Xuyên Tâm Lệnh

Chương 16: Cạm Bẫy Trùng Trùng


Bạn đang đọc Xuyên Tâm Lệnh – Chương 16: Cạm Bẫy Trùng Trùng

Bóng đêm trầm trầm, nhưng nước chảy nhanh, nước cuốn thuyền đi, thuyền nhẹ, lướt như tên bắn.
Thuyền ngược dù chậm, thuyền xuôi nhanh, hai thuyền qua mặt trong thoáng mắt.
Nhưng, thuyền xuôi dù nhanh, vẫn không qua được nhãn tuyến của con nhà võ, và nhất là khi con nhà võ lại chú ý đến con thuyền.
Triển Mộng Bạch nhận ra, trên thuyền nhẹ, có một lão tăng mày xám, râu xám, lão tăng có hình dánh mường tượng hoà thượng chết tại Lưu Vân Đình.
Nếu chính mắt chàng không trông thấy hoà thượng đó đã chết vì đôi Tình Nhân Tiễn, thì hẳn là chàng phải cho hai người là một.
Song hoà thượng kia đã chết rồi, thì hoà thượng này dù có giống, chàng cũng chẳng thể nào cho là một, và bất quá chàng nghĩ người giống người thôi.
Làm sao chàng dám khẳng định là một người được?
Chàng chỉ lấy làm lạ, là người giống người quá độ, nhưng đâu phải chỉ có chàng lấy làm lạ thôi?
Người áo vàng biến sắc, đứng lên, bước nhanh ra ngoài, buông gọn:
– Đuổi theo!
Triển Mộng Bạch cũng đã bước theo.
Thuyền gia lấy làm kỳ, hỏi:
– Đuổi theo cái gì?
Người áo vàng đưa tay chỉ con thuyền phía sau, thốt:
– Theo con thuyền đó!
Đồng thời, lão lấy trong mình ra một đỉnh bạc quăng xuống sàn thuyền.
Đỉnh bạc vang lên, kêu một tiếng cốc.
Bạc là lịnh bất khả kháng, thuyền gia dám bất tuân quốc pháp, song khó mà từ chối bạc được.
Một vài mái chèo đủ làm cho mũi thuyền quay lại, rồi con thuyền phon phon lướt nước, đuổi nhanh.
Triển Mộng Bạch trầm giọng hỏi:
– Có lẽ tiền bối đã nhân ra trên thuyền đó…
Người áo vàng chận lời:
– Sự tình có nhiều uẩn khúc lắm, những gì chúng ta đã ức độ có thể sai lầm…
Dừng lại một chút, lão tiếp:
– Lão phu hy vọng truy nguyên việc này, để giúp một vài người khỏi bị Oan uổng.
Triển Mộng Bạch nhìn theo thuyền trước, cau mày:
– Thuyền đó lướt nhanh quá, tại hạ chỉ sợ mình không theo kịp!
Người áo vàng cũng cau mày, trầm ngâm mấy phút, lẩm bẩm:
– Thuyền ấy đi về đâu chứ?…
Lão không hỏi ngay thuyền gia, song thuyền gia nhanh nhẹn đáp:
– Chừng như thuyền đó xuôi về hướng Tiêu sơn!
Người áo vàng chớp mắt, vội chụp lấy một cây chèo, bẻ ra làm ba đoạn.
Lão quăng một đoạn xuống mặt nước, cách thuyền hơn ba trượng.
Triển Mộng Bạch lộ vẻ lo lắng:
– Gió thổi quá mạnh, nước chảy quá xiết, tiền bối cẩn thận đấy!
Chàng vừa dứt câu, người áo vàng đã vọt đi rồi.
Từ xa xa, người áo vàng vói dặn lại:
– Cứ tiến tới, càng nhanh càng hay!
Thuyền xuôi, người trên mặt nước, nương theo đoạn gỗ chèo cũng xuôi, thế mà người trên mặt nước đã tạo được khoảng cách hơn mười trượng khi buông câu dặn dò.
Thuyền gia hết sức kinh dị, bình sanh y chưa hề thấy một cảnh tượng như vậy!
Người nương gỗ, nhảy chuyền trên mặt nước, theo những đoạn quăng chuyền, lại nhanh hơn thuyền.
Phần Triển Mộng Bạch không thể khoanh tay đứng nhìn, chàng chạy vô ra sau lái thuyền, chụp tay lái.
Sanh trưởng tại vùng Tô Châu, tự nhiên chàng rất thạo cái việc lái thuyền, dù là con nhà danh vọng, chàng cũng học công việc điều khiển một con thuyền như thường, để làm những cuộc độc du, khi sầu động tâm tư, trong những đêm trăng sáng trên dãi sông dài.
Chàng còn điều khiển con thuyền vững hơn thuyền gia mấy phần.
Qua một lúc, Triển Mộng Bạch nghe niềm phấn khởi dâng lên, bỡi con thuyền phía trước đã hiện rõ dần dần.
Triển Mộng Bạch ức độ người áo vàng đã bắt kịp con thuyền đó và chế ngự người trên thuyền, cho nên thuyền không ai điều khiển, phải chậm lại.
Niềm phấn khởi dâng cao, khiến chàng lại khẩn cấp phi thường.
Chàng tức uất mình chẳng có đôi cánh, bay nhanh đến nơi để xem cho biết mặt tăng nhân đó có phải là hòa thượng tại Lưu Vân Đình chăng.
Bây giờ, hai con thuyền chỉ còn cách nhau độ hai trượng.
Khoảng cách hai trượng, với Triển Mộng Bạch chẳng có nghĩa gì, chàng chỉ cần nhún chân, tung bổng người lên, chênh chênh đà một chút, là đáp xuống thuyền kia.
Trong khoang thuyền, người áo vàng đang đứng nhìn một người khác, ngồi trên chiếc ghế, đặt cạnh một chiếc bàn.
Người đó là lão hoà thượng mày xám, râu xám, người đó chính là lão tăng tại Lưu Vân Đình!
Triển Mộng Bạch thở phào, kêu lên:
– Đúng là lão ta!
Người áo vàng lạnh lùng:
– Phải! Chính lão!
Triển Mộng Bạch bước tới, định đến gần lão tăng, vừa bước tới vừa cao giọng hỏi:
– Ngươi…
Bỗng chàng biến sắc nhận ra, ngồi đó, bất quá chỉ là một xác chết thôi, đôi Tình Nhân Tiễn đã mất, nơi ngực còn in rõ hai điểm máu, nhỏ bằng đồng tiền.
Cảnh tượng đó, thực ngoài chỗ dự liệu của chàng!
Người áo vàng vụt thoát ra ngoài, một phút sau, mang vào một người.
Lão nắm lưng áo của người đó, nâng bổng chân, vừa bước vào vừa nhìn chàng, hỏi:
– Chắc lão đệ không hề tưởng là có những biến hoá phi thường này? Lão đệ có nhiều nghi vấn phải không?
Triển Mộng Bạch thở dài, gật đầu:
– Đúng vậy, tiền bối!
Người đó bị lão nhân áo vàng điểm huyệt, nên không cử động chi được.
Lão nhân áo vàng đặt hắn xuống sàn thuyền, giải huyệt xong, bảo:
– Ngồi xếp bằng tròn, nhanh lên!
Người đó y lời, xếp đôi chân lại, song hắn quá sợ, chân xếp lại, chân này kềm cứng chân kia, thế vẫn rung, hai gối đập liên hồi xuống sàng gỗ, kêu cộp cộp.
Người áo vàng cũng ngồi xuống, phía sau lưng của hắn, một tay nắm lấy mạch môn hắn, tay kia án nơi lưng, đoạn bảo Triển Mộng Bạch:
– Hỏi đi!
Triển Mộng Bạch lấy làm lạ:
– Hỏi ai! Hỏi cái gì?
Người áo vàng thốt:
– Hắn là thuyền gia, lão đệ muốn hỏi gì, cứ hỏi, hỏi theo tất cả nghi vấn đã hiện lên nơi đầu óc.
Rồi lão nhắm mắt, như nhập định.
Triển Mộng Bạch hết sức lấy làm lạ trước thái độ bí ẩn của lão. Chàng nhận ra, từ lúc gặp lão đến nay, lúc nào lão cũng tỏ ra mơ mơ hồ hồ, nhưng thời gian không cho chàng suy nghiệm tìm hiểu, thành thử chàng phải chấp nhận kết hợp với con người kỳ dị đó.
Có điều, hiện tại thì chàng không còn mảy may nghi ngờ hảo ý của lão nữa.
Chàng nhìn xuống dưới thuyền gia, thấy hắn bắt đầu thở đều đều.
Chàng hiểu ngay, người áo vàng dùng nội lực điều hoà hô hấp của hắn, cho cơ thể hắn trở lại thế quân bình.
Các bộ phận trong người được quân bình, thì lý trí mới sáng suốt.
Chàng trầm giọng hỏi:
– Ngươi lái thuyền?
Thuyền gia gật đầu.
Người áo vàng lạnh lùng, cất tiếng:
– Không được ra dấu, phải đáp bằng lời.
Thuyền gia hấp tấp tuân lịnh:
– Phải! Chính tiểu nhân lái thuyền.
Triển Mộng Bạch cau mày:
– Ai mang xác chết xuống thuyền ngươi?
Thuyền gia nhìn thoáng qua thi thể lão tăng, mồ hôi lạnh đổ ướt cả đầu lẫn trán, môi đắng miệng khô khan, giọng vừa run vừa khàn khàn:
– Không có ai mang cả…
Triển Mộng Bạch nổi giận, quát:
– Ngươi muốn chết à? Xác chết làm sao di động được mà tự nó xuống thuyền ngươi?
Thuyền gia càng sợ hãi, đáp:
– Lúc xuống thuyền, hoà thượng còn sống, chính tự tay trao cho tiểu nhân một đính bạc.
Triển Mộng Bạch hừ một tiếng:
– Thời gian lúc đó, là lúc nào?
Thuyền gia thốt:
– Mới đây thôi, y có mang theo một chiếc rương bằng gỗ đàn hương, từ Kim Sơn Tự xuống bến thuyền, thuê tiểu nhân đưa đến Tiêu sơn.
Triển Mộng Bạch đảo mắt nhìn quanh chiếc thuyền, đoạn hỏi tiếp:
– Chiếc rương đó ở đâu rồi?
Thuyền gia đáp:
– Chừng như sau khi lên thuyền được một lúc, nhà sư quăng chiếc rương xuống sông, tiêu nhân nghe như có vật gì đó rơi mạnh xuống nước.
Triển Mộng Bạch lại hừ lạnh:
– Y còn sống mà xuống thuyền, bây giờ chết trên thuyền như thế là có người giết y, có phải vậy không?

Thuyền gia run run giọng:
– Tiểu nhân nào dám làm điều đó? Tiểu nhân chỉ cầu được an phận…
Triển Mộng Bạch quát:
– Đã muốn an phận, sao còn nói ngoa!
Thuyền gia run sợ:
– Tiểu nhân nào dám nói ngoa!
Triển Mộng Bạch cao giọng:
– Rõ ràng là hoà thượng đó đã chết trước khi hoàng hôn xuống, làm gì y tự đi đứng được mà đến thuyền ngươi? Ngươi chẳng nói ngoa thì dễ thường ngươi nói thật à? Như vậy ta nói ngoa à?
Thuyền gia run như cầy sấy:
– Nhà sự. lúc hoàng hôn…
Bỗng, người áo vàng buông tay xuống, bảo:
– Đi ra đi!
Triển Mộng Bạch trố mắt:
– Tại hạ chưa hỏi ra manh mối chi cả, sao tiền bối lại buông tha hắn?
Người áo vàng đáp:
– Hỏi cho lắm cũng chỉ như thế thôi, bỡi hắn có biết gì hơn đâu.
Thuyền gia bò nhanh ra ngoài.
Bên trong, Triển Mộng Bạch cau mày hỏi:
– Thế là hắn nói đúng sự thật?
Người áo vàng gật đầu:
– Không sai một tiếng.
Triển Mộng Bạch trầm giọng:
– Bằng vào đâu mà tiền bối dám khẳng định?
Người áo vàng giải thích:
– Phàm con người ta, khi nói ngoa, thì con tim dao động mạnh, các mạch cũng đập mạnh, khí huyết tuần hoàn bất đồng với lúc bình thường.
Triển Mộng Bạch gật đầu:
– Cho nên, người có tịch, hay nhút nhát, bỡi nhút nhát, nên động tim, động mạch.
Người áo vàng tiếp:
– Lão phu vừa rồi dùng nội lực tu vi, thực nghiệm con tim và bộ mạch của hắn, chẳng phát giác ra sự bất thường, do đó dám khẳng định là hắn nói đúng sự thật. Phương pháp thực nghiệm đó, lão phu đặt cho cái tên là Trắc gia. chứng chân Thuật, Chừng như trong vũ lâm chẳng có ai luyện thuật đó.
Triển Mộng Bạch sửng sốt.
Lâu lắm chàng thở dài, lẩm nhẩm:
– Nếu những lời của thuyền gia là thật, thì sự tình này phải được giải thích như thế nào cho thông?
Chàng dừng một chút, rồi lắc đầu:
– Nếu nói rằng tử thi tự đi xuống bến, thuê thuyền ra giữa sông, rồi quăng chiếc rương, sau đó mới chết thật sự, thì làm sao tại hạ tin được!
Người áo vàng thở dài:
– Đương nhiên là bên trong có nhiều bí ẩn, khiến con người ta chẳng làm sao suy nghiệm được. Tuy vậy, có một lý do, giải thích trường hợp này…
Triển Mộng Bạch cau mày:
– Lý do như thế nào, hở tiền bối?
Người áo vàng đáp:
– Trừ ra, có một người nào đó, giỏi thuật cải trang sửa dung mạo, giả làm lão tăng, đặt xác chết của lão tăng vào chiếc rương, mang xuống thuyền, khi thuyền ra giữa sông, moi xác chết ra, đặt nơi ghế, sau đó ôm chiếc rương không, cùng chiếc rương lao mình xuống nước.
Cho nên, trên thuyền chỉ còn lại cái xác của lão tăng thôi.
Triển Mộng Bạch trầm ngâm một lúc, đoạn từ từ hỏi:
– Giải thích như thế, nghe ra cũng hợp lý lắm. Song, tại hạ nhận xét chẳng hợp tình. Bỡi, người nào đó phí công làm như vậy, sẽ thu hoạch được ích lợi gì?
Người áo vàng thở dài:
– Làm gì! Làm sao lão phu biết được? Ít nhất cũng trong lúc này!
Lão gọi thuyền gia, trao cho một đỉnh bạc, phân phó hắn sau khi cặp thuyền vào bến, hãy mai táng cho hoà thượng tử tế.
Rồi lão cùng Triển Mộng Bạch trở lại thuyền của họ.
Thuyền gia đó vừa mừng vừa tức. Mừng vì hôm nay được bạc nhiều, mà tức vì bỗng dưng lại phải chôn một cái xác vô thừa nhận.
Hắn lái thuyền vào bờ, cắm sào xong, quay mình vào khoang, bất giác hắn biến sắc.
Cái xác của lão tăng biến đâu mất!
Trên thuyền có một vũng nước chưa khô, nước do vật gì đó rơi xuống sông, bắn tung lên.
Đêm đã xuống sâu, lúc thuyền cặp bến.
Đèn nhà, đèn phố từ Trấn giang Thành chớp chớp như sao mờ nhạt lúc đêm tàn.
Cho đến bây giờ, người áo vàng vẫn trầm lặng, chẳng hề thốt một tiếng nào.
Lão không nói, Triển Mộng Bạch còn biết bắt chuyện với ai? Ngồi trầm lặng theo lão, chàng cảm thấy khó chịu lạ lùng.
Cả hai lên bờ, âm thầm lặng lẽ.
Nhìn ra bốn phía, nơi nào cũng bóng tối âm u, một vài ánh đèn mờ làm chiếu sáng nổi vũ trụ đêm?
Triển Mộng Bạch không thể kéo dài cái im lặng lâu hơn nữa được, khẽ thở dài, gọi:
– Tiền bối…
Chàng chưa nói thêm được tiếng nào, người áo vàng gắt:
– Câm khẩu!
Triển Mộng Bạch biến sắc, thấp giọng hỏi:
– Việc gì thế?
Người áo vàng cứ đi, thần sắc ung dung, nhưng vẫn đáp, với giọng trầm trầm:
– Không nên lộ vẻ khẩn trương như vậy, làm như vậy chẳng phát hiện được gì, thản nhiên mà tiến bước.
Triển Mộng Bạch vâng nhẹ một tiếng, sửa dáng dấp tự nhiên, song tính hiếu kỳ bị khích động, chàng không tránh khỏi đảo mắt nhìn ra bốn phía.
Làm cái việc đó, đương nhiên chàng phải cẩn thận, kín đáo.
Chung quanh gió lộng, ngọn cỏ đùa qua, ngả lại, xào xào, nào có bóng người?
Thế thì việc gì khả nghi đã hiện lộ nơi đôi mắt người áo vàng?
Bỗng một cơn gió thổi nhẹ qua, từ trên tàng cây, một mảnh giấy bay xuống.
Người áo vàng hét lên một tiếng, vung tay đánh ra một chưởng.
Gió chưởng cuốn đi, cuốn luôn mảnh giấy trở lại trên không, lâu lắm nói mới rơi xuống.
Lúc vung chưởng, người áo vàng nhảy về phía hữu, nơi đó có một tàng cây, dưới tàng cây, có bụi cỏ.
Từ trong bụi cỏ, hai vệt sáng bay ra, nhanh vô tưởng.
Trên thế gian này, chẳng có loại ám khí nào bay nhanh bằng hai vệt sáng đó.
Triển Mộng Bạch biến sắc, buột miệng quát:
– Tình Nhân Tiễn!
Đồng thời gian chàng quát, người áo vàng phất ống tay áo thu hai ám khí vào trong.
Ống tay áo có hai tác dụng, vừa thu ám khí, vừa phát ra một luồng gió cuốn đến tàng cây bên tả, còn tay kia lão tháo đường giây lưng quật mạnh vào bụi cỏ, vừa quất mạnh vào bụi cỏ, vừa quát như đuổi, vừa hét:
– Chưa chịu xuất hiện à?
Liền theo tiếng đó, từ nơi tàng cây bên tả có tiếng người kêu lên kinh hãi, rồi một bóng rơi xuống.
Một tiếng phịch vang lên, người đó bất động luôn.
Từ nơi bụi cỏ bên hữu, một bóng người bắn vọt lên không xoay nửa vòng mình, toan chên đà lao vào bóng đêm.
Nhưng, người áo vàng cười lạnh:
– Con rùa nằm trong chum, còn cựa quậy toan bò đi đâu nữa chứ?
Lão vung tay ra, đường giây lưng vút thẳng, bóng người đó rú lên một tiếng thảm, co rúm mình lại như con chiếu, rơi xuống liền.
Tất cả những động tác đó, diễn ra trong vòng một phút!
Trong thời gian một phút, người áo vàng chế ngự cùng một lúc hai cao thủ, ở hai nơi!
Tài nghệ của lão kể ra dưới gầm trời này, quá là hy hữu.
Triển Mộng Bạch đã biết lão có võ công cao, song cái mức độ cao vừa được lão biểu hiện đó, đúng là chàng không tưởng nổi!
Người áo vàng trầm giọng bảo:
– Chúng đã chết hết cả rồi, đừng lưu ý đến nữa. Hãy xem cái vật từ trên không rơi xuống!
Vật đó là mảnh giấy.
Trong khi Triển Mộng Bạch lướt tới đón bắt mảnh giấy còn bay là là, chưa rơi hẳn xuống đất, thì người áo vàng lại vung đường giây vàng, quăng đầu dây vào bụi cỏ, cuộn một người thứ ba còn ẩn nấp nơi đó, quăng ra ngoài.
Mảnh giấy nơi tay Triển Mộng Bạch, màu hồng, có hình vẽ một chiếc đầu lâu màu đen, không lạ gì với chàng.
Chàng kêu lên:
– Xuyên Tâm Lịnh!
Trong phút chốc niềm phụ thù sống động nơi tâm sự, chàng rít qua hai hàm răng:
– Thì ra ngươi…
Đồng thời gian với tiếng rít, chàng nhìn xuống con người do lão nhân áo vàng vừa hất ra từ bụi cỏ, quăng ra ngoài.
Người đó vậy y phục chẹt màu đen, mặt xám xịt, đôi mắt nhắm lại không thốt một lời nào.
Mồ hôi điểm lấm tấm nơi vầng trán, chứng tỏ hắn đang bị cơn đau hành hạ.
Người áo vàng thở dài:
– Hắn không phải là chủ nhân Tình Nhân Tiễn đâu! Bất quá hắn chỉ là một gã quỷ sứ tuân hành lệnh của Diêm vương, còn chính Diêm vương thì an nhiên tại địa phủ!
Triển Mộng Bạch gằn giọng hỏi:

– Chính ngươi đã hạ thủ, sát hại Nhân Nghĩa tứ Hiệp?
Người đó vụt mở mắt ra, bật cười cuồng dại:
– Tất cả những người chết vì Tình Nhân Tiễn đều do ta hạ thủ cả!
Triển Mộng Bạch gầm lên:
– Hay!
Chàng vung tay, toan đánh xuống một chưởng.
Nhưng người áo vàng ngăn lại, thốt:
– Cừu nhân của lão đệ, là chủ nhân Tình Nhân Tiễn, giết hắn vô ích.
Đại hán áo đen cao giọng:
– Chủ nhân Tình Nhân Tiễn chính là ta đây!
Người áo vàng lạnh lùng:
– Xứng đáng chi ngươi mà mạo nhận?
Lão khẽ bóp bàn tay, đại hán đau quá, chịu không nổi, kêu lên một tiếng thảm, mồi hôi tuôn thành giọt.
Triển Mộng Bạch thu tay về rồi thở dài:
– Tại hạ thừa hiểu chẳng phải tất cả những người chết vì Tình Nhân Tiễn đều do hắn hạ thủ, tuy nhiên.. Người áo vàng chận lại:
– Tuy nhiên mỗi lần lão đệ thấy một kẻ xử dụng Tình Nhân Tiễn là mỗi lần khí hận bốc bừng lên đến độ không dằn nổi! Có đúng vậy không?
Triển Mộng Bạch gật đầu:
– Tại hạ ước mong tiền bối bức hắn cung khai lai lịch của chủ nhân Tình Nhân Tiễn, đồng thời hắn phải cho biết kẻ hạ thủ sát hại gia gia tại hạ.
Đại hán áo đen nghiến răng ken két, rồi hừ một tiếng:
– Đừng nuôi mộng!
Người áo vàng điềm nhiên:
– Ta biết ngươi không sợ chết, nhưng hôm nay nếu ngươi không tiết lộ lai lịch kẻ chủ sử của ngươi là ai cho ta biết, thì nhất định ta sẽ làm cho ngươi hiểu thế nào là cái tư vị của cảnh dở sống, dở chết.
Lão lấy hai mũi tên trong tay áo ra.
Hai mũi tên, một đỏ, một đen, ghim vào tay áo của lão.
Tay áo đó, chẳng phải như tay áo thường, lão phất lên, bằng một công phu đặc biệt, có cái tên là Lưu Vân Thiết Tụ, lão luyện công phu đó đến mức hoa? hầu, trên hẳn thập thành, tay áo phất là nó cứng hơn sắt, đá.
Thế mà hai mũi tên rất nhỏ lại xuyên thủng!
Như vậy, đủ biết cái công lực của mũi tên mạnh vô tưởng và tốc độ cũng phi phàm!
Tên bắn đi, với lực đạo đó, với tên đó, thử hỏi một ống đồng bình thường làm sao phát xuất được?
Lão lại nghiên cứu hai mũi tên một lúc lâu, song cuối cùng vẫn chẳng khám phá được gì.
Triển Mộng Bạch thốt một câu:
– Hay là Xuyên Tâm Lịnh và Tình Nhân Tiễn hộ trợ, bổ sung cho nhau, mà thành cái oai lực phi thường?
Người áo vàng đáp:
– Chiếc Xuyên Tâm Lịnh được phát xuất, bất quá để gây áp lực làm tâm thần đối phương hoang mang, lo sợ, tạo cơ hội toàn thiện cho Tình Nhân Tiễn thành công. Cái xảo diệu phải ở tại Tình Nhân Tiễn.
Triển Mộng Bạch cau mày:
– Mỗi lần tại hạ nhìn Xuyên Tâm Lịnh, trông thấy đôi mắt của chiếc đầu lâu thì mắt của tại hạ không làm sao dời đi nơi khác, phải khó khăn lắm mới không nhìn đến nữa được.
Lão áo vàng thốt:
– Chẳng qua người giang hồ coi Xuyên Tâm Lịnh và Tình Nhân Tiễn là hai thần vật, và thành tích của hai vật đó cũng trở thành thần thoại luôn. Bỡi thế sau này những ai trông thấy Xuyên Tâm Lịnh là tâm thần tán loạn, không còn tự chủ nữa, khi con người mất tự chủ là bản năng tự vệ mất linh động, sự phản ứng chậm lại, Tình Nhân Tiễn thừa cơ hội đó bay tới, tự nhiên phải có kết quả.
Lão dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Lão phu đã thấy, lão phu không tiếp Xuyên Tâm Lịnh trước, chỉ lo chống đỡ Tình Nhân Tiễn, cũng chỉ vì cái lý do vừa giải bày.
Triển Mộng Bạch thở dài:
– Tiền bối giảng giải rất minh bạch, song tại hạ nghĩ, dù sao thì hai vật đó cũng luôn luôn đi đôi, cũng phải có một xảo huyệt nào đó chứ! Nếu không thì làm gì có nhiều cao thủ phải tán mạng.
Người áo vàng cười lạnh:
– Giả như có ma lực nào, thì cũng chẳng nghĩa lý gì, vì ta đã phá giải quá dễ dàng.
Người áo vàng bỏ lửng câu nói tại đó.
Lão cất hai mũi tên vào mình, rồi phủi bụi nơi tay, đoạn đứng lên.
Lão vỗ vai Triển Mộng Bạch, từ từ hỏi:
– Lão đệ đang bi hoài về việc xa xưa? Đừng quá đau thương, lão đệ. Trong thiên hạ, từ ngàn xưa chẳng có một bí mật nào mà không bị người đời khám phá, bất quá, hoặc sớm, hoặc muộn mà thôi!
Triển Mộng Bạch nhìn trời, thở dài:
– Sớm, thì không hy vọng được sớm, mà muộn thì biết đến lúc nào?
Người áo vàng quả quyết:
– Xa hay gần, lão phu chưa dám định, nhưng chắc chắn phải có một ngày…
Triển Mộng Bạch lại thở dài:
– Rất tiếc là Lâm Nhuyễn Hồng không có mặt tại đây! Ít nhất y cũng nhận ra được đại hán áo đen kia là ai.
Người áo vàng thốt:
– Thủ pháp của hai đại hán áo đen thi triển vừa rồi trong lúc chống đỡ đường giây của lão phu, chứng tỏ hắn là một tục gia đệ tử của phái Vũ Đương.
Triển Mộng Bạch kinh ngạc:
– Đệ tử Vũ Đương cũng cam tâm làm nô lệ cho chủ nhân Tình Nhân Tiễn nữa sao?
Người áo vàng cười lạnh:
– Theo lão phu nghĩ thì người trên giang hồ bị Tình Nhân Tiễn khống chế không phải là ít, hà tất chỉ có đệ tử Vũ Đương mà thôi đâu!
Triển Mộng Bạch giật mình, trầm ngâm một lúc, đột nhiên cất giọng:
– Chúng ta đi! Trước hết tại hạ cùng tiền bối đến Thiếu Thất Phong trong dãy Tung sơn, sau đó tại hạ lập tức trở về Đế Vương Cốc. Dù tại hạ không thể báo thù phục hận được, ít nhất tại hạ cũng khám phá bí mật của họ. Nếu để cho họ khống chế toàn thể vũ lâm thì lúc đó sẽ muộn quá rồi.
Không đợi người áo vàng nói gì, Triển Mộng Bạch phóng chân gấp bước những bước dài.
Người áo vàng lắc đầu thầm nghĩ:
– Hắng đúng là một thiếu niên lắm can trường, đầy quyết khí!
Lão lặng lẽ theo sau.
* * * Từ Kim Sơn đến Tung Sơn, lộ trình dài thăm thẳm.
Dọc đường, Triển Mộng Bạch hầu như quên ăn, quên uống, mỗi khi bắt buộc phải dừng lại ở một khách sạn nào, chàng cũng không chợp mắt.
Dọc đường cần đi là đi, khi dừng lại thì được người áo vàng truyền thọ vũ công, tiếp nhận một chàng tập luyện mười, khổ luyện không ngừng.
Bổn tánh chuộng võ, lại siêng năng học tập, hơn nữa có minh sư kèm bên cạnh, chỉ điểm mỗi khi sơ hở, đương nhiên chàng phải thu thập những kết quả phi thường.
Người áo vàng biết rõ tâm chí của chàng, nên chỉ truyền thọ cho chàng những chiêu thức chuyên khắc chế vũ công của Đế Vương Cốc. Những chiêu thức đó, tinh ảo, diệu huyền vô cùng, trên xa chỗ tưởng của Triển Mộng Bạch.
Ngày trước chàng từng mục kích Phấn Hầu Hoa Phi thi triển vũ công, và gần đây chàng cũng thấy Tiêu gia thơ muội xuất thủ, chàng đã có ý là khắp trong thiên hạ không có người xứng đáng là đối thủ của bọn họ Tiêu.
Nhưng bây giờ chàng mới biết là sở học của họ Tiêu tuy có tân kỳ, song vẫn còn có nhiều sơ hở.
Và chàng cũng nhận thức luôn là nhờ người áo vàng giáo huấn, chàng có thể tùy ý mà đánh vào những chỗ yếu hại của họ.
Lắm lúc, chàng muốn hỏi người áo vàng, có cừu hận chi với Đế Vương Cốc chăng, hoặc giả vì lý do gì mà lão nghiên cứu tận tường sơ hở của người trong Đế Vương Cốc. Thoạt đầu chàng không dám hỏi.
Dần dần tính hiếu kỳ lớn mạnh, chàng không thể dằn nén. Chàng hỏi, thì người áo vàng chỉ lắc đầu, mỉm cười không nói.
Cho đến một hôm cả hai bước vào cảnh giới Tung Sơn.
Họ lên núi đúng lúc bình minh cũng vừa lên.
Trong dãy Tung Sơn, có hai ngọn núi nổi tiếng nhất là Thái Thất Phong và Thiếu Thất Phong.
Nhưng Thiếu Thất Phong được người đời nhắc nhở nhiều hơn, nhờ ngôi Thiếu Lâm Tự.
Thiếu Lâm Tự Ở giữa một khu rừng tùng, tuy ở giữa khu rừng song du khách đặc bước đến ven rừng, là thấy ẩn ướt những nóc điện, nóc viện từ xa xạ..
Người áo vàng và Triển Mộng Bạch vừa đến ven rừng, sắp sửa theo con đường núi tiến thẳng lên Thiếu Lâm Tự, bỗng thấy từ sau những hàng cây, bốn lão tăng nhân vọt ra, chặn lối.
Một trong bốn tăng nhân vòng tay chữ thập thốt:
– Thiền chủ hiểu cho, tệ tự đang…
Y chớp chớp mắt, nhìn vào người áo vàng kỹ hơn một chút, trông thấy gương mặt lão, chợt ngưng câu nói.
Người áo vàng cười nhẹ:
– Còn nhận ra lão phu chăng?
Tăng nhân trầm ngâm một chút, ấp úng:
– Bần tăng…
Người áo vàng cười lớn:
– Mười năm trước, lão phu cùng lịnh sư, đấu cờ với nhau suốt bảy ngày đêm, chính hoà thượng hầu trà. Lúc đó, hoà thượng còn là một tiểu sa di. Không ngờ, sau mười năm, hoà thượng thay đổi như thế này.
Tăng nhân vội quỳ xuống, vừa lạy vừa thốt với giọng cực kỳ cung kính:
– Đệ tử là Tịnh Quang, trong nhất thời nhận ra tiền bối là ai!
Ba tăng nhân kia, chẳng hiểu người áo vàng là ai, nhưng thấy bạn đồng môn quỳ lạy, cũng quỳ lạy theo luôn.
Người áo vàng nâng tất cả bốn người đứng lên, rồi nghiêm sắc mặt thốt, nói là sắc mặt bất quá là một cách nói, chứ lão mang nạ thì còn có sặc diện thật sự nào?
Lão thốt:
– Mặt lão phu tuy thường cải biến, song chiếc áo vàng là biểu hiện muôn đời, dù không nhận diện cũng nhận ra áo, mà dù chẳng nhận ra người qua chiếc áo duy nhất đi nữa, thì cũng chẳng việc gì mà cái vị phải hoảng hốt như vậy. Lão phu muốn biết vì lý do gì mà các vị mất bình tĩnh thấy rõ.
Tịnh Quang sững sờ, mặt từ từ biến sắc, cuối cùng thở ra đáp không phải đáp:
– Tiền bối quả nhiên có nhãn lực hơn người!
Người áo vàng chớp mắt:

– Hay là trong quý tự có biến cố phát sanh?
Tịnh Quang cúi đầu:
– Tiền bối nói đúng! Hiện tại trên chùa…
Người áo vàng chớp mắt, trong ánh mắt lão sự kinh ngạc hiện lên rõ rệt, ẩn ướt niềm khiếp hãi.
Không đợi tăng nhân dứt câu, lão chận lời, hỏi:
– Nếu có sự bất thường chi đó, hoà thượng hãy đưa gấp lão phu đến gặp lịnh sư.
Tịnh Quang ngưng trọng thần sắc, thở dài:
– Ngày nay, chỉ sợ tiền bối không còn thấy mặt lão nhân gia!
Người áo vàng giật mình:
– Hoà thượng nói thế, nghĩa là gì?
Tịnh Quang không đáp, chỉ nghiêng mình, thốt:
– Xin tiền bối đi theo bần tăng, đến nơi rồi, tự nhiên sẽ hiểu!
Triển Mộng Bạch cũng kinh dị phi thường.
Trên giang hồ từ bao lâu nay, thường xảy ra những cuộc loạn động, nhưng chẳng biến cố nào lan rộng ảnh hưởng đến Thiếu Lâm Tự.
Giờ đây, biến cố phát sanh ngay tại Thiếu Lâm Tự, sự kiện đó trong vũ lâm thiết tưởng chẳng một ai ngờ là có thể xảy ra.
Kẻ nào đó có cái can đảm phi thường gây nên biến cố tại một nơi có lực lượng kinh thiên động địa?
Tịnh Quang đi trước dẫn đường.
Không lâu lắm họ lên đến chùa.
Triển Mộng Bạch nhìn quanh thấy có rất nhiều điện ngang, viện dọc, từ đường, cơ sở thì nhiều nhưng chẳng có một tiếng động nào chứng tỏ nơi đây vừa xảy ra cuộc náo loạn.
Toàn thể đệ tử phái Thiếu Lâm đề có vẻ trang nghiêm trầm trọng, họ đi tới đi lui vội vàng, hấp tấp, nhưng bước chân rất nhẹ, chừng như ai ai cũng cố gắng tránh gây tiếng động.
Nhiều nghi vấn hiện lên trong tâm tư, nhưng Triển Mộng Bạch làm sao dám mở miệng hỏi ai! Trong hoàn cảnh đó chàng không thể không tôn kính, trang nghiêm của người, và bất giác chàng cũng trầm trọng thần sắc như tất cả.
Xuyên qua mất dãy điện thờ, họ đến một toà hậu viện, nơi đó là tịnh thất của phương trượng.
Trước cữa viện có mấy lão tăng mày trắng, râu dài cũng trắng, đi qua đi lại, vị nào cũng có cái vẻ bất an.
Triển Mộng Bạch hết sức kinh dị, nghĩ rằng đến cả những vị lão tăng đó cũng mất bình tĩnh, thì hẳn là sự tình phải nghiêm trọng phi thường.
Từ bốn phía, không một tiếng vũ khí chạm, tiếng hét la nào vọng đến.
Mọi gương mặt của các lão tăng này, cũng như của tất cả đệ tử trong sơn môn, chẳng hề có sát khí, những người chàng gặp, chẳng một ai có khí giới nơi tay hoặc nơi mình.
Thế thì cái biến cố đó như thế nào?
Những lão tăng mày trắng, râu trắng đó, trông thấy người áo vàng, niềm hân hoan đột nhiên hiện ra nơi gương mặt, chẳng khác nào người lâm nạn, lại gặp cứu tinh.
Có mấy lão tăng trong số, nhướng cao đôi mày, toan bước tới nghinh đón, song chẳng hiểu nghĩ sao, họ cùng đứng lại, rồi từ xa họ vòng tay chữ thập chào.
Chào xong, họ lùi lại, nhường lối trống vào cữa.
Thái độ khác thường của những lão tăng đó, tự nhiên phải làm cho người áo vàng kinh dị.
Lão không chờ Tịnh Quanh đi trước đưa đường, chính lão lướt tới, bước vào.
Triển Mộng Bạch hơi do dự, song thấy các tăng nhân không ngăn trở, cũng theo vào luôn.
Vào trong, chưa hẳn là vào đến tận cái nơi phải vào, bỡi khung cảnh hiện ra trước hết, là một vuông sân khá rộng, nơi sân có những cội cổ bách, thương tùng, cô trúc tươi từng cụm, từng cụm.
Chàng quay mình nhìn lại, nhận ra các tăng nhân đều đứng ngoài cữa, chẳng một ai theo vào.
Chẳng rõ tại sao Triển Mộng Bạch có cái cảm giác là nơi đây sát khí phủ trùm, nặng nề một cách khó thở.
Người áo vàng như từng đến đây nhiều lượt, thuộc đường thuộc lối, nhẹ bước tiến đều, qua một khoảng sân, đến một hòn giả sơn thì vòng ra phía sau hòn giả sơn đó.
Từ phía hậu hòn giả sơn, Triển Mộng Bạch trông thấy tịnh thất của Phương trượng.
Nhưng, hiện tại có hơn mười đại hán vận áo lụa dài màu lam đứng trước tịnh thất.
Thần sắc của các đại hán đều trang trọng, song khi thấy người áo vàng, thì thần sắc đó vụt biến đổi ngay.
Tất cả đều nghiêng mình làm lễ trước người áo vàng.
Triển Mộng Bạch thoáng giật mình, có cái cảm tưởng là những người này không xa lạ chi lắm đối với chàng.
Chừng như chàng có gặp họ Ở đâu đây, nhưng trong nhất thời, chàng không thể nhớ ra.
Người áo vàng trố mắt, hỏi:
– Làm sao các ngươi lại có mặt tại đây?
Một thiếu niên có đôi mày rậm, mắt rất sáng, diện mạo khôi ngô bước tới, cung kính đáp:
– Tại hạ không hay có tiền bối đến đây, nên thất lễ viễn nghinh…
Người áo vàng hừ một tiếng chận lời:
– Nơi đây đâu phải là địa phương của các ngươi mà hòng nói đến việc đón xa tiếp gần?
Kỳ quái! Kỳ quái thật!
Thiếu niên chưa đáp tròn câu, cũng bỏ dỡ luôn, chỉ cười vuốt vuốt:
– Đúng lắm! Đúng lắm!….
Người áo vàng trầm giọng:
– Ngươi đừng giở trò màu mè trước mặt lão phu, toan che mắt lão phu một điều chi.
Hãy bước tránh qua một bên mau, để lão phu vào!
Thiếu niên vẫn giữ nụ cười đấu dịu:
– Gia sư có lịnh, trong vòng ba hôm, chẳng một người nào được bước vào tịnh thất Phương trượng, dù là một bước. Xin tiền bối hiểu cho.
Người áo vàng chớp mắt:
– Sư phụ ngươi đang ở trong đó?
Thiếu niên đáp:
– Nếu không có gia sư dẫn bọn tại hạ đến đây, thìh làm gì bọn tại hạ dám xuất hiện tại Thiếu Lâm Tự? Và làm gì tại hạ dám ngăn trở tiền bối?
Người áo vàng đứng trầm ngâm một chút, sau cùng lão tự lẩm bẩm:
– Lão ấy đến! Lão đến đây làm gì chứ?…
Triển Mộng Bạch giật mình, hỏi:
– Lam Đại Tiên Sanh?
Người áo vàng điểm phớt một nụ cười, gật đầu.
Thiếu niên luôn luôn mỉm cười, song ánh mắt của hắn sáng lạ lùng, niềm cương quyết hiện lên rõ rệt.
Hắng đứng sừng sững trước mặt người áo vàng, nhất định không hề bước tránh qua một bên nhường lối.
Bên trong tịnh thất, im lặng như cảnh chết.
Một đợt khói nhẹ nhàng, từ bên trong, xuyên mành trúc ra ngoài.
Nhìn đợt khói nơi mành trúc, người áo vàng cau mày, hỏi:
– Bên trong có ai khác chăng?
Thiếu niên lắc đầu:
– Tại hạ không được rõ!
Người áo vàng phất ống tay áo, buông gọn:
– Lão phu vào đó xem sao.
Thiếu niên vẫn giữ nụ cười, thốt:
– Gia sư đã long trọng phân phó cho tại ha trấn giữ ở tại nơi này, tuyệt đối không để cho bất cứ ai vào đó, trong vòng ba hôm.
Chừng như hắ thấy giọng nói có vẻ cứng rắn, để xoa dịu, hắn tiếp luôn:
– Thật sự thì đệ tử cũng chẳng biết tại sao.
Tuy hắn cười, nhưng thần thái hắn nói lên cái vẻ cương quyết, nhất định là hắn chẳng để cho người áo vàng bước tới một bước.
Người áo vàng nổi giận:
– Dù cho chính sư phụ ngươi có mặt tại đây, cũng chẳng dám ngăn trở lão phu, ngươi…
Thiếu niên nghiêng mình:
– Tiền bối là bằng hữu thâm giao của gia sư, tiền bối muốn vào, đương nhiên tại hả chẳng dám vô lễ ngăn cản, song…
Hắn nghiêm sắc mặt, trầm giọng tiếp:
– Tiền bối vào đột ngột, giả như nhân đó mà có biến cố gì xảy đến cho gia sư thì cái trách nhiệm đó, thật lớn lao, tại hạ làm sao gánh nổi!
Người áo vàng sững sờ, hỏi:
– Biến cố gì phát sanh?
Thiếu niên tiếp:
– Nhỏ nhất, cũng đặt thành vấn đề sống chết của con người, còn như lớn hơn, thì cái hậu quả không biết như thế nào mà nói được! Cho nên tiền bối nên nghĩ kỹ.
Người áo vàng kinh hãi:
– Thực sự, lão ấy đang làm gì trong đó? Có chuyện gì xảy ra, làm cho tình huống nghiêm trọng như thế? Lão ta đang so tài với chưởng môn?
Thiếu niên cúi đầu:
– Hai hôm nữa, tiền bối sẽ hiểu rõ sự tình.
Người áo vàng thừ người một chút, rồi lùi lại một bước, ngồi trên tảng đá dưới hàng cổ tùng.
Ngồi đó, lão vẫn nhìn đăm đăm vào mành trúc trước tịnh thất phương trượng, đợt khó vẫn còn xuyên qua mành trúc ra ngoài phiêu phưởng.
Tịch tịch! Bên trong, trầm tịch như cảnh chết, bên ngoài rờn rợn như có bóng dáng tử thần đâu đây…
Tử thần theo gió từ xa đến lướt qua các cành tùng, cành bá nghe xạc xào, vặn uốn những thân trúc chạm vào nhau, kẻo kẹt như tiếng răng nghiến…
Thỉnh thoảng, một vài đệ tử của Thiếu Lâm từ bên ngoài len lén bước vào, đứng xa xa nhìn thoáng qua tình hình, rồi biến mất.
Triển Mộng Bạch nóng nảy quá chừng, bảo chàng đợi lâu là hành tội chàng càn nặng đấy.
Sở dĩ chàng dằn lòng chịu đến bây giờ, là vì chàng quá nể người áo vàng.
Chứ cái tính hiếu kỳ đã khích động quá mạnh, giả như mà chàng chỉ đến đây có mỗi một mình, hẳn chàng đã vào rồi, dù cái gì có thể xảy ra, chàng cũng mặc cho nó xảy ra, bất chấp lợi hay hại.
Chàng thấp giọng, hỏi:
– Mình làm sao đây, tiền bối?
Người áo vàng đáp:
– Ngồi mà chờ biết!
Lên núi, lúc ngày lên, bây giờ thái dương đã chếch về tây, cả hai dường như quên mất thời gian.
Hoàng hôn xuống, chuông mõ công phu vang lên đều nhịp. Giữa tiếng chuông, tiếng mõ, thời kinh được hằng ngàn đệ tử rập tụng, rần dội một góc trời.
Người áo vàng ngồi bất động trên tảng đá, mường tượng nhập định như một nhà sư.
Thiếu niên áo lam kia, trái với trước đó, khi hoàng hôn xuống hắn có vẻ khẩn trương, vẻ khẩn trương càng phút càng tăng, thấy rõ.
Nhìn hắn, Triển Mộng Bạch phát hiện niềm ưu tư trầm trọng nơi gương mặt hắn.
Không lâu lắm, khi thời kinh chiều chấm dứt, bốn tiểu sa di xuất hiện.
Mỗi tên cầm một chiếc hộp khá lớn, một tên bước đến bên ngoài cữa, đặt chiếc hộp xuống cạnh mành trúc, còn ba tên kia trao ba chiếc hộp cho thiếu niên.
Thiếu niên khẻ điểm nụ cười, thốt:
– Đa tạ các sư huynh!
Bốn sa di nghiêng mình chào, rồi lặng lẽ trở ra.
Thiếu niên mở nắp hộp, chọn mấy món, bước tới trước mặt người áo vàng và Triển Mộng Bạch cung kính trao những món đó, đoạn hắn trở về phía vị trí cũ, cùng mấy đồng bọn, chia phần với nhau.
Đó là những thức ăn.
Triển Mộng Bạch vừa ăn vừa nhìn về cữa tịnh thất.
Bỗng, chàng thấy một bàn tay trắng như tuyết, từ trong mành trúc ló ra, tay ló ra khá dài, nên chàng thấy luôn ống tay áo màu đỏ.
Bàn tay đó, cầm chiếc hộp do tiểu sa di vừa đặt, rồi vụt vào trong.

Triển Mộng Bạch giật mình, vội hỏi nhỏ bên tai người áo vàng:
– Tiền bối có thấy chăng? Trong tịnh thất phương trượng có nữ nhân!
Người áo vàng gật đầu.
Rồi, lão mấp máy môi, phảng phất đàm thoại với ai đó. Nhưng lão nói gì, Triển Mộng Bạch dù có ngồi sát bên lão, cũng chẳng nghe rõ.
Chàng kinh ngạc thầm nghĩ:
– Hay là lão đang dùng thuật Truyền âm nhập mật liên lạc với người trong tinh thất!
Một phút sau, bức mành trúc lay động, một bóng người từ bên trong tịnh thất, vẹt bức mành, bước ra.
Người đó vấn tóc cao, mặc áo hồng, phong tư tuyệt trần.
Triển Mộng Bạch chưa kịp nhận định, bỗng thấy hoa mắt lên, rồi bóng đỏ xuất hiện.
Bóng đỏ, là một nữ nhân tuy đã hoa niên, bị chôn vùi dưới một vài nếp nhăn nheo nơi mặt, nhan sắc vẫn còn như lúc xuân thời.
Thiếu niên thấy mỹ phụ áo hồng bước ra, cúi rạp mình xuống, đồng bạn hắn cũng rạp mình như hắn.
Mỹ phụ áo hồng cất tiếng, hỏi người áo vàng:
– Dùng phép truyền âm vừa rồi liên lạc với ta, có phải là ngươi chăng?
Người áo vàng cười nhẹ:
– Vì không thể làm khác hơn, lão phu bắt buộc phải dùng đến cái thuật còn quá thô sơ!
Mỹ phụ áo hồng điểm một nụ cười:
– Luyện cái thuật đó, đạt đến mức độ xa gần đều tùy ý, lại bất chấp mọi sự ngăn cách của tường của cửa, tưởng trên đời này, ngoài đối thủ duy nhất của Tiểu Lam, chẳng còn ai khác nữa.
Bà có tuổi cao, bà giữ được nhan sắc, mặc dù có một vài nét nhăn, bà lại còn giữ được âm thinh trong trẻo ấm dịu như thuở thiếu thời, thiết tưởng nếu chẳng có vũ công cao, làm gì bà đạt đến cái kết quả đó nổi?
Nghĩ ra, công phu hàm dưởng của bà cực kỳ thâm hậu!
Người áo vàng mỉm cười:
– Nhìn lối trang phục của phu nhân, lão phu nghĩ rằng, có lẽ phu nhân là bậc nữ hiệp, danh chấn giang hồ ngày trước, ngoại hiệu là Liệt Hỏa!
Mỹ phụ áo hồng lắc đầu:
– Ngươi đoán sai! Nếu ta là Liệt Hỏa phu nhân thì đâu có thể khách khí đối thoại với ngươi hơn một câu? Chị của ta đấy.
Người áo vàng tiếp:
– Thế ra phu nhân là Triều Dương phu nhân, lão phu kém mắt không nhận thức đúng người.
Triển Mộng Bạch giật mình!
Chàng không tưởng là hôm nay lại có dịp trông thấy tận mắt vị nữ đại hiệp từng gây chấn động khắp sông hồ, hơn bốn mươi năm về trước.
Triều Dương Phu Nhân!
Triều Dương có mặt đó, còn Liệt Hỏa nữa, thế là hai vị vẫn còn sống trên thế gian này!
Cả hai, cùng nổi tiếng trong thời kỳ trước, nổi tiếng với vỏ công tuyệt đỉnh, nổi tiếng với nhan sắc tuyệt vời!
Cái phong tư kiều mỵ của hai bà từng làm dao động con tim của hầu hết nam nhân thời đó.
Hai bà giao du rất rộng, hầu như tất cả những nhân vật trong võ lâm đều có tiếp xúc với hai bà.
Nhưng, mật độ của những liên hệ đó như thế nào, chỉ có hai bà và người trong cuộc biết mà thôi.
Tựu trung, chỉ có hai nhân vật nổi bậc nhất trong số người quen biết của hai bà, mà cũng là hai người có thân tình thâm hậu với hai bà.
Hai nhân vật đó, Lam Đại Tiên Sanh và chủ nhân Đế Vương Cốc.
Chẳng ai biết rõ sự giao tình của bốn người đó như thế nào, họ là tình nhân, họ là bằng hữu hay là chi, chỉ có họ biết cho họ mà thôi.
Do đó, mà có nhiều chuyện huyền thoại về họ từ bao lâu nay, có nhiều nhân vật động tính hiếu kỳ vì những huyền thoại đó, có công khám phá sự bí mật giữa bốn người, song chẳng có một nhân vật nào thành công trong cái việc tò mò đi sâu vào đời tư của ngoại nhân.
Giờ đây, một trong hai bà xuất hiện tại ngôi chùa vĩ đại nhất nước!
Triển Mộng Bạch nhìn bà, phải ca ngợi thầm, là bà còn giữ vẹn cái phong thái từ thuở nào, dù ngày nay thời gian có hằn vài nét nơi gương mặt.
Những nét đó chẳng hề làm tàn phai nhan sắc của bà, nếu đừng để ý đến mấy nếp nhăn kín đáo đó, thì chẳng ai tưởng là bà đã vượt tuổi xuân.
Trông bà như một thiếu nữ ngoài cái lứa tuổi đôi mươi vậy thôi.
Bà điểm một nụ cười đầy vẻ quyến rũ, bèn hỏi người áo vàng:
– Tiểu Lam đang trí mạng với lão hòa thượng ở trong đó, lão ta mời ta cho kỳ được đến đây, làm một công chứng nhân, ngươi nghĩ ta phải nhức đầu như thế nào về cái công việc đáng chán đó chăng?
Người áo vàng kinh ngạc:
– Lão ấy làm sao mà phải động thủ với Thiên Phàm Hòa Thượng?
Triều Dương phu nhân mỉm cười:
– Phần lớn, cũng tại ngươi!
Người áo vàng sửng sốt:
– Vì tại hạ? Tại sao lại có việc đó?
Triều Dương phu nhân vẫy tay:
– Đi theo ta, rồi ngươi sẽ hiểu!
Nhưng thiếu niên áo lam đã bước tới, ngăn chận đường lối đi.
Triều Dương phu nhân trầm gương mặt:
– Ngươi muốn gì?
Thiếu niên nghiêng mình, điểm một nụ cười:
– Gia sư có lịnh, trừ phu nhân ra, chẳng một ai khác được vào trong! Hẳn phu nhân cũng có nghe gia sư nói như thế đó chứ!
Triều Dương phu nhân thốt:
– Ta đưa họ vào, là ta chịu trách nhiệm, ngươi khỏi lo ngại.
Thiếu niên lắc đầu:
– Đệ tử ngu xuẩn, thô lổ, chỉ biết vâng lời sư phó, một sư phó mà thôi, ngoài ra chẳng dám biết đến gì khác cả!
Triều Dương phu nhân biến sắc:
– Đến cả ta, ngươi cũng chẳng tuân nữa sao?
Thiếu niên đứng thẳng người, án ngữ lối đi như thường, không đáp.
Như vậy, là hắn quyết trấn đóng tại đó, đóng vững như núi, ai muốn đi qua, phải bứng hòn núi mà quăng đi nơi khác.
Triển Mộng Bạch thán phục thầm:
– Thiếu niên nầy, quả đáng mặt hán tử! Nam nhi phải như vậy mới đáng sống!
Đang trầm lạnh gương mặt, Triều Dương phu nhân vụt cười khan, rồi thốt:
– Khó lắm đó tiểu tử! Trung là một đức tánh quá tốt!
Người áo vàng chen vào:
– Mạng lịnh của ân sư, phàm là đệ tử chẳng bao giờ dám cãi. Phu nhân nên thông cảm cho hắn.
Triều Dương phu nhân gật đầu:
– Hắn có lòng trung, ta phải thanh toàn cho hắn!
Bàn tay tả đưa lên, ống tay áo phất nhẹ, bàn tay hữu bay ra liền. Bà xuất thủ điểm vào huyệt đạo nơi ngực của gã thiếu niên.
Triển Mộng Bạch dù chú mắt theo dõi bà từng động tác một, cũng không thấy rõ bà làm gì. Chỉ biết thiếu niên nọ đứng ngây người không cử động được nữa.
Triều Dương phu nhân khen ngợi gã thiếu niên vô cùng. Bà nói:
– Đúng là tính cách của Tiểu Lam.
Người áo vàng tiếp:
– Giang hồ truyền thuyết như thế nầy, là phu nhân rất yêu quý Lam Đại Tiên Sanh, dù hai đã thân nhau từ hơn hai mươi năm rồi, song cái tình giữa nhau vẫn như ngày sơ ngộ. Lão phu thoạt đầu không tin, càng ngày lại càng khó tin, bởi dù sao thì tâm tính của con người ta cũng có lúc thất thường, có ai giữ được sự tương kính như sơ? Biển kia trầm lặng, cũng có lúc nổi sóng, núi còn dời, đất còn động, do đó mà có cái sự tang thương, thì con người vốn bị chi phối bởi nhiều ngoại cảnh làm gì lại giữ được cái tâm tư của thuở ban đầu mãi mãi?
Triều Dương phu nhân hỏi:
– Ngươi dẫn chứng điều đó, với dụng ý gì?
Người áo vàng đáp:
– Có chi đâu, phu nhân quý mến Lam Đại Tiên Sanh, nên thấy ai giống lão ta lại liên tưởng đến lão, rồi sanh lòng quý mến luôn, do đó phu nhân có hảo cảm với những người đồng tính khí của Lam Đại Tiên Sanh. Chứ nếu không thì…
Lão dừng, cười mấy tiếng, đoạn kết thúc:
– Với cái tật của phu nhân, tiểu huynh đệ của lão phu phải chuốc khổ rồi đấy!
Triều Dương phu nhân sững sờ một chút, đoạn bà thở dài:
– Ngươi nói đúng! Ta thấy thích hắn, hay đúng hơn, tính khí của hắn đã gây hảo cảm nơi ta nhiều…
Rồi bà vẫy tay:
– Các ngươi vào đi, ta theo sau.
Người áo vàng chớp mắt.
Trong ánh mắt của lão, ẩn ước có điều bí mật, song làm sao ai biết được sự bí mật đó như thế nào?
Lão nhẹ tay vén bức rèm trúc, bước vào êm như đợt khói.
Dĩ nhiên, Triển Mộng Bạch bám sát bên lão.
Thoạt tiên, họ thấy một đợt khói thơm, từ trong sâu ngôi nhà, từ từ uốn lộn bay nhẹ ra ngoài, chính đợt khói đó xuyên qua mành trúc họ đã thấy lúc còn ở ngoài.
Theo đợt khói đó, họ đưa mắt vào trong, họ nhận ra đợt khói bốc từ một chiếc lư đồng màu tím.
Mùi khói tỏa đượm không gian, thơm dịu, bên trong, những vật trang trí lại thanh khiết.
Tìm được một hạt bụi nơi đây còn khó hơn tìm một mũi châm giữa lòng biển cả.
Nơi trung gian, có kê một chiếc vân sàng.
Trên vân sàng, có hai người ngồi xếp bằng tròn. Trong hai người, Triển Mộng Bạch nhận ra dễ dàng Lam Đại Tiên Sanh với chiếc áo màu lam.
Người nào cũng ngưng trọng thần sắc.
Đối diện với Lam Đại Tiên Sanh, dĩ nhiên là một lão tăng và qua cuộc đối thoại giữa người áo vàng với Triều Dương phu nhân, Triển Mộng Bạch đã hiểu chính là Thiên Phàm Đại Sư, chưởng môn Phương Trượng phái Thiếu Lâm, một danh hiệp được hầu hết hào kiệt trong võ lâm kính ngưỡng.
Mỗi người đưa bàn tay hữu lên, hai bàn tay áp vào nhau!
Cả hai đang vận dụng toàn lực tu vi qua mấy mươi năm dài, so cao thấp!
Họ không thù, không oán, nhưng họ ấn chứng vũ công với cái giá sanh mạng, kể ra họ chuộng võ gần như say mê ngang độ với những kẻ cuồng tín, nhắm mắt mà theo! Theo cái gì họ cho là vô thường, trên đời chẳng có một áp lực nào ngăn chặn nổi!
Trời!
Trong khi họ so công phu hàm dưỡng, họ lại chơi cờ! Giữa họ, có một bàn cờ, những quân cờ đang hoặc ở nơi phần đất nhà, hoặc đã sang ranh giới lan qua phần đất địch, chứng tỏ cuộc cờ dang dở, và hiện tại họ vừa đấu công phu vừa đấu cờ.
Bàn tay tả của Thiên Phàm Đại Sư đưa cao, ngón trỏ và ngón giữa đang kềm một quân cờ, đại sư đang tìm cái thế tiến quân, đôi mắt đăm đăm nhìn vào cuộc trận.
Lam Đại Tiên Sanh cũng chăm chú nhìn bàn cờ, suy tư…
Họ đấu lực, đấu luôn cả trí!
Nội lực là kết quả tu vi của vũ công, kỳ đạo là cái chốt phát huy trí tuệ. Hai việc đó, chẳng những tương quan mật thiết, mà còn phải hổ trợ lẫn nhau.
Như thế là phải tập trung, phải kết tụ sự linh mẩn của trí óc con người, và trên đời nầy, chẳng có ai dám làm cả hai việc cùng một lượt.
Bởi làm như vậy, là phải phân tâm, bại một việc đã đành, mà không nắm được cái cơ tất thắng cho việc kia cũng là cái chắc.
Bại về đấu cờ, bất quá mang cái tiếng thất bại thôi, chứ bại về đấu nội lực, thì tánh mạng phải tiêu tan!
Thử hỏi có ai dám chơi cái trò nguy hiểm gần như ngông cuồng đó chăng?
Thế mà Thiên Phàm Đại Sư và Lam Đại Tiên Sanh đang làm cái việc không có từ ngàn xưa, mà cũng sẽ chẳng có trong ngàn sau!
Người áo vàng sững sờ!
Triển Mộng Bạch càng sững sờ hơn!
Triều Dương phu nhân đã giải khai huyệt đạo cho thiếu niên xong, vào đến nơi.
Một người vào, hai ba người vào, đại sư và tiên sanh chẳng hề hay biết, hay chẳng hề lưu ý.
Cả hai chú hết tâm thần vào cuộc đấu song diện phi thường này.
Cả hai đang đem sanh mạng ra đùa, một cuộc đùa mà những kẻ giàu óc sáng tạo, cũng chẳng nghĩ ra một cuộc đùa mà có ai trông thấy chắc chẳng bao giờ dám làm thử!


Sử dụng phím mũi tên (hoặc A/D) để LÙI/SANG chương.