Đọc truyện Búp Bê Bắc Kinh – Chương 25: Lừa gạt đám đông
Bạn cũ tôi Tử Dư viết thư kể rằng các thảo nguyên của xứ Scottland không còn đẹp như ở mùa hạ. Cậu ta đang đợi mùa đông tới, khi các tia nắng mặt trời có thể làm cho chúng bừng lên lần nữa. Khi ấy dù anh có đứng ở đâu, anh cũng quên khuấy tất cả mọi thứ.
Ánh nắng bừng lên, một bầu trời xanh, những con người khỏe mạnh trên đường phố, xe cộ nối đuôi nhau ngược lên hướng này và xuôi về hướng khác.
Nhưng tôi thì càng ngày càng phiền muộn.
Trường, mọi loại trường, tôi đều không sao chịu nổi. Chẳng có một ngày nào mà ở đó tôi lại không bất hạnh. Tôi không muốn những con người ngu ngốc cứ cố chui vào trong đầu tôi. Tôi không muốn làm một bài thể dục mềm dẻo có nhạc hay những thứ chó chết tương tự. Tôi chỉ nhận được những cái liếc bẩn thỉu từ các giáo viên và tôi cũng đã ngấy họ đến tận cổ. Chỉ trừ, có thể là vậy, một người dạy luật. Ông ấy có vẻ được. Tôi muốn biết ông ấy sinh dưới sao nào, nhưng mỗi lần tôi hỏi, ông ấy cứ bắt tôi phải đoán.
Nietzsche đã từng nói: Tôi chẳng thà tìm kiếm hư vô còn hơn không tìm gì cả.
Có một trong số những cô nàng trong lớp thoải mái hưởng thụ tuổi thanh xuân mà vẫn làm chủ được hoàn toàn vẻ đẹp trẻ trung, hấp dẫn, tuyệt diệu, lộng lẫy của cô ta.
Tôi cảm thấy xấu hổ ghê gớm làm sao.
Có một trong số các cô nàng, rút cục luôn luôn dẫn đầu trong mọi cuộc thi.
Tôi không còn chỗ nào để trốn nữa.
***
Tôi thường xuyên lúng túng không hiểu nổi đầu óc của Đỗ Viện. Làm sao ngày nào ở trường cô ta cũng có thể đều đặn không bao giờ đến muộn, không bao giờ về sớm, luôn luôn tươi cười trước việc nặng? Tất cả mọi học sinh ở Trường Trung học Tây X này đều căm ghét ngôi trường đến tận xương tủy. Bản thân Đỗ Viện cũng thường xuyên phàn nàn, gọi Chủ nhiệm Vương, người phụ trách hội học sinh là “mụ già chết tiệt” sau lưng bà ta. Vậy làm sao cô ta có thể kiểm soát được tất cả xúc cảm của mình? Vị thế của cô ta đã được nâng cao đến nỗi cô ta đã được cất nhắc lên thành cán sự phụ trách hội văn nghệ. Tràn đầy sức lực, cô ta luôn luôn triệu tập các cuộc mít tinh để điều tra cái này hay cái khác. Ở đâu cũng có cơ hội cho cô ta.
Có thể cô ta cũng lúng túng không hiểu nổi đầu óc của tôi, tự hỏi rằng tại sao tôi lại không thể kiềm chế nổi xúc cảm. Tại sao tôi khao khát bỏ học và biến khỏi trường? Tôi mơ tưởng đến cái gì trên đời này vậy?
Tôi biết rằng đôi khi để những người khác chỉ đường cho anh đi thì tốt hơn là cho anh tự lựa chọn lấy. Nếu chỉ có một con đường để chọn, thì anh chọn nó. Những hối tiếc sẽ giảm đến mức tối thiểu. Nhưng cái cách chọn lựa cho tôi thì hoàn toàn sai lầm.
Tự do tự do tự do tự do. Tự do ăn, tự do ngủ, tự do nói, tự do hát, tự do kiếm tiền, tự do bật đèn, tự do tự sát, tự do đọc, tự do nghe nhạc, tự do làm tình, tự do đầu hàng, tự do về nhà, tự do bỏ học, tự do bỏ chạy, tự do tiêu tiền, tự do khóc, tự do nguyền rủa ai đó, tự do bỏ nhà, tự do lựa chọn, tự do tự do tự do tự do, tự do tự do tự do tự do, nếu anh không tự do, làm thế nào mà anh có thể nói về tự do?
***
Trong giờ ngữ văn, học sinh được đọc bài luận. Bài luận của tôi như sau:
Các bạn:
Tựa đề bài nói của tôi là: “Tất cả những người tài hoa chân chính đều luôn tự sát.” Có một cau nói có tác hại rất lớn, đó là “Kẻ thức thời thì tồn tại.” Xin thưa, nói vậy là hòan tòan sai lầm. Những ai tài hoa chân chính đều chết cả, những người còn sống đều là lọai bình thường hoặc đã vi phạm nguyên tắc của mình. Xin hãy thử nhìn vào số người tự sát: Khuất Nguyên, Lão Xá, Cố Thành, Hải Tử, Qua Mạch, Hermingway, Van Gogh, Marilyn Monroe,…và rất nhiều người nữa.
Trong số họ, có người được tôn kính, có người bị phỉ nhổ, nhưng họ đều có chung một điểm: khí khái cốt cách. Trước sự nhục nhã, họ thà chết chứ không van xin để được sống. Có thể các bạn cho rằng, tự sát là hành vi yếu đuối, còn tôi thì ngược lại, thấy không phải thế. Tự sát ở đây không phải là anh bị ai đó bức phải chết, mà là anh chủ động chọn cái chết. Từ bỏ sự trong sạch hay cứng rắn tới cùng, để giữ được cốt cách của con người. Lỗ Tấn cũng đã từng nói, tự sát là một cách phản kháng. Cố Thành, Hải Tử, Qua Mạch đều là những nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc. Cố Thành cầm đầu nhóm thơ mơ hồ, Hải Tử là người tổng kết thơ ca lãng mạn những năm 80. Qua Mạch là nhà thơ thiên tài từ trường Bắc Đại, trẫm mình trên sông Vạn Tuyền, trở thành “một xác người trẻ nhất” trong chính thơ của ông; Hải Tử tháng Năm năm 1989 đã nhảy vào, đường tàu ở Sơn Hải Quan, chọn cái chết để khẳng định thơ, phủ định cuộc sống lạnh lùng dung tục…
Do nhạy cảm, mơ mộng, những người tài hoa thường cảm thấy xã hội, thế giới là đen tối, xấu xa. Cuối cùng thì thiên tài chân chính đã cảm thấy tuyệt vọng. Họ đã thấy trước mọi thứ, biết rằng đường đi đã hết, thì việc gì phải lãng phí thời gian? Bây giờ có thể bạn sẽ hỏi: “Thế thì vì sao có rất nhiều người giỏi vẫn đang sống?” Tôi có thể trả lời ngay rằng, họ sống vì họ đã thỏa hiệp. Những người đó đã mài bớt sự sắc bén của mình, để rồi lẫn vào trong đám đông, trở thành một thứ vũ khí không cá tính, không tư tưởng, tự hạ thấp mình.
Vì vậy, người chân chính cần phải đấu tranh. Cuộc sống chân chính phải được bộc lộ hết mình. Giữa nhục nhã và nhân cách thì nên chọn nhân cách; giữa tồn tại và tự do thì hãy chọn tự do…
Bài viết của tôi đã hết, các bạn ở phía dưới vẫn giương mắt, há miệng, rồi bỗng từng tràng vỗ tay vang lên. “Bài này là em viết?” thầy ngữ văn cũng ngạc nhiên, sau đó hỏi riêng tôi.
“Vâng.”
“Chị Lâm! Chị Lâm!” mấy cậu trai ở ghế sau réo gọi. “Khá lắm! Còn giỏi hơn cả giỏi.”
Tạ Tư Nghê lè lưỡi về phía tôi. Lúc tan lớp, cô ta đến bên tôi nói, “Đằng ấy khá lắm! Biết được từng ấy danh nhân. Toàn những người mình chưa hề nghe nói, trừ mỗi Lỗ Tấn.”
_________________