Đọc truyện Anna Karenina – Chương 219: Quyển 8 –
Hai tháng trôi qua. Lúc đó vào giữa mùa hạ, thời tiết rất nóng; tuy vậy, mãi tới bây giờ, Xergei Ivanovich mới sửa soạn rời Moskva.
Thời gian gần đây, nhiều biến cố đã xảy ra trong đời Xergei Ivanovich. Khoảng một năm trước, ông viết xong cuốn sách, kết quả của sáu năm trời lao động, nhan đề: “Luận về những nguyên lí và hình thức cai trị ở châu Âu và ở Nga”. Đoạn nhập đề và một số chương của tác phẩm đã đăng trong các tạp chí và ông cũng đã đọc vài đoạn cho bạn bè chung quanh nghe, nên những ý kiến nêu lên trong đó đối với công chúng không còn mới mẻ lắm; tuy nhiên, Xergei Ivanovich vẫn hi vọng việc xuất bản tác phẩm sẽ làm xôn xao dư luận và nếu nó không dấy lên một cuộc cách mạng trong khoa học thì ít nhất cũng gây xúc động mạnh mẽ trong giới bác học.
Cuốn sách sau khi chỉnh lí cẩn thận, đã phát hành năm ngoái và đưa bán ở các hiệu sách.
Tuy không nói chuyện với ai về cuốn sách, giả tảng thờ ơ khi bạn bè hỏi tác phẩm có được hoan nghênh không, cũng không hỏi các cửa hiệu xem sách bán có chạy không. Xergei Ivanovich vẫn ngong ngóng xem công trình nghiên cứu đó gây ấn tượng thế nào trong xã hội và giới văn học.
Nhưng một tuần, rồi hai tuần, ba tuần trôi qua mà xem ra vẫn không có làn sóng nào làm chấn động xã hội; vài người bạn thân là chuyên gia hoặc học giả hoạ hoằn có nhắc tới, rõ ràng vì lịch sự. Những người quen khác vốn chẳng quan tâm tới học thuật, không hề bàn đến một câu. Nhất là quần chúng lúc đó đang bận tâm vì những chuyện khác nên hoàn toàn dửng dưng. Còn báo chí thì chẳng buồn đả động tới.
Xergei Ivanovich tính toán tỉ mỉ thời gian cần thiết để những bài giới thiệu có thể ra mắt, nhưng hai tháng sau vẫn cứ im lìm như cũ.
Chỉ có độc tờ “Bọ dừa phương Bắc”, trong một bài châm biếm ca sĩ Đrabanti bị hỏng giọng, nhân tiện có chêm vài câu miệt thị về cuốn sách của Koznưsev, ngụ ý rằng ai nấy đều xác định ý kiến về cuốn sách đó, vốn từ lâu đã là trò cười cho thiên hạ.
Cuối cùng, đến tháng thứ ba mới có một bài phê bình đăng trên một tạp chí đứng đắn. Xergei Ivanovich biết tác giả bài báo, ông đã gặp anh ta một lần tại nhà Gôlupxôp. Đó là một nhà phê bình rất trẻ, ốm yếu, bút pháp rắn rỏi, nhưng rất ít học và nhút nhát trong quan hệ với mọi người.
Mặc dầu hoàn toàn coi thường tác giả, Xergei Ivanovich vẫn đọc bài báo với niềm trân trọng lớn. Bài báo thật khủng khiếp.
Rõ ràng tác giả tiểu phẩm hiểu cuốn sách ngược hẳn với lương tri. Nhưng hắn đã khéo chọn trích dẫn đến nỗi, với những ai không đọc (và hầu như chẳng ai đọc cả), thì rõ ràng toàn bộ tác phẩm chỉ là một mớ câu kệ rườm rà, hơn nữa lại dùng không đắt (như nhà phê bình đã vạch ra bằng những dấu chấm hỏi) và tác giả cuốn sách quả thực dốt như lừa. Và tất cả những điều đó được nói một cách rất thông minh đến nỗi chính Xergei Ivanovich cũng không thể phủ nhận sự sắc sảo đó; nhưng chính cái đó lại đáng sợ nhất.
Xergei Ivanovich đã hết sức thận trọng kiểm tra sự chính xác của những lập luận nhà phê bình đưa ra, nhưng không phút nào, ông chịu dừng lại suy nghĩ về những khuyết điểm hoặc sai lầm bị chế giễu: bất giác, ông lập tức nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa ông với tác giả bài báo.
“Hay là ta làm hắn phật lòng gì chăng?”. Xergei Ivanovich tự hỏi.
Và, sực nhớ trong buổi nói chuyện, ông có nêu lên một chữ chứng tỏ sự dốt nát của người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, Xergei Ivanovich bèn cho rằng chính đó là căn nguyên giọng văn của bài báo.
Sau đó là im lặng hoàn toàn và Xergei Ivanovich nhận thấy cái tác phẩm viết trong sáu năm ròng với bao công phu và tâm huyết, đã qua đi không để lại dấu vết gì.
Sự nhàn rỗi càng khiến cho hoàn cảnh của Xergei Ivanovich thêm nặng nề: trước đây, công việc viết sách còn chiếm phần lớn thời giờ của ông.
Xergei Ivanovich là người thông minh, có học thức, khoẻ mạnh, ưa hoạt động, và giờ đây, ông không biết dùng năng lực hoạt động vào việc gì. Những buổi nói chuyện ở phòng khách, ở hội nghị, uỷ ban, ở tất cả những nơi có thể nói chuyện được chiếm một phần thời giờ của ông; nhưng vốn là người sống ở thành thị lâu, ông rất chú ý dè giữ, không dốc hết tâm lực vào những buổi nói chuyện đó, như chú em cục mịch của ông thường làm trong những ngày đến ở Moskva. Ông còn thừa rất nhiều thời giờ nhàn hạ và trí lực. Vừa may vào thời kì đặc biệt khổ tâm này vì sự thất bại của tác phẩm, những vấn đề thời sự như: các tông phái dị giáo, tình hữu nghị Mỹ quốc, nạn đói ở Xamara, những triển lãm và trò đồng cốt chiêu hồn đều nhường chỗ cho vấn đề Xlav từ trước đến nay vẫn âm ỉ, và Xergei Ivanovich từ lâu vốn là một trong những người khởi xướng, liền dốc toàn bộ tâmlực vào vấn đề đó.
Trong giới giao du của Xergei Ivanovich, giờ đây người ta chỉ bàn đến cuộc chiến tranh Xerbi. Tất cả những việc đám đông nhàn rỗi thường làm để giết thời giờ, hiện nay đều hướng vào cứu giúp những “người Xlav anh em”. Khiêu vũ, hoà nhạc, yến tiệc, diễn thuyết, nữ trang, rượu bia, tiệm nước, tất cả đều để biểu lộ mối thiện cảm của mọi người đối với dân Xerbi.
Xergei Ivanovich bất đồng ý kiến với phần lớn những điều được nói hoặc viết ra trong dịp này. Ông thấy vấn đề Xlav đã trở thành một trong những thứ say mê thời thượng vẫn nối tiếp nhau ở chốn thượng lưu, nhờ đó những người trong giới này mới có việc mà làm, ông cũng thấy rất nhiều người quan tâm đến vấn đề chỉ vì một mục đích phù phiếm hoặc vụ lợi. Ông thừa nhận báo chí đã in ra những chuyện tầm bậy hoặc khuếch đại với mục đích duy nhất là thu hút sự chú ý của mọi người và to mồm hò hét át giọng những kẻ khác. Ông nhận thấy trong sự xô đẩy ào ạt chung này, chính những kẻ thất thế và mất quyền lại đi đầu và to tiếng át giọng người khác: những vị tướng không có quân, những bộ trưởng không có bộ, những nhà báo không có báo, những lãnh tụ đảng phái không có đảng viên. Ông thấy tất cả những khía cạnh phù phiếm và lố bịch của phong trào dư luận này; nhưng ông cũng nhìn thấy một luồng phấn khởi rõ rệt đang đoàn kết tất cả các giai cấp xã hội, đang phát triển từng giờ từng phút, khiến ta không thể không đồng tình. Sự tàn sát những người anh em đồng chủng và đồng tín ngưỡng làm nổi dậy lòng thương xót đối với kẻ bị áp bức, lòng phẫn đối với kẻ đi áp bức. Sự dũng cảm của người Xerbi và người Mongtenegro, chiến đấu cho một mục đích vĩ đại, làm nẩy sinh trong toàn thể nhân dân ý muốn giúp đỡ họ không chỉ bằng lời nói mà bằng cả việc làm.
Cuối cùng, một hiện tượng khác làm cho Xergei Ivanovich rất vui sướng. Đó là sự biểu thị của dư luận quần chúng. Xã hội đã bày tỏ rõ ràng nguyện vọng của mình. Theo lối nói của Xergei Ivanovich thì tâm hồn dân chúng đã tìm ra cách biểu đạt. Và càng bắt tay vào làm, ông càng thấy chắc chắn công cuộc đó sẽ có quy mô rộng lớn, sẽ đánh dấu một thời đại. Ông cống hiến toàn tâm toànlực nhằm phục vụ mục đích vĩ đại ấy và do đó, quên không nghĩ tới cuốn sách nữa.
Hiện nay, tất cả thời giờ của ông đều bận rộn: thậm chí ông cũng không còn rảnh rỗi để trả lời hết mọi thư từ và yêu cầu đã gửi đến. Sau khi làm việc suốt mùa xuân và một phần mùa hạ, đến tháng bảy, ông chuẩn bị về nông thôn với em trai.
Ông về đó để nghỉ ngơi chừng mươi mười lăm ngày và để hưởng thụ, giữa thánh thất thâm nghiêm của dân chúng, mãi tận cuối vùng nông thôn hẻo lánh, cảnh tượng thức tỉnh của tinh thần dân tộc mà tất cả cư dân hai thủ đô và những thành phố lớn đang tin tưởng vững chắc. Katavaxov, từ lâu vẫn muốn thực hiện lời hứa đến thăm Levin, cũng đi theo ông.