Đọc truyện Yêu nữ thích hàng hiệu – Chương 28: Phần 12 – 02
Cô thở dài như cam chịu một sự thật buồn thảm, khốn khổ. ” Vâng, tất nhiên. Trông trẻ, tôi rõ rồi.”
Rõ đâu mà rõ. Vì lúc xuất hiện tuy bề ngoài cô ta khá thích hợp với các đòi hỏi ( cao lớn, chải chuốt không chê được, khá đúng mốt , và suy dinh dưỡng nghiêm trọng), nhưng hỏi đi hỏi lại sẽ làm việc ở đâu trong ban biên tập.
Tôi bắn sang một tia mắt chết người, song hình như cô không để ý. ” Hừm, chả ở đâu cả. Chị nhớ là ta đã nói chuyện đó rồi chứ? Tôi chỉ được Miranda ủy nhiệm nói chuyện trước, và bây giờ ta đang ở văn phòng thôi. Còn hai đứa song sinh của bà ấy không sống ở đây, chị hiểu chứ?”
” Có chứ, có chứ,” cô nói theo, nhưng tôi đã cho cô ra ngoài danh sách.
Ba người tiếp theo của công ty mối người đợi sẵn ngoài khu lễ tân cũng không hơn gì: tuy bề ngoài họ thích ứng với đòi hỏi của Miranda – quả thật công ty biết chính xác nguyện vọng của bà – nhưng không ai trong số họ đủ tin cậy để tôi cho trông giữ đứa cháu tương lai, và đó là tiêu chuẩn mà tôi đặt ra khi chọn người. Một người đã học nuôi dạy trẻ ở Cornell, nhưng khi tôi khéo léo nhắc là việc này hơi khác so với công việc ngày xưa thì cô chỉ trố mắt ra nhìn tôi. Một cô khác từng đi với một cầu thủ bóng rổ nổi tiếng của NBA và qua đó ” quen giới nổi tiếng”. Khi tôi hỏi cô đã va chạm với con cái những người nổi tiếng bao giờ chưa thì cô bất giác chun mũi và nói, con cái người nổi tiếng ” luôn thuộc loại khó tiêu”. Gạch tên. Ứng viên thứ ba sáng giá nhất, cô lớn lên ở Manhattan, vừa tốt nghiệp ở Middlebury và muốn làm trông trẻ một năm để kiếm đi du lịch Paris. Nghĩa là cô biết tiếng Pháp? Vâng. Vấn đề duy nhất : cô là người thành phố từ đầu đến chân mà lại không có bằng lái xe. Có nguyện vọng học lái xe không? Không, cô thấy đường sá đã đủ ùn tắc lắm rồi. Số ba thế là cũng bị loại. Thời gian còn lại trong ngày tôi vắt óc tìm cách thể hiện một cách khéo léo cho Miranda biết là một cô gái hấp dẫn, thể thao, thạo cư xử trong giới thượng lưu, nhà ở Manhattan, biết lái xe và biết bơi, có bằng đại học, nói tiếng Pháp và xông xênh giờ giấc thì khó thích hợp làm nghề trông trẻ lắm.
Không hiểu bà có đọc được suy nghĩ của tôi không mà lập tức có chuông điện thoại. Tôi nhẩm tính và biết ngay là Miranda đã xuống sân bay Charles de Gaule. Lịch trình chính xác từng giây mà Emily cẩn thận in ra cho biết Miranda đang trên xe về Ritz.
” Văn phòng Miran…”
” Emily!” Bà rít lên. Tôi khôn hồn nhận ra không phải lúc cải chính, ” Emily! Lái xe đưa một chiếc điện thoại khác loại tôi vẫn dùng, có nghĩa là tôi không có một số điện thoại nào cả. Không thể chấp nhận được. Làm sao tôi có thể chỉ đạo công ty từ đây mà lại thiếu danh sách điện thoại được? Chị nối máy cho tôi ngay với ông Lagerfeld.”
” Vâng, Miranda, bà đợi một chút.” Tôi chuyển bà sang chế độ chờ và gọi Emily cầu cứu, tuy rằng nuốt chửng cả ống nghe điện thoại còn dễ tìm ra Karl Lagerfeld trước khi Miranda nổi cơn lôi đình cắt điện thoại, chỉ để gọi lại ngay lần nữa và hỏi: “Ông ấy đâu rồi? Tại sao chị không tìm thấy ông ấy? Chị không biết sử dụng điện thoại hay sao?”
” Sếp muốn nói chuyện với Karl,” tôi gọi Emily. Cái tên khiến cô tức khắc lao vào lục đống giấy tờ trên bàn.
“Okay, nghe đây, mình còn hai mươi đến ba mươi giây nữa. Chị chọn số Biarritz và lái xe, tôi thử gọi Paris và trợ lý,” cô nói trong khi tay thoăn thoắt ấn số. Tôi nhắp chuột vào danh sách hơn một nghìn tên mà hai chúng tôi cùng có trong ổ cứng và lấy ra đúng năm số để thử gọi: số chính ở Biarritz, số phụ ở Biarritz, Studio ở Biarritz, bể bơi ở Biarritz, lái xe ở Biarritz. Xem mục ” Karl Lagerfeld” tôi biết Emily còn bảy số nữa để thử gọi, ngoài các số khác ở New York và Milan. Chúng tôi sẽ chết trước khi xong việc.
Sau số chính ở Biarritz, tôi đang gọi số phụ thì đèn đỏ ngừng nhấp nháy. Emily thông báo, phòng trường hợp tôi chưa nhận ra, là Miranda đã bỏ máy, mặc dù bà mới đợi mười lăm giây là cùng – nghe chừng hôm nay rất vội. Tất nhiên điện thoại lại réo chuông ngay, tôi nhìn Emily với ánh mắt van nài, và cô rủ lòng thương. Câu chào cũng bị cắt giữa chừng giống như tôi lúc nãy, rồi cô gật đầu đầy vẻ nghiêm trọng và hứa hẹn gì đó với Miranda. Như có phép màu, tôi gọi được đến bể bơi ở Biarritz và gặp một phụ nữ không biết lấy một chữ tiếng Anh bẻ đôi. Nỗi ám ảnh phải nói tiếng Pháp có lẽ là nguyên nhân?
“Vâng, Miranda, vâng, Andrea và tôi vẫn đang gọi thử. Chỉ vài giây nữa thôi. Vâng tôi hiểu mà. Không, tôi biết là rất thất vọng. Nếu tôi được phép chuyển bà sang chế độ chờ, mười giây thôi, nhất định sẽ tìm được ông ấy. Okay?” Cô nhấn nút và lật đật chọn số tiếp. Tôi nghe cô cố gắng lắp bắp bằng thứ tiếng Pháp bồi với ai đó, người ấy xem ra không biết Karl Lagerfeld là ai. Chúng tôi thế là chết. Chết cứng. Tôi toan cắt cú điện thoại với bà người Pháp dở hơi cứ tiếp tục hét om lên trong máy thì đèn đỏ lại tắt.
“Bà ấy đi rồi!” Tôi nghe tiếng mình như tiếng bác sĩ cấp cứu khi xoa bóp tim.
“Nhấc máy đi!” Emily hét và tay vẫn thoăn thoắt bấm số.
Điện thoại đổ chuông.
Tôi nhấc máy và không cần phải mở mồm vì biết rõ ai bên kia đầu dây.
“Aan-dree-aa! Emily! Ai cũng được! Tại sao tôi đang nói với chị chứ không phải với ông Lagerfeld? Tại sao?”
Linh tinh mách bảo tôi hãy im mồm và đợi cho cơn chửi mắng qua đi, nhưng như mọi khi, linh tính của tôi lại sai.
“A lôôô! Có ai đấy không? Chuyển tiếp một cuộc gọi hình như quá khó khăn đối với cả hai trợ lý của tôi hay sao ấy nhỉ?”
“Không phải, tất nhiên không, Miranda. Tôi xin lỗi…” Giọng tôi run rẩy nhưng tôi không sao kiềm chế được. “…nhưng có vẻ như không thể tìm ra ông Lagerfeld. Chúng tôi đã thử gọi đến tám số…”
“Có vẻ như không thể tìm ra,” bà nhại lại với giọng chua loét, “Chị nói có vẻ như không thể tìm ra nghĩa là gì?”
Chữ nào trong bảy chữ ấy khiến bà không lĩnh hội được nhỉ? Tôi ngạc nhiên. Có. Vẻ. Như. Không. Thể. Tìm. Ra. Đối với tôi thì quá rõ ràng và chính xác: chúng tôi không tìm thấy thằng cha đó! Vì thế mà bà không thể nói chuyện với hắn được. Nếu bà tìm ra ông ấy thì bà đã tha hồ nói chuyện. Một triệu câu trả lời nanh nọc quay cuồng trong đầu tôi, nhưng tôi chỉ lúng búng như một học trò bị cô giáo phạt vì nói chuyện riêng trong lớp.
“Vâng, Miranda, nghĩa là chúng tôi đã gọi tới tất cả các số có trong danh sách ở văn phòng, nhưng ông ta không có mặt ở bất cứ đâu.:
“Ở đâu được cơ chứ!” Bà nói như hét. Vẻ điềm đạm và lạnh lùng mà bà cố giữ đột nhiên biến mất. Bà lấy hơi một cách cường điệu và nhẹ nhàng tiếp: “Aan-dree-â, chị có biết là tuần này ông Lagerfeld đang ở Paris không?” Tôi cảm thấy như đang ngồi trong lớp dạy tiếng Anh cho người nước ngoài.
“Tất nhiên, Miranda. Emily đã thử hết các số ở…”
“Ngoài ra, chị có biết là ông Lagerfeld đã nói là trong thời gian ở Paris có thể gọi ông vào số di động?” Mỗi sợi cơ trong họng bà cố gắng hết sức để làm cho giọng bà điềm đạm và bình thản.
“À không, trong danh sách điện thoại ở văn phòng không ghi số di động, do vậy chúng tôi không biết là ông Lagerfeld có điện thoại di động. Nhưng Emily vừa gọi được trợ lý của ông ấy và sẽ có số điện thoại ngay.” Emily giơ ngón tay ra hiệu cho tôi trước khi ngoáy một dòng ra giấy và liên tục la lên: “Merci, vâng cám ơn, tội định nói là merci!”
“Miranda, tôi có số điện rồi. Tôi nối máy cho bà ngay nhé!” Tôi cảm thấy mũi phồng ra vì tự hào. Làm việc quá giỏi ! Thành tích quá cao trong điều kiện stress ! Chiếc sơ mi dân gian xinh xắn của tôi mà hôm nay hai – không phải một, mà hai – trợ lý thời trang khen ngợi, lúc này đã có hai vết mồ hôi dưới nách, nhưng không sao ! Tôi sắp cho ngay con mẹ điên rồ này ra khỏi cú điện thoại đường dài – hồi hộp thật.
“Aan-dree-aa?” Nghe như một câu hỏi, nhưng tôi chỉ tập trung dò ra quy luật của sự lẫn lộn tên tuổi bừa bãi này. Ban đầu tôi cho là bà cố tình làm thế để chúng tôi tự cảm thấy mình nhỏ nhoi hơn, hèn kém hơn, nhưng rồi tôi nghĩ rằng trong mắt bà chúng tôi đã nhỏ nhoi và hèn kém đủ rồi, do đó bà làm thế vì chẳng thể bận bịu với những chi tiết ngớ ngấn lặt vặt như tên tuổi các trợ lý của mình. Emily khẳng định nghi vấn này của tôi và nói, Miranda gọi cô lúc thì Emily, lúc thì Andrea hay Allison – người tiền nhiệm của cô. Tôi thấy nhẹ người hơn.
“Vâng ạ?” Giọng tôi lại the thé, bực thật! Bao giờ thì tôi giữ được chút tư thế và bản lĩnh trước mặt bà ta.
“Aan-dree-aa, tôi không hiểu việc gì khiến chị phải nhặng xị lên vì số di động của Karl Lagerfeld, tôi có nó đây rồi? Ông ấy đưa tôi trước đây năm phút, nhưng điện thoại bị ngắt và khi tôi bấm số thì lại không được.” Bà nói câu cuối, tựa như cả thế giới này – trừ bà ra – là nguyên nhân gây ra sự nhầm lẫn và khó chịu vừa rồi.
“Ồ, thì ra bà có số điện thoại? Và bà biết là suốt buổi có thể gọi ông ấy qua số này?” Tôi hỏi, chỉ vì Emily – nhưng vô hình trung lại chọc tức Miranda thêm.
“Tôi nói chưa đủ rõ hay sao? Nối tôi ngay với số 03.55.23.56.67.89. Ngay lập tức. Hay việc đó quá khó ?”
Emily chầm chậm lắc đầu vẻ nghi hoặc trong khi vò mảnh giấy có số điện thoại mà chúng tôi vất vả mãi mới kiếm được.
“Không, không, Miranda, tất nhiên là không. Tôi nối máy ngay. Một giây thôi”. Tôi chuyển sang chế độ hội nghị, chọn số và nghe giọng một người đàn ông lớn tuổi nói “A lô!” và lại bấm nút hội nghị lần nữa. “Ông Lagerfeld đấy, Miranda, tôi nối máy,” tôi nói như nữ nhân viên tổng đài vào thời xảy ra những câu chuyện trong phim Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Rồi thay vì ấn nút “loa” để tôi và Emily cùng nghe, tôi đặt máy luôn. Mấy phút liền chúng tôi ngồi im lặng và tôi phải rất kìm mình để không chửi um lên, rồi lấy khăn lau mồ hôi trán và chầm chậm hít một hơi thật sâu. Emily lên tiếng đầu tiên.
“Để tôi không hiểu đúng việc này: bà ấy có số điện thoại trong tay nhưng không biết bấm số ra sao?”
“Hoặc có thể không thích bấm số chăng?” Tôi chêm vào, không chịu để tuột mất dịp hợp sức chống lại Miranda vì biết rằng rất hiếm khi có cơ hội làm cùng với Emily.
“Lẽ ra tôi phải biết,” cô lắc đầu, cứ như là thất vọng khủng khiếp về chính mình. “Đúng là tôi phải biết mới phải. Bà ấy liên tục gọi tôi để tôi nối máy với những người ở phòng bên hay ngồi trong khách sạn cách đó hai phố. Tôi nhớ là ban đầu tôi thấy chuyện này vô cùng kỳ cục – gọi từ Paris về New York để sai nối máy với ai đó ở Paris. Bây giờ thì đó là chuyện thường, đương nhiên, nhưng khó hiểu là lần này tôi lại không đoán trước có gì xảy ra.”
Tôi toan chạy xuống căng tin ăn trưa thì lại có chuông điện thoại. Tin vào lý thuyết Sét-chẳng-đánh-ai-hai-lần, tôi hào hiệp nhấc máy.
“Văn phòng Miranda Priestly.”
“Emily! Tôi đứng dầm mưa ở phố Rue de Rivolo và lái xe biến đâu mất. Biến mất! Chị có hiểu tôi không? Biến mất! Chị tìm ông ta ngay cho tôi!” Tôi chưa thấy bà ta ở trạng thái kích động như thế bao giờ.
“Một giây thôi, Miranda. Tôi có số điện thoại của ông ấy đây.” Tôi tìm tờ in lịch trình vừa để ra bàn, nhưng chỉ nhìn thấy đủ loại giấy tờ, bản tin lạc hậu và một chồng báo Runway cũ. Chỉ có ba, bốn giây trôi qua, nhưng tôi có cảm giác như đứng cạnh Miranda và ngắm nước mưa xối lên chiếc áo lông Fendi của bà và làm nhòe nhoẹt lớp phấn trên mặt. Bà sẽ giơ tay tát vào mặt tôi và gọi tôi là cục cứt vô dụng, bất tài, vụng về, một kẻ hèn đớn hết chỗ nói. Tôi không có thì giờ để bình tĩnh lại và nhớ ra rằng bà cũng chỉ đơn thuần (về lý thuyết) là một con người, nay đứng trong mưa và đổ giận dữ lên người trợ lý ở cách đó gần sáu nghìn cây số. Không phải tội tôi. Không phải tội tôi. Không phải tội tôi.
“Aan-dree-aa! Tan tành đôi giầy tôi rồi! Chị nghe chứ? Chị có chú ý nghe không đấy? Chị tìm ông lái xe ngay đi!”
Một dự cảm bất thường chực trào lên – trong cổ tôi như có cục gì chặn ngang, cơ gáy cứng đờ, trạng thái dở khóc dở cười, và khóc hay cười đều dở. Chắc Emily linh cảm được điều gì, cô đứng phắt lên và trao cho tôi tờ lịch trình. Thậm chí cô đã đánh dấu ba số điện thoại của lái xe: số trong ôtô, số di động và số nhà riêng.
“Miranda, tôi phải để bà đợi một giây để gọi cho lái xe. Được không ạ?” Tôi chẳng đợi câu trả lời, tuy biết bà sẽ phát điên, và chuyển sang chế độ chờ rồi gọi Paris lần nữa. May mà ông lái xe nhận điện ngay khi tôi bấm số đầu tiên và chuông reo lần đầu tiên. Rủi quá, ông không biết tiếng Anh. Tôi chưa bao giờ có hành động hủy hoại mình, nhưng lúc đó không biết làm gì hơn là dập trán mình xuống mặt bàn. Sau ba cú dập thì Emily chuyển cuộc gọi sang bàn mình. Cô chuyển sang hét, không phải vì mong ông lái xe qua đó có thể hiểu tốt hơn thứ tiếng Pháp dở ẹc của mình, mà để ông nhận ra mức nghiêm trọng của tình thế. Lái xe mới luôn luôn cần một chút dạy dỗ, đặc biệt là phải dạy họ quên ngay lập luận ngớ ngẩn là cứ để Miranda đợi bốn mươi lăm giây hay một phút, bà ấy không chết ngay đâu mà sợ! Chính xác đó là cái khiến Emily và tôi phải cho họ mở mắt ra.