Yêu nữ thích hàng hiệu

Chương 18Phần 09 - 02


Đọc truyện Yêu nữ thích hàng hiệu – Chương 18: Phần 09 – 02


Tòa nhà phía công ty Elias Clark có tám thang máy, một nửa cho các tầng từ một đến mười bảy, nửa kia cho các tầng trên. Thật ra chỉ có bốn thang máy đầu tiên là quan trọng vì ban biên tập của các tạp chí danh tiếng nhất đều ở mười bảy tầng dưới. Trên các cửa thang máy có biển lớn sáng đèn, chỉ rõ địa chỉ từng văn phòng. Ở tầng hai là một phòng tập thể hình cực hiện đại cho nhân viên sử dụng miễn phí, trong đó có đủ kỹ thuật tối tân như máy luyện cơ chống đau lưng, tối thiểu một trăm máy tập leo thang, băng chạy và máy đạp xe. Chưa kể đến phòng tắm khô, bồn tắm kiểu Nhật, xông hơi, bên cạnh khu vực thay quần áo là phòng chăm sóc sắc đẹp, khi cần có thể chăm sóc móng tay móng chân hay đắp mặt nạ. Thậm chí người sử dụng không cần đem khăn riêng theo, nhưng đó là tôi nghe kể lại mà thôi – không chỉ vì tôi chẳng có thì giờ, mà còn vì từ sáu giờ sáng đến mười giờ tối ở đây chật cứng, không có chỗ đặt chân. Bất kể người viết bài, biên tập viên hay trợ lý kinh doanh đều phải gọi điện trước ba ngày để đặt chỗ ở lớp Yoga hay tập võ, nhưng vẫn có nguy cơ bị mất chỗ nếu không đến sớm mười lăm phút trước giờ vào lớp. Như hầu hết mọi lời mời nhằm cải thiện cuộc sống của nhân viên Elias Clark, tôi thấy tập luyện ở đây chỉ gây thêm stress.
Tôi cũng nghe phong phanh là ở tầng trệt có nhà gửi trẻ, nhưng tôi chẳng quen ai có con cả nên chưa biết thông tin đó có chính xác không. Tầng ba mới thực sự đáng chú ý với phòng căng tin. Miranda không đặt chân tới đó bao giờ, trừ những lần hẹn ăn trưa với Irv Ravitz, chủ tịch hội đồng quản trị của Elias Clark – ông thích ra vẻ thân mật dùng bữa cùng với nhân viên của mình.
Thang máy lên cao, cao nữa, lướt qua các danh vị khả kính. Hầu hết trong số họ dùng chung tầng, nhưng khu lễ tân thì tách riêng hẳn. Tôi ra khỏi thang máy trên tầng mười bảy, liếc nhìn bóng mình phản chiếu trong kính. Ở 640 Midison các kiến trúc sư nhạy cảm và thiên tài đã bỏ hẳn giương trong thang máy! Lại lần nữa tôi quên cái thẻ thông hành – vốn sinh ra để theo dõi mọi chuyển động, mua bán và hiện diện của chúng tôi trong tòa nhà – nên chỉ còn cách đột nhập vào văn phòng thôi. Sophy thì chín giờ mới đến, tôi phải tự lực vậy. Tôi luồn xuống dưới mặt quầy, ấn nút mở cửa và lấy đà lao qua khe cửa trước khi tấm kính tự đóng lại. Nhiều hôm tôi cần đến ba, bốn lần thử mới qua được cửa, hôm nay hai lần là đủ.
Như mọi hôm, tôi đi qua hành lang giờ này còn tối om đến phòng mình. Bên trái là ban quảng cáo, nơi các nữ nhân viên ưa diện T-shirt hiệu Chloé và bốt cao gót chạy đi chạy lại phân phát danh thiếp in chữ “Runway” to tướng. Họ sống và làm việc trong một thế giới riêng, chẳng dính dáng gì đến nửa bên kia hành lang dành cho bộ phận biên tập. Ban biên tập lựa ra mẫu quần áo cho các trang mốt, tìm cách lôi kéo các cây bút giỏi, thống nhất phụ kiện với trang phục, sửa bài, trang trí đồ họa và mời thợ nhiếp ảnh. Biên tập viên đến mọi ngóc ngách đẹp nhất thế giới để bố trí chụp hình, được các nhà tạo mốt dúi cho đủ quà tặng và phiếu giảm giá, bám sát các xu hướng thời trang cũng như mọi sự kiện quan trọng, vì họ “phải điều tra xem ai mặc gì”.
Bộ phận kinh doanh quảng cáo có nhiệm vụ bán diện tích đăng quảng cáo. Đôi khi họ tổ chức lễ hội, nhưng do chưa có nhân vật danh tiếng nào xuất hiện ở đó nên chẳng dân New York có máu mặt nào (như Emily cay độc tiết lộ cho tôi biết) thèm đến. Tôi chỉ biết đến các buổi tiệc ấy khi người ngoài kể lại, khi điện thoại réo chuông suốt ngày vì những nhân vật tầm tầm hy vọng tôi kiếm hộ giấy mời. “Nghe nói Runway tổ chức tiệc, sao tôi không có giấy mời nhỉ?” Các biên tập viên không khi nào có giấy mời, vì đằng nào thì chúng tôi cũng không đến. Lũ đàn bà ở Runway chuyên khinh miệt, khủng bố và kỳ thị người ngoài, nhưng vẫn chưa đủ, họ còn tự dựng những rào cản giữa các thứ bậc nội bộ.
Sau bộ phận kinh doanh quảng cáo là một hành lang hẹp, dài hun hút, dẫn đến một phòng bếp nhỏ xíu. Ở đây có đủ loại trà, cà phê, thậm chí cả một tủ lạnh cho những người đem bữa trưa từ nhà đến. Dịch vụ này lẽ ra là thừa, từ khi Starbucks độc quyền cung cấp cà phê hằng ngày, các bữa ăn được cẩn thận lấy từ căng tin hay từ hàng nghìn dịch vụ cơm hộp trong thành phố. Nhưng căn bếp có gì đó dễ thương, dường như Elias Clark muốn nói: ” Xem này, chúng tôi lo mọi bề cho nhân viên! Ở đây có trà Lipton, đường ăn kiêng, cả lò vi sóng để hâm món để lại từ đêm qua! Chúng ta là người nhà cả mà!”
Đúng 7 giờ 05 thì tôi cũng vào đến ốc đảo của Miranda, mệt không lê nổi bước nữa. Công việc đầu tiên hằng ngày là mở khóa phòng Miranda. Tôi nhìn ra ngoài trời còn tối, ngắm ánh điện của New York City và thấy mình như đang trong một cuốn phim (có các cặp tình nhân ôm nhau trên sân thượng bao la của căn hộ sáu triệu dollar với tầm nhìn ra sông), trên đỉnh cao thế giới, để khi ấn nút bật hết đèn lên thì giấc mơ ngày của tôi cũng chấm dứt cùng với cảm giác thăng hoa trong thành phố New York của mọi khả năng vô tận, thay vào đó là ảnh khuôn mặt cười giống nhau như đúc của cặp song sinh Caroline và Cassidy.

Tiếp theo là mở khóa tủ tường ngoài sảnh, nơi tôi treo chiếc măng tô thú của Miranda (hoặc măng tô của tôi, nếu hôm đó bà không tình cờ mặc lông thú. Miranda không ưa để áo của bà treo bên cạnh áo len mạt hạng của Emily hay của tôi) và cất giữ vô số các đồ khác: măng tô và quần áo bị loại bỏ có giá trị hàng chục nghìn dollar, đồ giặt là để đưa đến nhà Miranda, tối thiểu 300 chiếc khăn trắng Hermès khét tiếng. Emily cho biết là cô đã quyết định mua hết loại khăn này mà hồi đó có thể tìm được. Cô giải thích rằng nhờ vậy Miranda không bao giờ thiếu khăn và chúng tôi sẽ tránh được tình cảnh hốt hoảng đi mua sắm khi cần. Với cách suy luận đơn giản đó, cô mua hết 500 chiếc khăn tại toàn bộ thị trường Mỹ và Pháp. Tôi còn chưa kể với ai là đã mở một bức thư của ban lãnh đạo công ty Hermès từ Paris gửi đến cho “Madame Priestly,” họ lải nhải dài dòng về niềm hân hạnh được Miranda chọn dùng khăn quàng của mình, rằng bà đã tôn vinh mác Hermès nhiều hơn bà tưởng, và họ vô cùng áy náy khi không còn sự lựa chọn nào khác là phải dùng mẫu hàng hơi khác mẫu mà bà vẫn ưa dùng. Trong phong bì có nửa tá mẫu lụa trắng kèm với mẫu Miranda vẫn thích xưa nay – một nghĩa cử xoa dịu nỗi bực dọc của Miranda trong giai đoạn khó khăn này. Tôi săm soi đến hai mươi phút mà không nhận ra sự khác biệt nào giữa các mẫu vải, nhưng tôi biết, Miranda liếc qua là nhận ra ngay. Đương nhiên là bức thư và mẫu vải vẫn nằm dưới đống giấy tờ vô thưởng vô phạt trong ngăn bàn tôi, thực sự tôi không biết làm gì khi chỗ khăn dự trữ bị dùng hết.
Miranda vứt khăn khắp nơi: ở nhà hàng, rạp phim, nơi trình diễn thời trang, phòng họp hay trên taxi. Bà bỏ quên chúng trên máy bay, ở trường của lũ trẻ hay sân tennis. Tất nhiên không bao giờ bà ra khỏi nhà mà lại thiếu chiếc khăn Hermès sang trọng, điều đó không có nghĩa là bà biết chúng biến đâu mất. Hay là bà sử dụng chúng như khăn giấy? Nhất định bà cho rằng đây là sản phẩm dùng một lần rồi vứt đi, và không ai dám cải chính! Elias Clark trả hàng trăm dollar cho mỗi chiếc khăn, còn Miranda tiêu thụ chúng nhanh như khăn giấy. Nếu bà còn tiếp tục như thế thì hai năm nữa là chẳng còn lấy một chiếc mà dùng.
Trong tủ tường vẫn còn nhiều hộp bìa cứng màu da cam. Cứ ba, bốn hôm một lần, khi đi ăn là Miranda lại gọi: “Aaa-dree-aa, tôi cần khăn mới.” Niềm an ủi lớn của tôi là khi chỗ khăn này đã hết sạch thì tôi cũng đã biến khỏi đây từ lâu rồi. Người kế nhiệm mà tôi chưa biết sẽ là kẻ bất hạnh phải thông báo cho Miranda biết rằng không còn khăn quàng Hermès trắng nữa. Chỉ nghĩ đến đã thấy khiếp.
Tôi chuẩn bị xong mọi thứ thì Yuri gọi điện.
“Andrea? A lô, a lô. Yuri đây. Chị xuống tầng trệt được không? Tôi đang ở phố 58 gần Park Avenue, trước New York Sports Club.”
Cho dù không chắc chắn tuyệt đối, cuộc gọi là một thông báo hữu hiệu rằng Miranda sắp đến nơi rồi. Có thể thế. Phần nhiều bà cho Yuri đến trước để đưa đồ giặt, báo, các bài viết bà đã biên tập ở nhà, giày và túi đem đi sửa, và cuốn SÁCH. Tôi khuân đống đồ ấy lên gác và làm mọi việc cần thiết để bà không bị quấy rầy bởi mấy chuyện vặt vãnh. Bình thường thì bà đến sau đó khoảng nửa giờ. Yuri giao đồ cho tôi rồi quay lại ngay để đón bà.
Không rõ Yuri đón bà ở đâu, vì như Emily kể thì bà không ngủ bao giờ. Thoạt tiên tôi không tin, cho đến một hôm tôi đi làm trước Emily và phải nghe các tin nhắn trong hộp thoại. Mỗi đêm, không hề có ngoại lệ, từ một đến sáu giờ sáng Miranda gửi cho chúng tôi tám đến mười tin nhắn khá mập mờ, đại loại như: “Cassidy thích một cái túi nylon như bọn con gái bây giờ hay dùng. Chị đặt mua một cái cỡ trung bình, màu mà nó vẫn thích,” hay: “Tôi cần số điện và địa chỉ của cửa hàng đồ cổ ở giữa phố 70 và phố 80 có cái tủ cánh cong mà tôi đã thấy.” Cứ làm như chúng tôi đương nhiên phải biết trẻ con mười tuổi dạo này thích mốt túi nylon nào, hoặc cửa hàng nào trong số hàng trăm cửa hàng đồ cổ có thứ hàng nào đó mà bà đã nhìn thấy. Tuy nhiên sáng nào tôi cũng ngoan ngoãn chép lại các tin nhắn từ băng ghi âm – một việc không đơn giản, vì tôi phải tua đi tua lại đoạn băng hàng chục lần mới hiểu được giọng Anh của bà cũng như tinh thần của các mệnh lệnh mà không phải trực tiếp hỏi lại cho rõ.

Có lần tôi đã phạm sai lầm khi đề nghị Emily gọi Miranda hỏi lại, và hình phạt là tia nhìn giết người của cô. Trực tiếp hỏi Miranda cho rõ chuyện là một việc không tưởng. Tốt nhất là cứ lọ mọ làm tiếp và sau đó nghe chửi vì lại hiểu sai lệnh. Tôi mất hai ngày rưỡi đi tìm cái tủ đồ cổ cánh cong mà Miranda thích, bắt xe chở đi vòng quanh Manhattan và chạy dọc hai chiều công viên. Bỏ qua đại lộ York (toàn nhà ở) lên phố 1, xuống phố 2, lên phố 3, xuống Lex. Bỏ qua Park (cũng toàn nhà ở) nhưng vẫn lên Madison rồi lặp lại từ đầu bên West Side. Trong tay bút giấy lăm lăm, mắt như cú vọ, sổ điện thoại mở sẵn trên đùi và sẵn sàng lao ra khi thấy một cửa hàng bán đồ cổ. Tôi đích thân vào từng cửa hàng kể cả nhiều hiệu bán đồ mới. Tới hiệu thứ tư thì tôi đã tìm ra kỹ thuật hỏi.
“Xin chào, ở đây có tủ cánh cong cổ không ạ?” Vừa qua cửa là tôi đã réo lên. Tới cửa hàng thứ sáu, tôi dừng chân ngoài cửa. Một con bé bán hàng nhìn tôi từ đầu xuống chân – chuyện dễ hiểu! – ước lượng xem có bõ công trả lời tôi không. Sau đó thì đa số cũng nhìn thấy chiếc Limousine đợi tôi ngoài đường và miễn cưỡng đáp “có” hay “không”. Vài người khác còn bắt tôi miêu tả chi tiết loại tủ muốn tìm.
Nếu họ có đồ gỗ đúng như tôi hỏi bằng hai từ (tủ + cổ) tôi tiếp ngay: “Miranda Priestly hôm nọ mới vào đây phải không ạ?” Ai trước đó chưa đoán là tôi dở hơi thì bây giờ cũng chuẩn bị gọi cảnh sát. Nhiều người chưa nghe tên ấy bao giờ, tôi càng vui vì hai lẽ: thứ nhất là tôi được gặp những người bình thường, cuộc đời họ không bị Miranda chế ngự, sau nữa là tôi có thể đi ngay mà không phải tranh luận dài dòng. Những người ngô nghê có biết tên Miranda thì dỏng ngay tai lên. Nhiều khi họ muốn biết tôi là phóng viên cho tờ lá cải nào. Dù cho tôi bịa ra chuyện gì thì cũng chẳng ai thấy mặt bà ở cửa hàng của họ (trừ ba cửa hàng đã không thấy mặt bà từ vài tháng rồi, ôi, sao lâu quá chưa thấy đến lại! Xin chuyển lời chào nồng nhiệt của Franck/Charlotte/Sarabeth nhé!)
Sau khi hoài công đi tìm, trưa ngày thứ ba Emily bật đèn xanh cho phép tôi đến văn phòng hỏi Miranda lần nữa. Xe đỗ trước tòa nhà là tôi đã túa mồ hôi, và khi Eduardo không mở ngay cửa xoay thì tôi dọa sẽ trèo qua. Tôi lên tầng, áo ướt đẫm, tay run rẩy khi vào đến văn phòng, lúng túng quên tiệt những câu đã sắp sẵn trong óc để trình bày (Chào Miranda, tôi khỏe, xin cám ơn. Bà có khỏe không? Vâng, tôi muốn trình bày là tôi đã vất vả đi tìm cửa hàng đồ cổ như bà nói nhưng không gặp may. Bà có thể cho biết là nó bên Tây hay Đông Manhattan được không ạ? Hay bà nói lại lần nữa tên cửa hàng là gì ạ?). Thay vì viết ra giấy các câu hỏi và đem nộp như thường lệ, tôi xin gặp bà trực tiếp ở bàn giấy, và – có lẽ bị bất ngờ vì tôi không được hỏi mà vẫn lên tiếng – bà đồng ý cho gặp. Phần cuối tôi tóm gọn lại như sau: Miranda thở dài và chặc lưỡi và chán nản một cách lịch thiệp rất riêng của bà, rốt cuộc bà mở cuốn sổ da Hermès màu đen ghi kế hoạch (buộc bằng chiếc khăn Hermès trắng một cách bất tiện nhưng rất đẹp) và lấy ra… tấm danh thiếp của cửa hàng.
“Aan-dree-aa, tôi đã đọc địa chỉ cửa hàng cho chị vào băng rồi mà. Tôi nghĩ là khó khăn gì mà chị không chép lại chứ?” Tôi ước gì được vớ lấy tấm thiếp và quật lên mặt bà ta, song chỉ lẳng lặng gật đầu nghe lời trách cứ. Khi nhìn thấy địa chỉ trên thiếp, thiếu chút nữa thì tôi phát điên: 244 phố 68! Thảo nào tôi không tìm ra. Tôi mất toi ba mươi ba tiếng đồng hồ đi tìm cửa hàng ở một khu phố khác hẳn!
Tôi cứ nghĩ đến chuyện này trong khi chép lại những tin nhắn đêm qua của bà. Sau đó tôi vội xuống tầng trệt để nhận đồ ở chỗ hẹn với Yuri. Mỗi sáng ông báo chính xác địa điểm đỗ xe, nhưng tôi có nhanh chân đến mấy thì khi xuống đến nơi Yuri cũng đã lấy hết đồ khỏi xe và khuân vào nhà để tôi đỡ mất công tìm ông lâu. Hôm nay cũng thế. Ông đã đứng đợi tôi như một người ông hiền từ ở tiền sảnh trước cửa xoay, tay ôm đầy túi nylon, quần áo và sách báo.
“Đừng chạy nhanh thế, nghe chưa,” ông nói đặc giọng Nga. “Suốt ngày tôi thấy chị chạy và chạy và chạy, chị vất vả quá đấy. Vì vậy tôi đem đồ tận tay cho chị,” ông giúp tôi chất hết các túi và hộp lên tay. “Chị là một cô bé ngoan, nghe chưa. Chúc chị một ngày tốt lành.”

Tôi nhìn ông đầy hàm ơn, ngó qua Eduardo với tia mắt nửa đùa nửa thật báo hiệu tôi sẽ bóp cổ ông nếu ông lại định bắt tôi diễn trò như mọi hôm, và bằng lòng thấy Eduardo nhấn nút cho tôi qua cửa xoay mà không nói một lời nào. Lạ lùng là tôi nhớ đảo qua quầy Ahmed để nhận báo. Mặc dù phòng báo chí cứ chín giờ sáng là chuyển báo cho Miranda, tôi vẫn phải lấy thêm một tập để bảo đảm cho bà không phải ngồi ở bàn lấy một giây thiếu báo đọc. Các tuần san cũng thế. Dường như không ai ngạc nhiên khi chúng tôi mua mỗi ngày chín tờ nhật báo và mỗi tuần bảy tạp chí cho bà sếp vốn chỉ quan tâm tới cột buôn chuyện và thời trang.
Trước hết tôi đẩy tất cả xuống gầm bàn, vì đã đến giờ đặt hàng rồi. Tôi quay số đã thuộc lòng của cửa hàng điểm tâm cao cấp Mangia ở trung tâm. Như mọi khi, Jorge nhấc máy.
” Chào ông anh, em đây,” tôi kẹp ống nghe dưới cằm để rảnh tay kiểm tra e-mail. ” Ta bắt đầu nào.” Jorge và tôi rất thân nhau. Sáng nào cũng gọi điện cho nhau bốn, năm lần thì người ta dễ thành bạn.
” Chào bé con. Anh cho một cậu đến ngay chỗ cô đây. Bà ấy đến chưa?” Anh hỏi. Dù biết ” bà ấy” là bà sếp điên dở của tôi và làm ở Runway, nhưng chắc anh không rõ người sắp dùng đồ ăn sáng mà tôi vừa đặt là người như thế nào. Jorge là một trong những người mà tôi ưa gọi điện buổi sáng. Eduardo, Juri, Jorge và Ahmed đảm bảo cho ngày làm việc khởi đầu tử tế. Điểm hay nhất ở họ là thật ra họ chẳng liên quan gì tới Runway, dù là sự tồn tại của họ có vẻ như chỉ xoay quanh việc kiến tạo cuộc sống hoàn hảo cho bà sếp của tôi. Không ai trong họ mảy may biết gì về quyền lực và danh tiếng của Miranda.
Gói quà sáng đầu tiên chỉ mấy giây sau là lên đường tới 640 Madison, song chắc cũng bị ném vào thùng rác ngay. Mỗi sáng Miranda dùng bốn lát ba chỉ dày mỡ, hai xúc xích nhỏ, pho mát, và cho tất cả xuống dạ dày theo một cốc cà phê sữa to đùng của Starbucks ( nhớ thêm hai viên đường mía!) Ở văn phòng, mọi người tranh cãi nhau về chuyện này. Người thì bảo Miranda luôn theo chế độ ăn kiêng kiểu Atkins, người khác cho rằng bà là người hạnh phúc vì bộ gene trao đổi chất siêu việt. Dù thế nào thì bà cũng không tăng lấy một gam trong khi ăn những đồ nhiều mỡ nhất, nhiều đường nhất, bổ béo nhất thế giới – một tội lỗi mà không người bình thường nào dám phạm. Vì quà sáng chỉ giữ nóng tối đa được mười phút, tôi liên tục đặt mới cho đến khi bà có mặt, đồ cũ cho vào thùng rác. Đã có lần tôi làm nóng lại trong lò vi sóng, chỉ mất có năm phút thôi ( nhưng đã bị gọi: Aan-dree-aa, tởm quá. Chị lấy cho tôi đồ tươi đi.”) Cứ khoảng hai mươi phút là tôi lại đặt đồ mới, cho đến khi bà gọi từ điện thoại di động sai tôi đặt đồ ăn sáng ( Aan-dree-aa, tôi sắp đến văn phòng. Gọi quà sáng đi.”)
Điện thoại đổ chuông. Giờ này chỉ có thể của Miranda.
” Văn phòng Miranda Priestly đây”, tôi ríu rít, không mong đợi gì tốt lành.
” Emily, mười phút nữa tôi đến nơi, chị nhớ làm quà sáng sẵn sàng.”
Bà đã quen gọi cả hai chúng tôi cùng là Emily, qua đó cho thấy – hoàn toàn có lý – hai người chẳng khác nhau điểm nào và hoàn toàn có thể tráo cho nhau được. Tôi thấy khá bị xúc phạm, tuy đến hôm nay cũng đã quen dần. Thêm nữa là cũng quá mệt mỏi để thực sự bực mình vì mấy trò vặt vãnh như bị gọi sai tên.

” Vâng, Miranda, xong ngay.” Nhưng bà đã chấm dứt. Emily chính cống bước vào văn phòng.
“Ê, Miranda đến chưa?” Cô thì thào.Như mọi khi, cô len lén ngó về phía cửa phòng Miranda và không thèm phí một câu chào, giống hệt sếp.
” Không, nhưng vừa gọi điện báo là mười phút nữa đến nơi. Tôi quay về ngay.”
Tôi đút điện thoại và bao thuốc vào túi áo khoác và lao ra ngoài. Mười phút, không hơn không kém, tôi có đúng chừng ấy thời gian để xuống tầng dưới, chạy qua quảng trường Madison đi mua cà phê rồi quay lại bàn giấy – dọc đường còn kịp rít điếu thuốc ngon lành đầu tiên trong ngày. Di tắt mẩu thuốc, tôi luôn vào hiệu Starbucks góc phố 57 vá Lex. Tôi ngắm hàng người mua: nếu không nhiều hơn tám người thì tôi xếp hàng như một khách hàng bình thường. Nhưng hầu như hôm nào cũng như hôm nay, có đến hai chục người lao động tội nghiệp hoặc nhiều hơn đang xếp hàng đợi liều cafein đẳt đỏ, và tôi phải chen hàng. Chẳng hay ho gì trò này, nhưng hình như Miranda không chịu hiểu là người ta không chỉ từ chối đưa cà phê sữa của bà đến tận nơi mà lúc đông người tôi mất đến nửa tiếng mới đến lượt. Mấy tuần liền tôi bị bà hành hạ qua điện thoại di động ( Aan-dree-aa, tôi không thể hiểu được. Tôi gọi chị trước hai mươi lăm phút là tôi sắp đến, thế mà quà sáng vẫn chưa xong. Không thể chấp nhận được.”) Tôi xin gặp cô chủ cửa hàng.
” Chào bà, cám ơn chị có vài phút tiếp chuyện,” tôi nói với người phụ nữ da đen nhỏ nhắn. ” Tôi biết là chuyện này nghe hơi kỳ quái, tôi chỉ muốn hỏi chị, liệu có cách nào đó để tôi được phục vụ nhanh hơn một chút không?” Tôi lấy hơi để giải thích rằng tôi làm việc cho một bà sếp quan trọng và cứng đầu, không chấp nhận phải đợi cốc cà phê sáng. May quá. Cô chủ hiệu Marion đang học thêm buổi tối ở lớp tạo mốt.
” Trời ạ, tôi không nghe nhầm chứ? Chị làm việc cho Miranda Priestly? Và bà ấy dùng cà phê sữa của hiệu tôi? Cốc lớn? Sáng nào cũng thế? Thế mà tôi không biết. Vâng, vâng, tất nhiên rồi. Được ngay thôi. Tôi sẽ nói với nhân viên là chị luôn luôn được phục vụ đầu tiên. Chị không phải bận tâm gì cả. Bà ấy là nhân vật số một trong giới thời trang đấy,” Marion hăng hái nói, và tôi cũng cảm ơn nồng nhiệt.
Và thế là tôi được thản nhiên lướt qua mặt những người New York mệt mỏi, cáu kỉnh và tự mãn đang rồng rắn xếp hàng từ lâu. Tôi chẳng vui thú hay kiêu hãnh gì, thậm chí còn ghét mỗi khi phải làm trò này, nhất là những hôm hàng dài đằng đặc như hôm nay. Để chuộc lỗi, tôi không đặt một cốc mà mua cả khay bưng ra. Mạch đập thình thịch, mắt cay; tôi cố quên đây là cuộc đời mình sau mấy năm trời học văn thơ và tốt nghiệp điểm cao. Thay vào đó là đi đặt cốc cà phê sữa lớn cho Miranda cộng thêm vài cốc cho mình. Tôi đặt một cốc Grande Amaretto Cappuccino, một Mocha Frappuccino và một Caramel Macchiato lên khay, lấy thêm nửa tá bánh flan và bánh sừng bò, tổng cộng tốn hết 28,83 dollar. Tôi cho hóc đơn vào ngăn riêng trong cái ví chật cứng để thanh toán với Elias Clark mà chưa bao giờ bị hỏi han lâu la.


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.