hỏi, sau một lúc lâu quan sát Hân Như.

– Không!

– Em buồn à? – Khánh Hoàng hỏi, có vẻ buồn và khó chịu.

– Không! – Hân Như gượng cười. – Đừng trẻ con vậy!

– Mình đã hứa là không đem chuyện công việc theo…

– Em không nghĩ đến công việc! – Hân Như cau mày rồi giãn ra, nhẹ nhàng. – Em làm anh mệt mỏi lắm, phải không?

Mệt mỏi à? Có chứ! Thậm chí rất nhiều nữa là khác! Chẳng ai không mệt mỏi khi dành tình cảm cho ai đó khác, mà tất cả những gì bản thân nhận được chỉ là một sự dè chừng, tần ngần cùng lời hứa không biết đến khi nào thực hiện – đợi giải quyết ổn thỏa mọi thứ. Khánh Hoàng cũng đã từng nhiều lần tự hỏi, thế nào là ổn thỏa? Là Hân Như nói thẳng với Lê Nam rằng, cô đang yêu bạn thân của anh ta, xin anh ta cho hai người được đến với nhau trong êm thấm, bằng một sự đồng thuận ly hôn tại tòa? Sẽ có người đàn ông nào đón nhận những thứ ấy bình thản, gật đầu rồi đồng ý chia đôi tài sản để vợ ra đi với nhân tình – lại là bạn thân của mình?

– Anh! – Hân Như gọi khẽ rồi cong môi cười rất khó hiểu. – Lần này sẽ ổn! Em đã sắp xếp hết rồi!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.