Đọc truyện Bão Mùa Hè – Chương 19: Một buổi trà chiều (1)
Ngày đầu tiên nhập học, lớp chuyên đứng đầu toàn trường trung học Lê Đình Thám về điểm số tiếp nhận thêm ba mươi thành viên mới vào trường. Lần lượt theo bảng xếp hạng từ trên xuống là Thuận, Nguyệt và Yến.
Cô giáo chủ nhiệm rõ ràng muốn tấm gương đại biểu của lớp lên làm lớp trưởng. Nhưng bất hạnh thay ngay ngày đầu tiên cậu ta đã không đi học cho nên vị trí này liền có nguy cơ rơi lên đầu Nguyệt. Cô không do dự từ chối, nghĩ thế nào mà không thích làm lớp trưởng, lại khó thoát khỏi số phận ban cán sự lớp nên cô mở miệng “Em thích làm lớp phó học tập hơn.”
Được rồi, học giỏi để làm gì? Là để kiêu ngạo.
Vậy là Yến liền lên làm lớp trưởng. Mà cậu ta cũng có vẻ rất thích có chức có quyền, cười giòn tan đáp ứng, còn nhìn Nguyệt tỏ vẻ biết ơn. Nguyệt trả lại cho cậu ta một cái nhìn thờ ơ, không mặn không nhạt, vừa đủ tỏ ý “Là tôi không cần nên mới tới lượt cậu”.
Nhiệm vụ tiếp theo của ngày đầu tiên là xếp chỗ ngồi. Không biết xếp thế nào mà cuối cùng đám con trai lại tụ tập hết một chỗ, tựa như là quen nhau, chỉ thừa đúng một chỗ giữa lớp ngay gần cửa ra vào. Cô giáo có thấy nhưng cũng không nói gì, rõ ràng là một người hiền lành. Sau đó, Nguyệt tuỳ tiện tìm một chỗ ngay trên đám con trai đó, vừa vặn sau lưng lớp trưởng mới được bổ nhiệm. Vì vậy mà trong lớp lần nữa nổi lên trận sóng lớn. Cả lớp có ba học sinh giỏi nhất đều ngồi cùng một tổ thì sau này thi đua tổ tính thế nào?
Nguyệt mặc kệ, Yến cũng mặc kệ, mà người vắng mặt Thuận càng không thể có ý kiến.
Sau khi ghi chép thời khoá biểu mới, trao đổi ít kinh nghiệm và phân công trực nhật cho buổi học đầu tiên vào tuần sau thì cả lớp giải tán.
Ngày thứ hai đầu tuần, Nguyệt đến trường khá sớm để dự lễ chào cờ. Mọi người đều mang tâm lý lo lắng như thế, vì không biết chỗ ngồi của lớp ở đâu. Nguyệt liếc mắt nhanh chóng bắt được người học sinh cao ráo đang cầm bảng tên lớp đứng đầu hàng bên kia. Không ngờ lớp cô cũng có người cao như vậy. Chắc mẩm cậu ta đã được giáo viên chủ nhiệm dặn dò trước nên mới cầm bảng tên lớp đứng đó. Nguyệt nhanh chóng đứng ngay sau lưng cậu ta.
Một phần bởi vì cậu ta cao lớn, lát nữa có thể che nắng cho thân hình thấp bé của cô phía sau. Bạn học sinh tuy đứng một mình nhưng vẫn vững vàng, miệng còn đôi lúc mỉm cười. Đứng gần mới thấy cậu ta rất đẹp trai, màu da lúa mạch có hơi chọi so với áo sơ mi trắng nhưng thế nào nhìn cũng giống như con lai da nâu hơn. Có lẽ bởi vì phát hiện có người nhìn sau lưng nên cậu mới quay sang, nụ cười càng thêm chói mắt:
– Chào cậu, cậu cũng học lớp này à? – Nguyệt chầm chậm gật đầu – Cậu là lớp trưởng hả? Sao lại đứng đầu?
Nguyệt xấu hổ mím môi không nói. Không thể nói ra lý do ngớ ngẩn kia nữa đành mở miệng:
– Tớ là lớp phó học tập, lớp trưởng còn chưa tới.
Cậu ta “À” dài một tiếng, không biết là hàm ý gì. Đôi mắt dưới ánh nắng linh động chớp chớp, thi thoảng hiện ra suy tư. Xong sau đó cậu ta liền giao bảng tên lớp cho cô, cười thoải mái:
– Chào lớp phó, tớ là Thuận. Cô chủ nhiệm dặn khi nào lớp trưởng đến thì tớ hết nhiệm vụ, nhưng tớ nghĩ lớp phó cũng được đấy nhỉ? Cho nên, phiền cậu nhé!
Chưa kịp nghe lời phản bác, Thuận liền chạy nhanh xuống cuối hàng hoà nhập vào đám bạn nam. Để lại Nguyệt một mình ngơ ngẩn.
Thì ra là cậu ta, người đứng đầu toàn trường. Suốt cả mùa hè, Nguyệt cũng không tin được mình lại thua điểm một người khác. Cho nên khi nhập học cô rất trông đợi được gặp người này, xem thử cậu ta giỏi tới nhường nào, nhưng xui xẻo ngày đầu tiên không gặp được. Thế mà cuối cùng lại gặp nhau trong hoàn cảnh thế này. Nguyệt có chút thất vọng, cũng không rõ ràng lắm. Nhìn cậu ta đẹp trai như vậy, có vẻ hơi ham chơi mà vẫn được thành tích cao? Có quay cóp không vậy, cô có hơi nghi ngờ.
Nhưng dần dà Nguyệt phát hiện Thuận không những là một học sinh giỏi, mà còn là một học sinh giỏi toàn diện. Nếu Nguyệt chỉ giỏi những môn tự nhiên thì Thuận còn hiểu biết về địa lý, lịch sử, văn học, ngay cả mỹ thuật cũng biết nhiều hơn cô. Mà điều đáng buồn hơn là Nguyệt theo dõi Thuận suốt cả kỳ, chỉ thấy nếu không phải cậu ta đang ngủ thì chính là lén lút chơi caro với đám bạn dưới lớp, hoàn toàn chẳng đoái hoài gì tới bài vở. Ấy vậy mà khi thầy cô gọi lên bảng thì viết đáp án như một cái máy.
Nguyệt có chút ghen tỵ, nhiều hơn là hâm mộ và ngạc nhiên vì có người thông minh như thế học trong lớp của mình. Hơn nữa, qua miệng đám con trai, lý lịch của Thuận tất tần tật đều được phơi bày. Cao 1m86, thích bóng rổ, giỏi bóng đá, yêu bơi lội, nhà có điều kiện, thỉnh thoảng hào phóng bao bạn bè đi uống trà sữa, nghe nói ba cậu ta còn quyên góp cho nhà trường xây sân thể thao, đặc biệt là ngoại hình bắt mắt làm cậu ta trở thành thần tượng của toàn bộ nữ sinh trong trường, bao gồm cả lớp trưởng phía trên bàn cô.
Với tư tưởng, nước phù sa không chảy ra ruộng ngoài, các bạn nữ trong lớp tích cực tán tỉnh Thuận, viết thư, tặng bánh kẹo, trực nhật hộ… đủ cả. Thuận chỉ cười cười, nhận hết, nhưng dường như cũng không tỏ vẻ chấp nhận cái nào. Mọi người ai cũng nhẹ nhõm, thầm nhủ, chưa chọn ai tức là mình còn có cơ hội. Thời gian một kỳ học sau, rốt cuộc chuyện này cũng giảm nhiệt, đó là vì các bạn nữ dần nhận ra Thuận khó tán đổ quá, lại còn có cảm giác không tương xứng với người bình thường nên chỉ có thể ngắm nhìn từ xa.
Nhưng cũng chưa chấm dứt được cơn sóng trào từ những lớp khác. Hằng ngày có vô số quà bánh được phát tới lớp. Ai đi tới gặp ngay lớp trưởng đang ngồi bàn đầu tiên nơi cửa lớp, Yến liền trừng mắt, hù dạo mấy người chạy mất, thế nên cũng giảm bớt áp lực cho những người khác.
Học xong một kì, mọi người trong lớp dần trở nên khá thân thiết với nhau. Ấy vậy mà một ngày nọ, đột nhiên sấm sét đùng đùng kéo tới.
– Tớ thích cậu, làm bạn gái tớ nhé?
Cạch.
Nguyệt nghe thấy tiếng bút chì trên tay Yến rơi xuống đất, ngay sau khi nghe thấy Thuận hùng hổ bước đến bàn cô tỏ tình.
Có thể nói nếu học kì một là một chuỗi những ngày yên bình thì học kì hai chính là những ngày dài ác mộng kéo dài từ lúc đến lớp cho đến khi về đến cổng nhà. Không biết do có phải Thuận cố ý hay không mà tần suất xuất hiện trước mặt Nguyệt ngày càng nhiều, cô càng ngại ngùng, tìm hết mọi cách né tránh nhưng hình như vẫn không hiệu quả cho lắm.
Mỗi ngày Nguyệt đều có thói quen đến lớp thật sớm để ôn bài. Ngược lại, Thuận phải đến sát giờ reng chuông mới vào lớp. Ấy vậy mà mấy ngày nay cậu ta đến sớm lạ thường, tranh thủ lúc bạn cùng bàn của cô chưa đến mà kéo ghế chiếm chỗ. Nguyệt lúng túng không biết nên tập trung bài vở kiểu gì, Thuận sờ đầu bút chì trong tay cô, cười hì hì nói:
– Cậu có thấy ghen tỵ với cái đầu bút này hay không?
– Cái gì? – Chịu thôi, không trả lời cậu ta sẽ làm càng lố lăng, đến mức hét lên cho cả lớp nghe nếu như cô không buồn đoái hoài gì đến cậu ta.
– Nhưng không cần đâu, sau này mỗi ngày tớ đều sờ đầu cậu như thế này được không?
– Không cần, tớ không thích người khác sờ đầu mình. – Nguyệt gần như là nuốt chữ mà nói.
– À, cậu sợ mất chữ đúng không? Thấy cậu lúc nào cũng chăm chỉ làm bài tập trước khi vào tiết. Như thế này đi, dù sao thì trước sau gì của cậu cũng là của tớ, của tớ cũng là của cậu. Tớ sẽ cố gắng chăm chỉ thêm một chút, bù lại cậu dành thời gian ra cho tớ tán tỉnh được không?
…
Được rồi, học sinh giỏi đứng đầu, cậu không cần chăm chỉ cũng rất giỏi đấy. Nguyệt bất lực thở dài trong lòng. Đây là khác biệt giữa thông minh trời sinh và cần cù bù thông minh. Cô cũng ghen tỵ tới phát điên nhưng cũng không thể đem não của hai người đổi cho nhau được.
Chuông reng vào lớp. Thuận nhanh chóng về chỗ của mình, đúng lúc đó, Yến cũng vừa đến. Cậu ta hiếm khi nào đi học sát giờ thế này, đã vậy hai mắt còn hơi sưng, trừng trừng nhìn cô. Nguyệt bất lực thở dài. Chuyện của hai người bọn họ đã sớm đồn ầm khắp trường khắp lớp, cũng khiến lớp trưởng ngày càng chướng mắt cô hơn.
Nguyệt giật mình nhận ra mình đang cầm bút bi từ lúc nào, còn bút chì lại đang bừa bãi thả trên bàn. Ngay sau đó liền biết lý do. Thuận mượn bút chì cô ghi vài dòng vào trang đầu tiên của sách Ngữ văn. Chất liệu sờn sờn của giấy tái chế như cọng lông vũ sượt nhẹ vào tim cô. Nguyệt nhìn chằm chằm vào dòng chữ, hơi chần chừ rồi lật nhanh đến trang sách đang học dở.
Thuận ngồi ngậm bút ở dưới, không thấy Nguyệt có phản ứng gì thì hơi thất vọng. Sau đó thầy giáo vào tiết, cô mới lật sách ra, cậu nôn nóng ngắm nhìn bóng lưng kia. Trông có vẻ thấp bé hơn so với những nữ sinh mười sáu, mười bảy tuổi dậy thì chân dài như bây giờ, nhưng sống lưng lại đặc biệt thẳng. Có lẽ do nề nếp giáo dục của bố mẹ và thói chăm chỉ học hành của Nguyệt. Tóc dài cột bổng lên như mọi ngày, hiếm khi tung bay bởi vì cô không hay hoạt động, phần lớn thời gian thì ngẩng lên bảng, hoặc là nhìn xuống bàn.
Lúc lâu sau, chỉ thấy Nguyệt chầm chậm cúi thấp đầu, thật thấp, như muốn dán mặt vào bàn gỗ. Khoé môi Thuận từ từ cong lên.