Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông

Chương 12: Cái Tình Là Cái Chi Chi.


Bạn đang đọc Anh Hùng Đông-a Dựng Cờ Bình Mông – Chương 12: Cái Tình Là Cái Chi Chi.

Vẫn tại trại hè Về-nguồn.
Ngày 1-9-1996.
Sau bữa cơm trưa, tôi lại bị những người trẻ điệu trở lại căn nhà gỗ, để tiếp tục kể chuyện. Qua hai ngày, giữa chúng tôi đã có thêm cùng một số kiến thức. Chúng tôi trở thành những người mà nhà Phật gọi là Nhân ngã tương thông ( Ta với người cùng hiểu nhau). Tôi mở đầu:
– Như trên, thầy nói, giai đoạn mà chúng ta đang kể chuyện đây là giai đoạn thịnh trị cuối cùng của triều Lý. Kể từ khi vua Thần-tông băng, đất nước Đại-Việt trải qua một thời kỳ u ám trong đêm dài vô tận. Bây giờ chợt có tia sáng lóe lên, rồi tắt hẳn. Những anh hùng Lý Long-Xưởng, Lý Long-Đức, Lý Long-Minh, Lý Long-Hòa, Lý Đoan-Nghi, Trần Lý, Trần Thủ-Huy… đã làm được một việc mà trải mấy nghìn năm, các anh hùng tộc Việt không làm được, đó là bắt Trung-quốc phải công nhận quốc danh An-Nam, không còn coi là quận Giao-chỉ. Vua An-Nam là An-Nam quốc vương, chứ không phải là Giao-chỉ quận vương nữa.
Một cháu gái hỏi:
– Tiếc quá! Tại sao giữa lúc thịnh trị như vậy! Anh hùng nhiều như vậy, mà lại tàn lụi?
– Chung quy chỉ vì ba nguyên do. Một là khi cô độc, thì Long-Xưởng khuất thân cầu hiền. Thế rồi, khi ngựa thành công phi trước mặt, thì Long-Xưởng lại nghi ngờ Trần Lý, nghi ngờ Đoan-Nghi, nghi ngờ Thủ-Huy, cuối cùng thân bại danh liệt. Hai là, cái họa gà mái gáy: Cảm-Thánh thái hậu quá ngu dốt, quá dâm dật, quá ích kỷ là nguyên nhân chính. Hoàng-hậu Chiêu-Linh lúc đầu thì minh mẫn, sau khi thấy Long-Xưởng thành công, bà lại nghi ngờ Thủ-Huy, rồi gieo cái nghi ngờ đó vào Long-Xưởng. Bên cạnh Cảm-Thánh, Chiêu-Linh, còn ba bà phi: Giai-phi Chế-bì La-bút, Thục-phi Đỗ Thụy-Châu, và Tuyên-phi Từ Thụy-Hương. Với số lượng các bà nội cung ngu dốt, tham dâm xen vào chính trường như vậy, hỏi sao nước không suy? Triều đại không sụp? Ba là, các đại thần bấy giờ bị tiêm nhiễm cái thói ù lỳ, cái thói hèn hạ thích rập đầu trước những con đàn bà tham dâm ngu dốt. Thích triều đình có ông vua tuổi thơ, để dễ thao túng. Với ba cái nguyên do như thế, thì dù anh hùng tài trí như Trần Lý, Tô Trung-Từ, Phùng Tá-Chu, Trần Thủ-Huy cũng không cứu nổi. Chung cuộc, bốn người phải làm cái công việc xóa bàn cờ, bầy lại từ đầu. Họ phế bỏ triều Lý, lập một triều đại mới, dựng lá cờ Đông-a, mà lịch sử gọi là dựng cờ Bình-Mông.
oOo
Mao Khiêm quát lên :
– Đồ hèn hạ ! Mi dùng số đông để áp đảo ta ư ? Mi có biết rằng toàn lực phái Hoa-sơn đã theo sứ đoàn Thiên-triều, đang ở Đại-Việt không ? Nếu mi dùng số đông áp chế ta, thì phái Hoa-sơn sẽ tàn sát tận cùng họ Lý nhà mi, đến con gà, con chó cũng không tha.
– Mao Khiêm nghe đây !
Long-Xưởng chỉ vào Thủ-Huy :
– Mi đã biết rằng bọn Lưu Kỳ với những cái gọi là Ngũ-nhạc đại lĩnh, Hoa-nhạc tam phong, Hoa-nhạc tam nương đều bị cầm tù ở tổng đường phái Đông-a rồi mà. Mi cũng biết rằng bọn chúng đã bị kết án cung hình, chặt tay, lăng trì. Chỉ nội ngày mai là bọn chúng đều bị đem xử cung hình một lượt. Mi đã biết vậy, mà mi còn đem chúng ra dọa ta ư ?
Nghe Long-Xưởng nói Lưu Kỳ sắp bị thiến, thái-hậu không giữ đươc bình tĩnh, bà lắp bắp hỏi lại :
– Mi…mi… nói… bọn Đông-a dám đem Lưu tiết độ sứ ra thiến ư ?
– Tâu tổ mẫu đúng thế. Nhưng hôm nay thì chưa đâu.
Thái-hậu gào lên :
– Không thể được, muôn ngàn lần không thể thiến Lưu tiết độ sứ được. Tiên nhân cha bọn nào mà thiến Lưu tiết độ sứ, thì bà sẽ đào mồ cuốc mả mười đời nhà nó lên, rồi trộn với phân.
Bà nói với Mao Khiêm :
– Người… người phải cứu y. Phải cứu y.
Mao Khiêm nói với Long-Xưởng :
– Này thái-tử, luật lệ ban ra kể từ đời đức Thái-tổ rằng việc của triều đình không thể nhờ người ngoài can thiệp. Trong phạm vi Hoàng-thành thì võ lâm không thể tham dự. Đây là Hoàng-thành, mỗ yêu cầu các tôn sư nên giữ thân phận thanh cao, đừng can thiệp vào truyện của thái-hậu với thái-tử. Nếu các vị thượng tôn luật pháp, thì mỗ quyết khoanh tay đứng ngoài. Không biết thái-tử nghĩ sao ?
– ? ? ?
– Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên đều là chức quan của cung Cảm-Thánh. Mỗ đề nghị bên cung Cảm-Thánh với bên Đông-cung cùng cử ra ba người đấu ba trận. Nếu như bên nào thắng hai trận, thì coi như bên ấy thắng. Như Đông-cung thắng thì thái-tử muốn mổ, muốn băm vằm thế nào, mỗ với các đệ tử cũng không ân hận. Còn như bên Đông-cung bại, thì chúng ta lại trở về vị trí hằng ngày. Việc triều đình, trả cho triều đình. Việc Đông-cung trả cho thái-tử. Việc cung Cảm-Thánh xin thái-tử chẳng nên can thiệp vào.
Long-Xưởng định từ chối, thì có tiếng Thủ-Huy dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai :
– Đại ca ủy cho đệ, để đệ đối phó trong vụ này.
Nói rồi nó bước ra :
– Này Mao tiền bối, dù trong võ lâm, tiền bối có địa vị gì chăng nữa, nhưng trong quan trường thì tiền bối lại chẳng là gì cả. Huống hồ trong cung đình. Trong cung đình thì phải kể đến quan giai. Về quan giai, thì tiền bối chỉ là tên hầu cận cái ông tiết-độ sứ Lưu Kỳ. Trong khi thái-tử là một trừ quân. Địa vị cao sang biết mấy ! Vì vậy thái-tử không muốn đối thoại với tiền bối. Cho nên thái-tử sai một chức Thiện-nhân nhỏ bé như tiểu bối tính toán với tiền bối.
Nguyên khi Long-Xưởng từ Thiên-trường hồi kinh, vương khẩn khoản xin đại hiệp Tự-Kinh cho Thủ-Lý, Thủ-Huy về Thăng-long với mình để có bạn. Tới Thăng-long, Long-Xưởng tổ chức cuộc thiết Tinh-triều thu gọn, gồm nhà vua, hoàng-hậu, Thái-sư Lưu Khành-Đàm, Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền, các thân vương, các đại thần thân tín Khu-mật viện, rồi trình bầy chi tiết chuyến đi vừa qua. Nhưng sợ tiết lộ cơ mật, nên thái-tử dấu kế hoạch do các tôn sư đưa ra. Sau buổi thiết Tinh-triều ấy, hai quan Thái-sư, Thái-phó tâu xin nhà vua phong cho Trần Lý, Thủ-Huy, Tăng Khoa chức Thiện-nhân. Nhưng Trần Lý cực lực từ chối, chàng nhất định theo di chúc của tiền nhân là vui với cỏ cây. Sở dĩ chàng theo Long-Xưởng về Thăng-Long vì lệnh của ông nội, muốn chàng luyện thêm bản sự cho Thủ-Huy.
Trở về Đông-cung, Long-Xưởng nhớ tích xưa, Khai-Quốc vương kết mười thiếu niên thành Thuận-Thiên thập hùng. Nhờ Thập-hùng trợ giúp mà thành công. Long-Xưởng bèn họp bẩy người xung quanh mình kết thành anh em. Sau khi so tuổi thì Long-Xưởng lớn nhất, thứ đến Thủ-Huy, Trang-Hòa, Tăng Khoa, Đoan-Nghi, Thụy-Hương, Như-Như.
Kể từ đấy, khi ăn, khi học, khi làm việc, lúc thiết triều, cả những lần thần hôn định tỉnh nhà vua, hoàng-hậu; Long-Xưởng với Thủ-Huy luôn kề cận bên nhau. Do ghen ghét, nhiều người bực bội, vì họ chưa biết biết lý lịch, tài năng, đức độ của Thủ-Huy ra sao. Hôm nay, họ thấy Trần Lý, Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi thống lĩnh đội võ sĩ canh phòng điện Uy-viễn, thì họ cho rằng, thái-tử còn con nít, nên dùng con nít vào việc quốc gia đại sự thì thực là đáng tiếc.
Cho đến khi, họ thấy từ nhà vua, hoàng-hậu dĩ chí đến các đại thần đều bị thái-hậu với bọn Mao Khiêm khống chế, thình lình Trần Lý, Thủ-Huy xuất hiện với các đại tôn sư, lật ngược hẳn thế cuộc. Họ bắt đầu cảm thấy thiếu niên này quả có tài, chứ không phải là thứ trẻ con bình thường. Tiếp theo, Trần Lý, Thủ-Huy dám trực diện, dùng chính đạo thống trách một ma đầu như Mao Khiêm, họ mới thực sự cảm phục. Bây giờ trước nguy cơ hai đại cao thủ phái Mê-linh, Tản-viên bị kiềm chế, có thể kéo theo hai đoàn đệ tử hai phái này theo phe Mao Khiêm, thì cái họa mất nước khó tránh. Họ lại thấy Thủ-Huy đứng ra gánh vác. Họ im lặng theo dõi.
Thủ-Huy hỏi ngược lại Mao Khiêm :
– Như Mao tiền bối luận ban nãy, dường như ý Mao tiền bối muốn người của Đông-cung đấu với Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên. Còn tiền bối là cận vệ của Tiết-độ sứ Lưu Kỳ, tiền bối là quan chức của Tống, thì tiền bối cũng khoanh tay đứng ngoài. Có đúng thế không ?
– Đúng.
– Vậy xin tiền bối cử ra ba người đi. Ai đấu trận đầu ? Ai đấu trận thứ nhì ? Ai đấu trận thứ ba ?
– Người đấu trận đầu là Cao Nhị, người đấu trận thứ nhì là Cảm-Linh. Người đấu trận thứ ba làVương Nhất. Cảm-Linh là nữ, vậy bên Đông-cung cũng phải cử một người nữ ra đấu.
Khi ra điều kiện này, ngụ ý của Mao Khiêm là muốn dụ cho hoàng-hậu đấu với Cảm-Linh. Không ngờ Thủ-Huy im lặng, như vậy là y chấp thuận. Thủ-Huy vẫy tay gọi một cung nữ mặc quần áo xanh:
– Thanh-Thanh tỷ tỷ. Tỷ tỷ là cung nữ Đông-cung. Cao Nhị là thị vệ cung Cảm-Thánh. Vậy phiền tỷ tỷ lĩnh giáo mấy cao chiêu của Cao tiền bối.
Sự thực Thanh-Thanh không phải là cung nữ, mà nàng chính là Thanh-Tước trong Vỵ-xuyên ngũ tiên của phái Đông-a. Bốn ngày trước đây, nàng vâng lệnh mẹ nuôi là bà Trần Tự-Hấp từ Thiên-trường mang y phục mới may về cho Thủ-Huy. Thủ-Huy dùng nàng giả làm cung nữ, để khi cần thì ra tay tiếp cứu. Thanh-Thanh ứng lời, dạ một tiếng, rồi bước ra, miệng mỉm cười nói với Cao Nhị :
– Cao tiền bối, tôi là cung nữ làm việc dưới quyền của Thái-tử thượng thiện là Đoan-duệ phu nhân, chuyên mổ cá, nhặt rau. Nay tuân lệnh của Trần Thiện-nhân ra lĩnh giáo Huyền-âm chưởng của tiền bối.
Mọi người thấy Thủ-Huy gọi một cung nữ ra đấu với Cao Nhị, họ đã cho là quá đáng, ngông cuồng rồi. Bởi hơn năm trước, trong dịp tết Trung-thu, thái-hậu cho Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên tổ chức võ đài ở Thăng-long trong một tháng. Thế mà không một võ quan nào chịu của y được quá mười chiêu. Bây giờ họ thấy một cung nữ Đông-cung, dám nhận đấu với Cao Nhị là điều quá sức tưởng tượng của họ rồi. Hơn nữa, cung nữù biết rõ Cao Nhị là cao thủ Huyền-âm chưởng rồi mà còn dám thách đấu. Họ rùng mình lo lắng cho nàng.
Cao Nhị nhìn Vương Nhất lắc đầu :
– Đại ca xem, con nhỏ này có điên không ?
Nói rồi y vận công, xoa hai tay vào nhau :
– Ta dùng Huyền-âm chưởng, nên không cần vũ khí. Còn mi, mi dùng vũ khí gì thì lấy ra !
Thanh-Thanh thở dài :
– Tôi chưa từng luyện võ bằng vũ khí. Hằng ngày, tôi chuyên đi chài cá tươi dưới ao Long-trì về nấu ám dâng lên thái-tử. Vậy tôi xin dùng cái chài làm vũ khí.
Nói rồi Thanh-Thanh lùi lại, mở túi trên lưng đem ra một cái chài. Chài hãy còn ướt.
Cao Nhị mắng :
– Tiện tỳ, trên đời này có ai dùng chài làm vũ khí bao giờ ?
Vương Nhất tỏ vẻ thận trọng hơn :
– Nhị đệ ! Cẩn thận !
Cao Nhị phát chiêu trong Trường-bạch chưởng, gã vận Huyền-âm công, nên chưởng không có gió. Thanh-Thanh loạng choạng như người không biết võ, chân bước xéo sang bên cạnh. Chưởng của Cao Nhất đánh vào quãng không. Cao Nhị chuyển tay, phát chiêu thứ nhì. Thanh-Thanh lại lùi về sau một bước, rồi bước sang bên trái. Chưởng của Cao lại đánh vào quãng không. Y quát lên một tiếng phát chiêu thứ ba, Thanh-Thanh tiến lên một bước, rồi bước sang phải. Chưởng của Cao trúng cào cái kỷ, trên kỷ để một con hổ bằng sứ. Con hổ vỡ tan ra thành những mảnh nhỏ bay tứ tung.
Cao Nhị ngừng lại chửi :
– Tiện tỳ, mi cứ tránh né, mà không dám đối chiêu với ta. Như vậy mà cũng gọi là đấu võ ư ?
Thanh-Thanh vái một vái :
– Cao tiền bối. Vì đạo lý của Đông-cung, tôi nhường tiền bối ba chiêu đấy thôi, chứ có phải tôi sợ tiền bối đâu ? Tôi nhường tiền bối chiêu thứ nhất vì tôi nhỏ tuổi hơn tiền bối. Tôi nhường tiền bối chiêu thứ nhì, vì tiền bối là cháu rể của thái-hậu. Còn tôi nhường tiền bối chiêu thứ ba, thì do lễ nghi của Đông-cung. Bây giờ tôi xin phản công.
Nói dứt, Thanh-Thanh vung tay lên, cái chài mở rộng ra, tròn trịa, úp xuống đầu Cao Nhị. Trong khi chân bước từ cung Càn, phương Hỏa-địa-tấn sang cung Tốn, phương Sơn-lôi-di. Cao Nhị kinh hoàng vội nằm rạp xuống đất, lăn mình hai vòng, ra khỏi vùng chài chụp. Thanh-Thanh chuyển tay một cái, chài cuộn tròn lại, như một ống tre. Những viên chì ở cuối chài uốn cong lên như hình con rắn, mổ xuống người Cao Nhị, trong khi chân nàng bước sang cung Khôn, phương Đia-lôi-phục. Cao Nhị vọt người lên cao tránh khỏi, thì Thanh-Thanh lại quay tròn tay một cái, chài đã chụp Cao- Nhị nằm gọn bên trong như khúc cây. Nàng giật tay hai lần, chài mở rộng ra, Cao Nhị rơi xuống trước mặt Long-Xưởng.

Nàng chắp tay :
– Khải điện hạ. Tiểu tỳ đã chài được con cá cao. Tiếc rằng con cá này già quá, bằng không tiểu tỳ sẽ làm thịt, nấu canh thìa là dâng lên điện hạ.
Thủ-Huy hỏi Mao Khiêm :
– Trận đầu Đông-cung thắng. Vậy không biết trận thứ nhì tiền bối cho ai xuất mã ?
Cảm-Linh rút kiếm ra khỏi vỏ, thị chĩa kiếm vào mặt Long-Xưởng :
– Trận này đến lượt ta.
Vì Long-Xưởng đứng hầu cạnh nhà vua với hoàng-hậu, thành ra kiếm của thị chiếu chênh chếch vào mặt ngài. Công chúa Đoan-Nghi quát lên :
– Thu kiếm lại !
Nhưng thị vẫn bướng. Thị cười nhạt :
– Ta không thu thì…
Chỉ thấy thấp thoáng bóng xanh, Đoan-Nghi đã rút kiếm chĩa vào cổ Cảm-Linh. Cảm-Linh tuyệt không ngờ một cô công chúa dung nhan yểu điệu, lại dám rút kiếm tấn công mình. Thị vội uốn cong người, lộn liền hai vòng về phía sau, để thoát khỏi mũi kiếm của Đoan-Nghi. Đoan-Nghi xê dịch chân theo thị như bóng với hình. Khi Cảm-Linh vừa đặt chân xuống đất, thị cảm thấy cổ đau nhói. Thì ra mũi kiếm của Đoan-Nghi vẫn chĩa vào cổ thị. Kinh hãi thị tung người lên cao, lộn liền ba vòng trên không, thân hình thị bay đến cửa điện. Ở trên cao, thị khoa kiếm dưới chân, phòng Đoan-Nghi truy kích. Nhưng thị khoa vào quãng không. Vì Đoan-Nghi đã tra kiếm vào vỏ, đứng hầu cạnh phụ hoàng.
Từ trước đến nay, nhà vua, hoàng-hậu, triều thần chỉ biết công chúa Đoan-Nghi học văn cực kỳ thông minh, cử bút thành văn, xuất khẩu thành thơ. Các kinh diên quan không tiếc lời ca tụng là vua bà Bình-Dương tái sinh. Chưa từng một ai nghe nói nàng luyện võ. Từ hôm Trần Lý, Thủ-Huy về Thăng-long, thì Đoan-Nghi với hai người luôn bên cạnh nhau, rồi thấy nàng đeo kiếm. Tuyệt không ai ngờ nàng tập võ. Bây giờ thình lình nàng ra chiêu, khiến cho một đại cao thủ như Cảm-Linh phải vất vả lắm mới thoát chết. Họ ngẩn người ra, đến nỗi quên cả hoan hô.
Còn Nghi-Ninh sư thái, chỉ nhìn cách rút kiếm của Đoan-Nghi, bà cũng biết rằng nàng đã luyện nội công Âm-nhu, Mê-linh kiếm pháp, là hai tuyệt kỹ của phái Mê-linh, đã thất truyền. Bà ngạc nhiên, khi ban nãy Cảm-Linh khoe rằng đã luyện thành ba tuyệt kỹ của phái Mê-linh mà trong trận chớp nhoáng vừa rồi, không thấy thị xử dụng.
Cảm-Linh tuy thoát chết, nhưng thị vẫn còn run run :
– Con lỏi kia ! Mi đánh trộm ta mà thành công. Nếu mi là anh hùng, mi hãy bước ra đường đường chính chính cùng ta chiết chiêu.
Thủ-Huy hỏi Cảm-Linh :
– Vương phu nhân. Ban nãy phu nhân biểu diễn Mê-linh kiếm pháp, rồi khoe rằng đã luyện thành các tuyệt kỹ phái Mê-linh. Thế sao vừa rồi phu nhân không xử dụng để đấu với công chúa ?
– Ta sơ ý.
Thủ-Huy giao hẹn với Mao Khiêm :
– Này Mao tiền bối. Đông-cung đồng ý cử công chúa Đoan-Nghi đấu với Vương phu nhân. Với điều kiện cả hai bên cùng dùng võ công Mê-linh. Nếu như ai dùng võ công khác thì coi như bị thua. Tiền bối nghĩ sao ?
– Đấu võ là dùng hết khả năng khắc địch, có đâu lại giới hạn trong một vài môn võ công !
Qua cuộc đối đáp giữa Thủ-Huy với Mao Khiêm, đã làm cho Tôn Đức-Hòa, Nghi-Ninh tỉnh ngộ : Thì ra tên Mao Khiêm chỉ dạy các chiêu thức Tản-viên cho Vương Nhất, Mê-linh cho Cảm-Linh, chứ chúng chưa luyện thành.
Không nói, không rằng, Tôn Đức-Hòa, lại đứng về phía Long-Xưởng.
Công-chúa Đoan-Nghi bước ra đứng trước Cảm-Linh, nàng cất tiếng nói trong như nước suối chảy, nhẹ như tiếng gió thổi, ngọt như cam thảo :
– Vương phu nhân, vừa rồi ta phải ra chiêu, chẳng qua là muốn ngăn cản hành động đại bất kính của phu nhân, tránh cho phu nhân cái họa sát thân cả nhà. Thế nhưng phu nhân lại cho rằng ta đánh trộm. Phu nhân còn thách ta tái đấu. Vậy phu nhân phát chiêu đi !
Lời nói của Đoan-Nghi bằng ngôn từ của một công chúa, cha mẹ của dân, vừa tỏ ra cái ôn nhu của một tuyệt thế giai nhân, vừa tỏ ra độ lượng, khác hẳn với lới nói thô lỗ, cộc cằn của Cảm-Linh.
Cảm-Linh rút kiếm, đứng theo đinh-tấn, mắt mở to nhìn về phía trước, rồi nói :
– Người rút kiếm ra đi, ta phát chiêu đây.
Nói dứt, thị lao người tới trước, xả một chiêu kiếm.
Thủ-Huy kêu lên :
– Công chúa ! Thiên-ưng kiếm pháp của phái Đông-a, phải cẩn thận !
Đoan-Nghi bước xéo sang trái nhanh không thể tưởng tượng được, tay nàng rút kiếm xỉa vào ngực Cảm-Linh. Nàng ra chiêu sau, mà kiếm tới trước. Cảm-Linh hét lên, nhảy lùi liền ba bước, kiếm quay liền ba vòng, bảo vệ khu trước ngực, kình phong kêu lên vu vu. Đoan-Nghi xỉa kiếm vào giữa vòng kiếm quang của Cảm-Linh. Cảm-Linh lại nhảy lùi hai bước, thị gạt kiếm của Đoan-Nghi. Choang một tiếng, lửa từ hai thanh kiếm tóe ra. Đoan-Nghi cảm thấy cánh tay tê chồn, suýt nữa kiếm vuột khỏi tay nàng. Nàng nhảy lùi lại phía sau ba bước. Trong khi Cảm-Linh cũng nhảy lùi ba bước. Vì qua chiêu vừa rồi, thị cảm thấy chân khí bị mất hết, cánh tay như không còn lực. Thị quát lên một tiếng, nhảy bổ vào tấn công Đoan-Nghi. Đoan-Nghi khoan thai trả đòn. Tay phải nàng xử dụng kiếm, tay trái bắt kiếm quyết.
Tuy Nghi-Ninh sư thái chưa được luyện võ công trấn môn Mê-linh, nhưng kiến thức bà rất rộng. Nhìn qua hai lần xuất thủ của Đoan-Nghi, bà biết rằng về kiếm chiêu, cô công chúa này luyện khá thành thuộc. Song nội lực của nàng không làm bao. Đáng lẽ nàng phải lợi dụng kiếm chiêu đánh như mây trôi, như sóng vỗ để thắng đối thủ trong chốc lát, thì nàng lại đánh cầm chừng.
Qua hơn trăm chiêu, kiếm của Đoan-Nghi đã chậm lại, trong khi kiếm của Cảm-Linh phát ra kình lực rít lên vo vo. Đoan-Nghi đã mất thế công, nàng chỉ còn thủ.
Thủ-Huy cuống lên, nó ghé miệng vào tai sư thái Nghi-Ninh :
– Sư thái ! Làm sao bây giờ ?
– Không biết công chúa đã luyện Không-minh tâm pháp chưa ?
– Thưa sư thái rồi !
– Vậy thì được !
Thình lình bà cất tiếng nói lớn :
– Đúng là sắc, sắc, không, không . Vương phu nhân dùng Thiên-ưng kiếm pháp của phái Đông-a, lấy trầm mãnh làm căn bản. Công chúa dùng Mê-linh kiếm pháp, lấy thần tốc làm căn bản. Có điều nội công cả hai phái cùng phát xuất từ Vô-ngã tướng Thiền-công, thì công lực ai mạnh, người đó được. Đúng là sắc bất dị không. Không tức thị sắc.
Đoan-Nghi đang yếu thế, nghe Nghi-Ninh sư thái nói, thì ngạc nhiên không ít, vì khi Thủ-Huy dạy võ công cho nàng, nó đã nói rằng nội công của phái Đông-a phát xuất từ Thiền-công Vô nhân tướng, chứ đâu có xuất phát từ Vô-ngã tướng Thiền-công ? Còn nàng, thì nàng dùng nội công Âm-nhu, chứ đâu có dùng Thiền-công ?
Nhưng là người thông minh tuyệt đỉnh, nàng nghĩ ra ngay : Sư thái nhắc nàng dùng Không-minh tâm pháp. Không-minh tâm pháp, phát xuất từ Vô-ngã tướng Thiền-công, là mẹ của tất cả Thiền-công. Nếu đem ra xử dụng với nội công khác, thì hút nội lực của đối phương rất khó, và lâu. Còn hút nội lực của Thiền-công thì dễ dàng, và mau vô cùng.
Nàng chưa kịp vận Không-minh tâm pháp, thì Nghi-Ninh lại tiếp :
– Công chúa phải cẩn thận. Nội công Vương phu nhân rất cao. Công chúa chớ có để kiếm mình chạm vào kiếm Vương phu nhân mà nguy tai.
Cảm-Linh nghe Nghi-Ninh nhắc Đoan-Nghi, thị cười thầm :
– Con mụ ni sư già này ngu thực. Mụ nhắc Đoan-Nghi, mà hóa ra nhắc ta.
Nghĩ rồi, thị đưa mũi kiếm mình đẩy vào giữa mũi kiếm Đoan-Nghi. Hai kiếm dính liền nhau. Thị lại dùng tay trái phóng ra một chưởng. Đoan-Nghi cũng phát chưởng Âm-nhu đỡ. Bây giờ, cuộc đấu kiếm trở thành đấu nội lực.
Trong khoảnh khắc hai kiếm chạm nhau đó, Đoan-Nghi đã vận Không-minh tâm pháp. Cho nên khi Cảm-Linh dồn chân khí ra, thì Đoan-Nghi hấp lấy liền. Cảm-Linh thấy chân khí mình cuồn cuộn phát ra, mà không thấy nội lực Đoan-Nghi phản ứng thì cười thầm :
– Con nhỏ này hôm nay phải chết.
Nhưng chân khí thị dồn ra bao nhiêu, lại mất tăm mất tích bấy nhiêu. Kinh hoảng, thị dồn ra thực mạnh, mong dẩy Đoan-Nghi bay tung đi. Nhưng vô ích, chân khí mụ cứ cuồn cuộn tuôn ra không ngừng.
Đứng ngoài, Mao Khiêm, Vương Nhất, Cảm-Chi đều khoan khoái. Mao Khiêm nói lớn :
– Công chúa ! Công chúa đầu hàng đi thôi. Ta sẽ thu công chúa làm đệ tử. Công chúa đấu không lại Cảm-Linh đâu.
Nghe Mao Khiêm nói, Long-Xưởng kinh hãi hỏi Trần Lý :
– Đại huynh, Đoan-Nghi nguy mất, đại huynh có cách nào cứu Đoan-Nghi không ?
Trần Lý dùng Lăng-không truyền ngữ trả lời :
– Đai ca lầm rồi. Đoan-Nghi không gặp nguy hiểm, trái lại Cảm-Linh sắp mất hết công lực. Xưa kia, đức Thích-ca Mâu-ni, khi ngồi dưới gốc cây Bồ-đề, tìm lẽ giải thoát, có không biết bao nhiêu ma nghiệp, ma chướng từ muôn vàn kiếp trước hiện ra trong ngài, trước ngài, đòi nợ. Ngài phải trấn nhiếp tâm thần để chống lại. Do vậy ngài tìm ra ba loại Thiền : Vô nhân tướng, Vô chúng sinh tướng, Vô thọ tướng. Cuối cùng ngài thấy, Ngã tướng mới quan trọng, chỉ cần bỏ Ngã tướng thì không còn Nhân tướng. Không còn Nhân tướng thì làm gì còn Chúng sinh tướng ? Dĩ nhiên không còn Thọ-tướng nữa. Thế là ngài tìm ra Vô ngã tướng Thiền-công. Vô ngã tướng Thiền-công là tổng hợp của ba loại Thiền-công kia. Bây giờ Cảm-Linh dùng Vô-nhân tướng công đấu với Vô-ngã tướng Thiền-công của Đoan-Nghi thì có khác gì đổ chậu nước vào giữa giòng sông Hồng ? Bỏ nắm muối vào biển ?
Trong khoảng một khắc, chân khí Cảm-Linh gần như kiệt. Thị cảm thấy nguy vô cùng. Nhưng thị không thu chân khí lại được. Vì chỉ cần ngừng lại thôi, thì thị sẽ bị chân khí của Đoan-Nghi phản công , tạng phủ thị sẽ nát ra mà chết.
Đúng ra với tình trạng nguy hiểm của Cảm-Linh, thì Mao Khiêm, Vương Nhất nhận ra ngay. Nhưng một là thị đứng quay lưng lại phía hai người, hai là ánh đèn-nến trong điện Uy-viễn không đủ để người ngoài cuộc nhận ra nét đau khổ trên gương mặt thị. Cảm-Chi đứng xéo bên hông chị, chợt thị nhận ra cái nguy nan đó. Nhưng thị không dám can thiệp, vì can thiệp như vậy thì coi như bên cung Cảm-Thánh bị thua.

Từ lâu rồi, Long-Xưởng căm hận bọn Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên thấu xương tủy. Chúng ỷ vào thái-hậu, uy hiếp phụ hoàng, mẫu hậu, mà không ai làm gì được chúng. Bây giờ thấy Cảm-Linh bị Đoan-Nghi thu nội tức gần kiệt quệ, vương hỏi Trần Lý :
– Đại ca ! Có cách nào làm cho con mụ Cảm-Chi lĩnh cái đau khổ như con chị thị không ?
– Không khó.
Trần Lý lên tiếng :
– Vương phu nhân, như vậy coi như phu nhân với Đoan-Nghi ngang sức nhau. Ta cùng thu chân khí về, phu nhân nghĩ sao ?
Nghe Trần Lý nói, Cảm-Linh cũng muốn thu chân khí về mà không được. Trần Lý lại nói với Cảm-Chi :
– Cao phu nhân . Xin phu nhân can Vương phu nhân dùm cho.
Được lời của Trần Lý, Cảm-Chi dùng thế Ưng-trảo chụp vai chị, rồi kéo ra. Nhưng khi tay thị vừa chạm vào vai Cảm-Linh thì cơ thể trống rỗng của Cảm-Linh hút tay thị dính tẹt vào. Đoan-Nghi hút chân khí của Cảm-Linh thì phải mất hơn hai khắc. Bây giờ nàng hút gần hết chân khí Cảm-Linh, chân khí trong người nàng trở thành mạnh vô cùng. Thành ra chỉ cần mười lăm tiếng đập tim, chân khí Cảm-Chi đã khánh kiệt. Hai người lảo đảo ngã ngồi xuống.
Bây giờ Mao Khiêm, Vương Nhất mới biết sự thực thì đã trễ. Vương lao tới đỡ vợ dậy. Mao quên cả nam nữ thụ thụ bất tương thân, y đỡ Cảm-Chi lên.
Đoan-Nghi thu kiếm về, dắt vào vỏ. Thủ-Huy reo lên :
– Mao tiền bối ! Trong ba trận, Đông-cung thắng hai trận. Vậy xin Mao tiền bối giữ lời hứa cho.
Bỗng Đoan-Nghi run lẩy bẩy, muốn ngã xuống :
– Anh Thủ-Huy ! Em…Em…
Rồi nàng ngất đi. Thủ-Huy bồng nàng lên. Lê Thúc-Cần xẹt đến, đỡ lấy Đoan-Nghi :
– Công chúa bị trúng độc.
Ông móc trong túi ra cái bình nhỏ, lấy ba viên thuốc bỏ vào miệng nàng. Mắt Đoan-Nghi nhắm nghiền, nàng chỉ còn thoi thóp thở.
Mao Khiêm cười ha hả:
– Thì ra con nhỏ này dùng Không-minh tâm pháp hút nội lực của Cảm-Linh, Cảm-Chi. Rõ ràng Thiên-đàng có nẻo mi không đến, địa ngục không đường dẫn xác vào. Mi hút chân khí của Cảm-Linh, Cảm-Chi, thì mi cũng hút trọn vẹn độc tố Huyền-âm của hai đứa vào người mi. Thế là mi tự lĩnh lấy cái chết.
Y nói với Thủ-Huy :
– Trận thứ nhì, cung Cảm-Thánh thắng. Tuy công chúa Đoan-Nghi hút hết nội lực của Cảm-Linh, nhưng Cảm-Linh vẫn còn hoạt động được. Trong khi công chúa mê man. Nếu mi bất phục, thì cứ để công chúa với Cảm-Linh tái đấu.
Lý luận của Mao Khiêm quả có lý, Thủ-Huy phải chấp nhận. Tuy lưu tâm đến tình trạng nguy kịch của Đoan-Nghi, nhưng nó không dám phân tâm, vì cục diện trước mặt không phải là một , hai người chết, mà sự mất hay còn của đất nước.
Mao Khiêm chỉ Vương Nhất :
– Trong ba trận, thì trận đầu Đông-cung thắng. Trận thứ nhì cung Cảm-Thánh thắng. Bây giờ trận thứ ba sẽ là trận quyết định. Đây là đại đệ tử của ta. Nếu kẻ nào muốn lĩnh Huyền-âm độc chưởng của y thì cứ việc bước ra.
Thủ-Huy xoa hai tay vào nhau :
– Được ! Chúng ta đấu cuộc thứ ba. Hậu bối xin đại diện Đông-cung lĩnh giáo cao chiêu của Vương tiền bối.
Nghe Thủ-Huy thách đấu với Vương Nhất, tất cả các cao thủ, các văn quan, võ tướng đều rúng động. Bởi từ hơn trăm năm qua, danh tiếng, uy tín của phái Đông-a như sấm động trời Nam, mà võ đạo phái này, dành quyền bảo vệ đệ tử tối đa. Võ lâm dù Hoa, dù Việt, dù chính, dù tà, đụng đến đệ tử của họ, thì không thể trốn thoát sự trả thù. Mà khi phái này trả thù, thì trả thù cực kỳ tàn bạo : Nhẹ thì khoét hai mắt, chặt hai chân, hai tay, cắt lưỡi. Nặng thì giết cả nhà, đến con chó, con mèo cũng không tha.
Bây giờ Vương Nhất ra đấu với Thủ-Huy, nếu y bại thì không sao. Nhược bằng y thắng, ắt Thủ-Huy bị trúng Huyền-âm chưởng, thì phái Đông-a sẽ giết cả nhà Vương đã đành, mà đến tính mệnh của cả nhà Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên cũng khó thoát .
Mao Khiêm sinh ra ở trong tổng đường phái Đông-a, được nuôi, dạy bởi phái Đông-a, gì mà y không biết cái luật lệ của phái này. Y rào đón trước :
– Này, thằng bé con Thủ-Huy kia, khi mi nhận đấu với đệ tử ta, thì có nghĩa là viên Thiện-nhân của Đông-cung, đấu với một trưởng đội Phụng-quốc vệ. Chứ không phải một đệ tử của phái Đông-a đấu với đệ tử phái Trường-bạch đâu nhé.
– Đúng vậy.
Mao Khiêm nói với bốn chưởng môn nhân bốn đại môn phái :
– Xin các vị làm chứng cho mỗ rằng thằng lỏi con này ham mấy đấu gạo, mà làm tay sai, rồi chịu chết thay cho tên ôn con Long-Xưởng. Bằng không sau này bọn Đại-Việt ngũ tuyệt lại kiếm truyện.
Lê Thúc-Cẩn vẫy tay gọi Thủ-Huy :
– Cháu lại đây. Ta muốn nói riêng với cháu một câu.
Thủ-Huy tiến lại bên ông. Ông nắm lấy tay nó, khẽ bóp một cái. Trong mỗi bàn tay ông có một viên thuốc. Hai viên thuốc tan thành bột. Ông vận khí ra tay, lập tức thuốc ngấm vào hai bàn tay Thủ-Huy. Oâng dùng Lăng-không truyền ngữ rót vào tai nó :
– Ta dùng hai viên thuốc khác nhau ép thành phấn, ngấm vào da cháu. Đối với cháu thì hai viên thuốc này vô hại. Nhưng đối với những người luyện Huyền-âm công, thì nó sẽ hợp với Ngũ-độc trong cơ thể y. Y sẽ bị ngứa ngáy đến nỗi muốn sống không nổi, mà chết cũng không xong.
Vốn thông minh, Thủ-Huy hiểu liền :
– Như vậy, khi hai chưởng giao nhau, thay vì cháu bị trúng Huyền-âm độc tố, thì ngược lại gã Vương Nhất sẽ bị đau đớn, ngứa ngáy khốn khổ.
Thúc-Cẩn gật đầu. Ông nói lớn :
– Vương Nhất là đệ tử đắc ý nhất của Mao tiền bối. Huyền âm chưởng của Vương cực kỳ cao thâm. Cháu phải cẩn thận.
Ông hạ giọng :
– Căn bản nội công của thầy trò Mao Khiêm vẫn là nội công Đông-a. Trong lúc đấu với y, cháu dùng Qui-pháp âm dương hút chân khí của nó. Khi y thấy cháu hút chân khí, y quen mùi, như Cảm-Linh đã làm với Đoan-Nghi. Y sẽ dồn độc công vào cơ thể cháu. Vì chân khí của cháu với y cùng nguồn gốc, cháu hòa hợp với nhau dễ dàng. Cháu buông lỏng ba kinh âm, dùng ba kinh dươntg lọc độc tố. Khi đã hút hết chân khí của y, thình lình cháu dùng ba kinh âm thủ, cho ba kinh dương tấn công y, đẩy tất cả độc chất y đã dồn vào người cháu trả lại cơ thể y.
Ông lại nói lớn :
– Thôi cháu ra lĩnh giáo Vương đại hiệp đi.
Vương Nhất quát lên :
– Coi chưởng này.
Y tung ra một chiêu Huyền-âm chưởng. Vì nội công Huyền-âm chưởng là nội công Âm-nhu nên không có gió. Thủ-Huy trả lại bằng chiêu Phong-ba hợp bích. Khi hai chưởng sắp chạm nhau, thì nó lại đổi thành chiêu Sơn-điểu hoa trung trong Hoa-sơn chưởng. Vương Nhất biến chiêu cực thần tốc, y đánh ra chiêu Cuồng-phong nộ lãng của phái Đông-a. Thủ-Huy vọt người lên cao như con hạc thăng thiên, nó phát chiêu Ác-ngưu nan độ trong Tản-viên chưởng. Hai chưởng giao nhau đến binh một tiếng. Người Thủ-Huy lại bay lên cao, trong khi Vương Nhất bật tung lại phía sau hai bước.
Hai người gườm gườm nhìn nhau.
Bỗng đại sư Pháp-Dung nói lớn :
– Tiểu thí chủ, phải cẩn thận, Huyền-âm độc chưởng lợi hại vô cùng. Tiểu thí chủ chớ có để chưởng mình chạm vào chưởng Vương cư sĩ.
Nghe Pháp-Dung nhắc Thủ-Huy, Vương Nhất cười thầm :
– Thằng trọc này nhắc tên ôn con, nhưng hóa ra là y nhắc ta. Ta phải làm sao để hai chưởng chạm nhau, khiến thằng oắt đau đớn đến phải kêu cha gọi mẹ, cho bọn này tởn phái Trường-bạch.
Nghĩ vậy y tấn công ráo riết.
Thủ-Huy tuy là con của đại hiệp Tự-Hấp, nhưng lại học nghệ với ông nội là đại hiệp Tự-Kinh, một bác học, một đệ nhất cao nhân đương thời. Nên tuy nó còn trẻ, mà không một môn võ công nào nó không học qua.
Sau khi xẩy ra vụ nó bị thua Nhất-Liễu, rồi bọn Hoa-sơn bị phái Thiên-trường bắt. Long-Xưởng xin Tự-Kinh cho Trần Lý, Thủ-Huy về Thăng-Long làm bạn với mình. Nhưng chỉ có Thủ-Huy nhận lời, còn Trần Lý thì chàng từ chối, không muốn dính dáng vao chốn quan trường. Sau Long-Xưởng năn nỉ mãi, chàng đồng ý về giúp Long-Xưởng dẹp loạn. Loạn dẹp xong, chàng sẽ trở về Thiên-trường. Biết rằng công lực hai cháu không làm bao, Tự-Kinh vội truyền cho hai cháu tất cả những bộ quyền, chưởng, để có thể vào đời. Hai anh em học được hết. Trần Lý lớn hơn em hai tuổi, công lực đã cao, chàng thu thái dễ dàng. Còn Thủ-Huy, công lực nó thấp quá, làm sao trong thời gian ngắn mà luyện thành ? Ông tùng quyền truyền nội công Qui-pháp âm-dương cho cả hai anh em. Vì khi biết vận Qui-pháp âm-dương, thì người khác dồn chân khí vào người mình, mình có thể biến thành nội lực của mình. Khác với Vô-ngã tướng Thiền-công, thì chỉ khi đối thủ dồn chân khí đánh mình, mình mới hấp thụ được. Hấp thụ được rồi, phải có thời gian luyện tập rất lâu để hòa hợp các luồng chân khí dị chủng. Sau khi Trần Lý, Thủ-Huy học Quy-pháp âm-dương rồi ; ông gọi Đông-a ngũ tuyệt dồn chân khí vào người hai cháu. Cho nên, chỉ trong mấy ngày, mà công lực hai người không thua cha với các sư thúc làm bao.
Đấu trên trăm hiệp, Vương Nhất vẫn chưa thắng được Thủ-Huy. Các võ quan hiện diện quan sát trận đấu đều rùng mình. Họ nghĩ thầm :

– Chưởng của Vương Nhất mạnh đến thế kia. Chưởng đó mà trúng người thường thì tan xương, nát thịt ra mà chết. Thế nhưng Thủ-Huy vẫn thản nhiên đỡ nhẹ nhàng. Thằng nhỏ này quả là con giòng, cháu giống.
Thình lình Vương Nhất nhảy lùi lại hai bước, rồi đánh ra một chiêu hết sức thô kệch. Tôn Đức-Hòa kêu lên :
– Huyền-âm chưởng ! Phải cẩn thận.
Nhưng đã trễ. Thủ-Huy phát quyền đánh vào giữa chưởng của Vương đến bạch một tiếng. Hai chưởng dính chặt vào nhau. Trận đấu trở thành cuộc đấu nội lực.
Thủ-Huy nhớ lời Lê Thúc-Cẩn dặn, nó dùng ba kinh dương trên tay là Thái-dương tiểu trường, Thiếu-dương tam tiêu và Dương-minh đại trường bảo vệ cơ thể. Còn buông lỏng ba kinh âm là Thái-âm phế, Khuyết-âm tâm bào và Thiếu-âm tâm. Chân khí của Vương Nhất ào ào tuôn vào người Thủ-Huy. Nhưng bao nhiêu độc tố bị ba kinh dương cản lại, chỉ có chân khí vào người nó mà thôi. Nó thản nhiên dùng Qui-pháp âm dương dẫn khí vào đơn điền. Hai luồng chân khí hòa hợp với nhau dễ dàng.
Khoảng hơn khắc sau, Vương Nhất mới cảm thấy bất ổn. Vì y dồn độc tố Huyền-âm vào cơ thể Thủ-Huy đã nhiều, mà chưa thấy đối thủ lạc bại như thường lệ. Y nghiến răng dồn toàn bộ chân khí ra. Nhưng chân khí chỉ gặp sức chống cự yếu ớt, rồi cuồn cuộn ra đi. Hơn khắc nữa qua, tay y nặng chĩu, chân khí thì muốn tuyệt.
Lê Thúc-Cẩn đứng ngoài hô lớn :
– Tấn công đi thôi.
Thủ-Huy mỉm cười, nó vận khí vào ba kinh âm thủ, rồi ba kinh dương tấn công. Vương Nhất đang dồn chân khí tấn công Thủ-Huy, thình lình nguồn nội lực Thủ-Huy mạnh như bài sơn đảo hải đẩy lui chân khí của y, rồi tràn vào người y. Kinh hoàng, y vội qui liễm chân khí rồi nhảy lùi lại.Y cười ha hả :
– Thằng lỏi con kia. Mi tưởng mi dùng Qui-pháp âm dương để lấy chân khí của ta ư ? Ta đã dồn cả một nguồn độc tố vào người mi. Mi chết đến nơi…
Tiếng rồi chưa ra khỏi miệng, thì y cảm thấy như có con dao đâm vào ngực đau thấu tâm can. Y nghiến răng để khỏi bật ra tiếng kêu, nhưng y cảm thấy mặt ngứa ngáy cực kỳ khó chịu. Y đưa tay lên gãi, thì cổ vai, rồi khắp người y như có hàng vạn con kiến cắn. Y vừa cào cấu, vừa gãi, vừa la hét.
Không ai hiểu tại sao. Chỉ riêng Thủ-Huy, nó chợt nhớ ra rằng : Lê Thúc-Cẩn đã phóng vào hai bàn tay nó hai viên thuốc khác nhau. Từng viên nhập vào tay nó thì không sao. Nhưng khi nó dồn vào người Vương Nhất. Hai loại thuốc hợp với độc tó Huyền-âm thành một thứ thuốc làm cho cơ thể vừa đau đớn vừa ngứa ngáy.
Mao Khiêm cười nhạt :
– Thằng bé con kia. Uổng thay cho thân phận mi là con cháu của Kinh-Nam vương, mà cũng đi luyện Huyền-âm chưởng của phái Trường-bạch nhà ta. Nhưng mi dùng Huyền-âm độc tố với đệ tử ta thì có khác gì múa búa trước cửa Lỗ Ban, đọc Hiếu-kinh trước nhà Khổng-tử ?
Vốn là người thông minh tuyệt đỉnh, cho nên tuy không nghe rõ Lê Thúc-Cẩn với em đã bàn nhau những gì, mà Thủ-Lý cũng hiểu hết mội sự. Thủ-Lý xoa hai tay vào nhau, nó cười ha hả :
– Mao tiền bối ơi ! Người từng là đệ tử của bản môn, hẳn người biết rằng, hơn trăm năm trước, phái Đông-a có một phương pháp chống độc chưởng, gọi là Phản Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng, do viễn tổ Tự-An chế ra. Nay tiểu đệ của tiểu bối dùng phương pháp này của người để chống Huyền-âm chưởng, thì kết quả cũng thế.
Mao Khiêm chợt nhớ lại :
…Vào đầu thời Lý, có một quái nhân tên là Nhật-Hồ, lưu lạc sang Tây-vực, học được Chu-sa ngũ độc chưởng, đem về Đại-Việt lập ra Hồng-thiết giáo. Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng làm mưa làm gió trên khắp Hoa-Việt. Võ lâm dù chính, dù tà, nghe đến Nhật-Hồ độc chưởng đều táng đởm kinh hồn. Sau chưởng môn phái Đông-a là Trần Tự-An chế ra Phản Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng, dạy cho đệ tử và con cháu. Phàm khi đấu với đối thủ mà đối thủ dùng Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng, đệ tử Đông-a dùng phương pháp này đẩy chất độc của đối thủ trở lại. Đối thủ sẽ đau đớn cùng cực, mà thuốc giải của họ không những vô hiệu mà còn làm cho đau đớn thêm. Muốn chữa trị, thì phải do chính người phản công hút lại chân khí mình đã đánh đối thủ. Sau đó dùng thuốc giải mới hiệu nghiệm. Trong trận Lộc-hà, Nhật-Hồ lão nhân với các đệ tử bị đánh bại đau đớn nhục nhã phải đầu hàng. (Xin xem Thuận-Thiên di sử, Anh-hùng Bắc-cương của Yên-tử cư-sĩ do Xuân-thu Hoa-kỳ xuất bản).
Biết Thủ-Huy dùng phương pháp chống Chu-sa Nhật-Hồ độc chưởng. Mao Khiêm để tay lên đầu Vương, hút chân khí Đông-a, mà Thủ-Huy dồn vào. Rồi y móc trong bọc ra cái hộp nhỏ, lấy hai viên thuốc bỏ vào miệng Vương Nhất. Vương Nhất nuốt vào bụng, ngồi vận khí cho thuốc mau tan.
Gì mà Long-Xưởng không hiểu rằng Thúc-Cẩn với Thủ-Huy đã liên thủ hạ Vương Nhất. Vương khoan thai nói với Mao Khiêm :
– Mao tiên sinh ! Trận thứ ba, nhị đệ thắng Vương Nhất. Như vậy Đông-cung chúng tôi thắng hai trận. Mao tiên sinh tính sao đây ?
Mao Khiêm chưa kịp trả lời, thì Vương Nhất hét lên như con lợn bị thọc huyết, rồi nhảy chồm chồm tỏ ra đau đớn cùng cực. Hai tay y lại cào cấu khắp người vì ngứa ngáy.
Mao Khiêm tuy là đại ma đầu, từng giết biết bao nhiêu người không gớm tay, mà bây giờ y không cứu nổi một đệ tử. Y luống cuống hỏi Thủ-Huy :
– Mi đã dùng độc chất gì ám toán y ?
Lê Thúc-Cẩn ung dung trả lời thay cho Thủ-Huy :
– Mao tiền bối. Cháu Thủ-Huy là con người bạn chí thân của tại hạ. Vì sợ cháu còn trẻ, công lực không làm bao, khó chống nổi một đại cao thủ như Vương đại hiệp, nên tại hạ đã vỗ vào tay cháu hai viên thuốc. Khi Vương đại hiệp dùng Huyền-âm chưởng đánh cháu, thì cháu chỉ trả lại người những gì người phát ra mà thôi. Tuy nhiên khi vay, thì lúc trả phải trả cả vốn lẫn lời. Vốn là Huyền-âm độc, nên Vương đại hiệp đau đớn. Còn lời thì là hai viên thuốc của tại hạ, làm người ngứa ngáy, và thuốc giải của tiền bối vô hiệu…
Mao Khiêm chợt hiểu, y chỉ vào công chúa Đoan-Nghi :
– Thế còn cái vụ này thì thái-tử định thế nào ?
Long-Xưởng chỉ Vương Nhất đang đau đớn, gãi như khỉ, Cao Nhị nằm dài ra như khúc gỗ , Đỗ Anh-Hào bị trói để ngồi trước Long-Xưởng; Cảm-Linh, Cảm-Chi mất hết công lực dựa vào tường :
– Nùng-sơn tam anh, Tô-lịch nhị tiên có phải là đệ tử của Mao tiền bối không nhỉ ? Vậy tiền bối còn chờ gì mà không trao thuốc giải cứu công chúa ? Kể ra tính mệnh một cô công chúa ngàn vàng đổi lấy năm cao đồ của tiền bối cũng xứng đấy chứ?
Mao Khiêm móc ra ba cái bình, lấy mỗi bình một viên thuốc. Ba viên có ba mầu vàng, xanh, đỏ trao cho Long-Xưởng. Thấp thoáng một cái, Lê Thúc-Cẩn đã lạng người tới. Ông đứng chặn trước mật Long-Xưởng với Mao Khiêm :
– Khoan !
Mao Khiêm giật mình nhảy lùi lại hai bước. Ba viên thuốc bay bổng lên cao. Thúc-Cẩn bắt lấy rồi cười nhạt :
– Người định dùng độc dược hại thái-tử ư ?
– Thằng lang băm ngu dốt kia, ta trao thuốc giải cho công chúa mà mi dám bảo là thuốc độc thì còn trời đất nào nữa không ?
– Này Mao tiền bối. Người đừng quên rằng tại hạ là truyền nhân của phái Sài-sơn, chuyên lấy y đạo hành hiệp, cho nên không một độc chất nào của thiên hạ, mà tại hạ không biết. Cái viên thuốc đỏ này có tên Loạn-huyết hoàn. Ai uống vào, thì máu chạy hỗn loạn, mạch máu đầu bị đứt, nếu không chết ngay, thì cũng méo miệng, mắt nhắm không được, bán thân bất toại. Viên mầu xanh có tên Tý-chi hoàn, ai uống phải thì người sẽ bị tê liệt, không thể đi lại được. Viên mầu vàng có tên U-minh hoàn. Ai uống phải, thì mạch máu trong con ngươi bị vỡ ra, mù mắt trong chốc lát. Còn như không uống, nhưng chỉ cần cầm ba viên đó trong lòng bàn tay, ba thứ thuốc hòa hợp với nhau, rồi tan ra, nhập vào da, trong chốc lát mắt bị mù, chân tay run rẩy, trở thành tàn tật.
– Nói láo. Tại sao mi cầm ba viên thuốc trong tay từ nãy đến giờ, mà có sao đâu ?
Thúc-Cẩn cười nhạt :
– Tại hạ đã xoa thuốc giải vào bàn ray từ trước rồi. Nếu như tiền bối bảo ba viên thuốc này là linh đơn diệu dược, tại hạ xin trả lại tiền bối.
Nói rồi Thúc-Cẩn tung ba viên thuốc về phía Mao Khiêm. Khiêm bắt lấy. Nhưng ba viên thuốc đổi chiều bay đến trước Nùng-sơn tam anh. Viên đỏ chụp lên người Vương Nhất. Viên vàng chụp lên người Cao Nhị. Viên xanh chụp lên người Anh-Hào.
Mao Khiêm kinh hãi, y vội lấy ra ba viên thuốc, bắn vào người Nùng-sơn tam anh để giải độc.
Ghi chú của thuật giả
Ba loại thuốc này, lai lịch rất rõ ràng. Thuốc do Khu-mật viện thời Nam-Tống chế ra vào niên hiệu Thiệu-Hưng thứ 25 (Aát-hợi, DL. 1155) dưới đời vua Cao-tông. Thành phần dược liệu khá phức tạp, mà chế tạo lại rất giản dị. Cả ba loại thuốc được các vua, quan Trung-quốc coi là Quốc-dược, cực mật. Cho đến năm 1976, sau khi chủ-tịch đảng Cộng-sản Trung-quốc là Mao Trạch-Đông chết, thì Tứ-nhân bang, Giang-Thanh và Trương Ngọc-Phương (sủng thê của Mao cho đến chết, đoạt quyền làm vợ của Giang-Thanh. Khi Mao chết bà mới có 32 tuổi) đều biết và làm tiết lộ ra. Sau đó Trung-y học viện Bắc-kinh đem ra thử nghiệm rồi giảng dạy, thì Quốc-dược không còn là điều cơ mật nữa. Cho nên gần đây, có nhiều cao nhân, không bị huyết áp cao, không bị bệnh tim, không bị tiểu đường, cũng không bị cholestérol cao, mà thình lình lăn ra chết, hoặc bị mù mắt, tứ chi tê liệt, bán thân bất toại vì: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tim ngừng đập … tôi không hề ngạc nhiên. Điểm qua, tôi thấy các cao nhân bị đầu độc bằng Loạn-huyết hoàn, U-minh-hoàn nhiều hơn. Tý chi hoàn rất hiếm thấy.
Thúc-Cẩn nói với Long-Xưởng :
– Khải thái-tử, từ sau khi Huyền-âm chưởng tái xuất giang hồ, sát hại Khánh-Hỷ đại sư, Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Đặng Phi-Sơn, thì lão phu đã tìm ra thuốc giải vĩnh viễn. Trường hợp của công chúa thì không phải bị trúng chưởng mà vì hút nội lực của hai đại cao thủ, độc tố chạy vào tạng phủ, thì không thuốc nào chữa được. Tuy nhiên thái-tử không nên quá tuyệt vọng. Lão phu đã cho công chúa uống mấy viên thuốc khử độc cực mạnh, thì ít ra chúng ta cũng còn 49 ngày để tìm ra phương pháp điều trị.
Thúc-Cẩn đưa mắt nhìn nhà vua, để xem phản ứng của ngài ra sao, trước việc tính mệnh con gái như treo sợi tóc. Thì hỡi ơi, những biến cố kinh hồn, nào hai bên chính tà đấu võ, nào tranh luận, nào ồn ào như vậy… mà ngài ngủ ngồi trên ngai vàng. Giấc ngủ dường như khá sâu, ngài gáy khò khò.
Thủ-Huy hỏi Mao Khiêm :
– Mao tiền bối, sau ba trận đấu, Đông-cung thắng hai. Vậy tiền bối định sao đây ?
– Được ! Ta với năm đệ tử sẽ rời khỏi đây. Nhưng còn Lưu Kỳ ? Ngô Giới, với sứ đoàn ?
Thủ-Huy vốn khinh rẻ Cảm-Thánh thái hậu. Nó nói lơ mơ để trêu bà :
– Họ bị lên án cung hình, chặt chân, chặt tay, rồi tùng xẻo. Trong ba án, thì án cung hình sẽ thi hành sớm nhất. Dường như giờ này họ bị thiến rồi. Cũng, cũng có thể ngày mai họ mới bị thiến.
Thái-hậu thét lên :
– Mao Khiêm ! Vạn vạn lần không thể để Tiết-độ sứ bị thiến. Người… người phải cứu Tiết độ sứ. Tiên nhân bố đứa nào mà thiến người, bà…bà sẽ bắt nó uống ba vạn bát máu l…
Mao Khiêm thở dài :
– Thần cũng muốn cứu quan Tiết-độ sứ lắm. Nhưng e sức thần không làm nổi. Ngay bản thân thần cũng khó sống sót, thì việc cứu người thực thiên nan, vạn nan.
Y nói chậm lại :
– Bây giờ, muốn cứu Lưu tiết độ sứ, cũng không khó. Chỉ cần thái-hậu phải chịu thiệt thòi đôi chút, thì không những cứu được người, mà còn có thể cứu cả phái Hoa-sơn, cứu tất cả đám đệ tử của thần.
– Thiệt gì ta cũng chịu. Ta sẵn sàng bỏ ngôi thái-hậu. Ta bỏ hết, không còn gì cả. Miễn sao ta với Lưu được sống cạnh nhau là đủ.
Mao Khiêm hướng Pháp-Dung :
– Đại-sư ! Trong các tôn sư hiện diện tại đây thì đại sư có vai vế cao hơn hết. Mao mỗ muốn thương lượng với đại sư một truyện.
– Xin thí chủ cứ nói.
– Với võ công Đông-a mà mỗ học được, với Huyền-âm nội lực mà mỗ có, chưa chắc bốn vị chưởng môn tại đây có thể thắng mỗ. Nếu mỗ muốn thoát thân một mình thì không dễ gì các vị giữ nổi mỗ.
Pháp-Dung gật đầu :
– Thí chủ nói không sai.
– Nhưng mỗ có năm đệ tử, bản lĩnh chúng cũng không đến nỗi tầm thường. Tuy nhiên đấu với số đông võ sĩ ngoài điện thì không thể đương nổi. Nếu như đánh thục mạng để chạy, thì cũng có vài đứa thành công. Mà đám võ sĩ gác ngoài điện ít ra cũng mất mạng mươi người. Cao hơn có khi hàng trăm. Đại sư nghĩ xem, mỗ nói có đúng không ?
– Mao thí chủ quả là người thực thà.
– Vậy tại sao chúng ta không tìm lấy một lối thoát ?
– Ý Mao thí chủ muốn ? ? ?

– Đại sư, cùng ba vị chưởng môn điều đình với phái Đông-a thả tất cả người của phái Hoa-sơn, cấp thuyền, lương thực cho họ về nước. Dĩ nhiên thái-hậu, Mao mỗ, năm đứa đệ tử này sẽ đem gia thuộc, của cải xuống thuyền ấy cùng về Tống.
Pháp-Dung đại sư chắp tay :
– A-di-đà Phật ! Mao thí chủ. Món nợ Mao thí chủ sát hại sư huynh bần tăng là Khánh-Hỷ đại sư, sát hại Nghi-Hòa sư thái, đại hiệp Phi-Sơn thì Mao thí chủ tính sao đây ?
– Tính sao ? Ai bảo chúng cứng đầu, cứng cổ không chịu trao cuốn phổ chép các tuyệt kỹ trấn môn cho ta ?
– Thôi đươc ! Bây giờ bần tăng xin thuận tất cả những gì Mao thí chủ đề nghị. Duy một điều là phiền đại giá Mao thí chủ khuất thân theo bần tăng về chùa Tiêu-sơn tịnh tu, để giải nghiệp trong ít lâu. Không biết thí chủ nghĩ sao ?
Mao Khiêm nổi cáu :
– Tên trọc ăn thịt chó kia ! Mi định giam lỏng ta phải không ? Việc này e còn khó hơn bắc thang lên trời. Bây giờ thế này, nếu mi còn muốn dơ mặt khoe là danh môn chính phái, thì hãy dùng võ công tranh hơn thua với ta, chứ đừng có dùng số đông áp đảo người ! Nếu mi thắng ta, thì mi muốn băm vằm, mổ xẻ thế nào ta cũng chịu.
Pháp-Dung biết với độc công của Mao Khiêm thì mình không đủ bản lãnh bắt y. Oâng chỉ Long-Xưởng :
– Đây là điện Uy-viễn, xin để thái-tử quyết định.
Long-Xưởng nghĩ rất nhanh :
– Nếu dùng số đông thắng Mao Khiêm, thì các tôn sư không chịu. Dù ta có sai đám võ sĩ, họ cũng không tuân. Độc công của tên này, e bốn vị tôn sư không ai đương nổi. Giao chiến, dù thắng, dù bại, ta không thể giết thái-hậu! Mà để thái-hậu sống, thì người lại áp chế phụ hoàng, không chừng đất nước điêu linh hơn nữa. Về bọn Hoa-sơn, chúng là sứ thần của Tống, ta mà giết chúng, thì chiến tranh Trung-Việt sẽ xẩy ra, trong khi ta chưa kịp chuẩn bị. Chi bằng ta thuận đề nghị của y, mọi bề sẽ tốt đẹp.
Nghĩ vậy Long-Xưởng hướng Pháp-Dung :
– Nếu như đại sư mở từ tâm dung tha cho năm đệ tử của Mao tiên sinh, tha cho người của phái Hoa-sơn, thì đệ tử xin kính cẩn tuân pháp dụ.
Các tôn sư nghe Long-Xưởng nói, trong lòng họ đều nghĩ thầm :
– Không biết tại sao, với một bà nội dâm đãng, bất cố liêm sỉ như thái-hậu. Với một ông bố đần độn, khờ khạo như Đại-Định hoàng đế, mà lại sinh ra người con minh mẫn như Long-Xưởng ? Bởi với địa vị một ông thái-tử đang ngồi ở điện Uy-viễn, Long-Xưởng không thể để cho một sư ông giải quyết truyện quốc gia đại sự. Vì vậy Long-Xưởng xưng là đệ tử, rồi tuân pháp dụ của Pháp-Dung, có nghĩa là một Phật tử nghe theo lời của một cao tăng. Khôn thực !
Trần Lý nói với Long-Xưởng :
– Điện hạ ! Tất cả sứ đoàn, cùng chư đệ tử phái Hoa-sơn, ông nội của đệ đã sai bỏ lên chiếc thuyền đinh của chúng, giải về Thăng-long. Hiện thuyền ấy đậu ở bến Tiềm-long. Còn Ngô Giới thì đệ đã giải y đến ngoài điện, đang chờ điện hạ phát lạc.
Nghe Trần Lý nói, chân tay thái-hậu run lẩy bẩy, bà nói trong hơi thở hổn hển :
– Thế…thế… Lưu tiết độ sứ có ở trên con thuyền đó không ? Người có khỏe mạnh không ?
Nghe thái-hậu hỏi, Thủ-Huy càng phát ghét. Nó nghĩ thầm :
– Con mụ dâm đãng, bất cố liêm xỉ này…trước kia mê Anh-Vũ thị muốn hiến ngôi vua cho y. Thị còn nghe lời y, tàn sát không biết bao nhiêu người. Sau này thị lại mê Lưu Kỳ đến độ muốn giết con, muốn dâng cả giang sơn cho y. Đã vậy ta dọa cho thị kinh hoảng, làm trò cười để lại mai hậu.
Nó đáp lơ mơ :
– Mạnh thì y vẫn mạnh, nhưng khỏe thì không. Vì y…vì y bị…
Tim Thái-hậu muốn đứng lại :
– Tiết độ sứ đã bị…đã bị… thiến rồi ư ?
– Thần cũng không rõ y đã bị thiến rồi hay chưa, nhưng y bị trói như con chó tiền rưỡi không được ăn uống gì từ sáng đến giờ.
Trần Lý là người chính nhân quân tử, chàng thấy em đùa như vậy có hơi quá đáng. Chàng xua tay :
– Tâu thái-hậu, Lưu đại nhân cùng người phái Hoa-sơn tuy bị xiềng, nhưng vẫn khỏe mạnh. Thái-hậu có thể ra thăm người.
Long-Xưởng gọi Tăng Quốc, ban chỉ :
– Tăng tướng quân. Tướng quân hãy hộ tống Thái-hậu với mấy người này ra bến Tiềm-long. Trao họ cho sứ đoàn. Cô gia sẽ phái hạm đội Động-đình tiễn đưa họ về tới Quảng-châu.
Long-Xưởng hỏi Trang-Hòa :
– Trang-Hòa, em tâu lên phụ hoàng với mẫu hậu tình hình cung Cảm-Thánh.
Trang-Hòa bước tới trước nhà vua với Hoàng-hậu :
– Tâu hoàng-thượng. Trưa nay, thần được chỉ dụ của thái-tử, dẫn đội nữ võ sĩ phái Mê-linh tới cung Cảm-Thánh bảo vệ thái-hậu, thì bị một bọn xưng là đại thần, với mấy cung nga, thái giám ngăn lại. Cuộc giao tranh ngắn ngủi diễn ra. Bọn chúng bị bắt hết. Thần tìm thái-hậu khắp cung mà không thấy. Thần sai Như-Như niêm phong tài vật, cho canh phòng cẩn mật. Lại sai Như-Như đem hết vàng, bạc, châu báu của thái-hậu cất vào công khố Hoàng-thành. Riêng những chỉ dụ, văn thư, thư từ thì thần bỏ vào cái tráp. Hiện có đem theo đây.
Nhà vua vẫn ngáy khò khò, dường như giấc ngủ của ngài rất sâu ! Hoặc giả ngài đang luyện thiền-công, xuất hồn tiêu dao ở chùa Lôi-âm, yết kiến Phật Như-Lai cũng nên. Hoàng-hậu vội lay mạnh tay ngài. Ngài giật mình thức dậy, u u mê mê, không biết những gì đang xẩy ra. Như thường lệ, ngài lại hỏi Long-Xưởng :
– Xưởng nhi, vụ này Xưởng nhi định sao ?
Ngài lại ngả đầu sang một bên, nhắm mắt ngủ.
Long-Xưởng trao cái tráp cho Thái-sư Lưu Khánh-Đàm và Thái-phó Hoàng Nghĩa-Hiền :
– Xử tội phải có chứng cớ. Xin các thầy xét tìm những văn kiện nào liên quan với việc Tống sai sứ sang, với ý định chiếm Đại-Việt. Như vậy ta mới có cớ nói truyện phải trái với Tống.
Long-Xưởng lại quay sang phía Trang-Hòa :
– Trang-Hòa ! Bây giờ thái-hậu sắp sửa theo Lưu Kỳ về Trung-nguyên. Từ nay đất khách quê người, người cần nhiều vàng bạc để chi dụng. Vậy em hãy đem tất cả y phục, vàng bạc, vật dụng hàng ngày của ngài cho ngài.
– Tuân chỉ điện hạ.
– Cho mời Ngô tuyên vũ sứ vào.
Thủ-Huy ra ngoài một lúc, rồi dẫn Ngô Giới vào. Ngô bị trói. Hai bên, mỗi bên có một thiếu niên nắm vai y. Trong hai thiếu niên, một người to lớn kềnh càng, cao hơn Ngô Giới một cái đầu. Còn một người nữa, phong tư tiêu sái, như cây ngọc trước gió. Long-Xưởng nhận ra thiếu niên to béo là Tô Trung-Từ, con của Tô Trung-Sách, đệ tử út Tự-Kinh. Còn thiếu niên phong tư tiêu sái, tên Phùng Tá-Chu, đệ tử của Trần Tự-Hấp. Cả hai đều ngang tuổi với Thủ-Huy.
Tá-Chu chỉ Ngô Giới, nói với Long-Xưởng :
– Khải thái-tử, thái sư phụ thần nói rằng : Bọn người Hoa này tuy bị bắt ở Thiên-trường, nhưng họ lại phạm tội ở Thăng-long. Vì vậy người sai anh em thần giải tất cả bọn người mạo xưng là mật sứ về để họ thụ hình. Hiện tất cả đều bị giữ trên con thuyền của họ, tại bến Tiềm-long. Riêng vị đạo sư này muốn diện kiến với thái-tử, nên anh em thần giải họ vào đây.
Phùng Tá-Chu trao cho Long-Xưởng tờ giấy :
– Đây là danh sách tội nhân mà anh em thần giải giao.
Từ lúc thấy Phùng Tá-Chu, trong lòng Cảm-Thánh thái hậu nảy ra một dục vọng :
– Hỡi ơi ! Ta tưởng trên đời này, thì Lưu Kỳ là đệ nhất mỹ nam tử ! Không ngờ, so với thiếu niên kia thì muôn ngàn lần Lưu không bằng ! Lưu đã già, nói tiếng Việt khó khăn, chuyện phòng the khi được, khi không, sao có thể so sánh với thiếu niên này ! Phải chi ta được y làm người tình, thì dù có phải bỏ ngôi thái-hậu ta cũng không tiếc.
Bà hỏi Tá-Chu :
– Thiếu-hiệp ! Tội nhân có những ai vậy ? Đã ai bị hành hình chưa ?
– Tâu thái-hậu, theo đúng bản án mà thái-tử đã tuyên hôm ở Thiên-trường rằng : Cứ mỗi ngày thì đem một tội phạm ra thi hành án cung hình. Vì thế, có tất cả mười tám người bị đem xử…
Đến đây Tá-Chu ngập ngừng như không muốn nói. Long-Xưởng hỏi :
– Phùng huynh đệ, dường như trong khi thi hành án cung hình, có mấy người bị chết chăng ?
Tá-Chu lắc đầu, dường như không muốn nói. Nó chỉ vào Trung-Từ . Trung-Từ cười hềnh hệch :
– Khải thái-tử không có ai bị chết cả. Chính thần là người phụ trách hành hình. Để công bằng, mỗi khi chọn người thụ hình, trước mặt các tội nhân, thần cho rút thăm. Ai trúng phiếu trắng thì thôi. Ai trúng phiếu có hình… có hình… con chim cu bị cụt đầu, thì người đó bị đem ra …
Trung-Từ dùng tay phải dơ lên không chụp một cái, như chụp cái … của nợ, lại dùng cườm tay trái như thanh đao chém ngang.
Tá-Chu tiếp :
– Vì Trung-Từ hành hình theo lối rút thăm, trong mười tám người bị thụ hình, có tới mười lăm người là nữ, thành ra chỉ có ba người…
Tá-Chu dừng lại, để mọi người hiểu ngầm. Trung-Từ cướp lời Tá-Chu :
– Chỉ có ba con chim cu bị xẻo mất đầu.
Thủ-Huy muốn trêu thái-hậu, nó hỏi :
– Dường như trong ba người đó, có người tên là Lưu Kỳ phải không ?
Ba anh em Thủ-Huy, cùng với ba anh em Trung-Từ, thêm Tá-Chu là bẩy, vốn ngang ngang tuổi nhau, họ cùng luyện võ, học văn, nô đừa với nhau từ nhỏ nên họ hiểu nhau hơn bất cứ ai. Nghe Thủ-Huy hỏi, tuy Trung-Từ không biết rõ mục đích, nhưng nó hiểu ý Thủ-Huy rằng, muốn đem Lưu Kỳ ra đùa chơi. Nghĩ vậy nó trả lời :
– Cái ông… Ông Lưu xưng là Tiết-độ sứ ấy à ?
Từ Long-Xưởng cho tới các quan nghe Trung-Từ trả lời, những tưởng thái-hậu sẽ thét lên, rồ


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.