Đọc truyện Anna Karenina – Chương 220: Quyển 8 –
Xergei Ivanovich và Katavaxov vừa đến ga Kursk, hôm đó đặc biệt náo nhiệt, và bước xuống xe để xem lại hành lí thì có bốn xe ngựa thuê chở quân tình nguyện chạy tới. Các bà ôm hoa ra đón họ và tất cả bước vào ga, đằng sau là một đám đông chạy ùa theo.
Một bà tới hoan nghênh quân tình nguyện ra khỏi phòng đợi tàu và nói với Xecgây Ivanovich:
– Ông cũng tới tiễn họ đấy à? – bà hỏi ông bằng tiếng Pháp.
– Thưa quận chúa không ạ, tôi về nghỉ nhà chú em. Bà vẫn luôn trung thành với nhiệm vụ đấy chứ? – Xergei Ivanovich thoáng mỉm cười nói.
– Nhất định phải thế chứ, – quận chúa trả lời. – Có thực chúng ta gửi đi tám trăm rồi phải không? Manvinxki không chịu tin lời tôi nói.
– Hơn tám trăm kia. Tính cả những người không trực tiếp đi từ Moskva thì nay đã có tới hơn một nghìn rồi, – Xergei Ivanovich đáp.
– Thì đúng tôi đã bảo thế mà! – bà vui sướng nói. – Và có thực đến nay đã quyên góp được ngót một triệu đồng rồi phải không?
– Hơn nữa kia, thưa quận chúa!
– Ông đọc bản tin hôm nay chưa? Lại một lần nữa quân Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bại.
– Vâng, tôi đọc rồi, – Xergei Ivanovich trả lời.
Trong bản tin, người ta thông báo quân Thổ ba ngày liền đều bị đánh bại trên khắp các mặt trận, phải bỏ chạy trốn: mọi người chờ đợi một trận quyết định trong ngày mai.
– À, tôi muốn nói với ông việc này, có một thanh niên rất khá cũng muốn xin đi. Tôi không hiểu tại sao người ta lại gây khó khăn với anh ta. Tôi muốn nhờ ông viết vài chữ giới thiệu. Tôi có quen anh ta, do nữ bá tước Lidia Ivanovna giới thiệu.
Sau khi hỏi những điều cần biết mà quận chúa nắm được về chàng thanh niên đó, Xergei Ivanovich sang phòng chờ tàu hạng nhất, viết một bức thư gửi người có thẩm quyền giải quyết việc đó và trao cho bà ta.
– Ông biết chứ, bá tước Vronxki, nhân vật trứ danh… hôm nay cũng đi đấy, – quận chúa nói với nụ cười đắc thắng và đầy ý nghĩa, khi ông tới cạnh bà.
– Tôi cũng nghe nói ông ta ra đi, nhưng không biết bao giờ. Ông ta đi chuyến tàu này à?
– Vâng, tôi có trông thấy. Ông ta đang ở đây. Chỉ có mỗi bà mẹ đi tiễn. Ông ta… chỉ còn biết cách làm thế là hơn cả.
– Tất nhiên.
Trong khi họ nói chuyện, đám đông ùa tới quầy hàng ăn. Hai người bị xô đẩy theo và nghe thấy giọng nói sang sảng của một vị tay cầm ly rượu đang diễn thuyết với quân tình nguyện. “Phụng sự tín ngưỡng, phụng sự nhân loại, phụng sự những người anh em của chúng ta! Ông nói, mỗi lúc một cất cao giọng hơn. Moskva, mẹ của chúng ta sẽ ban phước lành cho các bạn vì sự nghiệp vĩ đại này, Jivio”(1), ông ta hô to, giọng nghẹn ngào nước mắt.
Tất cả cùng hô: “Jivio” và người ta lại ùa sang phòng đợi tàu, suýt xô ngã cà bà quận chúa.
– Quận chúa thấy thế nào? – Stepan Ackađich nói, đột nhiên xuất hiện giữa đám đông, mặt ngời lên một nụ cười rạng rỡ.
– Ông ta nói hay lắm, những lời xuất phát tự đáy lòng! Hoan hô! A! Xergei Ivanovich, ông đấy à! Ông cũng nên nói với họ vài câu khích lệ, ông giỏi hùng biện lắm mà, – ông ta nói thêm với một nụ cười vừa dịu dàng, kính cẩn lại vừa thận trọng. Và ông cố khoác tay Xergei Ivanovich lôi đi.
– Không, tôi phải đi ngay bây giờ.
– Đi đâu?
– Về nhà chú em, – Xergei Ivanovich trả lời.
– Ồ, thế thì ông sẽ gặp nhà tôi ở đấy. Tôi vừa viết thư nhưng chắc ông sẽ gặp trước khi nhà tôi nhận được; nhờ ông làm ơn nói giúp là đã gặp tôi và mọi sự đều tốt đẹp cả. Nhà tôi sẽ hiểu. à phải, và cũng nhờ ông vui lòng nói giúp là tôi đã được bổ nhiệm làm uỷ viên uỷ ban các đại lí liên hợp… Tóm lại, rồi vợ tôi sẽ hiểu. Đó là những nỗi khốn khổ nho nhỏ trong đời sống con người, – ông quay lại phân bua với bà quận chúa. – Tôi đã nói với ông là quận chúa Miagcaia, – không phải là Liza đâu mà là bà Bibitsơ ấy – có gửi đi một nghìn khẩu súng và mười hai nữ y tá chưa nhỉ?
– Vâng tôi có nghe nói, – Koznưsev miễn cưỡng trả lời.
– Thật đáng tiếc là ông phải đi, – Stepan Ackađich nói. – Ngày mai, chúng tôi thết tiệc chiêu đãi hai người ra đi: Đime Barnianxki ở Petersburg tới và anh chàng Vexlovxki của chúng ta. Grisa ấy mà. Cả hai đều đi sang đó. Vexlovxki mới kết hôn được ít lâu. Đó là một gã trung thực, phải không, thưa quận chúa? – ông quay lại nói với bà ta.
Quận chúa không trả lời, nhìn Coznưsev. Nhưng dù Xergei Ivanovich hay bà quận chúa có khó chịu vì sự có mặt của ông ta, Stepan Ackađich vẫn không bối rối chút nào. Khi ông mỉm cười chăm chú nhìn cái lông vũ trên mũ bà quận chúa, lúc lại đảo mắt nhìn quanh, như cố nhớ lại điều gì. Thấy một bà cầm hộp quyên góp tiền đi qua, ông gọi lại và bỏ vào một tờ giấy bạc năm rúp.
– Tôi không thể dửng dưng nhìn những hộp quyên tiền đó chừng nào trong người còn có tiền, – ông nói. – Về bản tin hôm nay, các ông bà thấy thế nào? Những người Mongtenegro đó, thật là cừ! Không có lẽ! – ông kêu lên, khi được bà quận chúa cho biết Vronxki sẽ đi chuyến tàu sau. Trong một giây, nét mặt Stepan Ackađich lộ vẻ buồn rầu, nhưng chỉ ngay lát sau, khi ông vừa vuốt râu má vừa nhún nhẩy bước vào căn phòng có Vronxki ở đấy, Stepan Ackađich đã hoàn toàn quên bẵng những tiếng nức nở tuyệt vọng của mình trên thi hài em gái và chỉ còn thấy ở Vrônxki một vị anh hùng và một người bạn cũ.
– Tuy ông ấy có nhiều tật, ta vẫn phải công bằng mà đánh giá cho đúng, – bà quận chúa nói với Xergei Ivanovich khi Oblonxki rời họ đi. Đó là một tính cách rất Nga, điển hình Xlav! Tôi chỉ e Vronxki gặp ông ta sẽ chẳng hứng thú gì. Ông muốn nói sao thì nói, số phận con người đó vẫn làm tôi xúc động. Ông hãy cố tranh thủ nói chuyện với ông ta trong khi đi đường, – bà nói.
– Vâng, nếu có dịp.
– Xưa nay tôi vốn không ưa ông ta. Nhưng hành động của ông ta sẽ chuộc lại rất nhiều lầm lỗi. Ông ta không chỉ bằng lòng tự nguyện ra đi mà còn bỏ tiền túi ra dẫn theo cả một phân đội.
– Vâng, tôi cũng nghe nói như vậy. Tiếng chuông réo lên. Tất cả kéo đến tụ tập trước cửa ra vào.
– Ông ta đây rồi! – quận chúa nói và chỉ Vronxki. Chàng mặc áo choàng dài, đội mũ đen rộng vành và đưa tay cho mẹ khoác. Oblonxki đi bên cạnh, và đang sôi nổi nói chuyện với chàng.
Vronxki cau mày, nhìn thẳng về đằng trước, như không buồn nghe Stepan Ackađich nói.
Hẳn là được Oblonxki cho biết, chàng quay nhìn về phía bà quận chúa và Xergei Ivanovich, và lặng lẽ nhấc mũ chào. Mặt chàng già đi và võ vàng vì đau khổ, đanh lại.
Lúc tới sân ga, sau khi né người nhường mẹ đi trước, chàng bước lên tàu và ở lì trong buồng toa xe.
Trên sân ga vang lên điệu quốc ca “Thượng đế che chở cho Nga hoàng” lẫn tiếng “hoan hô!” và tiếng Xerbi “jivio!”. Một tình nguyện quân, người trẻ măng cao lớn, lưng hơi gù, vẫy mũ dạ và bó hoa trên đầu, vênh vang đáp lại những lời chào. Sau anh ta là hai sĩ quan và một người đứng tuổi râu rậm rì, đầu đội mũ lưỡi trai bẩn thỉu, đang đứng trước cửa sổ và cũng ra hiệu chào mọi người.
Chú thích:
(1) Tiếng Xerbi: muôn năm.