Bao Công xử án

Chương 18


Đọc truyện Bao Công xử án – Chương 18

Ngày xưa ở bên Tàu có huyện Đinh Hải, thuộc phủ Ninh Ba, tỉnh Triết Giang có quan kiểm sự tên Cao Khoa và quan Thị Lang tên Hạ Chánh là đôi bạn chí thân và ngụ cùng một làng.
Hai người thường qua lại nhà nhau, “khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, đàm đạo với nhau ra chiều tương đắc lắm.
Một bữa hạ Chánh sưa soạn sang nhà Cao Khoa sẩy thấy bạn đến chơi, nét mặt hớn hở.
Hạ Chách lật đật ra rước:
– Tôi định sang bên bác đây. Bữa nay bác có chi mà vui tươi vậy?
– Sang báo bác rõ nhà tôi đã có tin mừng và mời bác sang nhà chơi.
Hạ Chánh vỗ tay reo:
– Thiệt hả. Vậy thì tốt quá. Vợ tôi có tin vui và tôi đang sửa soạn sang nói để bác mừng cho thì bác đã sang.
Cao Khoa tươi cười đáp:
– Hay lắm, hay lắm. Bên tôi sẵn có tiệc rượu rồi, mời bác qua ăn mừng luông thể.
Tới nhà Cao Khoa đôi bạn nhập tiệc nâng ly mừng nhau rồi cùng ước hẹn nếu sau này đôi bên sanh con trai và con gái thì sẽ cho chúng kết hôn với nhau. Tiệc rượu “chỉ phúc giao hôn” (làm sui khi con còn trong bụng mẹ) kéo dài đến khuya mới tan.
Cuối năm ấy, vợ Hạ Chánh sanh con trai đặt tên là Hạ Xương Thời còn vợ Cao Khoa sanh con gái đặt tên là Quí Ngọc.
Hạ Chách cậy bà mai thay mặt nhà trai đem đôi kim thoa đến làm lễ vật nơi nhà gái. Cao Khoa vui vẻ thâu nhận rồi trao lại một cặp trâm ngọc để làm tin.Từ đó hai nhà đi lại với nhau càng thêm thắm thiết.
Sau Hạ Chách đổi về làm việc tại kinh thành. Tuy làm quan nhưng Hạ Chánh rất thanh liêm nên gia cảnh xem ra cũng thanh bạch lắm, trong khi ấy Cao Khoa khéo xoay xở nên ngày càng thêm giàu có.
Ít năm sau, Hạ Chánh lâm bạo bệnh và từ trần tại kinh đô. Được tin cấp báo, Cao Khoa vội lên phúng điếu sui gia. Khi biết gia cảnh bạn, Cao Khoa liền xuất tiền giúp đỡ vợ Hạ Chánh mới đem được xác chồng về xứ chôn cất.
Mấy năm sau, Cao Khoa đến tuổi về hưu. Vì giàu có nên ngày lại ngày ông ta chỉ ngao du sơn thủy, đi dưỡng tuổi già.
Nói về Hạ Xương Thời tuy nhà nghèo và cha mất sớm nhưng nhờ tư chất thông minh lại siêng năng chăm chỉ nên học hành ngày càng lấn tới, nổi tiếng khắp vùng.
Đến nănm Hạ xương Thời được mười sáu tuổi, Bà quả phụ Hạ Chánh cậy người mai tới nhà Cao Khoa hỏi cưới Quí Ngọc cho con trai.
Cao Khoa nghe xong, cười lớn mà rằng:
– Trước ta có hứa gả con Ngọc cho thằng Thời nhưng phàm việc cưới xin ph3i giữ cho đủ lễ để con gái ta khỏi hờn duyên tủi phận. Vậy ngươi há về nói với thằng thời so sắm cho đủ sáu lễ ta mới thuận gả con gái ta cho nó. Còn như nghèo túng không kham nổi, thì nên hồi đi là hơn rồi ta sẽ ban cho chút tiền bạc đặng đi kiếm vợ khác. Thôi ngươi về báo cho mẹ con nó hay. Ý ta đã nhất định rồi, đừng nài nỉ vô ích.
Người mai lủi thủi về thuật lại cho mẹ con Hạ Xương Thời nghe. Bà quả phụ Hạ Chánh thở dài, ứa lệ nhìn con.
Hạ Xương Thời kiếm lời an ủi mẹ già rồi từ đó, chỉ chăm lo dùi mài kinh sử.
Về phần Quí Ngọc được mẹ cho biết quyết định của cha, nàng đau khổ vô cùng, bèn vào can cha:
– Xin phụ thân chơ ùqua khắt khe, kẻo người ngoài cười chê cha con mình bội ước.
Cao Khoa gắt:
– Cứ đủ một trăm lượng bạc vàng sính lễ là ta cho mi theo nó còn không thì thôi. Đừng có nhiều lời.
Quí Ngọc òa lên khóc, rồi chạy vô phòng. Nữ tỳ Thu Hương kiếm lời an ủi cô chủ:
– Tiểu thơ cũng chẳng nên buồn rầu làm chi. Quan muốn tiểu thơ vào nhà quyền quí cao sang đặng sung sướng tấm thân. Nay phải từ hôn Hạ Xương thời, quan cũng biết là không phải đạo song vì thương tiểu thơ…
Quí Ngọc ngắt lời nữ tỳ:
– Như vậy cha mẹ ta sẽ mang tiếng tiếng là người bội ước. Vả lại, Hạ Xương Thời tuy nghèo song học giỏi lại điềm đạm dễ thương, diện mạo khôi ngô, tất sau này cũng mở mày mở mặt với thiên hạ được. Sự nghèo nàn của chàng nhất thời. Nếu ta không giúp đỡ chàng thì uổng mất một nhân tài. Em nghĩ sao.
Nữ tỳ Thu Hương đáp:
– Tiểu thơ nghĩ thế cũng phải hiềm một điều Hạ Công tử lấy đâu ra một trăm lạng bạc vàng dẫn lễ bây giờ?
Quí Ngọc nghĩ thế dài không đáp. Hồi lâu nàng lẩm bẩm:
– Ta đã có cách.
Nữ tỳ nghe không rõ mới hỏi lại:
– tiểu thơ dạy điều chi.
– Ta nói ta có cách rồi, miễn là cha ta dừng sớm nhận lời gả ta cho người khác là được.
Từ sau bữa đó, Quí Ngọc lén lấy trộm vàng của cha đem giấu vô phòng. Sợ bại lộ, lâu lâu nàng mới dám lấy chút ít, thành ra trong suốt một năm trường nàng mới gom góp được lối vài lượng quý kim.
Trong khi đó nàng vẫn sai nữ tỳ Thu Hương lén tới thăm hỏi Hạ Xương Thời để chàng thư sinh đừng thất vọng.
Nhưng tuyệt nhiên nàng không tiết lộ kế hoạch của nàng cho nữ tỳ hay biết.
Nói về công tử Hạ Xương Thời từ ngày bị Cao Khoa thách thức quá nhiều, chàng làm thinh luôn, không nghĩ tới việc lấy vợ nữa.
Nhờ mẹ chàng vất vả sớm hôm tần tảo quyết tâm nuôi con ăn học đến thành tài nên trong nhà cũng không đến nỗi túng thiếu lắm.
Hạ công tử suốt ngày quanh quẩn nơi thư phòng, đọc sách ngâm thơ, ít khi đi ra đến ngoài. Chàng chỉ có một người bạn tâm giao là Lý Thiện Phụ, bạn đồng môn, thường hay lui tới nhà chàng cùng chung học tập.
Thấm thoát đã ba thu kể từ ngày Cao Khoa có ý từ hôn Hạ công tử.
Thấy mẹ con Hạ Xương Thời im lặng đã lâu, nhiều gia đình khá giả lân la ngỏ ý hỏi xin Quiù Ngọc cho con trai họ. Và Cao Khoa cũng kén rể cho xong năm ấy.
Thấy nguy cơ đã gần kề, nàng Quí Ngọc hốt hoảng kêu nữ tỳ Thu Hương vô dặn nhỏ một hồi. Nghe xong, con Thu Hương trợn mắt lè lưỡi bảo Quí Ngọc:
– Tiểu thơ làm thế lỡ quan biết thì khốn cả hai chị em mình. Nhưng thôi em hết lòng giúp đỡ chị.
Nói đoạn nó lén sang thư phòng Hạ Xương Thời và bẩm rằng:
– Thưa công tử Cao lão gia chê công tử nghèo muốn từ hôn, nên cố ý đòi một trăm lượng bạc vàng làm sính lễ. Cô tôi không nỡ nên đã can gián lão gia nhiều phen mà chẳng được. Nay sắp có đám khác đến hỏi cô tôi. Vì vậy cô tôi đã góp nhặt được hơn môït trăm lượng bạc vàng biểu tôi qua mời công tử mai cuối canh một đến cổng sau dinh tư Cao lão gi vô Hoa đình lấy về đặng dẫn lễ cưới cô tôi. Xin công tử đừng sai hẹn. Tiện thiếp sẽ mặc quần áo trắng chờ công tử ở Hoa đình.
Hạ công tử cảm động đáp:
– Ta cảm phục lòng to61tcu3a Cao tiểu thơ. Vậy nàng về thưa lại, tối mai ta xin y hẹn.
Tỳ nữ của Thu Hương vừa ra khỏi phòng thì bạn của Hạ công tử là Lý Thiện Phu đến.
Lý Thiện Phu cười hề hề, nheo mắt hỏi bạn:
– Chà trông anh hớn hở quá ta. Chắc là vì người đẹp vừa đi ra đó chăng? Ai thế?
Hạ công tử đỏ mặt, lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì Phụ đã hỏi dồn:

– Thôi mà, có điều vui mừng cứ cho anh em hay để chia vui chứ.
Hạ công tử thiệt thà thuật lại cho bạn nghe. Lý Thiện Phụ vốn là đứa gian ngoan, quỷ quyệt, liền tính kế phỗng tay trên số bạc một trăm lượng của Hạ công tử.
Hắn giả bộ vỗ tay reo:
– Anh có phước lắm đó. Được mỹ nhân lo cho đến thế là nhứt rồi. Mừng anh nhé.
Qua sáng sau, Lý Thiện Phụ tới mời công tử tối nay lúc lên đèn sang nhà hắn uống rượu chơi. Hạ công tử nhận lời liền.
Lý Thiện Phụ cả mừng, ra chợ sắm rượu thịt làm cơm. Trên đường về hắn ghé qua tiệm thuốc bắc mua một gói bột nhỏ chi đó rồi tất tả về nhà.
Tối lại, Hạ công tử khăn gói chỉnh tề đến nhà họ Lý.
Lý Thiện Phụ rót rượu mừng bạn. Hai người ăn uống cười đùa vui vẻ. Qua một tuần rượu, Phụ làm bộ chợt nhớ ra điều chi vỗ đùi bạn:
– Chút xíu quên mất. Có chai rượu quý, người ta cho từ lâu vẫn để dành nay có dịp vui mừng của anh không bỏ ra uống thì uổng quá.
Nói đoạn hắn cười hề hề đứng lên mở tủ lôi ra một hũ sành mầu da lươn đầy hai bát. Hắn lén bỏ chất bột trắng mua hồi sáng vô một bát rồi trao cho Hạ công tử và mời bạn cạn chén.
Hạ Xương Thời vô tình nốc thẳng một hơi.
Lát sau thuốc ngấm, họ Hạ phục bên mâm rượu ngủ vùi. Lý Thiện Phụ mỉm cười lẩm bẩm: “Thuốc mê này công hiệu thiệt. Thằng này còn lâu mới tỉnh lại được, dư thì giờ cho mình hành động”.
Nói rồi hắn châm thêm đèn và lo dọn dẹp tiệc rượu. Sau đó hắn đặt bạn nằm ngay ngắn trên giường nhưng không quên để thêm một chiếc gối nữa bên cạnh bạn.
Xong xuôi Lý Thiện Phụ sửa sang lại áo quần và đi đến nhà Cao lão gia. Lúc ấy đã cuối canh một (khoảng mười giờ tối).
Thấy cửa sau vườn hé mở, hắn lẻn vô và len qua các luống bông tới thẳng chỗ hẹn.
Hắn còn đang ngó quanh bỗng thấy một bóng tha thướt bước xuống thềm Hoa đình. Hắn phóng tới thì thấy một cô gái vận quần áo trắng tay cầm một gói lớn.
Nhờ được nghe Xương Thời thuật lại nên Lý Thiện Phụ bình tĩnh cất tiếng hỏi:
– Phải tỳ nữ Thu Hương của Cao tiểu thơ đó không?
Có tiếng đàn bà trong tréo đáp lại:
– Dạ tiện thiếp đây.
– Vậy mau đưa bạc cho ta.
– Ngươi không phải là Hạ công tử.
Lý Thiện Phụ giựt mình nhưng vẫn liều đáp:
– Chẳng phải ta thì còn ai nữa.
– Giọng nói không giống. Thôi để tiện thiếp vô hỏi lại tiểu thơ đã.
Nói rồi, thị nữ ôm gói bạc chạy tuốt về trình chủ:
– Tiểu thơ ơi! Kẻ đó đòi lấy gói bạc không phải lạ Hạ công tử.
Quí Ngọc đáp:
– Em thiệt là vô ý quá. Trời tối em phải xáp lại gần nhận diện cho trúng chớ đứng xa nghe giọng nói thì chắc sao đặng. Thôi em trở lại Hoa đình coi lại đi chớ để công tử mất công chờ đợi.
Thu Hương toan quay ra thì Cao tiểu thơ gọi giật lại:
– À này Thu Hương. Trao bạc xong em về phòng đi nghỉ, không cần trở lại đây nữa lỡ quan bắt gặp sợ nghe khó trả lời nghe.
Thị nữ “dạ” một tiếng rồi lủi vào vườn, trở lại chỗ hẹn.
Tới nơi, thấy bóng đen vẫn còn đứng đó, thị mạnh bạo tiến đến sát bên nhìn rồi nói:
– Ngươi không phải là Hạ công tử mà là kẻ gian rồi.
Thu Hương chưa dứt lời thì Lý Thiện Phụ đã vung tay đấm thiệt mạnh vào bụng thị nữ. Đứa tớ gái của cao tiểu thơ lăn ra chết tức thì, không kịp kêu một tiếng.
Lý Thiện Phụ cúi xuống lượm gói bạc rồi lần ra cửa chuồn êm. Về tới nhà, hắn giấu lẹ gói bạc một nơi rồi leo lên giường nằm nghỉ bên Hạ Xương Thời.
Tiếng trống cầm canh thong thả buông hai tiếng, Lý Thiện Phụ lẩm bẩm : “Cho tỉnh lại thì vừa” . Hắn lấy khăn thấm nước lạnh lau mặt Hạ Xương Thời.
Lát sau Hạ công tử mở mắt rồi nhỏm dậy, hốt hoảng bảo bạn:
– Đã tới canh hai chưa anh ? Tôi tính đi việc ấy kẻo người ta mất công chờ đợi.
Tên phản bạn chặc lưỡi, làm bộ nói:
– Không dè tửu lượng của anh kém quá vậy. Rượu mới xoàng xoàng đã ngã gục. Thôi bây giờ mới qua canh hai, lúc này vắng vẻ anh đi càng tiện và cũng không trễ lắm đâu.
Hạ Xương Thời sửa lại khăn áo rồi cáo từ Lý Thiện Phụ mà đi đến nhà họ Cao.
Tới nơi thấy cửa vườn sau hé mở, Thời tiến thẳng tới chỗ hẹn. Thấy một bóng trắng nằm gục trên thềm Hoa đình, chàng đoán là Thu Hương liền cất tiếng gọi. Không thấy trả lời, chàng cho là thị ngủ quên liền đến gần lay gọi.
Thấy nó vẫn im lìm, chàng xem lại kỹ mới hay thi thể thị nữ đã lạnh ngắt. Hạ công tử hoảng sợ vùng bỏ chạy về nhà, trong bụng lo sợ vô cùng cho là cha vợ âm mưu hại mình, nhưng không mảy may nghi ngờ chi Lý Thiện Phụ cả.
Sáng sớm, Cao tiểu thơ chờ mãi không thấy nữ tỳ lên hầu mới kêu gia nhân biểu đi kiếm. Lát sau họ tìm thấy Thu Hương nằm chết cong queo ở ngoài vườn.
Thấy nữ tỳ vì mình mà bỏ mạng, Cao tiểu thơ liền vào thú thật với Cao Khoa:
– Thưa cha, tối qua con có sai nữ tỳ Thu Hương đem vàng bạc nữ trang ra cho Hạ Xương Thời để hắn làm lễ cưới con. Ai dè y sanh lòng lang thú đoạt quí vật rồi lại hạ sát nữ tỳ. Như vậy là không có ý cưới con.
Cao Khoa nổi giận rầy la con gái một hồi rồi làm đơn cáo với huyện quan đại ý như sau:
– Nguyên tên Hạ Xương Thời tuy là học trò nhưng lỗi đạo thánh hiền, hắn nghèo túng sanh lòng gian dụ dỗ tỳ nữ Thu Hương lấy trộm bạc vàng và nữ trang của gia đình tôi đem cho hắn. Được bạc rồi, y đang tâm sát hại con Thu Hương ngay trong vườn hoa nhà tôi để khỏi bị bại lộ. Xin quan chiếu phép nước nghiêm trị tên Hạ Xương Thời để làm gương răn dạy người đời.
Huyện quan tiếp đặng đơn liền cho lính đi bắt Hạ công tử đem về cho ông xét hỏi.
Họ Hạ bị bắt khi còn đan nằm nghỉ trong thư phòng.
Huyện quan hỏi:
– Mang danh là con quan Thị lang lại theo đòi bút nghiên sao anh chẳng biết giữ mình lại cướp của giết người làm ô danh cha mẹ.
Hạ công tử thưa:
– Xin quan minh xét cho. Tôi bị cha vợ phản phúc lập mưu làm hại để tiện bề từ hôn. Quả thiệt tôi oan.

Nhưng Hạ công tử không chịu tiết lộ chuyện Cao tiểu thơ sai Thu Hương mời đến Huê viên để trao bạc vàng dẫn cưới vì chàng cho là làm như vậy sẽ mất danh dự và phụ lòng tốt của vị hôn thê.
Huyện quan vốn cũng nể Hạ công tử là dòng dõi quan quyền nay lại nghe khai vậy mới cho mời Cao Khoa đến hỏi:
– Họ Hạ kêu rằng nay ông muốn từ hôn nên lập mưu hại anh ta. Vậy chớ sự thực thế nào phải khai cho thiệt.
– Nữ tỳ Thu Hương đêm trước đem bạc vàng cho hắn. Hai đứa hẹn nhau tại Huê đình làm nơ trao bạc. Chắc hắn muốn nuốt trọn không chia cho con Thu Hương nên giết đi cho khỏi bại lộ.
Huyện quan hỏi:
– Chớ ông có bằng chứng gì không?
– Có chứ. Việc Thu Hương đem bạc vàng cho Hạ Xương Thời,con gái tôi là Quí Ngọc có thấy. Nếu như Thời không đánh chết nữ tỳ thì tôi cũng bỏ qua, chẳng cáo làm chi. Còn điều hắn vu cho tôi mưu hại hắn để hồi hôn xét ra vô lý. Vì tôi có thù oán chi hắn mà phải tận tình đến mức giết một nhân mạng để hại hắn? Muốn từ hôn hắn, tôi có nhiều cách, hà tất phải làm vậy.
Huyện quan nghe có lý, xẵng giọng hỏi Hạ công tử:
– Thế nào có nhận tội không?
– Dạ, thưa tôi không hề giết Thu Hương. Họ Cao vu vạ cho tôi…
Cao Khoa ngắt lời:
– Hắn gian ngoan xin quan chớ tin lời hắn.
Huyện quan đáp:
– Việc đâu còn có đó. Lính đâu đi mời Cao tiểu thơ đến ta hỏi chuyện.
Lát sau Cao tiểu thơ đến trước công đường. Quan hỏi:
– Tình tiết nội vụ thế nào tiểu thơ phải chứng cho thiệt chớ có khai man mà bị hình phạt.
Cao tiểu thơ đáp:
– Thưa quan, vì có sự chỉ phúc giao hôn ngày trước nên tôi và Hạ công tử bị ràng buộc bởi lời hứa hôn đó. Thấy nhà vị hôn phu nghèo không đủ tiền dẫn cưới, tôi có góp nhặt được hơn một trăm lạng bạc vàng và sai nữ tỳ Thu Hương qua dặn họ Hạ tối qua tới sau vườn mà lấy. Sau khi lấy được bạc rồi họ Hạ lại đang tâm giết Thu Hương, mãi sáng ra, tôi mới hay biết.
Huyện quan hỏi:
– Theo ý tiểu thơ, vì sao mà Thu Hương bị giết?
– Có lẽ họ Hạ muốn cưỡng gian nữ tỳ của tôi nhưng nó chẳng chịu nên giết cho bõ ghét. Cũng có thể họ Hạ giận cha tôi đã từ hôn nên đánh chết con Thu Hương để gieo vạ cho cha tôi. Xin quan minh xét.
Huyện quan gật đầu nói:
– Lời nàng khai hợp lý lắm. Rồi ông trỏ Hạ công tử mà quát rằng:
– Quí Ngọc đối chứng những việc trước thì đúng còn việc nữ tỳ Thu Hương quả thực tôi không có làm. Chắc có tiền oan nghiệp chướng chi đây nên tôi mới bị cảnh này…
Quan huyện cắt lời:
– Sao lúc trước chối nay lại nhận?
– Tôi không hề nhận đã giết Thu Hương. Tôi chỉ nhận là nàng có sai nữ tỳ đến hẹn tôi đi lấy bạc…
– Thế sao không khai ngay lại chờ Cao tiểu thơ nói rồi mới nhận?
– Dạ… thưa… tôi không muốn nàng phải mang tiếng vì tôi.
Huyện quan la:
– Thôi ngươi chớ có nhiều lời. Chối quanh vô ích. Chẳng qua là nhà ngươi thấy chối không được nữa mới phải nhận chịu. Đúng là ngươi đã giết Thu Hương vì ngoài ngươi ra còn ai biết nữa? Ta lên án ngươi phải chịu tử hình còn về phần quí Ngọc con gái họ Cao, ta huỷ lời hứa hôn và cho phép đi lấy chồng khác. Lính đâu, đem Hạ Xương Thời hạ ngục cho ta.
Lính dạ rân Hạ công tử nhốt vào khu tử tội. Sau đó huyện quan chạy giấy về Thượng Ty xin xử tử. Thượng Ty hạ giảm xuống án tù.
Hạ công tử bị bạn phản, lâm vào vòng lao lý kể đã tới hai năm thì Bao Công tuần tra vừa tới huyện Đinh Hải.
Để biết rõ thực trạng của địa phương, Bao Công mặc giả làm anh lái buôn đi quan sát khắp nơi.
Huyện quan trông thấy tưởng kẻ gian phi liền sai lính bắt giam vào ngục. Bao Công chẳng nói chi cứ lặng lẽ vào ngồi với các tù nhân. Chờ cho quân coi ngục ra khỏi. Bao Công mới lên tiếng bảo đám tội nhơn:
– Tôi có biết đôi ba chữ đi làm công giữ sổ sách cho người ta, ai dè bị chủ vu cáo mà phải vào đây. Quan chưa xét xử. Tôi tính làm đơn khiếu oan nên có mang theo sẵn đồ viết đây. Như ai có điều chi oan ức cứ nói thiệt ra tôi làm dùm cho luôn thể.
Hạ công tử nghe nói liền đem việc mình tỏ ra. Bao Công ghi vào giấy, đóng ấn tín của mình bên dưới rồi kêu lính gác biểu đem ra trình quan.
Đọc xong, huyện quan sợ xanh mặt chạy vội vào ngục thất xá dài Bao Công mà xin lỗi. Bao Công cười nói: “Quan không có lỗi chi” rồi theo huyện quan về dinh thay y phục đại thần.
Lát sau. Bao Công đăng đường lấy hồ sơ Hạ Xương Thời ra coi lại rồi hỏi huyện quan:
– Thiệt tình quan vẫn tin Thời là thủ phạm giết nữ tỳ Thu Hương?
– Thưa Thượng quan, thiểm chức chắc chắn là y chứ không ai khác. Hắn chối dài mãi tới khi Cao tiểu thơ ra khai hắn mới chịu nhận.
– Họ Hạ không nhận đã giết thu Hương chỉ nhận có được Cao tiểu thơ cho nữ tỳ thu Hương đến hẹn đi lấy bạc thôi. À mà quan có hỏi Hạ Xương Thời coi y có đến chỗ hẹn không sao không thấy ghi vô biên bản?
– Dạ thưa… không. Vả lại thấy y lúng túng quá nên thiểm chức cho là có hỏi cũng vô ích, hắn sẽ tìm cách chối quanh.
– Quan có thấy lời khai của quan Kiểm Sự Cao Khoa cũng có vẻ lúng túng không?
– Thưa… kể ra thì cũng không được minh bạch lắm. Dường như ông ta cố che đậy việc con gái đưa bạc cho họ Hạ.
Bao Công gật đầu nói:
– Nếu không thể vì thế mà nghi oan cho cao Khoa đã hạ sát nữ tỳ để vu vạ cho Hạ Xương Thời thì cũng không nên vội kết tội họ Hạ. Ta không võ đoán là họ Hạ vô tội nhưng ta trách quan đã ngưng cuộc điều tra lại ở nửa chừng, khiến cho người ta có thể bị oan.
Suy nghĩ một lát, Bao Công nói tiếp:
– Bây giờ quan phải làm gấp bốn việc ta dặn đây: Thứ nhất là dẫn Hạ Xương Thời lên để ta hỏi lại, thứ hai là cho mời Cao tiểu thơ tới cho ta hỏi chuyện, thứ ba là cho mật điều tra đám gia nhân của Cao Khoa coi có đứa nào tự nhiên xin thôi hoặc có chi khác ý không, thứ bốn mật điều tra trong giới bạn học của Thời xem tánh nết ra sao và có ai có vẻ chi khác lạ chăng. Bốn việc này đáng lẽ quan phải làm rồi.
Nhưng thôi ta cũng miễn thứ cho vì quan còn trẻ, ít kinh nghiệm, vả lại việc này cũng khó. Quan khá lui ra và thi hành mau lẹ các điều ta dặn.
Lát sau, lính dẫn Hạ Công tử vô, Bao Công hỏi:
– Ngươi hãy thuật rõ lại mọi việc từ lúc Cao Khoa từ hôn khéo cho đến phút ngươi bị bắt. Có thế nào phải khai cho thiệt.

Hạ công tử nhất nhất thuật lại đầu đuôi câu chuyện đúng với sự thật nhất là lúc chàng vô vườn hoa họ Cao thế sự thể ra sao.
Họ Hạ vừa thuật xong thì lính vào bẩm có Cao tiểu thơ đến. Bao Công truyền cho Hạ công tử ra chờ bên ngoài để lát nữa ông còn xét hỏi thêm. Đoạn ông cho mời Cao tiểu thơ vô và hỏi liền:
– Tiểu thơ vẫn giữ vững lời khai năm trước chứ?
– Thưa, không có chi thay đổi. Chính Thời đã giết nữ tỳ Thu Hương.
– Vì sao?
– Vì anh ta không muốn lấy tôi nên đoạt bạc rồi hạ thủ nữ tỳ đăng gieo vạ cho cha tôi để trả thù vì đã bị cha tôi làm xấu mặt.
Bao Công lặng thinh một lát rồi đột ngột hỏi:
– Ngoài nữ tỳ Thu Hương còn có ai biết tiểu thơ hẹn Thời đến lấy bạc vàng nữ trang không?
– Thưa không.
– Tiểu thơ có nói chuyện với ai không?
– Không.
– Ngay cả với Cao lão gia cũng không?
– Dạ, cũng không.
– Tiểu thơ có tin là nữ tỳ Thu Hương tiết lộ câu chuyện cho một người khác ngoài Hạ Xương Thời không?
– Thưa tôi không tin. Nó là người kín tiếng và rất mựng trung thành.
– Thôi được, cho tiểu thơ về nhưng không được kể lại cho ai nghe các điều ta đã hỏi.
Quí Ngọc vái chào ra về.
Bao Công cho gọi Hạ công tử và hỏi rằng:
– Bữa nữ tỳ Thu Hương tới hẹn ngươi đi lấy bạc có ai biết không?
– Thưa không.
– Ngươi có tiết lộ cho ai không?
– Thưa có.
– Ai?
– Dạ, Lý Thiện Phụ, bạn đồng môn với tôi.
– Khi nghe nươi cho hay câu chuyện, thái độ của họ Lý ra sao?
– Anh ấy ngỏ lời mừng tôi.
– Ngươi có nghi hắn đã giết Thu Hương mà đoạt bạc rồi để tội cho ngươi không?
– Dạ, không.
Bao Công vẫn kiên nhẫn hỏi:
– Trước khi đến nhà họ Cao, ngươi có gặp lại Lý Thiện Phụ không?
– Dạ, có. Chiều đó anh ấy mời tôi uống rượu tại nhà anh nói là để mừng tôi.
– Rồi sao nữa?
– Tôi vì tửu lượng kém nên qua hai tuần rượu đã say gục xuống bên mâm ngủ vùi…
Bao Công ngắt lời:
– Ngủ lâu mau.
– Dạ cũng khá. Khi nhập tiệc thì lên đèn, lúc tỉnh dậy đã sang canh hai.
– Lúc tỉnh dậy thấy Lý Thiện Phụ làm gì?
– Dạ thấy anh ấy cũng nằm nghỉ bên tôi.
– Nó thức hay ngủ.
– Dạ, thức.
– Nó nói chi?
– Dạ, anh chê tôi tửu lượng kém và bảo tôi đi bấy giờ thì vắng vẻ và còn kịp.
Hỏi tới đây, Bao Công ra lệnh cho lính dẫn Hạ công tử trở lại ngục thất. Đoạn ông nói với huyện quan mời hết học trò tại phủ Ninh Ba sáng mai đến huyện để ông khảo duyệt chữ nghĩa.
Sau đó ông kêu một thám tử thân tín cô dặn nhỏ một hồi.
Sáng sau mấy chục thư sinh trong toàn phủ đã tề tựu đông đủ.
Bao Công cho gọi tất cả vô rồi hỏi thăm sơ qua từng người một. Mãi mới tới phiên Lý Thiện Phụ. Bao Công nhận diện rồi hỏi qua người khác. Lát sau, ông ra bài phú cho mọi người cùng làm.
Đúng ngọ, Bao Công cho góp bài rồi truyền học trò mai sớm lại coi bảng.
Kết quả:Lý Thiện Phụ đậu đầu. Đám sĩ tử xúm lại mừng họ Lý cùng với Hạ Xương Thời và đôi ba người nữa vẫn được tiếng được giỏi.
Bao Công ngồi đối ẩm với huyện quan. Nhân bàn về trình độ học vấn của sĩ tử hàng huyện, huyện quan hỏi:
– Thượng quan thấy Lý Thiện Phụ học lực và tánh tình ra sao?
Sức học thì khá, còn về tánh tình thì ta định hỏi ý kiến quan đây.
– Dạ, hắn là người hiền lành, lương thiện.
Hai người đàm đạo tới đây thì viên thám tử thân tín của Bao Công vô bẩm rằng:
– Thưa đại quan, kẻ thuộc hạ xin nhắc đại quan mai về tỉnh tiếp người đến mai cho tiểu thơ.
Bao Công vui vẻ đáp:
– Tốt lắm, chút xíu ngươi không nhắc ta quên phức đi rồi.
Rồi ông quay lại bảo huyện quan:
– Nội trong ngày nay ta sẽ xét nốt mấy hồ sơ còn lại để mai lên đường về tỉnh sớm. Tối nay quan đặt tiệc mời thân hào nhân sĩ làng huyện và Lý Thiện Phụ tới dự trước là để ban khen họ Lý sau là khuyến khích sĩ tử trong vùng.
Bữa tiệc tiếp diễn trong bầu không khí tưng bừng, vẻ hân hoan hiện trên nét mặt mọi người riêng Lý Thiện Phụ thì lòng như mở hội.Lúc thấy Bao Công tới tuần tra, họ Lý đã hơi chột dạ vì nhớ tới lời đồn Thiết diện đại nhơn xử án như thần. Qua mấy bữa nghe ngóng, họ Lý không thấy ai nghi ngờ gì mình nay lại thấy Bao Công tiếp đãi niềm nở, trọng hậu, nên Phụ càng đắc ý, trong bụng có ý chê người đời đã phóng đại tài tra án của Bao Công. Theo họ Lý, đó cũng chỉ là một lối “rung cây nhát khỉ”.
Lại nói về Bao Công tuy nói chuyện với mọi người nhưng vẫn để ý dò xét Lý Thiện Phụ qua lời ăn, tiếng nói song ông không đả động gì đến vụ án Hạ xương Thời cả.
Qua sáng sau, Bao Công dậy sớm, sửa soạn về tỉnh. Trước khi lên đường, ông bảo huyện quan:
– Vụ án Hạ công tử, chưa có đầu mối chi rõ rệt.Quan cho điều tra kỹ lại về đám gia nhân họ Cao.
Về tỉnh lỵ được ít bữa. Bao Công viết thư xuống huyện tỏ ý khen ngợi Lý Thiện Phụ và nhờ huyện quan mời họ Lý lên tỉnh dự tiệc. Khắp huyện lấy làm hãnh diện và họ Lý cũng mừng rỡ lắm.
Chuyến đó Lý Thiện Phụ lên tỉnh được Bao Công tiếp đãi hậu hỹ và chuyện trò rất thân mật khiến họ Lý cảm động vô cùng càng tin là Bao Công không nghi ngờ gì mình cả.

Ít lâu sau Bao Công lại cho mời Lý Thiện Phụ lên dự tiệc, Khi rượu đã xoàng, Bao Công buồn rầu nói với họ Lý:
– Ta làm quan thanh liêm như thế nào, tất ngươi cũng đã nghe nói. Cửa nhà thanh bạch nay lại sắp cho con gái đi lấy chồng, không có tư trang nó sẽ tủi thân.
Bao Công ngưng một chút rồi thở dài nói tiếp:
– Phần ta cũng đau khổ vì không lo nổi cho con để nó phải thua bạn, kém em. Nỗi lòng không biết tỏ cùng ai, nay thấy ngươi học rộng tài cao, rồi ra thế nào cũng được bảng hổ đề danh, đường hoạn lộ thênh thang cử bước. Đem tâm sự kể ra cho ngươi, ta cũng hổ thẹn vô cùng.
Tới đây,Bao Công chậm rãi châm thêm rượu cho Lý Thiện Phụ và ngập ngừng nói:
– Ngươi là bạch diện thư sinh… còn ăn nhờ vào cha mẹ… dù có muốn cũng không thể giúp đỡ ta được. Vậy nếu biết ai có mượn tạm dùm ngày sau ta lo báo bổ xứng đáng cho ngươi. Thôi ngươi hãy cố giúp ta, được thì càng hay, bằng không được thì cũng thôi. Điều cần là đừng tiết lộ cho ai hay biết.
Lý Thiện Phụ vâng dạ rồi lui về. Dọc đường y tự hỏi:
– Có thể ông ta bày mẹo để bẫy mình chăng? Vô lý. Nếu ông ta nghi ngờ mình thì đâu có hậu đãi như thế. Vả lại chuyện cưới gả là chuyện có thiệt và có trước mà. Có lẽ ông ta nghèo thật. Chi bằng ta cứ lấy ngay nữ trang đã cướp được đem đến hiến cho ông ta để sau này được lợi là hơn. Tuy vậy cũng để vài ba bữa hãy đem dâng kẻo bao Công thấy lẹ quá sinh nghi.
Bốn ngày sau, Lý Thiện Phụ lên tỉnh yết kiến Bao Công mang theo một gói vải điều trong có trâm ngọc, trâm vàng của Cao tiểu thơ mà y đã đoạt được lúc trước, sau khi hạ sát nữ tỳ Thu Hương.
Bao Công cảm ơn Lý Thiện Phụ rồi vừa cười vừa nói
– Ngươi cứ yên tâm ra về. Ta sẽ trả công ngươi thích đáng.
Phụ đi khỏi. Bao Công xem xét đồ nữ trang rất kỹ rồi sai lính hoả bài cấp tốc đi đòi huyện quan đem trình hồ sơ vụ án nữ tỳ Thu Hương và áp giải Hạ Xương Thời lên luôn thể.
Lát sau huyện quan và toán lính giải Hạ công tử về tới Nha môn.
Bao Công truyền tạm giam Hạ Xương Thời vào lao thất rồi hỏi huyện quan:
– Theo chỗ quan biết thì gia cảnh Lý Thiện Phụ ra sao?
– Dạ, chỉ đủ ăn thôi.
– Y có bà con cô bác chi giàu lớn không?
– Dạ không.
Bao Công gật đầu nói:
– Ta nghi ngờ như vậy. Thôi được bây giờ quan cho đòi Quí Ngọc con Cao Khoa tới hầu gấp. Quan cho mời Lý Thiện Phụ đến huyện giả bộ đàm đạo văn chương thi phú, hễ ta cho kêu thì đưa y lên gặp ta ngay, chớ chậm trễ mà nó trốn mất.
Huyện quan tuân lệnh lui về. Hơn một tiếng đồng hồ sau lính hầu vào bẩm có Cao Quí Ngọc tuân lệnh đòi đã tới trước công môn.
Bao Công truyền cho vào. Vừa thấy mặt Cao tiểu thơ, Bao Công đã hỏi:
– Năm trước, trong gói bạc vàng châu báu nàng uỷ cho tỳ nữ Thu Hương đem trao lại Hạ Xương Thời, có những gì?
– Dạ thưa có đôi trâm ngọc đôi trâm vàng và mộ số thoi vàng, thoi bạc, tất cả trị giá hơn trăm lượng vàng.
– Liệu bây giờ nàng có nhận ra nữ trang bị mất không.
Vừa nói Bao Công vừa bầy các tài vật mà Lý Thiện Phụ dâng ông lúc nẫy.
Quí Ngọc cầm lên xem qua rồi nói, giọng quả quyết:
– Thưa Thượng quan, đúng đây là nữ trang của tôi rồi. Vì là đồ gia bảo có những đặc điểm riêng biệt nên tôi nhận ra ngay.
Bao Công cười đáp:
– Ta cũng nghĩ như vậy. Vả lại trên các món đồ đều có chữ “Cao” khắc rất nhỏ trên mặt trái, ai không để ý tất không thấy được.
Nói đoạn Bao Công viết mấy chữ rồi kêu lính hầu vô trao thư và dặn rằng:
– Ngươi khá đưa tiểu thư ra ngoài chờ lệnh và kêu lính hoả bài đem giấy này xuống quan huyện Đinh Hải ngay lập tức.
Huyện quan tiếp được công văn, lật đật mở ra coi thấy bao Công ra lệnh áp giải Lý Thiện Phụ lên tỉnh và cho mời Cao Khoa lên hầu luôn thể.
Lý Thiện Phụ thấy huyện quan sai lính áp giải y lên Nha của Bao Công thì chột dạ, lo lắng hỏi:
– Có chuyện gì vậy quan?
– Cái đó thì chờ mà hỏi Bao đại nhơn.
Lý Thiện Phụ hồi hộp bước vô công đường. Thấy Bao Công nhìn y bằng đôi mắt khác thường. Phụ đoán có chuyện chẳng lành.
Bao Công không hỏi Phụ vội ông quay ra bảo thơ lại cho dẫn quí Ngọc, Hạ Xương Thời và cao Khoa cùng vô hầu một lượt.
Lý Thiện Phụ lo sợ tim đập như trống làng, nhưng y cũng cố làm ra vẻ bình tĩnh.
Chờ cho Quí Ngọc, Hạ Công Tử và Cao Khoa đến trước án. Bao Công mới chậm rãi giơ các đồ nữ trang lên mà hỏi Lý Thiện Phụ:
– Những món này của nhà ngươi?
– Dạ phải.
Bao Công nhìn Quí Ngọc:
– Tiểu thơ thấy thế nào?
– Dạ thưa hắn nhận bậy. Những món này là đồ gia bảo của tôi bị mất trong đêm nữ tỳ Thu Hương bị hạ sát.
Lý Thiện Phụ thất kinh nhưng còn chối cãi:
– Đồ này của tôi mua năm nọ của khách qua đường sao tiểu thơ dám nhận bất tử vậy.
Hạ Công Tử chứng kiến từ nãy đến giờ, tới đây bỗng như chợt tỉnh giấc mơ, điểm ngay mặt Lý Thiện Phụ mà nói rằng:
– Ngươi chẳng mua của ai hết. Chính ngươi được ta quá thiệt thà cho biết buổi hẹn nên đã chuốc rượu cho ta say rồi lén đến Huê đình của Cao Lão gia, đánh chết nữ tỳ Thu Hương mà đoạt gói bảo vật quý kim.
Lý Thiện Phụ nghe nói hết hồn, chưa biết chống đỡ ra sao thì Bao Công đã hạ luôn một đòn chí tử:
– Cũng khá khen cho nhà ngươi khéo bầy ra mưu mô thâm độc, bỏ thuốc mê vô rượu để hại bạn. Khôn hồn thì nhận tội đi đừng để ta phải nhọc lòng tra khảo.
Lý Thiện Phụ cãi không lại đành phải công khai hết sự thật và chỉ chỗ giấu số vàng còn lại. Bao Công truyền lính đến ngay nhà Phụ tịch thâu tang vật .
Sau khi nghe Lý Thiện Phụ nhận tội lỗi, Cao Khoa hổ thẹn vô cùng, mặt cúi gầm, không dám nhìn Bao Công.
Bao Công hắng giọng rồi cất tiếng sang sảng phán rằng:
– Lý Thiện Phụ, mi tham lam gian trá dùng thuốc mê gạt người giữa tiệc, lại phạm tội cướp của giết người, mi đáng tội tử hình để làm gương răn phường tàn bạo. May mà ta điều tra ra nếu không thì Hạ Công tử đã bị hàm oan và chết mòn trong ngục thất còn chi. Việc ta gả con gái và việc ta nhờ mi quơ dùm vài món nữ trang để dùng vào lễ cưới cho con gái ta cũng như việc ta cho mi đậu đầu trong kỳ khảo hạch chẳng qua chỉ là mẹo để đưa dần mi vào bẫy của ta mà thôi.
Rồi quay sang phía Cao Khoa, Bao Công nói:
– Ông từng là phụ mẫu chi dân mà sao chẳng biết giữ ngũ thường lại tham sang phụ kẻ bần hàn, nuốt lời “chỉ phúc giao hôn” năm xưa, sự bội ước của ông thật đáng bị trừng phạt nhưng xét vì ông là dòng dõi quan quyền nên ta chiếu phép vua mà rộng tình dung thứ. Nhưng cũng răn ông tự hậu nên ăn ở cho phải đạo làm người: lấy nhân, nghĩa, lễ, tri, tín làm trọng.
Hướng về phíc Cao tiểu thơ và Hạ Xương Thời, Bao Công dịu giọng nói:
– Hạ công tử hiền hậu, thiệt thà, chỉ vì quá tin bạn mà mang hoạ vào thân. Nay xét ra công tử vô tội, nên ta truyền trả lại tự do. Về phần Cao tiểu thơ, ta có lời khen nàng tuy gặp nghịch cảnh mà vẫn không quên điều nghĩa, một dạ tiết trinh chẳng chịu ôm cầm thuyền khác. Nay ta xét hai trẻ vẫn xứng đáng với nhau nên ta truyền cho hai họ Hạ và Cao giao hôn với nhau đặng sớm cho hai trẻ kết duyên tần tấn.
Bao Công phán xong truyền tống giamLý Thiện Phụ vào khu tử tội đoạn ông giao trả nữ trang và gói bạc vàng (mà lính đã đi lấy đem về) cho Quí Ngọc rồi truyền cho nàng cùng phụ thân và vị hôn phu tự do ra về.
Sách cho chép rằng sau khi được tha về ít lâu. Hạ Công Tử thành hôn với Quí Ngọc. Cảm cái ơn đức cao dày của Bao Công, hai vợ chồng Hạ Xương Thời cho vẽ hình và tạc tượng Bao Công để sớm tối đèn nhang thờ phụng như bậc thần linh vậy.
Hạ Công Tử tiếp tục học hành vè sau thi đậu làm quan đến chức cấp sự. Hai vợ chồng sanh con cháu đầy đàn, tiền bạc danh vọng chứa chan. Suốt một đời, họ chuyên cưu mang giúp đỡ kẻ khốn cùng và rất ghét bọn sui gia và bằng hữu phi nghĩa. Thật là trời có mắt vậy.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.