17 Âm 1 (full)

Chương 9: Phân Hủy Xương (4)


Bạn đang đọc 17 Âm 1 (full) – Chương 9: Phân Hủy Xương (4)

Mùa xuân, 4 giờ chiều

Lâm gục người xuống, vịn lấy chiếc lavabo sứ để làm điểm tựa. Mặt cậu nhăn lại vì đau đớn, đầu chẳng thể suy nghĩ gì ngoài chú tâm vào vùng bị tổn thương. Cái vị trí ở cổ tay trái, nơi cậu đeo chiếc vòng bạc như đang bị thiêu vậy. Nó bỏng, rát; rát theo kiểu dù đã cố để chiếc vòng không còn tiếp xúc trực tiếp với da nhưng vết thương vẫn cứ tự mở rộng và tiếp tục ăn mòn. Lâm vội vàng mở vòi nước, đưa tay để dòng nước lạnh xối trực tiếp lên.

Cơn đau dịu đi ngay lập tức.

Lâm trút hơi thở ra khỏi lồng ngực, chậm rãi hướng mắt xung quanh không gian xung quanh mình. Chất lượng nhà vệ sinh công cộng ở khu chợ tệ thật. Mặc dù nằm cạnh khu bày bán cá ngập mùi tanh tưởi, nhưng cậu vẫn có thể nhận ra cái mùi ngai ngái bốc lên vì vệ sinh không sạch, ngay cả thành ngồi bồn cầu cũng đầy những vết trầy xước vì bị đạp giày. Lâm bất giác nhìn xuống tay mình. Cậu không chắc thứ nước này có đủ sạch để rửa vết thương không nữa, chỉ là lúc đó đầu cậu hoàn toàn quên béng đi chất lượng vệ sinh.

Sau khi cơn đau đã biến mất và cảm thấy chiếc vòng không còn tiết thêm chất gây hại nữa, Lâm liều mình rút tay ra khỏi làn nước, giơ lên dưới ánh đèn mờ. Vết hằn đỏ in trên cổ tay trái của cậu trông như một lời cảnh cáo, cậu chỉ hy vọng nó không để lại biến chứng về sau. Ác thật, nhưng cũng dễ thông cảm. Lâm lắc đầu ngán ngẩm rồi xốc balo lại, mở cửa ra.

“Hai ngàn.”

Cậu khựng lại, nhìn sang người đang chặn đường. Một thằng nhóc loi choi, đầu vuốt keo xanh đỏ và mặc bộ đồ cũ rích. Đến giờ cậu mới nhận ra nó là người giữ khu nhà vệ sinh công cộng, cái thùng chứa giấy vệ sinh được xếp sẵn ở bên trên có thêm tấm bảng với dòng 2k/cái được viết bằng tay nhìn xiên xiên quẹo quẹo. Lâm nhướng mày, nhìn lên.

“Vô rửa tay chứ có xài giấy đâu mà đòi tiền?”

Thằng nhóc liếc mắt quét qua đối phương từ trên xuống dưới, vẫn giữ nguyên thái độ khinh khỉnh ra mặt. Nó xòe tay ra, hướng về phía cậu học sinh.

“Hai ngàn!”

Lâm tắc lưỡi, lấy từ trong túi quần ra tờ bạc lẻ trả cho nó cho xong chuyện, rồi nhanh chóng rời đi.

Cái vòng bạc đột nhiên lóe sáng.

Lâm dừng chân lại, vô thức đưa tay lên kiểm tra xem liệu mình có vừa nhìn nhầm. Không hiểu sao kể từ lúc có chiếc vòng trên tay, cậu luôn có cảm giác bản thân bị ai đó theo dõi, như thể mọi cử chỉ đều bị giám sát và sẵn sàng đưa ra hình phạt ngay lập tức vậy. Cậu biết cái vòng không hề bình thường, và mẹ của Trung Hải cũng vậy.

“Miễn là con giữ lời thì cô cũng sẽ không vượt quá giới hạn.”

Lâm lắc đầu, rủ đi câu nói văng vẳng bên tai.

Nhà cậu nằm ở trong một con hẻm nhỏ, có song sắt rào dọc bờ hiên và cánh cửa kim loại đóng chặt, đặt ổ khóa ở bên trong. Cậu mò mẫm lấy chìa khóa từ trong balo ra rồi luồn tay vào trong, tìm kiếm. Nhưng khi chợt nhận ra sự hiện diện của vật dụng bảo an không ở đó, Lâm thu tay lại, nắm lấy thanh sắt, đẩy nhẹ nó vào trong.

Và đúng như cậu đoán, đã có người về nhà trước khi cậu về đây.


“Ơ hôm nay con về sớm vậy? Có mắc mưa không con?”

“Dạ không, con đợi tạnh mưa mới về.”

“À.”

Lâm khép cửa lại, trả lại sự tĩnh lặng cho căn phòng. Mẹ cậu đang ngồi dưới đất nhặt rau, mái tóc dài đến vai đã được buộc gọn và trang phục cũng đã được thay theo kiểu ở nhà. Cậu nhận ra có vỉ thịt đang rã đông trên bồn rửa bát, cộng thêm loại rau mà mẹ cậu đang nhặt thì Lâm đoán hôm nay bữa tối sẽ là món canh rau ngót và thịt kho. Cậu mỉm cười, đặt cặp qua một góc rồi ngồi xuống cạnh bên.

“À thôi, bỏ xuống đi để mẹ tự làm cho.” Mẹ cản lại, giành lấy cây rau từ tay cậu. “Sẵn tiện đang sẵn đồ, chút nữa con qua nhà bác Hai Hổ trả nợ dùm mẹ được không?”

Lâm khựng lại, ngẩng mặt lên. Mẹ cậu rút từ trong túi quần ra một cuộn polime đủ màu sắc, kẹp thêm mảnh giấy vào giữa sợi thun cho khỏi trơn tuột. Cậu ngập ngừng, song vẫn nhận lấy nó bằng cả hai tay.

“Nhiêu đây đủ chưa m–?”

“Có gì…” Mẹ cậu cắt lời, nhưng rồi giọng bà ấy trở nên ngập ngừng đi, ánh mắt cũng chẳng nhìn thẳng. ” Có gì xin bác Hai Hổ cho mẹ khất hai triệu, nói là có gì tháng sau mẹ sẽ trả bù.”

Lâm mím nhẹ môi lại, rồi thả ra ngay lập tức. Gương mặt của mẹ cậu hơi cúi xuống, trầm ngâm, như thể cọng rau có gì đó vô cùng đặc biệt khiến bà ấy phải dành cả tâm trí để tập trung vào vậy. Lâm bất giác trút nhẹ một luồng hơi ra khỏi phổi, vịn tay xuống đất, rồi đứng lên.

“Vậy bây giờ con đi trả luôn nhé?”

“Ừ.” Mẹ cậu gật đầu. “Nhớ về sớm, đừng ở lại lâu.”

Trong một giây nào đó, cậu thật sự muốn đáp lại bằng câu Làm như về sớm hay không là do con quyết chắc?, nhưng khi đôi mắt chạm đến hình ảnh của một người phụ nữ tiều tụy ngồi dưới sàn, cậu quyết định nuốt ngược câu trả lời vô lễ xuống cổ họng. Lâm quay người, đút tiền vào túi rồi xỏ giày, tiến về phía cửa. Mẹ cậu vẫn chăm chú vào công việc nhặt rau cho bữa tối. Tiếng cánh cửa sắt đóng lại nghe thật chói tai.

Gọi xe ôm công nghệ đợi mất mười phút, rồi mất thêm mười lăm phút để di chuyển từ nhà cậu đến nơi mà cậu cần đến để giải quyết vụ nợ. Lâm trả nón bảo hiểm lại cho bác tài khi đến đích, đôi mắt bất giác láo lia xung quanh con hẻm nhỏ với đủ các thành phần. Ở đây có một vài người cậu biết mặt, nhưng chẳng biết tên, và chắc có lẽ cậu cũng chẳng bao giờ muốn biết. Lâm cúi đầu xuống, bước thẳng về phía ngôi nhà lớn nhất khu.

Cửa không đóng, nên Lâm cứ thế bước vào phòng khách của căn nhà được phết màu vàng nhạt, chậm rãi nhìn xung quanh để kiếm người mà mình cần tìm. Căn phòng khá lớn, bày trí nhiều vật dụng thuộc về gu thẩm mỹ mà cậu không hiểu được, nhưng bản thân cậu vẫn biết những thứ đó đều tính từ hàng bạc triệu trở lên. Có một bộ bàn ghế gỗ được đặt ở giữa không gian đón khách, khăn trải bàn đỏ kiểu cũ với hoa văn xanh lá cây, lót bên trên là tấm kính dày. Có một chai rượu và đĩa đồ nhắm đã vơi mất một phần ở trên đấy. Lâm khẽ nhăn mặt lại, bật một tiếng chửi thầm vì bản thân vừa chọn giờ ngu.

“Ahaha, tao mà lại! Làm gì có chuyện mất uy tín thế được!”

Lần nào cũng vậy, lần nào đến đây thì cậu luôn nghe thấy tiếng của bác ta trước, rồi mới thấy được người. Hai Hổ bước ra từ sau nhà, cái dáng người tròn trịa khi lướt qua tấm rèm hạt gỗ khiến chúng va vào nhau tạo thành những tiếng lộp độp. Vẫn là bộ trang phục với hoa văn cầu kỳ đó, vẫn là cánh tay với những hình xăm đủ màu. Người ta gọi bác ta là Hai Hổ không hẳn là vì hình xăm con hổ Đông Dương bên bắp tay trái của bác ấy, mà là vì trước đó bác ta tự xưng như thế, nên sau này có người đến xăm tặng. Những cái nhẫn vàng trên ngón tay khiến người khác lóa cả mắt, Hai Hổ bấm tắt điện thoại, nhìn về phía cửa ra.

“Ủa Duy Lâm đấy à?” Và lần nào cũng vậy, bác Hai Hổ luôn chào đón cậu với dáng vẻ vui mừng, làm ra vẻ ngạc nhiên lắm. “Tới hồi nào đó con?”


“Dạ con mới đến…”

“Vô ngồi đi! Đứng ngoài cửa làm gì cho mỏi vậy?”

“Dạ không cần đâu bác, nay con đến để trả n–”

“Ngồi xuống đi rồi nói.”

Lâm nuốt nước bọt, miễn cưỡng rút tay ra khỏi túi rồi tiến về phía chiếc ghế gỗ, chọn cho mình một vị trí ít bị để ý nhất. Mùi rượu thoang thoảng khi Hai Hổ lướt ngang qua khiến cậu bất an đến sợ, nhưng nghĩ theo cách tích cực thì vào những lúc không tỉnh táo thế này, bác ấy sẽ trở nên ít tính toán hơn. Lâm đợi Hai Hổ ngồi xuống ở băng ghế đối diện rồi mới lấy tiền ra từ trong túi, đưa bằng cả hai tay.

“Mẹ con có xin bác cho phép khất hai triệu…”

“Lại nữa à?”

Dù mặt khó chịu, nhưng Hai Hổ vẫn nhận lấy số tiền đó. Bác ta chấm ngón tay cái vào đầu lưỡi, rồi vừa lật vừa nhẩm theo số tiền. Lâm khẽ nhìn ra ngoài, hôm nay không có vị khách nào đến đây.

“Thiếu hai triệu thật.”

“Mẹ con có hứa là tháng sau sẽ trả bù đủ. Có gì bác thông cảm được không?”

Hai Hổ phì cười, nhưng gương mặt của bác ấy vẫn tỏ ra khó chịu. Bác ta quẳng xấp tiền lên bàn rồi đứng dậy, bắt đầu di chuyển về phía vị khách thân quen. Lâm vẫn ngồi yên.

“Chắc là,” Hai Hổ đi vòng qua phía sau lưng chiếc ghế gỗ, đặt tay lên gáy đối phương. “mẹ con có nói với con về việc bác coi trọng chữ tín thế nào chứ nhỉ?”

“Dạ con biết chứ.” Lâm thở ra. “Nhưng mà dù sao thì nhà con cũng trả sắp hết rồi, chỉ là lần này xoay sở không kịp nên…”

“Mà bác tự hỏi sao mẹ con không tự đến đây đi nhỉ?” Bàn tay của Hai Hổ dần di chuyển từ gáy sang yết hầu, để ngón trỏ chạm dọc theo xương quai hàm của Lâm. “Ai nợ thì người đấy xin. Bác không muốn nói nặng nói nhẹ vụ tiền bạc với con đâu.”

“Mẹ con bận đi làm mà, có gì bác cứ nói với con, con sẽ về chuyển lời lại.”

“Dù sao cũng là một thời cùng nhau đồng cam cộng khổ, mẹ con cứ xa lánh thế làm bác cũng hơi buồn.” Rồi ngón cái của bác Hai Hổ men dọc theo vành tai của đối phương, mân mê nó như thứ gì đó mềm mại. “Cơ mà bác cũng quý cái tinh thần của con, con trai lớn rồi phụ được mẹ cái gì hay cái đó nhỉ?”


“Bác cho mẹ con khất thêm một thời gian nữa được không?” Lâm ngước đầu lên, nhìn đáp lại. “Con đã tính sẽ đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Lúc đó con hứa với bác rằng tiền sẽ trả nhanh hơn thôi.”

“Thi tốt nghiệp là tới giữa năm lận đó con trai.” Hai Hổ cười lớn, những ngón tay của bác ấy trượt xuống cổ cậu, cho đến khi ngón út chạm phải cổ áo đồng phục mới thôi. “Con phải hiểu là không phải tự nhiên bác phải đi thuê thằng Đạt Chột để bảo đảm mọi người trả đúng hạn. Nếu nhà con cứ được đặc cách mãi như thế, lỡ mấy người kia phân bì thì ai là người chịu trách nhiệm đây?”

“Nếu không ai biết thì không sao đúng không?” Trống lồng ngực của cậu đánh thùm thụp. “Bác biết nhà con giữ chữ tín về vụ yên lặng thế nào rồi mà…”

Hai Hổ phì cười, nhưng đầu bác ấy cúi xuống, hít hà trên đỉnh đầu của vị khách trẻ thân thuộc. Không có bất kỳ sự kháng cự nào cả. Những ngón tay của bác ấy luồn qua lớp áo sơ mi, hất cổ tay khiến cúc áo đồng phục bị nới lỏng, rồi lân la vuốt nhẹ xuống ngực, xuống bụng, chạm xuống đến cả thắt lưng quần, và xuống nữa. Một cái thở phì nghe như tiếng cười phát ra khi người chủ nợ cảm nhận được sự run rẩy. Hai Hổ rút tay lại, nhưng thay vào đó bác ta choàng cả hai tay qua cổ, dí mặt sát vào bên tai của người đang ngồi trên ghế gỗ nâu.

“Ừ, chữ tín về việc giữ im lặng thì bác chưa thất vọng về Lâm lần nào.” Bác ấy thầm thì, hơi thở vẫn thoáng hơi men. “Con trai của mẹ Hồng… khi nào con mười tám ấy nhỉ?”

Cậu im lặng, những ngón tay bấu chặt đến mức hằn cả dấu lên lòng bàn tay.

“Nếu con muốn, bác thừa sức cho mẹ con vay tiền để con đi học đại học.” Hai Hổ khẽ nghiêng đầu, giọng trìu mến. “Con học giỏi mà nhỉ? Bác nghe mẹ con khoe nhiều lắm, bảo rằng ngay cả lựa bạn cũng toàn giao lưu với những bạn chăm ngoan thôi. Con biết đó, hai-ba chục triệu một năm đối với bác là chuyện nhỏ, nhưng với mẹ con thì…”

“Con chỉ đến để trả và xin khất nợ thôi bác à.”

Hai Hổ lại cười, nhưng tiếng thở bị kéo dài một chút cho cậu biết bác ấy có chút thất vọng vì không đạt được mong muốn. Người chủ nợ đứng thẳng người dậy, vuốt nhẹ má đối phương một lần nữa, rồi quay người tiến về phía bàn gỗ nâu.

Lâm lén trút một luồng hơi ra khỏi phổi.

“Nợ với chả nần.” Hai Hổ nhấc chai rượu lên, rót cho bản thân mình ly nhỏ rồi đặt lại chỗ cũ. “Có lẽ con còn nhỏ nên chưa biết nguyên tắc của bác, bác chỉ những người nào bác thật sự yêu quý và tin tưởng mượn tiền thôi, chứ thử người ất ơ nào xem? Đố mà đặt chân được vào cửa.”

Lâm nhìn về phía cửa ra vào, rồi lại vô thức liếc về phía ly rượu trên tay bác chủ nợ. Nó đã cạn hết, và điều đó chỉ khiến tình hình càng thêm tệ. Lâm khẽ hít một hơi thật sâu rồi thở nhẹ, nhìn lên.

“Nên là, con có thể hiểu thứ mà bác cho vay là tín nhiệm.” Hai Hổ cười, nâng cốc rượu lên. “Mẹ con đã đủ tín nhiệm để vay ở chỗ bác. Nếu con muốn, thì con hoàn toàn có thể tự mình vay, lúc đó thì mối quan hệ giữa hai bác cháu mình sẽ chỉ liên quan đến tiền bạc, không bao giờ đi quá giới hạn.”

“Cám ơn bác, nhưng con nghĩ là con không có nhu cầu đâu.”

“Vậy à? Chắc cũng hơi sớm để tính đến chuyện đó.”

Hai Hổ gật gù, nhưng dáng vẻ vẫn không được hài lòng lắm. Lâm nuốt nước bọt, nhìn theo cốc rượu lại được rót thêm rồi dần cạn. Hai Hổ ngồi xuống ghế dài, nhặt chiếc điều khiển tivi, rồi ấn nút mở truyền hình lên.

“Khi nào về thì nhớ mang theo mấy trái lựu về dùm bác nhé.”

“Vâng?”

“Cái bọc trên bàn chỗ gần cửa ra ấy. Nãy bác đã bảo là không lấy mà con nhỏ kia cứ ráng để lại.” Hai Hổ hất đẩu qua bên phải, chỉ về phía chiếc túi nilon màu xanh đậm. “Cứ nói với mẹ là bác Hai Hổ tặng, ăn phụ bác đi chứ nhà bác cũng không thích lựu lắm.”

“Dạ con cám ơn nhưng…”


“Cầm về đi! Không thì bác cũng quẳng sọt rác thôi.” Hai Hổ cắt lời, liếc mắt về phía cậu, giọng lạnh hẳn đi. “Với lại, về nói với mẹ con là nợ thì phải trả đủ. Không thể cứ bắt con sang đây xin xỏ mãi được. Đây sẽ là lần cuối bác cho gia hạn, tháng sau ráng giữ chữ tín đi!”

“Dạ, con sẽ chuyển lời lại. Vậy chào bác giờ con về, con cám ơn!”

Lâm cúi đầu, chào tạm biệt Hai Hổ rồi đứng dậy, nhận lấy cái túi trái cây rồi vội vàng quay lưng rời khỏi căn nhà màu vàng nhạt. Cậu đi bộ, không hiểu sao cậu lại đi bộ, nhưng đôi chân cậu chẳng muốn dừng lại dù chỉ mấy chục giây để đặt lại chuyến xe trở về nhà. Nắng chiều tà làm bầu trời ngả màu cam đậm, tiếng xe cộ tấp nập và inh õi cho cậu biết bây giờ đang là giờ cao điểm vì tan làm. Lâm đi chậm lại khi đến được đầu đường lớn, ở bên phải có một khu công viên đặt dụng cụ tập thể dục, tiếng cười đùa phát ra khắp mọi nơi.

Cái vòng bạc chợt ánh lên.

Lâm dừng lại, cậu không nghĩ cậu lại nhầm. Phải rồi, cậu vẫn chưa xong việc. Lâm mở màn hiện điện thoại lên và vào ứng dụng ghi chú, bây giờ cái danh sách đã bị gạch đi vài lựa chọn, để lại cho cậu những cái tên của địa điểm mà cậu chưa từng ghé thăm.

Cậu đã đến các khu trung tâm thương mại – đông người, dễ vào ra – kiểm tra những chậu cây ở đó nhưng kết quả là không có gì. Trường học và công viên thì nhiều trẻ con quá, cậu không nghĩ thằng Hải lại có tâm lý bất thường như vậy, nhất là khi nó là một đứa tiêu cực kinh khủng, luôn nghĩ đến những kết quả xấu nhất có thể xảy ra. Biến thái thì không nghĩ nhiều như vậy. Bây giờ cậu chỉ còn lại vài địa điểm, song vẫn còn một quãng đường dài phải đi. Để xem nào, cây cảnh, nhiều người qua lại… Nó có thể là bồn hoa, chậu cây hoặc chậu…

Lâm đập bọc trái cây vào thùng rác, mạnh đến mức túi bóng rách toạc ra, làm rơi vãi những trái lựu ra ngoài.

Những người xung quanh bất giác liếc sang cậu học sinh cuối cấp. Lâm cúi đầu xuống, đưa tay vịn lấy trán mình, che khuất cả đôi mắt lại. Sự run rẩy ám trong từng nhịp thở, khiến cậu cảm thấy những mạch máu đang bị căng ra, máu chảy rần rần cấp năng lượng cho cơn phẫn nộ. Con mẹ nó, dù đã cố phân tâm nhưng cuối cùng chẳng có tác dụng. Lâm nghiến răng lại, những câu chửi thề vụn vỡ lọt qua kẽ răng.

Nhưng bộc lộ căm phẫn làm gì? Khi cậu chẳng còn đứng ở nhà Hai Hổ nữa?

“Bác ấy biết con từ lúc nhỏ, lúc nào cũng xem con là con ruột cả.”

Vì món nợ.

“Bác mặc dù nhìn dữ nhưng tốt với nhà mình lắm.”

Vì một tương lai không bao giờ lo lắng về việc nhà cậu đột nhiên bị chặn đánh bởi một đám ất ơ nào đó khi đang đi tản bộ dọc đường.

“Chứ chẳng lẽ con muốn mẹ quay trở về nơi kia?”

Vì mặc dù vai vế lớn hơn, nhưng Hai Hổ có dáng người thấp thấp, so với bác ta thì cậu cao hơn hẳn một cái đầu.

“Cũng may con là con trai, không có gì để mất.”

Nếu được ước một điều, cậu chỉ mong Hai Hổ bị đày tới nơi khỉ ho cò gáy nào đó rồi chết mẹ nó đi.

Gió chợt thổi, mang theo chút cảm giác lành lạnh còn sót của cơn mưa ban chiều. Không hiểu vì điều gì, Lâm đột nhiên bật cười, nhưng gãy vụn và chua chát. Cậu lấy tay quệt ngang mắt lẫn mũi, hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi ngẩng mặt, nhìn về phía những trái lựu rơi vãi dưới chân thùng rác màu xanh đậm.

Chỉ là cậu chợt nhận ra mình vừa lo lắng một chuyện vô cùng thừa thãi. Vì dù sao đi nữa, cậu cũng chẳng cần phải lo chuyện bản thân chạm cột mốc mười tám để làm chi.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.