Đọc truyện Búp Bê Bắc Kinh – Chương 26: Bỏ học
Tôi đòi được bỏ học ở trường. Bố mẹ tôi đưa tôi đến gặp bác sĩ tâm thần, chủ yếu là để vừa lòng các thầy cô giáo và nhà trường. Hôm đó trời đổ tuyết – tôi nghĩ hẳn là mùng ba hay mùng bốn tháng Giêng gì đó, o không chắc lắm. Chúng tôi ngồi trên chiếc xe do một anh lính đơn vị bố tôi lái, đến một bệnh viện quân đội ở xa, trên đường ra ngoại ô. Từ nhà chúng tôi đến đó mất hơn một giờ đồng hồ. Tương tự như cả nhà đi dã ngoại.
Chúng tôi vào một phòng trên tầng bốn. Một tấm biển trên cửa ghi “Khoa Tâm thần” khiến tôi thấy rất nhắng. Một bác sĩ ngồi ở một cái bàn rộng hỏi một cách lạnh nhạt, “Tên cháu là gì?” Giọng bà ta chẳng ngọt ngào, chẳng ấm áp.
“Tại sao tôi phải nói với bà?” tôi nói.
“Thế tại sao cháu phải đến đây? Tôi chỉ hỏi tên cháu, và hãy cứ như vậy cái đã.”
Bà ta ngừng viết và nhìn thẳng vào tôi. “Cháu nghĩ cháu đang nổi loạn, đúng không?”
“Tôi ngồi ở đây chỉ để cho đẹp mắt bà thôi,” tôi nói.
Miệng bà ta há ra như bị sốc. Bà ta nhìn tôi như nhìn một con gì đó có lớp da quá dày không thể chọc vào nổi. “Vậy ư?” Bà ta nói vẻ suy ngẫm. Đó là người đàn bà có thể tuyên bố rằng tôi bị điên, một con dại thực sự. Nhưng thay vì thế, đã có quyết định rằng sau khi kỳ nghỉ ở trường kết thúc, tôi cũng không phải quay trở lại đó nữa. Tôi cười cho đến khi phát khóc.
Trên đường về nhà chúng tôi dừng lại ở một quán ăn có món lẩu dê rất ngon. Như là một bữa tiệc ăn mừng vậy. Điều đó khiến tôi phấn khích, nhưng chỉ được một chốc, vì tôi nhận ra rằng chẳng có gì đáng để ăn mừng cả. Làm thế nào mà bố mẹ tôi lại có thể ăn mừng vì tôi bỏ học sớm? Chúng tôi lại lên đường vào khoảng bốn hay năm giờ, đúng vào lúc các trường cho tan học. Bên đường đầy những học sinh từ phổ thông cho đến đại học, một số mặc đồng phục, một số không, tất cả đều thơ ngây, vui nhộn, và tôi nhận thấy rằng trông khuôn mặt bọn họ mới hớn hở làm sao trong sự tương phản với màn tuyết trắng thuần khiết.
Và mọi việc đã là vậy đấy. Ngày đến trường tiếp theo tôi đã không phải thứ dậy vào lúc sáu giờ sáng, tôi đã không phải lo lắng vì đi muộn, tôi đã không phải tham gia vào trò thể dục mềm dẻo có nhạc, tôi đã không phải xếp hàng rồng rắn trong nhà bếp để ăn bữa trưa, tôi đã không phải thi thêm cái gì nữa, hay dự mít tinh gì, hay cắm mặt vào cái màn hình máy tính, hay…
Tất cả đều đã kết thúc.