Bóng Hoàng Hôn

Chương 9


Đọc truyện Bóng Hoàng Hôn – Chương 9


Suốt những ngày nghỉ tết, cuộc sống của Trúc Phượng rất bình thản, Nàng gần như chỉ ở trong nhà đọc sách, dạy Xuân Kỳ môn Anh Văn, rảnh hơn thì phụ mẹ làm bếp, Phượng như ngăn cách hẳn với cái ồn ào ngoài phố.
Bà Thục Trinh không hề đem chuyện của Phượng với ông Huấn ra kể lại cho chồng nghe. Người mẹ nào lại không là cánh chim dang rộng cánh che chở. Mọi thứ, mọi nỗi khổ đau của con bà sẵn sàng chia sẻ… và âm thầm theo dõi từng biểu lộ tình cảm của con mình. Thấy Trúc Phượng không ra ngoài, ông Huấn cũng không còn đến tìm, bà thấy yên tâm. Như vậy thì Trúc Phượng nó đã nói thật. Mọi thứ đã được dứt khoát! vậy thì càng tốt.
Trước hôm đi học lại hai ngày, khi bà Thục Trinh đi chợ về bà thấy trong thùng thơ có một tấm thiệp cưới. Bà mang vào cho Phượng.
– Thiệp cưới của Lê Văn với Bội Hoàng phải không?
Bà Trinh hỏi, Phượng đáp:
– Vâng, lễ cưới cử hành chiều nay mẹ ạ!
– Vậy à? Bà Trinh đặt giỏ đi chợ xuống, nhìn con gái thăm dò – Thế con có định đi dự không?
Phượng đáp:
– Dĩ nhiên, người ta mời là phải dự. Không dự người ta sẽ cho mình là trẻ con.
– Nhưng mà…
Bà Thục Trinh định nói gì đó lại thôi.
Trúc Phượng hiểu ý cười:
– Mẹ muốn nói chuyện ông Chí Huấn phải không? Mẹ đừng lo, chúng con cũng chưa tiến xa quá, chỉ là bạn.
– Đồng ý, nhưng chuyện đó chỉ có con và ông Huấn biết. Còn anh em Bội Hoàng, Bội Quân thì sao?
Trúc Phượng vẫn cười:
– Hôm nay là ngày cưới của Bội Hoàng cô ấy sẽ không để tâm đến chuyện nhỏ nhặt đó trong ngày hôm nay đâu mẹ…
Rồi Phượng cầm thiệp đi về phòng riêng. Để tấm thiệp cưới màu đỏ lên bàn, Phượng ngẩn ra. Có nên đi dự không? Phượng tự hỏi, lời của mẹ rõ là một cảnh giác hữu lý. Tối nay thế nào ông Huấn cũng có tham dự. Sự chạm mặt đó sẽ đưa cục diện đến đâu? có cả Bội Quân và Bội Hoàng. Nhắm có giữ được bình thản tự nhiên hay là sẽ làm nên chuyện cười? Nhưng nếu không đi thì cũng không được. Người ta đã mời, có nghĩa là đã bỏ qua hết, Mình không dự chỉ để vạch lưng cho người ta thấy là mình trẻ con, thiếu phong độ, mặc cảm…
Thế là Phượng đứng dậy. Phượng bước đến tủ áo, chọn chiếc áo mới may đẹp nhất của mình.
Chiếc áo mà năm ngoái khi tham dự tiệc cưới của một người bà con mẹ đã bắt may, kiểu còn mới. Đó là chiếc robe bằng soie trắng, trên khoác thêm chiếc áo ngoài bằng vải cứng rất modern. Phượng nhớ rất rõ, lúc may chiếc áo này Phượng đã phải lưỡng lự vô cùng. Nếu không có sự hối thúc của mẹ, Phựơng đã tiếc tiền không may.
Lấy bộ áo ra ủi lại, rồi đặt lên giường. Phượng chưa kịp làm gì khác thì đã nghe chuông cửa reo. Rồi tiếng của Xuân Kỳ bên ngoài vọng vào:
– Chị Phượng ơi, có bạn đến tìm.
Trúc Phượng chạy vội ra và thật bất ngờ, người đến tìm là Hiếu Trinh. Cô gái có nụ cười dịu dàng.
– Ồ, Hiếu Trinh, sao chị biết nhà em ở đây mà đến vậy?
Hiếu Trinh e ấp:
– Đã muốn tìm Phượng lâu lắm rồi nhưng không biết nhà.
Phượng biết Trinh đến tìm hẳn có lý do gì đấy, nên vội kéo Trinh về phòng riêng của mình.
– Vào đây, chúng ta nói chuyện dễ hơn.
Trinh vào trong, thấy bộ áo mới nằm trên giường, hỏi:
– Chuẩn bị đi ra ngoài à?
– Không có – Phượng lắc đầu nói – Tối nay đi dự lễ cưới của Bội Hoàng, chị có đi không?
Hiếu Trinh lúng túng:
– Không đi, vì họ không có mời.
– Vậy à? – Phượng chau mày. Nàng thấy anh em Bội Hoàng rõ là chẳng lịch sự. Và để thay đổi không khí, Phượng hỏi – Thế hôm nay chị đến đây có việc gì?
– Cũng chẳng có gì, muốn tìm Phượng để tâm sự thôi. – Hiếu Trinh nói – Nhờ anh Lê Văn cho biết địa chỉ, tôi mới đến được đây.
– Vậy mà tôi tưởng Bội Quân đưa địa chỉ cho chị chứ?
Phượng nói làm sắc diện Trinh thay đổi ngay:
– Còn lâu anh Quân mới làm chuyện đó. Anh Quân lúc nào cũng giấu kín chuyện của Phượng.
– Sao Hiếu Trinh lại nói vậy?
Phượng đứng dậy nói:
– Xin lỗi Phượng nhé, tôi không cố tình, nhưng mà…
– Chị Trinh đã hiểu lầm rồi. – Trúc Phượng thở ra nói – Giữa tôi và anh Bội Quân chưa hề có gì cả.
– Tôi biết chuyện đó. – Hiếu Trinh gật đầu nói – Nhìn qua là thấy. Vả lại, tôi cũng hiểu. Nhưng mà đâu thể cấm được một người yêu một người?
Phượng giật mình. Hiếu Trinh nói vậy là sao? Tình yêu nhiều lúc ngang trái vậy ư?
– Vâng!
Phượng gật đầu.
– Anh Quân như vậy đó. – Hiếu Trinh tiếp – Tôi học chung với anh ấy suốt bốn năm trời, nhưng lại hoàn toàn mù tịt về anh ấy. Nhiều lúc anh ấy giống như một chiếc giếng thật sâu, nhưng nhiều lúc anh ấy lại giống như một đứa trẻ. Muốn gần gũi phải thật nhẫn nại và chịu đựng, nói thật, làm bạn với anh ấy khổ quá.
– Nhưng nếu chịu đựng và nhẫn nại được, thì đó cũng là tình yêu.
Phượng nói làm Hiếu Trinh đỏ mặt.
– Phượng nói vậy là Phượng đã hiểu tôi. Vì vậy tôi đến đây muốn nhờ Phượng giúp đỡ.
– Những gì tôi có thể giúp được, tôi rất sẵn sàng.
– Chị rõ là người tốt, bởi vậy họ đều yêu mến chị.
– Họ? Ai vậy?
– Chị biết rồi còn phải hỏi. Đúng không?
Hiếu Trinh cười nói:
– Vậy bây giờ chị cần gì nào? – Phượng kéo trở lại đề tài – Làm sao chị biết là tôi sẽ giúp được chị?
– Ngoài Phượng ra chẳng ai làm được điều đó.
– Lời của chị làm tôi mắc cỡ.
– Tôi nói thật đấy. – Hiếu Trinh nói – Và tôi đã thu hết can đảm mới đến đây. Phượng cũng biết, con gái ai lại không tự ái. Nhưng mà vì anh ấy tôi sẵn sàng vứt hết tất cả, để đến nhờ Phượng.
– Hiếu Trinh, chị đừng mặc cảm gì cả, tôi sẵn sàng giúp chị mà.
– Phượng biết khôeng, tôi chờ lâu lắm, hôm ấy mới được Bội Quân mời đi ăn cơm, tôi mừng lắm tưởng là Quân đã để mắt đến mình. Nhưng không phải, sau đó tôi mới biết là Quân làm như vậy chẳng qua là vì muốn thăm dò tình cảm của Phượng, nhưng kết quả, Quân đã không thành công. Vì Phượng vẫn tỉnh bơ làm Quân tự ái.
– Có khi nào Trinh đã hiểu sai không?
– Không đâu. Sự thật là vậy đó. Ai có chút trí khôn cũng nhận ra một cách dễ dàng. Nhưng mà chị biết đấy, tôi cũng không buồn vì tôi nghĩ là tình cảm phải nhẫn nại. Thế là… tôi cố chờ đợi, mong là một ngày nào đó rồi Quân sẽ hồi tâm.
Hiếu Trinh ngưng lại một chút rồi tiếp:
– Từ nào đến giờ tôi không hề trách anh Quân, cũng không trách Phượng. Tôi nghĩ có lẽ định mệnh muốn tôi phải khổ như thế.
Phượng lắc đầu thương xót.
– Chị Hiếu Trinh, không hẳn là như vậy đâu. Cũng có thể là Quân cũng yêu chị, nhưng vì bản chất anh ấy kín đáo, nên anh Quân đã không thể hiện ra.
– Nếu thật sự anh ấy yêu tôi, thì không cần biểu thị, tôi cũng có thể cảm nhận được mà. Đằng này không có, nhiều lúc tôi cảm thấy như Quân chỉ đùa cợt với tôi.
– Đừng nghĩ như vậy. Anh Quân không phải loại người vậy đâu.
– Có thể trước kia là anh ấy như thế, nhưng mà lúc gần đây, anh Quân lại thay đổi vô cùng. Anh ấy lạnh lùng và nhiều lúc lại hay nổi nóng. Tôi không hiểu có phải là vì chuyện Bội Hoàng lấy chồng trước khi anh ấy lập gia đình không?
Trúc Phượng lắc đầu, nhưng không nói gì cả. Vì thật ra Hoàng lấy chồng là vì chuyện của nàng với ông Huấn thôi. Nhưng chuyện này có ảnh hưởng đến Quân không?
– Tôi nghĩ là nếu có thể chị nên gặp anh Quân, đặt thẳng vấn đề với anh ấy. Đó là một chuyện khó, nhưng dù gì còn hơn là âm thầm chịu đựng.
Hiếu Trinh nói:
– Chị nói giúp tôi được không?
– Tôi à?
– Vâng, chỉ cần chị tỏ rõ cho anh ấy thấy là chị không yêu anh ấy, để anh ấy đừng mơ tưởng đến chị nữa. Biết đâu.
– Được rồi. – Trúc Phượng nhìn Hiếu Trinh nói. Chuyện đó chính Phượng cũng đã muốn làm từ lâu – Tôi sẽ làm điều đó, nhưng chưa chắc là sẽ thành công đâu nhé.
– Chỉ cần Phượng hứa là được.
Phượng nói:
– Tối nay tôi sẽ gặp anh ấy, nếu có cơ hội tôi sẽ đề cập ngay.
– Vậy thì xin cảm ơn Phượng trước.
Hiếu Trinh xúc động nắm lấy tay Phượng, rồi đi ra. Phượng nhìn theo cái dáng dấp yếu đuối của Trinh, lòng bồi hồi…
Trời đã chiều, theo thiệp mời thì năm giờ lễ sẽ cử hành, sau giờ nhập tiệc. Còn bây giờ Phượng nhìn vào đồng hồ, đã bốn giờ hơn, vậy thì chuẩn bị là vừa.
Phượng bắt đầu thay áo, chải lại mái tóc, thoa thêm một chút son đỏ, không đánh phấn. Phượng mang đôi giầy cao gót màu đen, mà lúc mua đến giờ mới mang qua hai lần. Bây giờ thì Phượng có vẻ người lớn hẳn. Nàng nói với mẹ:

– Con phải đi giờ này, chớ đến trễ kỳ lắm!
Bà Thục Trinh đưa cho Phượng chiếc phong bì.
– Con quên mang theo tiền lễ à? Không sợ người ta cười sao?
– Có gì đâu mà cười? Cả hai họ đều giàu nứt vách, họ đâu cần gì cái số tiền nhỏ nhặt này.
– Nhưng mà ít ra phải có cái gì coi mới phải đạo chứ, không lẽ đến ăn không?
Phượng cười không nói gì. Ra đến cửa, Phượng nghe bà Trinh dặn dò:
– Trúc Phượng, con phải bình tĩnh nhé!
Phượng gật đầu. Nàng hiểu ý mẹ muốn nói gì.
Nhưng khi ra đến đường cái, Phượng lại thấy căng thẳng, sẽ phải gặp Chí Huấn, rồi còn Quân và Hoàng. Thêm cái sứ mệnh với Hiếu Trinh…
Phượng ngoắt chiếc taxi, cho địa chỉ, rồi ngồi vào xe. Xe chạy rồi, mà lòng Phượng vẫn bất định với bao ý nghĩ.
– Đã đến nơi, cô ạ!
Khi tài xế lên tiếng, Phượng mới giật mình. Nàng trả vội tiền rồi xuống xe. Đây là một nhà hàng mới mở rất sang trọng. Phượng bình tĩnh bước vào.
Theo bảng chỉ dẫn, Phượng lên lầu. Tuy chưa đến giờ nhưng khách khứa đã đến rất đông. Ngay trước cửa vào phòng tiệc có chiếc bàn ký tên lưu niệm và nhận quà, với một hàng dài người đứng chờ.
Phần lớn khách đến dự đều lạ và ăn mặc sang trọng. Phượng đứng vào hàng mà thấy thật lạc lõng.
Sau khi ký tên và tặng quà, Phượng bước vào lễ đường. Bên trong hơn năm mươi bàn tiệc, phần lớn đều đầy người. Phượng còn chưa biết ngồi đâu thì một thanh niên trẻ mang kính cận bước tới chào Phượng. Trên chiếc áo veste của anh ta có chiếc nơ đỏ.
– Chắc cô chẳng có ai quen? Cần tôi hướng dẫn đến chỗ ngồi không?
Thanh niên lịch sự hỏi:
– Nếu được thì cảm ơn anh. – Phượng đáp.
– Thế chị là thân nhân bên đàng trai hay đàng gái?
– Cả hai bên đều quen. – Phượng cười nói – Tôi là bạn học chung với cả Lê Văn và Bội Hoàng.
– Vậy à? – Anh thanh niên kia cười – Tôi là em họ của Lê Văn đây. Tôi là Lê Ấn.
Phượng gật đầu chào, rồi theo Ấn đến ngồi ở chiếc bàn gần sân khấu. Ấn nói:
– Cô ngồi ở đây nhé. Một tí nữa đón khách xong, tôi cũng sẽ đến đây ngồi. Có lẽ hôm nay cả Lê Văn với Bội Hoàng sẽ rất bận, họ không tiếp cô được đâu.
– Không sao đâu. Tôi hiểu chứ!
Khi Lê Ấn đã bỏ đi Phượng mới có dịp quan sát. Bàn của Phượng ngồi là bàn trống nên Phượng không cần phải giao tế với ai. Chung quanh nàng toàn là những người lớn tuổi. Có lẽ đó là những quan chức cao cấp, những mệnh phụ phu nhân và các thương gia tên tuổi. Phòng tiệc thì trang trí lộng lẫy, đầy các giỏ hoa tươi.
Phượng ngồi như vậy thật lâu mà chẳng thấy ai quen thuộc. Cô dâu chú rể chưa đến giờ đương nhiên chưa ra, nhưng cả ông Huấn và Bội Quân cũng không thấy.
Gần hai mươi phút sau, Lê Ấn mới đưa tới một cặp vợ chồng khác. Họ ngồi xuống cạnh Phượng. Người đàn bà hỏi:
– Cô đi dự tiệc có một mình à?
– Vâng. – Phượng đáp – Tôi là bạn học của cả cô dâu và chú rể.
– À, vậy là sinh viên ưu tú của Đại học T nổi tiếng đây à?
Lời tán dương của bà ta làm Phượng đỏ mặt, mặc dù Phượng biết đó chỉ là một phương thức xã giao thông thường. May thay lúc đó Ấn lại đưa thêm một cặp vợ chồng khác đến. Và hai cặp vợ chồng này gặp nhau là bắt chuyện ngay. Đúng như điều Phượng đoán, họ đều là những người của giai cấp trưởng giả. Đề tài họ thảo luận là nữ trang, tiệc tùng, chuyện giao tế…
Phượng còn đang ơ hờ nhìn bâng quơ, thì có một người dáng cao gầy đi về phía nàng.
Bội Quân!
Quân đã đến và đứng lặng lẽ đó. Đôi mắt sâu, má hóp. Con người như mất hẳn sinh khí. Phượng hồi hộp. Không biết Quân đến với mục đích gì? Thân thiện hay thù hận?
– Tôi có thể ngồi đây được chứ?
Rồi Quân lên tiếng và kéo ghế bên cạnh. Phượng chợt nhớ đến lời hứa với Hiếu Trinh, nàng nói:
– Được chứ!
Đôi vợ chồng ban nãy chợt quay lại, nhìn hai người tò mò. Quân có vẻ khó chịu, đứng lên, nắm lấy tay Phượng.
– Mình lại đằng kia ngồi đi!
– Cũng được.
Phượng nói, rồi đi theo Quân đến một chiếc bàn trống khác. Ở đây chỉ có hai người. Quân yên lặng một chút nói:
– Tôi tưởng là hôm nay Phượng sẽ không đến chứ.
– Chẳng có lý do gì lại không đến.
Phượng đáp, Bội Quân lại do dự:
– Thế… Phượng có giận tôi không?
– Giận anh à? – Phượng nói như pha trò – Sao vậy? Không có thương thì làm sao có giận? Đúng ra tôi còn phải cảm ơn anh mới đúng.
– Vậy à?
Mặt Quân sa sầm xuống. Phượng cố tình hỏi dù đã biết:
– Thế… Hiếu Trinh hôm nay không tới dự sao?
Quân bực dọc:
– Đừng nhắc đến cô ấy. Tôi và cô ta không có sự quan hệ nào cả.
– Tôi không biết sự quan hệ giữa hai người, nhưng ít ra chắc cũng không đến nỗi vô tình lắm đâu.
Bội Quân nhìn Phượng rất lâu, rồi hỏi:
– Cô ấy đã đến tìm Phượng, phải không?
Phượng hỏi ngược lại:
– Chuyện tìm hay không thì cũng đâu có ảnh hưởng gì đến tình cảm anh dành cho chị ấy?
– Không có chuyện tình cảm gì ở đây cả!
Bội Quân vẫn lạnh. Phượng lắc đầu:
– Anh phải biết là… tình yêu nó như những hạt cát nằm trong lòng sông. Anh hốt lên mà không biết giữ, nó sẽ theo kẻ tay chảy hết ra ngoài, tới chừng nghĩ lại, thì chỉ còn tiếc nuối.
Bội Quân giận dữ:
– Từ nào tới giờ tôi có đâu mà giữ chứ?
Trúc Phượng nhìn xuống, yên lặng. Tiếng của Quân tiếp:
– Phượng có biết không, tôi nghĩ là Phượng hẳn đã giận tôi lắm và tôi sẽ chẳng bao giờ có được cái hân hạnh như hôm nay, được ngồi cạnh bên Phượng.
Phượng không muốn để chuyện này dây dưa, nên hỏi:
– Thế đám cưới xong, Bội Hoàng vẫn về ở bên Vườn Lê chứ?
– Không, nó dọn về nhà chồng ở. – Bội Quân cười nhạt nói – Kết quả là từ đây tôi sẽ là người chủ duy nhất của Vườn Lê.
Phượng lắc đầu:
– Nhưng nếu anh cứ nhốt mình ở Vườn Lê, anh sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc cho chính mình.
– Phượng nói vậy là sao? Phượng cho là tôi đã hành động sai? Thế còn Phượng?
Phượng không đáp, chỉ nói:
– Tôi chỉ muốn góp ý, còn nghe hay không là tùy anh.
Khách đã vào đông đủ. Vậy mà chiếc bàn này vẫn trống. Hôn lễ sắp cử hành. Ban nhạc và người chủ hôn đã đi vào. Phượng ngạc nhiên:
– Ủa sao bàn này không có ai ngồi cả vậy?
– Vì bàn này dành riêng cho gia đình.
Bội Quân nói. Trúc Phượng giật mình, định đứng dậy đổi bàn khác. Nhưng ngay lúc đó, ở cửa vào những tràng pháo tay vang lên. Người người hướng mặt về phía đó. Phượng tưởng là cô dâu và chú rể đi vào, nhưng không phải. Người bước vào là ông Chí Huấn trong bộ lễ phục sang trọng màu đen. Ông đang cười thật tươi, đưa cao hai tay vẫy chào bạn bè. Đi cạnh ông là một người đàn bà lộng lẫy không kém.
Trúc Phượng chợt thấy đau nhói ở tim, khi nhìn người đàn bà. Phượng thật bất ngờ. Nàng cứ tưởng là… ông Huấn sau cái cú sốc vừa rồi, phải ít ra một thời gian sau mới trở lại với nếp sống cũ. Vậy mà chỉ mới đây… Chưa đầy một tháng… Sao vậy? Đàn ông làm sao có thể vô tình như vậy?
Ông Huấn và người đàn bà kia càng lúc càng đến gần. Người đàn bà quá quen thuộc. Nào phải ai xa lạ đâu. Ca sĩ Điền Tâm. Bà ta có vẻ thật rạng rỡ, thật vui. Vui chẳng kém gì ông Huấn. Vậy thì… Phượng tự nhủ lòng. Sao ta lại ngu muội vậy? Ta tưởng ai cũng giống mình, cũng đau khổ, day dứt với tình? Đàn ông thay đổi nhanh chóng. Vậy mà ta vẫn tin những lời nói khoác của họ. Trong đầu Phượng vẫn còn in sâu cái hình dáng bơ phờ của ông Huấn, khi tìm nàng trước hẻm nhà để trả sách…
Và bây giờ thì… Ông Huấn đã trông thấy Phượng. Phượng rõ ràng trông thấy ánh mắt của ông ta lướt nhanh về phía nàng. Nhưng nó có vẻ bình thản chứ không xúc động. Một nụ cười nhẹ. Một cái gật đầu xã giao. Chỉ có vậy cho cái tình yêu nồng cháy cũ?
Trái tim Phượng chợt như bị đóng băng, không còn cảm xúc. Bội Quân đứng cạnh, chăm chú theo dõi diễn biến trên khuôn mặt Phượng. Nhưng anh chàng có vẻ ngạc nhiên vì cái bình thản trên khuôn mặt kia. Quân có vẻ yên tâm như vậy thì nào có nghĩa là Phượng đã yêu ông Huấn?
Nhưng Bội Quân cũng nói với Phượng:
– Phượng biết không, người đàn bà đi bên cạnh cha tôi là ca sĩ Điền Tâm đấy.
– Tôi biết!
Phượng đáp. Mọi ảo tưởng tan vỡ hoàn toàn trong đầu. Tiếng cười của Điền Tâm từ xa vọng lại, thật nhức nhối.
Bội Quân lại tiếp:

– Phượng nên hiểu cho. Chuyện hôm ấy tôi đã làm hoàn toàn là vì Phượng thôi. Đấy Phượng thấy, con người của cha tôi vậy đó, ông ấy nào có thật tình với một ai.
– Tôi biết. Vì vậy ban nãy tôi đã nói là tôi rất cảm ơn anh.
Trúc Phượng không nhìn Quân nói:
– Anh là con người độ lượng, khoan dung. Anh rất tốt khi giữ gìn giùm tôi. Tôi nghĩ là… tôi sẽ không bao giờ quên cái ơn đó.
– Đừng có nói vậy Phượng. – Bội Quân có vẻ hài lòng vì lời cảm ơn vừa rồi của Phượng, và chàng nói – Hôn lễ bắt đầu rồi kìa.
Quả nhiên, người chủ lễ đã lên sân khấu tuyên bố lý do. Rồi ban nhạc bắt đầu hòa tấu. Mọi người yên lặng theo dõi. Sau bản nhạc chào mừng cô dâu chú rể, ông mai bà mai bước ra, người chứng, người chủ hôn, đại diện gia đình hai họ… Tất cả đứng đầy sân khấu. Cuối cùng cô dâu chú rể mới ra mắt, rồi tràng pháo tay lớn và dài. Lê Văn trong bộ lễ phục chỉnh chạc và cô dâu trong chiếc áo cưới lộng lẫy khoác tay nhau. Cả hai đều đẹp một cách tương xứng. Mọi người trầm trồ, ca ngợi. Nhưng Phượng không thấy không nghe gì hết. Trước mắt nàng chỉ có ông Chí Huấn. Hôm nay ông Huấn thật phong độ thật đẹp trai, nhưng cũng thật vô tình. Phượng thấy ông Huấn cười đùa, vui vẻ với mọi người. Ông Huấn thỉnh thoảng quay sang bá lấy vai ca sĩ Điền Tâm. Ông Huấn như hoàn toàn không biết gì hết về sự hiện hữu của Phượng.
Rồi mọi nghi lễ kết thúc. Bây giờ tới phần nhập tiệc. Phượng như người mất hồn. Nếu không vì sự hiện diện của Bội Quân bên cạnh không biết Phượng đã thế nào. Phượng không phải là đứa con gái hay khóc, nhưng mà bấy giờ nước mắt như đang đầy ứ trong mắt. Phượng không phải tủi thân cho mình, mà Phượng không ngờ tình yêu lại chóng tàn, lại có thể tàn nhẫn như vậy.
Rồi cô dâu và chú rể đi xuống từng bàn tiệc, với gia trưởng hai họ bên cạnh, để nhận lời chúc mừng của khách mời. Họ đang đến gần. Phượng cắn nhẹ môi. Phải giữ thái độ thật bình tĩnh. Đừng để cho bất cứ người nào thấy sự yếu đuối của mình. Phượng chuẩn bị tinh thần và nhìn Hoàng. Bội Hoàng hôm nay quá đẹp. Đẹp một cách quý phái. Có điều Hoàng thiếu cái thẹn thùng e ấp của cô dâu. Hoàng vẫn lạnh lùng một cách cố hữu giống như những hạt kim cương trên người nàng.
Và Bội Hoàng, Lê Văn đã đến bàn Phượng. Như mọi người, Phượng đứng dậy, nâng ly lên. Ánh mắt của Hoàng liếc nhanh về phía Phượng. Một nụ cười lạnh gần như mai mỉa, khinh thị. Phượng không dám nhìn Hoàng lâu. Nàng quay sang Lê Văn. Lê Văn đang cười với mọi người. Nhưng nụ cười đó cũng chẳng có gì là hồ hởi. Sao vậy? Ngày vui mà? Phượng liếc nhanh về phía ông Huấn, và chạm ngay ánh mắt của pho tượng. Thế là Phượng cúi xuống. Không muốn nhìn thấy gì cả.
Rồi đám cô dâu chú rể kéo đi qua bàn khác. Mọi người lại ngồi xuống. Bữa tiệc rất thịnh soạn, toàn là những món cao lương mỹ vị. Vậy mà Phượng ăn rất ít. Phượng chẳng thấy đói tí nào. Lúc tiệc tàn, khách khứa kéo ra cửa. Phượng theo dòng người bước ra. Quân vẫn lặng lẽ đi sau lưng nàng. Cô dâu chú rể đứng ngay cửa chào khách.
Phượng chưa bước đến, thì đã bị một thanh niên chận lại:
– Ồ, tại sao cô đổi chỗ mà không cho biết, làm hại tôi đã tìm cô quá trời.
Anh chàng Lê Ấn ban nãy nói, nhưng rồi hắn đã nhìn thấy Bội Quân đi phía sau, hắn như hiểu ra, vội nói:
– xin lỗi nhé, tôi bận. Sẽ gặp nhau sau!
Rồi Lê Ấn bỏ đi, Bội Quân có dịp nói chuyện:
– Anh chàng Lê Ấn này cũng hoạt bát đấy chứ. Phượng quen hắn à?
Trúc Phượng không quay đầu lại nói:
– Không, ban nãy anh ấy là người đã sắp chỗ ngồi cho tôi.
Đến cửa, Trúc Phượng mới thấy không có ông Huấn đứng trong đám người tiễn khách. Phượng hơi thất vọng. Nhưng ngay lúc đó chợt nhiên nghe có tiếng đàn bà nói sau lưng:
– Này anh, cái con bé mặc áo trắng đi trước kia, có phải là… Trúc Phượng không?
Trúc Phượng giật mình, nhưng đoán ra ngay. Như vậy có nghĩa là ông Huấn đã đi sau nàng, và người vừa nói chẳng ai khác hơn là ca sĩ Điền Tâm. Đúng như điều Phượng đoán, nàng nghe tiếng ông Huấn nói:
– Ờ!
Phượng cố không quay lại, nghe Điền Tâm tiếp:
– Con bé đang đi cạnh con trai anh, xem họ cũng xứng đôi quá. À, cái cặp này có vẻ hay hơn cặp Lê Văn với Bội Hoàng đấy anh ạ!
Phượng không nghe ông Huấn nói gì, nhưng Phượng thấy thật khó chịu. Nàng cố bước nhanh hơn. Tới ngay cửa, Phượng thấy Hoàng đã thay chiếc áo dạ hội màu trắng. Phượng cố tạo ra cái vẻ thật tự nhiên, đưa tay ra:
– Xin chúc mừng hai người!
Phượng nói, và Lê Văn đã bắt tay nàng.
– Cảm ơn!
Phượng lại đưa tay qua Hoàng. Nhưng Hoàng chỉ nắm nhẹ mấy ngón tay.
– Ông anh tôi thì đi sau lưng cô, còn xa hơn một chút là cha tôi. Vậy thì… rồi liệu cô có trở thành một trong những thành viên của gia đình họ Lê tôi không? Và lúc đó thì đóng vai trò gì? Chị dâu hay mẹ kế của tôi chứ?
Lời của Hoàng làm Phượng tái mặt. Chưa bao giờ Phượng thấy tự ái tổn thương thế này. Bội Quân đi phía sau, giận dữ nói với em gái:
– Đủ rồi, hôm nay là ngày cưới của em bằng không chắc anh phải dạy cho em một bài học lễ độ.
Rồi Quân đi theo Phượng ra ngoài, để lại Bội Hoàng ngẩn ngơ. Chưa bao giờ Hoàng thấy ông anh của mình hung dữ như vậy. Hoàng quay sang nhìn chồng. Nhưng lúc đó thái độ của Lê Văn cũng có vẻ làm sao đấy. Sao lạ vậy? Chẳng lẽ toàn bộ những ông này, kể cả cha nàng cũng đều bị Trúc Phượng xỏ mũi cả sao?
Sự ganh tị quyện chặt lấy tình cảm của Hoàng. Cái thái độ ban nãy của Bội Quân làm Hoàng thật khó chịu. Khi ông Huấn tiến lại gần, bắt tay Lê Văn, tự nhiên vỗ vỗ lên vai cậu con rể, thì Hoàng quay mặt đi nơi khác, như không màng biết tới.
Ông Chí Huấn có vẻ nhẫn nhục, ông đứng trước mặt con gái, chìa tay ra với nụ cười.
– Bội Hoàng, cha thấy thì bây giờ… cha phải mừng cho con.
Nhưng Bội Hoàng hất mặt nhìn cao hơn, như không trông thấy, Hoàng vẫn còn giận cha cái lần cha định đánh mình trong nhà hàng Đệ Nhất trước mặt Phượng và Lê Văn.
Trước đám đông, Hoàng làm cho ông Huấn bẻ mặt. Lê Văn bực mình nói:
– Bội Hoàng, em làm sao vậy? Em có nghe cha nói gì không chứ?
Và Hoàng không còn cách nào khác là chìa tay ra bắt lấy tay cha, nhưng lại nói thòng thêm một câu.
– Nhanh lên đi, người đẹp sắp đi ra ngoài rồi đấy.
Mặt ông Huấn tái hẳn. Bội Hoàng thật quá lắm. Ông đã nhịn nhục nó bấy nhiêu năm nay. Nhưng mà bây giờ nó đã lấy chồng. Thôi thì nhịn thêm một lần cuối vậy. Nhưng ông vẫn bực mình. Ông nắm lấy tay Điền Tâm kéo mạnh bước nhanh ra ngoài. Điền Tâm vừa đi vừa ngạc nhiên.
– Ồ, con gái anh làm sao thế? Ai đã khiến cô ấy khó chịu? Mà cô ấy bảo là ai đã đi ra ngoài rồi anh?
Ông Chí Huấn chỉ im lặng. Cơn giận bốc lên tận đầu, nhưng ông không thể làm gì khác hơn. Đúng rồi, đám con ông, tất cả bọn chúng cho là ông chỉ xứng với loại đàn bà này thôi. Loại đàn bà chỉ biết có tiền như Điền Tâm.
Ra khỏi nhà hàng, ông Huấn kéo Điền Tâm đi về phía bãi đậu xe, chợt ông nghe đâu đấy trong bóng đêm, tiếng đứa con trai nói với đứa con gái.
– Tôi rất lấy làm tiếc về chuyện xảy ra ban nãy, mong là cô đừng buồn.
Một chút yên lặng, rồi tiếng cô gái thở dài:
– Tôi không phải là trẻ con, nhưng nếu nói là không buồn thì cũng không đúng. Nhưng mà chuyện đời mà, có nhiều khi người ta giận cá chém thớt.
– Bản chất của nó là như vậy. – Tiếng con trai nói – Nhưng còn cha tôi, ông ấy hôm nay cũng thật vô tình. Tôi nghĩ đó cũng là vì bản chất. Nhưng dù gì cô hiểu cho, ông ấy có thể nào thì cũng là cha tôi.
Cô gái lại thở dài:
– Đúng ra hôm nay tôi không nên đến. Vì rõ ràng là… Bội Hoàng muốn tôi đến để sỉ nhục tôi thôi.
– Bản chất Bội Hoàng trẻ con từ nào đến giờ. Nhưng đó là cả một sự bi đát. Vì như vậy chỉ tự làm khổ mình thôi.
Ông Huấn đã ngồi vào tay lái, Điền Tâm ngồi bên cạnh thấy thái độ ông, hỏi:
– Làm gì mà như người mất hồn vậy?
Ông Huấn giật mình, nhưng rồi ông lại nghe người con gái nói:
– Cảm ơn những gì anh vừa nói, thôi bây giờ tôi về.
– Để tôi đưa cô đi.
– Thôi khỏi, tôi về một mình được rồi. – Người con gái nói – Bây giờ anh hãy quay về Vườn Lê đi, anh mà theo tôi rồi người ta lại hiểu lầm, mọi chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn.
Hình như gã con trai có vẻ thất vọng. Sau đấy ông Huấn nghe tiếng chân bước đi. Có lẽ là cô gái đã bỏ đi thật. Ông thở dài. Ông biết là ai và ai vừa nói chuyện. Và như vậy, mọi sự đã sáng tỏ. Bội Quân yêu Phượng. Cái mối tình đơn phương thầm kín. Năm nay Quân hai mươi hai tuổi. Nó còn trẻ. Nó không được thất vọng. Và chợt nhiên ông Huấn khát khao… Nếu có thể bằng cách nào, mọi giá… ông sẵn sàng giúp đỡ để con ông đạt được ước nguyện. Nhưng điều này có thể thực hiện được hay không?
Ông cho nổ máy xe. Và vô thức đưa xe hướng về phía con đường mà người con gái ban nãy đã đi. Chiếc bóng áo trắng một mình giữa đêm khuya cho thấy một nỗi cô độc buồn phiền. Ông chợt thấy tim đau nhói. Tất cả tại ta. Tại ta cả. Chính ta đã làm trái tim của nàng rỉ máu. Tội ta tày trời! Bất giác ông đạp mạnh ga làm xe tăng tốc độ. Điền Tâm phải khủng khiếp kêu lên:
– Anh Huấn! Anh làm sao vậy? Coi chừng tai nạn bây giờ.
Ông Huấn mới chợt tỉnh. Ông lơi tay ga lại và cho xe ngoặc sang hướng khác.
Điền Tâm vẫn hồn nhiên. Không biết tâm sự của ông Huấn, cô nàng hỏi:
– Mục tiếp theo là mục gì đây anh?
Ông Huấn chau mày, ông có vẻ bực mình:
– Tôi sẽ đưa cô về nhà. Hôm nay tôi bận
– Bận à? Bây giờ là mười giờ rồi. – Điền Tâm ngạc nhiên – Anh còn hẹn với ai nữa? Đan Ni, hay là cô Mini bên “Đêm Paris” chứ?
– Chuyện riêng của tôi mà sao tò mò chi vậy?
Ông Huấn bực mình nói, Điền Tâm cười giả lả:
– Ai mà dám tò mò chuyện của anh. Nhưng mà anh phải nhớ là anh đã hứa là cho em may thêm hai chiếc áo dạ hội đó nhé!
Ông Huấn vẫn nhìn thẳng về phía trước.
– Được rồi, mang hóa đơn đến công ty tôi sẽ thanh toán cho. Lúc nào cô cũng nghĩ đến tiền là tiền.
Điền Tâm cười:
– Anh lầm rồi, em cũng muốn có cả con người của anh nữa chứ bộ.
Ông Huấn cho xe dừng lại trước đầu hẻm nhà Tâm, rồi ra lệnh:
– Xuống đi!
Điền Tâm vẫn cười:
– Thật tối nay anh chẳng cần em à?
– Hôm nay tôi chỉ muốn cô đi dự tiệc cưới với tôi thôi. Xong rồi, cô đã hết bổn phận.

Ông Huấn nói một cách ngắn gọn. Điền Tâm nhún vai và bước xuống xe. Chưa kịp vào hẻm, đã nghe tiếng xe rú ga chạy đi. Vậy là hôm nay ông Huấn hẳn có việc riêng thật.
Ông Huấn cho xe ra đường cái. Ông không lái về nhà ngay. Ở đó là một nấm mồ lạnh. Ông cho xe lòng vòng trên phố. Đường đêm thật vắng. Tất cả đều như chìm vào giấc ngủ. Chỉ có ông là còn thức. Ông thấy cô đơn vô cùng. Và rồi, trong vô thức, ônglại cho xe chạy đến một quãng đường quen thuộc. Ở đấy có những tòa nhà nỏ cư xá, của nhà nước cấp cho các công chức thâm niên.
Bên trong cái bờ giậu quen thuộc, đèn vẫn còn cháy sáng. Đêm vắng, ông Huấn nghe rõ cả tiếng đối thoại bên trong vọng ra ngoài.
– Sao tiệc cưới có vui không con? Cô dâu hẳn là đẹp lắm?
Tiếng của người mẹ hỏi con gái. Rồi tiếng của Trúc Phượng.
– Vâng, lễ cưới lớn lắm mẹ ạ, cô dâu cũng rất đẹp.
Yên lặng một chút, rồi có tiếng hỏi:
– Con cũng đã gặp… hắn chứ?
Ông Huấn giật mình, biết ngay tiếng hắn là để chỉ ai.
– Gặp chứ. – Tiếng Phượng bình thản đáp – Chúng con đã chào nhau như một người quen bình thường.
– Vậy à?
Bà Thục Trinh có vẻ nghi ngờ, rồi tiếng của Phượng:
– Vâng. Hình như mẹ cũng không ưa gì hắn?
Ông Huấn nghe bà Trinh nói gì đó không rõ, rồi sau đó lại là tiếng của Phượng:
– Thôi mẹ đi ngủ đi, cửa nẻo để con lo cho.
Sau đó có tiếng chân xa dần, rồi đèn trong nhà tắt hẳn. Nhưng ông Huấn biết là Phượng vẫn còn đứng bên cửa sổ. Ông chợt thấy căng thẳng. Ông muốn gặp lại Phượng. Nhưng rồi lý trí lại cho ông biết. Không được. Tốt nhất là không nên khơi lại đống tro tàn. Mặc dù rõ ràng đó là tình yêu…
Ông thở dài, rồi nổ máy cho xe lùi lại. Ta đã bốn mươi lăm tuổi, già rồi… Không ai chấp nhận cho ta có lại tình yêu đâu. Dù đó là một tình yêu chân chính.
o0o
Ở đây là một căn phòng rộng rãi, mới được quét sơn lại. Căn phòng của đôi vợ chồng trẻ Lê Văn và Bội Hoàng.
Họ lấy nhau đã được hơn tháng. Họ cũng đã hưởng xong tuần trăng mật. Mới lấy nhau, mọi thứ còn mới mẻ. Tình yêu đúng ra đầy ấp. Vậy mà không hiểu sao, cả hai người lại cứ cãi nhau. Phải chăng vì họ còn quá trẻ?
Lê Văn phải nghỉ học. Đó là chủ trương của Bội Hoàng. Văn phản đối. Cuối cùng phải nhân nhượng là chỉ nghỉ một năm để ở nhà làm bạn với Hoàng. Vì quan điểm của Hoàng thì với cái thế giá, với cái quyền thế và tiền của của hai gia đình, học vấn và cấp bằng chẳng có ý nghĩa tuyệt đối như cái cần câu cơm. Chầm chậm rồi lấy cũng chẳng muộn. Nhưng Lê Văn thì khác, Văn là người chăm học, dù yêu Hoàng, chàng vẫn tiếc rẻ một năm bỏ hoang. Chàng coi đó như một sự hy sinh vô nghĩa. Thế là hai người cứ cãi nhau. Cuối cùng Hoàng phải nói huỵch toạc cái ý nghĩ của mình ra. Đó chẳng qua là vì Hoàng không muốn Lê Văn đi học để ngày ngày gặp mặt Phượng.
Lê Văn nằm trên giường thở ra.
– Hừ!
Bội Hoàng đang ngồi chải tóc quay lại:
– Làm gì anh cứ thở ra hoài vậy? Bộ lấy tôi là cả một sự bức xúc cho anh à? Có vợ rồi không thể lang bang một cách tự do chứ gì?
– Tại sao lại nói vậy? – Lê Văn bực mình không kém – Lúc nào anh cũng thấy em kiếm chuyện với anh.
– Kiếm chuyện à? Ai kiếm chuyện? – Bội Hoàng trợn mắt nói – Tôi hỏi anh này. Tại sao anh cứ thở vắn than dài hoài vậy? Anh cứ đòi tiếp tục đi học. Có phải là vì muốn gặp lại cái con Trúc Phượng kia không?
– Bội Hoàng, tại sao nói chuyện với anh mà em cứ lôi Trúc Phượng vào mãi vậy? Cô ta có dính líu gì đến mình đâu?
– Đấy, nội cái cách anh gọi Trúc Phượng, Trúc Phượng, không nghe cũng ngọt xớt. Anh đừng có quên bây giờ anh đã có vợ rồi nhé.
Rồi Bội Hoàng ném chiếc lược lên bàn, giận dữ nói:
– Anh còn dám bảo là cô ấy không dính líu gì đến ta à? Anh quên rồi sao, ngày xưa anh đã từng đưa cô ta đi xem hát này, đi nhảy đầm này, rồi kéo nhau đi lễ nhà thờ nữa. Không phải chỉ có anh, mà cô ta còn quyến rũ cả ông anh tôi, rồi cha tôi nữa. Người như vậy thử hỏi tôi không thù sao được?
– Trúc Phượng với anh chỉ là một người bạn học chung. Mọi thứ trước kia thế nào em cũng đã rõ cả mà. Anh cũng đâu có giấu giếm. Mà sao trước kia em không nói, bây giờ mình lấy nhau rồi, cứ đem những cái đó ra để dằn vặt nhau chi vậy? Nếu em không hài lòng chuyện cũ thì lấy anh làm gì?
– Hừ, anh nói nghe buồn cười quá. Lấy tôi rồi anh mới hù cái chuyện không lấy nhau. Anh làm như tôi ế đến độ không lấy anh sẽ chẳng ai thèm. Anh không nên quên rằng, chính anh ngày xưa, ngày nào cũng mò lên Vườn Lê đấy nhé.
– Vâng, anh nhận có chuyện đó. Nhưng nếu bấy giờ em không thích thì đừng có nhảy vào. Để bây giờ tôi phải nghỉ học, phải học trễ hơn người ta một năm.
– Như vậy là anh đỗ lỗi cho tôi? – Bội Hoàng trừng mắt – Học trễ một năm chẳng nghĩa lý gì? Anh lấy cái văn bằng đó rồi liệu có đổi gạo được không?
– Không phải là vấn đề câu cơm, nhưng không lẽ em muốn chồng em dốt, chồng em thua sút mọi người sao.
Bội Hoàng ương ngạnh:
– Em không cần biết anh thế nào. Nhưng em không cho phép anh được học chung với Trúc Phượng.
– Vậy sao em không cho anh biết sớm chuyện đó. Nếu vậy anh có thể chuyển sang trường khác học cơ mà. Còn hơn bây giờ phải nằm dài ở nhà.
Rồi Lê Văn lắc đầu, lại thở ra:
– Em hoàn toàn hiểu lầm Trúc Phượng. Phượng là người tốt chứ không như em nghĩ đâu. Vả lại cô ấy nào có thèm để mắt đến anh đâu?
Bội Hoàng trừng mắt:
– Hừ, nếu không vì cô ta, thì em đâu có thèm lấy chồng sớm như vậy. Còn chuyện cô ấy có để mắt đến anh hay không, làm sao em biết được chứ?
Lê Văn nói thẳng:
– Cô ấy chỉ yêu có cha của em thôi!
Bội Hoàng cười nhạt:
– Yêu tiền thì có.
– Nữa rồi, lại nói chuyện tiền! Nếu thật cô ấy yêu tiền thì lấy anh của em có phải là hay hơn không?
– Ông anh tôi à? Con người bạc nhược như vậy ai thèm yêu. Đã biết là người ta không yêu mình mà cứ húc đầu vào đá. Đàn ông thằng nào cũng ngu như vậy cả.
Lê Văn bực mình:
– Nói ai thì nói có người, đừng quơ đũa cả nắm nhé! Tính em ương ngạnh, ngang ngược như vậy, coi chừng bữa nào gặp người hung dữ, nó đập cho mà vỡ mồm.
– Đập à? – Bội Hoàng đứng dậy, tiến đến trước mặt Lê Văn – Ai dám đánh tôi? Đâu anh thử xem.
Lê Văn rút lui. Chàng thật sự không ngờ, cái cô gái nhu mì đẹp một cách liêu trai đứng ở cạnh vòi phun nước trước văn phòng trường ngày nào, hôm nay sao lại khủng khiếp như vậy. Lê Văn hoàn toàn không hiểu.
– Ai thèm đánh em. Làm gì dữ dằn vậy chứ?
Bội Hoàng vẫn không lùi bước:
– Tôi thách đấy. Đứa nào mà đụng đến tôi sẽ không yên thân được đâu.
Lê Văn lắc đầu, rồi để cho không khí bớt căng thẳng, chàng nói:
– À, chiều nay em có định đi đâu chơi không? Mình đi xem ciné nhé?
Bội Hoàng lắc đầu:
– Ciné cũng nào có gì hay đâu. Hay là mình về Vườn Lê vậy.
Lê Văn ngập ngừng:
– Đến Vườn Lê à? Nhìn cái khuôn mặt lạnh của ông anh em, anh đã thấy bất mãn.
Nhưng Bội Hoàng nói:
– Em thì định dọn về đấy ở luôn. Dù gì đấy cũng rộng rãi hơn. Ở đây chung chạ với cha mẹ anh bất tiện quá.
Lê Văn bất mãn:
– Sao em lại nói vậy. Cha mẹ anh vẫn tốt với em cơ mà?
Bội Hoàng cười nhạt:
– Em lại thấy khác. Nhất là mẹ anh, lúc nào cũng lầm lầm giống như là… em làm hại anh không bằng.
– Em nói vậy là bóp méo sự thật.
– Sao anh biết? Anh nào có thấy gì đâu. Mỗi lần em từ trong phòng bước ra là mẹ anh nhìn theo như trông chừng, sợ em trộm đồ không bằng.
– Em nói dối, mẹ anh nào có mặt thường xuyên ở nhà đâu mà nhìn em như vậy? Lúc nào anh cũng nghe mẹ khen là em đẹp, dễ thương, ăn mặc lịch sự. Có lẽ mẹ đã ngắm quần áo em mặc thì có.
– Ngắm quần áo à? Anh đừng tưởng em là con nít. Ai khó chịu với em, nhìn là biết ngay.
– Anh biết mẹ chỉ có một điều không hài lòng chúng mình. Đó là chuyện anh bỏ học!
Lê Văn nói, nhưng Bội Hoàng cãi:
– Chuyện anh bỏ học là chuyện riêng của chúng ta. Anh đã lập gia đình là mẹ không có quyền can thiệp gì hết!
– Em đừng quên anh là con một trong nhà này.
– Con một là phải bị kiểm soát ư?
Hai người đang cãi nhau thì có tiếng gõ cửa. Bội Hoàng vẫn ngồi bất động. Lê Văn phải bước ra mở cửa.
Mẹ chàng đang đứng bên ngoài với nụ cười.
– Mẹ tưởng là hai con còn chưa thức. À, Lê Văn, mẹ muốn nhờ con một việc được không?
– Chuyện gì mẹ?
– Cha con bận họp về muộn, mẹ lại không có xe đi, nên muốn nhờ con mang giùm món quà này đến cho bác Trần. Hôm nay là sinh nhật của bác ấy.
– Vâng. Để con thay áo là đi ngay.
Bà Lê Bá Vỹ nhìn vào thấy Bội Hòang đang ngồi trang điểm, mặt quay vào trong, bà hỏi:
– Bội Hoàng, chút xíu mẹ đi tiệm gội đầu, con có cùng đi với mẹ không?
– Không!
Bội Hoàng đáp ngay. Bà Vỹ vừa ra ngoài, Lê Văn khép cửa lại để thay áo, thì nghe Hoàng nói:
– Tôi cấm không cho anh mang quà cho người ta!
– Ồ kìa lạ chưa? – Lê Văn kêu lên – Tôi đã hứa với mẹ rồi cơ mà.
Bội Hoàng vẫn giữ nguyên sắc mặt.
– Anh đi ra nói với bà ấy là không rảnh, anh phải đi với tôi.
– Có phải em muốn kiếm chuyện không? Chúng ta nào có đi đâu đâu.
Lê Văn bất mãn, nhưng Bội Hoàng vẫn ngang ngược:
– Tôi nói không cho anh đi là không cho, anh phải đi theo tôi. Bây giờ tôi muốn đi gội đầu ở tiệm.
– Thì đi với mẹ đi.
– Tôi thích đi với anh thôi.
Lê Văn thấy thái độ Hoàng quá lắm, nên không chiều. Chàng bình thản thay áo. Bội Hoàng thì cũng không nói không rằng, khuôn mặt lạnh như tiền, Hoàng tiếp tục chải tóc.

Sau khi thay áo quần xong, Lê Văn nói:
– Anh đi rất nhanh sẽ quay về ngay.
Hoàng yên lặng. Lê Văn ra đến cửa, ngập ngừng một chút nói:
– Anh đi nhé!
– Tôi đã không cho mà anh cứ đi thì đó là chuyện của anh.
Bội Hoàng nói, có vẻ giận dữ. Lê Văn chau mày:
– Bội Hoàng, ít ra em phải biết điều một chút chứ?
– Tùy anh. Anh muốn đi thì đi, nhưng từ rày đừng có nhìn mặt tôi.
Bội Hoàng ngang ngạnh nói, thái độ quá mức không thể chịu đựng được. Văn không ngờ Hoàng lại có thể ngang bướng như vậy. Tự ái không cho phép chàng nuông chìu nữa. Lê Văn đẩy cửa đi nhanh ra ngoài.
Còn lại, Bội Hoàng ngẩn ra. Hoàng không ngờ Lê Văn lại dám bỏ đi, không đếm xỉa gì đến lời cảnh cáo. Chưa bao giờ Hoàng bị thua như vậy. Trước kia nhiều sự việc còn căng hơn. Nhưng cuối cùng bao giờ Lê Văn cũng chiều theo ý nàng. Hoàng tức muốn khóc. Như vậy là Lê Văn đã coi mẹ hơn cả mình. Không thể như vậy được!
Và Bội Hoàng đứng dậy, cố không khóc. Khóc là biểu lộ sự thua kém. Hoàng ném cây lược xuống thay vội áo và vớ lấy chiếc ví tay, như một cơn lốc, Hoàng ùa ra khỏi phòng.
Bà Bá Vỹ đang ngồi trong phòng khách đọc báo. Hoàng không hỏi han hay xin phép gì, đi thẳng ra ngoài. Thái độ của Hoàng làm bà ngạc nhiên, muốn hỏi Hoàng đi đâu cũng không kịp.
Ra khỏi nhà, Hoàng mới chựng lại. Bây giờ đi đâu? Bạn bè thì không có. Chỉ có thể đến Vườn Lê. Có nên trở về đấy không? Chợt nhiên Hoàng thấy bối rối một cách tức giận. Gần như chẳng ai thân thiện với nàng. Ai cũng là kẻ thù… Và Hoàng giận dữ nện mạnh gót giầy xuống đường. Đi một cách vô định. Hoàng không biết chỗ nào để dừng chân. Và cứ đi như vậy. Đi mãi… Một lúc khi Hoàng giật mình nhìn lại thì mình đang đứng trước đầu hẻm vào nhà Trúc Phượng. Sao lạ vậy?
Hoàng lúng túng, tại sao ta lại đến đây? Tìm Phượng chăng? Vô lý. Vả lại giờ này Phượng nào có ở nhà. Cô ấy đã đi học. Vậy thì tiềm thức đã đưa Hoàng đi đâu đây? Đương nhiên không phải là Trúc Phượng rồi. Mà là… một tình bạn… một sự cảm thông… Nhưng liệu cái đó còn không?
Và lần đầu tiên, Hoàng thấy mình thật cô độc. Hoàng giống như một chiếc lá đã lìa cành, không còn chỗ bám… Ngay từ nhỏ, Hoàng đã thấy lạc lõng. Những lúc đó, nàng giống như một con chim ó. Sẵn sàng bấu chặt vào bất cứ cái gì quơ quào được. Không ai cố chấp để xua đuổi nàng. Mọi người chịu đựng và Hoàng đã có cha, anh Quân, Trúc Phượng, rồi cả Lê Văn… Thế rồi với thời gian, với sức chịu đựng có giới hạn, mọi người bắt đầu xa lánh… Mà tự ái lại không cho phép Hoàng van xin. Cuối cùng chỉ còn Lê Văn, người chồng sở hữu của nàng. Vậy mà bây giờ… cũng bỏ mặc nàng… Thượng đế rõ là bất công. Không biết chiều chuộng Hoàng chút nào cả…
Bội Hoàng chỉ nghĩ đến những gì người khác phải làm cho nàng, chứ Hoàng không hề kiểm điểm lại bản thân để thấy sự xa rời của cha, anh Quân và cả Lê Văn đều do Hoàng tạo ra.
Và Hoàng quay người lại đi dọc xuống lộ Hòa Bình. Con đường quen thuộc đưa đến trường Đại học.
Hoàng đi vào khuôn viên nhà trường. Giờ này đang là giờ học nên khung cảnh trường thật vắng. Hoàng hình dung những khuôn mặt sinh viên đang chăm chú lắng nghe thầy giảng, trong đó có Bội Quân, Trúc Phượng… À, mà sao ta lại nhớ tới Trúc Phượng nữa? Một sự liên hệ hữu cơ ư? Hoàng lắc đầu xua đuổi nhanh. Nàng đi một vòng qua phân khoa Văn học. Đứng trước vòi phun nước của văn phòng trường. Hoàng nhớ đến cái ngày đầu tiên gặp Lê Văn. Một buổi sáng sương mù, cái dáng dấp cao lớn, đẹp trai đó tràn ngập ánh nắng. Ấn tượng đầu tiên không bao giờ quên. Vậy mà bây giờ… khi đã sống chung. Cuộc sống ra sao? Tất cả hoàn toàn khác với những gì Hoàng mong đợi.
Hoàng thở dài tiếp tục bước. Thực tế bao giờ cũng là thực tế, nó nào có giống như tưởng tượng. Nó không phải là chiếc bong bóng đầy màu sắc, mặc dù có cái Hoàng đã thành công. Chẳng hạn như Hoàng yêu Lê Văn. Yêu một cách cuồng nhịêt. Và bây giờ đã chiếm hữu được chàng. Và tình yêu là chiếm hữu, nhưng chỉ chiếm hữu thể xác không chưa đủ, mà phải là toàn diện.
Hoàng vừa đi vừa nghĩ. Ngay lúc đó chợt có tiếng chuông reo vang. Tiếng chuôn tan học. Hoàng chợt sợ hãi… Bỗng nhiên Hoàng sợ gặp lại những khuôn mặt quen… Và thế là Hoàng bước nhanh ra khỏi trường.
Ra khỏi trường, Hoàng lại phân vân. Đã giận lẫy, không lẽ bây giờ lại quay về nhà Văn? Mà thành phố này thì lại mệt mỏi quá. Xa lạ quá! Cuối cùng Hoàng không còn cách nào chọn lựa hơn là quay về Vườn Lê.
Con đường về nhà cũ vẫn như xưa. Mọi thứ đều êm đềm, yên tĩnh. Hoàng mở ví lấy xâu chìa khóa riêng, mở cổng đi vào. Phòng khách sạch sẽ với những chiếc ghế xưa. Hoàng mệt mỏi ngồi xuống ghế, đã nghe tiếng bước chân lẹp xẹp của bà Đan bước vào. Thấy Hoàng bà mừng rỡ.
– Ồ! Cô Hoàng, cô về bao giờ mà chẳng ai hay vậy? còn cậu Văn đâu?
Có lẽ trong đám người thân, chỉ còn bà Đan là thương, là hiểu nàng. Hoàng chợt sụt sùi khóc
– Sao vậy? Cô Hoàng? Sao vậy? Hãy nói cho tôi biết đi, ai đã bức hiếp cô?
Bà Đan ngoài tư cách quản gia ra còn là bà vú đã nuôi Hoàng từ nhỏ, nên thương và chiều Hoàng như con.
Bội Hoàng chỉ khóc, không nói tiếng nào. Thật ra thì cũng khôn ai bức hiếp nàng. Chẳng qua chỉ là một chút tủi thân thôi.
– Đừng khóc nữa, cô Hoàng! – Bà Đan nói – Cô khóc làm già này khổ tâm thôi. Có phải cậu Văn đã làm cô buồn không?
Bội Hoàng lắc đầu. Nước mắt làm cho Hoàng vơi đi phần nào. Hoàng không trách Lê Văn. Hoàng chỉ bực mình bà mẹ chồng. Lúc nào cũng muốn chen vào chiếm hữu Lê Văn của nàng.
– Anh Văn rất tốt với tôi. – Hoàng thút thít nói – Chỉ có mẹ anh ấy thôi.
– Bà Vỹ à? – Bà Đan có vẻ ngạc nhiên – Hình như bà ấy cũng yêu cô lắm mà?
– Cái đó chỉ là bề mặt bên ngoài thôi. – Hoàng bực dọc nói – Bà ta cứ xem tôi như cái gai trước mắt.
– Vậy sao? – Bà Đan thở dài – Lúc nào mẹ chồng nàng dâu cũng có chuyện.
Bội Hoàng bực dọc nói:
– Bà ấy làm như tôi cướp đoạt con trai của bà ta không bằng. Lúc nào cũng nhìn tôi với cái ánh mắt thù hằn. Chẳng hạn như hôm nay biết là hai đứa tôi đi chơi, bà ta vẫn bắt anh Lê Văn đi công chuyện cho bà ấy. Vú thấy như vậy có phải là ác lắm không?
Bà Đan thì nào có biết ất giáp gì, bà chỉ nghe Hoàng nói nên bất bình:
– Như vậy thì không đúng. Mà tại sao bà ta lại làm như vậy? Gia đình hai bên đã quen biết nhau lâu rồi, chứ có xa lạ gì đâu?
Bội Hoàng thấy có người bênh vực mình, nên vui hơn một chút.
Bà Đan hỏi:
– Thế còn cậu Văn? Cậu ấy yêu cô, hẳn tốt với cô chứ?
Nhắc đến Lê Văn, chợt nhiên Hoàng thấy bực.
– Đừng nhắc đến anh ấy nữa. Anh ta chỉ biết có mẹ thôi.
– Sao vậy? – Bà Đan ngạc nhiên – Cậu Văn lại không đứng về phía cô à?
Bội Hoàng nói:
– Vì vậy mà tôi định dọn về Vườn Lê này ở, nhưng anh Văn nào có chịu.
– Cậu ấy chịu hay không mặc cậu ấy! – Bà Đan bất bình nói – Cô cứ dọn về đây, có tôi, chẳng ai dám bức hiếp cô đâu, đừng sợ.
Bội Hoàng gật đầu. Nhưng ngay lúc đó Bội Quân không hiểu ở đâu bước vào, nghiêm khắc:
– Này vú Đan, vú không có quyền chia rẽ gia đình người ta đó nhé!
Lời của Quân làm cả Bội Hoàng và bà Đan giật mình. Nhất là Hoàng, nàng có vẻ không tự nhiên khi biết Quân đã nghe thấy những gì mình nói với vú Đan.
– À, anh Quân. Hôm nay anh không có đi học à?
Mặt Bội Quân rất lạnh.
– Không. Còn chuyện của cô với Lê Văn, chưa gì mà đã cãi nhau rồi à? Định bao giờ thì dọn về đây đấy?
Bội Hoàng nhìn lên bối rối.
– Tôi đã có chồng, theo chồng. Vườn Lê bây giờ là của riêng anh rồi còn gì?
– Tại sao em nghĩ như vậy? Em có nhiều thay đổi quá.
Bà Đan thấy hai anh em Quân căng thẳng nên chẳng dám ở lại lặng lẽ rút êm.
– Tôi không có gì thay đổi, mà người thay đổi là anh. – Không hiểu sao Bội Hoàng lại có hành động phản kháng một cách mạnh mẽ như vậy – Kể từ cái ngày Trúc Phượng nó chen chân vào chuyện gia đình ta là mấy người thay đổi hết. Ai lại không thấy cái chuyện đó.
– Chuyện gia đình mình sao lại kéo người ta vô chứ? – Bội Quân chợt giận dữ. Chàng vung tay, đẩy cả bình hoa trên bàn rơi xuống đất vỡ tan. Quân nói như hét – Lúc nào cô cũng ganh tị với Trúc Phượng được.
Nhưng Bội Hoàng đâu vừa, Hoàng nhảy dựng lên.
– Anh tưởng hành động vừa rồi của anh dọa tôi được à? Tôi có quyền phê phán nó. Tại sao tôi phải ganh tị với Trúc Phượng? Có chăng là anh! Anh vì Trúc Phượng mà ganh tị với cha thì có. Tim đen của mấy người thế nào tôi không biết sao? Hừ, muốn nói gì hãy soi mặt mình vào kính trước rồi hãy nói. Đừng có bày chuyện dọa con này, nó không sợ đâu.
– Ai dọa cô? Lúc nào con người cũng nhỏ nhoi. – Bội Quân giận dữ nói – Cô thấy đấy, hậu quả là cô có được hạnh phúc không chứ?
– Tôi không cần biết. – Bội Hoàng trừng mắt nói – Nếu trước đó tôi có được một cái gia đình đúng nghĩa, có một người cha đàng hoàng, một người anh hiểu biết, cha và con không giành nhau một người đàn bà, thì tôi đã không phải lấy chồng sớm thế này. Đằng này… chuyện nhà ta đã thơm tho quá!
– Im đi! Anh cấm em nói vậy!
Bội Quân xông đến đưa tay lên. Nhưng chưa kịp đánh thì Lê Văn đã từ ngoài xông vào.
– Bội Hoàng! Bội Hoàng! Đâu rồi? Anh tìm em muốn khùng luôn. Tại sao em bỏ đi mà không nói một tiếng nào cả vậy?
Rồi Lê Văn nhìn thấy nước mắt trên mặt Hoàng, cái khuôn mặt giận dữ của Bội Quân. Chàng chựng lại:
– Chuyện gì vậy? Hai người đã…
Bội Quân không đáp, bỏ đi ngay ra ngoài, đóng mạnh cửa lại. Lê Văn nhìn vợ.
– Chuyện gì đã xảy ra vậy em?
Bội Hoàng không đáp, bỏ đến ghế ngồi xuống. Lê Văn đuổi theo ngồi cạnh.
– Đừng khóc nữa. Anh đến đây để xin lỗi em, rước em về đây.
Hoàng vẫn ngồi yên như không biết đến sự hiện diện của Văn.
– Em biết không, chuyện bỏ đi của em làm cả mẹ cũng giật mình. – Lê Văn tiếp – Mẹ nói mẹ gọi mà em cũng không màng đến, mẹ không biết em giận chuyện gì. Nên anh vừa về đến nơi, mẹ bảo anh đi tìm em ngay. Bội Hoàng! Em không nên hiểu lầm. Mẹ anh rất quý em.
Bội Hoàng gạt nước mắt vẫn không lên tiếng. Lê Văn ngồi xuống gần hơn, nắm tay Hoàng, nhưng bị Hoàng gạt phăng.
– Tránh ra!
Văn đấu dịu:
– Dù cho có chuyện gì xảy ra đi nữa, em cũng cần phải về nhà, về nhà xong sẽ tính. Còn tối nay, nếu em muốn đi đâu chơi anh đều chiều em cả.
– Anh tưởng là em thích đi chơi lắm à? – Bội Hoàng nói – Em không muốn ở trong nhà, chẳng qua vì ghét bị người ta cứ dòm ngó.
Lê Văn yên lặng. Chàng biết Bội Hoàng ám chỉ gì. Nhưng sự nhịn nhục lúc này rất quan trọng. Lê Văn nghĩ cái gì về nhà rồi sẽ tính sau.
– Vậy thì tùy em. Em muốn đi chơi hoặc ở nhà cũng được. Bây giờ mình đi về.
Lê Văn nói, nhưng Hoàng lại ra điều kiện.
– Em chỉ về với một điều kiện.
– Điều kiện gì?
– Giữa em và mẹ anh, anh phải chọn một – Bội Hoàng nói – Một là anh nghe lời em hay nghe lời bà ấy. Quyết định ngay đi!
– Bội Hoàng em!
Lê Văn bứt rứt.
– Không có em gì cả. Nói ngay.
Lê Văn có vẻ nhẫn nhục, căng thẳng. Có một sự giằng co lớn lao trong lòng. Cuối cùng, Văn cắn môi nói:
– Được rồi! Anh nghe em!
Bội Hoàng cười, cô nàng có vẻ thỏa mãn.
– Vậy hén. Đó là một mình anh quyết định. Từ đây về sau mà có chuyện giống như hôm nay xảy ra nữa là chẳng bao giờ anh gặp lại em được đâu!
– Thôi mình về.
Lê Văn đứng dậy nói, Hoàng đứng theo.
– Đương nhiên là phải về. Và từ đây em sẽ không bao giờ quay lại cái nhà này nữa.
Lê Văn chau mày, chàng biết hẳn là đã có chuyện gì đó xảy ra. Nhưng thắc mắc làm gì khi mọi chuyện đã quá phức tạp.
Cả hai bước ra cửa để về nhà.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.