Bạn đang đọc Xuyên Tâm Lệnh – Chương 11: Nam Nhi Thái Hồ
Nhờ có khói che khuất, Tiêu Phi Vũ đưa Triển Mộng Bạch và Cung Linh Linh ra khỏi khu rừng đào.
Trước mặt không còn cây cối chận ngang, nàng chạy nhanh, gia dĩ nàng lại có sức mạnh, lôi Triển Mộng Bạch đi rất dễ dàng.
Chàng cũng có nghe Đỗ Quyên gọi, song nàng không dừng chân, trái lại chàng còn để mặc Tiêu Phi Vũ lôi đi, không hề phản kháng, chàng muốn đi xa, càng xa càng hay.
Khi đến bên bờ hồ rồi, chàng gằn giọng, hỏi:
– Cô nương định làm gì tại hạ?
Tiêu Phi Vũ không đáp, nắm chặt tay chàng hơn, sợ chàng chực dịp chạy đi.
Đồng thời, nàng cao giọng, gọi thuyền.
Hồ có rất nhiều thuyền câu, trong lúc đó, trời đã sáng rõ, thuyền nào cũng đã tắt đèn và ngư phủ đang kiểm điểm số cá, phân loại để đem ra chợ bán.
Chợ cá nhóm ngay nơi bờ, nhóm một lúc rồi tan, những người mua được cá, mang đi tận các địa phương khác, bán lại kiếm đồng lời.
Ngư phủ sinh hoạt về đêm, sáng ra bán tất số cá thu hoạch, họ phè phởn chán, họ ngủ vùi mãi đến chiều hôm, để tiếp tục cái sinh hoạt đều đều.
Cho nên, thuyền có đến số trăm, số ngàn nơi bờ nhưng chẳng có ai chịu đưa rước khách qua hồ, kiếm thêm lợi tức.
Tiêu Phi Vũ gọi mấy lượt rồi, chẳng có một ngư phủ nào lên tiếng.
Nàng khẩn trương ra mặt.
Bây giờ, nàng không chú ý đến những thuyền đậu dựa bờ, nàng biết họ chẳng chịu đưa rước khách, nàng nhìn ra phía mặt hồ.
Vừa lúc đó, có một con thuyền đang bềnh bồng trên mặt nước, nàng mừng rỡ, vội kêu to:
– Người trên thuyền! Vào đây, đưa tôi sang bờ kia, bao nhiêu tiền, tôi vui lòng trả!
Trên thuyền đó, có hai người khách, một già, một trẻ, cùng là nam cả.
Khách trẻ thốt với giọng căm hờn:
– Cái gã tiểu tử họ Triển đó, xem vậy mà có phúc tướng! Đã mấy phen rồi, hắn sắp sửa chết, lại có người xuất hiện cứu hắn!
Khách già điểm một nụ cười, trông nụ cười có vẻ đắc ý vô cùng.
Lão tiếp lời:
– Hiện tại thì chúng ta đã lên thuyền rồi, cứ biết như vậy đi, còn gì nữa thì mặc cho sự việc xảy ra, sự việc đến đâu, ta ứng phó tới đó. Lên được thuyền, là cầm như an toàn rồi, mấy lão gian hoạt kia chẳng còn làm gì ta được nữa.
Đoạn lão trầm giọng, tỏ vẻ cương quyết:
– Nếu cha chẳng làm cho tiểu tử họ Triển thành thất điên bát đảo, dở sống dở chết, thì cha sẽ chẳng bao giờ xưng Tuyệt Hộ nữa và cái tên Phương Tân nầy cũng sẽ xóa bỏ trên danh sách hào kiệt giang hồ!
Thì ra hai người khách đó, chính là Phương Tân và Phương Dật!
Họ xuôi thuyền đến đó, Tiêu Phi Vũ thấy thuyền, nàng gọi liền.
Phương Tân nghe gọi, biến sắc mặt thấp giọng bảo gấp Phương Dật:
– Ngươi lắng nghe xem, chừng như giọng quen quen…
Phương Dật còn kinh hoàng hơn cha, tuy nhiên hắn hừ một tiếng đáp:
– Cần gì phải lắng nghe? Chính con quỷ liễu đầu nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ chứ còn ai nữa? Cũng may là cha con ta đã lên thuyền rồi, nếu không thì chết với nàng! Cha con ta phải nhanh tay lên mới được!
Nhanh tay để ráng chèo cho thuyền lướt đi như gió, cho mau xa chỗ bờ này.
Phương Tân chớp chớp mắt, thốt:
– Không phải vội!
Lão hé cánh cửa số khoang thuyền, nhìn lên bờ một phút, rồi lẩm nhẩm:
– Lão quái vật họ Mạc vắng mặt, chỉ có nàng và gã họ Triển thôi…
Phương Dật lắc đầu:
– Dù chỉ có mỗi một mình nàng, cha con ta cũng chẳng làm sao được.
Phương Tân cười lạnh:
– Lực kém thì còn trí? Cha thua nàng về công lực, dễ thường cha cũng thua luôn mưu trí sao? Cha không thể lừa một con liễu đầu như vậy vào tròng nổi sao? Còn cái gã họ Triển kia, cầm như một phế nhân, có đáng kể gì mà phải sợ chứ?
Lão thò đầu ra ngoài khoang thuyền, thấp giọng bảo gã phu thuyền:
– Thuyền chủ, cái người gọi trên bờ đó, vốn có quen biết với cha con lão phu, lão phu không nỡ để cho một thiếu nữ cần vượt hồ, cứ gọi mãi mà không một ai đáp ứng, song lão phu cũng chẳng thích chạm mặt với nàng. Vậy thuyền chủ nên chọn chổ nào đó dưới khoang thuyền, cho cha con lão phu cứ tạm thời mà ẩn nấp, còn thuyền chủ thì cứ cặp bờ cho nàng sang bên kia hồ đi, chở mà kiếm thêm chút tiền chi dụng, thế là được việc cho cả lão phu và thuyền chủ.
Lão nói nghe hữu lý quá, lại có lợi cho chủ thuyền, nên chủ thuyền bằng lòng ngay, cảm tạ lão rối rít, rồi đưa cha con họ Phương xuống dưới khoang, bẻ lái cho thuyền cặp bờ.
Phương Tân không quên dặn thuyền chủ đừng tiết lộ sự hiện diện của họ.
Lão khỏi phải dặn, thuyền chủ khi nào tiết lộ như vậy, bởi nếu có thể tiết lộ, thì còn chỉ chỗ cho cha con lão ẩn nấp làm gì cho phí công, phí thì giờ?
Có thuyền rồi, Tiêu Phi Vũ không chậm trể một giây, cùng Triển Mộng Bạch và Cung Linh Linh xuống thuyền ngay.
Nàng giục:
– Nhanh lên! Nhanh lên!
Chủ thuyền cũng nhanh nhẹn, nghe nàng giục, vội lấy sào đẩy thuyền lách bờ.
Thuyền ra ngoài xa xa, Tiêu Phi Vũ thở phào, cho là thoát nạn.
Nàng có biết đâu, ở lại chưa chắc là một cái nạn, vì lo ngại viễn ảnh một cái nạn, chạy đi, trong lúc tưởng mình đã thoát thì chính là lúc cái nạn thực sự bắt đầu, chứ không phải là một viễn ảnh như trước.
Không gian lợp sương mờ, sương dày bao phủ khắp mặt hồ, sương không thành lớp, sương kết thành từng vầng , từng vầng nhỏ vầng to lơ lửng trôi đi trên mặt hồ…
Bây giờ, Tiêu Phi Vũ mới buông Cung Linh Linh, đặt nó nằm xuống trên sàn thuyền, sau đó, nàng mới day qua nhìn Triển Mộng Bạch, hỏi:
– Cái con bé có giọng nói ngọt ngào đó, gọi ngươi, nhưng ta cứ kéo ngươi đi như thế nầy, chắc là ngươi bực tức lắm, phải không? Nàng là ai, tại sao nàng quá quan tâm cho ngươi lắm thế?
Triển Mộng Bạch lạnh lùng:
– Cô nương không quyền cưỡng bức tại hạ tuân theo cái hứng của cô nương.
Tiêu Phi Vũ hừ một tiếng:
– Ta phải lôi ngươi đi theo ta mới được chứ, nếu mà để cho ngươi ở lại đó, ngươi chịu làm sao nỗi với họ? Dễ thường ngươi thích bị ai muốn khinh khi ngươi, cứ cho khinh, phải không?
Triển Mộng Bạch cao giọng:
– Dù tại hạ có thế nào, thiết tưởng điều đó cũng chẳng quan hệ gì đến cô nương, đừng tưởng mình là con người được ưu đãi trên mọi mặt mà có quyền định đoạt đến cả sinh mạng tự do của kẻ khác, cô nương không được phép nghi oan cho bất cứ ai, và cũng đừng tưởng là bất cứ ai cũng cần đến sự thương hại của cô nương. Bởi trên thế gian này, nếu có một người sống bám vào thế lực, tiền tài, lòng nhân từ của kẻ khác, thì cũng có một số người không cần ai tiếp trợ, xót thương!
Tiêu Phi Vũ không giận.
Ánh mắt của nàng hòa dịu vô cùng, nhưng nàng vẫn giữ cái giọng lạnh trong khi thốt với chàng:
– Ngươi không muốn ai tiếp trợ, nhưng khi người ta muốn như vậy, ngươi có đủ sức kháng cự lại sự tiếp trợ đó không? Muốn cự tuyệt cái ý của một người, hoặc ác ý, hoặc hảo ý, ít nhất ngươi cũng phải đủ sức cự tuyệt lực lượng của người đó chứ? Giả như người ta dùng bạo lực, bắt buộc ngươi phải chấp nhận sự tiếp trợ, thì ngươi cự tuyệt được chăng, khi ngươi hoàn toàn bất lực? Bất cứ việc gì, nếu mình không muốn mà không thể cự tuyệt, không cự tuyệt nổi, là mình không anh hùng. Mình chỉ là một ngốc tử.
Triển Mộng Bạch giật mình.
Chàng trầm ngâm một lúc lâu, đoạn lẩm nhẩm:
– Anh hùng! Ngốc tử…
Cay thật! Đắng thật! Mà cũng ngọt bùi thật!
Chàng không nhận định được rõ rệt, hiện tại cái vị gì đang thấm nơi đầu lưỡi của chàng, bởi cái vị đó có đủ chua, cay, đắng, ngọt, bùi và cái vị đó đã dần dần xuống đến yết hầu, vào cơ thể chàng…
Tiêu Phi Vũ tiếp:
– Ta làm như vậy, chẳng phải ta vì ngươi đâu nhé! Mà tưởng ta như cái con bé kia mà lầm!
Triển Mộng Bạch bĩu môi:
– Tại hạ nào dám tưởng như thế đâu, cô nương? Mà tưởng làm gì chứ?
Tiêu Phi Vũ buột miệng thở dài, niềm thán oán âm u bộc lộ rõ rệt.
Song, nàng vẫn giữ giọng lạnh lùng, tiếp nối:
– Ta không vì ngươi đâu, ta chỉ vì dì ba ta thôi, ta không nỡ để dì ba ta có một…
Triển Mộng Bạch nổi giận:
– Dì ba! Dì ba! Cứ mở miệng là nhắc đến dì ba! Dì ba là chi của cô nương chứ? Việc của mẩu thân tại hạ, đã có người trong họ Triển lo liệu, chẳng can gì đến ngoại nhân, cô nương nên đứng ngoài vòng là hơn!
Chàng hét lớn, Tiêu Phi Vũ càng hét lớn hơn:
– Phải! Dì ba là mẹ của ngươi, ngươi nên nghĩ lại xem, với cái thứ vũ công múa rối của ngươi đó, liệu ngươi có báo thù cho mẹ được chăng? Không báo thù được, liệu ngươi còn mặt mũi nào chường ra trước mặt người đời?
Triển Mộng Bạch hứ một tiếng:
– Đành rằng muốn báo thù là phải có võ công cao, muốn có võ công cao là phải học, nhưng tại hạ không thích học cái thứ võ công lai lịch bất chánh, bất minh, cô nương biết chưa?
Tiêu Phi Vũ cười lạnh:
– Được! Ngươi cứ sính anh hùng, sính cốt lớn, ngươi cứ biểu lộ tánh nam tử, chí trượng phu. Ngươi chẳng cầu nơi người, người chẳng lụy nơi ngươi! Được lắm! Ngươi không cầu lụy người ta làm cho, dễ thường người ta sẽ đến quỳ lạy ngươi, van cầu ngươi để mà dạy ngươi. Ngươi tưởng dạy ngươi là một vinh hạnh lớn à? Ngươi tưởng ai ai cũng ham cái vinh hạnh đó à?
Rồi nàng dịu giọng, như chị cả sừng sộ đứa em nhỏ ngoan cố, xong lại dỗ ngọt:
– Ta đưa ngươi về cốc, cho ngươi học võ công như vậy là ta tốt hay xấu? Ta làm như vậy, là nhục cho ngươi lắm phải không?
Triển Mộng Bạch sững sờ.
Chàng trầm lặng một lúc lâu, đoạn hướng mắt sang Cung Linh Linh, đang nằm ngủ mê man trên sàn thuyền.
Rồi chàng trở ánh mắt nhìn qua Tiêu Phi Vũ.
Tâm tư chàng trầm trọng vô cùng.
Tiêu Phi Vũ nhìn chàng, đúng hơn nàng nhìn bộ y phục lam lũ trên mình chàng, bộ y phục suốt mấy hôm rồi, chàng chẳng hề thay, bởi chàng đâu có bộ y phục thứ hai mà thay?
Ánh mắt của nàng long lanh, ẩn ướt niềm bi ai, thương cảm không bờ.
Nàng nhìn lên ánh mắt chàng, trong ánh mắt đó, ngời vẻ kiên nghị, cương quyết lạ.
Nàng nghe lòng nao nao.
Nàng tự hỏi:
– Tại sao nghe lòng nao nao? Tại sao? Yêu? Hay thương hại? Hay kính trọng? Hắn là một ngốc tử hay anh hùng? Dù sao thì hắn là một thiếu niên hy hữu, bình sanh ta mới gặp lần đầu.
Nàng không muốn chi hơn, hiện tại trong lúc nầy, là có dịp đối tốt với chàng, và chàng cũng đối tốt đáp lại.
Phức tạp thay, tâm tình nữ nhân!
Cứ đi quanh quẩn, đi vòng vòng, lòng muốn bước đến đích, song chân do dự, mà không chịu lui ra xa, do dự mà mắt cứ đăm đăm nhìn cái đích.
Giả như có ai đó đẩy tới thì nữ nhân sẽ cho rằng vận đỏ đã lên!
* * * Dưới khoang thuyền tự nhiên phải tối tăm, dĩ nhiên phải bực bội.
Người vô sự còn bực bội, huống hồ người hiếu sự?
Phương Dật nghiến răng, thầm nghĩ:
– Ta dùng trăm phương, nghìn kế quyết học cho được võ công, ta còn quỳ lạy, van xin, thế mà chưa ma nào thu nhận ta, truyền thọ võ công cho ta! Còn tiểu tử, không cầu lụy ai, lại có người sẵn sàng truyền thọ, hắn càng từ khước, người ta càng cưỡng ép, người ta lại dùng đến oai lực cưỡng ép! Hừ! Hắn có phải là con trời con đất gì đâu? Tại sao người ta thích hắn, người ta trọng hắn? Hắn hơn gì ta?
Phương Dật nghiến răng, răng kêu ken két!
Nghe Tiêu Phi Vũ mắng Triển Mộng Bạch, hắn ngừng nghiến răng, hắn lại điểm một nụ cười.
Phương Tân nghiêng đầu, đưa miệng sát vào tai hắn, hỏi:
– Ngươi cười gì?
Phương Dật thì thầm:
– Con cười cái gã họ Triển đó, làm cao…
Phương Tân cười lạnh:
– Đừng cười hắn, vô ích! Ngươi tưởng liễu đầu đó, mắng hắn như vậy là tốt cho hắn nữa, phải không? Lầm rồi! Ngươi lầm to! Cho ngươi biết, nàng yêu hắn rồi đó nhé!
Lão giải thích:
– Ngươi biết không, trong mười thiếu nữ, có tám chín nàng thích những chàng trai ương ngạnh, quật cường, chứ đừng tưởng là cứ nhu hòa, hiền diệu như ngươi giả vờ đó, là chúng mê tít, mê tơi! Mà ta hỏi, ngươi nghĩ sao lại cười? Hiện tại họ Triển đã bắt đầu thấm thía những gì nàng vừa nói, hắn sẵn sàng về sơn cốc với nàng rồi đó!
Phương Dật rít qua hai hàm răng:
– Tiểu liễu đầu! Đáng ghét thật!
Hắn đảo mắt nhìn quanh đó, thấy một chiếc búa, chụp nó, vung tay lên, toan đập thủng đáy thuyền.
Phương Tân nắm tay hắn, giữ lại, gằn giọng mắng:
– Ngốc tử! Ngươi nổi điên rồi phải không? Muốn làm gì thế?
Hai cha con đối đáp, đến cả những lúc giận, cũng chỉ thì thầm, âm thinh còn nhỏ hơn tiếng cánh muỗi vo ve.
Phương Dật hằn học:
– Đục thủng thuyền, cho bọn cẩu trệ đó chết hết, con mới hả!
Phương Tân nạt:
– Chúng chết, dễ thường ngươi sống sót à? Chúng chết, ngươi được lợi gì?
Phương Dật còn hầm hầm:
– Thế để cho chúng sống à? Thế để cho chúng khoái lạc à?
Phương Tân hừ một tiếng:
– Ngươi ngốc hơn con lợn! Ngươi có thấy chỗ chi đây không?
Lão đưa tay chỉ một kẽ hở nơi sàn thuyền, kẽ hở rộng độ nửa ngón tay, theo chiều dài.
Phương Dật hừ một tiếng:
– Liên quan gì đến chúng?
Phương Tân lại lấy trong mình ra một ống đồng, hình con hạc, cổ hạc vươn dài ra, nơi mỏ hạc có một lỗ nhỏ.
Đoạn lão thì thầm:
– Chờ chúng ngủ, ta thổi cái thứ hơi trong bụng con hạc theo kẽ hở, lên trên khoang thuyền, chúng hít phải, thì hoàn toàn trở thành công cụ của ta, mặc tình ta sử dụng.
Lão gật gù, tiếp:
– Nữ? Ngươi cứ đùa cợt, tùy thích. Nam? Ta sẽ truy ra lá Bạch Bố Kỳ! Bây giờ, ngươi đã hiểu ra chưa, ngốc tử? Cái kế đó tuyệt diệu hay việc ngươi đục thuyền tuyệt diệu?
Phương Dật mở to mắt, ánh mắt sáng ngời, hắn lại há miệng nhe răng cười, có điều không dám cười thành tiếng.
Hắn tán:
– Tuyệt! Tuyệt! Gia gia tài quá!
Bỗng, Phương Tân đưa tay bịt miệng hắn.
Lão trừng mắt, quát khẽ:
– Im chứ!
Vừa lúc đó, bên trên khoang thuyền, có tiếng chân người.
Người nào đó bước tới, bước lui, như đi bách bộ trên đoạn đường bằng phẳng, đi một lúc, lại dừng ngay chỗ kẽ hở.
Bên dưới, cha con họ Phương hồi hộp.
Sau cùng, Tiêu Phi Vũ cất tiếng:
– Ngươi nghĩ sao?
Không có tiếng đáp.
Tiêu Phi Vũ lại hỏi:
– Bây giờ, ngươi định làm gì?
Triển Mộng Bạch đáp:
– Xuống dưới khoang thuyền, ngủ một giấc.
Chừng như chàng giở hé một mảnh ván, nên bên dưới vụt sáng lên.
Phương Tân và Phương Dật giật mình, cùng biến sắc mặt, tim họ nhảy mạnh, suýt vở buồng ngực.
May thay cho họ, thuyền chủ đã lên tiếng:
– Xuống dưới không được đâu!
Tiếp theo đó, tiếng chân người vang lên, nặng hơn, rồi mảnh ván được đặt trở lại như cũ.
Bên dưới, ánh sáng tắt.
Cha con họ Phương thở phào.
Tiêu Phi Vũ bảo:
– Ngươi muốn ngủ, cứ nằm đó mà ngủ, ta không ngủ đâu, đừng tìm chỗ khác làm chi.
Phương Dật mắng khẽ:
– Chứ chẳng lẽ ngươi cùng nằm ngủ với hắn à? Ngũ như vậy còn gì danh dự của ngươi?
Hừ, khéo nói nhảm!
Phương Tân nhìn hắn, hỏi:
– Ngươi ghen?
Rồi lão trấn an hắn:
– Chậm một chút đi con, trong chốc lát nữa đây, nàng sẽ về tay con, chừng đó con muốn dày vò nàng cách nào tùy thích!
Lão lấy con hạc đồng ra, kiểm điểm chất hương mê lại kỹ lưỡng.
Lão chuẩn bị thực hành ý định.
Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ nằm mộng cũng không tưởng là dưới khoang thuyền, có hai hồ ly, một già một trẻ, hồ ly thì không khi nào ăn thịt người, chứ riêng hai hồ ly nầy chực chờ ăn thịt họ.
Họ ngồi đối diện nhau, song chẳng ai nhìn ai.
Lâu lắm, Tiêu Phi Vũ hỏi:
– Ngươi học võ công với gia gia ta, có gì đáng cho là nhục đâu, sao ngươi không thích?
Đến Phiêu Dương rồi, mình lưu lại đó một ngày…
Triển Mộng Bạch lạnh lùng:
– Tại hạ có khi nào nói là sẽ học võ công với lịnh tôn đâu?
Mẹ chàng chết cách thảm thiết, mẹ chàng phải rời cốc, sống kiếp phiêu bồng, chỉ vì phụ thân Tiêu Phi Vũ.
Vì mẹ, chàng căm hận lão ấy vô cùng.
Tiêu Phi Vũ đứng lên, dậm chân thình thịch trên sàn thuyền, gắt:
– Ngươi nói sao? Ta đã giảng giải hơn nửa ngày trời, ngươi cũng chẳng chịu hiểu à?
Ngươi vẫn không chấp thuận à?
Bỗng, có tiếng keng vang lên, dưới khoang, ngay chân Tiêu Phi Vũ.
Thì ra Phương Tân vừa đưa mỏ con hạc đồng lên kẽ hở, sắp sửa phun thuốc mê.
Đúng lúc Tiêu Phi Vũ dậm chân, lại dậm đúng chỗ con hạc đồng vừa được lão ta đưa lên.
Ván thuyền rung động, chạm mỏ con hạc đồng, phần lão hoảng hồn, hơi lỏng tay một chút, con hạc rơi xuống đáy thuyền, bật kêu một tiếng keng.
Triển Mộng Bạch biến sắc thốt nhanh:
– Bên dưới có người!
Cha con họ Phương biến sắc.
Thuyền chủ nghe động, chạy vào, dang hai tay ra như để ngăn chận, mà cũng để phân bua:
– Làm gì có người bên dưới, khách nhân? Đó là một con mèo, mèo của tôi nuôi đấy!
Triển Mộng Bạch thở phào:
– Thế à?
Bên dưới, cha con họ Phương cũng thở phào.
Phương Dật mắng khẽ:
– Cái lão già đó, đáng ghét thật! Dám cho rằng cha con ta là mèo! Nhất định xong việc này rồi, con sẽ trừng trị lão một phen mới hả!
Triển Mộng Bạch lại đứng lên đi tới, đi lui, đảo mắt nhìn khắp bốn phía, nhìn trên, nhìn dưới.
Chàng thấy trên mặt bàn, có hai chén trà, chén còn đầy.
Lúc đó, thuyền chủ đã bước ra, vợ thuyền chủ bước vào.
Triển Mộng Bạch mỉm cười, thốt:
– Tánh tại hạ rất thích mèo, không ngờ trên thuyền nầy lại có mèo. Bà bế nó lên đây, cho tại hạ vuốt ve nó một lúc đi!
Mụ chủ thuyền lui lại đứng nơi kẽ hở sàn thuyền, hẳn là nơi đó chừa một kẽ hở, để thò ngón ta giở mảnh ván, lên xuống.
Bà lắc đầu:
– Nó xấu xí lắm, ốm tong ốm teo, có đáng cho khách nhân xem đâu! Đừng xem là hơn!
Nhìn thần sắc mụ ta, Triển Mộng Bạch nghi ngờ.
Vì đã trải qua nhiều gian nguy, vì đã bị lừa quá nhiều lần, chàng rút kinh nghiệm đáng kể, bây giờ chàng không là một thiếu niên ngớ ngẩn như ngày nào.
Chàng quát to:
– Bà bước qua một bên, cho tại hạ xuống dưới đó xem!
Mụ vợ chủ thuyền không nhút nhích.
Thật khó cho Triển Mộng Bạch, chẳng lẽ chàng đưa tay xô đẩy bà ta? Dù sao thì chàng cũng nhớ cái câu nam nữ thọ thọ bất thân.
Chàng quay mặt lại nhìn Tiêu Phi Vũ.
Tiêu Phi Vũ hội ý bảo:
– Bà nên bước qua một bên, nếu không, tôi sẽ…
Bỗng, một tiếng động hãi hùng vang lên, từ dưới khoang phát ra, đồng thời con thuyền rung chuyển mạnh.
Vợ chủ thuyền lộ vẻ bối rối, kêu lên:
– Con mèo… con mèo ác ôn…
Tiêu Phi Vũ lướt tới, xô bà ta qua một bên. Triển Mộng Bạch bật tấm ván liền.
Thoáng đưa mắt nhìn xuống bên dưới, chàng kinh hãi.
Nước! Nước tràn vào khoang thuyền, hông thuyền đã thủng một khoảng lớn.
Nước tràn rất nhanh, chớp mắt đã đầy vào khoang, nước sắp lên đến sàn thuyền.
Thì ra, bên dưới khoang thuyền, cha con họ Phương nghe Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ bức bách vợ chủ thuyền, họ biết ngay là sự bất lợi sẽ xảy ra cho họ.
Mà Phương Tân thì sợ những người họ Tiêu còn hơn sợ cọp dữ, rắn độc. Lão không do dự được nữa, bảo Phương Dật chụp búa đập vào hông thuyền, một mảnh ván bung ra, bày một khoảng trống ngang vừa người chui, dài độ ba thước.
Cả hai không chậm trễ, chui mình qua lỗ hổng đó, thoát ra đáy hồ.
Vợ chủ thuyền biến sắc mặt xanh dờn, gào khóc vang dội.
Triển Mộng Bạch và Tiêu Phi Vũ cũng kinh hãi không kém mụ chủ thuyền.
Trong khi mọi người trên thuyền lo sợ cuống cuồng, nước vẫn tràn vào.
Con thuyền sẽ đắm trong thoáng mắt.
Vô lý hết sức là chủ thuyền lúc đó nắm cứng Triển Mộng Bạch hét oang oang:
– Đền! Đền thuyền! Phải đền cho ta!
Triển Mộng Bạch vừa khẩn cấp, vừa phẫn nộ.
Tiêu Phi Vũ vừa hoang mang, vừa bực tức, thấy chủ thuyền vô lý như thế, hét trả:
– Ngươi đòi bắt đền ai? Ta hỏi ngươi, kẻ nào ở dưới khoang thuyền? Ác tặc ở dưới thuyền là ai?
Thuyền chủ không đáp, vợ thuyền chủ kêu lên:
– Họ đấy à? Họ là hai người, một già một trẻ.
Tiêu Phi Vũ giật mình:
– Cha con họ Phương?
Triển Mộng Bạch gạt ngang:
– Dù là ai, mình sẽ điều tra lại sau này, bây giờ hãy lo thoát nạn là cần thiết nhất!
Tiêu Phi Vũ hỏi:
– Ngươi thạo thủy tánh chứ?
Triển Mộng Bạch lắc đầu.
Tiêu Phi Vũ bế Cung Linh Linh lên, đúng lúc đó, nước đã tràn ngập sàn thuyền. Thế nước bây giờ quá mạnh, con thuyền kể như đắm rồi.
Tiêu Phi Vũ co chân đá bay một chiếc bàn, bảo gấp:
– Đeo dính nó nhé, tuyệt đối đừng buông tay, nếu không bị hà bá rút chân đấy!
Triển Mộng Bạch chụp ngay chiếc bàn, hỏi:
– Còn cô nương?
Tiêu Phi Vũ đã ra bên ngoài mui thuyền rồi.
Vợ chồng thuyền chủ còn lẫn quẩn trên khoang, sờ món này, chụp món khác, mang theo mình tất cả, rồi lại sợ vướng vấn mà phải bị chìm, lại bỏ xuống.
Bỏ rồi tiếc, lại nhặt lên, nhặt lên rồi bỏ xuống, cứ lay hoay chọn lựa, song không làm sao chọn thứ nầy, bỏ món kia được.
Cả hai vợ chồng cứ loay hoay mãi trong khoang thuyền, con thuyền chìm xuống, nước tràn vào.
Chủ thuyền luống cuống, vợ y lại luống cuống hơn, phần tiếc đồ vật, phần sợ chết, kêu lên ơi ới:
– Bắt đền họ, đừng cho họ đi đâu cả!
Triển Mộng Bạch nắm chiếc bàn, nương thân nó, nổi bềnh bồng mặc cho sóng đùa.
Bỗng, chàng cảm thấy có cái gì chạm vào chân, như có kẻ nào ở dưới sâu nắm chân chàng, kéo mạnh.
Bởi, không quen thủy tánh, bị kéo như vậy, chàng hụp mình luôn khỏi mặt nước, rồi hoảng quá, há miệng ra toan kêu lên, nước tràn vào, chàng uống đầy bụng nước, ngất xỉu luôn, bàn tay buông luôn chiếc bàn.
Chiếc bàn bị sóng đánh dạt ra xa xa…
Vừa lúc đó, có ba chiếc ngư thuyền lướt sóng tiến tới.
Có lẽ những ngư phủ đã trông thấy tai nạn nên cho thuyền đến nơi tiếp cứu. Thuyền chưa đến tận chỗ, mấy gã thanh niên lực lưỡng đồng nhảy xuống hồ.
Người được họ cứu trước hết là Tiêu Phi Vũ.
Và, chính mụ vợ chủ thuyền cứu nàng, bởi bà thấy nàng mặc y phục hoa lệ, định chắc là nàng thừa tiền lắm bạc, bà hy vọng nàng sẽ đền cho bà chiếc thuyền đã thủng.
Lên thuyền rồi, Tiêu Phi Vũ nhìn xuống mặt hồ, thấy loi ngoi nhiều chiếc đầu bao vòng một khoảng rộng lớn, những ngư phủ đó đang tìm vớt Triển Mộng Bạch.
Nàng gọi to:
– Cố gắng tìm, các anh em ơi, còn một người nữa!
Vợ chủ thuyền mỉm cười:
– Một người nữa? Cái gã y phục rách rưới đó, không phải cứu gã làm gì, gã nghèo quá, làm gì đền được chiếc thuyền của ta mà cứu cho uổng công?
Tiêu Phi Vũ vừa khẩn cấp, vừa giận, song nghĩ ra chẳng phải lúc phát tác, đành thôi.
Vợ chủ thuyền lại nhìn ra mặt hồ, quan sát một lúc, bỗng kêu lên thất thanh:
– Còn lão ấy đâu? Sao ta không thấy?
Có người đáp:
– Đại tẩu muốn nói đến Ngưu đại ca à? Yên trí đi, đại tẩu. Tại hồ nầy còn ai thạo thủy tánh hơn Ngưu đại ca? Nhất định chẳng việc gì đâu.
Một người nữa, tiếp:
– Nếu Ngưu đại ca có bề gì, bọn nầy thường cho, đại tẩu yên trí đi!
Vợ chủ thuyền bật khóc.
Ai khuyên giải, trấn an, mụ vẫn khóc, mụ cứ sợ chồng mụ chết chìm thôi.
Thấy lâu quá, chưa ai tìm được Triển Mộng Bạch, Tiêu Phi Vũ toan nhảy xuống hồ, hiệp sức với các ngư phủ.
Nhưng vợ chủ thuyền sợ mất nàng, không đền thuyền, vội níu nàng lại, hỏi:
– Cô nương định làm gì thế?
Tiêu Phi Vũ sừng sộ:
– Chồng của bà thạo thủy tánh không chết được, chứ hắn có biết bơi lội chi đâu, tôi phải tìm hắn chứ?
Rồi nàng cũng bật khóc như mụ.
Vừa khóc nàng vừa gào:
– Bà phải buông tôi ra, bà không buông, tôi giết tất cả! Tôi sẽ giết tất cả đó bà! Luôn cả bà nữa!
Các ngư phủ chưa từng thấy một thiếu nữ nào hung hản như nàng, nên cười thầm, mắng thầm, song họ vẫn trấn an nàng:
– Cô nương đừng sợ, thế nào rồi chúng tôi cũng tìm được cái người đó cho, chẳng mất đâu!
Lúc đó các ngư phủ đã lên thuyền, chỉ trừ chủ thuyền của bọn Triển Mộng Bạch, mà các bạn đồng nghiệp gọi là Ngưu đại ca, còn ở dưới nước.
Một gã thấy Tiêu Phi Vũ bi ai cực độ, vội trấn an nàng:
– Đừng lo, cô nương, bọn tôi sẽ tìm được người đó cho, không mất đâu!
Hắn cởi áo, nhảy liều xuống nước một lần nữa, vừa để tìm Triển Mộng Bạch, mà cũng tìm luôn Ngưu đại ca.
Không lâu lắm, người được gọi là Ngưu đại ca từ dưới nước ngoi lên, nhận định kỹ mũi thuyền, rồi đạp chân xuống nước nhảy vút lên cao, bên trên thuyền, một vài người đưa tay chụp y lôi vào.
Y rơi đúng giữa khoảng mui thuyền, trong tay có kẹp Triển Mộng Bạch.
Lúc mới lên, y còn tỉnh miệng điểm một nụ cười, còn Triển Mộng Bạch thì mê man vì uống quá nhiều nước.
Vợ y nhào tới ôm chầm lấy y, khóc sướt mướt.
Bất thình lình, y ngã xuống sàng thuyền, rồi bất tỉnh luôn như Triển Mộng Bạch.
Bây giờ mọi người mới nhận ra cánh tay y bị thương, có lẽ máu ra nhiều, song nước cuốn rửa sạch máu, thành ra không ai thấy rõ ngay lúc đó.
Tiêu Phi Vũ cũng nhào tới, nắm lấy tay Triển Mộng Bạch, lay lay gọi tỉnh chàng.
Mấy ngư phủ vây quanh cả hai người, làm những động tác cấp cứu, đồng thời nấu nước gừng cho cả hai uống, tăng nhiệt độ.
Thì ra hai cha con họ Phương xuống nước rồi, chưa chịu đi ngay, họ ở đó, chờ thuyền đắm, để bắt Tiêu Phi Vũ và Triển Mộng Bạch.
Tiêu Phi Vũ được bọn ngư phủ cứu lên thuyền nhanh chóng, họ không làm gì được nàng, họ liền quay sang Triển Mộng Bạch.
Chàng không quen thủy tánh, nên bị cha con họ Phương chụp chân lôi đi.
Ngưu đại ca quyết bắt cho được Triển Mộng Bạch để đền chiếc thuyền, nên lội quanh quẩn nơi chỗ thuyền đắm, bất chợt bắt gặp cha con họ Phương đang lôi Triển Mộng Bạch.
Hắn giành lại, bị cha con họ Phương dùng mũi thích đâm trúng cánh tay, nhưng hắn không bỏ cuộc, quyết dành cho kỳ được Triển Mộng Bạch.
Luận về vũ công, thì Ngưu đại ca kém xa cha con họ Phương, nhưng cha con họ làm sao sánh được con trâu nước vùng Thái Hồ lúc ở dưới nước?
Thành ra, đôi bên dằng co một lúc, kế đến bọn ngư phủ trên thuyền nhảy xuống tiếp viện.
Giành giật với một mình Ngưu đại ca, cha con họ Phương còn không làm gì được, giờ đây có thêm nhiều người nữa, cha con họ mong gì thành công?
Thế là họ bỏ đi, và cầm như tâm cơ lao nhọc một cách vô ích.
Cha con họ Phương bỏ đi rồi, bọn ngư phủ không đuổi theo làm gì, cùng Ngưu đại ca lên thuyền.
Không lâu lắm, Triển Mộng Bạch tỉnh lại.
Một ngư phủ reo lên:
– A! Người anh êm đã tỉnh rồi! Nếu chậm một chút nữa, vợ của người anh em khóc mù đôi mắt đấy!
Triển Mộng Bạch không hiểu gã ngư phủ nói gì, giương đôi mắt ngơ ngác nhìn gã, rồi đảo quanh một vòng, thấy Tiêu Phi Vũ ngồi cạnh chàng, tay nàng nắm chặt tay chàng, lệ bi thảm còn ràn rụa…
Bất giác chàng hiểu.
Chẳng rõ lúc đó chàng vui hay giận vì gã ngư phủ hiểu lầm.
Bỗng chàng hỏi Tiêu Phi Vũ:
– Cung Linh Linh? Nó có sao chăng?
Tiêu Phi Vũ lúc đó mới trực nhớ ra đứa bé.
Nàng xám mặt, không biết phải đáp làm sao.
Triển Mộng Bạch vùng đứng lên, Tiêu Phi Vũ đã nhanh hơn, chạy ra sau lái thuyền.
Nàng chạm phải một người, thì ra người đó là Triển Mộng Bạch, chàng chạy nhanh hơn nàng, bởi cả hai hấp tấp quá chừng, không ai lưu ý đến ai, thành đụng đầu nhau.
Nhưng họ chạy ra sau lái để làm gì?
Có thể nào Cung Linh Linh ở đó sao?
Họ chạy ra đó là để nhìn về phía hậu, nhìn chỗ thuyền đắm xem có bóng người trên mặt hồ chăng?
Triển Mộng Bạch kêu lên:
– Thế là nó còn ở dưới nước! Thế là chẳng có ai vớt được nó!
Bọn ngư phủ cũng theo họ ra sau lái thuyền, bây giờ tất cả mới hay là còn một người nữa ở dưới nước.
Triển Mộng Bạch kêu trời luôn mấy tiếng, rồi gào to:
– Cung lão tiền bối! Tại hạ đã phụ lời ủy thác của tiền bối! Tại hạ không xứng đáng…
Chàng dợm chân toan nhảy xuống nước.
Một người nắm chàng lại, hỏi:
– Nhảy đi đâu?
Chàng rít lên:
– Buông ra! Buông ra! Đã không làm tròn ủy thác, ta định chết chứ còn đi đâu nữa?
Bọn ngư phủ khen thầm:
– Hắn là một con người nghĩa khí, có một bằng hữu như hắn quả thật là diễm phúc!
Một ngư phủ mập vỗ tay lên vai chàng, thốt:
– Bằng hữu đòi chết à? Chết có ích gì? Chết cũng chẳng cứu vãn được sự tình, huống chi bọn này cứu bằng hữu lên, rồi lại để cho bằng hữu nhảy xuống nước trở lại mà chết à?
Đừng rối loạn lên, để bọn này tìm một lần nữa. Bằng hữu hãy cho biết nạn nhân có hình dáng như thế nào đi?
Một ngư phủ khác tán đồng:
– Đại Sa Ngư nói đúng đó!
Đại Sa Ngư, cũng như Ngưu đại ca, là những danh hiệu bọn ngư phủ tặng nhau. Đại Sa Ngư là chủ nhân một chiếc thuyền to lớn, chừng như được mọi người trong nghề nghiệp nể nang lắm.
Triển Mộng Bạch thốt qua bi thương:
– Một đứa bé gái, nó…
Bỗng, có kẻ kêu lên:
– Các ngươi xem kia, mường tượng có ai đó đang trôi lều bều trên mặt nước kìa!
Đại Sa Ngư bảo nhanh:
– Xem kỹ lại, có đúng vậy chăng?
Người vừa kêu lên, cao giọng xác nhận:
– Đúng rồi! Tôi xem kỹ lắm rồi! Một đứa bé nhỏ, lại là bé gái!
Triển Mộng Bạch cấp tốc nhảy xuống nước, không ai ngăn trở kịp.
Tiêu Phi Vũ hét lớn:
– Trời ơi! Hắn không biết lội! Làm thế nào bây giờ?
Nàng mất cả bình tỉnh, sợ Triển Mộng Bạch chết chìm, lại nhảy theo luôn.
Lúc đó, nàng đã khôi phục công lực rồi, bọn ngư phủ làm sao ngăn chặn nàng nổi?
Nàng cũng không hơn gì Triển Mộng Bạch, cũng chẳng biết thủy tánh, nhảy xuống nước là quá lo lắng cho nhau chứ chẳng làm được việc gì, trái lại còn lúng túng trong nước.
Thành ra, nhảy xuống đó, cả hai tìm cái lụy cho mình thôi.
Bọn ngư phủ hoảng hồn, nhảy theo, lo cứu vớt hai người hơn là cứu đứa bé.
Đại Sa Ngư nhìn kỹ, quả nhiên như lời một ngư phủ đã nói, một đứa bé gái trôi theo sóng đùa trên mặt nước, không rõ nó còn sống hay đã chết, nó bất động.
Hắn đinh ninh là nó đã chết, hắn than thở, tỏ vẻ thương xót vô cùng.
Đoạn, y phóng mình xuống nước. Vớt đứa bé gái, nhận ra thân thể của nó chưa lạnh, mạch còn nhảy, song rất nhẹ.
Hơi thở của nó quá mỏi mòn, hơi thở đó có thể đứt trong bất cứ phút giây nào.
Nó mê man trầm trọng.
Những ngư phủ đó, tuy sống nghề hạ bạc, bình sanh từng thấy nhiều người chết chìm, song họ chưa hề gặp một cảnh tượng nào kỳ quái như thế này.
Đúng là kỳ quái, bởi bị cái nạn đắm thuyền, dầm mình trong nước rất lâu, một đứa bé yếu đuối như vậy, lại không chết!
Họ cho là thần linh phù hộ, phù hộ đứa bé, phù hộ luôn họ nên mới giúp họ vớt đứa bé, bởi đáng lý ra, nó phải chìm sâu dưới đáy hồ, và như vậy, họ làm sao vớt nó lên được?
Và, nếu có vớt được, cũng phải dùng chài, hoặc lưới, và mất thời gian lâu, cuối cùng chỉ vớt cái xác chết, chứ làm gì vớt được người sống.
Họ nghĩ, chỉ có thần linh giúp sức, đứa bé mới bồng bềnh trên mặt nước cho họ thấy.
Niềm tín ngưỡng khích động, tất cả cùng quỳ xuống tạ ơn Long Thần.
Tiếp theo đó, Tiêu Phi Vũ và Triển Mộng Bạch cũng được bọn ngư phủ đưa lên thuyền.
Cả hai trông thấy Cung Linh Linh còn sống, hết sức hân hoan.
Đại Sa Ngư vỗ tay lên vai Triển Mộng Bạch, cười vang thốt:
– Đáng trách người anh em thật, không biết lội mà cũng nhảy xuống nước mà cứu đứa bé. Người anh em liều quá, có chắc gì cứu được nó, mà tự mình biết đâu lại chẳng chết theo nó?
Triển Mộng Bạch thành thật đáp:
– Tôi cũng chẳng biết tại sao tôi lại liều như vậy, thấy nó trôi bồng bềnh trên mặt nước, tôi đâm hoảng, bất chấp hiểm nguy, phóng mình xuống nước như cái máy.
Chàng không xưng là tại hạ, bởi chàng nghĩ bọn ngư phủ này không thuộc giới giang hồ, họ là những người chuyên cần nghề nghiệp, sống cuộc đời bình dị, tâm tánh chất phác, họ có hiểu hai tiếng tại hạ là chi?
Cái sáo giang hồ, đem dùng với họ, quả không nhằm chỗ vậy.
Đại Sa Ngư mỉm cười:
– Đúng vậy! Cứu người như cái máy, tâm chưa nghĩ đến việc cứu, ý đã day động rồi!
Giả như đợi cái tâm đắn đo, cân nhắc lợi và hại, thì việc cứu người đâu có giá trị gì? Bởi lúc đó, mình cứu người là vì mình hơn vì người, có lợi cho mình, mình mới cứu, nhờ mình thấy có lợi nên kẻ kia được cứu! Như vậy là kém thanh cao, kém nhân đạo. Như vậy là không nghĩa hiệp!
Vợ chủ thuyền đắm, chen lời:
– Chứ cái vị cô nương kia, lại biết lội hay sao? Thế mà người ta cũng nóng cứu người, bất chấp nguy hiểm, nhảy ngay xuống nước, sao các người không khen nàng, lại cứ tâng bốc hắn? Nam nhân là anh hùng, là nghĩa hiệp, thế nữ nhân không anh hùng, không nghĩa hiệp à?
Mọi người cùng bật cười ha hả:
– Khen một cũng đủ, cần gì phải khen hai, cho thêm rườm rà? Họ là một đôi mà, nam anh hùng nghĩa hiệp thì nữ cũng vậy chứ, cần gì phải hài ra từng người một?
Một ngư phủ khác phụ họa:
– Nếu không phải là một đôi rất xứng, thì họ làm gì được Long Thần khen ngợi và cứu họ thoát nạn? Thực ra, có Long Thần phù hộ, bọn mình chỉ làm cái việc vuốt đuôi thôi đấy!
Một ngư phủ thứ ba tiếp:
– Họ là một đôi tốt phúc đấy, đêm nay họ ở trên thuyền chúng ta, chắc chắn là Long Thần phù hộ họ và nhờ đó, chúng ta được an toàn luôn.
Tiêu Phi Vũ quen tánh ngông cuồng, mỗi cử động, mỗi lời nói đều tỏ vẻ ngang tàng, phóng túng, trong trường hợp này cũng phải thẹn thùng, cúi gầm đầu, che dấu đôi má ửng hồng.
Tuy vậy, nàng cũng cố liết xéo lên, len lén nhìn Triển Mộng Bạch.
Một cảm giác phát sanh nơi tâm tư, nàng nghe như khoan khoái nôn nao, bứt rứt, bồi hồi, rạo rực…
Bất giác, nàng điểm phớt một nụ cười.
Bình sanh, nàng chưa cười lần nào với cái chất nữ, hoàn toàn nữ như lần này.
Bình sanh, nàng cứ tưởng mình là nam nhân. Và bây giờ, cái chất nữ bị dìm từ lâu, vụt bừng lên, thoạt tiên hiện ra nơi khóe miệng.
Triển Mộng Bạch cũng e thẹn như nàng, song sự e thẹn không lưu lại với chàng lâu như với nàng.
Chỉ một thoáng sau, chàng nhớ lại thực cảnh.
Và chàng lấy làm lạ, chẳng hiểu tại sao bọn ngư phủ này tin tưởng quá mạnh nơi thần quyền, cho rằng Long Vương phù hộ bọn chàng, sẽ phù hộ luôn họ qua đêm nay, được an toàn.
Đêm nay, có việc gì xảy đến cho họ?
Họ cầu nguyện Long Vương bảo hộ cho họ đêm nay, còn đêm mai, đêm kia, họ chẳng cần sự phù hộ đó nữa sao?
Đêm nay có gì đặc biệt cho họ?
Đại Sa Ngư cười mấy tiếng, nhìn qua Ngưu đại ca, thốt:
– Đại Ngưu! Cứu được người hôm nay, cái công của ngươi chẳng nhỏ, song rất tiếc là đã để sống kẻ phá hoại chiếc thuyền, gây ra tai nạn! Phải chi bắt được chúng, mình trừng trị chúng, thì thích biết bao!
Đại Sa Ngư nhắc đến việc đó, có mấy ngư phủ phấn khởi tinh thần, khoa tay, hò hét:
– Thế thì đuổi theo! Chúng chạy lên trời, mình theo lên trời bắt chúng, đánh cho chết mới hả!
Tiêu Phi Vũ thở dài, khoát tay:
– Vô ích! Trái lại… chúng không hại được bọn tôi!
Nếu là lúc trước, thì chính nàng là người trước nhất đuổi theo cha con họ Phương.
Chính nàng hưởng ứng trước nhất đề nghị của mấy ngư phủ đó.
Nhưng, bây giờ, lòng nàng rất dịu quá, ý nàng hiền quá, nàng không tưởng đến cái việc đánh ai, giết ai.
Thoạt đầu, nghe nàng thốt đến hai tiếng:
trái lại, rồi nàng dừng một chút, Triển Mộng Bạch nghĩ rằng nàng sẽ tiếp nối đại khái bằng mấy tiếng:
chúng không chạy thoát đâu!
Không ngờ, nàng lại kết câu như vậy.
Hơn thế, âm thanh của nàng hiền dịu quá chừng, âm thanh đó những ai có quen nàng đều không tưởng là nàng có thể phát xuất ra được.
Bất giác, chàng hướng mặt về phía nàng.
Ánh mắt của chàng cũng dịu hiền vô cùng, nói rằng trìu mến cũng không sai sự thật.
Chàng lại bắt gặp Tiêu Phi Vũ nhìn chàng.
Ánh mắt của nàng cũng thế, hiền dịu, trìu mên.
Hạnh phúc là cái gì vô hình, nhưng hạnh phúc đã hiện hình trong đôi mắt của nàng.
Nàng hoàn toàn thay đổi! Nàng là một con người hoàn toàn khác lạ.
Triển Mộng Bạch có hiểu nguyên do sự thay đổi đó chăng?
Không hiểu trọn vẹn, chàng cũng hiểu phần nào, và chàng sững sờ.
Cái vẻ sững sờ đó của chàng, làm cho nàng đỏ bừng mặt.
Nàng nhẹ giọng tiếp luôn:
– Chúng ta vô sự, chỉ tiếc là phải hỏng một chiếc thuyền. Thuyền hỏng là chúng ta phải đền!
Nói như thế, là một cách nói, chứ cái ý của nàng muốn nói khác, nói riêng cho một mình Triển Mộng Bạch nghe mà thôi.
Nàng phải nói như thế này:
– Dù đền mười chiếc, trăm chiếc cũng chẳng sao, bởi nhờ có đắm thuyền, chúng ta mới hiểu nhau, không còn cao ngạo nhau, không còn giữ thiên kiến đối với nhau! Và cái ơn phải gởi cho cha con họ Phương!
Làm sao nàng nói lên câu đó được chứ?
Nàng không nói bằng miệng, ánh mắt của nàng thay miệng mà nói, Triển Mộng Bạch hiểu rõ.
Đại Sa Ngư cao giọng:
– Đền thuyền? Nói cái chi mà kỳ lạ thế? Nếu hai vị đền thuyền, chẳng hóa ra hai vị xem bọn này tầm thường sao? Huynh đệ Thái Hồ hèn đến thế sao?
Lúc đó, Thủy Ngưu đã tỉnh lại rồi.
Y lớn tiếng phụ họa:
– Phải đó! Huynh đệ Thái Hồ này…
Nhưng, y nín lặng, bỏ lửng câu nói, bởi vợ y đang lườm lườm nhìn y.
Đại Sa Ngư bật cười ha hả:
– Ngưu đại tẩu! Đừng nóng! Đừng nóng chứ! Giả như đêm nay, chúng ta qua lọt rồi, thì ngày mai, tất cả còn rong thuyền trên khắp mặt hồ, và tất cả chỉ cần xuôi ngược độ vài hôm, là thừa sức sắm cho đại tẩu một con thuyền mới. Nếu đêm nay chúng ta chẳng được an toàn, dù cho đại tẩu có được đền hàng trăm chiếc, cũng chẳng ích gì.
Tiêu Phi Vũ nghi hoặc, thầm nghĩ:
– Ta cứ tưởng, trên giang hồ rất hiếm người tốt, ngờ đâu, trong giới cần cù doanh nghiệp như bọn ngư phủ này, cũng có hào kiệt, anh hùng.
Triển Mộng Bạch bây giờ mới biết mình nhận xét lầm người, chàng đinh ninh bọn ngư phủ này chỉ là hạng người chất phác, chăm chú sinh hoạt.
Qua thái độ của Đại Sa Ngư, chàng bắt đầu nhận thấy, y có một tâm hồn phóng khoáng, và tâm hồn đó, chỉ những trang hào hiệp mới có.
Như vậy, Đại Sa Ngư hẳn phải có tài nghệ tuyệt luân, vì một lý do nào đó, ẩn tích mai danh trong cái lốt ngư phủ nghêu ngao trên sóng nước Thái Hồ.
Tiêu Phi Vũ trầm ngâm một chút, đoạn lấy trong mình ra một hạt minh châu, trao qua Ngưu đại tẩu.
Tuy không biết rõ giá trị của châu ngọc, Ngưu đại tẩu thừa hiểu, hạt châu rất quý, ít nhất nó cũng trên giá một con thuyền.
Chẳng rõ tại sao, đang đòi đền thuyền, người ta đưa cho một vật trên giá con thuyền, mụ lại đỏ mặt, rồi ấp úng:
– Cô nương… cái này…
Tiêu Phi Vũ mỉm cười:
– Không phải đền thuyền đâu! Tặng mà! Kỹ niệm một cuộc kỳ ngộ vậy mà!
Ngưu đại tẩu sững sờ.
Mấy ngư phủ cười vang:
– Bây giờ, Ngưu đại tẩu cũng biết đỏ mặt nữa chứ! Lạ thật! Hôm nay, có nhiều cái lạ quá, thảo nào mà Long Vương không phù hộ?
Tất cả đề rộ lên cười.
Ngưu đại tẩu đỏ mặt, phát cáu, dậm chân thình thịch mắng:
– Cái lủ quỷ này! Phải chết với bà!
Rồi chính mụ ta cũng phá lên cười!
Trong khi đó, Tiêu Phi Vũ đặt viên minh châu trong tay mụ, mụ không nhận cũng không được.
Đột nhiên, nghe tâm tư bồng bột lên, Triển Mộng Bạch cao giọng:
– Các vị dành cao nghĩa đối xử với Triển Mộng Bạch này, là một điều gây niềm cảm xúc mạnh, tại hạ không thể nói mấy lời đáp tạ suông, tại hạ không nói, các vị cũng hiểu tại sao, tại hạ không nói, chắc các vị cũng đã nghe rồi, bởi cái lòng của chúng ta nói với nhau, bởi chúng ta là nam nhân, những nam nhân thừa chí khí!
Bây giờ, chàng bắt đầu xưng là tại hạ, vì chàng cũng bắt đầu nhận ra, chung quanh chàng, họ là những nhân vật phi thường.
Tài nghệ của họ ra sao, chàng chẳng cần biết, chàng chỉ biết tác phong của họ thôi.
Cái tác phong đó, hẳn là phi thường, bình sanh chàng chưa gặp mẫu người đầy can trường, dư nghĩa khí như họ!
Đại Sa Ngư cười vang:
– Phải! Phải đó, Triển Mộng Bạch! Nói làm chi những lời quá phàm tục, nam nhân phải có ít nhất một đặc điểm chứ! Hôm nay Đại Sa Ngư này gặp một trang hán tử như bằng hữu, dù có chết cũng vui! Nhất định là tại hạ không hề hận rằng mình sống uổng!
Triển Mộng Bạch chỉnh nghiêm thần sắc, hỏi:
– Nhưng các vị phải cho tại hạ biết, đêm nay, trên mặt Thái Hồ sẽ có biến cố gì xảy ra?
Những tràng cười, trước đó một phút, còn vang dội, sau câu hỏi của chàng, vụt tắt lặng.
Mọi người đều ngưng trọng thần sắc.
Ai ai cũng nhớ đến việc đang lo, trong cơn bốc đồng, họ quên đi, bây giờ, Triển Mộng Bạch đề tỉnh họ với câu hỏi đó.
Nhìn quanh bọn ngư phủ, Triển Mộng Bạch đoán định là biến cố sẽ xảy đến trong đêm nay, phải hãi hùng, rùng rợn không tưởng nổi.
Đại Sa Ngư bình tỉnh hơn ai hết, y chăm chú nhìn Triển Mộng Bạch một lúc lâu.
Con người có tâm tình phóng khoáng đó, thích khôi hài, giờ đây cũng lộ vẻ nghiêm trọng.
Khi y chỉnh nghiêm sắc mặt, chừng như toàn thân y bốc ra một oai khí bức người, khác với lúc y vui đùa, bởi lúc đó thì y trở lại bình thường, chất phác lạ.
Trên thuyền, là sự im lặng hoàn toàn, dưới nước, gió đùa sóng vỗ. Cái tịnh của người trong thuyền phản ngược quá rõ rệt với cái động của mặt hồ.
Người ngồi đó, trầm tịnh như vậy, nhưng tâm tư của họ có khác nào mặt hồ chăng?
Hay, đang có một cơn bảo cuốn qua tâm não của họ?
Lâu lắm, Đại Sa Ngư cất tiếng:
– Bằng hữu đã nhận ra, nếu tại hạ không cầm bằng hữu lại đây thì thực là đáng tiếc!
Đáng tiếc!
Triển Mộng Bạch thầm nghĩ:
– Hắn biết rõ tâm ý ta! Hắn đánh giá tư cách rất đúng! Con người đó, rất xứng đáng làm lãnh tụ ngư phủ của Thái Hồ!
Đại Sa Ngư tiếp luôn:
– Nhưng, việc đêm nay, liên quan đến sanh mạng con người, bằng hữu nhúng tay vào, thì vĩnh viễn không thể tháo thân ra khỏi vòng hệ lụy!
Triển Mộng Bạch buông gấp:
– Chẳng sao!
Đại Sa Ngư gọn hơn:
– Tốt!
Một vấn đề sanh tử, họ quyết định nhanh chóng quá, họ dùng lòng để hiểu lòng, và khi tiếng nói của con tim vang lên, thì cái miệng trở thành thừa, họ cũng chẳng cần nói những lời thừa thản.
Họ không dùng đến cái sáo giang hồ!
Đại Sa Ngư tiếp:
– Bằng hữu cứ nghĩ. Khi nào việc đến, tại hạ gọi ngay.
Triển Mộng Bạch nhìn sang Tiêu Phi Vũ.
Nàng thấp giọng, cam kết:
– Ta tán đồng sự quyết định của ngươi!
Cả hai đứng lên, Đại Sa Ngư cũng đứng lên, đưa họ vào khoan thuyền.
Y bảo:
– Ngủ! Cứ ngủ! Việc chưa đến, lo lắng bao nhiêu nó cũng chẳng đến. Lo lắng bao nhiêu rồi, nó cũng đến, đến đúng cái lúc nó đến! Tội gì phải lo? Cứ ngủ, dưỡng sức chờ việc đến!
Triển Mộng Bạch gật đầu:
– Chí lý!
Chàng không tưởng gì cả, chàng đóng cửa tâm hồn, bình thản ngủ.
Tiêu Phi Vũ nào ngủ được?
Thái độ của Triển Mộng Bạch và Đại Sa Ngư làm nàng suy nghĩ nặng.
Họ giải quyết sự việc gọn như vậy à? Một vài lời nói giữa nhau, đủ cho họ buộc chặc hai sanh mạng làm một, để cùng đón chờ biến cố, họ lấy quyết định nhanh hơn cái việc mua một quả trứng, quăng tiền ra, lấy trứng về.
Họ không khách khí, đối diện nhau, họ mở rộng cửa lòng, cho nhau nhìn thấy rõ nhau.
Dũng khí, hảo tâm của nam nhân trong vũ lâm?
Nam nhân đáng mến phục quá chừng!
Nhất là nam nhân đó, lại là Triển Mộng Bạch! Và tai nạn hôm nay, cầm như một hạnh ngộ, có tai nạn, họ mới biết một nam nhân đáng mến phục như Đại Sa Ngư, họ mới biết một giới người đáng mến phục như số ngư phủ Thái Hồ!
Nàng không ngủ, song không nghe mệt, bởi tâm thần sảng khoái qua sự phát hiện đó.
Khi Triển Mộng Bạch thức dậy, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chàng là hai quả quít.
Quít đã được bóc vỏ, dưới một quả quít, có một mảnh giấy.
Cung Linh Linh còn nằm gần đó, ngủ say sưa, niềm tin hiện rõ nơi gương mặt nó, giờ đây, nó mặc chiếc áo mới, trông nó sáng tươi vô cùng.
Chàng cầm mảnh giấy, đọc:
– Thúc thúc ơi, một quả, do dì bóc vỏ, một quả do tôi, thúc thúc ăn cả hai quả nhé! Dì bắt buộc tôi ngủ, tôi không dám cải đó, thúc thúc!
Bên dưới mảnh giấy, dĩ nhiên có tên Linh Linh!
Ngàn vạn ngôn từ, mỹ lệ đến đâu, cũng không có giá trị bằng mấy giòng chữ mộc mạc đó!
Triển Mộng Bạch cầm quít, ăn từng múi, quít chua, lưỡi chàng nghe chua, nhưng lòng chàng nghe ngọt!
Trên thế gian này, chẳng có chất gì ngọt bằng chất chua của hai quả quít đó.
Chàng bước ra khỏi khoang thuyền, đứng nơi mũi, nhìn trời.
Sao đã lên dầy, nền trời trong gắn sao sáng lung linh, đẹp làm sao!
Nhưng không đẹp bằng khung trời trong lòng chàng sau khi được vị ngọt của hai quả quít!
Dọc bờ hồ, đèn ngư thuyền cháy sáng, hàng ngàn hàng vạn ngọn đèn chiếu sáng.
Chàng tự hỏi đèn sáng hơn sao, hay sao sáng hơn đèn? Có lẽ cả hai cùng sáng như nhau!
Nhưng, sao phải kém ý nhị bởi sao vô tình, còn đèn kia là thứ đèn đoàn kết, đèn nhiều ngọn nhưng tất cả đều soi tỏ mọi con tim.
Có thứ ánh sáng nào sáng hơn ánh sáng trong tâm?
Trong vùng ánh sáng đó, đầu người chen chúc.
Đại Sa Ngư thấy chàng bước ra, điểm một nụ cười, gọn giọng như lúc nào, hỏi:
– Thức? Ngủ ngon chứ?
Triển Mộng Bạch gật đầu:
– Ngon!
Đại Sa Ngư cũng gật đầu:
– Tốt!
Y lấy ống loa, đưa lên miệng, truyền:
– Thanh la gióng lên tiếng thứ nhất, tiệc vui bắt đầu, vui điên loạn, vui hoàn toàn, thanh la gióng lên ba tiếng, cuộc vui chấm dứt, tất cả im lặng hoàn toàn.
Từ trên đầu cao một cội buồm, thanh la kêu lên một tiếng.
Tiếng thanh la vang lớn, truyền đi khắp các con thuyền. Một loạt tiếng hoan hô tiếp theo, chấn động mặt hồ nổi sóng.
Trên sân thuyền, trên tất cả các con thuyền, rượu được bày ra, lợn quay, dê nướng, được bày ra.
Không ai mời ai, ai cũng ăn, cũng uống thật tình, giữa họ chừng như chẳng có gì bí ẩn, dè dặt với nhau.
Triển Mộng Bạch cởi mở trọn vẹn tâm tình, hòa mình chung vui với họ.
Một vài thanh niên tự hiến thuật mọn, biểu diễn những trò vui, như đu giây lèo, như nhảy bườm.
Một số ngư phủ khác, hứng dâng cao, nhảy ùm xuống nước, tay tát, chân đạp, nước bắn tứ tung, tạo nên những hoa nước lấp lánh sáng ngời dưới ngàn muôn ngọn đèn.
Rồi họ ca, một người xướng, ngàn người phụ họa, lời ca vang dội cả một khoảng mặt hồ rộng lớn.
Lời ca tỏ lộ chí khí hùng tráng của giới ngư phủ bừng nhựa sống.
Giữa lúc đó, Đại Sa Ngư lấy ống loa, kêu gọi:
– Toàn thể đệ huynh Thái Hồ, hãy uống một chén rượu mừng Triển Mộng Bạch, vị bằng hữu mới của chúng ta!
Ngàn người reo lên:
– Hoan nghinh Triển Mộng Bạch! Hoan nghinh! Hảo nam nhi!
Triển Mộng Bạch tưởng chừng các mạch máu vở tung, con tim vở tung…
Cuộc vui kéo dài lâu trong đêm trường, rồi ba tiếng thanh la vang lên.
Âm thinh vừa dứt, tất cả tràng cười, tiếng nói cùng dứt theo.
Mọi con thuyền im lặng, mặt hồ im lặng.
Không gian im lặng, chỉ còn sao trời chớp sáng, đèn ngư phủ theo gió thoảng, chao ngọn.
Triển Mộng Bạch cảm thấy tâm tình trầm trọng.
Đại Sa Ngư đứng tại mũi thuyền, nhìn sao trời, nhìn mặt hồ, mông lung, man mác…
Lâu lắm y day qua Triển Mộng Bạch, điểm nhẹ một nụ cười, thốt:
– Tại hạ suốt mấy ngày nay, trông đợi một người. Mãi đến bây giờ, người đó chưa đến.
Tại hạ nghĩ rằng, người đó không đến!
Triển Mộng Bạch nhìn y:
– Ai?
Đại Sa Ngư đáp:
– Bằng hữu chắc không biết người đó đâu!
Y thở dài, tiếp luôn:
– Triển huynh xem, mặt hồ đẹp thế kia, ai biết được ngày nước hồ sẽ hồng vì máu chảy đêm nay, mà xác người trôi, thay cho thuyền lướt sóng?