Bí Danh (Black and White)

Chương 4: Chàng trai xứ Lạc Dương.


Đọc truyện Bí Danh (Black and White) – Chương 4: Chàng trai xứ Lạc Dương.

(Mày mà về trường thì đừng có bước chân qua cánh cửa nhà này nữa. Ngày mày tiếp tục bước chân vào cái ngôi trường chết tiệt ấy cũng là ngày tao, Huỳnh Mạc Căn, tuyên bố từ con trai.)

Huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, mùa đông năm 2002.
–Một ngày mới tốt lành.
–Một ngày mới tốt lành, chị Việt Hà.
Cô Hoàng Yến lật ngược hộp bưu phẩm mới nhận để xem tấm danh thiếp được gài sau dải duy băng màu vàng. Ngày đầu tiên của người góa phụ trẻ bắt đầu bởi tiếng chuông cửa của người bưu tá.
–Quà của Hoàng Dương à?
Hoàng Dương là người em họ của cô Hoàng Yến, thi thoảng đến thăm chị và cũng không quên mang quà ấy đứa trẻ hàng xóm. Nhưng về khách quan mà nhận xét, bà Hà hoàn toàn đúng khi nói rằng ngoài tính tình hào phóng, Hoàng Dương là một nhà khoa học lập dị.
–Ồ không. –cô Hoàng Yến lắc đầu, nhìn người hàng xóm lâu năm và chỉ tay vào dải duy băng màu vàng. –Hoàng Dương không bao giờ biết cách trang trí một hộp quà cho tử tế. Cái thằng ấy chỉ giỏi mải mê với mấy cây nấm thôi. Bà dì ruột của em ở Sài Gòn mới là chủ nhân của món quà này. Mà mới sáng sớm thằng Phong nhà chị đã lái xe đi đâu đấy?
Bà Việt Hà đưa tay chỉnh lại mái tóc dài sau lưng, vắt tạm chiếc khăn màu xám tro qua cổ.
–Sao cô biết là thằng Phong nhà tôi?
Cô Hoàng Yến ỡm ờ:
–Em còn lạ gì cái tiếng xình xịch của chiếc xe bán tải nhà chị. Còn anh Mạc Căn chắc chắn giờ này vẫn đang ngủ. Chỉ có con ngốc mới không tự suy ra được. –trong khi cô nói, lớp giấy bọc hộp quà đã được mở ra gần hết… Dừng lại một giây, cô quay sang hỏi bà chị hang xóm tốt bụng –Thế nó vẫn chở vật liệu xây dựng à?
Đôi mắt của người phụ nữ đã bước qua tuổi năm mươi hơi chùng xuống. Bà Việt Hà khẽ liếc cánh cửa vẫn khép của nhà mình, cánh cửa sơn trắng với những ô kính hoa dâu nhỏ đã lâu không được lau chùi.
–Không. Lần này nó đi xin việc ở trên thành phố. Đâu thể cứ chở cát thuê mãi cho nhà người ta được.
–Ờ, cũng phải.
Lớp giấy bọc được vứt sang một bên. Cô Hoàng Yến thôi không chú tâm vào hộp quà nữa.
–Chị Hà này. –giọng của cô Hoàng Yến chứa đầy sự đồng cảm –cứ cho Phong học tiếp đi. Ai lại bỏ dở giữa chừng như thế ? Với lại, người như nó mà phải chịu cảnh phu phen, em thấy không đáng.
Bà Việt Hà đưa tay che miệng lại để cản bớt hơi lạnh mùa thu, cũng có thể để che một tiếng nấc.
–Chị…
–Thôi Hoàng Yến, cô đừng nói nữa! Nếu nó khăng khăng đi học, lão Mạc Căn sẽ từ mặt nó. Lão chỉ muốn con trai làm lấy tiền nuôi lão uống rượu và đánh bạc. Đời nào lão chịu đi làm lấy tiền cho con đi học.
Cô Hoàng Yến che giấu sự lúng túng của mình bằng cách quay trở lại với hộp quà. Từ miệng cô thốt ra vài câu nho nhỏ mà bà Việt Hà không thể nghe được qua khoảng cách của hàng rào gỗ.
Một chiếc xe bán tải màu xanh mang theo tiếng xình xịch của loại động cơ hơi nước thời cách mạng Công nghiệp đỗ trước cổng nhà họ Huỳnh.

Bảy giờ sáng.
Thời tiết cuối thu thật khó chịu với hơi lạnh từ núi cao và sự hanh khô đến héo úa cả cỏ cây. Ở ngôi làng Thành Khẩu thuộc huyện Lạc Dương, mọi thứ càng trở nên trầm lặng hơn. Nó khác xa với trung tâm thành phố Đà Lạt thơ mộng. Thành Khẩu là một ngôi làng nghèo, nơi vẫn còn những con đường đất lầy lội vào mùa mưa và nứt nẻ dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, những ngôi nhà nhỏ lụp xụp khiêm nhường lùi phía sau những bức tường hoen ố. Những dãy nhà san sát nhau sơn màu kem sữa đã tọa lạc ở đây từ thập niên trước. Chỉ có một điểm cộng gần như là duy nhất cho khung cảnh nơi đây, đó là phía trước mỗi ngôi nhà đều có một hàng rào gỗ màu trắng bao quanh mảnh vườn nhỏ trồng hoa thược dược khá nên thơ. Những mảnh vườn chỉ rộng vài mét vuông nhưng luôn xanh mướt quanh năm và không lúc nào thiếu sự hiện diện của những bông hoa màu đỏ.
Một đàn chim bồ câu sà xuống vỉa hè mổ những hạt thóc vương vãi. Ánh nắng bắt đầu đánh đuổi cái lạnh giá ra khỏi không gian. Một làn gió thổi mạnh kéo một giọt sương rơi khỏi phiến lá, rơi xuống đất. Thoắt cái mặt đường màu xám chỉ còn lại một vết thẫm màu.
Tiếng xe cộ làm một vài con chim bồ câu ngưng mổ kê, ngẩng cái đầu nhỏ xíu lên. Chúng bắt đầu vỗ cánh rồi biến mất phía chân trời. Đàn chim bay qua những mái nhà màu đỏ với ống khói ám đen muội than, bay qua trang trại rau rộng ngút ngàn của gia đình Jordan, bay qua vòm cây dẻ phía cuối thị trấn, chao nghiêng một vòng nhịp nhàng qua gác mái nhà thờ thiên chúa giáo… bay… bay mãi cho đến khi cả thị trấn chỉ còn là dải đất mờ mờ ẩn dưới đám mây.
Huỳnh Nguyễn Thanh Phong mải nhìn theo đàn bồ câu, nhìn bóng dáng của chúng khuất trong đám mây xốp như bông.
Chiếc xe chở hàng cũ rích như đống phế liệu di động lại kêu ầm ầm lên khi Phong đóng mạnh cửa xe.
Bà Việt Hà đã trông thấy bóng dáng của cậu con trai ngoài cổng. Chưa kịp đi ra thì Phong đã đẩy cổng bước vào.
–Thế nào rồi?
Điều duy nhất khiến bà khó chịu là sự im lặng của Phong khi gặp một điều gì đó không vui.
–Mẹ hỏi mày đấy? Thế nào? Có xin được việc làm không?
Phong dường như cố tình không nghe thấy, chỉ chào mẹ mình một câu rồi vắt chiếc áo lên dây phơi. Sự im lặng này đã là câu trả lời quá rõ ràng. Bà Việt Hà cũng không muốn gặn hỏi thêm gì nữa.
–Mẹ à… –Phong chợt nói –Hay là con…mà thôi.
Bóng dáng lão Mạc Căn xuất hiện ở ngưỡng cửa làm Phong vội nuốt những gì mình định nói vào trong. Lão ta hơi cau mày nhìn chiếc xe đỗ ngoài cổng rồi lười nhác đưa mắt về phía anh:
–Mày lại muốn giở trò gì nữa? Hôm qua mày vẫn chưa hiểu ý tao hả?
Phong chỉ trả lời bằng một tiếng dạ khô khốc rồi bỏ lên gác. Lúc đi ngang qua Mạc Căn, lão ta còn kịp để lại một lời gầm ghè:
–Tao cấm.
Phía sau lưng lão ta, Phong đang vội bước trên những bậc thang bằng gỗ nâu xỉn, mắt nhìn đăm đăm không chớp. Phòng của Phong, nếu đó có thể gọi đó là một căn phòng, nằm ở cuối căn gác xép nhỏ hẹp. Khi bà Việt Hà chạy đến, cửa đã khóa trái bên trong.
“Mày còn muốn giở trò gì nữa? Hôm qua mày vẫn chưa hiểu ý tao hả?”. Phong nín thở, nhớ lại từng lời bố mình vào buổi tối hôm qua. Một cảm giác uất nghẹn khiến anh rùng mình.
Có tiếng gõ cửa.
Qua lần cửa kính, Phong biết rằng mẹ mình đang đứng bên ngoài. Anh uể oải đứng dậy, giấu vội bức thư của Gia Nhi xuống gối.
–Phong, mẹ xin lỗi. –Bà Việt Hà bối rối, Phong đành kéo mẹ mình ngồi xuống ghế.
–Người có lỗi là ông ấy, không phải là mẹ. –Phong xé một tờ giấy, vo tròn rồi ném vào góc tường –Bố đang giết chết cuộc đời của con và của cả mẹ nữa. Con đã hai mươi tuổi rồi, con phải được quyết định tương lai của chính mình như mọi thằng con trai khác.
Một mảnh giấy nhàu nát nữa lại bị ném vào góc tường:
–Hiệu trưởng không phải là một người quá tốt bụng để tiếp tục chấp nhận đứa con của một kẻ không biết điều. Việc bố quậy phá ở trường đã ầm ĩ lên và các giảng viên đang làm khó dễ cho con.

Bà Việt Hà nén lòng nhìn Phong, nhìn đứa con trai đã hai mươi tuổi đang ngồi cạnh mình. Chiếc áo len cổ cao không che nổi những nhát rung rung ở cổ họng.
Dường như tiếng kêu đều đặn, đơn điệu của kim giây đồng hồ bao giờ cũng khiến người ta ngột ngạt.
Và…
Nó cũng khiến cho những suy nghĩ trong tâm trí người ta định hình rõ rệt hơn.
–Thôi học…vui thật! –Phong tiếp tục chua chát nói.
Bà Việt Hà đứng dậy, đến ngồi bên cạnh Phong. Bà vuốt mấy sợi tóc rủ trên vòm trán cao rộng của anh hệt như một người mẹ chăm sóc đứa con còn thơ. Hơn ai hết, bà hiểu Phong của bà yếu đuối và dễ bị kích động như thế nào. Phong nhìn mẹ rồi nhanh chóng quay đi.
–Đáng lẽ mẹ phải dứt khoát chia tay ngay từ hồi bố con sa đọa. Đáng lẽ mẹ phải cho con đi học ở Sài Gòn để ông ta không thể tìm đến chỗ con. Phong, con có hận mẹ không?
Mỗi câu nói đều là nhát dao cứa vào lòng anh.
–Mẹ, con thương mẹ, làm sao con có thể hận mẹ được? Con sẽ nghe lời bố, sẽ bỏ học, sẽ đi làm để nuôi gia đình. Con chỉ cần nhà mình yên ổn, chỉ cần bố thôi không đánh mẹ vào mỗi buổi tối…
Một chàng trai như Phong sẽ không cho phép mình khóc như người phụ nữ đanng ngồi trước mặt mình. Khóc, ai cũng hiểu, là yếu đuối.
–Đó là sự lựa chọn của con. Và con không bao giờ thất vọng vì sự lựa chọn của mình.
Phong mỉm cười để an ủi mẹ mình. Cùng lúc ấy, tiếng cốc thủy tinh vỡ dưới tầng làm cả hai mẹ con giật mình. Mạc Căn bắt đầu gây sự. Lão ta chúa ghét người ta tụ tập nhau mà không cho lão ta nhập cuộc. Hiển nhiên, lão luôn chột dạ rằng người ta đang nói xấu mình.
–Mày đúng là người để chí hướng trong túi áo con ạ.
Bà Việt Hà buông ra một câu nửa đùa nửa thật trước khi ra ngoài trấn an ông chồng.
Một mình.
Phong ngồi lại trong căn phòng trống trải. Nụ cười chào tạm biệt mẹ vụt tắt ngay khi cánh cửa phòng khép lại.
–Mẹ, con không phải là người để chí hướng trong túi áo. Chỉ tại lớp vải quá dày mà thôi.
Phong nhìn bức ảnh đen trắng chụp cả gia đình anh đặt trên bàn. Một cậu bé với ánh mắt đen sáng ngời đang nhìn về phía anh. Hình ảnh của mười bảy năm về trước…Đôi mắt ấy, sau ngần ấy năm vẫn không hề thay đổi. Bằng tuổi này, người ta đã có cuộc sống tự lập, có công việc riêng hoặc đang đeo đuổi ước mơ trên giảng đường đại học. Còn Huỳnh Nguyễn Thanh Phong của hiện tại, anh có gì? Áp lực buộc thôi học từ thầy hiệu trưởng hoặc nhân từ hơn là bảo lưu kết quả học tập, lời từ chối của những phân xưởng tồi tệ nhất, một chiếc xe phế thải nửa tháng lại đình công đòi nghỉ hưu. Anh còn có một bà mẹ từng công tác trong hội phụ nữ, tính tình cam chịu và nhẫn nhục; một ông bố say xỉn suốt ngày, nợ nần chồng chất, thô bạo và suy nghĩ tủn mủn. Đấy là tất cả những gì mà Huỳnh Nguyễn Thanh Phong đang có.

Buổi tối hôm qua, Phong sửa soạn tài liệu và một ít tư trang cá nhân để chuẩn bị trở lại kí túc xá. Anh đã cẩn thận để hai quyển sách yêu thích của mình dưới đáy vali rồi phủ khăn lên.
–Mày định làm gì? –lão Mạc Căn xuất hiện ở ngưỡng cửa với giọng nói gầm ghè quen thuộc. Phong đóng vali rồi trả lời một cách tự nhiên:
–Con chuẩn bị để quay trở lại trường.

Trường Phong đang học là trường đào tạo cảnh sát danh tiếng nhất khu vực phía nam. Không như những cậu chàng vào đó bởi nhiều lý do không tiện kể ra ở đây, Phong đỗ học viện hoàn toàn dựa vào năng lực bản thân mình.
–Bao giờ?
–Ngày mai ạ.
–Làm gì?
Phong toan trả lời thì chợt dừng lại. Anh hiểu tâm trạng bố mình mỗi khi lão thốt ra những câu hỏi cộc lốc này. Chúng không phải là những câu hỏi, chúng là những lời dọa nạt. Bởi thế, Mạc Căn rất ghét người ta trả lời mình những lúc như vậy. Ông ta nghĩ rằng người đang trả lời không đủ thông minh để nhận ra và biết điều hơn.
–Con… –Phong hơi ngập ngừng –chỉ còn hai năm nữa thôi là con sẽ trở thành sĩ quan cảnh sát. Con không muốn bỏ dở vào lúc này.
Lão Mạc Căn cau mày, trên trán xuất hiện vài nếp nhăn. Lão nghiến hai hàm răng, nhìn đứa con như thể nhìn UFO. Rồi những nếp nhăn ấy dãn ra, chân mày trở lại bình thường một cách đầy ý tứ.
–Phong ạ. –lão ngọt ngào vỗ vai con trai –bố đã nói nhiều lần rồi, vậy mà mày vẫn không chịu thông cảm cho bố sao? Học gì thì học, ai lại học cái ngành cảnh sát? Hơn nữa, bố mẹ đều già rồi. Thà mày cứ kiếm luôn lấy một cái nghề mà hàng tháng mang được tiền về đây là tốt nhất. Bây giờ kinh tế mới là trên hết. Mày xem, ở quanh khu này có ai học hành cho tử tế đâu mà họ vẫn sống tốt đấy thôi. Cần gì phải trèo cao với xa làm gì?
Một người như Phong học đại học mà cũng là trèo cao với xa sao? Anh thừa hiểu suy nghĩ của bố mình, lão không muốn thấy bóng dáng của một người có liên quan tới pháp luật trong nhà lão khi mà cá cược và cờ bạc vẫn còn là lí tưởng sống của lão. Lão không muốn phải sống gương mẫu chỉ vì mình là bố của một anh chàng cảnh sát trẻ tuổi.
–Con muốn học để kiếm một công việc tốt hơn hiện tại. Con sẽ vừa đi học, vừa đi làm để đóng học. Tài chính sẽ không phải là một vấn đề quá khó khăn. –Phong quả quyết.
Lão Mạc Căn ngẫm nghĩ một lúc, lão đang đem những lời nói của Phong lên bàn cân.
–Không nên như vậy. Bố không thích mày học cảnh sát. Kiếm một nghề khác đi! Một nghề có thể kiếm ra nhiều tiền ngay bây giờ ấy.
Vậy là lão đã nói toạc móng heo. Có lẽ Phong sẽ cảm ơn Chúa nếu lý do mà lão đưa ra là sợ anh sẽ gặp nguy hiểm khi phải đối mặt với bọn ma cô say sỉn nhan nhản khắp ngôi làng này. Khổ nỗi, lão là một người thẳng thắn, hoặc tủn mủn đúng theo những tính toán của mình.
–Nhưng con không chấp nhận được cuộc sống an phận và tẻ nhạt như thế.
–Không chấp nhận thì sao hả? –lão hết kiên nhẫn nổi khùng lên –Mày định thay đổi cả thế giới chắc? Mày làm được cái gì hả? Cái thằng đua đòi. Tao không nói đến lần thứ hai đâu: Ở NHÀ!
Phong chỉ đứng dậy, với chiếc áo khoác và bắt đầu gấp gọn lại.
–Tao nói rồi đấy. Tao sẽ không bao giờ ày một đồng xu nào để đi học.
–Xin lỗi bố, con nghĩ con không sai trong việc này. –Phong cất chiếc áo đã gấp gọn vào va li –Bố không có lý do nào để cấm con hết.
–Thằng mất dạy! Mẹ mày bảo mày chống lại tao hả? Mụ Việt Hà, mụ già chết tiệt đâu rồi?
Lão gân cổ lên, cuống họng giật phừng phừng. Ngay khi bà Việt Hà vừa bước vào, lão ta đã giơ tay lên.
Bốp!
–Bố! –Phong lao đến đỡ mẹ mình dậy –Sao bố lại đánh mẹ???
–Thằng ôn dịch! Mày là ai mà dám ra lệnh ở đây? Mày cứ đi học đi. Ở nhà, tao sẽ đánh chết mụ già này. Mẹ con mày định hợp sức chống đối lại tao hả?
Người mà Phong yêu thương, tôn thờ và muốn bảo vệ nhất chính là mẹ mình. Anh biết bố anh đã nói là sẽ làm. Anh lo sợ cho sự an nguy của mẹ. Lão Mạc Căn biết mình đã thắng thế, hơi hạ giọng:
–Mày mà về trường thì đừng có bước chân qua cánh cửa nhà này nữa. Ngày mày tiếp tục bước chân vào cái ngôi trường chết tiệt ấy cũng là ngày tao, Huỳnh Mạc Căn, tuyên bố từ con trai.

Phía cuối Thành Khẩu có một khu đất hoang nhìn ra dòng suối Cam Ly miên man ánh nắng. Khéo thay, ở chính giữa khu đất ấy có hai gốc thông vừa bị cưa sát gốc tạo thành hai chiếc ghế nằm cạnh nhau. Cậu con trai tóc đen, trán cao, khoảng mười tuổi, đang nhảy lò cò quanh gốc cây. Cô bé thì ít tuổi hơn, đang vui sướng dõi theo từng bước nhảy của cậu bé. Hai bím tóc của cô bé cứ ngoe nguẩy trên vai.

–Vui không Gia Nhi? –cậu bé hỏi.
Cô bé gật đầu lia lịa, ra chiều thích thú lắm. Đôi mắt của hai đứa trẻ bừng lên thứ ánh sáng của thiên thần. Hai đứa trẻ chốc chốc lại phá lên cười vui vẻ. Đùa chán chê, nhảy lò cò cũng đã thấm mệt, cậu bé lôi ra một chiếc hộp carton nhỏ, trong đó đựng một đống đất sét màu nâu đỏ. Cô bé mở tròn mắt ngạc nhiên, giật giật vạt áo cậu bé với đầy vẻ thắc mắc.
–Đây là đất sét. –cậu bé hiểu ngay cô bé muốn hỏi gì –Em biết không, đất sét dùng để nặn rất nhiều thứ, một chiếc cốc chẳng hạn.
Cô bé nhìn lại đống đất sét với vẻ tò mò không giấu nổi rồi lắc lắc cái đầu tròn xinh xinh.
–Được rồi, để anh làm thử cho em xem.
Nói rồi, cậu bé xắn tay áo, ngồi xuống, vặn một nắm đất sét vừa tay mình ra. Cô bé chăm chú nhìn bàn tay khéo léo đang nhào nặn một cách dẻo dai, mềm mại. Thỉnh thoảng, khi cậu bé yêu cầu thêm nước, cô bé lại hớn hở chạy đi, múc nước vào một cái bát nhỏ rồi tưới từ từ vào đống đất sét đang dần thành hình thành khối. Chưa bao giờ cô bé thấy một công việc kì thú đến thế nên cứ chống tay vào cằm, mở tròn xoe mắt.
–Gia Nhi, em nhìn đây, đây là một chiếc cốc bằng đất sét. Tặng cho em này!
Với nụ cười rạng rỡ trên môi, cô bé đón lấy chiếc cốc méo mó, toan ôm chặt vào lòng.
–Ấy, chưa được đâu. Chúng ta không có lò nung nên em phải đem nó phơi nắng. Đây chỉ là đồ kỉ niệm thôi, em không được dùng để uống nước đâu đấy.
Cô bé ngoan ngoãn gật đầu. Chiếc cốc chỉ cao chừng mười phân, không giống hình tròn mà cũng chẳng nhìn ra hình vuông. Rất khó nhận ra nó là một chiếc cốc nhưng lại rất dễ nhận ra nó là tác phẩm của một đứa trẻ.
–Cái thằng Phong kia, mày còn ở đấy mà nghịch à? Về nhà mau!
Một người đàn ông cao lớn đứng ngoài hàng rào, dướn cặp lông mày dữ tợn của mình về phía cậu bé. Cô bé thấy vậy, sợ hãi nắm chặt chiếc cốc hơn.
–Bố anh gọi, anh phải về rồi. –cậu bé ngoái ra phía sau.
Cô bé nhìn theo cậu bé đang bị ông bố lôi đi xềnh xệch mà vẫn còn quay lại nói tiếp:
–Gia Nhi, em nhớ phải đem nó đi phơi nắng cho thật khô đấy!

Đã mười mùa nắng trôi qua. Giờ chiếc cốc đất sét thuở nào vẫn nằm trong góc tủ thân quen của Gia Nhi. Cô nhớ như in lời dặn của Phong, ngày nào cũng đem nó đặt trên bệ cửa sổ, để nó hứng những tia nắng ngọt ngào nhất. Đối với Gia Nhi, nó chính là chiếc cốc đẹp nhất, thậm chí những chiếc cốc pha la long lanh bày trong những cửa hiệu xanh đỏ cũng không sánh bằng. Cứ mỗi lần nhìn thấy nó, lòng cô thiếu nữ mười bảy tuổi lại thấy ấm áp. Dường như chỉ mình Phong là không để tâm gì đến nỗi bất hạnh của cô, luôn luôn quan tâm tới cô như một người bạn chân thành nhất.
Bố mẹ Gia Nhi đều mất vì ung thư máu, từ khi cô mới bốn tuổi. Ngày ấy, Gia Nhi chỉ là một đứa trẻ ngây ngô. Mất cha, mất mẹ, Gia Nhi khóc nhiều quá, nhiều đến nỗi phải đi bệnh viện. Càng ngày, cô càng ít nói hơn, mà lại khóc nhiều hơn. Đến năm năm tuổi, cô trở thành đứa bé chỉ biết dùng những tiếng ú ớ và đôi tay để giao tiếp. Sau đó, ông ngoại đón cô về nuôi, tự ông dạy cho cô cách đọc, cách viết bởi vì ở đây chưa có trường nhận dạy những đứa trẻ như thế.
Cuộc đời cô bất hạnh hệt như một vở bi kịch, đôi khi cô còn không tin vào tấn bi kịch bệnh tật đổ xuống đầu bố mẹ mình và mình. Nhiều lúc cô trách sao ông trời viết kịch bản sao khéo và ác quá! Một giọt nước nữa lại rơi xuống, làm nhòe những dòng chữ còn chưa khô mực. Mắt Gia Nhi vẫn ươn ướt, long lanh.
Gia Nhi buông bút xuống, đọc đi đọc lại bức thư vừa viết. Sau một lúc lâu, cô mới thêm vào hai chữ “tái bút” nhưng lại không viết gì. Những bức thư khác của cô, phần tái bút là phần chưa bao giờ thiếu. Nhưng lần này…
Trong mắt Gia Nhi, Phong là một người hoàn hảo. Với chiều cao 1m83 và gương mặt điển trai mang những đường nét rất tây phương, anh không bao giờ bị nhạt lẫn giữa những bạn bè đồng trang lứa khác. Nếu đứng giữa đám đông, dù muốn dù không, anh tự khắc sẽ nổi bật theo cách riêng của mình, ngời sáng và đầy thiện cảm. Nhiều lúc Lâm Vũ còn đùa rằng, nếu Phong có thể khoác lên người những bộ cánh hàng hiệu, anh sẽ không thua kém bất cứ hot boy đình đám nào. Chẳng qua, bụi khói từ những chuyến chở hàng ròng rã đã vô tình làm cho vẻ đẹp ấy khuất lấp. Tiền bạc lúc nào cũng có uy lực của nó, đủ sức đánh bóng bất cứ thứ gì, mà cũng chính tiền bạc lại là thứ Phong thiếu.
Tuy nhà nghèo, lại có một ông bố vũ phu khét tiếng nhưng bù lại không mấy người thanh niên ở huyện nghèo này có chí lớn bằng anh. Anh luôn ôm ấp hoài bão trở thành cảnh sát, đóng góp công sức của mình cho cuộc sống yên bình ở quê nhà, khi mà Lạc Dương vẫn còn nhan nhản những kẻ du thủ du thực khắp nơi dạt về. Còn Gia Nhi, cô chỉ là một cô gái câm sống trong một căn nhà lụp sụp với người ông bảy mươi tư tuổi mắc đủ các căn bệnh dai dẳng trên đời. Vậy thì cô có quyền gì mà đòi hỏi ở Phong nhiều hơn một sự quan tâm? Thà cô cứ tin rằng Phong tốt với mình chẳng qua vì thương hại mình. Cô sẽ không ngày ngày quấy nhiễu bước đường của anh. Cô sẽ không ghì nó lại trong tay mình nữa. Gia Nhi sẽ trả ơn Phong bằng cách trả lại cho anh con đường không có cô. Cô chỉ là kẻ vướng đường, chỉ là con người sinh ra để cho người khác thương hại.
Thương hại?
Thương hại!
Hình ảnh chiếc cốc thoảng qua tầm mắt của Gia Nhi. Chiếc cốc đó đã ở trong tim cô mười năm, kể từ ngày cô còn là một đứa bé bảy tuổi. Mười năm, cùng bao nhiêu ngày nắng…Nhưng chỉ một cơn mưa, ai dám chắc chiếc cốc đó sẽ không trở lại thuở ban đầu của nó? Có điều gì đó đã khiến cô gái câm tội nghiệp cất bức thư của mình xuống dưới gối.
Cùng lúc đó, ở cạnh đó chưa đầy một sáu km, trong một căn nhà có chiếc xe bán tải màu xanh đỗ ngoài cổng, Huỳnh Nguyễn Thanh Phong lật gối, lấy bức thư đang đọc dở lên. Thế nhưng, anh không đọc tiếp phần còn lại, anh để nó vào trong một chiếc phong bì đã xé mép và kẹp chúng giữa vô số những bì thư khác. Tấy cả những bì thư này đều không đề tên người gửi. Vì Gia Nhi không bao giờ viết tên và địa chỉ của mình lên thư!
Phong ra khỏi phòng. Lão Mạc Căn đã thôi không đập phá mọi thứ và cũng biến mất cùng đôi tổ ong vẫn được xếp cẩu thả ngoài thềm. Phong dám cá mười mươi là bố mình đã đi mua tờ báo nào đó có ghi kết quả trận đấu giữa Tottenham và Manchester City.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.