Bạn đang đọc Xuyên Tâm Lệnh – Chương 43: Thập Tử Nhất Sinh
Nơi chứa, ngựa trăm, ngựa ngàn, thì cỏ phải nhiều, mà lại là cỏ khô, lửa bốc nhanh, lan nhanh. Thế lửa rất mạnh, cháy rần rần, đàn ngựa khiếp hãi, càng chạy loạn.
Ngựa ào ra, như nước biển tràn bờ, rồi gió tiếp sức lửa, con người làm sao ngăn chận nổi?
Đường môn đệ tử, tay hữu cầm đao, tay tả xách túi da nai đựng ám khí, cùng hét oang oang:
– Thà tận diệt đàn ngựa, chứ đừng để gian tế chạy thoát!
Bọn cung tiễn lắp tên, kéo giây sẵn sàng, chờ lịnh là buông tay!
Nhưng, có lửa tất có khói bốc mịt mù, khói theo gió đùa tạt vào mặt chúng, không một tên nào mở mắt nổi!
Chúng lo khổ vì cay mắt, đến không còn phân tách được những tiếng động chung quanh.
Đường Địch dậm chân, tung mình lên không, phóng lên cột cờ.
Cột cờ được dựng lên đặc biệt cho những ngày có tiệc vui để hào kiệt bốn phương biết địa điểm thả ngựa.
Trong khói mờ, đàn ngựa đổ ra ào ào, giữa đàn ngựa đó, có một con lưng chớp chớp!
Cái thứ chớp chớp của loại gấm sặc sỡ phản chiếu ánh lửa.
Đường Địch cả mừng, thét:
– Ở đây! Ở đây!
Đường môn đệ tử rập vang một tiếng, theo hướng tay của lão, cùng phát xuất ám khí, tên ngắn.
Hàng trăm ám khí, tên ngắn bắn đi, xé gió rào rào hết đợt này đến đợt khác, liên miên bất tuyệt.
Ngựa trúng tên, trúng ám khí, cùng hí vang, càng chạy loạn, con nào ngã rồi thì nằm cản đường, con chưa ngã dẫm lên xác đồng loại mà chạy.
Khổ cho những con trúng thương song chưa chết, vì vết thương lại bị động, loại phía hậu chạy tới, đạp, đụng, rồi cũng ngã nhào. Bên sau dồn tới, phía trước trở ngăn, đàn ngựa tranh lối, đạp vào nhau, quần quần hỗn loạn, hí vang dội cả một vùng rộng lớn!
Cũng có một số tinh khôn, rẽ đường mà chạy.
Rồi thì bên trong lửa cứ cháy, cứ lan, đàn ngựa bị ép dồn giữa lữa và tên độc, thảm thương cho chúng quá chừng.
Có mấy đệ tử mục kích đàn ngựa bị nạn một cách vừa vô lý, vừa thê thảm, bất quá lòng mềm tay xuôi, không nỡ phóng ám khí nữa.
Nhưng, Đường Địch lại luôn luôn bật cười cuồng dại, ghê rợn.
Tiếng cười của lão vang lên giữa cảnh huống đó, nghe ra còn tàn nhẫn hơn cả tiếng thét của tử thần!
Bởi, lão có lý do để cười!
Bởi, với nhãn lực tinh vi, lão đã nhận thấy người áo gấm trên ngựa trúng tên độc, nhào xuống đất rồi!
Như vậy, gian tế đã bị hạ!
Ngã xuống đất rồi, dĩ nhiên gian tế không thể chạy được, và chắc chắn là phải bị ngựa đạp nát thây.
Lão đắc chí, thốt vang lên:
– Ai bảo ngươi vào đây? Triển Mộng Bạch? Dạ thám địa cuộc của ta là chết!
Lão đinh ninh kẻ ngã ngựa là Triển Mộng Bạch.
Bỗng, bọn đệ tử tán chạy, không còn tên nào tiếp tục phóng ám khí, phóng tiễn nữa.
Thì ra, đàn ngựa như nước vỡ bờ, tuông chạy, đạp bừa lên chúng. Ngựa không tránh chúng, thì chúng phải tránh ngựa, bỏ vị trí chạy đi.
Tên nào không chạy kịp, bị ngựa đụng phải, kêu la như lợn bị chọc tiết!
Có mấy tên chết không kịp rú!
Người chết, lão không nhìn, lão chỉ nhìn những xác ngựa! Bởi trong những đống xác ngựa đó, chắc chắn là có xác của Tiêu Phi Vũ và Triển Mộng Bạch.
Lão còn nhận ra một bóng người nữa!
Bóng thứ ba! Bóng đó đang rải mồi lữa chung quanh mình! Lão biết rõ đó là Hỏa Phượng Hoàng, con gái lão!
Thấy bóng đó rồi, lão sôi giận liền.
Bóng đó đứng giữa, lửa bốc chung quanh! Lửa cháy dần dần vào trung tâm, lửa sắp đốt nàng! Đường Địch đứng trên cột cờ, không hề xúc động.
Lão không cứu nàng. Lão lại lẩm nhẩm:
– Chết đốt là phải!…. Chết đốt là phải!….
Trên đời này, có người cha nào tàn nhẫn như thế chăng?
Nhưng, có ai biết được là lão đã giương mắt nhìn con gái của lão chết trong vòng lửa, khi mà còn thời giờ cứu kịp?
Giả như có ai nghi ngờ, thì lão đã có một ngàn lẻ một lý do bào chữa!
Chẳng hạn lão lầm! Hoặc con gái lão hiệp đoàn với gian tế, lão giết gian tế, phải giết luôn, lão đâu biết trước được mà gạn lọc?
Lúc đó, gia đinh từ bốn phía kéo đến, dùng giây chận bắt số ngựa sống sót.
Một số lo dập tắt lửa, nhưng lửa còn cháy mạnh, trong một khoảng diện tích lớn, trong nhất thời chúng không diệt nổi.
Đường Địch trở xuống địa đạo, thấy Tô Siễn Tuyết vẫn còn ở đó.
Lão thốt:
– Chết rồi!
Nhìn thảm cảnh trước mắt, Tô Siễn Tuyết thản nhiên như thường. Hơn thế, bà còn nở một nụ cười, hỏi:
– Cái gì chết?
Đường Địch lạnh lùng:
– Cả ba người đều chết!
Tô Siễn Tuyết cau mày.
Một lúc lâu, bà buông gọn:
– Chết rồi thì càng hay!
Phần đông tân khách dự tiệc cưới chưa cáo từ, nghe động, kéo đến nơi.
Họ chỉ thấy cảnh hỗn độn trước mắt, nào biết được nguyên nhân?
Hoàng Hổ, Lao Sơn Tam Nhạn, Triệu Minh Đăng, Lý Tùng Phong, Kim Phi, không có mặt trong số đó.
Họ là những người không thuộc thành phần chánh thức của cuộc lễ, nên chẳng ai lưu ý đến họ, để tùy tiện họ Ở họ đi.
Quần hùng đổ ra, chận đầu ngựa chạy.
Ngựa chạy, chận đầu quần hùng.
Người nhao nhao, thú chạy loạn, cảnh hổn độn càng thêm hổn độn.
Có người cất tiếng hò hét, tìm con ngựa của mình.
Phàm khách giang hồ nào cũng quý trọng con ngựa của họ, một con ngựa mà có kẻ phí mất nhiều năm dài mới chọn được.
Ngựa là một bằng hữu cộng đồng hoạn nạn với họ, họ xem như tánh mạng của họ, cho nên mất ngựa là họ mất một phần trợ lực lớn lao, với biến cố này, ai ai cũng sợ mất ngựa, tự nhiên, họ phải kinh hoàng, mạnh ai nấy xông xáo tìm kiếm.
Đường Bảo thân danh là con trưởng, trong tương lai sẽ là đại diện đời thứ ba trong Đường môn, lo lắng vô cùng, hắn chạy đôn chạy đáo, thét đầu này, quát đầu kia, vất vả đến tháo mồ hôi hột.
Hắn cũng chẳng hiểu sự tình ra sao cả.
Hắn vừa trấn an quần hùng, yêu cầu họ bình tĩnh, cứ để cho ngựa chạy đi, phân tán mỏng ra rồi thì gia nhân sẽ bắt lại dễ dàng, lúc đó họ sẽ nhìn ngựa cũng không muộn.
Chứ chận đó như thế này, ngựa dồn, lại càng lúc càng ác liệt, rồi chúng quần quần, lồng lộn, làm cho cảnh hỗn loạn không bao giờ chấm dứt!
Rồi hắn tìm một đệ tử Đường môn, hỏi:
– Việc gì đã xảy ra? Tại sao lại phá hoại?
Đại hán đó lắc đầu:
– Nào tôi có biết chi đâu? Chỉ vì lão giạ..
Đường Bảo dậm chân:
– Lão gia hiện đang ở đâu?
Đại hán vừa đưa tay chỉ, chưa kịp nói gì, Đường Bảo chạy đi liền.
Bởi hắn vừa trông thấy Đường Địch, và đột nhiên lão biến mất, mường tượng lão độn thổ, hay chui vào một địa động!
Phải vất vả lắm, hắn mới đến tận nơi, song đến nơi rồi, hắn lại thấy Đường Địch đứng đó, tay chấp sau lưng.
Đường Bảo sững sờ, hỏi:
– Vừa rồi, gia gia đi đâu?
Đường Địch lạnh lạnh:
– Ta vẫn đứng tại đây, chứ có đi đâu!
Đường Bảo đưa tay dụi mắt:
– Mắt ta hoa rồi sao?
Hắn luyện tập xử dụng ám khí từ nhỏ, nhãn lực của hắn rất tinh vi, dù đang lúc tâm thần hoảng hốt, hắn cũng không hoa mắt được.
Cho nên, hắn nghi ngờ.
Hắn nghi ngờ chứ làm sao dám hỏi?
Vừa lúc đó, từ xa vọng lại một tràng cười, vang rền như sấm nổ liên tục.
Giữa tràng cười, có tiếng thốt, cũng oang oang:
– Chúng ta không đánh nhau nữa, trái lại, lấy việc dập tắt lửa làm cuộc! Ai dập tắt được nhanh, người đó mới là anh hùng chân chính!
Tràng cười, câu nói, chấn đôi màng tai quần hùng. Ai ai cũng sững sốt, quên cả việc tìm ngựa, cùng hướng mắt nhìn ra.
Bốn người từ trong bóng đêm vọt đến, nhanh hơn tên bắn.
Họ vừa đến là lao mình vào lửa ngay.
Đường Địch thấy người nào cũng có thân pháp phi thường, vụt biến sắc mặt, trầm giọng bảo:
– Bảo nhi! Chúng ta đến đó xem họ là những ai!
Quần hùng cũng đồng ý tưởng đó, không mấy chốc, họ đã có mặt bên cạnh vùng lửa rồi.
Bốn người phân nhau, mỗi người một góc, ra sức dập lửa. Nơi nào họ lướt qua, nơi đó gió dậy, lửa ngả ngọn, tắt liền. Thứ gió họ tạo ra là gió trốt, thay vì giúp sức lửa, thì lại cuốn lửa đi. Lửa tách rời khỏi, tắt liền.
Ngàn cơn gió trốt xoay lông lốc quanh vùng lửa, dần dần gom lại, vùng cháy thu hẹp.
Gió đó, do chân khí phát ra, tùy ý mà dấy, rồi cũng tùy ý mà thu.
Mục kích bốn người thi triển tuyệt kỷ, quần hùng hết sức khâm phục, cùng hò reo tán thưởng.
Lửa tắt dần dần…
Bỗng, từ trong vũng lửa, một người kêu lên:
– Kỳ quái! Lửa cháy thế này, sao lại có người sống sót?
Một người khác hỏi:
– Xem lại kỹ đi! Quả thật sống sót hay bị thiêu chín như con heo quay rồi đó!
Người trước hừ một tiếng:
– Ta có mù đâu, mà trông gà hóa cuốc? Đúng là còn sống đấy!
Đường Địch biến sắc.
Một người trong vùng lửa phi thân vọt ra, tay bê một người nữa.
Đúng là Hỏa Phượng Hoàng Đường Phượng.
Người vừa phi thân là một lão nhân gù, hàm râu bị cháy xém độ nữa phân.
Đường Địch trong cái thế chẳng đặng đừng, phải lên tiếng:
– Vị tiền bối cao nhân nào cứu người đó, tại hạ là Đường Địch! Tại hạ có quen biết với người bị nạn!
Lão vọt tới, vòng tay tiếp:
– Đa tạ lão tiền bối tương cứu…
Lão nhân gù không đợi Đường Địch thốt dứt câu, quăng Hỏa Phượng Hoàng vào lòng Đường Địch, bảo:
– Trao cho ngươi đó, hãy săn sóc nàng gấp!
Đoạn lão trở vào vùng lửa, tranh cái tiếng anh hùng chân chính. Lão chỉ cần diệt hỏa, bất chấp những việc gì khác.
Thế lửa đã yếu dần, ngựa cũng bắt đầu yên tĩnh, mà người cũng bớt xôn xao.
Lúc bọn gia nhân họ Đường mang nước đến, tưới phần lửa còn lại, thì lửa hoàn toàn tiêu tan.
Lão nhân gù, chính là Thiết Đà, và người đánh cuộc chính là Lam Đại tiên sinh. Hai người kia dĩ nhiên là Ngô Thất và Dương Phi.
Lửa tắt rồi, Ngô Thất trước sau chỉ nhớ đến Mạnh Như Tuyết và Lý Quán Anh, nhận thấy cuộc chiến này vô lý quá, nên thừa dịp mọi người sơ ý, thoát đi liền.
Dương Phi vẫn ghi nhớ mối thù của đồ đệ là Thiết Thương Dương Thành, thấy Ngô Thất thoát đi, lập tức đuổi theo.
Tại cục trường, chỉ còn lại Lam Đại tiên sinh và Thiết Đà.
Thấy lửa tắt hết, Thiết Đà dậm chân, kêu lên:
– Làm sao lửa lại tắt nhanh thế này!
Lam Đại tiên sinh cười lớn:
– Lửa tắt thì tốt chứ sao? Ngươi nói gì kỳ quái thế!
Thiết Đà nổi giận:
– Vậy là cái tiếng anh hùng chân chánh về tay các ngươi rồi à?
Lam Đại tiên sinh cười mỉa:
– Ngươi hiếu thắng quá chừng! Chẳng lẽ ngươi không biết là cứu người thì hơn cứu lửa gấp bội sao? Hà huống, trong cái việc cứu lửa, ngươi cũng có dự một phần!
Thiết Đà đổi giận làm mừng, cười hì hì:
– Vậy là ai cũng có công, ai cũng là anh hùng chân chính cả.
Nhưng, lão chợt nhận thấy Ngô Thất và Dương Phi chuồn mất rồi, cất tiếng mắng oang oang, đem tên mấy người đó ra chửi.
Trong võ lâm lúc đó, người ta xem Ngô Thất và Dương Phi là Đao Thương Nhị Thánh.
Bây giờ thấy Thiết Đà lớn tiếng mắng cả hai nhân vật trong Thất Đại Danh Nhân, ai ai cũng biến sắc mặt.
Đường Địch cũng kinh hoàng như quần hùng.
Lão trao Hỏa Phượng Hoàng cho người khác.
Lam Đại tiên sinh bước tới hỏi:
– Vị cô nương đó là ai?
Đường Địch cười, vút đáp:
– Tiểu nữ đấy! Tại hạ là Đường Địch, chẳng hay quý tánh, cao danh nhị vị là chi?
Từ nhiều năm qua, Thiết Đà ẩn cư luôn trong Đế Vương Cốc, còn Lam Đại tiên sinh thì như con thần long, theo gió theo mây, người đời ít ai gặp lão.
Cho nên, Đường Địch không nhận ra được.
Lam Đại tiên sinh chưa kịp đáp, Thiết Đà cao giọng thốt:
– Tên họ của bọn ta, có nói ra, ngươi cũng chẳng biết, thì đừng hỏi mà làm gì. Hãy buông con gái ngươi xuống! Ta chữa trị hỏa chưởng cho nó!
Đường Địch hấp tấp:
– Việc nhỏ mọn đâu dám làm nhọc đến tiền bối!
Lão sợ Hỏa Phượng Hoàng nghe được bí mật của lão, khi tĩnh lại, nói ra trước mọi người, do đó, lão không muốn ai cứu tĩnh nàng trong lúc này.
Để được chắc ý hơn, lão âm thầm điểm vào huyệt ngủ của Hỏa Phượng Hoàng, rồi quay mình gọi:
– Có kẻ nào đó không? Bước tới đây, bế cô nương về phòng ngơi nghỉ.
Đường Bảo bước tới, thốt:
– Hài nhi xin đưa muội tử về phòng!
Đường Địch trầm gương mặt:
– Sao ngươi không chiếu cố đến tân khách?
Lão trao Đường Phượng cho một gã tâm phúc.
Đường Bảo không dám nói gì, nghiêng mình chào phụ thân, rồi bước đi liền.
Lam Đại tiên sinh cau mày, thầm nghĩ:
– Sao y không giao con gái cho huynh trưởng nàng mang đi, mà lại trao cho người ngoài!
Thật là không hợp tình, hợp lý chút nào cả! Ta nghĩ hẳn là bên trong có điều chi bí ẩn đó!
Lão ngầm theo dõi đại hán đó bằng ánh mắt, nhận định phương hướng, toan bước theo hắn.
Bỗng có tiếng gọi ơi ới:
– Tiểu Lam! Tiểu Lam ơi! Ta tìm ngươi khổ không tưởng nổi!….
Chính là Liệt Hỏa phu nhân gọi lão.
Lam Đại tiên sinh cười nhẹ:
– Phiền phức đến nơi rồi đấy!
Lão nhún chân vọt mình, thoáng mắt đã xa ngoài ba trượng, rồi phóng chân chạy luôn.
Thiết Đà lấy làm kỳ, gắt:
– Ai đến mà ngươi sợ dữ vậy?…
Một bóng người từ trên không đáp xuống, kêu to:
– Hay chưa! Hay cho cái lão gù lưng! Ngươi đánh thế nào mà làm cho Tiểu Lam bỏ chạy thế? Ta bắt đền ngươi đấy!
Chân chưa chạm đất, bà xuất chiêu liền.
Thiết Đà nhận ra bà, vội né tránh chiếu đó, rồi thét lớn:
– Không phải lão phu đánh cho lão ấy chạy đi! Mà chính là bà làm cho lão ta sợ phải chạy trốn đó!
Liệt Hỏa phu nhân vừa trừng mắt vừa xuất chiêu:
– Lão già gù, ngươi nói cái gì thế! Ta có phải là quỷ mẫu dạ xoa đâu mà Tiểu Lam sợ chứ?
Thiết Đà lại phải tránh né những chiêu thần tốc của Liệt Hỏa phu nhân.
Càng giận vì đánh hụt, Liệt Hỏa phu nhân càng đánh hăng, thân phép bà nhanh xoay tròn trông như quả cầu lửa.
Thiết Đà không sợ bà, song không tiện hoàn thủ, chỉ tránh né mãi.
Lão hết sức khổ, vì vốn là một con người hiếu động, có dịp động võ mà phải né tránh hoài, thì còn gì khổ bằng?
Bỗng Lam Đại tiên sinh từ xa xa gọi vọng lại:
– Ta ở đây! Ngươi lại đây!
Thiết Đà thở phào, thầm nghĩ:
– Bà ta không còn bắt đền ta nữa rồi!
Ngờ đâu Liệt Hỏa phu nhân không ngừng tay, vừa xuất chiêu, vừa gọi ngược:
– Tiểu Lam đó phải không? Ngươi muốn gặp ta, thì cứ lại đây! Tại sao ta lại phải đến đó?
Thiết Đà sững sờ, lại nghĩ:
– Rõ ràng là bà tìm người ta, rồi bây giờ lại ăn nói như người ta tìm bà. Bà còn nói là tìm rất khổ sở, thế mà gặp rồi, lại không chịu đến với nhau, mà cứ sanh sự với kẻ khác.
Bình sanh lão không màng đến nữ sắc, thì làm gì biết được tâm lý của nữ nhân!
Cho nên, càng nghĩ, lão càng hồ đồ!
Liệt Hỏa phu nhân chưa dừng tay, song đánh chậm hơn trước.
Rồi Lam Đại tiên sinh lại gọi:
– Nơi đây có người bị lửa đốt, gây thương thế nặng, ngươi bước nhanh đến chữa trị cho người ta!
Đường Địch biến sắc.
Liệt Hỏa phu nhân cười tít, mắng:
– Thì ra ngươi có việc nhờ đến ta!
Thiết Đà càu nhàu:
– Còn nói cái “mẹ nó” gì nữa! Người ta đã yêu cầu, thì mau đến giúp người ta càng nhanh càng tốt, sao còn đứng đó mà trủ treo.
Liệt Hỏa phu nhân xì một tiếng:
– Ngươi thì biết cái gì mà nói chen. Mong ta đi sớm cho ngươi đỡ khổ, phải không?
Cuối cùng, bà cũng chạy đi.
Thiết Đà đưa tay lau mồ hôi, lắc đầu thở dài:
– Xem ra, con người muốn hưởng phúc, thì đừng tiếp cận nữ nhân! Tránh họ càng xa, càng hưởng phước lớn!
Lão nhìn ra, Đường Địch cũng bước luôn theo Liệt Hỏa phu nhân!
Như đám mây hồng theo gió cuốn đi, Liệt Hỏa phu nhân vèo mình lướt tới.
Không đầy nữa phút, bà đến cạnh Lam Đại tiên sinh rồi!
Lão đang bế một thiếu nữ vận áo hồng, bên cạnh đó, một đại hán đang cúi đầu ủ rủ, nhăn nhó.
Liệt Hỏa phu nhân hét:
– Tiểu Lam! Ngươi bế ai đó?
Lam Đại tiên sinh không đáp câu hỏi, chỉ thốt:
– Nàng thọ hỏa thương, hôn mê trầm trầm.
Liệt Hỏa phu nhân nổi giận:
– Hay chưa, ngươi gọi ta đến gấp, tưởng đến để làm gì, không ngờ lại để cứu chữa cho nàng này! Con tiểu yêu tinh đó là ai? Tại sao ngươi lại quan tâm đến nàng?
Lam Đại tiên sinh cười khổ:
– Thôi đi bà ơi! Già rồi mà còn ghen, xấu lắm!
Liệt Hỏa phu nhân rít lên:
– Phải! Ta già rồi! Nàng còn trẻ, thôi, ta đi vậy!
Lam Đại tiên sinh hừ một tiếng:
– Ngươi muốn đi thì cứ đi, ta không… thèm!
Liệt Hỏa phu nhân nói là đi, song chân không nhúc nhích.
Rồi bà chống hai tay vào sườn, trầm giọng:
– Ta không đi, mà ta cũng chẳng chữa trị cho nàng, thử xem ngươi làm sao!
Lam Đại tiên sinh mĩm cười:
– Cái tâm của ngươi rất tốt, ta biết, mà ngươi lại có biệt tài chữa trị hỏa thương. Trong thiên hạ, còn ai sánh kịp Liệt Hỏa phu nhân chứ? Ngươi không cứu nàng, thì còn ai cứu nổi?
Liệt Hỏa phu nhân được vuốt ve, mát lòng hết sức, bèn bật cười sằn sặc:
– Ai bảo ngươi tâng bốc ta? Nhưng, ngươi hễ tâng bốc, là ta lại mềm lòng ngay. Tuy nhiên, ta cứu nàng rồi, ngươi không được…
Lam Đại tiên sinh cười lớn:
– Ta cũng đã quá già rồi, còn làm gì được nữa mà ngươi phải sợ!
Lúc đó, Đường Địch đã đến nơi, y quắc mắt nhìn đại hán, như sắp ăn tươi nuốt sống hắn.
Đoạn, y nghiêng mình, cười vuốt:
– Chẳng hay tiền bối muốn…
Lam Đại tiên sinh trầm gương mặt:
– Ngươi muốn sao?
Đường Địch tiếp:
– Tại hạ không dám làm phiền đến tiền bối…
Lam Đại tiên sinh cười lạnh:
– Bước tránh qua một bên, cấm nói nhiều lời!
Đường Địch tuy là chưởng môn một phái hữu danh, song thấy oai khí của Lam Đại tiên sinh, cũng phải giật mình.
Tài ba gì mà y dám phản đối Lam Đại tiên sinh?
Lam Đại tiên sinh cố ý lờ Đường Địch, quay mình xem Liệt Hỏa phu nhân chữa trị cho Hỏa Phượng Hoàng.
Nhìn Lam Đại tiên sinh một lúc, bỗng Đường Địch nhớ đến một người.
Lúc đó, cao thủ Đường môn có một số đến nơi, họ vận y phục ứng chiến, nếu Đường Địch ra lệnh là họ phát động thế công ngay.
Lam Đại tiên sinh dù có võ công quán tuyệt trần gian, cũng không làm sao đối phó nổi với Đường môn đệ tử trong một cơn mưa ám khí!
Nhưng, người ta cứu con mình, là người ta có hảo ý, chẳng lẽ tự mình phủ nhận cái hảo ý đó, rồi ra lịnh cho đệ tử sát hại người ta?
Biết thế, y do dự.
Vừa lúc đó, từ khu rừng, có mấy bóng người đang tiến đến, đi đầu là Tô Siễn Tuyết.
Thì ra, bà ta không do địa đạo bước lên, mà trở lại ngôi từ đường, rồi vòng quanh khu rừng mà đến đây!
Đường Địch nghe người nhẹ nhõm.
Tô Siễn Tuyết từ xa xa cười nói vọng lại:
– Hay cho thơ thơ của ta chưa! Mà cũng hay luôn cho cái ông chồng của thơ thơ đó!
Gặp nhau rồi quên hết người và vật.
Liệt Hỏa phu nhân ngẩng đầu lên, cười mấy tiếng, gắt:
– Liễu đầu đáng chết! Ai là ông chồng của thơ thơ?
Tô Siễn Tuyết liếc mắt sang Lam Đại tiên sinh.
Lam Đại tiên sinh khẽ mĩm cười, gật đầu.
Không ai biết Tô Siễn Tuyết lúc đó có tâm trạng như thế nào? Vui hay buồn? Sợ hay giận? Hối hận hay thương tâm?
Chỉ thấy bà phân phối cho mỗi người một nụ cười, nói năng hết sức tự nhiên.
Đoạn, bà vờ kêu lên:
– Á! Đường cô nương bị thọ thương? Thơ thơ, có nặng lắm không? Chữa được không?
Liệt Hỏa phu nhân đáp:
– Khá nặng! Trong nhất thời, không làm sao trị làm được!
Tô Siễn Tuyết mĩm cười:
– Thơ thơ đang có việc lo, vả lại mới gặp lão ấy, thì còn tâm tình đâu mà cứu chữa kẻ thọ thương? Vậy thơ thơ để cho tôi làm hộ. Có điều thủ thuật của tôi không bằng của thơ thơ thôi!
Liệt Hỏa phu nhân cười gằn:
– Còn ai không biết hiền muội là một nữ tài tử! Vạn sự thông, cơ trí linh diệu, nếu hiền muội chịu khó, là nàng có phúc lớn lắm đó!
Tô Siễn Tuyết gật gù:
– Người ta giúp cho, để ai đó có thời giờ thủ thi tâm tình, không ngờ không biết ơn mà lại mĩm mai! Lạ chưa!
Bà bật cười lớn, đoạn cao giọng gọi:
– Khinh Như đâu? Mau bế Đường cô nương đi!
Bà nhìn thoáng qua Lam Đại tiên sinh và Liệt Hỏa phu nhân, rồi trở lại Khinh Như:
– Bế gấp Đường cô nương! Chúng ta đi thôi! Đừng màng đến họ, họ đang chơi vơi trong hạnh phúc, còn biết nghĩ đến ai nữa!
Một thiếu nữ vận áo đen ở phía sau bà, vâng một tiếng, bước tới, bế Hỏa Phượng Hoàng.
Lam Đại tiên sinh thoáng biến sắc, chừng như muốn nói gì, nhưng rồi nín lặng.
Không ai lưu ý đến Đường Địch, nên không thấy ánh mắt trao đổi ngầm ra hiệu giữa lão ta và Tô Siễn Tuyết.
Và quần hùng cũng không nhận kịp sự biến đổi thần sắc trên gương mặt Lam Đại tiên sinh.
Liệt Hỏa phu nhân thì cao hứng phi thường.
Bà gọi Lam Đại tiên sinh:
– Tiểu Lam! Ta đang muốn uống vài chén rượu đây!
Lão đã phi thân vút đi trước.
Liệt Hỏa phu nhân quăng một nụ cười sang Tô Siễn Tuyết, rồi vọt mình theo Lam Đại tiên sinh liền.
Lúc đó, Đường Phượng đã lấy được lại một phần nào tri giác, trong cơn nữa tĩnh nữa mê, nàng lí nhí:
– Triển Mộng Bạch ơi! Đi gấp đi!…. Gia gia ta muốn giết ngươi đó!…. Ngươi không thể chết như vậy được!….
Nhưng Lam Đại tiên sinh đã đi xa rồi, làm sao nghe được mấy tiếng của nàng?
Tô Siễn Tuyết lại liếc mắt sang Đường Địch:
– Đường đại hiệp! Hỏa thương của lịnh ái rất nặng, lâm vào tâm can rồi, nên nàng ăn nói mê hoảng như vậy, chỉ sợ không hy vọng…
Đường Địch vờ kêu lên:
– Như thế thì làm sao?
Tô Siễn Tuyết tiếp:
– Đường môn là đệ nhất danh gia về ám khí, song y thuật lại là một việc khác. Vả lại, mấy hôm nay, trong quý phủ có cuộc vui, tân khách đông đảo, chắc không có nơi nào yên tĩnh…
Đường Địch đáp:
– Dù có nơi yên tĩnh cũng không chữa được…
Tô Siễn Tuyết trố mắt:
– Tại sao?
Đường Địch lộ vẻ buồn:
– Tiểu nữ đã bị gia phụ trục xuất khỏi Đường gia!
Tô Siễn Tuyết thở dài, trầm ngâm một lúc lâu, rồi nói:
– Nếu vậy, Đường đại hiệp hãy giao lịnh ái cho tôi mang về nhà mà chữa trị cho nàng, Đường đại hiệp bằng lòng chăng?
Đường Địch cả mừng, vái dài:
– Nếu được thế thì còn gì bằng!
Cả hai, một tung, một hứng, ăn nhập vô cùng. Người bên ngoài làm sao hiểu nổi tâm tư của họ?
Ai ai cũng ngợi khen Tô phu nhân có cái tâm nhân từ đáng phục, luôn luôn thấy việc nghĩa là sẵn sàng làm.
Rồi Đường Địch đưa Tô Siễn Tuyết đi một đoạn đường ngắn, như xót xa, quyến luyến con gái.
Song, trong thâm tâm, lão cao hứng vô cùng.
Cao hứng vì cảnh huống rất khó khăn, không ngờ với sự xuất hiện của Tô Siễn Tuyết, mọi việc trở nên xuôi thuận, êm đẹp.
Tô Siễn Tuyết đi rồi, lão ta chắp tay sau lưng, ung dung nhàn hạ, chừng như biến cố vừa qua không tạo cho lão một ảnh hưởng nào.
Bỗng, ba tên tâm phúc hấp tấp chạy tới.
Tên nào cũng lộ vẽ kinh hoàng.
Đường Địch nhìn quanh quẩn, không thấy ai khác, vội hỏi:
– Việc gì thế?
Một người trầm giọng đáp:
– Không có một xác người nào trong đống xác ngựa!
Đường Địch biến sắc mặt quát khẽ:
– Có lục soát kỹ chưa?
Người đó tiếp:
– Bọn tiểu nhân làm sao dám hồ đồ? Trong đống xác ngựa, chỉ có một chiếc áo gấm, nhưng bị ngựa dẫm dơ dáy, xác xợ..
Đường Địch kêu lên:
– Một chiếc áo gấm? Chỉ có chiếc áo thôi? Còn hai kẻ đó? Chúng đi đâu? A! Không xong, các ngươi lầm kế chúng rồi!
Lão dậm chân, quát tháo:
– Lục soát khắp nơi, khắp chốn! Không chừa một chỗ nào! Phải tìm cho được Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ! Nếu chúng còn sống sót thì dùng ám khí giết đi! Nhanh lên!
Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ chưa chết!
Cả hai ngồi trên mình ngựa, sợ người ở trên cao nhìn xuống phát hiện dễ dàng, nên Tiêu Phi Vũ cởi bỏ chiếc áo ngoài, quăng ra xa.
Từ ngày theo Kim Phi, nàng cố công luyện tập võ công, nhờ thế mà nàng quăng chiếc áo rơi phủ trọn lưng con ngựa.
Cả hai để áo trong, may mắn lại chọn nhằm một con ngựa màu đen, nên tuy đứng trên cột cờ, Đường Địch không nhận ra được.
Họ cùng nằm mọp trên lưng ngựa, không dám làm một cử động nhỏ, họ nghe gió rít bốn phương, ám khí và độc tiễn bay rào rào bên trên đầu họ, giao treo như mắc cửi.
Trong vùng khói lửa, họ không dám mở mắt, họ bằng vào số mạng, mặc ngựa chạy đâu tùy nó, thoát được thì sống, không thoát được thì chết.
Dần dần, họ nghe tiếng la hét thưa đi, rồi nhỏ lại, cuối cùng im bặt…
Tiêu Phi Vũ thở phào, mở mắt ra, thấy có hơn mười con ngựa còn chạy hoảng.
Ngựa thích hợp quần, nên chạy đi xa rồi mà chúng vẫn thành đoàn, chưa phân tán.
Tiêu Phi Vũ nhìn xuống, thấy Triển Mộng Bạch hôn mê trở lại.
Thương thế còn nặng, trong cảnh hải hùng đó, tự nhiên chàng phải dao động tâm thần.
Tiêu Phi Vũ chụp lông gáy ngựa, giật giật, định kiềm nó dừng lại, nhưng nó chưa hết kinh hoàng, càng bị giật gáy, càng phóng vó sải như bay.
Chạy một lúc, con ngựa thấm cơn đau do trận hỏa hoạn gây nên, nó chậm chân, bị đàn ngựa hơn mười con bỏ rơi phía hậu.
Nơi gáy của nó rớm máu.
Chùm lông nơi đó trụt nhẵn, Tiêu Phi Vũ giật mạnh, giật mãi, không còn một sợi nào.
Tiêu Phi Vũ thở dài, vỗ về con vật:
– Ngựa ơi! Ta làm khổ ngươi! Ngươi cứu bọn ta thoát nạn, ta lỗi quá!
Thời gian vào lúc hoàng hôn, tà dương rải vàng khắp chốn, yên hà rạng rỡ muôn màu.
Tiêu Phi Vũ cho ngựa đi về một ngọn suối, tìm chỗ vắng dừng lại rồi xuống đất.
Ngựa đang mệt, gặp nước, hí vang, uống liền.
Phần nàng thì tìm bải cỏ, đặt Triển Mộng Bạch xuống, rồi xé vạt áo, nhúng nước đắp nơi trán chàng.
Nàng cũng uống mấy ngụm cho đỡ khát.
Triển Mộng Bạch dần dần tĩnh lại, thấy mọi cử động của nàng, tâm tư man mác…
Gì thì không biết, chứ qua biến cố vừa rồi, dưới ánh mắt chàng, tánh khí nàng đã thay đổi nhiều.
Từ ương ngạnh, nàng trở nên nhu hiền, từ cao ngạo, nàng trở nên nhã nhặn, khiêm tốn, biết chiều, biết nhịn.
Với sự biến đổi đó, nàng đáng yêu làm sao.
Chàng nhìn nàng, nàng chợt quay đầu, thấy ánh mắt si dại của chàng, bất giác đỏ mặt!
Họ cứ nhìn nhau như vậy một lúc lâu!
Sau cùng, nàng hỏi:
– Ngươi tỉnh lại từ lúc nào?
Triển Mộng Bạch đáp:
– Không lâu lắm!
Tiêu Phi Vũ lại hỏi:
– Khát nước không?
Triển Mộng Bạch thốt:
– Ta quên mất, chẳng biết có khác hay không nữa.
Lòng họ hòa đồng với nhau quá, họ chỉ thốt bâng quơ với nhau, song cần gì họ nói những tiếng tình tứ, họ đã hiểu nhau lắm rồi!
Nhưng, dù sao thì họ cũng nhớ đến thực tại, cảnh huống này đâu phải là cái khung sáng lạn, như đôi tim nồng ấm đang tấu khúc nhạc xuân tình?
Triển Mộng Bạch trầm ngâm ngẫm nghĩ về cái vật ở trong chiếc hộp mà Đường Địch sai hai tên tâm phúc mang đến Quan Sơn tại Động Đình.
Còn Tiêu Phi Vũ thì luôn luôn lo ngại về thương thế của chàng.
Nàng thở dài, thốt:
– Phải chi gia gia ta có ở đây!
Nàng tặc lưỡi, tiếp:
– Còn Đường cô nương! Chẳng biết nàng ấy bây giờ ra sao?
Triển Mộng Bạch lắc đầu, thần sắc ảm đạm vô cùng.
Hoàng hôn từ từ xuống, rồi tà dương tắt, bóng đêm về. Gió đêm dậy, mang lạnh quét vào người đôi bạn bơ vơ.
Tiêu Phi Vũ thốt:
– Chúng ta phải đi! Nhưng đi đâu bây giờ đây?!….
Triển Mộng Bạch buông nhanh:
– Động Đình Quân Sơn!
Tiêu Phi Vũ cau mày:
– Song thương thế của ngươi…
Triển Mộng Bạch gượng đứng lên:
– Ta còn đi được mà! Chẳng sao đâu!
Chàng cười, dù thương thế rất trầm trọng.
Chết mà không biết được bí mật của Tình Nhân Tiễn, thì chàng không thể nhắm mắt được!
Họ lên ngựa, đi về hướng đông.
Họ đi được năm dặm đường. Đêm càng xuống, gió càng lạnh. Bốn phía mênh mông, họ tìm đâu cho ra một nơi tá túc?
Bỗng, lệch về phía tả, có mấy bóng đen xuất hiện.
Tiêu Phi Vũ mừng rỡ:
– Có người đến kia rồi! Chúng ta đón họ, hỏi thăm đường!
Triển Mộng Bạch cau mày:
– Đêm sâu trên đường vắng…
Tiêu Phi Vũ mĩm cười:
– Người đi đường vắng, đêm sâu, thì đã sao? Nào phải tất cả các người đi đêm đều bại hoại! Huống chi, đêm chưa khuya, huống chị.. tôi nghe đói rồi đây!
Triển Mộng Bạch cười nhẹ.
Cả hai tiến về phía các ngọn đèn. Tuy mang trọng thương, Triển Mộng Bạch còn trông rõ như thường.
Chàng nhận ra, đèn lồng có ba chữ…
– Tứ Xuyên Đường!
Biến sắc mặt, chàng kêu khổ:
– Nguy! Lại gặp bọn họ Đường! Chúng ta quay ngựa gấp!
Tiêu Phi Vũ điềm nhiên:
– Ngươi hồ đồ quá! Gặp người của họ Đường thì sao chứ? Chúng đâu biết được kẻ trong địa đạo là ta? Huống chi, ngươi là bằng hữu của chúng kia mà! Gặp lại chúng là tốt chứ có sao!
Triển Mộng Bạch cau mày:
– Nhưng, đêm hôm khuya khoắc, lại trên đường vắng, chúng đi đâu?
Tiêu Phi Vũ đáp:
– Có thể là chúng đưa khách ra về, chứ làm gì có việc đi tìm người mà bắt! Mang những lồng đèn có chữ như thế kia, người ta thấy là chạy trốn ngay, ai dại gì chường mặt cho chúng vồ?
Triển Mộng Bạch suy nghĩ một chút:
– Có lý!
Rồi họ cho ngựa đi tới.
Họ có dè đâu, tự dẫn xác nạp mạng cho hổ!
Song phương đi ngược chiều, khoảng cách thu hẹp nhanh. Người đi đầu là Đường Địch.
Lão dẫn một bọn tâm phúc lục soát khắp nơi, bây giờ mới đến địa điểm đó.
Nhãn quang của lão sáng rực, từ xa xa, lão đã nhận thấy một con ngựa chở hai người tiến đến.
Lập tức, lão quát khẽ thuộc hạ:
– Cấm gây tiếng động!
Một đại hán bên cạnh lão thấp giọng hỏi:
– Có nên tắt đèn đi không?
Đường Địch cười lạnh:
– Có đèn, thì chúng mới cho rằng mình đưa khách ra về! Có đèn thì chúng mới sa vào lưới!
Song phương đến gần nhau, càng phút càng gần.
Đại hán đó thầm phục vị chủ nhân cao kiến của mình vô cùng.
Bỗng, Đường Địch khoát tay, bọn thuộc hạ tản mác ngay, tìm chổ nấp.
Bây giờ, Đường Địch đã trông rõ người, lão hết sức mừng, nơi đôi mày, sát khí bừng lên.
Đèn bốn phía chiếu sáng, soi rõ Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ.
Vì chói đèn, cả hai không nhận ra đối phương.
Nhưng, linh cảm bảo cho biết là có việc bất thường, Triển Mộng Bạch thấp giọng nói:
– Nếu chúng có động tác khả nghi nào, thì mình quay ngựa ngay!
Rồi chàng to tiếng hỏi:
– Có phải bằng hữu trong Đường môn đó chăng?
Không một tiếng đáp lại, song bóng người giao động.
Triển Mộng Bạch biết nguy, thét:
– Quay ngựa gấp!
Tiêu Phi Vũ vung tay, vỗ vào bụng ngựa.
Ngựa hí một tiếng dài, phóng vó rẽ qua một bên đường.
Ngựa chưa kịp phóng đi, vó vừa cất lên, liền ngã xuống, chết liền.
Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ bị quăng xuống đất. Cả hai cùng biết sắc mặt.
Tiêu Phi Vũ hấp tấp bế Triển Mộng Bạch lên, kêu gấp:
– Chạy!
Triển Mộng Bạch lắc đầu:
– Không kịp đâu!
Đối phương cười lạnh:
– Biết vậy là khá đó! Các ngươi nhúch nhích là mất mạng ngay! Từ xưa đến nay, chưa có tay nào chịu nổi ngũ độc thần sa!
Tiếp theo lời, những kẽ nấp mình lần lượt xuất hiện.
Triển Mộng Bạch thở dài:
– Dù các hạ cố ý sử giọng nói, tại hạ vẫn nhận ra được là ai rồi!
Đối phương trầm giọng:
– Biết được càng hay!
Người đối thoại, là Đường Địch.
Triển Mộng Bạch tiếp:
– Các hạ muốn gì?
Chàng nắm bàn tay Tiêu Phi Vũ, dùng ngón vẻ trong lòng bàn tay nàng, một chữ tẩu!
Chàng ngầm bảo:
– Ta ngăn chúng, ngươi cứ chạy đi!
Tiêu Phi Vũ tuôn tràn lệ thảm, kêu thầm:
– Ta hại chàng! Chính ta hại chàng!
Bỗng, nàng hét lên:
– Các ngươi giết ta đi, hãy buông tha cho chàng! Chàng chẳng biết việc gì cả! Chỉ có ta biết mà thôi.
Triển Mộng Bạch gắt:
– Nói nhảm, thương thế của ta đã…
Bỗng, chàng nín bặt, thầm nghĩ:
– Ta ngu quá, sao lại cho chúng biết tình trạng của ta?
Đường Địch cất tiếng cười vang:
– Hay quá, thì ra ngươi thọ thương.
Chàng thọ thương, ngoài Tiêu Phi Vũ và Đường Phượng ra, nào có ai biết đâu?
Đường Địch sở dĩ chưa ra lịnh cho thuộc hạ tấn công, là vì sợ chàng, huống chi còn có Tiêu Phi Vũ bên cạnh?
Mà Tiêu Phi Vũ cũng vì chàng thọ thương nên không dám liều phá vòng vây.
Song phương ghìm nhau như vậy, bây giờ chàng thú nhận chổ yếu, Đường Địch mừng rỡ vô cùng.
Bọn đại hán đã cho tay vào túi da rồi, chỉ chờ lịnh là phát ám khí.
Trong Đường môn, trừ lão tổ tông và cha con Đường Địch, thì bọn Thập Bát Phong là những tay lợi hại hơn hết.
Đường Địch cười bằng thích một lúc, đoạn từ từ đưa cao tay lên.
Bỗng, có tiếng gió rít lên, bao nhiêu ngọn đèn chung quanh vụt tắt.
Đệ tử Đường môn kinh hãi, tự hỏi ám khí từ đâu tay đến dập tắt những ngọn đèn đó!
Tiêu Phi Vũ nhân lúc, bế xốc Triển Mộng Bạch, vọt khỏi vị trí mấy bước.
Đường Địch hét:
– Xuất thủ!
Gió rít lên, từng đợt, từng đợt, chẳng biết là mấy đợt, ám khí như mưa xuống chổ Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ vừa bỏ đi.
Đèn đang cháy sáng, vụt tắt, dù cho ai có con mắt tinh vi cũng không nhận định kịp thời sự vật qua bóng tối bất thần đó.
Cho nên, bọn Thập Bát Phong chỉ nhắm chừng mà phóng ám khí. Chúng có biết đâu đối phương đã vọt ra rồi!
Đường Địch hét:
– Cứ phóng ám khí! Để ta bước tới xem!
Từ ngoài xa năm trượng, một giọng già vang lên:
– Không xem được!
Nghe âm thinh đó, bọn Đường Địch sững sờ!
Rồi người đó từ từ tiến đến.
Đúng hơn, một chiếc kiệu tiến đến, tiếng chân người khiêng kiệu vang rất rõ.
Đường Địch biến sắc, vội quỳ xuống, cúi đầu:
– Hài nhi tiếp giá!
Bọn đệ tử hấp tấp quỳ theo, ai ai cũng quá sợ đến run người.
Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ không ngờ có việc như vậy!
Lão tổ tông đến! Ngoài lão tổ tông ra, còn ai có thể vung tay một lần mà phóng ám khí dập tắt bao nhiêu ngọn đèn như vậy?
Người trong kiệu từ từ bảo:
– Đứng lên!
Rồi, một tràng cười lạnh tiếp nối. Cuối cùng là một câu nói, với giọng lạnh như tràng cười:
– Ngươi còn tưởng đến gia gia ngươi? Khá lắm đó, Đường Địch! Đường đại hiệp!
Ngươi làm một việc oanh liệt quá! Cái lão già tàn phế này làm gì có thể biết được hành động của ngươi!
Đường Địch run người:
– Hài nhi đâu dám…
Lão tổ tông hừ lạnh:
– Không dám?
Rèm kiệu vén lên, một lão nhân hiện ra!
Triển Mộng Bạch tự hỏi, làm sao Đường Vô Ảnh biết được hành động của Đường Địch mà đến đây ngăn chặn kịp thời?
Nhìn gia gia đang sôi giận bừng bừng, Đường Địch run giọng khẩn cầu:
– Gia gia bớt cơn phẫn nộ, nếu hài nhi có làm gì sai quấy, xin từ nay hối cải…
Đường Vô Ảnh hừ một tiếng:
– Hối cải?
Bỗng, lão bay vọt ra ngoài kiệu.
Một loạt tiếng chích chích vang lên, bọn Đường Địch hứng mỗi người một cái tát như trời giáng.
Thập Bát Phong ngã nhào, còn Đường Địch thì không dám nhúch nhích, kêu đau.
Lão nhân bay trở vào kiệu, trầm giọng gằn từng tiếng:
– Việc chi khác, ta không nói đến. Ta hỏi người, tại sao ngươi lại quyết giết Triển Mộng Bạch?
Đường Địch cúi đầu, đáp:
– Hài nhi nhận thấy, hắn cố ý trà trộn vào Đường gia chúng ta để làm gian tế!
Đường Vô Ảnh mắng:
– Nói nhảm! Câm miệng lại!
Lão thở dài, tiếp:
– Triển Mộng Bạch! Bước lại đây! Ta vô phúc sanh con bất hiếu, thật là…
Triển Mộng Bạch bước tới, nghiêng mình:
– Vãn bối kính chào tiền bối!
Lão nhân khoát tay:
– Khỏi giữ lễ! Ta hỏi ngươi, ngươi biết được điều bí mật gì của hắn, khiến hắn dồn ngươi vào tử địa vậy?
Triển Mộng Bạch suy nghĩ một lúc:
– Vãn bối bắt gặp Đường đại hiệp sai người mang một chiếc hộp đến Động Đình Quân Sơn!
Lão nhân buột miệng kêu lên:
– Một chiếc hộp?… Quân Sơn?…
Lão chớp mắt, tiếp luôn:
– Tốt!…. Tốt!…. Tốt!….
Lão buông một lúc bảy tám tiếng tốt, đoạn cao giọng nói:
– Đường Địch! Dẫn cái bọn chó đó về Đường phủ, chờ ta phát lạc!
Đường Địch vâng vâng, cùng bọn đệ tử đi liền.
Đường Vô Ảnh nhếch nụ cười thảm, lẫm nhẩm:
– Dù là bậc đại trượng phu, cũng không tránh khỏi cái cảnh vợ hư con xấu!
Triển Mộng Bạch vụt hỏi:
– Trong hộp có vật gì, chắc lão nhân gia biết rõ?
Lão nhân thoáng biến sắc:
– Chưa rõ.
Tiêu Phi Vũ chen vào:
– Tại Quân Sơn có bí mật gì, hẳn lão nhân gia cũng biết chứ? Nếu không thì tại sao lão nhân gia cứ nói cà lăm tốt tốt hoài?
Lão nhân ngẫng mặt lên không, cười một tràng dài, chừng như mượn tràng cười che dấu một cái gì.
Rồi lão trầm giọng hỏi lại:
– Muốn biết? Sao ngươi không đi thẳng đến đó mà tìm hiểu?