Bạn đang đọc Xuyên Tâm Lệnh – Chương 1: Thiếp Tử Thần
Gió dữ hù hù như thịnh nộ giữ khung trời tuyết lạnh băng băng…
Cả một khảng trời đất trầm trầm, quang cảnh nặng nề mang nặng tính sơ khai hoang dã…
Giữ cảnh im lặng gần như cõi chết ấy vụt nghe vó ngựa rộn lên, một con kiện mã bốn vó bay trên tuyết trắng hướng về phía Bảo Đinh Thành.
Một ngôi nhà đồ sộ sừng sững dựa bên đường, hai cánh cửa đen chết một màu khép vào nhau im ỉm, bên trên cắm xiên xiên một lá cờ nền đen thêu một con sư tử màu đỏ xậm. Lá cờ phần phật trong gió lạnh và người cỡi con kiện mã dừng lại ngay nơi ấy.
Gió thổi tung chiếc áo choàng, người trên yên nhún mình nhảy xuống ngựa nắm tay đã nện thình thình vào cánh cửa:
– Sư đại huynh!
Bên trong có tiếng quát:
– Ai?
Cánh cửa nặng nề cùng với tiếng quát mở tung…
Một người mặc áo hồ cầu, da mặt đỏ gay vừa xô cửa bước ra, thoáng thấy kẻ mới tới vụt kêu lên bằng một giọng vui mừng:
– Đàm tam ca, sao lại đến đột ngột như thế? Mời vào, hãy dùng chén rượu mới cho ấm!
Giọng nói có vẻ mừng, nhưng vẻ mặt không thể che giấu được phần lo ngại. Đàm Tú Phong, tên người khách vừa mới tụt khỏi lưng tuấn mã nhìn họ Sư cất giọng trầm trầm:
– Sư đại huynh có nhận được cánh thiếp tử thần?
Người họ Sư thoáng rùng mình, ông ta khẽ ngẩng mặt lên nhìn trời vẫn nặng trịch một màu sương xám ngắt.
Đàm Tú Phong cau mặt:
– Ở đây mặc dù không trăng nhưng hôm nay đúng là bữa trăng tròn, đúng là giờ phút xuất hiện hoành hành của Tử Thần Thiếp và Tình Nhân Tiễn, nếu nơi của Sư đại huynh không có gì biến động thì đệ sẽ suốt đêm đến Vọng Đô Thành!
Đôi mày rậm của người họ Sư cau lại:
– Nơi của Tử Thần Thiếp xuất hiện và biến đi không một ai có thể đoán được, cho nên việc Đàm tam ca bôn ba đây đó như thế e rằng đã không có lợi, mà còn có thể còn có hại nữa là khác.
Đàm Tú Phong thở dài:
– Từ lúc Tam Trương Đại Hiệp Sài Bình chết bởi Tình Nhân Tiễn, bốn anh em chúng ta đã phát thệ sẽ tự thân điều tra cho rõ điều bí mật đó, nhưng mãi cho đến nay sự thành công xem có vẻ mịt mờ.
Người họ Sư cúi đầu có vẻ buồn bã…
Đàm Tú Phong vòng tay nói bằng một giọng trầm trầm:
– Sư đại huynh bảo trọng, đệ xin cáo từ!
Người họ Sư nhổm mình:
– Khoan, Đàm tam cạ..
Nhưng vó ngựa đã rộn lên….. Người họ Sư lại cúi mặt thở dài sườn sượt…
Tuyết vẫn mù mù rơi đổ, bóng con tuấn mã vẫn lao vút như tên.
Đêm đổ về sâu, bên ngoài Vọng Đô Thành ngàn cây trơ trụi lá, cảnh vật tiêu sơ hoang vắng lạnh lùng…
Xa xa, từ trong khu thành như một thung lũng chơ vơ nằm giữa biển tuyết mênh mông và mãi suốt vào sâu hơn nữa, một trang trại bóng đèn heo hắt chập chờn…
Khuôn mặt Đàm Tú Phong như nở một nụ cười. Nhất Kiếm Trấn Bắc Hà hào khí vẫn không hề thay đổi, ánh đèn còn chói rạng chứng tỏ đêm về khuya mà yến tiệc đàn ca vẫn hãy chưa tan…
Đàm Tú Phong nhảy mau xuống ngựa, xung xắn đi vào đưa tay vỗ cửa, nhưng cánh cửa chỉ khép hờ…
Họ Đàm hơi khựng lại, gọi to:
– Trương huynh, tiểu đệ Đàm Tú Phong đến viếng anh đây.
Tiếng gọi của Đàm Tú Phong lan vào đại sảnh, vọng tuốt ra hậu đường, nhưng không một tiếng trả lời…
Họ Đàm rúng động lao thẳng vào trong.
Trang viện mênh mông, nơi nào cũng đèn đuốc sáng choang, tuyệt nhiên không có lấy một bóng người.
Đàm Tú Phong nghiến răng xô cửa vào phòng đọc sách…
À, có thế chứ…
Một lão già mặc áo gấm đang ngồi dựa trên chiếc ghế bành. Đúng là Nhất Kiếm Trấn Bắc Hà, nhưng nơi đại sảnh mênh mông không một bóng người vẫn còn ít tịch mịch hơn là đơn độc ngồi trong phòng đọc sách giữa đêm khuya với ngọn đèn heo hắt…
Một luồng gió nhẹ thoáng qua, chòm râu của lão già áo gấm phất phơ lay động, nhưng lão vẫn ngồi yên.
Đàm Tú Phong buột miệng kêu lên:
– Trương đại ca…
Ánh mắt của họ Đàm dường như đứng lại, ngay giữa ngực của lão già áo gấm, hai mũi tên ngắn, một đen một đỏ cắm lút thật sâu!
– Tình Nhân Tiễn!
Đàm Tú Phong hớt hãi kêu lên, hắn nhìn thẳng vào mặt lão già, một giương mặt chưa hết nét hãi hùng, chứng tỏ trước khi chết đã nhìn thấy điều khủng khiếp…
Họ Đàm chợt nghẹn ngào:
– Trương huynh, tiểu đệ đến chậm mất rồi…
– Chưa, chưa phải là chậm đâu!
Một giọng cười lạnh lẽo cùng với tiếng nói âm trầm phát ra nghe như sát ở phía sau lưng.
Đàm Tú Phong giật mình quay phắt lại…
Ngay lúc đó, một tờ giấy màu đỏ chói theo gió phất phơ bay tới. Đàm Tú Phong vung tay chụp lấy…
Một tấm thiếp có màu đỏ như máu, bên trên không có chữ, chỉ vẽ hình một chiếc đầu lâu.
Nền giấy đỏ chói, đầu lâu vẽ bằng mực đen, nơi hai trũng mắt của đầu lâu tô màu xanh biếc như chất lân tinh rờn rợn!
Đàm Tú Phong phát rùng mình, từ phía sau lại một giọng cười sắc lạnh nổi lên.
Họ Đàm nghiến răng quay lại. Lãng đãng xa gần, hai tròng con mắt xanh biếc, thứ cặp mắt một màu rờn rợn trong chiếc đầu lâu đang nhìn vào mặt hắn trừng trừng.
Đàm Tú Phong thét lên một tiếng đâm sầm lao tới.
Nhưng không còn kịp nữa, hai mũi tên một đen như đôi mắt của tình nhân, một đỏ như giòng máu tình nhân đang chảy, cắm phập vào ngay giữa ngực của Đàm Tú Phong, cắm đúng vào giữa con tim của hắn.
* * * Mặt trời đã ngã về tây, ráng chiều ửng nhiều màu phủ lên rực rỡ ngôi chùa Thanh Hải Tháp.
Trên một khoảng đất bằng chếch về hướng Đông Nam, căn rạp to rộng được giăng lên:
Lạt Ma Giáo sửa soạn cho ngày đại lễ.
Thiện nam tín nữ vầy vầy hành lễ dâng hương.
Trên tấm thảm màu hồng, nhiều chiếc bàn được xếp dài, mười vị lạt ma áo vàng ngồi giăng hàng chữ nhất. Áo vàng, thảm đỏ phản chiếu nhau rực rở lunh linh.
Trong đám người y phục chỉnh tề sang trọng dâng hương, bên cạnh những vị cao tăng áo vàng chói lọi, một lão già mặc chiếc áo choàng màu tía cũ xì đứng lẫn trong sân, thoáng nhìn qua y như là một cành cỏ dại giữa đám hoa trăm sắc.
Ông ta chấp tay sau lưng, trầm ngâm như người đi ngoạn cảnh và không một ai chú ý, nhưng nếu có người quen mặt tất phải e dè khi thấy lão già áo tía:
người thứ hai trong nhóm “Nhân Nghĩa Tứ Hiệp Ngụy Tử Vân”.
Cố nhiên, nơi tái ngoại như thế nầy, hẳn không một ai quen biết, nhưng:
– Có phải Ngụy nhị ca đó không cà?
Ngụy Tử Vân giật mình quay lại.
Một lão già đội nón bàng xơ xác vẹt người bước tới, toét miệng cười.
Vẻ vui mừng lộ ra ngoài mặt, Ngụy Tử Vân bước lại nắm tay:
– Ma Quan lão huynh, sao anh cũng có mặt ở nơi đây?
Đúng là một lão già đã lừng danh vùng biên giới, không nghe ai nói đến tôn chỉ, chỉ thấy thường đội nón bàng bện vành bằng giây cỏ chì, cho nên thiên hạ đều gọi lão là “Ma Quan”. Ông ta vuốt râu cười hềnh hệch:
– Tiểu đệ định vào Trung Nguyên, ngang qua đây phát giác được chút dấu vết của nhị ca, nên tạm thời dừng bước vấn an.
Ngụy Tử Vân cười:
– Nghe Lạt Ma Giáo sắp bày đại lễ và đã có nghe các vị Lạt Ma cao tăng ẩn tàng tuyệt kỹ, nên định ghé qua coi cho biết.
Giọng nói của họ Ngụy vụt thất hẳn xuống:
– Tôi cũng muốn dò xem cái bệnh dịch Tình Nhân Tiễn và Tử Thần Thiếp đã có lan đến đây chưa?
Ma Quan lão nhân hơi đổi sắc:
– Đệ tuy ở biên cương, nhưng bằng vào cửa miệng của các bạn giang hồ, nên có biết qua về chuyện ấy một cách mập mờ… nhưng cứ theo lời của nhị ca, thì vấn đề có thật thế sao?
Ngụy Tử Vân khẽ thở ra:
– Trong đời đệ, chưa bao giờ nghe nói loại ám khí nào nguy hiểm như Tình Nhân Tiễn, mới không đầy nửa năm mà đã có không biết bao nhiêu bằng hữu, không biết bao nhiên bậc thành danh võ lâm phải táng thân vì nó, và cho đến bây giờ, cũng chưa một ai khám phá ra lai lịch của nó cả.
Ma Quan lão nhân cau mày:
– Chỉ bằng vào hai mũi tên ngăn ngắn như thế ấy mà làm cho thiên hạ xáo trộn đến thế sao? Chẳng lẽ chất độc trên đầu mũi tên ấy lại không một ai giải nổi? Và cho dù ám khí lợi hại đến đâu, đối với những bậc võ công thâm hậu lại làm sao không thể tránh đở gì được cả?
Ngụy Tử Vân có vẻ buồn buồn:
– Nội một chuyện đó cũng đã làm cho đệ mất ăn mất ngủ, ngay bây giờ, luận về ám khí và độc dược thì đâu có ai qua anh em họ Đường nơi đất Thục. Thế mà ba tháng trước đây, họ lại chết cả bởi Tình Nhân Tiễn, thì đủ biết nó lợi hại đến mức độ nào… Khắp trong thiên hạ hiện nay, chỉ có mỗi một người có thể giải được, nhưng khi nào Tình Nhân Tiễn không đúng ngay tim, và phải đừng quá ba tiếng đồng hồ thì mới có hy vọng còn sống sót. Khốn nổi, Tình Nhân Tiễn xuất hiện quá lạ lùng, chiều nay ở phía tây, tối nay lại ở phía đông, không thể làm sao mang đi cho kịp thời cứu chữa, mãi cho đến nay thì hình như chỉ cứu được năm ba người gì đó thôi…
Cả hai cùng im lặng thở ra, họ cùng cảm nghe tâm sụ trầm trầm…
Bóng chiều đã khuất sau rặng núi xa xa, hoàng hôn nhuộm sẩm rừng cây, cả vầng trăng tròn vành vạnh đã hiện rõ trên nền trời cao vút.
Điển lễ của Lạt Ma Giáo đã phụng trình quá nửa, bây giờ đến phần ác quỷ hiến đầu lâu, một trong những vũ khúc tế thần, tập tục cổ truyền của Giáo Hội Lạt Ma.
Bốn người đội lốt ác quỷ trên tay nâng một chiếc mâm cây có chiếc đầu lâu bằng bột nắn. Họ vừa múa vừa tiến về phía các vị cao tăng.
Ánh đuốc bập bùng lóe lên một lượt.
Tiếng nhạc đang trầm trầm vụt chuyển âm rộn rã, chiếc đầu lâu trên tay ác quỷ quay quay…
Thình lình, hỏm mắt của chiếc đầu lâu chợp chớp lóe xanh dờn.
Ngụy Tử Vân rúng động chồm lên, từ trong mâm đựng chiếc đầu lâu, một cánh thiếp màu hồng chói lọi!
Ngụy Tử Vân hét lên một tiếng, nhún mình vọt qua đầu người, nhảy thốc lên trên, nhưng…
Đã muộn rồi, giữa ngực của mười vị Lạt Ma áo vàng đều cắm một cặp Tình Nhân Tiễn!
Đám vũ công giả thần giả quỷ chạy bò tán loạn…
Nhìn chầm chập vào một trong những vũ công “Ác Quỷ”, Ngụy Tử Vân vụt lao mình tới:
– Chạy đi đâu?
Ma Quan lão nhân chỉ kịp thấy cánh ta của Ngụy Tử Vân vừa giáng xuống chưa tới đầu “Ác Quỷ” thì thân hình họ Ngụy đã bật ngửa ra sau. Hai mũi tên, một đỏ một đen cắm ngay giữa ngực lão!
* * * Khí lạnh chiều xuân đổ xuống dòng sông Sơ Lặc, một dòng sông nhỏ hẹp quanh co khúc khuỷu dọc giãi Nam Cương.
Trên bờ sông, cạnh đồng cỏ xanh rì, hai con kiện mã đang thong dong gặm cỏ, tuốt về trái xa xa, rặng cây đen thẩm, Cổ Thành Trảo Châu sừng sững uy nghi.
Dựa bên hai con tuấn mã lưng trần, hai người trung niên ánh mắt ngời ngời, họ ngồi nhìn dòng sông im lìm lặng lẽ…
Hình như mỗi người đều mang một tâm sự trầm trầm…
Thật lâu, người bên trái mới ngẩng đầu lên nói:
– Tình Nhân Tiễn có lẽ kẻ đó cũng mang một tâm địa cực kỳ hiểm ác!
Người bên phải gật gù:
– Đúng vào đêm trăng tròn rạng rỡ, lại đúng vào ngày mà cặp tên “oan ương” xuất hiện trong nhân gian, độc tính của nó là một âm một dương, và người bị trúng luôn luôn là ngay giữa tim chứ ít khi sai chệch!
Người bên trái đứng đậy, giượng cười:
– Cho dù thế nào, ta cũng không muốn cho tim mình phải mang thương. Hồ tứ đệ tốt hơn hết tứ đệ nên theo ta trở vào Trảo Châu nghỉ một đêm rồi sáng sớm quay về Giang Nam là ổn nhất.
Người bên phải mỉm cười:
– Triều Dương huynh, anh vẫn còn gọi tôi là Tứ Đệ, nghĩa là anh chưa quên. Nhân Nghĩa Tứ Hiệp và anh cũng biết Hồ Thiên Lân này đã nói là phải làm. Về đi, anh hãy về Trảo Châu mà nghỉ, dù thế nào cũng phải tới Đôn Hoàng một chuyến, đệ phải nhìn cho tận nét thu ba của Tình Nhân nào đó xem sao…
Và như tự nãy giờ tâm sự bằng cách yên lặng quá lâu, Hồ Thiên Lân xách yên quăng lên mình ngựa và tung mình thúc chân cho ngựa phi nước đại, sau khi ném về phía người họ Triều Dương một nụ cười giã biệt…
Càng xa khu vục Trảo Châu, phong cảnh càng tiêu sơ hoang vắng, tuy là đại lộ dẫn đến Đôn Hoàng, nhưng con đường thật vắng vẻ đìu hiu.
Vó ngựa cuốn từng đụn bụi vàng dại theo chiều gió, Hồ Thiên Lân chợt lòng cảm khái vô biên, hắn thúc mạnh đôi chân, con tuấn mã lướt nhanh như gió…
Thôn xóm tuy rải rác lưa thưa, nhưng vẫn làm ấm áp được kẻ lữ hành khi họ phải trải qua một vùng sa mạc mênh mông nóng đốt.
Hồ Thiên Lân bắt đầu cho ngựa chậm lại khi tới Nhất Thôn Hoàn, nơi đây nước tuy không ngọt, nhưng nó là vật hiếm có ở biên thùy sa mạc, nên vẫn được người đặt cho một cái tên thật ngọt là Điểm Thủy Tĩnh.
Bất cứ ai, dù cho đó là một người lạc nẻo, vẫn coi Nhất Nhân Thôn là nơi quen thuộc thân yêu. Chỉ có nơi đó mới có nước giữa vùng khô cháy, mới có thấp thoáng ánh đèn giữa biên giới mông lung…
Hồ Thiên Lân thở phào, hắn trút tất cả mệt nhọc nặng nề lại cho vùng cát bỏng.
Hắn dừng ngựa lại, đưa mắt nhìn thôn xóm đìu hiu, nhưng ánh sáng đèn mờ hiện rõ vẻ hiền hòa êm dịu…
Họ Hồ cho ngựa chậm rãi về phía trước, nơi có mấy cỗ xe thấp thoáng hiệu Tỳ Tiêu cuộc, hắn chuẩn bị đôi lời thân thiết tự nhiên của đồng bạn lữ hành sa mạc gặp nhau.
Nhưng Hồ Thiên Lân giật nẩy mình, chung quanh mấy cổ xe, xác chết ngổn ngang, ánh đèn mà xa xa thấy dịu hiền ban nãy, bây giờ bỗng trở thành như đèn ma lửa quỷ!
Bước nhẹ từ xác nầy qua xác nọ, cho dù gan góc, Hồ Thiên Lân vẫn thấy rờn rợn trước nét nhăn nhúm trên da mặt người chết, như để cho kẻ sống biết chuyện hãi hùng…
Họ Hồ dừng lại trước xác một lão già và buộc miệng kêu lên:
– Tây Bắc Khoái Đao Tống Hải Bình! A… võ lâm lại bị yếu thêm một lần nữa!
Đôi mắt họ Hồ vụt sững lại dưới chân lão già bất hạnh:
màu đỏ chói của cánh thiếp Tử Thần!
Hồ Thiên Lân rúng động lui ra sau hai bước, và như đã sẵn đề phòng, hắn ngã nghiêng người lộn luôn mấy bận.
Lộn một vòng đầu, đúng là tư thế của người nhanh nhẹn đề phòng ám khí, nhưng bắt đầu vòng thứ hai trở đi lại là cái lăn lộn của người giãy chết vì hai mũi tên một đen một đỏ đã cắm phập vào giữa tim của người kỵ mã họ Hồ!
Nếu có người tới sau, chắc cũng sẽ nói như họ Hồ vừa nói:
võ lâm lại yếu thêm một lần nữa!
* * * Mùa thu chưa qua nửa, không khí mát mẻ đang chan xuống ngọn cỏ đầu cây…
Ngoại thành Hàng Châu, ngọn suốt Tây Khê, một con suối vừa hẹp vừa cong co bỗng trở nên rạng rỡ. Khí tiết tấu hòa gió mát, một con suối gần như khô cạn hoang tàn trong mùa hạ vùng từng bừng rộn rã lúc thu về, cỏ xanh mướt như nhung làm nền cho rừng trúc, rừng dâu ngan ngát, tiếng ca tiếng sáo đã dặt dìu của những cô gái nuôi tằm hái lá, của những chàng trai ngư phủ lênh đênh phơi lưới thong dong…
Trên một chiếc thuyền con dưới tay chèo của gã đại hán lực lưỡng, phăng phăng rẽ nước, một gã thanh niên áo gấm đứng trước mũi thuyền, chùm tơ màu hồng buộc trên đốc kiếm phất phơ trong gió, vừa thanh nhã vừa uy nghi đối cảnh…
Y như một thi nhân đang tìm tứ, gã thanh niên đăm đăm ánh mắt nhìn cảnh vật hữu tình và lắng nghe giọng dân ca thảnh thót nên thơ…
Bên kia khúc ngoặc của giòng suối êm đềm, một giọng oanh vàng vút cao lên trong gió:
Nước xanh xanh Nước lộng mây chiều Cát lượn mình Cát trắng phẳng phiu Thoi thóp nắng vàng vờn miệng suối Ngàn lao ẩn ức tiếng quyên kêu…
…………
Nước xanh xanh Nước ửng dáng hồng Suối uốn mình Suối chạy về đông Mòn mỏi Đỗ Quyên lơ lái đợi Thuyền trôi khỏi bến, bến mêng mông…
(thơ NG) Dư âm tiếng hát còn reo trong gió và kéo dài lên tận ngàn dâu, gã thanh niên đeo kiếm như nhà thơ tìm thấy hứng mỉm cười quay lại, một chiếc thuyền đánh cá cũng vừa trờ tới, chiếc thuyền xuất phát giọng ca.
Một gã đại hán ngồi lái sau thuyền như hứng chí cất giọng ồ ồ:
– Đ…ỗ…Quyên, cô h…á…t khúc…gì mà…mà…có t…ê…n…cô trong đó… đó vậy?
Vỏn vẹn một câu có mấy tiếng mà gã nói một cách hết sức khó khăn, gã cà lăm lặp cặp mãi mà vẫn không trọn vẹn.
Đầu mũi thuyền đánh cá, một cô gái có mái tóc đen ngời buông phủ bờ vai, nàng ngừng chèo quay lại nhoẻn miệng cười, một nụ cười như đóa hoa vừa hé nở:
– Anh không biết khúc hát đó à? Khúc…
Người thiếu nữ có tên Đỗ Quyên vùng nín bặt, khi bắt gặp tia mắt như sao băng của gã thanh niên đeo kiếm từ thuyền bên kia nhìn lại.
Nàng e thẹn cúi đầu thật thấp và hai gò má mịn như quả đào non của nàng vụt ửng hồng…
Lão ngư phủ gầy gầy khoác chiếc áo tơi đang ngồi vá lưới trong khoang ngẩng mặt nhìn con gái mỉm cười:
– Đỗ Quyên, con thật là vỗ lễ, không thấy Triển công tử đấy sao?
Da mặt càng ửng thêm lên, Đỗ Quyên cúi đầu thấp hơn chút nữa:
– Kính chào Triển công tử ạ!
Lão ngư phủ cha nàng bật cười ha hả:
– Triển công tử định đến “Võ Sĩ Đường” để dùng trà đấy à? Hôm nay không phải là bữa trăng tròn, nơi đó nhất định là đông khách.
Gã công tử họ Triển hé môi cười đáp lễ và lão ngư ông họ Đỗ lại cười dòn hơn nữa, khi hai thuyền xáp lại gần nhau:
– Bữa nay trúng con nước nầy khá lắm, để rồi lão phu sẽ cho Đỗ Quyên nó mang đến vài con cá chẽm tươi biếu công tử làm thức nhắm nhé!
Hai người nói nói cười cười và chiếc thuyền của gã công tử họ Triển nhẹ lướt đi nhanh, qua khỏi khúc quanh, ngàn lao che khuất đầu người nhưng giọng hát của Đỗ Quyên vẫn cao vút trài dài theo lòng suối…
Vẻ mặt tươi cười rạng rỡ của gã thanh niên họ Triển chỉ ngời lên với người đối diện nhưng khi thuyền trôi nhanh về phía trước là trở lại lạnh băng băng…
Tên chèo thuyền thấy thái độ trầm ngâm của chủ nhân, làm cho gã muốn khen tiếng hát vài lời để tỏ mình cũng ra điều… thưởng thức, đành phải ấm ức lặng thinh ra sức chèo nhanh.
Qua khỏi rừng trúc là đến ngôi Giang Nam Võ Sĩ Đường, nơi khét tiếng trang nhã và cũng là nơi làm nổi bật thinh danh chủ nhân của nó:
Cửu Liên Hoàn Lâm Nhuyễn Hồng, một Giang Nam danh hiệp thanh niên.
Khi gã thanh niên họ Triển bước lên lầu, thì thực khách đã đầy ăm ắp, nhiều người đứng lên chào hỏi, chứng tỏ gã thanh niên họ Triển rất được nhiều người trọng vọng…
Trong đám thực khách có người hỏi bằng một giọng nôn nóng:
– Triển thiếu gia, có tin gì về Lão thái gia chưa nhỉ?
Gã thanh niên họ Triển cau mày thở ra và khẽ lắc đầu.
Một giọng nói sang sảng nổi lên từ phía cầu thang:
– Mộng Bạch, sao lại đến chậm thế?
Tiếp liền theo là một người ăn mặc lối văn nhân vui vẻ bước lên:
chủ nhân Võ Sĩ Đường Lâm Nhuyễn Hồng.
Những ai mới đặt chân vào đây nhất định sẽ cảm thấy hai điều lạ. Thứ nhất:
Võ Sĩ Đường mà chủ nhân lại luôn luôn ăn vận như văn nhân và thứ hai:
ngay giữa gian lầu chính giữa, nơi mệnh danh “Đàn Kiếm Các” lại viết hai câu đối:
Uống rượu, thỉnh lên lầu thi hứng.
Đánh nhau, mời ra bãi trâu ăn!
Đối với người quen tự nhiên là không lấy gì là lạ, vì nơi đây người ta thích ngâm thi luận võ, nhưng không phải là nơi đón tiếp hạng thô bỉ tục tằn. Nơi đây cho đến lúc say mèn, người ta vẫn cố giữ gìn lễ phép.
Được chủ nhân ân cần đón vào gian giữa, gã thanh niên có tên Triển Mộng Bạch sắc mặt trầm trầm:
– Lạc đại hiệp với tứ thúc của tôi vốn là chỗ thâm giao, nhưng khi tứ thúc thúc của tôi bị thảm tử, không biết ông ta sẽ hành động ra sao…
Ánh mắt của họ Triển chớp ngời và nói tiếp:
– Còn Lao Sơn Tam Nhạn không biết có phải vì anh em họ Hạ hay không mà đi một cách vội vã như thế ấy?
Lâm Nhuyễn Hồng hỏi:
– Họ về hết rồi à?
Triển Mộng Bạch mím miệng thở dài:
– Về cả, về tất cả…
Lâm Nhuyễn Hồng hừ nho nhỏ trong bụng:
– Không về thì cũng không biết phải làm gì… Từ lúc Ngụy nhị hiệp bị hại nơi Thanh Hải, Đàm tam hiệp chết trong thành Bảo Định và Hồ tứ hiệp biến mất ở Nhất Nhân Thôn thì người trong võ lâm hình như ai cũng muốn tự ai lo nấy, luôn cả Hoa Sơn Tam Oanh cũng bỏ luôn Hoa Tiên Đại Hội hàng năm… A, Mộng Bạch, tôi không thể giấu hiền hữu, nếu không vì cần giữ ngôi Võ Sĩ Đường này để làm nơi liên lạc trao đổi tin tức cho hào kiệt Giang Nam thì có lẽ tôi cũng đã tìm non ở ẩn mất rồi!
Triển Mộng Bạch cười nhạt làm thinh không nói…
Lâm Nhuyễn Hồng nhìn quanh và thấp giọng:
– Mộng Bạch, tôi khuyên bạn cũng nên cố mà ẩn nhẩn một thời gian, gần đây xem chừng Tình Nhân Tiễn lộng hành thái quá, và thật khó mà biết được ai có mang nó trong mình, biết đâu chừng bên cạnh bạn lại không có người hờm hờm thứ đó!
Triển Mộng Bạch ngửa mặt cười sặc sụa:
– Nói không chừng trong mình tôi đang có “Tình Nhân Tiễn” cũng nên. Lâm huynh nè, anh hãy coi chừng nghe, muốn khỏi thì mau mang rượu ra đây mau!
Giọng sang sảng của gã thanh niên họ Triển làm cho những người có mặt đều quay lại và Lâm Nhuyễn Hồng gượng mỉm cười gọi người mang rượu ra mời…
Rượu vừa đem ra thì tiếng cười của Triển Mộng Bạch cũng vừa nín bặt khi hắn nhìn thấy một lão già ngồi khuất ở góc phía trong…
Lão già ngồi quay lưng ra nên không trông thấy mặt, Triển Mộng Bạch như cảm thấy có gì hơi lạ, hắn nhìn đăm đăm và cau mặt hỏi:
– Ai đấy nhỉ?
Lâm Nhuyễn Hồng thoáng hơi đổi sắc, nhưng chưa kịp trả lời thì lão già đã lanh lảnh nói:
– Bé con, không biết ta thật à?
Giọng nói của lão già làm cho Triển Mộng Bạch hơi khó chịu, hắn nhếch mép lạnh lùng:
– Xin lỗi, kể như rất lạ!
Lão già quay lại, khuôn mặt hóp sâu, tái mét như người đau mới mạnh, lão lừ lừ đôi mắt:
– Chú bé ăn nói phải lễ phép một chút chứ? Ngươi đừng ỷ có người cha có ít nhiều danh vọng rồi vội lên mặt lên mày chứ?
Thực khách đều biến sắc trước thái độ gây sự của lão già và Triển Mộng Bạch xô ghế đứng lên…
Lâm Nhuyễn Hồng lật đật kéo tay áo gã:
– Mộng Bạch, chuyện chi mà nóng nảy như thế? Ngồi xuống uống rượu đi!
Thái độ của Lâm Nhuyễn Hồng rõ ràng có hơi sờ sợ lão già, và thái độ đó càng làm cho Triển Mộng Bạch thêm khó chịu:
– Tôi thấy người có tuổi ăn nói cũng cần phải có lễ độ một chút, cho dù tuổi tác của ông có hơn người cũng vẫn đâu phải là một lý do ngạo mạn!
Lâm Nhuyễn Hồng dặt dặt tay áo hai ba lần, nhưng Triển Mộng Bạch cứ nhìn chầm chập vào lão già chứ không hề quay lại.
Lão già cũng quắc mắt cười sằng sặc:
– Giỏi, ngươi dám lên mặt dạy bảo ta à? Hừ, ngươi nghĩ rằng sau nầy ngươi không có dịp phải nhờ vả ta à?
Lâm Nhuyễn Hồng tặc lưỡi:
– Mộng Bạch, sao lại làm phiền lòng Tần lão bá như thế…
Họ Lâm nói chưa dứt tiếng, bỗng nghe từ phía dưới có tiếng lanh lảnh vọng lên:
– Gia gia, gia gia bảo kẻ nào muốn lên mặt với gia gia đó?
Và y như một luồng gió nhẹ từ dưới lầu một cô gái áo hồng lao vút lên thang…
Ánh mắt sắc lạnh của nàng soi vào mặt Triển Mộng Bạch và gằn gằn từng tiếng:
– Có phải ngươi không?
Dường như không muốn nói hơn thua với một người con gái, Triển Mộng Bạch cau mày ngồi xuống…
Lâm Nhuyễn Hồng thấp giọng:
– Như thế chứ, Mộng Bạch, chuyện chi mà phải sinh ra gây gổ…
Đám lửa bực tức trong lòng gã thanh niên họ Triển vừa hạ xuống, câu nói tiêu cực của Lâm Nhuyễn Hồng như tạt một gáo dầu. Triển Mộng Bạch đứng phắt lên quắc mắt:
– Đúng, ta đây, chẳng lẽ cô bảo gia gia của cô muốn mắng ai là mắng à?
Cô gái áo hồng nhướng mày cười nhạt:
– Ngươi dám nhận thì cũng là khá đấy!
Vừa nói, cô ta vừa lừ lừ nhích tới…
Toàn thể thực khách nơi đây đều là những người quen mặt, có thể họ là thân thiết với Triển Mộng Bạch, nhưng đứng trước hai cha con cô gái áo hồng, họ như đâm ra sợ sệt làm lơ…
Lâm Nhuyễn Hồng biến sắc kêu lên:
– Tần cô nương…
Nhưng cô gái làm như không nghe, cứ lừ lừ nhích tới…
Lâm Nhuyễn Hồng quay qua lão già cầu cứu:
– Tần tiền bối… người bạn đây là con trai của Triển Hóa Vũ đại hiệp, chuyện nhỏ vừa mới xảy ra, xin lão tiền bối bỏ qua…
Lão già họ Tần ngạo nghễ ngoảnh mặt ngó lơ chỗ khác…
Triển Mộng Bạch nhún vai cười khẩy:
– Tôi vốn thật không muốn gây sự với đàn bà, nhưng…
Cô gái áo hồng chặn hỏi:
– Nhưng làm sao?
Triển Mộng Bạch trầm giọng:
– Nhưng nếu cô nhích thêm một bước nữa, thì tôi buộc lòng phải thay mặt huynh trưởng cô để dạy cho cô biết một đôi điều!
– Hay, hay…
Cô gái áo hồng vừa nói vừa nhích tới, thét lớn:
– Ta cũng cần xem cách dạy của ngươi như thế nào…
Lâm Nhuyễn Hồng vụt quát lên:
– Khoan!
Mọi người quay phắt lại và nhìn theo tay chỉ của họ Lâm, bao nhiêu cặp mắt dồn vào hai câu đối:
Uống rượu, thỉnh lên lầu thi hứng.
Đán nhau, mời ra bãi trâu ăn!
Cô gáo áo hồng bỉu môi:
– Đánh nhau, mời ra bãi trâu ăn! Hừ, như thế là cái quái gì? Một câu đối lèo phèo như thế có thể dọa người ta được à? Ta muốn đánh nơi nào tùy ý, không ai cản ta được cả!
Lâm Nhuyễn Hồng nghiêm giọng:
– Tần cô nương có biết hai câu đối ấy của ai viết ra đó không nhỉ?
Cô gái áo hồng hừ hừ trong cổ:
– Võ lâm đệ nhất hiệp… hứ, quả là lớn lối!
Lão già họ Tần quay mặt ra thấp giọng:
– Kỳ nhi, con không được vô lễ đối với những giòng chữ của đại hiệp như thế!
Cô gái áo hồng lừ mắt về phía Triển Mộng Bạch và lui lại làm thinh…
Ngay trong lúc đó, từ bên dưới rặng lao phía trước Võ Sĩ Đường vụt có tiếng kêu lạc giọng:
– Triển công tử, Triển công tử đâu…
Mọi người đổ xô ra dòm xuống…
Một gã thanh niên đang tận dụng thuật Thảo Thượng Phi lướt như bay trên ngọn phi lao…
Lâm Nhuyễn Hồng kinh hãi kêu lên:
– Lao Sơn Tam Nhạn…
Bây giờ mọi người mới thấy rõ kẽ dùng thuật Thảo Thượng Phi dưới rặng phi lao là hai chứ không phải một. Và ngay trong lúc đó, chừng như kiệt sức, người thanh niên bên trái vụt qụy xuống sóng soài trong đám phi lao…
Triển Mộng Bạch bậm môi nhún mình phóng qua lan can lầu lao vút xuống bãi phi lao…
Cùng một lúc, cô gái áo hồng dang chân trên lan can mở sợi giây đai lụa vung xuống, một vừng hồng lóe lên uốn khúc và vút xuống rặng lao y như một chiếc mống dài.
Chân vừa chấm đất, Triển Mộng Bạch ôm xốc lấy gã thanh niên bị té, nhún mình nhảy vọt trở lên…
Nhưng đà xuống đã tận dụng khinh công hơi quá sức, cho nên khi trở lên chàng không còn đủ sức. Triển Mộng Bạch vụt cảm thấy chới với trên khoảng không và thân mình nghe như khối đá từ từ rơi xuống…
Vừa kịp lúc sợi giây đai lụa của cô gái áo hồng lao vút tới, Triển Mộng Bạch không cần suy nghĩ, chụp ngay và từ trên lầu cô gái kéo mạnh tay, họ Triển ôm gã thanh niên mượn đà bay trở lên lầu!
Cô gái buộc sợi dây đai lụa lại và bĩu môi:
– Không đủ sức mà cũng làm tàng!
Nhận ra người tung giây là cô gái áo hồng. Triển Mộng Bạch hơi khựng lại nhưng vì chuyện trước mắt là gã thanh niên kiệt sức cho nên không mội ai chú ý tới vấn đề nhỏ nhặt.
Lâm Nhuyễn Hồng xốc lấy gã thanh niên và tất cả những người có mặt đều tỏ ra lo lắng…
Vì không một ai lạ mặt, gã thanh niên kiệt sức vốn là Ngân Nhạn Hạ Quân Hiệp, một trong Lao Sơn Tam Nhạn, mà vừa rồi Lâm Nhuyễn Hồng mới nhắc đến tên…
Vừa hơi tỉnh dậy, Hạ Quân Hiệp đã hớt hãi kêu lên:
– Ai là Triển công tử? Ai là Tần Sấu Ông tiên sinh?
Triển Mộng Bạch lên tiếng:
– Tôi đây, tôi là Triển Mộng Bạch đây…
Hắn nói chưa dứt thì Hạ Quân Hiệp đã chụp lấy tay thét lớn:
– Triển công tử… lệnh tôn…
Triển Mộng Bạch hoảng hốt hỏi dồn:
– Sao? Cha tôi làm sao…
Giọng nói của Hạ Quân Hiệp phát run lên:
– Lệnh tôn… Tình Nhân Tiễn…
Triển Mộng Bạch rú lên một tiếng lớn, ngã ngữa người ra.
Lâm Nhuyễn Hồng nhanh tay đón y, nâng ngang vai, kịp thời giữ y khỏi ngã.
Thiếu nữ áo đỏ, Tần Kỳ, cầm chén rượu nóng, đưa ra bảo:
– Cho y uống đi!
Hạ Quân Hiệp đảo mắt nhìn quanh, đoạn thở dài:
– Triển lão tiền bối trúng mũi Tình Nhân Tiễn nơi ngoài thành, tại hạ may mắn phát hiện sớm sự việc đó, bất quá cách đây không đầy một khắc thời gian. Giã như tìm được Tần Sấu Ông tiên sanh thì Triển lão tiền bối có cơ cứu sống. Tiếc thay, vừa rồi nhị ca cố tìm Tần lão tiên sanh, chẳng gặp lão tiên sanh đâu cả…
Lâm Nhuyễn Hồng đang lo lắng, nghe họ Hạ nói thế, thở phào một hơi dài.
Tần Kỳ thốt nhanh:
– Không đáng lo ngại. Gia gia của tôi hiện tại có mặt tại đây!
Hạ Quân Hiệp sáng mắt lên:
– Thật vậy à?
Lâm Nhuyễn Hồng ngẩng mặt nhìn ra, thấy Tần Sấu Ông tay chắp sau lưng, đứng cạnh lan can, ánh mắt lạnh lùng.
Ánh mắt đó đang chiếu về Triển Mộng Bạch.
Nhớ đến những gì lão nhân đó đã nói vừa rồi, Lâm Nhuyễn Hồng bỗng lạnh mình.
Hạ Quân Hiệp cũng đưa mắt nhìn theo hướng mắt của họ Lâm rồi từ từ bước tới trịnh trọng hỏi:
– Tiền bối là Tần lão tiên sanh?
Tần Sấu Ông điềm nhiên đến lạnh thần sắc:
– Phải!
Hạ Quân Hiệp lộ vẻ hân hoan, hấp tấp thốt:
– Xin thỉnh lão tiền bối chuyển bước đến…
Y không kịp dứt tròn câu, Tần Sấu Ông lại nhìn Triển Mộng Bạch điểm phớt một nụ cười, rồi trở về chổ cũ, chẳng nói một tiếng nào.
Lão ung dung nhấc chén trà, đưa lên môi, nhấp nhấp.
Hạ Quân Hiệp sững sờ.
Y quay mình lại, nhìn Lâm Nhuyễn Hồng.
Lúc đó, Triển Mộng Bạch đã tỉnh lại rồi.
Lâm Nhuyễn Hồng cao giọng:
– Tần lão tiên sanh! Cứu một mạng người hơn xây bao nhiêu cảnh chùa, đắp bao nhiêu con đường, cất bao nhiêu chiếc cầu, hà huống Triển lão tiền bối trọn đời vì công đạo, nhân nghĩa luôn luôn cứu khốn, phò nguy, từng chủ trương xá kỷ vị tha…
Tần Sấu Ông lạnh lùng:
– Con trai của Triển Hóa Vũ đang có mặt tại đây, sao ngươi lại phải dùng đến lưỡi ngươi?
Triển Mộng Bạch cảm thấy rợn người.
Bây giờ, y mới thức ngộ ra, trên thế gian này, chỉ có mỗi một Tần Sấu Ông mới giải trừ nổi chất độc trong Tình Nhân Tiễn.
Thì ra, lão là một thần y! Một thánh thủ!
Y gượng đứng vững lên.
Lâm Nhuyễn Hồng thốt gấp:
– Bước tới nói mấy tiếng với Tần lão tiên sanh đi, Mộng Bạch. Vừa rồi…
Hạ Quân Hiệp đưa tay vét vội mấy hạt mồ hôi từ trán đổ ra chảy xuống cằm, còn đọng lại đó, hấp tấp kêu lên:
– Trời! Trời! Cứu người còn gấp hơn chữa cháy, thời gian cấp bách lắm rồi, nếu diên trì mãi, thì hỏng! Hỏng hết!
Tần Sấu Ông cười lạnh.
Khẩn trương tột độ, Hạ Quân Hiệp thét lên:
– Lão tiên sanh đi hay không đi?
Tần Kỳ đứng một bên, thấp giọng gọi:
– Gia gia…
Tần Sấu Ông quắc mắt nhìn con gái, gắt:
– Đừng nhiều lời!
Hạ Quân Hiệp nhún đôi vai, cao giọng:
– Nếu tiên sanh không đi, xin chớ trách tại hạ vô lễ…
Tần Sấu Ông bật cười hắc hắc:
– Ngươi dám động đến sợi lông chân của lão phu chăng? Cho ngươi biết trên đời này, chẳng phải bất cứ danh y nào cũng có thể giải trừ chất độc của mũi tên Nhân Tình đó đâu nhé!
Hạ Quân Hiệp đã bước tới mấy bước…
Người trong nhà lấm lét nhìn Tần Sấu Ông, rồi cùng nhìn nhau, niềm sợ hãi thoáng lộ nơi gương mặt.
Ai ai cũng nghĩ, rất có thể mình cũng bị trúng độc của Tình Nhân Tiễn, cho nên chẳng ai dám mở miệng nói gì.
Vừa lúc đó, có tiếng chân người dẫm nơi thang lầu, gấp rút, rồi một giọng nói trong trẻo vang lên:
– Triển công tử! Gia gia tôi mang cá tươi đến cho công tử đây!
Một thiếu niên xuất hiện nơi đầu thang, y phục đẩm nước, nước còn nhỏ giọt ròng ròng theo thang lầu.
Theo sau thiếu niên là một thiếu nữ y phục xanh, tóc đen huyền, mắt sánh như hai hạt ngọc.
Đôi chân nàng trắng và no tròn, đôi chân mang đôi giày bằng bố xanh thông thường, không sang đã đành, mà cũng không đến đổi hèn vì đôi bàn chân quá đẹp, bốc ngời cái vẻ cao quý.
Thì ra thiếu nữ đó là Đỗ Quyên, đã cứu nhị hiệp Xung Lôi Nhạn Hạ Quân Hiệp trong bộ ba Lao Sơn Tam Nhạn vừa rồi thoát đi cái nạn trần thủy.
Tay nàng còn cầm hai con cá tươi, và cũng chính nàng lên tiếng gọi Triển Mộng Bạch, thanh niên đi trước, bất quá là người đưa đường…
Lên đến lầu rồi, Đỗ Quyên ngượng ngùng, đảo mắt nhìn quanh quẩn, cái vẻ ngỡ ngàng của nàng càng làm tăng thêm cái đẹp ngây thơ của nàng.
Hạ Quân Hiệp trông thấy thanh niên, cao giọng hỏi:
– Lão Tam, đã gặp Tần lão tiên sanh rồi chứ?
Hỏi như thế, là có ý tứ gì? Mỉa mai, hằn học chăng?
Nhưng, chưa ai nói gì, Tần Sấu Ông điềm nhiên thốt:
– Lão phu tuy có cái thuật giải độc, cứu ngươi, song lại không có cái bổn phận giải độc cứu người! Phàm ai ai cũng thế, không thích làm những việc mà mình chẳng có bổn phận phải làm!
Lão day qua Tần Kỳ tiếp:
– Hai con cá đó xem ra tươi quá, chắc phải ngon! Con bước tới lấy đi, rồi bảo làm món nhắm cho cha uống rượu.
Đỗ Quyên giương tròn đôi mắt sáng, kêu lên:
– Đâu phải cá mang bán? Gia gia tôi bảo đem cho…
Mãi đến bây giờ, Triển Mộng Bạch mới cất tiếng được:
– Tần tiên sanh!…vừa rồi… tại hạ nông nổi quá…
Y cúi thấp đầu, giấu vẻ mặt đỏ bừng, đôi tay rung rung.
Y khổ sở vô cùng giữa hai niềm bi thương và phẩn uất cùng dâng lên, cùng dày vò y.
Nhưng, biết làm sao hơn khi y lâm vào trường hợp bất khả kháng!