Đọc truyện Yêu nữ thích hàng hiệu – Chương 32: Phần 13 – 03
Lá thư đầy mùi Jan Naté, loại Eau de Toilette hăng hắc mà lũ con gái chưa dậy thì cả nước ưa dùng. Song không phải vì thế mà tôi nghẹn thở. Có bao nhiêu Anita ngoài đời? Bao nhiêu cô bé trẻ măng có cuộc đời trống rỗng đến mức lấy quần áo và người mẫu của Runway làm thước đo giá trị, lòng tự tin và cả cuộc đời mình? Bao nhiêu người khác nữa mù quáng khâm phục người đàn bà biết quảng bá một thế giới ảo đầy quyến rũ – và không hề xứng đáng với lòng khâm phục ấy lấy một giây? Bao nhiêu cô gái không hề linh cảm được rằng đối tượng của lòng thành kính ấy là một người đàn bà cô đơn, bất hạnh sâu sắc và có cơ địa tàn bạo, không mảy may đáng được hưởng mối thiện cảm ngây thơ ấy?
Tôi muốn khóc nức lên, vì Anita và tất cả các bạn cô đang tuyệt vọng cố công biến mình thành các người mẫu như Shalom hay Stella hay Carmen – để qua đó gây ấn tượng hay làm vừa ý một người đàn bà vốn chỉ nhếch mép, nhún vai vứt thư họ vào sọt rác, không nghĩ đến một tích tắc đến cô gái đã giãi bày hết lòng mình trong một lá thư. Tôi cất lá thư vào ngăn kéo trên cùng của bàn giấy và trang trọng tự hứa với mình sẽ phải làm được gì đó cho Anita. Cô tỏ ra tuyệt vọng hơn mọi người khác từng viết nhưng lá thư tương tụ, và trong đống quần áo vứt bừa bãi vô dụng ở đây nhất định phải có một chiếc áo dài cho cuộc hẹn mà hy vọng là Anita sắp có.
“Emily, tôi chạy xuống quầy báo dưới nhà xem số Thời trang Phụ nữ Hằng ngày mới đã có chưa nhé. Trời ơi, đã muộn thế rồi. Chị có cần gì không?”
“Chị mua hộ tôi một lon Diet Coke nhé?” Cô hỏi.
“Được ngay, một chút thôi,” tôi hứa và nhanh nhẹn lách giữa mấy giá áo đi ra thang máy, ở đó tôi nghe tiếng Jessica và James hút chung một điếu thuốc và đoán mò có những ai tối nay đến Whitney dự tiệc của Miranda. Tôi thở phào khi Ahmed đã có sẵn cho tôi một số Thời trang Phụ nữ Hằng ngày, tôi với thêm lon Diet Coke mà Emily đặt. Nghĩ một thoáng, tôi cũng đổi lon Pepsi của mình lấy Diet Coke. Pepsi ngon hơn thật, nhưng bù lại tôi thì không phải chịu ánh mắt và lời bình trên tầng.
Mải ngắm hình bìa sặc sỡ của Tommy Hilfinger, tôi không thấy cửa một thang máy mở ra. Trong khóe mắt tôi nhận ra có gì đó màu xanh, một màu xanh lá cây rất đặc biệt – chủ yếu vì bà sếp kính mến của tôi có một bộ Chanel vải tuýt đúng màu xanh này, một kiểu xanh tôi chưa hề nhìn thấy và khiến tôi thích thực sự. Cưỡng lại linh cảm, tôi ngẩng đầu lên và không ngạc nhiên lắm khi đó lại chính là Miranda. Bà đứng thẳng như tượng trong thang máy, tóc chải lật ra sau như thường lệ, chăm chú quan sát nét mặt tôi lúc đó chắc đượm vẻ hoảng sợ. Tôi không còn cách nào khác là tiến vào hang hùm.
“Ồ, Miranda, xin chào,” tôi thốt lên, nghe như nói thầm. Cửa thang máy khép lại sau lưng: chỉ hai chúng tôi cùng đi lên mười bảy tầng liền. Miranda lẳng lặng rút cuốn sổ da ghi chép lịch làm việc là lật trang. Mỗi giây mà chúng tôi đứng sát vai nhau trôi qua, sự im lặng càng sâu sắc và nặng nề hơn. Bà ấy có nhận ra tôi không? Hay là sự hiện diện của tôi ở văn phòng trong bảy tháng qua làm trợ lý cá nhân không hề được bà ghi nhận? Hoặc tôi thì thào quá khẽ khiến bà không nghe được? Tại sao bà không hỏi tôi ngay về bài phê bình nhà hàng, và tôi đã nhận được tin nhắn của bà sai đặt mua đồ sứ mới chưa, hay mọi thứ cho bữa tiệc tối nay đã sẵn sàng? Bà xử sự như trong hộp thang máy này ngoài bà ra không còn sinh vật nào khác – ít nhất là sinh vật nào đáng để bà chú ý đến.
Sau chừng một phút, tôi nhận ra thang máy chưa chuyển dịch được phân nào từ khi tôi bước vào. Ôi lạy chúa! Có nghĩa là bà đã thấy tôi, và chắc mẩm là tôi sẽ nhấn nút lên tầng. Song tôi lại choáng váng đứng ngây ra. Tôi lấm lét với tay nhấn nút số mười bảy, luôn sẵn sàng đợi sấm sét giáng xuống đầu. Nhưng ngoài việc thang máy vút lên cao, không có gì xảy ra cả; chắc là bà không nhận ra là chúng tôi từ nãy đứng im tại chỗ.
Tầng năm, sáu, bảy… thời gian như kéo dài vô tận, không gian tĩnh lặng làm tai tôi ù lên: rốt cuộc tôi thu hết cam đảm nhìn lên và thấy Miranda đang quan sát tôi từ chân đến đầu. Bà đưa mắt điềm nhiên quét từ giày lên quần và áo, lên tiếp mặt và tóc nhưng không nhìn vào mắt tôi. Ánh mắt của bà báo hiệu sự kinh tởm vô cảm của các cảnh sát chai lì trong mấy xê-ri phim hình sự khi thấy xác chết bét nhè máu me thứ một trăm. Tôi thoáng điểm qua xem có lý do gì để bà phản ứng như vậy: sơ mi ngắn tay kiểu quân sự, quần bò Seven mới tinh, được bên quảng cáo tặng vì tôi làm việc ở Runway, xăng đan đen có gót tương đối thấp (năm phân) – đôi duy nhất phải bốt hay giày thể thao hay giày lười cho phép tôi mỗi ngày bốn lần, hoặc nhiều hơn, chạy sang Starbucks mà chân không ê ẩm đau. Thường ngày tôi vẫn cố xỏ giày Jimmy Choo của Jeffy đưa cho, nhưng mỗi tuần một lần chân tôi réo đòi nghỉ ngơi. Tóc tôi mới gội và cuốn thành búi trể nải nhưng khéo léo hệt như Emily vẫn làm, móng tay tôi tuy không sơn màu song bù lại rất dài và trông tương đối ưa mắt. Lần cạo nách cuối cùng cũng chưa đến bốn mươi tám tiếng. Kiểm tra da mặt vừa rồi cũng không thấy mụn nhọt gì cả. Mặt đồng hồ đeo tay Fossil của tôi quay vào phía trong, đề phòng ai đó thoạt nhìn là nhận ra mác ngay. Tôi cẩn thận sờ tay phải xem quai nịt vú có hở ra ở đâu không. Vậy thì sao? Tại sao bà ấy nhìn tôi như vậy?
Tầng 12, 13, 14… Thang máy dừng lại để lộ một khu lễ tân trắng toát đến chói mắt và một cô gái toan bước vào. Nhưng khi thấy Miranda cô hốt hoảng bật ngược trở lại.
“Ô, tôi, à…” cô lắp bắp. Trong nỗi kinh hoàng, cô ngó quanh tìm một cớ thoái thác để khỏi phải bước vào địa ngục cá nhân của chúng tôi. Trong thâm tâm tôi chúc cô thoát khỏi chốn này, tuy nếu có ai cùng vào thì tất nhiên dễ chịu hơn cho tôi. “Thôi chết, tôi quên mất cuốn ảnh đem kiểm tra rồi,” rốt cuộc cô cũng nảy ra một cớ và quay phắt trên đôi Manolo gót cao lênh khênh nguy hiểm để biến mất. Miranda có vẻ không để ý gì. Cửa đóng lại.
15, 16, rồi cuối cùng cũng đến tầng 17! Trước cửa thang máy là một nhóm trợ lý thời trang của Runway đang vội vã đi lấy thuốc lá. Diet Coke và rau trộn, nghĩa là đi ăn trưa. Những khuôn mặt xinh đẹp, trẻ trung và khiếp sợ. Thiếu chút nữa thì họ giẫm đạp lên nhau để mở đường cho Miranda. Đám đông tách ra ở giữa, ba người tránh sang trái, hai người sang phải, và nữ hoàng hạ cố đi vào chính giữa. Mọi người im lặng ngó theo bà, tôi bám theo Miranda vì cũng chẳng thế làm khác. Đằng nào bà ấy cũng chẳng buồn để ý, tôi nghĩ bụng. Nói theo cảm nghĩ của tôi thì chúng tôi đã chịu đựng nhau cả một tuần lễ ngột ngạt trong cái hộp bé xíu tên là văn phòng này mà bà ấy có nhận ra sự có mặt của tôi đâu. Nhầm to, vừa ra khỏi thang máy Miranda quay sang nhìn tôi.
“Aan-dree-aa?” Giọng bà bóp vụn sự im lặng căng thẳng trong phòng. Tôi không trả lời, vì nghĩ đó chỉ là một kiểu nói. Nhưng bà đợi.
“Aan-dree-aa?”
“Vâng, Miranda?”
“Chị đi dép của ai thế kia?” Bà chống nhẹ một tay vào mạng sườn và nhìn tôi chằm chằm. Thang máy đã trôi tuột đi mất, không đem theo lũ trợ lý thời trang đang ngẩn người đứng đó vì rốt cuộc cũng nhìn thấy – và nghe thấy – Miranda bằng xương bằng thịt. Tôi cảm thấy sáu cặp mắt dán vào đôi chân mình, vừa đây thôi vẫn còn thấy dễ chịu nhưng dưới cặp mắt soi mói của năm trợ lý thời trang và một nữ hoàng mốt thì nó đang râm ran ngứa ngáy phát điên lên.
Sự lúng túng nảy sinh từ chuyến đi thang máy cùng nhau (lần đầu tiên!) và chừng ấy cặp mắt dồn vào làm tê liệt trí óc tôi: vì vậy tôi hiểu sai câu hỏi của Miranda, tưởng bà hỏi loại giày nào.
“A, dép này hả?” Tôi trả lời và khi đã buộc mồm nói ra rồi mới nhận ra câu ấy không chỉ vô lễ, mà đơn giản là quá độc địa. Mấy con bé kia cười ré lên và lập tức thu hút cơn thịnh nợ của Miranda.
“Tôi không hiểu vì sao đại đa số các trợ lý thời trang của tôi có vẻ không biết làm gì tốt hơn là ngồi lê đôi mách như mấy đứa trẻ con.” Bà trỏ ngón tay vào từng cô, bởi vì có bị gí súng vào đầu thì bà cũng không biết được lấy một tên trong số họ.
“Chị!” Bà cao giọng nói với một cô mới tinh có lẽ lần đầu tiên trong đời thấy mặt sếp. “Chúng tôi tuyển chị vào đây để tán phép hay để đặt quần áo chụp ảnh?” Cô gái cúi đầu và định mở miệng xin lỗi, nhưng Miranda đã quay sang người tiếp theo.
“Còn chị!” Bà tiến sang Jocelin, người có cấp bậc cao nhất trong đám trợ lý thời trang và được tất cả các biên tập viên yêu mến. “Chị có nghĩ là hàng triệu cô gái khác muốn làm việc của chị và cũng thạo về thời trang như chị?” Bà lui một bước, quan sát những người đứng trước bà từ đầu đến chân, thời gian đủ lâu để mỗi người tự thấy mình béo, xấu và ăn mặc vụng về, rồi xua họ về bàn mình. Đầu cúi gằm, gật lấy gật để, thành thật ngượng nghịu xin lỗi, các cô gái xô nhau chạy về phòng thời trang – để lại tôi một mình. Lại một mình, với Miranda.
“Aan-dree-aa! Tôi không thể cho phép trợ lý của tôi nói giọng ấy với tôi,” bà giải thích và quay về hướng cửa vào hành lang. Tôi có nên đi theo không? Hy vọng Eduardo, Sophy hay một trong số trợ lý đã kịp thời thông báo cho Emily là Miranda đến.
“Miranda, tôi…”
“Đủ rồi,” Bà dừng ở cửa và nhìn tôi. “Chị đi dép của ai thế kia?” Bà nhắc lại câu hỏi. Giọng bà không báo trước điềm lành.
Tôi đưa mắt kiểm tra lần nữa đôi xăng đan đen và nghĩ cách giải thích cho người đàn bà thanh lịch nhất Tây bán cầu rằng tôi đang xỏ đôi dép của Ann Taylor Loft. Liếc nhìn mặt bà, tôi biết im đi là hơn.
“Tôi mua ở Tây Ban Nha,” tôi vội nói và nhìn đi chỗ khác. “Trong một cửa hiệu dễ thương ở Barcelona, ngay cạnh Las Rablas. Ở đấy có cả xê ri của nhà tạo mốt.” Khỉ thật, đôi giày này tôi lôi ở đâu ra ấy nhỉ?
Bà nghiêng đầu, để nắm tay trước miệng. Qua cửa kính tôi nhìn thấy James đi tới, nhưng nhìn thấy Miranda là quay gót biến luôn. “Aan-dree-aa, dép này không chấp nhận được. Các cô gái của tôi là bộ mặt của tạp chí Runway, và loại dép này không phù hợp với thông điệp mà tôi muốn quảng bá. Chị tìm trong kho quần áo một đôi tử tế. Và đi lấy cà phê cho tôi.” Ánh mắt bà rời tôi, chuyển sang phía cửa, cho đến khi tôi hiểu là phải chạy tới mở cửa ra. Bà lướt qua cửa đi về văn phòng, không một lời cảm ơn. Để đi lấy cà phê, tôi cần tiền và thuốc lá, nhưng không cần đến mức phải lạch bạch đi theo bà như một con vịt ngoan ngoãn. Tôi ra thang máy. Năm dollar cho một cốc cà phê sữa thì có thể mượn của Eduardo, và bao thuốc lá mới sẽ được Ahmed ghi vào hóa đơn Runway như ông vẫn làm mấy tháng nay. Tôi đã tưởng có thể lẳng lặng rút lui, song tiếng bà đã bập vào gáy tôi như lưỡi xẻng.
“Aan-dree-aa!”
“Vâng, Miranda,” tôi đứng sững lại, quay nhìn bà.
“Bài phê bình nhà hàng mà tôi bảo chị kiếm đã có trên bàn tôi chưa?”
“À, vâng, thú thật là tôi có vấn đề khi tìm nó. Tôi đã gọi điện cho tất cả các báo, không tờ nào đăng một bài phê bình về nhà hàng châu Á nào trong tuần qua. Bà có tình cờ còn nhớ nhà hàng tên gì không ạ?” Bất giác tôi nín thở đợi đợt tấn công mới.
Dường như bà không để tâm đến lời giải thích của tôi, vì bà vẫn tiếp tục đi về phía văn phòng. “Aan-dree-aa, tôi đã nói với chị là bài này ở tờ Post, chẳng lẽ lại khó tìm đến thế?” Và bà biến mất. Ở tờ Post? Sáng sớm nay tôi vừa nói chuyện với người viết phê bình nhà hàng ở đó, anh ta trang trọng thề với tôi là ở báo ấy không có bài phê bình nào như tôi miêu tả, hơn nữa cả tuần vừa rồi không có lễ khai trương nào đáng kể. Bà này lẩm cẩm thật rồi, và tôi lại là đứa giơ đầu chịu báng.
Vào giờ này thì mua cà phê rất nhanh, tôi tự cho phép mình mười phút để gọi điện cho Alex. Đúng mười hai giờ rưỡi là anh đi ăn trưa. May quá, tôi túm được anh ở số di động chứ không phải lằng nhằng nói chuyện với các giáo viên khác.
“Bé cưng, hôm nay thế nào rồi?” Giọng anh vui vẻ đến khả nghi, khiến tôi phải thật kiềm chế để không phát cáu lên.
“Cho đến phút này thì kinh khủng như mọi hôm, sướng lắm. Hôm nay em mất năm tiếng để đi tìm một bài báo chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng quỷ quái của một người thà chết chứ không nhận là mình nhầm lẫn. Còn chỗ anh thì sao?”
“À, hôm nay rất tuyệt. Anh đã kể cho em về Shauna chưa nhỉ?” Tôi gật đầu, tất nhiên là anh không nhìn thấy. Shauna là một trong những học trò trỏ của Alex và cho đến nay chưa nói một lời nào trong lớp. Alex đã gây áp lực, hứa thưởng quà và nói chuyện lâu với cô bé nhưng không kết quả gì. Anh gần như phát cuồng lên khi cô bé chín tuổi này xuất hiện ở lớp hôm đầu tiên, do một nhân viên công tác xã hội đưa đến và trước đó chưa hề thấy một lớp học từ bên trong. Từ đó anh nung nấu ý định giúp nó.
“Cứ như là con bé không ngậm miệng lại được nữa! Hát một chút thôi. Hôm nay anh mời một ca sĩ nhạc folk đến đây chơi ghi ta với bọn trẻ, và Shauna hát theo ngay. Như lớp băng đã bị phá tan, nó nói chuyện với mọi người, không nghỉ. Nó biết tiếng Anh. Vốn từ tương thích với lứa tuổi, nó hoàn toàn và tuyệt đối bình thường!” Niềm phấn khích của anh lây sang tôi, khiến tôi phải mỉm cười, và đột nhiên thấy nhớ anh. Cú thăm bất ngờ tôi qua rất thú vị, nhưng như thường lệ tôi quá mệt mỏi để có thể góp vui. Giữa hai chúng tôi có một thỏa thuận không nói ra lời và lặng lẽ đợi cho hết hạn tù, hết năm nô lệ này đi, rồi mọi chuyện sẽ lại tiếp diễn như ngày xưa. Mặc dù vậy, tôi vẫn nhớ anh, và vẫn thấy bứt rứt vì chuyện Christian.
“Chúc mừng anh! Không phải vì anh cần sự khẳng định cho khả năng sư phạm kiệt xuất của mình, đó là mặc nhiên! Chắc là anh đang vui lắm.”
“Ừ, cực vui.” Tôi nghe tiếng chuông ở hậu trường.
“Anh ơi, anh vẫn giữ hẹn gặp nhau tối nay đấy chứ?” Tôi hỏi, mong manh hy vọng là anh chưa có kế hoạch nào khác. Sáng sớm nay, khi tôi loạng choạng ra khỏi giường và lê bộ xương đâu nhức vào phòng tắm, anh gọi với theo là anh sẽ mượn băng video, đặt đồ ăn và nghỉ ngơi thoải mái. Tôi lầm bầm đáp một cách mỉa mai không cần thiết là anh nên nghĩ ra trò gì hay hơn cho chính mình, vì đằng nào thì cũng tận nửa đêm tôi mới về và lăn đùng ra giường, và ít nhất thì một trong hai chúng tôi nên tận hưởng cuộc sống vào buổi tối thứ Sáu. Lúc này tôi chỉ muốn nói với anh rằng tôi bực mình về Miranda, về Runway và về chính mình chứ không tại anh, và tôi không tưởng tượng ra thú vui nào lớn hơn là mười lăm tiếng đồng hồ liền được lười nhác nằm trên sofa và âu yếm với anh.
“Dĩ nhiên,” giọng anh có vẻ bị bất ngờ, nhưng vui vẻ. “Anh có thể đợi ở nhà em, rồi mình nghĩ xem làm gì. Cho đến lúc em về anh tán gẫu với Lily.”
“Thế thì quá hay. Bảo cô ấy kể hết về đồ đệ nhỏ của Freud cho mà nghe.”
“Về ai?”
“Không quan trọng. Anh ơi, em phải đi đây. Em không được phép bắt nữ hoàng đợi cà phê lâu hơn nữa. Tối nay nhé, em sốt ruột rồi đấy.”
Eduardo để tôi qua rào bảo vệ sau hai lần hát điệp khúc của “We Didnt Start the Fire” (tôi tự chọn), còn Miranda đang mải nói chuyện khi tôi đặt cà phê lên góc tận cùng bên trái bàn giấy. Phần thời giờ còn lại trong buổi chiều tôi gây sự với tất cả trợ lý và biên tập ở New York Post mà tôi vớ được qua điện thoại và cố giải thích là tôi biết rõ tờ báo của họ hơn chính họ, và tôi chỉ muốn xin một bản sao nhỏ bé của bài phê bình nhà hàng châu Á ra mắt hôm qua mà thôi.
“Thưa chị, tôi đã nói cả chục lần và nói thêm lần nữa: chúng tôi không có bài phê bình nhà hàng nào. Tôi biết bà Prestly là ngườ điên điên và không hề nghi ngờ chuyện bà ấy đày dọa mọi người như dưới địa ngục, nhưng tôi không thể bịa ra một bài báo khi nó không có thực. Rõ chứ ạ?” Đó là câu chót của một cộng tác viên tự do mục Chuyện vỉa hè bị cử đi tìm bài báo ấy để tôi hết quấy rầy. Anh ta rất kiên nhẫn và nhiệt tình, nhưng ý chí làm việc thiện của anh cũng có hạn. Emily đang bàn luận với một phóng viên tự do mục nhà hàng của tờ Post, và James sau khi bị tôi xin xỏ cũng gọi một anh bạn cũ đang làm việc ở phòng quảng cáo, biết đâu anh ta cũng có thể giúp được. Đã ba giờ chiều rồi, và Miranda đã hỏi từ hôm qua: lần đầu tiên tôi không cung cấp được ngay thứ bà muốn.
“Emily!” Có tiếng Miranda gọi từ căn phòng sáng sủa và thân thiện của bà.
“Vâng, Miranda?” Chúng tôi đồng thanh trả lời và bật dậy, không rõ bà gọi ai.
“Emily, tôi nghe chị vừa nói chuyện với bên tờ Post?” Emily thực thở phảo ngồi phịch xuống ghế.
“Vâng, Miranda, tôi vừa đặt máy. Tổng cộng tôi đã nói chuyện với ba người, và họ bảo đảm chắc chắn là trong tuần vừa qua họ không hề có lấy một bài báo nào về nhà hàng châu Á ở Manhattan cả. Có thể báo đăng ở số trước đó?” Tôi đã ra đến trước bàn bà, luôn đổi chân – giờ đã được nâng cao thêm mười phân – và cúi đầu quan sát đôi xăng đan Jimmy Choo đen mà Jeffy cười nhếch mép lấy cho tôi từ kho trang phục ra.
“Manhattan?” Làm sao có thể vừa ngơ ngác vừa thịnh nộ như vậy nhỉ? “Ai nói với chị về Manhattan?”
Giờ đến lượt tôi ngơ ngác.
“Aan-dree-aa, tôi đã nói với chị tối thiểu năm lần là bài phê bình nói về một nhà hàng ở Washington mà chị phải đặt bàn cho tôi ở đó trong tuần tới.” Bà nghiêng đầu, nhếch môi thành một nụ cười – không thể nói khác được – độc ác. “Chính xác là thử thách nào trong dự án này vượt quá sức chị vậy?”
Washington? Bà đã nói với tôi năm lần là nhà hàng ở Washington? Tôi không tin. Hoặc là bà mất trí, hai là bà có niềm vui tàn bạo khi ngắm tôi trong quá trình mất trí. Nhưng chắc tôi mới là đồ ngốc như bà nghĩ, vì tôi lại mở miệng không suy nghĩ.
“Ồ, Miranda, tôi khá chắc chắn là New York Post không có bài nào về nhà hàng ở Washington cả. Như tôi biết, họ chỉ đến xem và bình luận các nhà hàng mới khai trương ở New York.”
“Chuyện tiếu lâm hả, Aan-dree-aa? Chị nghĩ là mình khôi hài lắm à?” Nụ cười của bà vụt biến mất, bà rướn người tới trước trong tư thế ngồi, khiến tôi liên tưởng đến con kền kền đói đang sốt ruột đảo vòng trên con mồi.
“Không, Miranda, à, tôi chỉ nghĩ là…”
“Aan-dree-aa, tôi đã giải thích cặn kẽ hàng chục lần là bài phê bình mà tôi tìm ở trên tờ Washington Post. Có thể chị đã nghe nói về tờ báo tẹp nhẹp này rồi chăng? Giống như New York có tờ New York Times, Washington D.C. cũng có báo riêng của mình. Chị có hiểu mối liên quan ấy không?” Nghe bà không giễu cợt chút nào nữa, thay vào đó là giọng hết sức kẻ cả, tiếp nữa chỉ còn là nói với tôi kiểu bập bẹ trẻ con.
“Tôi kiếm ngay,” tôi cố nói bình tĩnh như vẫn có thể và lặng lẽ ra ngoài.
“À này, Aan-dree-aa?” Tim tôi nảy xóc, dạ dày nhói lên vì phải đợi cú bất ngờ mới. “Tôi xếp chị làm lễ tân ở buổi tiệc tối nay. Chấm hết.”
Tôi nhìn qua Emily, cô ngồi đần ra và những nếp nhăn trên trán cô cho thấy cô điếng người như chính tôi.
“Tôi nghe có đúng không đấy?” Tôi thì thầm với Emily. Cô chỉ gật đầu và ra hiệu tôi ra góc cô ngồi.
“Tôi đã lo chuyện ấy xảy ra,” cô thì thầm đầy quan trọng như một bác sĩ phẫu thuật phải thông báo với gia quyến bệnh nhân là mổ phanh khoang ngực ra sẽ thấy một điều khủng khiếp.
“Không thể thế được. Bây giờ là bốn giờ chiều thứ Sáu. Tiệc bắt đầu lúc bảy giờ. Bắt buộc phải mặc đồ đại lễ. Bà ấy không thể xếp tôi làm ở đó được.” Tôi ngờ vực nhìn vào đồng hồ và cố nhớ từng lời Miranda vừa nói.
“Có chứ, sếp nói nghiêm túc đấy,” cô nói và nhấc điện thoại. “Tôi sẽ giúp chị, okay? Bây giò chị đi tìm bài phê bình trong Washington Post và nộp bản cho sếp trước khi bà ấy đi. Yuri sắp chở bà ấy về nhà làm tóc và trang điểm. Tôi kiếm cho chị áo dài và những đồ khác mà chị sẽ cần tối nay. Đừng lo. Chúng mình sẽ làm xong tất.” Cô nhấc số điện với tốc độ súng máy và thì thào vào máy các lệnh nghe rất khẩn thiết. Tôi đứng đực ra nhìn cô, cho đến khi cô – không ngẩng lên – phẩy tay về phía tôi và chớp nhoáng đưa tôi về thực tại.
“Đi đi,” cô khẽ nói và đưa mắt sang tôi một ánh nhìn mang chút cảm thông vô cùng hiếm hoi. Và tôi đi.