Đọc truyện Ai Là Kẻ Thứ Ba – Chương 10: Do chồng ngoại tình, ly hôn, tôi trở thành kẻ thứ ba
Khi giúp đỡ được mấy người trên mạng, tôi không nhận thức được đó là cái gì. Nhưng không ngờ thư từ tới ngày càng nhiều, rất nhiều người đều kêu cấp bách. Hiểu Tuyết chính là một trong số đó. Cô ấy viết tổng cộng mấy lá thư, đều nói có việc quan trọng nhất định phải gặp mặt, xin chỉ giáo. Chúng tôi hẹn nhau ở một tiệm cà phê. Khi tôi tới nơi, cô ấy đã ngồi ở đó rồi, ăn mặc tuy đơn giản như vẫn rất thời trang, rõ ràng cô ấy khá tự tin về ngoại hình và cách trang điểm của mình. Năm nay Hiểu Tuyết ba mươi tuổi nhưng nom còn trẻ hơn rất nhiều. Tôi chỉ có thể nhìn thấy nét đau buồn thoảng qua từ tia nhìn u tối của cô. Sau khi chào hỏi vắn tắt, cô gọi cà phê và bắt đầu câu chuyện. Hiểu Tuyết xuất thân trong gia đình trí thức, có quan niệm truyền thống về hôn nhân. Thời thiếu nữ, cô luôn mơ tới một bạch mã hoàng tử, và luôn giữ gìn trinh tiết tới khi vào đại học. Thời gian đó có không ít kẻ đeo đuổi cô, và cô cũng thử kết bạn với vài người nhưng chia tay rất nhanh sau đó với lí do “duyên phận chưa tới.”
Kết hôn
Hiểu Tuyết kể câu chuyện của cô như sau:
Tôi và chồng tôi quen nhau khi tôi đang học năm thứ tư. Mùa hè, trời đổ mưa to, tôi tới một hội chợ việc làm. Do đang vướng bận trong lòng, tôi vội vã tới mức quên cả ba lô trên tắc xi. Đang lúc vội mà máy nhắn tin bên hông tít liên hồi (những năm đó, di động chưa phổ biến như bây giờ, sinh viên đại học có máy nhắn tin đã là khá lắm rồi). Thì ra là anh ấy nhắn tin tới, nói rằng anh ta vô tình là hành khách trên chiếc tắc xi đó sau tôi, phát hiện được ba lô của tôi, bên trong có giấy tờ và một mớ tài liệu. Chúng tôi hẹn nhau ra quán cà phê để nhận lại ba lô. Vừa nhìn thấy tôi bước vào, anh ta lập tức đứng lên chào hỏi. Thì ra từ chứng minh thư bỏ quên trong ba lô, anh ấy đã dễ dàng nhận ra tôi. Đó là một chàng trai cao lớn, nét mặt khá cứng, không phải dạng điển trai như tôi vẫn thích. Chúng tôi ngồi đối diện nhau. Khi trả ba lô, anh ấy cười trêu tôi là cô gái hậu đậu: “Có thể quên được những thứ quan trọng như thế này trên xe, nói không chừng ngày nào đó em cũng bỏ quên mình luôn.” Do đã quen với kiểu nịnh nọt của đám con trai trong trường, nên lần này được nghe lời phê bình kiểu đàn anh khiến tôi lại thấy thân mật.
Hôm đó người trong tiệm cà phê không nhiều, tiếng nhạc rí rách tuôn chảy. Rồi chúng tôi trò chuyện tự nhiên dần. Anh ấy lớn hơn tôi hai tuổi, đã tốt nghiệp cùng trường với tôi, hiện đã có một công việc cũng rất khá. Khi nói chuyện xong, nhìn đồng hồ, chúng tôi phát hiện ra giờ đã nửa đêm. Anh ấy đưa tôi về nhà. Và tôi là người tin vào duyên phận. Cũng như tất cả các thanh niên khác, những ngày tháng yêu nhau luôn hạnh phúc và vui vẻ. Tất nhiên cũng không thể thiếu những cãi vã hiểu lầm, nhưng lưu giữ lại trong kí ức luôn là sự lãng mạn. Chúng tôi cùng leo núi, cùng đi xem phim, cùng nghe nhạc và cùng mơ tưởng về cuộc sống tương lai. Cứ như vậy qua một năm, chúng tôi bàn với nhau bỏ việc, tự lập công ty, làm riêng.
Anh ấy lấy hết tiền tích lũy, lại vay mượn thêm của bố mẹ hai bên, lập một công ty nhỏ. Thời gian đầu làm việc rất vất vả. Có lúc muốn mời khách ăn cơm, trả xong tiền ăn, không đủ tiền gọi tắc xi, đành cuốc bộ về nhà. Lúc đó chúng tôi đã sống chung, thuê một căn hộ một phòng ngủ một phòng khách. Căn hộ đã rất cũ nhưng tiền thuê khá rẻ. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi nắm tay nhau đi dạo phố. Tất cả các quán ăn nhỏ gần đó, chúng tôi đều tới ăn cả. Đậu phụ om giá bốn đồng, thịt sợi kho giá ba đồng cùng hai bát cơm, chưa tới mười đồng một bữa, ăn cũng đầy đủ. Công ty phát triển khá thuận lợi, rất nhanh sau đó, chúng tôi đã trả hết được số tiền mượn của bố mẹ và dần dần tích lũy được cho mình món tiền. Chúng tôi cũng sống như những thanh niên khác, mua xe mua nhà và kết hôn sau sáu năm yêu nhau.
Sau đó nhiều lần tôi nhớ lại chuyện kết hôn, thấy hồi đó có phần miễn cưỡng. Lúc đó, chúng tôi đã sống chung được mấy năm rồi. Chỉ ngoài việc chưa làm thủ tục đăng kí, chúng tôi cũng không khác gì các cặp vợ chồng bình thường khác. Khi mới bắt đầu sống chung, anh ấy từng đề nghị kết hôn nhưng tôi nghĩ dù sao cũng phải tích lũy tiền đã, có cơ sở sinh sống và sự nghiệp hẵng hay. Sau đó, anh ấy cứ nhắc lại vài lần, nhưng tôi đều thoái thác bởi lí do đó. Cuối cùng anh ấy không đề nghị nữa, thấy như vậy cũng tốt. Chúng tôi mới chính thức kết hôn từ hai năm trước. Mấy năm sống chung khiến hai bên từ lâu đã mất cảm giác mới mẻ, nhưng do bố mẹ hai bên đều rất sốt ruột, cứ ép lấy nhau. Lúc đó nhà cửa đã mua xong, quy mô công ty cũng lớn dần, tôi cũng thấy là lúc cần kết hôn rồi. Hôm tổ chức đám cưới, bạn bè tới rất đông nhưng khi mặc váy cưới, tôi không hề có chút cảm xúc của một cô dâu, chỉ thấy đã hoàn thành một trình tự đương nhiên phải có. Sau khi cưới, chúng tôi sống trong căn hộ vừa làm nội thất. Căn hộ đó rộng hơn, nghiệp vụ công ty cũng bận hơn. Ngày qua ngày như vậy, thấy không có gì hay ho, cũng không thấy gì tồi tệ.
Li hôn
Khi phát hiện chồng tôi có nhân tình là sau khi kết hôn khoảng một năm. Thời gian đó, anh ấy đi công tác cực kỳ nhiều. Hai chúng tôi thay nhau phân công làm trong công ty theo kiểu “đàn ông ra bên ngoài, đàn bà lo việc bên trong.” Anh ấy đảm nhiệm nghiệp vụ giao dịch bên ngoài, tôi phụ trách quản lí trong công ty. Tôi lựa chọn như vậy còn có một nguyên nhân là anh ấy làm gì cũng tốt nhưng tính đố kị lại rất cao, chỉ cần nhìn thấy tôi thường qua lại với bạn khác giới nhiều một chút cũng không hài lòng. Khi cùng nhau ra ngoài tiếp khách, nếu người khác quan tâm tới tôi nhiều một chút, anh ấy cũng không vui. Có lúc chúng tôi thường cãi nhau về chuyện này. Nhưng thời gian lâu dần, tôi lại nghĩ dù sao đã sống với anh ấy, mình cũng chẳng có ý định gì khuất tất nên tội gì phải cãi cọ với anh ấy cho mệt. Thế nên tôi chủ động lựa chọn quản lý việc trong công ty.
Trước đây tôi đã hơi nghi ngờ rằng anh ấy có người tình bên ngoài. Chồng tôi cực kỳ thích đi công tác Hàng Châu, lần nào cũng nói là do nhu cầu nghiệp vụ cần thiết nhưng sau khi về rồi không hề thấy phát triển được gì về công việc. Tôi biết anh ấy đã quen một phụ nữ ở Hàng Châu, người rất đẹp, rất xuất sắc, hơn tôi rất nhiều mặt. Khi cô ta tới Bắc Kinh, tôi đã từng gặp mặt. Tôi giống hệt như nhân vật nữ chính trong phim Điện thoại di động, tới Bưu điện đóng tiền điện thoại cho anh ta và tra cứu các số điện thoại đã gọi. Tôi phát hiện thấy thời gian đó chồng tôi luôn gọi tới một số điện thoại ở Hàng Châu, mỗi ngày trên một tiếng đồng hồ. Như vậy tuyệt đối không phải do yêu cầu công việc, hơn nữa phần lớn thời gian gọi điện đều là giữa đêm. Tôi đã hiểu ra.
Một hôm, anh ấy lại đi công tác Hàng Châu. Trước khi đi, anh ấy rất hưng phấn. Trước đây, anh ấy đi công tác ra sao, tôi đều không quản lí, khi nào muốn đi thì đi. Nhưng lần này tôi muốn kiểm tra, liền nói, phía Hàng Châu gần đây không có việc gì cần thiết, công ty lại đang bận rộn, anh đừng đi vội. Chồng tôi lập tức nêu ra lí do rằng bố bị bệnh. Bố chồng tôi đang ở Hàng Châu, bị bệnh đương nhiên phải đi thăm. Tôi ra ngoài gọi điện tới di động của bố chồng. Ông bắt máy, giọng rất vang, không hề có chút bệnh tật. Tôi không nói năng gì, dập máy luôn, biết ngay anh ấy muốn đi gặp nhân tình. Hôm đó anh ấy bay chuyến trưa nhưng từ năm giờ sáng đã dậy, hưng phấn tới mức không ngủ lại được. Thật ra tôi cũng tỉnh, hai người nằm trên giường trò chuyện. Tôi nói, “Hôm nay anh đi công tác, em muốn ra sân bay tiễn anh. Mọi lần anh đi xa, em đều không tiễn do cả hai đều bận rộn.” Nghe tôi nói vậy, anh ấy rất kinh ngạc, nói, “Tiễn cái gì cơ chứ, mấy ngày là về ngay.” Tôi cương quyết đòi, “Đúng lúc không có việc gì, cứ để em đi tiễn.” Anh ấy không hề cảm nhận được sự nghi ngờ của tôi, vui vẻ ôm túi xách lên đường.
Trời hôm đó rất u ám, khắp đường một màu xám ảm đạm. Anh ấy lái xe, tôi ngồi bên, nghĩ tới rất nhiều thứ suốt bảy năm chung sống, lòng thấy buồn thê thảm. Lúc đó tôi vẫn còn ôm một tia hy vọng, nghĩ rằng anh ấy sẽ nể tình cảm cùng nhau mấy năm qua, khi tới sân bay sẽ ân hận, không đi Hàng Châu nữa, và về nhà cùng tôi, nói cho tôi hết sự thật, nhận lỗi. Tôi nghĩ nếu vậy, tôi có thể tha thứ. Nhưng suốt dọc đường, anh ấy ngâm nga ca hát như không có chuyện gì xảy ra, còn lấy tay đánh nhịp trên vô lăng. Khi chia tay trong sân bay, anh ấy chỉ vẫy tay về phía tôi rồi quay người đi thẳng. Đúng khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã thực sự “chia tay” nhau rồi. Nhưng dù sao chúng tôi cũng từng có mấy năm tuyệt đẹp, dù đã biết kết quả, tôi vẫn muốn xác nhận lại lần cuối cùng. May thay lúc đó anh trai tôi cũng đang ở Hàng Châu. Tôi nhờ anh trai giúp bám sát họ, quả nhiên nhìn thấy chồng tôi và một cô gái ôm nhau vào khách sạn, rồi cùng đi siêu thị. Khi đi ra khỏi siêu thị, đang đi trên đường, họ còn ăn chung một que kem, mỗi người cắn một miếng.
Mấy ngày sau, chồng tôi từ Hàng Châu trở về. Tôi lại ra sân bay đón anh ấy. Anh ấy rất ngạc nhiên nhưng cũng rất vui mừng. Thật ra lúc đó tôi muốn nghe anh ấy thú tội, nhận lỗi, tôi có thể tha thứ. Nhưng sau khi anh ấy cho va li vào xe, bộ dạng vui vẻ như không hề có tội. Tôi biết đã hết cách cứu vãn, liền dừng xe lại bên đường, nói: “Tôi đã quyết định rồi, chúng ta li hôn thôi.” Anh ta kinh ngạc tới sững sờ, không hề hiểu nổi tôi đang nói gì. Khi tôi kể rằng anh trai tôi đã chứng kiến tất cả, anh ấy mới ân hận, khẩn cầu, thề thốt nhưng không còn tác dụng. Trái tim tôi đã thực sự nguội lạnh. Khi biết tôi không thể chấp nhận, chúng tôi một tháng sau đó làm thủ tục li hôn.
Mê man
Về hôn nhân của mình, Hiểu Tuyết luôn kể thật bình tĩnh nhưng sau đó, tốc độ nói rõ ràng giảm rất chậm. Khi kể xong, cô ấy nhìn tôi.
Tôi hỏi: “Vậy chồng cô ngoại tình được bao lâu rồi?”
Cô ấy nhìn ra cửa sổ, khó nhọc đáp: “Chúng tôi lấy nhau được một năm, anh ấy cũng ngoại tình được một năm.”
Tôi hỏi: “Là cùng thời gian sao?”
Cô ấy vẫn không nhìn tôi, đáp: “Ngoại tình trước, kết hôn sau.”
Tôi hỏi: “Tại sao lại xảy ra chuyện như vậy?”
Hiểu Tuyết nghĩ một lúc, nói: “Sau sáu năm yêu nhau, cảm giác mới mẻ đã không còn nữa, đã mất sạch cảm giác. Sau đó việc anh ấy ngoại tình cũng là khó tránh.”
Nói xong, cô ấy thôi không nhìn ra cửa sổ nữa mà hỏi lại: “Tình yêu rút cục có thể kéo dài được bao lâu nhỉ?”
Tôi đáp: “Tình yêu ngắn hay dài do khác nhau bởi con người. Nếu tâm đầu ý hợp, cả hai vẫn có thể không ngừng tạo ra cảm giác mới mẻ, tình yêu sẽ được kéo dài hơn. Nếu cơ sở tình cảm có hạn, tình yêu cũng sẽ ngắn đi. Nhưng bất luận là ngắn hay dài, tình yêu chỉ có hạn.”
Cô ta hỏi: “Vậy sao khi tình yêu đã hết, hôn nhân sẽ dựa vào cái gì để duy trì?”
Tôi đáp: “Thông thường hôn nhân có thể dựa vào mấy tình huống sau. Một là sau khi tình yêu tan biến sẽ xuất hiện tình thân ấm áp. Hai là nhu cầu cần nhau và an ủi của cả hai phía. Dù sao thì hai bên vợ chồng cũng có thể đem lại cảm giác an ủi, lí giải và ủng hộ nhau về mặt tâm lí mà người khác không thể đem lại. Tuy nhiên cũng còn rất nhiều suy tính thực tế, như bị suy giảm mức độ sống sau khi chia tay (chẳng hạn chỉ chung một căn hộ, việc phân công công việc gia đình và vai trò trong gia đình…), sự trưởng thành và giáo dục của con cái, sự thừa nhận của bố mẹ hai bên, nhận định của văn hóa xã hội đối với tình trạng hôn nhân đó, mọi nghĩa vụ trách nhiệm có liên quan, cũng bao gồm cả hình tượng tự tôn của cá nhân mình trong xã hội. Những thứ này đều có thể trở thành nhân tố thực tế duy trì một gia đình. Tuy nhiên có thể nói một cách chắc chắn rằng tình yêu đầu đời nhất định sẽ tan biến.”
Nghe tới đây, cô ấy lại hỏi: “Vậy theo anh, đàn ông hơi thành công một chút có phải rất khó tránh việc ngoại tình?”
Tôi đáp: “Mấy chục năm trước việc ngoại tình ở Trung Quốc rất ít, còn bây giờ quá nhiều. Đối với một người đàn ông thành công, theo như tôi biết, những người có thể tránh được chuyện ngoại tình là con số rất ít.”
Một là, rốt cuộc tôi phải ứng xử ra sao với chồng cũ? Tuy chúng tôi đã li hôn nhưng công ty không chia. Cả hai vẫn cùng nhau quản lý công ty đó, thậm chí mỗi người còn chiếm tới 50% cổ phần trong công ty, và ngày nào cũng phải gặp mặt nhau. Tới giờ, anh ấy vẫn luôn hy vọng phục hôn với tôi. Tôi phải làm gì trong chuyện này? Tình cảm rất phức tạp.
Vấn đề thứ hai là tôi đã có người theo đuổi. Tôi phải cư xử ra sao với người mới này? Chuyện này cũng rất phức tạp.”
Tôi hỏi luôn: “Người theo đuổi này sao lại khiến cô thấy phức tạp? Phải chăng từ quan niệm thông thường, đây không phải là một người theo đuổi bình thường?”
Cô ấy ngần ngừ một lúc rồi đáp: “Chúng tôi gặp nhau trong một bữa tiệc. Đối phương hơn bốn mươi tuổi, đã có gia đình, con cái, sự nghiệp cũng thành công. Hồi đó, tôi vẫn chưa hồi phục lại từ cú sốc li hôn nên khi dự tiệc vẫn lặng lẽ ngồi một góc. Anh ấy chủ động tới nói chuyện với tôi, rất biết chăm sóc. Anh ấy khá đẹp trai. Chúng tôi bị tình yêu sét đánh. Anh ấy đeo đuổi tôi rất sát sao, tôi cũng thích anh ta. Từ con người anh ấy, tôi thấy được sự quyến rũ của người đàn ông thành công. Rất lâu rồi, tôi mới thấy lại những rung cảm.”
Tôi nói: “Nhưng ban nãy cô vừa nói anh ta đã có vợ.”
Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, nói: “Đúng, nhưng tôi không yêu cầu anh ta li hôn. Tôi chỉ cần tình cảm thôi.”
Tôi hỏi: “Cô cho rằng có thể phát triển tình cảm với một người đàn ông có vợ sao? Cô cho phép mình làm như vậy?”
Cô ấy đáp: “Tôi không muốn phá hoại gia đình của anh ấy. Tôi không thấy mình vô đạo đức.”
Tôi nói: “Như vậy, cô đã đạt được mục đích rồi còn có vấn đề gì nữa?”
Trầm ngâm hồi lâu, cô ấy nói: “Sau khi quen nhau, anh ấy hứa hẹn với tôi rất nhiều, cũng đưa ra một số yêu cầu. Tôi không biết chuyện tôi và anh ta sẽ phát triển ra sao, có thể tiến hơn một bước không?”
Tôi nói: “Cô cũng đã nói rồi, không muốn người đàn ông đó lấy mình. Vậy bước tiến tiếp theo mà cô nói chỉ có thể là quan hệ tình dục. Về chuyện này, tôi khẳng định không thể cho cô một kết luận rõ ràng một là một, hai là hai được. Tôi không thể nói một cách đơn giản rằng cô nên tiếp tục với anh ta hay là nên cắt đứt quan hệ. Vậy tôi nói với cô cái gì đây? Tôi phải thông qua việc phân tích quá trình này để giúp cô nhìn nhận lại mình. Cô vẫn chưa nhận thức rõ về mình. Một khi cô đã làm rõ, chính cô sẽ dần dần tìm ra kết luận.”
Tiếp đó, tôi cũng nói với cô ta về phán đoán của tôi.
Tôi nói: “Qua những gì cô kể, cô hỏi và trả lời, tôi có mấy phán đoán sau về cô.
Cô là một phụ nữ như thế nào?
Thứ nhất, cô là một phụ nữ xem ra khá ôn hòa, có sức chịu đựng, có trách nhiệm. Tôi chú ý thấy khi nói về nhân tình của chồng cũ, cô dùng những từ ngữ rất ôn hòa như: “người rất xuất sắc, cũng rất đẹp, có nhiều mặt giỏi hơn tôi”. Chỉ một câu miêu tả như vậy nhưng không phải phụ nữ nào cũng có thể làm được. Dù sao cô ta cũng là địch thủ của cô, vì cô ta mà cô mới mất chồng. Từ đó tôi thấy được sự rộng lượng của cô trong cách đối đãi với con người.”
Cô ấy cười, xen vào nói: “Tôi đặc biệt giỏi việc quan hệ. Công ty có rất nhiều phụ nữ, có người lớn hơn tôi, có người nhỏ hơn tôi. Quan hệ giữa tôi với họ cũng tốt.”
Tôi nói tiếp: “Vậy nhìn bên ngoài, cô là người dễ hòa nhập. Nhưng đồng thời khi cô đã có lựa chọn to lớn, hạ quyết tâm cũng không hề ngần ngừ. Rất nhiều phụ nữ chưa chắc đã quyết tâm vứt bỏ công việc ổn định để tự lập công ty, nhưng cô đã dám làm. Như vậy tính cách của cô vừa nhu vừa cương, rất quyết đoán. Như cách cô xử lí chuyện hôn nhân, một khi chồng cũ của cô hành động vượt ra ngoài giới hạn mà cô có thể chịu đựng được, cô cũng không dành chỗ thương lượng.”
Cô ấy gật đầu: “Đúng thế!”
Tôi nói: “Vậy đó là tính cách gì? Người xưa có câu, nhìn bề ngoài tưởng dễ bắt nạt nhưng thực ra lại khó bắt nạt. Trong trường hợp thông thường, cô rất có khả năng tha thứ, chịu đựng. Nhưng một khi đã quá giới hạn, cô nhất định không tha thứ. Cô cần lí giải đặc điểm này của mình. Nếu sau này còn gặp phải chuyện như gì, nếu cô khẳng định được đó là chuyện có thể tha thứ được thì hãy cố gắng tha thứ. Nếu vượt quá giới hạn, chắc chắn cô sẽ không tha thứ. Về điểm này, hy vọng chúng ta có thể nhất trí quan điểm.”
Cô ấy gật đầu, đáp: “Vâng.”
Tôi nói tiếp: “Thứ hai là về mặt tình cảm, cô yêu cầu bình đẳng. Khi cô chăm lo gia đình và xây dựng sự nghiệp, cô cũng yêu cầu chồng mình phải nỗ lực tương tự. Khi bảo vệ lòng tự trọng của chồng, cô cũng đủ hi sinh. Nếu chồng cô cư xử với cô không đến nỗi, dù không chăm sóc tỉ mỉ lắm, cô vẫn có thể chấp nhận. Nhưng về mặt tình cảm, chồng cô đã lừa gạt cô, khiến cô không thể chấp nhận được khi cảm thấy những gì mình bỏ ra không thu được kết quả tương xứng. Lòng tự trọng của cô lúc đó bị tổn thương.”
Cô ấy lập tức nói: “Đúng vậy, như vậy đối với tôi quá bất công.”
Tôi nói: “Cô xem, tình cảm trong câu nói này mãnh liệt như vậy, đã bộc lộ rõ bản tính của cô.
Thứ ba, nhìn từ bên ngoài, cô là một phụ nữ có lòng tự trọng không quá nhạy cảm. Dù kẻ khác nói gì, đàm tếu gì, cô cũng không quá chú tâm. Nhưng trên thực tế, lòng tự trọng của cô lại phản ứng rất mạnh mẽ ở một số mặt. Trong khi miêu tả toàn bộ sự việc, cô không chỉ thấy rằng đối phương đã vứt bỏ cô, lừa dối cô về mặt tình cảm, mà còn cảm thấy về bộ mặt, về sĩ diện cũng bị thương tổn đáng kể.”
Hiểu Tuyết nói: “Phải, tôi là một người có lòng tự trọng rất mạnh. Tôi đã đối đãi với chồng cũ ‘của tôi tốt như vậy, ra sức làm việc cực khổ, nhưng anh ta lại ở ngoài làm bậy. Tôi không thể chấp nhận được.”
Tôi nói: “Đây là điều cô cần phải nhìn rõ. Phản ứng tự trọng của cô về mặt này rất mạnh.
Thứ tư, trong chuyện hôn nhân, cô có một mớ lí thuyết và công thức. Cô yêu cầu một gia đình tương trợ lẫn nhau, bất kì bên nào cũng không được phạm luật. Nếu chồng cũ của cô không ngoại tình, cô có cho phép mình ngoại tình không?”
Cô ấy lắc đầu, đáp: “Không.”
Tôi nói: “Đó chính là công thức số một trong chuyện tình cảm của cô. Trong một gia đình bình thường và hợp pháp, cô tuân thủ công thức đó. Cô không thể chấp nhận được khi đối phương phạm luật và ngay cả chính cô cũng vậy. Nhưng cô có phát hiện thấy mình còn có công thức thứ hai không? Giờ đây cô bước vào gia đình người khác. Người đàn ông đó đã có vợ. Mối quan hệ giữa cô và anh ta chính là tình cảm ngoài hôn nhân. Cô không có yêu cầu đạo đức gì đối với mình trong mối quan hệ này, lí do là không muốn kết hôn với đối phương. Cô cho phép mình thực hiện một dạng thường được gọi là “hành vi yêu đương bất bình thường”. Đó là một dạng công thức của cô. Nhưng cô có từng nghĩ rằng vợ của đối phương cũng rơi đúng vào trạng thái trước khi cô li hôn. Tôi không cần về câu chuyện người đàn ông đó lập nghiệp thành công ra sao. Tôi cũng tình nguyện tin rằng anh ta là một người đàn ông vô cùng quyến rũ. Thậm chí tôi cũng tin rằng anh ta yêu cô rất chân thành. Nhưng tôi muốn nhắc nhở cô rằng cô sẽ phải đối mặt với một tình cảnh khó khăn.
Có thể tưởng tượng được quá trình xây dựng sự nghiệp của một đôi vợ chồng từ không tới có, cũng có thể giống những gì cô từng trải qua, có mộng tưởng về cuộc sống tương lai cùng bao năm tháng vất vả cùng nhau chung sức. Cô từng nói với tôi rằng, tình nhân của chồng cô cũng không hề yêu cầu chồng cô về chuyện hôn nhân nhưng điều đó không hề làm giảm bớt những thương tổn mà cô phải chịu. Vậy giờ đây nếu vì sự xuất hiện cô lại làm một gia đình khác phải tan vỡ thì vợ con anh ta phải chấp nhận ra sao? Đúng vậy, rất nhiều phụ nữ đối mặt trước hoàn cảnh như vậy chỉ biết ứng phó bằng cách im lặng. Liệu cô có dũng cảm đối mặt trước những thương tổn mà cô có thể gây ra đối với gia đình đó, trước những trách móc oán thán của vợ con anh ta? Những chuyện này cô phải nghĩ cho kĩ.”
Cô ta hiển hiên không hề chuẩn bị tinh thần, nên có phần xúc động.
Tôi nói tiếp: “Ngoài ra, cô có thể bảo đảm rằng mối tình của cô và người đàn ông thành công kia là tình yêu duy nhất của anh ta ngoài hôn nhân không?”
Cô ta sững người.
Tôi nói: “Đối với một nhà kinh doanh thành công, lại có sức quyến rũ như vậy, dùng như câu mà cô đã nói là “tiếng sét ái tình”, sau đó tình cảm nóng bỏng nhanh chóng, lao vào nhau và đưa ra nhiều yêu cầu, bao gồm cả yêu cầu về tình dục. Vậy hoàn toàn có thể tưởng tượng được, trước khi gặp cô, anh ta có thể cũng có một hoặc nhiều tình huống như vậy. Cô có tư tưởng chuẩn bị không? Cô nói mình không muốn thay thế vợ anh ta vì trong trái tim cô, vợ anh ta là hợp pháp. Nhưng chuyện ngoại tình thì không chỉ một mình cô, cô có chấp nhận nổi không?”
Cô ta quả quyết lắc đầu: “Tuyệt đối không thể chấp nhận.”
Tôi nói: “Yêu cầu của cô ở đây vẫn là bình đẳng. Cô cần phải hiểu được điều này.”
Nói tới đây, tôi ngừng lại, đợi phản ứng của cô ta.
Cô ta im lặng rất lâu, hình như đang nghĩ gì đó, rồi nói: “Từ sau khi li hôn, tôi luôn đau khổ vô cùng. Để rời bỏ được vực sâu đau đớn đó, tôi nghĩ rằng mình nhất định phải túm vào một cọng cỏ.”
Tôi gật đầu: “Người đàn ông này có thể chính là cọng cỏ như vậy. Cô muốn mượn anh ta để vượt qua đau khổ. Điều này đem lại hiệu quả ngắn hạn nhưng tiếp đó thì sao? Tôi sẽ không giúp cô đưa ra kết luận đâu. Chí ít câu hỏi đầu tiên mà cô vừa hỏi, rút cục phải cư xử ra sao với chồng cũ? Ý kiến tôi thế này: cứ tiếp tục làm chung, cư xử như bạn bè, không nhất định sẽ phục hôn nhưng cũng không tuyệt đối không loại bỏ khả năng đó.”
Cảm động
Trước khi chúng tôi giã từ, Hiểu Tuyết kể về câu chuyện của chồng cũ cô sau khi li hôn:
Sau khi chúng tôi li hôn, nghe nói chồng tôi và nhân tình của anh ta cũng chia tay. Có thể do ân hận, trước khi li hôn, chồng tôi đã để cho tôi căn nhà, một mình dọn ra ngoài. Cuộc sống của anh ấy tự do hơn nhưng số lần đi công tác ít hẳn. Những vụ giao đãi, tiếp khách của công ty, trước đây tôi không hề tham gia nhưng bây giờ anh ấy luôn xin tôi đi cùng, kiếm cơ hội nói chuyện với tôi. Sinh nhật tôi trước đó không lâu, anh ấy giấu tôi tổ chức một party khá lớn, đặt rất nhiều hoa tươi, mời rất nhiều bạn bè. Tuy miệng tôi không nói câu nào, nhưng lòng rất cảm động. Thật lãng mạn, chỉ tiếc tới quá muộn.
Mấy ngày trước khi hết giờ làm, anh ấy nói với tôi rằng buổi tối muốn mời tôi uống trà. Tôi định từ chối. Anh ấy nói là để bàn công việc nên tôi đành nhận lời. Anh ấy đã đặt sẵn bàn ở khách sạn, gọi những món mà tôi yêu thích nhất. Tôi đã quyết tâm không rung động nữa nhưng vẫn hơi xao xuyến. Trong bữa ăn, anh ấy không động đũa lắm, chỉ nhìn tôi ăn. Tôi nói: Không phải anh muốn bàn chuyện công ty sao? Nói đi chứ? Anh ấy nhìn tôi hồi lâu không nói được gì, mãi sau, anh ấy mới thốt lên: Tha thứ cho anh, hãy cho anh một cơ hội nữa. Mặt tôi lạnh tanh nhưng lòng như thể bị dao đâm lún một nhát, ra sức ngoáy bên trong. Anh ấy rút từ trong túi ra một cái lọ thủy tinh. Đó là chiếc rất bình thường, không chút bắt mắt. Anh ấy mở lọ ra, rút từ bên trong ra một mẩu giấy. Đầu tôi đập thình thịch, tôi buột miệng hỏi: Sao anh còn giữ cái này?
Đó là mảnh giấy chúng tôi đã viết khi vừa dọn vào sống chung. Do nhu cầu công việc, giờ giấc sinh hoạt của chúng tôi rất lộn xộn. Có lúc khi anh ấy về nhà thì tôi đã ngủ. Khi tôi thức giấc, anh ấy lại vừa nằm xuống không lâu. Chúng tôi thường trao đổi những mẩu giấy viết cho nhau trước khi ngủ hoặc trước khi ra khỏi nhà, chẳng hạn như: “Cơm sáng còn nóng trong nồi”, “Có trứng gà rán trong tủ lạnh”, “Em đã mua loại bánh chưng mà anh thích ăn nhất”, “Tối nay anh đi tiếp khách, không thể ở nhà với em”… Tất nhiên còn có một số câu ngọt ngào nữa. Tôi đã quên những câu nói đó từ lâu.
Tôi hỏi: “Tại sao anh còn giữ những thứ này?”
Anh ấy đáp: “Lúc đó anh tiện tay nhét vào lọ, không hề cố ý, chỉ thấy vui vui. Sau đó anh để trong va li, cũng quên khuấy mất. Sau khi chia tay ở một mình, anh nhớ lại nhiều chuyện đã qua, vô tình phát hiện ra cái lọ này và đọc hết lại chỗ giấy đó. Mỗi lần đọc đều cực kỳ buồn, thấy mình không biết trân trọng.”
Hiểu Tuyết chậm rãi kể câu chuyện của mình, sắc mặt hồng hào trở lại. Đối với cuộc sống tương lai của cô ấy, với khó khăn mà cô ấy đang gặp, tôi không thể đưa ra bất kì kết luận gì nhưng dường như cô ấy cũng hiểu ra được điều gì.