Bích Vân Thiên

Chương 4


Bạn đang đọc Bích Vân Thiên – Chương 4


Ba ngày liền chẳng thấy Du Bích Hàn đến lớp. Đối với một nhà giáo “tạm”, “tài tử” như Vân, đúng ra sự có hay vắng mặt của học trò chẳng liên hệ tí nào đến nàng cả. Dạy một tháng, hết một tháng là học trò lại trở về với nữ giáo viên Lý Nhã Quyên rồi. Nếu phải quan tâm, thì bà Quyên mới đúng là người đáng quan tâm. Nhưng chẳng hiểu sao trước mặt Vân cứ chập chờn mãi hình ảnh đôi mắt đây tư lư, nụ cười ngượng ngùng bối rối của Bích Hàn.
Qua ngày thứ tư, chỗ ngồi của Hàn vẫn trống. Tiêu Y Vân đứng trên bục gỗ nhìn xuống, chau mày:
– Có em nào biết tại sao trò Du Bích Hàn vắng mặt không?
– Em biết. một đứa học trò nhanh nhẹn, ngồi gần đấy, Hà Tâm Như đáp – Hôm nay em có đi thăm Hàn.
– Tại sao Hàn vắng mặt? Bệnh à?
– Dạ không. một chút căm hờn hiện lên đôi mắt nhỏ – Hàn bảo có lẽ Hàn phải nghỉ học luôn.
– Tại sao vậy? Y Vân ngạc nhiên – Bài vở khá, học hỏi tốt, lại không bệnh hoạn, tại sao Hàn lại muốn nghỉ học?
– Thưa cô, nó đã lỡ làm mẹ nó giận.
Tiêu Y Vân ngạc nhiên:
– Em nói gì lạ thế, tôi không hiểu?
– Thưa cô, Hàn bảo nó làm sai khiến mẹ nó giận, và trước khi mẹ nó hết giận, nó không làm sao đến trường được. Hà Tâm Như nhanh nhẩu – Thưa cô, tại cô không hiểu đấy chứ, bà ấy không phải là mẹ ruột của Hàn, lại mắt phải chứng bệnh sadiem.
Bệnh sadiem? Bệnh hành hạ người khác? Tầm bậy. Con nít biết gì mà nói chuyện đó? Nhưng sống trong một gia đình phức tạp như gia đình của Hàn, cũng dám có những chuyện phiền muộn xảy ra. Tóm lại là Hàn đang gặp cảnh rắc rối. Nhưng ta cũng không nỡ để con bé đáng thương kia phải nghỉ học. Làm chuyện tầm phào? Mặc, cô giáo không có quyền can thiệp vào chuyện gia đình riêng tư của học sinh.
Nhưng đến giờ tan học, Vân cầm địa chỉ Bích Hàn mà Hà Tâm Như đã cho nàng, gọi chiếc taxi qua bao con đường ngách nhỏ: Khu Tùng Sơn. Vân ngạc nhiên với cảnh mai bên đường, những ngôi nhà gỗ lụp xụp giống như những chiếc hộp quẹt chồng chất lên nhau. Thành phố dơ bẩn bên những vũng nước đọng. Chắc chắn phải là những căn nhà cất bất hợp pháp, tối tăm, mịt mù. Đời sống nhiều khi lạ lùng, mọc từ những u ám. Trẻ con đông quá, quần áo rách rưới, chân trần đuổi nhau trong mưa.
Và rồi xe ngừng, bác tài xế đưa mảnh giấy lại cho Vân:
– Đến rồi, cô ạ.
Y Vân do dự một chút, rồi xuống xe. Nhà của Bích Hàn cũng giống như bao nhiêu căn nhà khác chung quanh. Nhà gỗ, cửa mở, bên trong một người đàn bà trên 30 đang cho con bú với chiếc vú vạch trần, thản nhiên nhìn Y Vân bước tới với đôi mắt tò mò, xa lạ.
– Dạ xin hỏi có phải đây là nhà của cô Du Bích Hàn không ạ?
Người đàn bà nheo mắt rồi mở to lạ lùng:

– Cô là ai? Tìm nó có việc gì?
– Tôi là cô giáo của Hàn. Đột nhiên Vân thấy bực mình trước thái độ bất lịch sư đến sỗ sàng của người đàn bà trước mặt. – Tôi muốn ghé qua thăm cô ấy thế thôi.
– Vậy à? Người đàn bà tò mò – Cô là cô giáo sao? Giáo sư gì mà trẻ tuổi như vậy?
Nụ cười ngu ngơ trên môi. Y Vân không hiểu người đàn bà đối diện đang mỉa mai hay ca tụng mình.
– Xin bà cho biết, cô Bích Hàn có phải ở đây không?
– Phải. Người đàn bà nép sang một bên, để lộ nền xi măng sần sùi bên trong – Tôi chính là mẹ nó đây, cô tìm nó có việc gì?
Người đàn bà thế này mà là mẹ Bích Hàn được à? Y Vân tròn mắt:
– Thưa bác, thế Hàn có ở nhà giờ này không ạ?
– Có.
Người đàn bà trả lời cụt ngủn với cái nhún vai, nhưng chẳng có ý gì mời Y Vân vào nhà cả.
– Thế, tôi…tôi có quyền nói chuyện với cô ấy một chút không ạ?
Người đàn bà tảng lờ như chẳng nghe thấy, thay đầu vú cho đứa bé:
– Cô muốn gặp nó làm gì? Con Bích Hàn nhà tôi đến trường hay không đâu có liên hệ gì với trường học đâu?
Câu trả lời như đinh nhọn, Vân ngẩn ra một chút với giận dữ, bản tính ương ngạnh, cứng đầu, tự ái cao khiến nàng không chịu thua, nàng sấn đại vào nhà vừa nói:
– Vâng, nhưng tôi muốn gặp cô ấy một chút.
– Ồ lạ chưa! Người đàn bà kêu lên! Cô giáo gì mà ngang thế, muốn vào nhà ai thì vào sao?
Vân tảng lờ như tai điếc, nhưng vừa xông khỏi cửa, nàng đã va mạnh vào đứa bé đang ùa đến, vết bẩn trên đôi tay nhỏ bé in rõ trên nền áo trắng tinh. Vân né sang bên, vừa kịp nhìn thấy một đứa bé khác chạy đuổi tới. hai đứa nhỏ như chơi trò cút bắt, vừa đuổi, vừa la, vừa hét, nên xi măng lấm lem nước. Người đàn bà xông vào, vừa đưa cao tay đánh, vừa mắng:
– Bích Hàn, Bích Hàn đâu rồi? Mày làm cái giống gì mà chết trong nhà thế? Bảo tắm ấy đứa nhỏ cũng tắm không xong.
Du Bích Hàn xuất hiện, mãi đến bây giờ mới chịu xuất hiện, vừa chạy vừa phân bua:

– Con đang chuẩn bị đó chứ, tại nước chưa nóng, con lại đang nấu ăn…
Vừa nói đến đây nó đã phát giác ra sự hiện diện của Y Vân, những bước chân chùn lại:
– Ủa.. Mà… Mà sao cô đến đấy?
Du Bích Hàn. Y Vân ngắm cô học trò đáng thương trước mắt, chiếc áo mỏng dánh, váy ngắn… Trong khi trời
buốt giá thế này, không có lấy một chiếc áo len. Chiếc mũi đỏ như quả cà, những vết bầm xanh trên mặt, Tiêu Y Vân thở dài:
– Du Bích Hàn! Thấy vắng, cô tới thăm em, tại sao em lại bỏ học vậy?
– Dạ… Dạ… Tại vì Du Bích Hàn có vẻ lúng túng – Cô… cô… Cô đến làm chi vậy?… Mời cô vào nhà trong ngồi.
Hàn vừa nói, vừa đưa mắt nhìn bà mẹ ghẻ:
– Thưa mẹ, đây cô giáo của con.
– Biết rồi! Người đàn bà lạnh lùng – Đến thăm? Cô giáo rảnh rỗi đến thăm học trò? Có chuyện đó nữa sao? Thôi đừng mời người ta vào nhà ngồi, nhà dơ bẩn như vậy không sợ cô giáo người ta cười sao?
– Mẹ! Du Bích Hàn nhìn mẹ như khẩn cầu, rồi quay sang Vân với cái nhìn hối tiếc, vừa cảm động – Bao giờ rảnh mời cô vào dùng trà.
– Trà à? Người đàn bà lại kêu lên – Nhà này làm gì có trà, thôi đừng làm bộ làm sang nữa cô ơi.
– Được rồi, Hàn a. Y Vân nói nhanh, nàng không muốn người đàn bà kỳ cục này chen vào nữa, sự chen vào của bà ta chỉ tổ làm Hàn khó xử thêm thôi – Tôi thích ở ngoài này hơn, tôi đến đấy chẳng qua chỉ muốn biết tại sao Hàn không đến trường? Vẫn khỏe mạnh như thường phải không? Vậy mai tiếp tục đi học chứ?
– Da. … Da. … Bích Hàn lấm lét nhìn bà mẹ kế – Thưa mẹ …
– Gọi gì đấy? Người đàn bà quắc mắc – Ai là mẹ của mày? Bà ta chết từ khuya rồi.
– Dạ… Hàn bước tới, quỳ xuống – Xin mẹ tha cho con, để mai con được đi học.
– Trời đất ơi! Mi làm gì vậy? Người đàn bà the thé giọng – Quỳ làm gì? Đóng kịch hả? Đóng kịch để cô giáo mày thấy là tao bạc đãi, ăn ở tệ bạc với mày phải không? Ác vừa vừa thôi chứ!
Du Bích Hàn vội vã đứng dậy, nhưng vẫn khẩn cầu:

– Con xin mẹ mà!
Tiêu Y Vân không nhịn được, bước tới:
– Thưa bà. Nàng chận đứng cơn lửa đang bốc lên trong tim – Trẻ con có làm điều gì không phải, bà rầy phạt nó thế nào cũng được, sao lại cấm nó học? Bích Hàn là đứa học trò ngoan, xin bà rộng lượng một chút, tha thứ cho nó…
– Cái gì? Người đàn bà ngoạc mồm – Ai không cho nó đi học? Tôi làm gì có quyền đó? Cô giáo, cô đừng để học trò nó qua mặt, nói khoác. Con Hàn không đến trường có liên hệ gì đến tôi đâu? Tôi có cột cẳng cột tay nó bao giờ đâu? Muốn trốn học là tội của nó chứ? Cái con khốn nạn này này, giả vờ hay lắm, nó muốn hại tôi, muốn tôi mang tiếng ác mà…
Máy đã mở thì lời sẽ không bao giờ dứt. Tiêu Y Vân xiết mạnh tay Hàn:
– Du Bích Hàn, mai em cứ đi học, mẹ em đã bằng lòng rồi đấy, chắc chắc không nói ngược lại đâu, có gì cần, cô sẽ cố gắng giúp em.
Nói xong, Vân bước nhanh ra cửa, nhưng vừa ra khỏi nhà, Vân đã nghe tiếng những tát tai như mưa, nàng hoảng hốt quay lại, người đàn bà chưa kịp rút tay về…
– Tại sao bà lại đánh người vậy?
– Trời ơi! Người đàn bà trợn mắt – Có ai lại cấm mẹ đánh con bao giờ? Cô là cô giáo mà không biết chuyện đó sao? Tôi không phải học trò cô mà? Cô giáo mặc cô giáo chứ. Tôi đánh con tôi mà…
Người đàn bà sấn tới, chống nạnh như sẵn sàng ăn thua đủ.
– Tôi đánh nó đó, rồi làm gì tôi? Làm gì tôi?
Y Vân muốn ngất xỉu, chưa bao giờ nàng gặp một người đàn bà đanh đá như vậy.
– Bà…Bà đánh cô ấy nữa, tôi sẽ đi kêu cảnh sát cho coi.
– Kêu cảnh sát hả? Hứ! Người đàn bà cười nhạt thách thức – Đi kêu đi! Đi kêu đi! Tôi đánh con tôi chứ có giật chồng cô bao giờ đâu mà tôi sợ.
Chưa bao giờ Vân nghe một lời chói tai thô lỗ như vậy:
– Bà…Bà nói gì?
Nhưng Hàn đã bước tới, nó đẩy mạnh tay Vân, với ánh mắt cầu khẩn van xin:
– Cô ơi! Em van cô! Cô đừng đôi co nữa! Tội nghiệp cô, ở lại chỉ tổ nghe thêm những danh từ chẳng đẹp thôi.
Những giọt nước mắt đã trào ra mắt, lăn khỏi má:
– Em xin lỗi cô! Xin lỗi cô! Cô về đi!
Y Vân nhìn khuôn mặt đau khổ của học trò:
– Tại sao em có thể ở mãi trong một gia đình thế này chứ? Tại sao em không chống đối, vùng dậy? Y Vân nói một cách xúc động – Tại sao em có thể chịu đựng một cách khổ sở như vầy?

Bích Hàn ngước mắt nhòa lệ:
– Tại cô không hiểu. Đây là nhà em, em đã lớn lên. Dù không đẹp, không hoàn toàn nhưng ít ra nó đã che chở.. Nếu rời khỏi nơi này, em sẽ ở đâu?
Câu nói khiến Y Vân bừng tỉnh. Phải, rời khỏi nhà này rồi, Hàn sẽ ở đâu? Nhìn khuôn mặt yếu đuối, nhịn nhục của đứa học trò, đột nhiên Vân thấy mình còn ngây thơ quá. Ta chỉ thấy xã hội là một bức tranh tuyệt vời, một kiệt tác toàn vẹn của vũ trụ. Nhưng thực tế? Ta có thể giúp được gì cho Hàn? Những lời an ủi trống không? Hoàn toàn vô dụng.
– Thôi được rồi. Y Vân nuốt nước bọt – Mai đến trường, ta sẽ nói chuyện với nhau nhiều hơn.
Du Bích Hàn gật nhẹ đầu.
Nhìn cô bé ngây thơ vô tội, bất giác Vân vuốt nhẹ cánh tay xương xẩu, nỗi đau dâng đầy tim. Nàng cởi chiếc áo choàng mới của mình ra, đắp lên vai đứa học trò bất hạnh.
– Ở nhà cô còn nhiều áo lắm, em cứ mặc áo này đi. Vân nói – Cố giữ cho vững tinh thần, đừng để bị vấp ngã. – Mặc đi mà. Y Vân nói như ra lệnh – Em mặc ngay cho tôi.
Và không đợi con bé đủ kịp để khước từ, Y Vân rảo nhanh ra hẻm. Nàng không muốn bị giữ lâu bên ngôi nhà kinh tởm và con bé bất hạnh. Vân muốn rời ngay khỏi thế giới khổ đau.
Du Bích Hàn với chiếc áo trên vai, ngẩn ngơ nhìn theo cô giáo trẻ đến lúc chiếc bóng nhỏ cô đi và mất hút. Mưa vẫn lất phất rơi, từng hạt nước nhỏ như bụi triền miền trên áo, trên cổ, nhưng Hàn không thấy lạnh, vì đã có một tâm hồn hiểu nàng, yêu nàng.
– Bích Hàn!
Tiếng gọi thật lớn ở phía sau kéo Hàn ra khỏi thế giới mơ mộng.
– Dạ!
Hàn quay lại, chưa kịp bước thì bà mẹ nuôi đã đến trước mặt, giật mạnh chiếc áo trên vai:
– Hừ! Cô giáo tốt quá hả? Một chiếc áo tốt như vầy mà muốn cho là cho, người ta có tiền rộng rãi quá hả?
Bà ta đưa cao chiếc áo lên ngắm nghía:
– May quá, tao cũng đang muốn được một chiếc áo như vầy, tiếc là màu trắng mau bẩn quá!
– Mẹ! Hàn kêu lên, nước mắt lại trào ra mắt – Chiếc áo này, chiếc áo này… Hàn nói không ra lời. Sự tiếc rẻ không phải ở chiếc áo quý mà ở tấm lòng.
– Sao? Bà mẹ ghẻ trừng mắt – Chiếc áo này rồi làm sao chứ? Tao mặc không được à? Nuôi mày tốn bao nhiêu cơm, bao nhiêu gạo, lấy có chiếc áo cũng không được sao? Thứ đồ bỏ, mặc không được thì tao xé.
– Đừng, đừng mẹ! Mẹ cứ lấy mặc đi. Hàn hoảng hốt – Mẹ cứ mặc đi, đừng xé!
– Ờ, vậy có phải được hơn không? Bà mẹ nuôi nhướng mày, mặc chiếc áo vào người, rồi bế đứa nhỏ lên, – Có chiếc áo này, mai mày đi học được rồi đấy.
Rồi bà bỏ vào nhà. Hàn cúi mặt, những hạt nước mắt chảy dài như cơn mưa.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.