Đọc truyện Yêu nữ thích hàng hiệu – Chương 2: Phần 02 – 01
Phần II
Hôm đi phỏng vấn xin việc lần đầu tiên trong đời, tôi còn là một đứa khờ khạo hết chỗ nói.Tôi bước vào một trong những thang máy của công ty Elias Clarknổi tiếng đang chở lên chở xuống những đại ca đại tẩu của giới thời trang. Tôi chưa biết được rằng các cây bút lá cải, các nhân vật có máu mặt trong xã hội và các đầu nậu truyền thông có thế lực nhất lại có những đêm mất ngủ bởi những con búp bê trang điểm tuyệt hảo, quần áo là lượt ngất trời đang lướt nhẹ trên cao trong những chiếc thang máy chạy êm như ru. Tôi chưa bao giờ gặp những cô gái tóc vàng mà lại vàng đến thế, và chẳng biết rằng nhuộm mấy nhành highlight ở thợ làm tóc siêu sao mỗi năm tốn mất 6000 dollar, cũng như người sành điệu chỉ cần liếc qua màu tóc là biết nghệ nhân nào đã nhuộm nó.Tôi cũng chưa khi nào nhìn thấy các chàng điển trai trong áo len cổ lọ ôm khít và quần da chặt cứng khi họ phô diễn cơ thể tuyệt hảo do gian khổ rèn luyện nhưng không phải quá cơ bắp để mất vẻ sexy. Những chiếc túi và đôi giày mà tôi chưa hề nhìn thấy trên một con người bằng xương bằng thịt tự hào khoe nguồn gốc của chúng : Prada!Armani!Versace! Qua người quen của một người quen-cô này là biên tập viên của tờ Chic- tôi nghe nói rằng thỉnh thoảng những trang sức đó có diễm phúc gặp lại những người tạo ra nó trong những thang máy này, một cuộc gặp gỡ nhất định là rất thú vị ngay cả với Miuccia, Giorgio hay Donatella khi nhìn lại đôi giầy cao gót của mốt hè 2002 hoặc chiếc túi đầm hình giọt nước của bộ thời trang Xuân vừa rồi.Tôi biết là sắp có chuyển biến lớn trong cuộc đời mình-chỉ không rõ là nó có theo chiều hướng tốt lên hay không.
Cho đến giờ phút này, tôi đã sống hai mươi ba năm đầu tiên của đời mình như một con bé nhà quê ở một tỉnh lẻ ở Mỹ.Lớn lên ở Avon, Connecticut, thời thơ ấu của tôi bó rập khuôn mĩ mãn: thể thao ở trường, họp nhóm thanh niên ,Những cuộc” chè chén” ngây thơ vô hại ở nông trại của các bạn khi phụ huynh vắng mặt.Ở trường, chúng tôi mặc quần áo thể thao, tối thứ bảy thì đóng quần bò, và áo dài đăng ten thì để dành cho các buổi khiêu vũ ngoan ngoãn.Rồi lên đại học!Quả là một thế giới phấn khích sau khi hết bậc phổ thông.Ở đó ai cũng tìm được gì đó cho mình, kẻ cả là nghệ sĩ,kẻ lập dị hay dân nghiện máy tính.Mọi khả năng đều mở ra trước mắt tôi khi lên đại học.Tôi chóng mặt vì không biết chọn theo sở thích tri thức hay nghệ thuật, học một nghành quái dị hay tâm linh kì bí.Chỉ có một môn không thấy trong danh mục các nghành học : Thời trang.Bốn năm trời số phận bắt tôi khoác áo bông và xỏ ủng lặn lội đến lớp học về các nghệ sĩ Pháp theo trường phái ấn tượng hoặc viết những bài dài lê thê về văn học Anh,nhưng chúng không , nói đúng là không hề, chuẩn bị chút xíu nào cho tôi bước chân bước chân vào một nghề đầu tiên sau tốt nghiệp
Tôi cố đầy thời khắc đó càng xa càng tốt.Mấy tháng sau khi thi, trước tiên tôi vay quàng vay xiên một ít tiền và làm một cú du lịch đơn thương độc mã.Tôi đi tàu hỏa xuyên Châu Âu trong một tháng, thăm thú nhiều bãi biển hơn bảo tang, và cũng chẳng thêm giữ liên lạc với một ai khác ở nhà ngoài Alex, bạn trai của tôi từ ba năm nay.Anh biết là chậm nhất là sau đến năm tuần đơn thương độc mã trên đường là tôi chán ngấy đến tận cổ, và do đến tận tháng Chín là lúc bắt đầu đi dậy học, vì không biết giết thời gian kiểu gì nên Alex bất ngờ đón lõng tôi tại Amsterdam.Cho đến lúc ấy tôi đã càn quét xong Châu Âu, và Alex đã từng ở Amsterdam hè năm ngoái. Sau một buổi tối không được thánh thiện cho lắm tại một Coffe Shop chúng tôi dồn toàn bộ chỗ séc du lịch của mình chung làm một và mua cặp vé một chiều bay đi Bangkok.
Hai đứa chúng tôi cày ngang dọc Đông Nam Á, hiếm khi chi quá mười dollar mỗi ngày, và luôn bàn kế hoạch cho tương lai. Alex nóng lòng đợi ngày bắt đầu dạy tiếng Anh ở tại một trong những trường thuộc dạng điểm nóng xã hội của thành phố, mê muội với ý tưởng nhào năn những tâm hồn trẻ thơ cũng như đấu tranh cho người nghèo và chịu thiệt thòi. Đúng là Alex. Cứu cánh của tôi thì không cao cả như vậy :tôi chỉ chăm chăm kiếm cho đươc chỗ làm ở một tạp chí. Không phải bất cứ tạp chí nào, mà cho tờ New York Yorker nổi tiếng. Chẳng phải không biết vừa ra trường mà leo được bậc ấy thì quá chật vật, song tôi quyết tâm sau lần họp lớp thứ năm phải đạt được mục tiêu.Ước vọng lớn nhất của tôi xưa nay vẫn là viết bài cho New York Yorker. Số đầu tiên tôi mua sau khi nghe bố mẹ nói chuyện với nhau về một bài báo rất hay, và mẹ tôi nói ” Thời buổi này không kiếm đâu ra được bài báo viết tử tế như thế “Bố thì phụ họa “Đúng là tuyệt đỉnh.” Tôi thấy mê ngay. Mê những bài bình luận chát chúa , những tranh biếm họa hóm hỉnh , lại còn mê cả cảm giác được thuộc vào một giới độc giả đặc biệt nữa chứ.Cho đến bây giờ đã là bảy năm tôi không bỏ qua một số nào, thuộc làu làu đến từng ban phòng , mọi biên tập viên và tác giả.
Alex và tôi đứng trước ngưỡng cửa của một phần đời sắp mở ra, và bàn bạc xem cả hai sẽ cùng tiến vào ra sao.Mặc dù vậy chúng tôi cũng không vội về nhà làm gì.Linh tính mách bảo chúng tôi đang được sống những ngày thanh thản cuối cùng trước khi bước chân vào vòng điên đảo của thực tế, và vậy là chúng tôi gia hạn thị thực ở Delhi để ngao du thêm vài tuần trên đất nước Ấn Độ kì bí.
Nhưng, đối với cuộc chơi lãng mạn thì không có kết cục nào thảm hại hơn một trận kiết lị amip.Tôi nằm bẹp một tuần liền trong một nhà thương Ấn Độ nhơ nhuốc và cầu khẩn Alex chớ bỏ tôi chết ở cái nơi địa ngục này. Bốn hôm sau chúng tôi bay về tới Newark.Mẹ tôi sầu muộn đặt con gái ngồi trên ghế sau của oto và phóng thẳng về nhà. Xét về mặt nào đó thì ước muốn của những bà mẹ Do Thái như mẹ tôi đã thành hiện thực : mẹ có cớ để lôi tôi đi hết phòng khám này đến phòng khám khác , cho đến khi tin tưởng tuyệt đối rằng lũ kí sinh trùng khốn nạn đã bị tống khỏi cơ thể con bé yêu của mình.Phải đến bốn tuần sau tôi mới có lại cảm giác thoát khỏi bàn tay thần chết, và thêm hai tuần nữa thì tôi lờ mờ nhận ra rằng không thể sống ở nhà được.Bố mẹ thật tuyệt vời nhưng liên tục bị hỏi đi đâu khi ra vào cửa-hoặc đã ở đâu khi về đến nhà- thì dễ phát điên lắm. Tôi gọi điện cho cô bạn Lily và hỏi cô ấy có thể cho tôi tạm trú trên cái đi văng trong căn hộ mini ở Harlem không.Cô ấy đồng ý, thật quá tử tế.
Mồ hôi như tắm, tôi thức dậy trong căn hộ mini ở Harlem.Đầu óc nhức như búa bổ, dạ dày sôi cồn cào , thần kinh căng như dây đàn.Chết rồi- Bệnh lại tái phát-tôi thất kinh.Lũ kí sinh trùng đã tìm được đường quay lại, và tôi sẽ không giũ nổi chúng cho đến khi cuối đời. Biết đâu lại có những di chứng gì kinh khủng hơn? Có thể tôi mắc một chứng bệnh sốt xuất huyết hiếm và có thể tiến triển chậm?Sốt rét? Hay thậm chí vi khuẩn Ebola? Tôi nằm cứng đơ, đang chuẩn bị tinh thần đón nhận cái chết sắp tới thì những hình ảnh đêm qua chợt hiện ra.Một quán bar đặc khói thuốc đâu đó ở East Village. Những âm thanh quỷ quái có tên là Jazz Fusion Music. Một thứ đồ uống màu hồng chóe trong ly chuyên rót Martini-khiếp, tởm quá. Bạn bè ghé qua chào mừng tôi quay về cố hương.Một lời chúc, một ngụm rượu, lại một lời chúc tiếp theo. Ơn chúa, thì ra không phải một dạng sốt xuất huyết hiếm hoi, mà chỉ là một cơn váng đầu sau cuộc phê.Tôi không ngờ rằng với mười cân thịt sút sau trận kiết lị thì tửu lượng giảm đi trông thấy.Với 52 kg và chiều cao 1,75 mét thì lẽ ra không nên tham gia một đêm đạp phá như vậy ( tuy vậy sau này nghĩ lại thì té ra những số cân đo ấy quá hợp lí khi làm cho một tạp chí thời trang.)
Tôi dũng cảm duỗi tứ chi ê ẩm trên chiếc đi văng trên đó tôi đã co quắp ngủ từ một tuần nay, tập trung tuần bộ tinh thần nén cơn buồn nôn trực trào lên. Không khó khăn lắm để làm quên trở lại đất Mỹ với những đồ ăn , cách hành xử, vòi hoa sen tắm đã lâu đời.Duy chỉ có việc ăn nhờ ở đậu này thì hơi khó tiêu. Nếu sống tằn tiện và vét nốt mấy đồng tiền Thái và Ấn Độ còn sót lại thì khoảng một chục hôm nữa thì là tôi nhẵn túi, và cách duy nhất để xin được tiền phụ huynh là quay trở về cái vòng luẩn quẩn vô tận với những lời ca thán. Chỉ nghĩ đến đấy là tôi lao ngay ra khỏi ổ, và cái ngày định mệnh của tháng Mười một ấy với việc không đầy một tiếng nữa là phải có mặt trong cuộc phỏng vấn đầu tiên trong đời. Cả tuần vừa qua, khi người ngợm còn uể oải ,dặt dẹo, tôi ườn xác trên cái đi văng nhà Lily cho đến khi cô ta phải tống tôi ra khỏi nhà, ít nhất mỗi ngày vài tiếng đồng hồ. Không biết phải làm gì cho hết thì giờ, tôi mua một vé tàu điện ngầm, lãng đãng di cả một ngày ngang dọc thành phố và nộp hồ sơ xin việc ở tòa soạn của tất cả các tập chí lớn : sơ yếu lí lịch và một tấm là đơn khá cẩu thả trình bày rằng tôi muốn làm trợ lý biên tập và nhặt nhạnh vài kinh nghiệm đầu đời trong nghề viết lách.Tôi còn quá mệt mỏi và ốm yếu để quan tâm xem có ai đọc mấy thứ đó không, huống hồ là hy vọng sẽ được gọi đến phỏng vấn. Song hôm qua điện thoại của Lily réo chuông, và kì diệu thay, một người ở phòng nhân sự Elias Clark muốn gọi tôi tới ” hàn huyên”. Tôi không chắc đó có là một cuộc phỏng cấn thật sự hay không, nhưng trong trạng thái cuả tôi từ ” hàn huyên” nghe sướng tai hơn.
Tôi chiêu một vài viên thuốc đau đầu với một cốc Pepto và bới trong đống quần áo để tìm ra một chiếc áo khoác và quần, trong không hẳn hợp nhau lắm một cách lí tưởng nhưng ít nhất cũng quấn quanh được bộ xương còm nhom của tôi.Một chiếc áo sơ mi màu lam cái khuy, tóc buộc đuôi ngưa trông không đến nỗi khó coi , một đôi giày sục khá xơ xác, thế là đủ bộ. Không ngon mắt lắm, tôi biết, thậm chí hơi phản cảm, nhưng buộc phải chấp nhận thôi.Chẳng nhẽ họ đuổi hay nhận mình chỉ vì bộ cánh bên ngoài sao, tôi nghĩ bụng.Rõ rồi. Tôi còn ngây thơ lắm.
Tôi có mặt đúng mười một giờ để vào phỏng vấn.Và tái mặt khi trông thấy một loạt những thân hình mảnh mai chân dài đến nách đang đứng chờ thang máy. Họ nói như không để môi mọc da non, đẹm vài tiếng gót giày cao gót kêu lách cách đanh nhọn trên nền nhà.Lũ cẳng sếu kia, tôi nghĩ bụng. Quá hoàn hảo ( thang máy đến rồi) Hít vào , thở ra tôi tự nhủ, không được nôn ra ở đây, không được nôn, mi đến đây để chuyện trò đôi chút về việc làm trợ lí biên tập, rồi quay bề ngay với chiếc đi văng nhà Lily. Mi không được nôn.Vâng, tất nhiên tôi thích làm việc cho Reaction! The buzz cũng hay đấy, tất nhiên.Sao cơ à? Tôi được phép chọn sao? Được à, cho phép tôi suy nghĩ một hôm nữa để quyết định giữa mấy chỗ ấy và Maison vous. Rất hân hạnh!
Mấy giây sau, một biển in chữ KHÁCH được dán xộc xệch trên bộ cánh cũng khá xộc xệch của tôi trước khi tôi lao người vào thang máy ( KHi tôi kịp nhận ra rằng tất cả khách khứa đều chỉ dán hờ hững nó trên túi, và thậm chí vứt luôn vào sọt rác, chỉ có hạng lơ quơ , quê mùa mới dán nó lên ngực-thì đã quá muộn.) Thang máy lên cao, cao, và cao nữa, một chuyến bay qua không gian và thời gian và vẻ khêu gợi vô tận, tới…cửa phòng nhân sự.
Tôi cho phép mình được thư giãn một chút trong khi chiếc thang máy nhẹ lướt lên cao. Mùi nước hoa khêu gợi trộn lẫn với hương vị da thuộc tươi rói làm cho chiếc thang máy hoàn toàn vô hồn chợt thoáng về sexy. Chúng tôi lướt qua các tầng gác dừng lại để thả ra các mỹ nhân đến với Chic, mantra, The Buzz và Coquette . Cửa thang máy nhẹ nhàng mở ra, để tầm mắtb phóng tới bộ phận lễ tân trang hoàn màu trắng. Bàn ghế lịch thiệp, đường nét đơn giản, thách thức bất kỳ ai dám ngồi lên đó. Không thể tưởng tượng ra ai đó lỡ tay làm vấy bẩn lên đệm trắng! Trên tường bao quanh lối đi nổi bật những hàng chữ đen quen mắt viết tên của các tạp chí mà đứa trẻ con nào ở Mỹ cũng biết, nhưng không ai tin là tất cả đều quần tụ trong một tòa nhà chọc trời duy nhất này. Những tấm cửa kính mờ dày cộp chắn mọi ánh mắt không mời.
Tuy rắng cho đến nay chưa làm công việc gì hơn là vài lần đi bán kem sữa chua, tôi cũng nghe đủ chuyện từ các bạn cùng học ngày xưa và đã đi làm được vài tháng để biết là thế giới của công việc không như thế này. Hoàn toàn không. Ở đây tuyệt đối vắng bóng những đèn tuýp xanh lét kinh tởm và thảm trải trơ lì với vết giày. Thay vì những bà thư ký cổ hủ núp thu lu sau bàn giấy là các cô gái trẻ mượt mà với gò má cao và trang phục ngất trời. Hãy quên khẩn trương khái niệm đồ dùng văn phòng! Mấy trang bị cơ bản như sổ ghi giờ hẹn, sọt rác, sách vở, đơn giàn là không được phép có mặt nơi đây. Nỗi sửng sốt về những ma trận trắng toát hoàn hảo của tôi chợt biến mất ở tầng sáu, khi một giọng cay độc xoáy vào tai tôi.
” Con khốn nạn ấy chứ gì? Tớ không thể chịu được nó nữa. Ai nghĩ chuyện ấy cơ chứ? Tớ nói thật đấy – AI NGHĨ RA CHUYỆN ẤY?” Một cô gái trước mặt tôi rít lên. Cô ta chừng 25 tuổi, với chiếc váy da rắn và băng vải cũn cỡn che ngực nom như sắp tới sàn nhảy chứ không phải giữa thanh thiên bạch nhật ở văn phòng.
” Tớ biết rồi, biết rồồồi. Cậu có biết là 6 tháng qua tớ đã phải chịu đựng những gì không? Con khốn nạn. Nó còn có gu thẩm mỹ khá tanh tưởi nữa chứ. ” Cô bạn gái vừa phụ họa vừa lắc quầy quậy mái đầu cắt tỉa rất ưa mắt.
Ơn Chúa, rốt cuộc tôi cũng lên đến tầng định tìm, và cửa thang máy mở ra không tiếng động. Thú vị đấy, tôi nghĩ bụng. Tuy nhiên, so với một ngày bình thường của một nữ sinh viên bình thường thì mức đánh giá ” thú vị ” có lẽ hơi bị thấp. Choáng? Không, thế thì hơi quá. Dễ thương, thân thiện, ấm áp? Không, không đúng hẳn. Một nơi để ta đáng nở một nụ cười thỏa mãn và làm việc tử tế? Hoàn toàn sai! Nhưng, nếu ai tìm sự nhanh nhạy, mảnh mai, kiểu cách, tân tiến và sành điệu đến ngộp thở, thì, Elisa Clark là thiên đường.
Các đồ trang sức lộng lẫy và lớp phấn phủ hết chê của cô gái lễ tân trước phòng nhân sự quả là không giúp gì xoa dịu mặc cảm tự ti ngày càng tăng lên của tôi. Cô mời tôi ngồi và ” cứ tự nhiên ngắm qua mấy ấn phẩm của công ty”. Thay vì làm việc đó, tôi điên đầu lên để cố ghi nhớ tất cả tên các tạp chí mà công ty xuất bản – cứ làm như người ta sẽ thách đố tôi chuyện ấy. Kìa! tôi đã biết Stephen Alexander của Reaction, tất nhiên, và nhớ được tên Tanner Michel của The Buzz cũng dễ thôi. Thật ra thì đó cũng là hai sản phẩm duy nhất đáng chú ý của nhà xuất bản này nên tôi cảm thấy khá vững tâm.
Một phụ nữ nhỏ nhắn xưng tên là Sharon ra đón tôi. ” Chị là người muốn đến làm việc ở tạp chí này, đúng không? ” Bà ta hỏi trong khi dẫn tôi diễu qua một hàng búp bê chân dài nom giống hệt nhau vào văn phòng bày biện tinh giản và lạnh lẽo của mình, ” Vừa rời ghế đại học thì quả là lắm vấn đề, chị biết đấy. Cả trăm người tranh nhau xin làm một nhúm công việc. Mà mấy chỗ làm còn trống ấy thì cũng chẳng được hưởng mức lương hậu hĩnh lắm đâu, chắc chị hiểu tôi muốn nói gì.”
Tôi đưa mắt nhìn xuống bộ cánh rẻ tiền chắp vá cùng đôi giày quê kệch của mình và tự hỏi tại sao lại dẫn xác đến đây làm gì. Khôn ngoan thì kiếm mấy gói bim bim và thuốc lá đủ dùng cho nửa tháng rồi rúc về cái đi văng của Lily là hơn. Quá luẩn quẩn với ý nghĩa ấy, tôi không nhận ra bà ta khẽ nói tiếp” Tuy nhiên tôi được phép tiết lộ với chị, đây là một dịp may bất ngờ. Nhưng chị phải nhanh tay kẻo tuột mất.”
A ha. Hệ thống báo động của tôi tức khắc được khởi động, trong lúc tôi cố đón ánh mắt của bà ta. Cơ hội? Nhanh tay? Đầu óc tôi tỉnh như sáo. Bà ta định giúp mình? Có cảm tình với mình? Nhưng tại sao? Tôi đã mở miệng nói câu nào đâu cơ chứ – cớ gì mà bà ấy có cảm tình với mình được? Và chẳng hiểu tại sao giọng bà ta chuyển sang ngọt như mía lùi, chẳng khác gì một tay bán ô tô cũ đang mời khách hàng?
” Chị có thể cho tôi biết tên chủ bút của Runway được không?” Bà hỏi tôi, lần đầu tiên nhìn thẳng vào mắt tôi từ lúc tôi ngồi xuống ghế.
Chấm hết. Không gì khác ngoài dấu chấm hết to tướng. Trong đầu tôi hoàn toàn trống rỗng. Thật không ngờ là tôi bị bà ta thách đố. Cả đời tôi chưa hề giở tờ Runway ra bao giờ, thật bất công khi gặp đúng câu hỏi này. Ai đọc Runway làm gì cơ chứ, nó chẳng qua chỉ là một tạp chí thời trang, chắc là không có lấy một bài viết tử tế trong đó, trừ mấy người mẫu nhom nhem như suy dinh dưỡng và ảnh quảng cáo bóng bẫy. Tôi lúng búng như ngậm hột thị. Tên tuổi các chủ bút mà lúc nãy tôi cố nhồi nhét vào óc nhảy múa loạn xạ trong đầu và chắp lại thành những cặp đôi khập khiễng. Tôi tin là tôi biết tên bà chủ bút – ai mà chẳng biết. Có điều là nó không chịu nảy ra trong óc.
” À, vâng, ngay lúc này tôi không nhớ ra. Nhưng tôi biết tên bà ấy quá đi chứ, dĩ nhiên tôi biết, ai chả biết cái tên đó. Chỉ tội ngay lúc này thì tôi không nhớ ra.”
Bà săm soi nhìn tôi một hồi, cặp mắt nai dán chặt vào khuôn mặt tôi đang tứa mồ hôi. ” Miranda Priestley,” bà thì thào với giọng pha lẫn sùng kính và khiếp đảm. ” Bà ấy là Miranda Priestley.”
Cả hai cùng im lặng. Dường như cả một phút đằng đẵng chúng tôi im lặng nhìn nhau. Nhưng rồi Sharon rõ ràng quyết định lờ đi lỗi lầm trầm trọng này của tôi. Ngày đó tôi chưa biết là Sharon đang vất vả ra sao để tìm ra một chân trợ lý mới cho Miranda cũng như không thể chịu nổi cảnh cả ngày lẫn đêm bị sếp gọi điện tra hỏi đã có ứng cử viên tiềm năng nào chưa. Cắn răng tìm một ai khả dĩ vừa lòng Miranda. Và nếu tình cờ chỉ có một hy vọng cỏn con là chính tôi sẽ đỡ bớt gánh nặng đó thì cố nhiên Sharon không được phép cầu toàn quá mức.
Sharon nhếch mép mỉm cười và cho biết bây giờ tôi sẽ đi gặp hai trợ lý của Miranda. Những hai trợ lý?
” Đúng thế,” Sharon uể oải xác nhận. ” Tất nhiên Miranda cần hai trợ lý . Trợ lý chính Allison vừa được lên chức biên tập viên về thẩm mỹ của Runway, và trợ lý trẻ là Emily sẽ thế chỗ Allison, nghĩa là chỗ cô ấy sẽ trống cho một người mới vào! Andrea, tôi biết là chị vừa rời ghế đại học nên chắc là chưa thể biết tường tận các công việc của giới báo chí…” bà ngưng giọng đầy kịch tính để tìm chữ nào cho hợp. ” Nhưng tôi có linh cảm muốn nói, đúng hơn là phải nói cho chị biết rằng một cơ hội ngàn vàng đang mở ra trước mắt chị. Miranda Priestley…” bà lại dừng lần nữa đầy kịch tính , tựa như đang kính cẩn nghiêng mình trước mặt bà sếp tưởng tượng,” Miranda Priestley là người đàn bà có ảnh hưởng lớn nhất trong công nghiệp thời trang và thực sự là một trong những chủ bút tạp chí danh giá nhất thế giới. Toàn thế giới! Cơ may được làm việc cho một nhân vật như thế, được quan sát công tác biên tập và tiếp kiến những cây bút và người mẫu nổi tiếng , được hỗ trợ nhất cử nhất động của bà hằng ngày – quả là nghìn năm có một. Chắc là tôi khỏi phải nhấn mạnh với chị rằng hàng triệu cô gái sẵn sàng xin chết để được làm việc này.
” Thế ạ, vâng, tôi muốn nói là nghe rất tuyệt .” tôi thoáng ngạc nhiên tại sao Sharon phải dỗ tôi làm một công việc mà hàng triệu người khác sẵn sàng xin chết vì nó. Nhưng bây giờ tôi không có thì giờ để cân nhắc . Sharon nhấc điện thoại nói một câu ngắn rồi tiễn tôi luôn ra phía thang máy để đi phỏng vấn ở chỗ hai trợ lý của Miranda,