Đọc truyện Yêu Anh Nhiều Hơn Em Có Thể (Rũ Bóng Nghiêng Chiều) – Chương 6: Biến cố thay đổi cuộc đời
Hôm ấy là một ngày mưa, mây đen không biết từ đâu cứ kéo đến liên hồi, mây dày đặc nên mặt trời cũng lười thức giấc. Bên ngoài tiếng gió thét gào, bên trong thì ồn ào nhốn nháo, tất cả đều như trên đống lửa sắp bùng cháy bất chấp cái không khí ảm đạm, ướt át ở bên ngoài. Mọi người chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm, bà Chung ngồi trên bộ đi văng, tay chống cằm thiểu não, ông Nghị đã đi ra ngoài từ rất sớm, Liên với Cúc đang ngồi trên chiếc bàn dài giữa nhà với vẻ mặt buồn bã lo âu, trên tay Liên còn cầm bức thư vừa ráo mực. Đó là bức thư mà Huệ để lại khi quyết định ra đi. Trong thư chỉ vỏn vẹn vài dòng xin lỗi, cô không nói rõ lí do cũng như không nhắc gì tới nơi mà cô sẽ đến. Má của Liên như có lửa đốt trong lòng, bà cứ đi ra đi vô, hết ngồi rồi lại đứng. Chỉ còn bảy ngày nữa là đám cưới, áo cưới đã may, thiệp hồng đã gửi, kế hoạch nấu nướng đãi đằng đã tính xong, chỉ còn chờ tới ngày dựng rạp rồi tiến hành hôn lễ.
Trời đã khuya nhưng cả nhà Liên không ai ngủ được, má cô thở tiếp tục thở dài, hố mắt thâm sâu chứa đựng biết bao phiền muộn, đôi mắt bà hoe đỏ in hằn lên nỗi niềm rối rắm như tơ. Cha cô thì ngày càng giận dữ, suốt mấy ngày ông phải tất tả tìm kiếm khắp nơi nhưng Huệ vẫn bặt vô âm tính. Một không khí nặng nề trùm phủ, không ai dám nói một lời nào. Chuyện Huệ bỏ nhà ra đi khi sắp tới ngày cưới thật sự là một cú sốc quá lớn đối với gia đình. Liên biết Huệ và Thành không có tình yêu và dù Huệ có bản tính mạnh mẽ quật cường, dù hằng ngày không phải lúc nào cũng vâng vâng dạ dạ, cúi mặt phục tùng nhưng cái việc bỏ nhà ra đi như thế này quả là một việc động trời, đây là việc mà chưa ai dám từng nghĩ tới chớ đừng nói gì tới việc sẽ làm. Liên cố moi lại trong trí nhớ những lần hai chị em trò chuyện, thử coi có tìm ra chút dấu vết hy vọng có thể tìm được Huệ, nhưng vô ích. Sau mấy ngày tìm kiếm không kết quả, sắc mặt ông Nghị càng ngày càng đanh lại, ông lặng im không nói như đang níu giữ sự bình tình trong cơn tuyệt vọng. Dù muốn dù không thì sự thật vẫn là sự thật, không chấp nhận cũng không được.
– Chuyện đã tới nước này thì phải qua nhà sui gia nói với người ta một tiếng để còn chung tay lo liệu. – ông Nghị lên tiếng một cách dứt khoát.
– Vậy là phải dẹp đám cưới hả ông? – bà Chung buồn bã hỏi.
– Dẹp gì được mà dẹp, đâu đã vô đó hết rồi, dẹp rồi ăn nói làm sao, gia đình này còn mặt mũi nào nữa, tui làm sao dám bước ra đường đây?
– Nhưng mà bây giờ không kiếm được con Huệ thì biết làm sao?
– Mình còn tới hai đứa con gái lận mà.
– Nhưng không biết tụi nó chịu không, với lại con Cúc thì còn nhỏ, con Liên thì bên ông phủ Quán đã đánh tiếng cho thằng Bửu rồi.
– Làm gì có chuyện chịu hay không, cưới gả do cha mẹ quyết định, huống gì mình đã ở trong hoàn cảnh này, con nhà người ta có đứa đi lấy chồng từ năm mười ba mười bốn tuổi, mà con Cúc năm nay đã mười lăm, còn về ông phủ Quán thì cũng chưa chính thức bước qua, mình có nhận lời gì đâu mà sợ. Bà nhớ chuyện này không được nói với ai, nhứt là hai đứa tụi nó, canh chừng cho kỹ, không cho ra ngoài, tui không muốn xảy ra chuyện giống con Huệ đâu.
– Ờ, tui biết. Nhưng mà, liệu bên kia, người ta có chịu không?
– Tui cũng không biết, – ông Nghị thở dài mệt mỏi rồi ngửa mặt lên trần nhà – đây là giải pháp cuối cùng nhưng nếu bên kia nhứt quyết muốn dẹp thì gia đình mình cũng không biết làm sao, đành chịu thôi.
Trên đường qua nhà Thành, ông Nghị mang một tâm trạng nặng nề chưa từng có, lòng ông rối rắm như tơ, dẫu có trăm bàn tay cũng không thể nào gỡ nổi, một việc thật khó để mở lời, đúng là một trò cười cho thiên hạ. Cho đến khi xe dừng trong sân nhà Thành, ông vẫn không muốn bước xuống như cố níu kéo thời gian càng lâu càng tốt, nhưng trong lòng ông vẫn ý thức được rằng, việc này càng để lâu thì hiển nhiên càng không tốt. Bước vô nhà trước thái độ niềm nở của ông bà Duy, ông Nghị càng thấy thẹn thùng, ông không dám ngẩn lên nhìn thẳng hai người thông gia trước mặt. Nhìn thấy ông với dáng vẻ thất thần, ông bà Duy cũng trở nên lo lắng. Sau một tá lời xin lỗi mở đầu, rốt cục ông cũng nói ra được vấn đề mà mình muốn nói. Còn ông bà Duy khi nghe xong, ban đầu thì giật mình hốt hoảng, sau đó thì mặt đỏ bừng vì giận dữ. Ông nói như hét, tiếng ông hát vang khắp cả ngôi nhà đồ sộ, có tiếng bước chân từ phía sau đi tới, trong cơn tức giận, những câu nói của ông đều mang âm thanh chát chúa.
– Anh nói nhà tui phải làm sao đây, con gái của anh nếu không đồng ý thì cứ nói một tiếng, gia đình tui không bao giờ ép buộc, cứ đi khắp xứ lục tỉnh này, thử hỏi có cô gái nào, có nhà nào không muốn làm sui với nhà này, đợi tới hôn lễ sắp gần kề lại bỏ đi, bộ nhà này có thù oán gì với nó mà nó phải kéo nhà này mang tiếng xấu theo nó chớ.
– Nếu tui biết trước con gái anh là loại hư đốn như vậy, có cho vàng tui cũng không dám rước về đâu. Bây giờ anh có qua đây xin lỗi thì ích gì. – bà Ngự cũng giận dữ tiếp lời chồng.
– Bây giờ anh định tính sao đây hả anh Nghị? – Ông Duy nhìn thẳng ông Nghị mà hỏi gằn.
– Dạ thưa anh, tui bây giờ như cá mắc cạn, cũng không biết tính sao, tất cả lỗi là của con gái tui, người ta nói mũi dại lái chịu đòn, bây giờ anh chị tính sao thì tui xin nghe vậy chớ không dám ý kiến gì. Thực lòng, được làm sui với gia đình anh là một niềm vui lớn với gia đình tui, bản thân tui không bao giờ muốn dẹp đám cưới.
– Anh khéo nói quá ha, con anh gây chuyện rồi bây giờ biểu nhà tui tính, tính như thế nào, để tui coi mai mốt có ai còn dám bước tới làm sui với nhà bên đó hay không? – giọng bà Ngự cất lên khiến ông Nghị cúi gầm mặt.
– Thôi, bà yên lặng một chút để cho tui tính, – ông Duy gắt bà Ngự một tiếng, ông suy nghĩ hồi lâu rồi nói với ông Nghị. – Được, nếu anh đã nói vậy thì để tui tính, nhà anh có tới ba cô con gái, cô chị đã đi rồi thì để cô em thế vô đi.
– Dạ, không giấu gì anh, hồi ở bên nhà, tui cũng là có ý đó, nhưng không biết anh có chấp nhận hay không nên chưa dám nói ra, giờ anh cũng có ý vậy, thực sự tui mừng lắm. – ông Nghị không giấu được mừng rỡ.
– Không, con không chịu đâu, con không cưới nữa đâu. – Thành từ phía sau tiến lên.
Ông Duy nhìn con nghiêm mặt rồi quay qua ông Nghị đang có thái độ khúm núm. Trong hoàn cảnh này, ông Nghị không biết làm gì hơn là cúi đầu im lặng.
– Anh ngồi đây một lát, để tui với nhà tui bàn bạc một chút. – tiếng nói của ông Duy vang lên, sau khi ông Nghị gật đầu, ông quay về phía Thành hất đầu ra lệnh – đi vô trong. – ông Duy đi trước, bà Ngự lập tức theo sau, Đạt cũng kéo tay Thành đi theo ông vô phòng sách. Vừa đóng cửa phòng, Thành bước về phía ông Duy lên tiếng.
– Cha má, con nói rồi, con chịu đâu, đã như vầy thì không cần cưới hỏi gì nữa.
Bà Ngự đồng ý với Thành.
– Đúng đó, con nhà đó đã tai tiếng như vậy, bây giờ tránh còn không kịp, làm sao còn dám cưới về được nữa, không có cô dâu thì khỏi cưới, dù gì con mình cũng là con trai có gì mà phải sợ.
– Cả hai bên đều chuẩn bị xong, cái quan trọng là thiệp mời đã gửi từ lâu, một số người xa đã chuẩn bị tới dự hết rồi, vốn dĩ là muốn có một đám cưới rình rang, số khách mời không phải là ít, khách khứa đâu chỉ có họ hàng mà còn có những người có tên tuổi và địa vị, bây giờ làm sao mà hồi lại được, đâu phải chỉ nhà bên đó mất mặt, nhà mình cũng không tránh được việc xấu hổ. – ông Duy vỗ tay xuống bàn liên tiếp.
– Xấu hổ thì xấu hổ, con không cưới nữa, con đâu phải là con rối mà muốn thế nào thì thế nấy, ban đầu cưới vợ cũng là nghe lời cha má, vậy mà bây giờ con phải xấu hổ vì bị người ta bỏ, cha má còn kêu con làm cái chuyện kì cục như vậy nữa sao?
– Cái gì mà kì cục, không phải con với con Huệ bên nhà đó cũng không có gì với nhau sao, ban đầu muốn cưới nó chỉ vì theo thứ tự nó là con lớn, với lại tuổi tác hợp nhau, bây giờ không có nó thì có đứa khác. Cha cũng muốn kiếm nhà khác, khổ một nỗi, bây giờ, ngày cưới gần kề thì kiếm đâu ra, ai mà chịu gả con cho mình trong hoàn cảnh như vầy, chi bằng cưới con gái thứ ba bên đó. Điều quan trọng bây giờ là đám cưới phải diễn ra để nhà ta không bẽ mặt trước họ hàng, còn nếu con không thích thì cứ cưới, một thời gian sau bỏ cũng được, hay cưới thêm vợ hai vợ ba cũng không sao. Bây giờ chỉ cần con cưới là được, xong rồi thì muốn làm gì làm, cha không bắt con phải ăn đời ở kiếp với nó đâu mà sợ.
Nghe ông Duy nói xong thì bà Ngự cho là có lý, dù có cưới ai thì đối với bà chỉ là một đứa con dâu, nhà có thêm một người, điều đó không quan trọng. bà Ngự tiếp lời ông Duy khuyên Thành
– Cha con nói đúng đó, lần này chỉ là con cưới cho có thôi cũng được, xong rồi mình tính tiếp, con là con trai mà sợ gì. Dù nói là con không thệt gì, nhưng người ta sẽ nghĩ, con phải như thế nào thì mới bị người ta bỏ, cũng không hay cho lắm đâu con.
– Không, con nói là không, cha má mà không chịu thì lần này tới lượt con bỏ nhà đi luôn, có cô dâu mà không có chú rể thì cũng không đám cưới được đâu. – Thành lớn tiếng nói.
– Cái gì, mày nói cái gì? – ông Duy giận dữ.
– Thôi mà ông, Thành, đồng ý đi con, cứ coi như lần trước con nói đó, chỉ là cưới vợ thôi mà, cưới ai mà không được.
– Lần trước khác lần này khác, đâu có giống nhau đâu má. – Thành quay về phía bà Ngự.
Đạt đứng kế bên Thành, những người trong gia đình còn thấy khó chịu trước cái tin Huệ bỏ nhà đi trước ngày cưới thì thử hỏi, Thành, chú rể của đám còn khó chịu tới cỡ nào. Đạt lên tiếng ủng hộ Thành. Một phần vì Đạt thấy thông cảm với anh và một phần Đạt không hề muốn Liên trở thành chị hai của mình. Khi nghe chuyện Liên có thể là vợ Bửu, Đạt thấy khó chịu trong lòng nhưng nếu Liên gả cho Thành và là chị dâu của mình thì Đạt còn khó chịu hơn gấp trăm lần.
– Cha má, nếu anh hai không muốn thì đừng ép nữa, dù anh hai với chị Huệ chưa có gì, nhưng từ trước tới giờ mọi người đều quen với việc chị Huệ sẽ là vợ anh hai, còn Liên là em vợ, bây giờ, tự nhiên thay đổi, đúng là hơi khó coi.
– Không có gì mà khó coi, ban đầu không quen, từ từ rồi cũng sẽ quen. – ông Duy lập tức ngắt lời.
– Không muốn cưới là không muốn cưới. – Thành lên tiếng cương quyết.
– Có muốn hay không cũng vậy, quan trọng là phải có đám cưới vào ngày đã định. Con chỉ việc đứng là làm chú rể là được rồi, cha chỉ cần có như vậy thôi. – ông Duy nạt Thành.
– Cứ coi như đãi một cái tiệc đi Thành, nhà mình bỏ tiền để nuôi thêm một miệng ăn, còn sau đó, con có thể không cần coi đó là vợ cũng được, cứ rước về rồi để đó, tùy con mà Thành. – bà Ngự nhỏ nhẹ nói với Thành.
– Không. – Thành trả lời dứt khoát.
– Cha má, anh hai không muốn thì để con cưới đi. – Đạt lên tiếng sau vài phút suy nghĩ.
– Hả? – Cả nhà đều quay đầu hướng mắt về phía Đạt như muốn khẳng điều họ mới vừa nghe.
– Con nói là con sẽ cưới Liên. – Đạt như hiểu ý, anh lặp lại một lần nữa thật rõ ràng từ tốn, ông Duy không nói gì, cái ông cần là một đám cưới nên không lên tiếng, bà Ngự cũng chưa vội nói gì vì có chút suy nghĩ, chỉ có Thành là người đưa ra phản ứng đầu tiên.
– Đạt, chú không cần phải cưới gì hết, chú không cần phải vì anh hay vì điều gì khác, đối với anh mà nói thì bị người ta bỏ là một việc mà không gì là xấu hổ hơn được nữa, vì vậy, có đám cưới hay không cũng như nhau thôi.
– Nhưng em không vì ai hay vì bất cứ gì khác, mà em vì chính em thôi, đằng nào thì em cũng phải cưới vợ, tiện thể bây giờ cưới luôn, sau này đỡ tốn kém.
– Nhưng má đâu có muốn cưới con nhà đó cho con, ngày trước thì không sao, bây giờ đã có chuyện như vầy, nhìn mặt nhau còn không muốn nói gì đến chuyện thông gia, ép lòng lắm mới chấp nhận cho con nhà đó bước về đây, chứ bằng không đừng mong gì má đem trầu cau qua nhà đó một lần nào nữa. – bà Ngự vói với Đạt.
– Con suy nghĩ kĩ chưa, ngày cưới cận lắm rồi cha không muốn có xáo trộn gì nữa đâu – tới lúc này ông Duy mới lên tiếng hỏi.
– Dạ, cha má cứ để cho con cưới đi, anh hai gặp chuyện này còn đang khó chịu trong lòng, ép ảnh chỉ càng làm cho ảnh quạu, lỡ ảnh quậy trong ngày cưới thì càng mệt thêm, cứ để con cưới là êm xuôi. Có điều, không biết Liên có đồng ý không?
– Hừ, cớ sự là do chị hai nó gây, nhà nó phải gánh, chịu hay không chịu cha không cần biết. – ông Duy nói lạnh tanh.
– Nếu con Liên không chịu thì bắt con Cúc thế vô, đằng nào cũng phải có một đứa qua đây. – ông Duy còn chưa kịp nói thêm thì bà Ngự đã nói tiếp, câu nói này làm Đạt giật mình. Anh không giữ được bình tĩnh mà tiến lên một bước.
– Cha má, con không cưới Cúc đâu, con…, – Đạt dừng lại một chút suy nghĩ tìm lí do rồi nói tiếp với giọng cương quyết – em Cúc còn nhỏ lắm, con không chịu đâu, con chỉ cưới Liên thôi. – mấy chữ cuối mọi người không quan tâm lắm, họ chỉ hiểu đơn giản rằng giữa Cúc và Liên thì Đạt chỉ chịu cưới Liên, chứ họ đâu biết thật ra thì không chỉ với Cúc mà với bất cứ một cô gái nào khác nữa ngoài kia thì Đạt cũng chỉ cưới Liên, chỉ cưới mình Liên.
– Được, để cha ra nói với ông Nghị – lẽ ra phải kêu là anh sui nhưng trong lúc cơn giận còn chưa nguội, ông Duy chỉ có thể xưng hô như thế.